Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

SUY NGẪM 15

  “Khi bạn tìm cách trừ diệt sự lo sợ hay giận dữ thì điều gì sẽ xảy ra? Bạn sẽ chỉ trở nên bồn chồn hoặc chán nản và để dứt trừ trạng thái bồn chồn hay chán nản này, bạn lại tìm một cái gì đó để ăn, để hút, để uống, hay đi làm một việc gì khác. Nhưng nếu bạn biết chờ đợi và chịu đựng sự bồn chồn và thôi thúc của tham ái, sân hận, hoài nghi, tuyệt vọng và những cơn dã dượi buồn ngủ, và nếu bạn quan sát được sự chấm dứt của những trạng thái tâm lý nầy, tâm bạn sẽ bình tĩnh và sáng suốt. Đây là điều mà bạn sẽ không bao giờ có được nếu bạn cứ luôn chạy theo cái gì đó ở bên ngoài.
Đây là ý nghĩa và tác dụng của công phu hành thiền. Nếu bạn ngồi thiền và kiên nhẫn chịu đựng, tâm bạn sẽ đi vào tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng nầy sinh khởi vì bạn không còn tìm cách để trở thành một cái gìđó hay diệt trừ một cái gì đó. Đó là sự tĩnh lặng nội tâm hay thoải mái trong tâm hồn trong đó bạn không còn gắng sức vùng vẫy để trở thành một cái gì đó (ái hữu), để thỏa mãn dục lạc (ái dục), hay để diệt đi những phiền muộn (ái vô hữu). Bạn sẽ trở nên thoải mái với những trạng thái phiền muộn nầy. Bạn bắt đầu sống chung một cách bình thản và dễ chịu với những đau đớn về thể xác, bồn chồn và khổ tâm của mình v.v… Và rồi bạn thấy rằng tâm của bạn sẽ rất trong, rất sáng và rất an tĩnh”
(Trích: Tứ Diệu Đế)
………….
Chúng ta thực hành sự xả bỏ, chứ không nắm giữ. Nhưng trước khi có thể xả bỏ sự dính mắc vào Thân và Tâm, chúng ta phải biết rõ bản chất của nó. Khi ấy sự xả bỏ xảy ra tự nhiên.
(Thiền sư Ajahn Chah)
………….
Ta hãy lấy một ví dụ của mặt trời hoàng hôn: Việc gì xảy ra khi ta nhìn thấy nó? Thật ra thì ta không hề thấy mặt trời! Khi mắt ta tiếp xúc với một sắc tướng, chúng ta chỉ thấy màu sắc, chứ không phải là một vật có không gian ba chiều. Thật ra, màu sắc ấy, cùng với tâm thức nhận biết nó, diệt mất đi ngay trong cùng một sát-na ấy, nhưng ta không hề ý thức được điều đó. Sau khi màu sắc được tiếp nhận, sát-na tâm thức kế tiếp gợi lại hình ảnh ấy từ ký ức và đặt tên cho đó là "hoàng hôn." Cả tiến trình ấy chỉ xảy ra trong một giây chớp nhoáng. Tuy vậy, khi ta vừa đặt tên cho nó thì hình ảnh ban đầu cũng đã qua mất rồi. "Hoàng hôn" là một ý niệm của tâm thức, chứ không phải do đôi mắt của mình. Và rồi chúng ta lại đi nhận sản phẩm được tạo dựng bởi tâm thức này như là một thực tại cố định.
Như vậy khi có một mảng trời xanh hiện vào vùng tâm thức của mình, một tia chớp của nhận-thức nhận thấy được màu sắc ấy. Khi có một mùi hương nào thoáng qua theo làn gió, một chớp của tỷ-thức nhận được mùi thơm ấy. Chỉ có tâm thức và đối tượng, và chỉ là vậy thôi. Cuộc sống của ta chỉ là một chuỗi tâm thức, mà ta liên tục ý thức được sắc màu, mùi, vị, âm thanh và những cảm giác tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Ngoài tiến trình này ra, không còn gì khác nữa xảy ra.
Nếu như chúng ta sống với hiểu biết rằng cuộc sống này chỉ gồm tâm và đối tượng cúa chúng thì sẽ không có sự chấp giữ Tôi và của Tôi nữa.
Trích: Có gì là nhiệm mầu trong giây phút hiện tại?- Cynthia Thatcher
………….
Bạn không nên bận tâm, lo lắng về việc có được kinh nghiệm tốt hay xấu. Mà chỉ nên quan tâm đến thái độ của mình đối với những kinh nghiệm đó mà thôi.
 Không có kinh nghiệm nào tốt hơn những gì bạn đang kinh nghiệm trong hiện tại cả. Điều quan trọng là cái tâm đang ghi nhận và hay biết. Điều quan trọng nữa là cách tâm mình nhìn nhận và quan sát kinh nghiệm ra sao.

Không cần phải chạy quanh tạo ra hay cố gắng chạy theo những kinh nghiệm khác nhau. Đề mục thiện hay bất thiện? Nó chẳng thiện hay bất thiện gì cả. Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm. Đề mục chỉ là đề mục. Đề mục thì luôn luôn có sẵn đó. Hay biết và quan sát là công việc của tâm mình. Tâm biết tất cả những gì ở đó cần phải biết.
(Thiền sư Sayadaw U Tejaniya)
………….
Tại sao chúng ta phải hành thiền chánh niệm?

Tại vì muốn hiểu biết. Chúng ta chờ đợi, quan sát và nghiên cứu những gì đang xảy ra trong thân và tâm để hiểu được bản chất của chúng. Chúng ta không cố ý làm cho tâm tĩnh lặng hay cố để có được một “thời thiền tốt”. Chúng ta hành thiền để nhìn rõ những gì đang diễn ra như nó đang là và có thái độ đúng đắn với những thứ đang diễn ra đó (chúng là tự nhiên và không có gì là của mình cả). Chúng ta cần thấy tự nhiên chỉ là tự nhiên, nhận biết đề mục chỉ là đề mục, và biết những gì cần biết.

Khi có suy nghĩ rằng đối tượng này hay kinh nghiệm này là tốt, thì sẽ có tâm tham với nó. Khi thấy rõ cái nào đúng là đúng, cái gì có mặt ở đấy là ở đấy, thì bạn sẽ thoát khỏi tâm tham. Nhưng khi chúng ta không biết cách thực hành thì tâm tham sẽ chỉ càng lớn mạnh. Chúng ta hành thiền để giải thoát khỏi tâm tham và chấp thủ.
(Thiền sư Sayadaw U Tejaniya)
………….

Tôi không chỉ là một nhà sư;
tôi còn là một con người. Tôi không cố gắng
để trở thành một người nào đó.
Tôi chỉ đang cố gắng hết sức mình để hiểu được
những gì đang diễn ra trong cuộc đời mình,
trong trái tim mình, trong tâm mình mà thôi.
Không tiếng tăm, không danh vọng; khi tôi ra đi
 khỏi cõi đời, không gì còn ở lại.
(Thiền sư Sayadaw U Jotika)

………….
Khi mà các đối tượng tác động lên các căn thì có 1 thức sinh khởi. Vậy thì thức viññāṇa có mặt khi có sự tác động của đối tượng lên căn tương ứng. Chúng ta thấy khi có sự tác động của hình sắc lên mắt, âm thanh lên tai, mùi đối với mũi, vị đối với lưỡi, xúc chạm với thân, và pháp trần đối với ý căn. Có sự hay biết, nhận biết được điều đó chính là thức – hay viññāṇa.

Như vậy chúng ta có sáu thức:
- Cakkhuviññāṇa là nhãn thức
- Sotaviññāṇa là nhĩ thức
- Ghāṇaviññāṇa là tỷ thức
- Jivhāviññāṇa là thiệt thức
- Kayaviññāṇa là thân thức
- Manoviññāṇa là ý thức
Thời điểm lúc ban đầu chỉ có mặt sáu thức này thôi. Nó ghi nhận đối tượng mà không có các khái niệm được xen vào ở đó. Chính vì vậy các thức này còn được gọi là paramatha viññāṇa,
paramatha ở đây là chân đế hay sự thật tuyệt đối. 

Khi khái niệm được xen vào, nó chuyển thành các tiến trình ở ý môn hay tiến trình ở tâm (citta). Mọi người lưu ý một chút là tiến trình đầu tiên, ví dụ như khi ta nhìn, sẽ xảy ra ở các căn, ngũ căn. Nhưng tiến trình thứ hai, khi mà các khái niệm được xen vào thì lúc này nó xảy ra ở ý môn. Bất kể là chúng ta nhìn, chúng ta nghe, ngửi, nếm xúc chạm thì khi mình biết được nó là thế này, nó là thế kia,...ví dụ nhìn biết được đó là cái bút, biết được màu, biết được dài, ngắn, thì lúc đó cả một loạt tiến trình sau xảy ra ở ý môn. Còn cái đầu tiên xảy ra ở đâu? Ở nhãn môn. Ngay chập kế sau chập đó thì xảy ra ở ý môn
Khi chúng ta nhìn như vây thì chúng ta sẽ thấy nó không phải một tiến trình đơn thuần mà nó là các tiến trình nối tiếp nhau. Có những tiến trình thuộc về ngũ môn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và kế tiếp sau đó là một loạt các tiến trình khác nó sẽ xảy ra ở ý môn. Và điều đó cho thấy là nếu một thức sanh khởi tại một trong năm căn đầu tiên thì nó sẽ trở thành đối tượng cho tiến trình ở ý môn xảy ra kế tiếp.
Mới đầu chúng ta thấy cái nhìn nó xảy ra ở nhãn môn thì dễ rồi. Khi có căn, có đối tượng tiếp xúc với nhau thì lúc này một cái thức sanh khởi thì ở đây chúng ta có nhãn thức sanh khởi. Và rồi tiến trình kế tiếp đó là nhãn thức đó lại trở thành đối tượng, và nó xảy ra tiếp ở trong ý môn, lúc này nhãn thức đó tác động với ý căn.
Vậy ý căn rất là vi tế, chúng ta chỉ có thể quan sát nó thông qua việc hành thiền. Thông qua hành thiền chúng ta mới nhận ra được cái chức năng, hoạt động ở trong ý môn mà thôi.
Mới đầu, chúng ta phải hiểu về mặt lý thuyết đã, sau đó cần phải thực sự hiểu thông qua việc hành thiền.
Trưởng lão Thiền sư Ledi Sayadaw,
………….
Nếu hành thiền với mục tiêu là có được sự tĩnh lặng, hay cố gắng tạo ra sự tĩnh lặng hoặc tuệ giác là bạn đang cố bắt đầu đi từ nơi mà chúng ta sẽ đến. Do đó chúng ta sẽ luôn tụt lại chỗ đang đứng, bởi vì chúng ta không bắt đầu đi từ nơi mà chúng ta đang đứng. 
 (Thiền sư Sayadaw U Jotika)
………….
Tất cả chúng ta đều có những trạng thái
tâm tốt (tâm thiện) và những trạng thái
 tâm xấu (tâm bất thiện).
Chánh niệm, nhận biết cả hai trạng thái tâm đó
 là điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm.
Chúng ta thực sự không kiểm soát được tâm mình chút nào hết, chính vì thế nó mới là vô ngã (anattā). Phải thấy ra rằng bạn không phải là người tạo ra những trạng thái tâm bất thiện ấy.
Hiểu biết về bản chất của tâm mình, tức là bản chất tham (lobha), sân (dosa), si (moha), ngã mạn (māna), ghen tỵ (issā), bỏn xẻn-keo kiệt (macchariya), hối (kukkucca)…; cả chánh niệm (sati), định (samādhi), tuệ (paññā), tâm từ (mettā), tâm bi (karunā)…còn quan trọng hơn việc đắc được một tầng đạo quả nào đó hay đoạn trừ được một loại phiền não (kilesa)nào đó.
Sự hiểu biết đến trước tiên;
sự vượt qua (phiền não) sẽ xảy đến một cách
 tự nhiên sau đó.
Vì vậy, hãy sẵn lòng quan sát bất cứ những gì
 đang diễn ra trong hiện tại.
Phải thấu hiểu bản chất của chúng trước đã.

Nếu bạn thất vọng bởi vì trong tâm bạn vẫn còn tham, sân…khi đó bạn sẽ không thể thấy được mọi thứ một cách rõ ràng bởi vì tâm bạn xáo động, tâm bạn có sân (khó chịu, bất mãn)[23]. Hãy nhìn ngay cả những cái đó nữa.
Chỉ khi bạn sẵn lòng nhìn tâm mình
mà không có mặc cảm tội lỗi, không muốn làm
bất cứ điều gì đối với nó, chỉ khi đó bạn mới
có thể thấy nó một cách rõ ràng.
Khi đó nó sẽ mất đi quyền lực đối với bạn bởi vì
nó đã bị lộ mặt – nó bị bạn thấy rõ.
Xin đừng lên án tham, sân, ngã mạn…Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ chúng. Bạn không thể trưởng thành được trừ phi bạn hiểu biết thật rõ về chúng. Chỉ khi nào thấy rõ chúng với một cái tâm sáng suốt thì bạn mới học hiểu được về bản chất thật sự của chúng, nhất là bản chất vô ngã (ānatta).
(Thiền sư Sayadaw U Jotika)


………….
Nếu bạn thất vọng vì thấy mình vẫn còn thích điều gì đó phù phiếm thì tức là bạn đang đòi hỏi ở mình quá nhiều, đang mong đợi quá nhiều. Song nếu bạn nhìn cái tâm thích đó và quan sát nó một cách bình thản, chỉ khi đó bạn mới thấy được nó như nó đang là. Thất vọng, buồn bực (mà thực ra đó chính là tâm sân) là người bạn đồng hành gần gũi của tâm tham và ngã mạn. Bởi vì bạn nghĩ: tôi là một thiền sinh, lẽ ra trong tâm tôi không nên có tham và ngã mạn khởi lên như vậy, và bạn thất vọng về điều đó. Mỗi khi có tâm tham hay sự ham thích khởi lên, hãy nói với nó: hãy ở lại để tao soi xét, nghiên cứu mày. Thực ra nghiên cứu nó rất là hay. Tâm tham là một nghệ sỹ ảo thuật vĩ đại nhất. Hãy học hiểu và thấy rõ cách chúng tạo nên những cảm giác ưa thích như thế nào. Cái tâm mình bị tâm tham lừa đảo đến mức chúng ta không thể thấy được nó như một nhà ảo thuật, chúng ta chỉ thấy nó là “mình”.
Cái tâm mình rất là lưu manh. Nó luôn luôn muốn thay đổi, muốn có cái gì đó khác biệt. Nó khao khát sự giải trí, khao khát sự kích thích. Buồn chán là một vấn đề rất lớn. Đó là điều hầu hết mọi người đang làm – chạy theo sự kích thích dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nếu không cảnh giác quan sát tâm mình, chúng ta có thể  sẽ tự mãn bởi vì mình là người hành thiền, là Phật tử, là người hiểu biết Phật Pháp; là người biết đúng-sai, phải-trái…đó cũng lại là ngã mạn nữa.
Mỗi khi khởi sanh tâm ngã mạn, hãy sẵn lòng quan sát nó, hãy nhìn nó thật kỹ. Đừng cố xua đuổi nó đi. Quan sát thật rõ ràng là điều rất quan trọng. Mọi việc còn lại sẽ tự nó lo cho chính nó. Chỉ khi nào bạn đắc đạo quả A-la-hán thì mới hoàn toàn thoát khỏi ngã mạn cơ mà.
( Trích Đừng coi thường Phiền Não)
………….
Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong thiền là không đồng hóa với các hiện tượng của thân (sắc-rūpa) tâm (danh-nāma).
Thiền không phải là để vượt qua cái gì hết,
mà là vượt qua sự tự đồng hóa chính mình
với các tiến trình danh sắc (nāmarūpa).
Tại sao người ta buồn bực và thất vọng? Bởi vì họ tự đồng hóa mình với danh sắc. Vì vậy, mỗi khi tâm mình có tham, sân, dục vọng, ngã mạn hay dính mắc…điều quan trọng nhất là hãy nhìn chúng như là một hiện tượng tự nhiên, chứ không nhìn chúng như một cái gì đó thuộc về cá nhân mình. Đừng cố tìm cách vượt qua chúng
(Thiền sư Sayadaw U Jotika)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét