Thiền sư sanh trong một gia đình khá giả ở vùng nông thôn nước Lào gần vùng đông bắc Thái Lan. Ngài xuất gia sa-di hồi còn nhỏ, hai mươi tuổi ngài thụ giới tỳ khưu (bhikkhu). Trên trình độ lớp bốn ở trường làng, ngài đã học giáo lý căn bản và kinh điển khi còn là một vị sư trẻ.
Sau đó ngài thực hành thiền định dưới sự hướng dẫn của nhiều vị thiền sư địa phương theo truyền thống ẩn dật ở Lào. Ngài đi bộ nhiều năm theo phong cách của một nhà sư thọ hạnh đầu đà, ngủ dưới gốc cây và qua một thời gian ngắn tu tập với thiền sư Achaan Mun, một trong những vị thiền sư Thái Lan - Lào có năng lực và nổi tiếng ở thế kỷ này. Sau nhiều năm vân du và thực hành thiền, ngài trở về cư ngụ trong một khu rừng rậm rạp gần làng quê của ngài. Người dân ở đây nói khu rừng này không có người ở, được biết đây là nơi ở của rắn hổ mang, cọp và ma quỷ, nhưng ngài nói, đây là một nơi hoàn hảo nhất cho một vị tỳ khưu thọ hạnh đầu đà. Một thiền viện lớn đã được thành lập khi có tăng ni và phật tử đến nghe pháp và lưu lại đây. Bây giờ ngài có nhiều đệ tử dạy thiền và nhiều ngôi chùa trong rừng khắp miền đông bắc Thái Lan.
Ði vào Wat Ba Pong, trước tiên người ta dễ trông thấy chư sư đang quay nước giếng, và một tấm bảng treo trên con đường có ghi: "Quý vị đến đây hãy yên lặng, chúng tôi đang hành thiền." Mặc dù có một nhóm hành thiền và tụng kinh hai lần một ngày và thường buổi chiều ngài Achaan Chaa thuyết pháp, cơ bản của thiền định là cách sống. Công việc chư sư là vá y và quét dọn đường rừng và sống thật đơn giản. Chư sư ở đây sống theo hạnh đầu đà giới hạn bửa ăn một ngày một buổi và giới hạn vật dụng, y phục và chỗ ở. Chư vị sống trong những cái lều cá nhân rải khắp cả khu rừng, và tu tập thiền hành trên con đường sạch sẽ dưới những gốc cây. Nhiều đệ tử người phương Tây của ngài bây giờ chọn nơi cư ngụ ở thiền viện mới và sống thiền trong những túp lều rải rác được xây dựng trong những hang động trên sườn đồi.
Chế độ ăn uống giản dị của thiền viện nhằm tạo điều kiện để phát huy trí tuệ. Thiền sư Achaan Chaa nhấn mạnh rằng: "Mỗi người có tốc độ đi riêng của mình", và như thế chúng ta đừng ngại chiều dài của con đường hay điểm đến. "Ðơn giản là hãy trú vào giây phút hiện tại", và ngài khuyên: "Cuối cùng tâm sẽ đạt được sự quân bình tự nhiên của nó khi việc tu tập trở thành thói quen". Ít khi ngài nói đến việc thành đạt bất cứ trạng thái tâm đặc biệt nào hay trạng thái tâm định và tâm giác ngộ. Thay vì trả lời khi được hỏi, ngài hỏi lại chất vấn: nếu ngài có đầy đủ sự từ bỏ tất cả chấp thủ thì còn đau khổ nữa không? Bằng câu trả lời thông thường là "không", ngài sẽ hướng dẫn anh ta, đơn giản là hãy tiếp tục sự thực hành theo dõi tâm của anh và đừng cho dính mắc vào cái gì thậm chí tuệ giác hay kinh nghiệm giác ngộ, chỉ tiếp tục đừng cho dính mắc điều này trong từng giây một.
Ðời sống hàng ngày ở thiền viện phải tập trung tu tập nhiều như hình thức ngồi và đi. Giặt y, làm sạch ống nhổ, quét dọn chánh điện, đi bát, tất cả đều bằng thiền cả, và như ngài Achaan Chaa nhắc nhở chúng ta, ở nhà, rửa nhà cầu, đừng có nghĩ là quý vị đang làm nó như một sự bắt buộc. Ðó cũng là pháp. Thiền nghĩa là chánh niệm vào những gì chúng ta làm. Ðôi khi lối sống này dường như nghiêm khắc và gay gắt và sự phấn đấu để tìm ra sự bình an trở nên là một bài học lớn trong thiền. "Khi quý vị giận dữ hay than oán bản thân, điều đó là một cơ hội lớn để biết được tâm mình". Trong sự tuân thủ giới luật để tạo nên một cộng đồng hoà hợp, chúng ta thấy rõ lòng ham muốn và hình ảnh mà chúng ta phải đối chọi với cuộc sống này như thế nào. Giới luật nghiêm khắc giúp chúng ta cắt đứt nhu cầu bản ngã - hình thức khoe khoang bề ngoài.
Thiền sư Achaan Chaa không có nhấn mạnh bất cứ kĩ thuật thiền nào đặc biệt mà cũng không động viên tu tập tích cực để đạt đến tuệ giác và giác ngộ mau lẹ. Trong hình thức ngồi, người ta có thể theo dõi hơi thở cho đến khi nào tâm tĩnh lặng, và sau đó tiếp tục thực hành bằng cách quan sát tiến trình thân tâm. Sống đơn giản, hãy để tự nhiên, và hãy theo dõi tâm là cơ bản cho sự thực hành. Nhẫn nại là điều quan trọng. Khi còn là một tu sĩ mới ở thiền viện của ngài, tôi bị chán nản bởi những khó khăn của việc tu tập về sự thực hành và hình như giới luật thất thường mà tôi phải theo. Tôi bắt đầu phê bình những vị sư khác về sự thực hành tùy tiện và nghi ngờ trí tuệ trong lời dạy của ngài Achaan Chaa. Có một lúc nọ, tôi đến gặp ngài để nêu lên những thắc mắc và nhận xét rằng ngài đã mâu thuẫn nhau và hình như chính ngài thường làm trái ngược trong cách tu chưa rõ ràng. Ngài cười và chỉ cho thấy bao nhiêu điều mà tôi đã đau khổ do việc phê bình những người xung quanh tôi. Sau đó ngài giải thích rằng, thực ra lời dạy của ngài chỉ là sự bình thường hóa cái tâm. Ðiều đó như là tôi gặp gỡ những người đi trên con đường mà tôi đã quen, ngài nói: "Tôi ngước lên và trông thấy ai đó sắp sửa té xuống mương tay phải của con đường hay là đi lạc ra con đường mòn bên tay phải do vậy tôi gọi to anh ta: "Hãy đi bên tay trái, hãy đi bên tay trái". Một cách tương tự tôi gặp một ai đó sắp sửa đi lạc vào con đường mòn phía tay trái hoặc sắp sửa rơi vào cái hố bên tay trái, tôi gọi to lên: "Hãy đi bên tay phải, hãy đi bên tay phải". Tất cả sự thực hành chỉ là phát huy tâm quân bình, không có dính mắc, không có ích kỷ". Ngồi thiền hay làm việc trong những sinh hoạt hàng ngày của chúng ta là một phần của việc tu tập và theo dõi sát một cách kiên nhẫn để trí tuệ mở mang và an lạc một cách tự nhiên. Ðây là con đường của thiền sư Achaan Chaa.
Thiền sư Achaan Chaa tiếp đãi ân cần những người phương Tây và hơn hai mươi người đã sống và tu học với ngài nhiều năm tháng. Trí tuệ là một cách sống, và ngài Achaan Chaa duy trì lối sống đơn giản, của các tỳ khưu thời đức Phật, áp dụng cho việc học giáo pháp ngày hôm nay.
Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018
Thiền sư Achaan Chaa (Ajahn Chah)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét