Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

TÂM LỰC

Từ vùng nhiệt đới, một bậc Thánh Nhân đơn độc rãi khắp bốn phương, bên trên, bên dưới, một ánh đạo Từ bi rực rỡ, linh hiệu, vô lượng. Và, ở một phương trời xa xăm, nơi tuyết phủ sương rơi, Tử thần xuất hiện… Chung quanh giường, tiếng khóc lời than, “Người” đương cơn tuyệt vọng, gắng sức, niệm niệm chỉ quán hướng theo: “Tâm Từ nhẹ nhàng êm dịu như cánh hoa hồng!” và mĩm cười, thở hơi cuối cùng. Kassapa Thera

Điện là một năng lực, tâm cũng là một năng lực. Không ai phủ nhận năng lực của điện. Nhưng có người còn ngờ vực năng lực tâm vì thiếu khí cụ đo lường tâm lực. Tuy nhiên, những ai đã chứng nghiệm được một vài tốc lực của tâm sẽ nhận thấy rằng tâm lực thật có hiển nhiên và đôi khi cũng phải kinh ngạc vì sự hiển nhiên ấy. Từ ngàn xưa, người Đông Phương đã nhận biết tâm lực. Lúc người Tây Phương đang chăm chú sưu tầm và tiến triển khá xa trong việc khai thác năng lực của vật chất thì ở Phương Đông người ta chú trọng về tâm lực tế nhị và cũng bước một bước khá dài. Những pháp siêu hình như thần giao cách cảm, thôi miên, huệ nhãn và huệ nhĩ từ xa xưa vẫn thường xảy ra ở Đông Phương. Đối với người Tây Phương thật là hy hữu. Cũng như tất cả năng lực, tâm tự nó không tốt cũng không xấu, có thể giết chết cũng có thể cứu sống, có thể tiêu diệt cũng có thể sáng tạo. Và, một lần nữa, cũng như tất cả các năng lực khác, tâm lực thực hiện theo một vài định luật thiên nhiên. Nhiều người đã khảo cứu các định luật ấy hầu khai thác năng lực lặng lẽ và vô hình kia. Một vài người dùng tâm lực trong việc ác và đã gặt hái những quả khổ. Cũng có hạng người dùng năng lực ấy trong việc lành. Đến nay, người đời vẫn còn nhắc nhở đến danh thơm lưu hậu với tấm lòng thành kính tôn sùng. Đức Phật cao quý hơn tất cả các Giáo chủ tinh thần. Hiểu biết thấu đáo và hoàn toàn những định luật thuần lý chi phối hiệu lực của tâm, Đức Phật khuyên các môn đệ nên tận dụng tâm lực của mình trong việc tốt đẹp, cao thượng nhất là sự giải thoát cuối cùng. Theo Phật giáo, giai đoạn đầu tiên trên đường tiến bộ đạo đức là giới (sīla). Người muốn kiểm soát tâm trước tiên phải biết kiểm soát lời nói và hành động của mình. Giai đoạn kế là định (samādhi) tức là tham thiền nhập định.

Thật ra, không phải dễ. Đức Phật có dạy 40 đề mục thiền định. Trong trường hợp không có thiền sư, hành giả phải tự mình phân tích bản tánh mình và chọn một đề mục thích hợp. Trong các đề mục thiền định, niệm “tâm từ” rất hữu hiệu và thích hợp với mọi người. Tâm từ là tình thương không vị kỷ, lòng từ ái bao trùm tất cả chúng sanh. Niệm “tâm từ” là một phương pháp thiền định an toàn và hữu ích cho tất cả, dầu là người giới hạnh không được trong sạch hoàn toàn. Niệm “tâm từ” là một phương pháp thiền định tinh khiết và công hiệu, bổ dưỡng thân thể và giúp tâm thanh tịnh, an trụ dễ dàng. Đối với đại chúng quá vội vã, khi thấy người niệm “tâm từ” ngồi trầm lặng một mình thì cho rằng người ấy không hoạt động gì hết. Nhưng ai đã hiểu biết hiệu nghiệm của tâm lực có thể xác nhận rằng hành giả kia là một máy phát điện toàn hảo đang phóng ra những làn tư tưởng từ bi trong bầu vũ trụ mà hầu hết hình như không còn biết phải làm cách nào để thể hiện lòng thương. Mong sao có được một số đông người thiền định như vậy để cùng chung phối hợp một năng lực hùng hậu khả dĩ cứu vãng nhân loại thoát khỏi nạn tự sát, tự diệt. “Thật vậy, không thể lấy thù oán để dập tắc sân hận. Chỉ có tâm từ mới diệt lòng sân. Đó là nguyên tắc đạo lý từ ngàn xưa”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét