Quán chiếu tâm này, cái tâm có xu hướng phóng đi lang thang, thích tưởng tượng, đi lạc vào quá khứ và tương lai. Chúng ta phải tự huấn luyện để thấy sự vật là không chắc chắn, là thay đổi, là vô thường. Cho dẫu chúng ta cố gắng hoạch định tương lai của mình như thế nào đi nữa, nó không bao giờ hóa ra như chúng ta nghĩ. Chúng ta có thể tiêu tốn nhiều thời gian vào loại suy nghĩ như thế này. Nhưng bởi vì chúng ta vẫn còn bị che lấp bởi si mê, những tâm hành này vẫn tiếp tục sanh khởi. Vì vậy một hành giả thiện xảo sẽ chuyên chú quan sát tâm mình, xem tất cả những hiện tượng phóng tâm này như là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Nếu chúng ta tìm một cái ngã, một con người, một chúng sanh, một cái tôi thực thể hoặc ai đó trong những vọng tưởng này, chúng ta sẽ không thể tìm thấy. Đây được gọi là sử dụng sự vô thường, bất toại nguyện và vô ngã làm đề mục thiền.
Ngài Ajahn Chah thường nói rằng sử dụng ba đặc tướng này làm để mục thiền sẽ đưa đến việc trí tuệ sinh khởi. Nó có sức mạnh thay đổi được quan kiến sai lầm và sửa thẳng lại một cái tâm bị cong vẹo. Nhưng nếu trí tuệ không sinh khởi tột bực, đó là do định của chúng ta không đủ mạnh. Trong trường hợp đó, chúng ta phải quay lại và tái thiết lập chánh niệm tỉnh giác trên hơi thở vào và hơi thở ra, dành cho tâm thời gian để nghỉ ngơi trong sự an tĩnh của định.
Nếu chúng ta quán sát quá nhiều mà không làm cho tâm an tịnh trước tiên hết, chúng ta sẽ thấy suy nghĩ của chúng ta sinh khởi nối tiếp không ngừng, sinh khởi quá mức, và như vậy thì việc quán chiếu của chúng ta hóa ra chỉ là ngồi nhìn những vọng niệm của tâm. Đây không phải là cách đúng đắn để quán chiếu. Vì vậy, chúng ta phải quay lại và làm cho tâm an tịnh, dành cho nó thời gian để nghỉ ngơi và lấy lại sức mạnh. Bất kỳ phương pháp nào chúng ta sử dụng để an tâm, cho dù đó là chánh niệm trên hơi thở, niệm rải tâm từ, niệm Ân Đức Phật hay niệm sự chết, tất cả chúng đều đưa đến một kết quả như nhau.
Trích sách: Tìm về Sự Thật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét