Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

BẢN CHẤT VÔ THƯỜNG GỐC VÀ BẢN CHẤT THƯỜNG HẰNG GỐC


Câu hỏi: (không rõ)
Trả lời: Sayadaw Ottamasara
Đức Phật dạy là phải hiểu về Sự thật. Sự thật chính là Bản Chất Vô Thường Gốc. Thấy Sự thật được gọi là Giác ngộ, không thấy Sự Thật Gốc là không giác ngộ. Chừng nào chưa giác ngộ chừng đó còn có dính mắc và khổ đau. Chỉ khi nào có sự giác ngộ thì lúc đó mới có sự xả ly và giải thoát khổ. Nếu nhìn từ góc độ có chúng sinh, chúng ta sẽ không thể hiểu được Sự Thật Gốc hay Bản Chất Vô Thường Gốc, Bản Chất Thường Hằng Gốc. Bản Chất Thường Hằng Gốc đó chính là Niết Bàn. Để hiểu được Sự Thật Gốc hay Giác Ngộ, chúng ta cần xả ly khỏi chúng sinh.
Chúng ta say mê, thích thú, mê đắm trái đất, bầu trời, mặt trăng hay vũ trụ,… Tất cả đều do vô minh và dính mắc. Thích hay không thích, chúng sinh hay phi chúng sinh đều do không biết về sự thật. Sỡ dĩ có câu hỏi này vì có sự dính mắc vào chúng sinh hay phi chúng sinh và dính mắc vào những lời dạy của Đức Phật cùng các vị đệ tử. Sự dính mắc này khiến chúng ta không thể hiểu được Sự Thật Gốc. Nếu thấy được Sự thật thì sẽ không còn dính mắc nữa. Có dính mắc là có vô minh và không biết về Sự thật. Bản Chất Vô Thường Gốc là Khổ Đế, tức Sự thật về Khổ. Dính mắc là Tập Đế, tức Nguyên nhân của khổ. Bản Chất Thường Hằng Gốc chính là Diệt Đế - Niết Bàn. Biết được Sự Thật Gốc là Đạo Đế - hay còn gọi là sự Giác Ngộ.
Như chúng ta biết Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) là các Sự thật ngụy tạo. Nếu chúng ta không xả ly khỏi các sự thật ngụy tạo thì chúng ta không bao giờ hiểu được Sự Thật Gốc. Tất cả các sự thật về Tam Bảo không phải để chối bỏ hay dính mắc. Các phật tử hay những người liên quan đến phật tử không chối bỏ Phật, Pháp, Tăng nhưng họ có thể dính mắc vào Phật, Pháp, Tăng hay Tam Bảo. Sự dính mắc là ở trong tâm chúng ta. Để xả ly, để tự do khỏi sự dính mắc, chúng ta nên chánh niệm ở trong thân và các tâm diễn ra trong mình. Nếu chánh niệm, ghi nhận các đối tượng bên ngoài, chúng ta không thể biết được sự vô minh và dính mắc của chính chúng ta. Để biết về vô minh và dính mắc, chúng ta cần phải thực hành chánh niệm trong thân và tâm suốt cả ngày.
Càng chánh niệm trên thân tâm mình, chúng ta sẽ càng hiểu rằng: không có ai, không có cái gì đó, không có một tự ngã nào tồn tại trong mình. Nếu không tìm hiểu chính xác, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Vô minh và dính mắc trong tâm chính là kẻ tạo nên tất cả các vấn đề. Chính vì vậy, chúng ta cần làm các thiện pháp và hành thiền với hiểu biết đúng mà không có dính mắc. Hãy chỉ sử dụng cuộc sống cũng như thân tâm thôi và ngừng lại sự chú ý đến cuộc sống và thân tâm. Nếu sử dụng mà với dính mắc là sai lầm, sử dụng chỉ để sử dụng mới là đúng đắn. Lời dạy của Đức Phật cũng như các đệ tử của Ngài là chỉ để sử dụng mà thôi, không phải để dính mắc cũng như không phải để chối bỏ. Chúng ta cần thực hành xả ly và làm với hiểu biết đúng về Sự Thật Gốc. Điều đó thật sự là quan trọng.
Tôi giảng dạy như này trong hơn 13 năm qua. Tôi đi từ nơi này đến nơi khác. Tôi dạy cho bất cứ ai gặp tôi, những người có vấn đề trong cuộc sống. Những người trân quý Phật pháp và hành thiền giúp đỡ tôi và họ cũng tham gia cùng tôi làm các thiện pháp. Ngày càng có nhiều người tham gia làm việc phước thiện và hành thiền. Đó là cách tôi cố gắng giúp đỡ mọi người giải quyết các vấn đề về Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Chúng tôi làm việc phước thiện từ nơi này đến nơi khác, từ nước này đến nước kia một cách liên tục. Đây là cách mà chúng ta có được kiến thức từ sự thực hành của chính mình. Kiến thức có được từ sự thực hành tốt hơn kiến thức có được từ sách vở về Đạo Phật. Làm việc phước thiện và hành thiền ngày càng nhiều là cách giải quyết vấn đề về sự dính mắc, vô minh, tham ái, sự hiểu biết sai lầm về Sự Thật Gốc và lời dạy của Đức Phật.
Nếu chỉ đọc và học giáo lý của Đức Phật thôi chưa đủ. Chúng ta cần làm các việc phước thiện và hành thiền. Khi làm các việc phước thiện và hành thiền, chúng ta cần sử dụng những gì đã học được từ lời dạy của Đức Phật. Trong trường hợp đó, việc sử dụng sự hiểu biết đúng về giáo lý của Đức Phật rất quan trọng. Nếu có sự dính mắc mạnh mẽ vào chúng sinh hay phi chúng sinh, chúng ta không thể nào hiểu được lời dạy của Đức Phật, cũng như không thể nào hiểu Sự Thật Gốc theo cách đúng đắn.
Sự hiểu biết đúng hay Chánh Kiến và Chánh Tư Duy rất quan trọng khi chúng ta làm các việc phước thiện và hành thiền. Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Tinh Tấn cũng rất quan trọng. Nhiều người ở Miến Điện cũng có cùng vấn đề. Tôi đã quen với việc thuyết pháp và hướng dẫn hành thiền, mở các khóa thiền và lập trung tâm thiền thường xuyên. Việc làm các thiện pháp này rất cần thiết để giải quyết các vấn đề về hiểu biết sai lầm hay dính mắc, vô minh, tham ái. Những người hợp tác với chúng tôi có được tự do khỏi các vấn đề liên quan đến lời dạy của Đức Phật. Nếu chúng ta hành thiền và có được Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Tinh Tấn mà thiếu Chánh Kiến thì chúng ta có thể đi sai đường.


[Q&A: AM, 21/06/2015]

(Thông dịch: Phật tử Nanika)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét