Đức Phật thừa nhận rằng có nhiều lạc thú khác nhau đến từ những lợi lộc vật chất và sự phát đạt, sung túc. Chúng là những dạng có thật của hạnh phúc, nhưng loại hạnh phúc đó chỉ là hạnh phúc tạm thời. Loại hạnh phúc mà chúng ta có được qua việc sở hữu tiền bạc, tài sản, các mối quan hệ và các trải nghiệm là thứ hạnh phúc tạm bợ. Và vì lý do đó mà đau khổ luôn ẩn náu trong thứ hạnh phúc này. Chúng ta có được hạnh phúc nhưng chúng ta lại mất nó, đưa đến cái vòng luẩn quẩn là tâm muốn thêm, muốn được trải nghiệm lại, muốn nắm giữ và bám chặt lấy. Và điều này đem lại đau khổ. Nếu con người chưa từng suy niệm về vấn đề này, họ sẽ có khuynh hướng bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của thói quen này. Nhưng Phật giáo giúp chúng ta nhìn vào bên trong tiến trình này để thấy khổ đến từ sự chấp thủ, dính mắc vào thứ hạnh phúc vật chất đó, và thấy rõ tiềm năng của chúng ta là có thể tìm thấy một thứ gì đó sẽ đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn một cách sâu sắc hơn.
Cho dù chúng ta bận rộn, cho dù chúng ta có gia đình, chúng ta cũng nên dành thời gian để thực hành. Chúng ta đang thực hành để tìm sự giàu có bên trong, sự giàu có đến từ việc chứng nghiệm Pháp (Dhamma). Có thể chúng ta dành 40 giờ một tuần hoặc hơn nữa để tìm sự giàu có, tiền bạc và của cải bên ngoài để sống, nhưng chúng ta cũng cần dành thời gian để phát triển sự giàu có bên trong này, và đó chính là con đường dẫn tới hạnh phúc của chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta có thời giờ nhàn rỗi, chúng ta có thể dành nó cho việc thực hành để huân tập chánh niệm và nâng cao sự hiểu biết của chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta hướng đến sự phát triển chánh niệm và quan sát chân lý một cách liên tục, cho dẫu là khi đang đứng, đang ngồi, đang đi hoặc đang nằm. Và sau khi chúng ta đã nỗ lực như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng Giáo Pháp mà Đức Phật giảng dạy rất gần gũi với chúng ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét