Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017
Món quà của sự bố thí
Khi sự thực hành của chúng ta phát triển, có thể có những người sẽ chỉ trích chúng ta về sự buông bỏ những dính mắc và ham muốn của chúng ta. Họ cho rằng việc làm đó không bình thường, vì vậy họ nói, “Thật lạ lùng và điên rồ nếu bạn chẳng muốn bất cứ điều gì trên đời.” Nhưng chúng ta phải hiểu rằng sự ham muốn có nhiều mức độ khác nhau. Khi làm việc, người ta có thể kiếm tiền để mua hàng hóa, vật dụng. Cho tới khi nào mà chúng ta còn làm công việc của mình trong phạm vi của giới, không làm hại và không lợi dụng một ai, thì việc làm đó chẳng có gì sai. Tuy nhiên, xét về mức độ vi tế hơn, chúng ta vẫn có thể gọi đó là một sự ham muốn theo nghĩa muốn mua sắm hàng hóa, vật dụng. Nhưng về mặt giới, việc làm đó của chúng ta không phải là việc làm bất thiện, nó không vượt qua phạm vi của giới hạnh.
Khi chúng ta tiến bộ hơn trong việc tu tập của mình, chúng ta có thể thấy giá trị của việc thực hành bố thí, chia sẻ những gì mình có. Chúng ta có thể làm việc từ thiện như chăm sóc người vô gia cư, hiến máu, giúp đỡ người già, giúp cứu trợ thiên tai và giúp đỡ tài chánh cho những việc đại nghĩa. Chúng ta có thể cúng dường tứ vật dụng như thực phẩm, chỗ ở, y phục và thuốc men cho Tăng đoàn. Khi chúng ta nuôi dưỡng thân mạng của các nhà sư, các vị ấy sẽ nuôi dưỡng tâm của chúng ta bằng cách giảng dạy Giáo pháp cho chúng ta. Và khi chúng ta thực hành bố thí và chia sẻ, chúng ta sẽ thấy có một cảm giác mãn nguyện sinh khởi. Ngay cả như vậy, một số người khác cũng có thể nói, “Thật là lạ. Sao bạn lại cho đi của cải và tiền bạc của mình như vậy?” Trong trường hợp này, có lẽ chúng ta đành phải chấp nhận rằng có thể những người này chưa thấy được giá trị của những việc làm như vậy. Nhưng nếu chúng ta quán chiếu về điều này, chúng ta có thể thấy rằng nếu chúng ta dồn hết sức lực để có thể kiếm tiền ngày mỗi nhiều hơn, chúng ta sẽ chẳng còn thời gian để dành cho việc tu tập tâm linh của chúng ta. Hãy quán chiếu điều này với trí tuệ và chúng ta có thể đi đến chỗ đặt vấn đề cho cái ý tưởng tại sao chúng ta phải coi trọng công việc làm, phải tích lũy nhiều tài sản và của cải ngày càng nhiều hơn?
Sự giàu có về mặt tinh thần mà chúng ta tích lũy được, chúng ta có thể tự thấy rằng nó rất đáng giá, rằng nó làm cho chúng ta hạnh phúc. Đức tin, sự từ bỏ, sự rộng lượng, giới hạnh và trí tuệ - những phẩm chất mà chúng ta phát triển qua sự thực hành của chúng ta sẽ đi theo chúng ta ngay cả sau khi chúng ta chết đi. Và đối với những lời bình phẩm của thiên hạ, chúng ta đành phải chấp nhận rằng đó là quan điểm của chính họ. Ai cũng có quan điểm của riêng mình, và hạnh phúc mà chúng ta có được qua sự thực hành thì ở ngay trước mặt của chúng ta. Thậm chí nếu họ nói chúng ta điên, chúng ta cũng chẳng nên bận tâm, lo lắng. Chúng ta chỉ cần tự biết cho chính mình, “Việc làm này không điên, nó chính là trí tuệ.”
Trích sách: Tìm về Sự Thật
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét