Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Tránh Lạc Đường Trong Thực Tập Thiền.


Trong lúc thực tập Thiền, một thiền sinh có thể bị “lạc đường” vì nhiều lý do. Những điều quan trọng sẽ được nêu ra sau đây để cảnh giác mỗi thiền sinh vì chúng thường hay xảy ra…

Trước hết, một nguy hiểm quan trọng là thiếu sự thúc đẩy đúng đắn trong việc thực hành Thiền. Khi Bát chánh đạo được trình bày, phần “trí tuệ” đứng ngang hàng với sự hiểu biết đúng đắn, kế đến là động cơ thúc đẩy chính đáng, và rồi nhấn mạnh về những gốc rễ khéo léo của cảm xúc làm nền tảng cho sự thực hành: những gì có liên quan đến sự từ bỏ (không ham muốn), thiện chí (không ghét) và không bạo động được nhắc đến. Nếu một người đến với Thiền Phật giáo mà không có sự hiểu biết chính đáng về khổ (dukkha) và sự chấm dứt của đau khổ, thêm vào đó không có động cơ chính đáng, thì chắc chắn rằng sự thực tập Thiền của người này sẽ dễ bị lạc lối.

Thí dụ, có những người thực hành Thiền như là một cách để đầu tư quyền lực, học có thể gây ảnh hưởng hoặc thôi miên các học trò. Những kẻ khác xem đây như là một cách nhanh chóng để có nhiều học trò và mau làm giàu. Để được nổi tiếng cũng là một động cơ không xứng đáng. Tất cả những điều này, như là những động cơ đùa giỡn với thiền định, có thể đưa đến bệnh hoạn cho kẻ không thận trọng, và đôi lúc đưa đến sự rối loạn tâm trí.

Trong Thiền Phật giáo, không có gì tệ hơn một người cho rằng kinh nghiệm của mình là tột bực, và cho mình là một vị thầy trong khi kinh nghiệm Thiền của họ còn non nớt.

Ở đây cho thấy, rõ ràng là điều này có thể đưa đến một nguy hiểm xa hơn nữa - là lòng kiêu hãnh dưới nhiều hình thức. Sự kiêu hãnh của một người nhìn đươc ánh sáng trong lúc thiền định, và cho rằng đây là một dấu hiệu báo trước của sự nhập định. Kế đó, sự kiêu hãnh của kẻ vừa chạm đến trạng thái định dù chỉ là một khoảnh khắc, và tự cho rằng mình là người “đắc đạo”, và đây là một yếu tố rất mạnh mẽ để tự thuyết phục, nếu như không thuyết phục được những người khác. Những người tầm thường khi thực tập Thiền có thể nảy sinh những thái độ cho rằng mình “thành thiện hơn người khác”: “tôi cố gắng, trong khi anh…”, hoặc “tôi thực tập Thiền mỗi ngày, trong khi anh…”. Sự kiêu hãnh là một chướng ngại lớn cho bất cứ sự tiến triển nào, trong khi chỉ có đức Phật hoặc vị A la hán mới có thể dẹp bỏ nó, mọi người nên dè dặt, và luôn sử dụng chánh niệm để kiểm soát.

Một nguy hiểm khác là, nhiều người luôn tìm kiếm cái gọi là “tiến bộ”. Người này tin chắc rằng mình đang “ tiến bộ”, vì khi thiền định họ thấy những ánh sáng, nghe những âm thanh, hoặc có những cảm giác kỳ lạ. Theo thời gian, người này bị những thứ này quyến rũ, và dần dần quên rằng mình thực tập Thiền là ước vọng tìm con đường giác ngộ. Sự “thiền định”của người này trở nên thoái hóa, nghiêng về những ảo mộng và biến cố kỳ lạ, đưa người này vào thế giới của huyền bí và ma thuật. Con đường này là con đường đưa thiền sinh vào những vướng mắc. Những hiện tượng này dú có hấp dẫn cách mấy đi chăng nữa, chúng ta cần được mạnh mẽ dẹp bỏ bằng cách chỉ chú tâm, không để cho ý nghĩ rời rạc chú ý đến chúng, và như vậy sẽ tránh được những xao lãng.

Ngoài những “ảo mộng” mà một người có thể thấy, cho dù chúng ở trong (được tạo ra bởi tâm thức của một người) hay ở ngoài (được tạo ra bởi những sinh vật bên ngoài), đối với vài người học Thiền cũng có một kinh nghiệm làm sợ hãi, như thấy được thân thể của mình bị tan hoại chỉ còn xương hoặc bị phình ra như một xác chết. Nếu một kinh nghiệm như thế này xảy ra, hoặc những kinh nghiệm khác tương tự như thế, người ấy cần thu hồi lập tức cái thấy của mình khỏi ảo giác này, nếu như họ không có thầy hướng dẫn. Những ảo giác đáng sợ như thế này có thể được sử dụng một cách chính đáng và lợi ích, nhưng nếu không có sự chỉ dẫn của một vị thầy thì thiền sinh nên tránh chúng là hơn, bởi chúng có thể đem đến cảm giác sợ hãi hay chán sống.

Một nguy hiểm khác nữa là cố gắng thực tập thiền trong khi tâm thần đang bị dao động bởi những cảm giác, tâm lý mất thăng bằng và chưa chín chắn. Sự hiểu biết về giá trị của những việc làm phước thiện hoặc tạo công đức rất là hữu dụng trong lúc này. Công đức làm thanh tịnh tinh thần, đây là một nền tảng rất tốt cho sự phát triển tinh thần, dễ dàng cho việc nhập định và như vậy sự hiểu biết sâu sắc sẽ xuất hiện dựa vào công đức đã gieo. Những việc làm công đức có thể được tìm thấy trong cuộc sống như: bố thí và lòng rộng lượng, giữ gìn những giới cấm, giúp đỡ và phục vụ những người khác, kính trọng , và hết lòng nghe giảng pháp (Dhamma), thiết lập sự hiểu biết chính đáng về pháp, tất cả những điều này là việc làm công đức, đem đến hạnh phúc và những cảm xúc chín chắn. Công đức, một người nên luôn nhớ rằng, mở tất cả các cánh cửa ở mọi nơi. Công đức có thể làm được, và mang đến nhiều cơ hội thăng hoa. Hãy để tâm thức luôn nghĩ về việc làm công đức, là sửa soạn cho tâm thức để có thể thực hành thiền và phát triển sự nhập định cũng như đạt được trí tuệ.

Nếu một người thực tập thiền mà vẫn nắm giữ những tham đắm của mình, những gì mình thích cũng như ghét, rõ ràng là làm cho con đường trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Thiền định ngụ ý là từ bỏ, và không có một thực tập nào có thể thành công nếu một người không sửa soạn ít nhất là cố gắng giảm bớt tham lam và sân hận, canh chừng sự ham muốn nhục dục, và nhận diện được si mê khi nó xuất hiện và làm mờ tâm tư. Một người chấp nhận từ bỏ cho tới lúc có những thay đổi bên ngoài (chẳng hạn như trở thành một vị Tăng hay Ni), cũng còn tùy thuộc vào cá nhân và hoàn cảnh chung quanh, nhưng chắc chắn một điều là: sự từ bỏ từ bên trong, một điều khá quan trọng, đó là thái độ từ bỏ đối với những dữ kiện không tốt của tinh thần cũng như sự buông lung dục lạc.

Một nguy hiểm khác cũng thường có liên quan đến những nguy hiểm kể trên là: có một người tự dưng có cơ hội để thực tập thiền định trong một thời gian dài hạn. Người này ngồi xuống với quyết tâm là: “bây giờ tôi sẽ thiền”. Dù cho người này có một năng lực rất mạnh, họ ngồi và ngồi, đi và đi , nhưng tâm thần thì xáo trộn và không được an bình. Có thể là vì họ cố gắng quá do đó bị xáo trộn. Hơn nữa, người này nên hiểu rằng, trong khi thiền cần phải biết rõ giới hạn của chính bản tánh mình. Cũng giống như bất cứ người công nhân nào, nếu biết được giới hạn của sức lực mình thì sẽ cẩn thận không để mình bị mất sức. Với chánh niệm, một người cần biết đâu là cực độ của lười biếng và của căng thẳng, để mà tránh.
Sự cố gắng quá độ hoặc thực tập quá mức sẽ tạo nên những trạng thái xáo trộn về mặt cảm xúc. Sự tức giận bất chợt hoặc kéo dài về những việc nhỏ nhặt, những ham muốn nhục dục mãnh liệt, những ảo giác kỳ lạ và những hình ảnh tưởng tượng quái dị có thể xuất hiện từ sự thực tập gay go nhưng thiếu sáng suốt.

Với những nguy hiểm này, chỉ có một vị thầy kinh nghiệm mới có thể cho được lời khuyên thích ứng, và như thế tránh được những nguy hiểm nói trên và những đổi hướng sai lệch, và thiền sinh mới có thể tiếp tục thẳng tới con đường Niết bàn. Những người nào không có thầy, cần tiến bước một cách cẩn trọng, và cẩn thận kiểm soát sự phát triển của mình bằng chánh niệm. Nếu người này để ý với chánh niệm và thấy rằng dù cho cố gắng với sự thực tập Thiền, vẫn không thay đổi được gì cho cuộc sống hiện tại của họ, họ không có được sự an bình nội tại hoặc sự liên hệ với những người chung quanh cũng không tốt đẹp hơn như vậy có nghĩa là có gì đó không ổn. Vì thế nên ngưng tập Thiền trong một thời gian, và trong lúc này nên tìm những tài liệu xác thực, tốt nhất là gặp một vịthiền sư có kinh nghiệm, và nên để ý đến những vấn đề đạo đức chưa được hóa giải, nếu không thì tâm thức khó lòng mà phát triển được; và nên cố gắng sống đời sống phạm hạnh căn bản của người Phật tử. Con đường thực tập của Trung đạo sẽ không có tiến triển nếu một người xao lãng với những vấn đề căn bản đạo đức.

Thiền sư Khantipalo - Mỹ Thanh dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét