Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

SÁCH : PHÁP Ở MỌI NƠI - THIỀN SƯ SAYADAW U TEJANIYA -Giới thiệu





SÁCH : PHÁP Ở MỌI NƠI

Chào đón mỗi khoảnh khắc với chánh niệm + trí tuệ


           DHAMMA EVERYWHERE            
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya

Người dịch:   Sư Tâm Pháp


NAMO TASSA BHAGAVATO
ARAHATO
SAMMA SAMBUDDHASSA


Con xin đem hết lòng thành kính đảnh lễ
Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán cao thượng,
Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác


PHÁP Ở MỌI NƠI: HÃY CHÀO ĐÓN MỖI KHOẢNH KHẮC ĐẾN VỚI CHÁNH NIỆM VÀ TRÍ TUỆ.

(Dhamma everywhere: welcoming each moment with awareness + wisdom).


Cuốn sách này là một món quà Pháp Bảo và không được bán dưới bất kỳ hình thức nào. Bạn có thể phôtô cuốn sách này để dùng riêng hay để tặng cho bạn bè.  Xin liên hệ với Thiền sư Sayadaw U Tejaniya để xin phép trước khi dịch cuốn sách này.

Shwe Oo Min Dhamma Sukha Tawya
Aung Myay Thar Yar Street
Kon Tala Paung Village
Mingaladon township
PO 11022 Yangon, Myanmar
951-638-170, 951-720-591

MỤC LỤC 

LỜI CẢM TẠ...........................................................................................................

BẠN ĐỌC THÂN MẾN..........................................................................................

GHI CHÚ VỀ CÁC THUẬT NGỮ.........................................................................

PHẦN I :   PHÁP Ở MỌI NƠI 1.........................................................

PHẦN IIPHÁP Ở MỌI NƠI 2.......................................................



LỜI CẢM TẠ


Tấm lòng tri ân sâu sắc của tôi xin được kính dâng lên cố Đại Trưởng lão Thiền sư Shwe Oo Min Sayadaw Bhaddanta Kosalla Maha Thera, người đã truyền dạy Giáo Pháp và thái độ chân chánh trong con đường phát triển tâm linh và pháp hành của tôi.

Tôi muốn bày tỏ sự cám ơn đối với tất cả các thiền sinh. Những khó khăn, vướng mắc và những câu hỏi của họ đã đưa đến những câu trả lời và những điểm diễn giảng được trình bày trong cuốn sách này. Tôi thực sự hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp các thiền sinh hiểu rõ hơn về thiền chánh niệm và giúp cho pháp hành của họ thêm phần sâu sắc.

Cuối cùng, xin cám ơn tất cả những người đã đóng góp công sức để hoàn thành nên cuốn sách này.

Ashin Tejaniya
Myanmar


BẠN ĐỌC THÂN MẾN


Phong cách giảng dạy và những điểm nhấn của thiền sư Sayadaw U Tejaniya luôn luôn năng động và thường xuyên được thay đổi theo những kinh nghiệm tu chứng riêng của thiền sư cũng như từ những ghi nhận về các khó khăn của thiền sinh trong quá trình thực hành. Cuốn sách này là một cố gắng để nắm bắt lời dạy của thiền sư trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên thiền sư Sayadaw U Tejaniya vẫn luôn tiếp tục sáng tạo ra những cách diễn giải mới mẻ và hiệu quả hơn nữa.

Chúng tôi đã thu thập những lời dạy của thiền sư từ nhiều nguồn thông tin và từ nhiều ngữ cảnh khác nhau để tập hợp lại thành một nguồn tài liệu với hy vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu của cả những thiền sinh cũ và mới. Trong đó bao gồm cả những đoạn dịch từ tiếng Miến của cuốn sách nhỏ màu xanh về thái độ đúng trong thiền tập, chọn lọc từ những buổi trình pháp và lời nhắc của thiền sư trong các thời thiền sáng ở thiền viện Shwe Oo Min Dhamma Sukha Tawya. Chúng tôi đã bổ sung các đề pháp trên bằng những lời nhắc tiếng Anh vào các buổi sáng của thiền sư.

Cũng giống như hai cuốn sách trước, cuốn sách này được xuất bản để dành cho các thiền sinh đang thực hành tại thiền viện Shwe Oo Min Dhamma Sukha Tawya. Vì vậy, một số từ và thuật ngữ được dùng ở đây có thể sẽ không có cùng một nghĩa như khi dùng ở nơi khác (xem thêm trong phần Ghi chú về các thuật ngữ). Hy vọng bạn sẽ tìm thấy từ cuốn sách này một nguồn thông tin và cảm hứng mới, từ chương Thế nào là thiền chánh niệm? và Thái độ đúng 101 tới những trích đoạn từ các buổi trình pháp trong chương Tóm tắt và Thuyết pháp buổi sáng. Xin nhớ rằng cuốn sách này không hề có ý định thay thế sự hướng dẫn trực tiếp của thiền sư.

Chúng tôi đã cố gắng chuyển dịch và diễn đạt những lời dạy của thiền sư Sayadaw U Tejaniya một cách chính xác nhất. Mong bạn đọc hãy thông cảm cho những sơ suất và những chi tiết có thể bị thiếu sót trong quá trình biên dịch. Xin bạn hãy liên hệ với chúng tôi để góp ý cho những lần xuất bản sau được hoàn chỉnh hơn.

Xin thành kính tri ân thiền sư Sayadaw U Tejaniya đã kiên nhẫn soi sáng con đường chánh niệm và trí tuệ và dạy dỗ các thiền sinh chúng con về thái độ chân chánh trong thiền tập. Mong rằng tất cả chúng sanh đều được hưởng phước lành từ những công đức mà mọi người đã đóng góp trong cuốn sách này.

Ban biên tập.


GHI CHÚ VỀ CÁC THUẬT NGỮ


Chúng tôi phải làm việc trong giới hạn của ngôn từ và ý niệm để diễn tả và đưa ra những gợi ý về một tiến trình thấy biết rõ ràng mà đôi khi rất khó để diễn đạt bằng lời nói. Do đó, khi đọc cuốn sách này, xin các bạn đọc chớ nên chấp chặt vào những định nghĩa trong từ điển hay những quy tắc văn phạm.

Có thể bạn sẽ thấy một từ ghép mới “chánh niệm+trí tuệ” ở ngay đầu đề cuốn sách này hay xuất hiện chỗ này chỗ kia trong sách. Đó là cách thiền sư Sayadaw U Tejaniya dùng để nhấn mạnh sự cần thiết (của trí tuệ) chứ không phải chỉ mỗi là chánh niệm ở trong thiền vipassanā. Chỉ mỗi chánh niệm thì không đủ; trí tuệ cũng phải có mặt trong con đường học hỏi và hiểu biết này nữa.

Những câu như là “tâm đang hay biết” (thay vì “tâm biết”) được sử dụng trong những trường hợp để diễn tả một sự việc đang trong quá trình diễn tiến. Những từ như: quan sát, nhìn, chánh niệm, ghi nhận, nhận biết hay chú ý đều có cùng ý nghiã và được dùng thay đổi lẫn cho nhau. Và cuối cùng, chữ Pháp (Dhamma) viết hoa là để nói về những lời dạy của Đức Phật (Phật Pháp), hay là thiền tập; còn chữ pháp (dhamma) viết thường là để chỉ các hiện tượng tự nhiên, quy luật tự nhiên hay đề mục, đối tượng nhận biết của tâm.

Các từ Pāli được dùng kết hợp ở trong suốt cuốn sách. Đôi khi những từ dịch sang tiếng Việt chỉ là tương đối, chỉ diễn đạt ngắn gọn về ý nghĩa thực sự của từ Pāli, vì vậy để thực hành thiền chánh niệm thì sự diễn giải cần phải đầy đủ. Hãy xem thêm ở phần giải nghĩa từ Pāli ở cuối sách và tham khảo từ điển Phật học và kinh điển để có định nghĩa hoàn chỉnh hơn. “Hãy cố gắng có sự “cảm nhận” đối với các từ Pāli khi bạn đọc, và cố gắng hiểu chúng ở trong ngữ cảnh cụ thể” là một lời khuyên mà chúng tôi xin được nhắc lại từ cuốn Chỉ mỗi chánh niệm thì không đủ của thiền sư Sayadaw U Tejaniya.

Và cuối cùng, chúng tôi xin được dùng từ “bạn”, hay “chúng ta” thay cho “thiền sinh” ở trong cuốn sách này.



1 nhận xét:

  1. Bài post của Bạn quá hữu ích, cám ơn bạn đã chia sẻ.
    Xem tại website : Thiền cho dân văn phòng

    Trả lờiXóa