Khi không làm chủ được mình, người ta sống theo phản ứng bản năng hơn là sự điều khiển của ý thức qua việc quản lý tâm ý và hành vi. Thông thường khi ấy, người nguyên tắc nhất cũng dễ vi phạm những quy tắc mà bình thường họ tự lập ra và nghiêm túc thực hiện.
Sống theo bản năng: liều lĩnh và nguy hiểm
Khi không làm chủ được mình, người ta sống theo phản ứng bản năng hơn là sự điều khiển của ý thức qua việc quản lý tâm ý và hành vi. Thông thường khi ấy, người nguyên tắc nhất cũng dễ vi phạm những quy tắc mà bình thường họ tự lập ra và nghiêm túc thực hiện.
Luật lệ, xét cho cùng, là phạm vi chúng ta xác định để tự mình thể hiện đầy đủ nhân vị làm ‘người’; vượt qua ngưỡng ấy, chúng ta tự hạ thấp nhân cách của mình và đôi khi phải chuốc họa vào thân. Ví như người đi đường, một khi không làm chủ được mình, thay vì đi bên phải và đi đúng làn dành cho phương tiện mình đang điều khiển theo luật định khi tham gia giao thông, họ lại đánh võng vòng vèo từ bên phải sang bên trái; thế là họ va quẹt vào người đi ngược chiều và gây ra tai nạn, rước họa cho mình và gieo khổ cho người. Nhiều người trẻ bốc đồng không làm chủ mình, đua xe tốc độ, không lường đến hiểm nguy, chỉ vài lời nói khích của bạn bè thì không còn biết tôn trọng luật lệ, coi mạng sống con người chẳng là gì cả và kết cuộc gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, dẫn đến khổ đau cho mình và người.
Khi không làm chủ được mình, người ta như đang quờ quạng trong tăm tối và si mê đến ngu xuẩn, đem cả thân và tâm giao cho bản năng sai khiến rồi hành động liều lĩnh, nói năng thiếu sự kiểm soát của ý thức, đến khi tỉnh táo trở lại thì mọi chuyện e đã quá muộn màng. Người không làm chủ được mình dễ dàng sa ngã vào các tệ nạn xã hội, các trò đỏ đen may rủi có sức hấp dẫn và có tính gây nghiện ghê gớm, đến mức phải tan cửa nát nhà, gia sản tiêu tan, sự nghiệp không còn, hôn nhân đổ vỡ, người thân phân tán, gia đình điêu đứng v.v. vẫn không biết dừng lại. Đến lúc tỉnh trí, cảm giác ân hận choán hết tâm hồn, nhưng cũng không thể giải quyết được hậu quả vì không ai có thể quay ngược thời gian để thay đổi một quyết định sai lầm trong quá khứ.
Khi không làm chủ được mình, người ta không còn khả năng tự quyết, chính lúc ấy họ như đã tự đánh mất chính mình. Chẳng khác nào chiếc xe đang lao xuống vực thẳm mà người điều khiển “lạc tay lái”, không thể lường được biết bao hiểm nguy đang chực chờ phía trước. Khi không làm chủ được mình, chúng ta bị chi phối bởi cảm xúc bản năng vốn chỉ có sức mạnh hoang dã mà không có mắt dẫn dắt, rồi hành xử theo tập quán, lúc này lý trí dường như đã bị che lấp bằng dải băng đen sì, đành bất lực đâm đầu vào bụi rậm đầy gai nhọn thay vì đi trên con đường thênh thang rộng lớn ở ngay trước mặt. Đến khi gai đâm tứ bề mới đau đớn biết dường nào!
Khi không làm chủ được mình, con người trở nên cô đơn, trống vắng, thường có xu hướng tìm nguồn vui từ các cuộc chơi tầm thường hay các thú vui vô bổ, và chỉ khi ‘ông chủ’ trở về với thân, họ mới cho rằng mình quá ngu muội khi quờ quạng trong “vùng mù” tối tăm không định hướng! Khi không làm chủ được mình, con người trở nên liều lĩnh và bất cần, ngạo đời và khinh bạc tất cả. Họ có những biểu hiện như ta đây là người hùng và mạnh mẽ, nhưng nào biết được, hơn bao giờ hết, họ thật sự yếu đuối và dễ dàng sa ngã nếu chẳng may rơi vào những cám dỗ mà bình thường không cần cố gắng họ cũng có thể vượt qua dễ dàng.
Khi không làm chủ được mình, con người trở nên thiếu bao dung, ngay cả với chính bản thân mình, thậm chí có khi ác độc với người vì họ tự nhủ: “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”. Với lòng tham, dù có nhận được sự tử tế của những người xung quanh, họ vẫn cảm thấy thiệt thòi, thiếu thốn, có cảm giác như mất đi niềm tin vào bản thân, con người và cuộc sống. Trong hoảng loạn, họ tự hủy hoại mình bằng cách này hay cách khác và làm tổn thương những người xung quanh cũng như môi trường sống. Đối với họ, tương lai chẳng có ý nghĩa gì mà chỉ là một bầu trời xám xịt. Thế là, họ hằn học cho rằng, cuộc đời quá bất công và tàn nhẫn, nhưng tiếc rằng họ không tự xét mình. Những lúc như thế, con người không bao giờ suy nghĩ chín chắn, cánh cửa này khép lại thì nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra và cuộc sống vẫn luôn độ lượng với những người có ý chí tiến thủ và nghị lực vươn lên để dần tập làm chủ lấy mình.
Khi không làm chủ được mình, con người luôn sống trong tình trạng mất thăng bằng. Dù hai chân bước đi trên đất mà tâm cứ chao đảo, hụt hẫng, bất an và căng thẳng. Trí thông minh và sự giỏi giang thường ngày trở thành một mớ hỗn tạp và bấn loạn. Lầm lũi và cô đơn, hoang mang và mỏi mệt, con người sống trong bế tắc và khổ đau. Khi không làm chủ được mình, con người chẳng bao giờ nhận thức rằng, dù chuyện gì xảy ra và tác động đến mình thế nào, cảm xúc (phản ứng của tâm đối với các tác động) dù có cường độ mạnh mẽ đến đâu, đó cũng chỉ là cảm xúc nhất thời, rất có thể không chính xác và luôn là hàm số có độ biến thiên lớn nên không ổn định. Trong dao động, họ không đủ tỉnh táo để hiểu rằng, cần giữ tâm thăng bằng, ít dao động mới tìm được giải pháp tối ưu trong những lúc ngặt nghèo nhất. Nói gì thì nói, một khi đã rơi vào "vùng mù” thì đành buông xuôi theo nghiệp lực (sức mạnh của thói quen)! Ngay cả tiếng ‘kêu cứu’ cũng không thốt ra được, nói chi đến việc vẫy vùng đi ngược lại sức mạnh của bản năng. Khi ấy, con người như đang “sốt cao” với sự tác động của nhiều duyên bên ngoài, nổi cộm nhất là tác động ghê gớm của lốc xoáy danh và lợi. Khi không làm chủ được mình, con người mất bình tĩnh, chỉ có mơ và mờ, quờ và quạng mà thôi.
Làm chủ tự tâm: an nhiên và tĩnh tại
Ba từ đầu tiên của Kinh Pháp Cú là “Tâm làm chủ”. Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta, tâm định hướng và dẫn đường cho tư duy của ý, lời nói của miệng và hành động của thân. Do đó, nếu tâm ta bị dính vào tiền, thì mọi tư duy và hành động của ta đều nhắm vào tiền, rồi đắm vào tiền. Nếu tâm ta muốn danh tiếng, thì mọi tư duy và hành động của ta chỉ nhắm vào danh tiếng, rồi đắm vào danh tiếng. Nếu tâm ta hướng về sự toàn thiện, toàn giác, toàn chân thì mọi tư duy và hành động của ta đều hướng vào sự tĩnh lặng của tâm và trí sáng suốt của tuệ.
Vấn đề là tâm chúng ta thường hỗn loạn và hướng về cả trăm điều mang theo hơi hướng của tham lam, sân giận và si mê cùng một lúc. Tâm phân tán, loạn xạ như vậy, thì tư duy và hành động không có định hướng, lăng xăng như khỉ chuyền cành, tung hoành như ngựa chứng không cương và không tập trung vào đâu được. Tâm loay hoay như người ở trong rừng, không tìm ra đường lớn mà chỉ loanh quanh trong bụi rậm và mệt nhoài, đúng như Trịnh Công Sơn từng viết “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Một khi làm chủ bản thân, con người có khả năng gom tụ nguồn năng lượng của mình và điều hướng chúng theo lý trí. Như vậy, điều chính yếu là tập trung tâm vào một điểm mà nhà Phật gọi là nhất tâm để thân đi không chệch hướng. Kinh Di Giáo dạy: “chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Khi có thể dùng sức thiền định nhiếp tâm về một mối thì trí tuệ phát sáng, không có việc gì không giải quyết thông suốt. Tâm loạn thì thân loạn, tâm an thì thân an.
Kỹ năng làm chủ bản thân
1. Ý thức về hành động của mình
Mỗi người đều có khả năng nhận thức và nhận thức ấy là điểm nhấn để định hướng, đặt mục tiêu cho chặng đường dài và tạo ‘cú hích’ khởi đầu cho mọi tư duy và hành động trong cuộc sống. Quá trình này đòi hỏi chúng ta phải luôn tự xem xét, phân tích và kiểm tra trong suốt quá trình thực hiện hành trình cuộc sống. Ý thức về hành động của mình là bước căn bản đầu tiên để biết rõ mình là ai, đang đứng ở vị trí nào, mình cần làm gì và hướng tới những giá trị nào.
Sự tự chủ thể hiện ở khả năng nhận thức về tư duy và hành động của chính mình, rõ biết tính chất của thiện ác và hậu quả cũng như ảnh hưởng của những hành động này tác động đến bản thân, những người liên quan và môi trường xung quanh như thế nào để xác định những gì nên làm và không nên làm. Nhận thức cần được đặt trên cơ sở thẩm định của mình về hành động của thân, lời nói của miệng, suy nghĩ của ý và phải phù hợp với ý kiến của người có khả năng và thẩm quyền trong lãnh vực này, trong kinh thường gọi là “người trí”; đồng thời, nhận thức này cần tương ưng với nguyên lý duyên sinh nhân quả vận hành khách quan chi phối vũ trụ. Đức Phật khuyên chúng ta chỉ nên tin tưởng và thực hành những điều hội đủ cả ba tiêu chí trên, nghĩa là tôn trọng khả năng nhận định của mình, tôn trọng nhận định của người trí và tôn trọng nguyên lý duyên sinh nhân quả. Điều này được ghi lại trong bài pháp đức Phật giảng cho người Kalamas (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VII, kinh số 65).
Trong khi tiến hành một việc gì, Đức Phật dạy chúng ta cần quán chiếu để nhận thức đúng theo ba tiêu chí trên ngay ở giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn đang tiến hành và sau khi hoàn thành công việc. Nếu việc ấy có lợi cho mình, có lợi cho người, có lợi trong hiện tại và lợi ở tương lai thì mới nên tiến hành (Kinh giáo giới La Hầu La, Trung bộ kinh số 61). Khi tiến hành một việc gì, chúng ta nên chú tâm quán xét từng hành vi cử chỉ của mình, - kiểm chứng tính chất và động cơ để có định hướng tốt đẹp trước khi tập trung năng lượng vào thực hiện. Trong lúc đang làm, chúng ta lại tiếp tục quán xét để giữ cho định hướng ban đầu không bị chệch đi. Sau khi thực hành, nhìn lại thành quả, chúng ta đánh giá lần nữa để xem có cần rút kinh nghiệm thực tế gì từ việc làm này hay không. Sự tỉ mỉ và thận trọng từng chút như vậy đảm bảo cho chúng ta nhận thức rõ ràng tâm ý của mình trong mọi lúc, mọi nơi. Khi thật sự kiểm soát được bản thân, chúng ta dần tự chủ và điều khiển tâm mình vào những việc có lợi ích, hợp lý và dần bỏ đi những thói quen không tốt, không phù hợp.
2. Khép mình vào kỷ luật
Muốn làm chủ bản thân thì cần khép mình vào kỷ luật để tận hưởng hạnh phúc của sự ung dung trong khuôn phép với sự hỗ trợ từ các quy tắc, điều lệ cụ thể. Ở đâu có khuôn phép, ở đó có kỷ cương và nề nếp. Ở đâu có kỷ luật, ở đó có chuẩn mực và nghiêm minh. Chính những điều này đảm bảo sự tồn tại dài lâu và phát triển bền vững của một tổ chức, cộng đồng. Bất cứ tổ chức xã hội lớn nhỏ nào cũng có những quy tắc nhất định để ổn định trật tự và an toàn cho các thành viên trong tập thể ấy. Trong đạo Phật, những nguyên tắc sống hòa hợp để đảm bảo đời sống thanh tịnh cho Tăng đoàn đệ tử Phật được ghi lại trong Luật tạng. Đó là những nguyên tắc, những điều khoản hướng dẫn mỗi người đi đúng đường, tạo một ranh giới an toàn nhằm bảo vệ sự an bình và tự do cho bản thân. Luật tạng ghi rằng: “Giới luật là thọ mạng của chánh pháp, giới luật còn, đạo Phật còn; giới luật mất, đạo Phật mất”. Điều này được rút ra từ lời dạy sau cùng của đức Phật nhắc nhở các đệ tử: “Sau khi ta nhập diệt, giới luật sẽ thay Ta để làm thầy của các thầy. Ở đâu có giới luật thì ở đó có Ta. Nếu các thầy trong tăng chúng thực tập giới luật nghiêm chỉnh thì giáo pháp của Ta sẽ có thể tồn tại lâu dài, nếu không, giáo pháp của Ta sẽ dần bị hoại diệt”. Hơn nữa, Ngài nói đến những tai hại khi vi phạm những nguyên tắc này cũng như những lợi ích khi tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc này (Kinh đại bát niết bàn: Trường bộ kinh số 16).
Khi sống khép mình trong những nguyên tắc nhất định, chúng ta có thể chế ngự tâm mình không để các ham muốn bản năng lôi kéo, nên chúng ta được tự do tự tại để quyết định những gì cần làm. Stephen R. Covey đã viết: “Chúng ta có quyền chọn lựa hành động của mình, nhưng không có quyền chọn lựa kết quả của hành động” (“We are free to choose our actions, but we are not free to choose the consequences of these actions.”). Sống không tuân theo một chuẩn mực nào sẽ trở thành nô lệ của các cảm xúc, ham muốn và niềm đam mê mang tính bản năng hoang dã và hầu như không có sự can thiệp của lý trí. Do đó, các hành động thực hiện trong “vùng mù” thiếu ánh sáng của lý trí thường mang tính tự phát, không có định hướng, đôi khi đưa đến hậu quả không lường. Khả năng tự chủ giúp chúng ta điều khiển hành động theo lý trí thay vì hành động theo cảm tính, thích gì làm nấy trong những tình huống cụ thể.
Tự chủ, tự kiềm chế trong khuôn khổ của nguyên tắc liên quan đến việc bỏ qua những niềm vui tầm thường, trước mắt, thay vào đó là những mục tiêu cao thượng, lâu dài mà kinh thường gọi là “phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới.” (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương III, kinh số 46: Pātimokkha; Trung bộ kinh số 6: Kinh ước nguyện, Kinh số 53: Kinh hữu học, Kinh số 107: Kinh Ganaka Moggalana, Kinh số 108: Kinh Gopaka, Kinh 125: Kinh điều ngự địa và nhiều kinh khác ở Tăng chi bộ kinh). Điều này đòi hỏi chúng ta phải có ý chí, nghị lực và lập trường kiên định trên cơ sở nhận thức đầy đủ, rõ ràng những việc cần làm.
3. Kiên định với mục tiêu đề ra
Có những người tập cách sống bám sát mục tiêu đề ra bằng cách luôn viết ra các mục tiêu hay giá trị đang theo đuổi như một cách nhắc nhở theo kiểu “tự kỷ ám thị” tích cực, thế nhưng ngần ấy là chưa đủ. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, chúng ta cần có sự quyết tâm, kiên trì, nỗ lực cả ngày lẫn đêm để thực hiện những mục tiêu đó, chẳng hạn đối với người xuất gia là thường xuyên thực hành giới và định (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương II, phẩm 1). Nếu không kiên định như vậy, năng lượng của chúng ta dần hao mòn và không đủ sức để theo đuổi chí nguyện. Trong Kinh Di Giáo, đức Phật dạy chúng ta phải không ngừng phấn đấu cho đến khi đạt được mục tiêu tối hậu. Nếu dừng nghỉ giữa chừng, chẳng khác nào mài cây để lấy lửa. Nếu mới mài được một lúc, chúng ta dừng nghỉ, thì cây trở nên nguội lạnh và chúng ta lại phải bắt đầu từ vạch xuất phát. Do vậy, khi mài cây đến mức nóng rồi thì phải tiếp tục mài cho nhiệt lượng tỏa ra nhiều hơn, đến khi đủ độ để phát lửa mới thôi, vì thứ chúng ta cần là lửa vậy.
Thiếu tinh tấn thì không thể đến đích thành công, cho dù có khởi đầu suôn sẻ. Trong cuộc sống, siêng năng xuyên suốt quá trình là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có ý chí vững vàng và nghị lực kiên định. Chỉ khi nào nuôi dưỡng được lòng kiên định, chúng ta mới có thể làm chủ bản thân trước bao sóng gió nghiệt ngã của cuộc đời để nuôi dưỡng thân tâm vững chãi. Đức Phật khuyên nhắc các đệ tử: “Ta không thấy một pháp nào khác, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận, như tinh tấn tinh cần.” (Tăng chi bộ kinh, chương I, phẩm VII, kinh số 1). Những ai luôn an trú trong pháp thiện với sự hỗ trợ của tinh cần, tinh tấn, sẽ được đức Phật xác quyết “ai tinh cần, tinh tấn, người ấy sống trong an lạc.” (Tăng chi bộ kinh, chương I, phẩm XVIII, kinh số 12).
Không chỉ trên bước đường tu tập, trong cuộc sống thường ngày cũng thế. Nếu không kiên định hoặc sự kiên định không bền vững, thì con đường ta đi trở nên vô cùng khó khăn khi những cảm xúc, ham muốn, đam mê luôn có sức quyến rũ và lôi kéo mãnh liệt, lúc nào cũng trì kéo, chống lại sự nỗ lực và quyết tâm của mình. Khi ấy, chúng ta có thể dễ dãi với nhu cầu tham đắm những khoái cảm tầm thường, thỏa hiệp với những đòi hỏi mang tính bản năng, dễ dàng rơi vào tình huống không cần biết đến hậu quả thế nào, chỉ biết hưởng thụ để thỏa lòng tham ái. Ví như chúng ta để đồng hồ báo thức vào lúc 4 giờ, nhưng khi đồng hồ reo thì chúng ta lại tắt chuông và cho phép mình ngủ thêm 5 phút nữa vì “như thế cũng chẳng sao”. Thế nhưng, 5 phút rồi 10 phút trôi qua, chúng ta vẫn không muốn dậy. Do đó, kiên định với mục tiêu, hay còn gọi là tinh tấn theo thuật ngữ nhà Phật, là yếu tố cần thiết để góp phần làm chủ vận mệnh của mình trong cuộc sống.
4. Quán sát tự thân
Tự nhìn lại bản thân trong mọi hành động, lời nói và suy nghĩ là cách hữu ích để rèn luyện kỹ năng tự quán sát bản thân trong chánh niệm. Qua đó, chúng ta có thể khuyến khích, nhắc nhở bản thân về những mục tiêu và giá trị chúng ta đang hướng tới để chủ động chỉ đạo tâm ý, dẫn dắt năng lực và điều khiển hành vi của mình đi đúng hướng nhằm đạt đến mục tiêu đã định. Tất cả những diễn biến của tâm ý và hành động, dù thô hay tế, đều cần đặt trong khuôn khổ nhất định. Hãy luôn tự nhủ: cái giá của kỷ luật và tự chủ luôn rẻ hơn rất nhiều so với nỗi đau của sự hối tiếc và thất bại. Biết nhìn lại mình là cơ sở để chiến thắng bản năng và điều này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng để đấu tranh vượt lên chính mình. Pháp cú câu 104 dạy: “Thắng người đâu sánh thắng mình, thắng mình chế ngự dục tình cao siêu”.
Khi quán sát mối quan hệ giữa tự thân với môi trường bên ngoài, chúng ta thấu hiểu được nhiều điều để phát triển khả năng tự chủ vững chãi hơn. Khi quán sát tự thân, chúng ta nhận thức rõ ràng, thân này không có ngã chủ thể, chỉ do các thành tố hợp lại theo duyên sinh mà thành (Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương I, Kinh Đờn tỳ bà), nên không tham đắm vào sắc thân, nhờ vậy chúng ta dần tự tại hơn, tự chủ hơn trước những tác động bên ngoài cũng như sự biến hoại đổi thay bên trong cơ thể. Từ chỗ không quan trọng hóa thân này, đối với việc thọ nhận thức ăn, y phục, chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh để duy trì tình trạng sức khỏe, chúng ta không còn xem trọng, lúc nào cũng thản nhiên và không bị lôi kéo bởi các dục vọng tầm thường. Đức Phật khuyên bảo các đệ tử cần phải “như lý quán sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu, và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh” (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm XVI, kinh số 159).
Khi quán sát tâm, chúng ta trải nghiệm tự thân, điều mà đức Phật nhắc nhở rất nhiều lần trong kinh, khi tâm ô nhiễm thì con người trở nên ô nhiễm, khi tâm thanh tịnh thì con người trở nên thanh tịnh, ô nhiễm hay thanh tịnh là do tự tâm mỗi người vậy (Pháp cú câu 165; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, kinh Dây thằng). Tự chủ là một kỹ năng cần phải huân tập kiên trì trong một thời gian dài không gián đoạn và đức Phật gọi kỹ năng này là “khéo tự mình quán sát lấy mình”. Những phương diện cần quán sát thường xuyên là “có làm điều bất thiện về thân, có làm điều bất thiện về miệng, có làm điều bất thiện về ý hay không” (Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm II, kinh số 5). Khi quán sát như vậy, hành giả có đủ nội lực để giữ mình vững chãi trước sự xô dạt của những con sóng đam mê dục vọng tầm thường đang ngày đêm ngấm ngầm dấy lên trong tâm mình vậy.
5. Giữ tâm điềm tĩnh
Điềm tĩnh là giữ tâm ở trạng yên lành để chúng ta đủ sáng suốt làm chủ những cảm xúc tiêu cực thay vì để chúng điều khiển hành động của mình. Điềm tĩnh là biểu hiện của người có bản lĩnh, tự chủ, là yếu tố then chốt giúp con người xử lý tốt các vấn đề trong giao tiếp và ứng xử. Hơn thế nữa, người điềm tĩnh có khả năng tự chế ngự và kiểm soát tốt các trạng thái cảm xúc của mình, nên ít khi bị người khác hay ngoại cảnh tác động chi phối làm chệch hướng đi của mình. Đó là nguồn sức mạnh tiềm ẩn giúp chúng ta suy xét thấu đáo mọi sự việc xung quanh, do đó có nhiều cơ hội để tìm ra giải pháp ứng xử hợp lý, hữu hiệu nhất trong khi những người khác có thể không đủ bình tĩnh và kiên nhẫn.
Điềm tĩnh giúp kiểm soát bản thân tốt hơn và sức mạnh nội tâm không bị phân tán. Điềm tĩnh giúp chúng ta giữ tâm an trú trong ngưỡng kiểm soát, tâm không dao động trước những tác động của những thăng trầm trong cuộc sống. Muốn làm chủ bản thân, chúng ta phải dần đưa tâm về trạng thái tĩnh lặng với biên độ dao động càng nhỏ càng tốt. Đây là điều kiện để phát huy sức mạnh to lớn của lý trí trong cuộc sống để có thể “miễn nhiễm” trước những lời khen ngợi, sự tâng bốc hay chê bai, chỉ trích ác ý của người ngoài. Người điềm tĩnh mới có đủ nghị lực giữ tâm vững vàng trước những lời chê bai của kẻ ác ý, xem đó như món quà mà ta không nhận thì người ấy tự đem về (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương VII, phẩm 1, Kinh phỉ báng). Nếu chạm mặt với hoàn cảnh bất như ý, những lời nói không thuận tai và hành động khó chấp nhận của người khác, sự điềm tĩnh và bình thản của mình được thử thách nhiều hơn. Người nào chiến thắng mình trong những tình huống khó khăn thì người ấy có khả năng làm chủ tâm mình, người ấy thật sự có bản lĩnh trong cuộc sống.
Giữ tâm bình thản trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời, chúng ta có thể chủ động kiểm soát và điều khiển cảm xúc của mình, từ đó chọn được giải pháp thích hợp và hiệu quả để phản ứng lại những tác động từ bên ngoài. Người bình thản không để sân giận, nóng nảy chi phối, trái lại những cảm xúc này đều “ngoan ngoãn” theo sự chỉ đạo của tâm định tĩnh. Hãy nhìn cách phản ứng của mọi người trong các tình huống sinh hoạt thường ngày, chúng ta thấy rõ khả năng và mức độ làm chủ bản thân của từng người như thế nào. Nếu phải chờ đợi ai đó hay việc gì đó, người thiếu kiểm soát tâm sẽ tỏ thái độ nôn nóng, bực tức, luôn nhìn đồng hồ một cách vô nghĩa, vẻ mặt bực bội, căng thẳng; trái lại, người bình thản sẽ tận dụng khoảng thời gian đó để theo dõi hơi thở đang vào ra trong chánh niệm, hoặc theo dõi cảm xúc đang vận hành trong tĩnh lặng.
Tóm lại, làm chủ chính mình mới có thể sáng suốt quyết định mọi vấn đề và chọn giải pháp hiệu quả nhất trong cuộc sống. Khả năng làm chủ bản thân, giữ tâm định tĩnh trước sự tác động của các yếu tố bên ngoài cũng như những cảm xúc tiêu cực bên trong được gọi là định và khả năng tỏa sáng để suy xét thấu đáo mọi việc và tìm giải pháp thích hợp cho mọi vấn đề trong cuộc sống được gọi là tuệ. Định giúp chúng ta có đủ sức mạnh để làm chủ bản thân và tuệ là khả năng sử dụng sức mạnh ấy một cách thông minh và hợp lý. Có thực hành kỹ năng định tĩnh mới có trí tuệ (Pháp cú câu 282), có trí tuệ thì mới có năng lực tự chủ, sống bình an và hạnh phúc.
Khi làm chủ tự thân, chúng ta trọn quyền quyết định vận mệnh của đời mình. Hạnh phúc tuyệt vời là đây!
Nguồn: hang-nhu.wordpress.com
Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017
Làm chủ bản thân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét