"Để vượt qua trận thủy tai tràn ngập đời sống với dục vọng, sanh tử, tà kiến, và si mê. Ta không thể đứng yên một chỗ, Cũng không thể bó tay chịu chìm đắm một cách ngông cuồng, Ta phải có đủ quả cảm, cương quyết, và … một niềm tin tưởng hoàn toàn vững chắc" Kassapa Thera
Có gì khác biệt giữa một người biết bơi lội và một người không biết? Cả hai đều có thể là người tuổi tác, ốm yếu và thiếu vận động. Tuy nhiên, nếu một ngày kia rủi ro cả hai cùng té xuống sông sâu, người biết bơi lội sẽ không sao, còn người không biết lội sẽ bị chìm đắm nếu không ai đến cứu. Tại sao? Vì do kinh nghiệm thâu thập từ trước, người biết lội vững tâm tin tưởng rằng nước sẽ nâng đỡ mình nên không vùng vẫy, không phí sức, mà chỉ cố giữ thân nổi trên mặt nước. Anh tin chắc như vậy và buông trôi để nghỉ. Anh cũng biết chắc chắn không bị chìm đắm xuống sâu. Chỉ giữ mũi và miệng trên mặt nước là được. Người không biết lội, không thể tin tưởng như vậy. Người không biết lội không tin rằng nước có thể nâng đở thân mình, cũng không tin rằng mình có thể nổi trên mặt nước, nên không buông trôi để nghỉ. Anh cố hết sức vùng vẫy và tranh đấu để sống, nhưng luống công vô ích. Sau cùng anh thất bại. Đây chỉ là một thí dụ cho ta thấy tầm quan trọng của niềm tin tưởng.
Tin tưởng phát sanh do sự hiểu biết, căn cứ nơi trí tuệ. Đó là đức tính chánh yếu giúp ta thành công trong mọi hoạt động, mọi cố gắng, từ việc xỏ sợi chỉ qua lỗ cây kim đến việc tham thiền nhập định. Đó là tất cả sự khác biệt giữa thành công và thất bại (xúc tiến một việc làm với lòng tự tín, tức nhiên để thành tựu mỹ mãn). Lắm khi đó là sự khác biệt giữa sống và chết. Có người gọi tính ấy là “đức tin”, một danh từ cũng tốt đẹp như bất luận danh từ nào khác. Nhưng đức tin bao hàm một ý nghĩa không mấy thích hợp với tinh thần tự chủ, tự lập của những người muốn tự mắt thấy, tự tai nghe, tự trí hiểu biết. Vô phúc thay, có nhiều việc ta không thể tự ta chứng nghiệm một cách châu toàn. Như nếm chất cy-a-nua (cyanure) chẳng hạn. gười xưa có câu: “Kinh nghiệm giống như một cái lược mà người ta chỉ có lúc đầu đã rụng hết tóc”. Thật vậy, khi thâu thập đủ kinh nghiệm thì đã già, không còn cơ hội để thực nghiệm nữa. Người trí tuệ biết hưởng kinh nghiệm của kẻ khác. Tín nhiệm căn cứ trên sự hiểu biết không bắt buộc phải là niềm tin tưởng phát sanh do kinh nghiệm bản thân. Vì lẽ đó có người bằng lòng xuất ra nhiều tiền để nhờ thầy dạy dỗ. Thầy là những chuyên viên đã thâu thập kinh nghiệm cần thiết, hiểu biết đầy đủ, để truyền lại cho người khác, lấy đó làm kế sinh nhai. Người trí tuệ kinh cẩn lãnh giáo và tin tưởng, thực hành lời dạy. Có phải đó là đức tin mù quáng không hay phải chăng đó là tín nhiệm căn cứ trên sự hiểu biết?
Đối với người Phật tử, Đức Phật là bậc Tôn sư cao quý nhất tự cổ chí kim. Tuy nhiên, cũng có người đã tự coi là Phật tử mà không tín nhiệm nơi Đức Phật và không hành động theo lời dạy của Ngài, trong lúc họ đặt hết niềm tin tưởng nơi một bác sĩ gia đình hay một huấn luyện viên thể thao. Họ ngờ vực một bậc vĩ nhân đạo đức nhưng khiêm tốn nhìn nhận trí tuệ của một phàm nhân.
Ananda Pereira
SỐNG TRONG HIỆN TẠI
Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017
TIN TƯỞNG
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét