Bố thí vì lòng từ bi, Cho những người thiếu thốn, với tấm lòng thương xót… Đó là mầm giống quý báu, cao thượng hơn những gì rực rỡ, huy hoàng mà vô bổ.
Dâng cúng, với tấm lòng thành kính, đến bậc thầy tổ, mẹ cha, đến bậc thân nhân và bậc thiện tri thức,… lại càng cao quý.
Cho ra để gieo duyên lành, truyền bá Chân lý và mở đường dẫn lối đến giới hạnh, tu niệm và ánh sáng của Trí tuệ… Đó là bố thí cao thượng!
Kassapa Thera
“Cho” là một nghệ thuật, và cũng như các nghệ thuật khác, ta có thể trau giồi nghệ thuật “cho” bằng cách thực nghiệm hàng ngày. Người hà tiện, người chỉ nghĩ đến mình, cảm thấy khó lòng mà cho ra. Đối với hạng người này, dầu cho đến bà con thân thuộc cũng là rất khó. Không phải vì kém tình thương, nhưng vì quá thương mình. Lòng luyến ái gắn bó vào quyền lợi riêng của mình quá mạnh, đàn áp tất cả mọi cảm tình. Hơn một chút nữa là những người sẵn lòng cho ra để giúp bà con thân thuộc. Ngoài ra không thích cho ai khác. Cho cha mẹ, con cái và một số thân nhân, quyến thuộc nhưng không nới rộng lòng quảng đại ra khỏi vòng nhỏ hẹp ấy. Họ giống như ngọn đèn trong một hộp kín, chỉ rọi bên trong. Không một tia sáng nào lọt được ra ngoài. Hạng người này cũng bị luyến ái và tình thương đối với cái “ngã” của mình quá mạnh. Nhưng “ngã” ở đây không chỉ có nghĩa là “ta”. Ngã đây là “cái gì của ta”. Phần đông chúng ta thuộc về hạng người này.
Có khác nhau chăng nữa chỉ ở bẩm tính vị kỷ cao hay thấp, ít hay nhiều. Ai đông bạn, nhiều thân thuộc và cho ra dễ dàng, vui vẽ, được kể vào hạng người rộng rãi, quảng đại. Người có giới hạn thân cận eo hẹp hơn, cho ít hơn, bị liệt vào hạng keo kiết bỏn xẻn. Thật ra, keo kiết hay quảng đại, rộng rải hay bỏn xẻn, chúng ta vẫn ở trong một cái vòng hạn định, nhỏ hay to, rộng hay hẹp. Cao thượng hơn tất cả là một ít người bố thí không giới hạn, nới rộng lòng quảng đại ra mãi mãi và tỏ rạng như ánh thái dương, bao trùm tất cả chúng sanh vạn vật.
Người bố thí đến mức cao thượng hơn tất cả là Đức Phật. Không phải trong kiếp chót, mà khi còn là một vị Bồ Tát, từ vô lượng tiền kiếp Ngài đã ban ra bao nhiêu của cải, tài sản, đến cả mắt, mũi, tay, chân và cả thân mạng. Trong kiếp cuối cùng, Ngài đã bố thí vật quý báu và cao cả nhất trên đời là Pháp Bảo. Ngài ban ra dễ dàng cho tất cả những ai có tai muốn nghe và có trí muốn hiểu. Sẵn có gương sáng dắt dẫn, mỗi chúng ta phải lãnh lấy trách vụ thực nghiệm nghệ thuật “cho”. Ta phải kiên tâm cố gắng, tăng gia mãi mãi số người mà ta có thể cho. Từng phút ta hãy cố gắng phá tan bức tường vị kỷ để lòng quảng đại của ta có thể rọi đến những người bên ngoài. Một ngày kia nó sẽ trở nên vô lượng, vô biên.
Ananda Pereira
0 nhận xét:
Đăng nhận xét