Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016
LÒNG BIẾT ƠN
Gs. Ts. Đại đức Thiện Minh
Ghi chép: Quang Đức
Thưa quí vị, Hôm nay, theo thông lệ hàng năm vào dịp Vu lan - Mùa Hiếu Hạnh, Thiền viện Bồ Đề – 78/14 Bình Giã, p. 8, tp. Vũng Tàu lại tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu, lễ Mừng thọ, lễ Đặt bát và lễ Phát quà Từ thiện. Mục đích của ngày lễ này là để các hàng Phật tử tri ơn đến tất cả những ai mình đã thọ ơn.
Theo thuyết Duyên khởi của Phật giáo, vạn vật hiện hữu trong thế giới luôn vận động và biến đổi. Vạn vật khi hội đủ duyên thì mới được sinh ra và hết duyên thì phải hoại diệt. Không gì có thể hiện hữu tự thân, một vật chỉ có thể tồn tại và ghi nhận trong tổng hoà các quan hệ với các đối tượng khác trong thế giới thực tại. Đó là một mối tương quan “trùng trùng duyên khởi” của vạn loài. Do đó, sống ở trên đời chúng ta phải biết tri ơn. Tri ơn những bậc đã sinh thành dưỡng dục, tri ơn những người thầy người cô đã dạy dỗ ta nên người có tri thức, tri ơn những người đã sát cánh bên ta lúc hoạn nạn khó khăn,…thậm chí Đức Phật còn dạy chúng ta phải biết tri ơn đến cả “người dưng”, đến cả những ai vẫn cố tình hủy hoại chúng ta, … là tri ơn đến vạn loài, đến tất thảy chúng sanh.
Thưa quí vị, tri ơn đến người nâng đỡ bảo bọc chúng ta là đúng nhưng tri ơn đến cả kẻ hãm hại ta nghe ra có vẻ khó thuận ý phải không? Tại sao? Tại vì không có xấu làm sao có tốt, không có đen thì khái niệm trắng cũng không còn. Cái xấu chính là khẳng định chắc chắn nhất cho sự tồn tại của cái tốt. Và giá trị đích thực nhất của một “biện luận” chỉ được đo đếm bằng chính những “phản diện” của nó mà thôi. Vậy nên, thay vì chăm bẵm lòng oán hận tương tương báo báo thì Đức Phật dạy chúng ta hãy nhổ bỏ nó để nuôi dưỡng lòng vị tha và biết ơn. Thay vì oán thán cuộc sống không như ý thì phải tích cực nhìn vào những Thiện tại dang hiện hữu quanh ta. Mở lòng ra mà chào đón và cảm nhận sự bằng an đích thực trong tâm mình. Trong vạn vạn công ơn chúng ta đã thọ nhận, Đức Phật dạy có 4 Đại ơn chính mà chúng ta cần phải tích cực tri ơn. Đó là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn Tam bảo, và ơn quốc gia.
1. Ơn cha mẹ như “trời cao khó vói, đất rộng khó đo”. Quí vị có làm cha làm mẹ rồi mới hiểu được ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của mẹ cha đối với mình.
“Ân nghĩa nặng thịt xương huyết nhũ
Công sâu dày chín tháng cưu mang
Dưỡng bào nhi ăn uống kiêng khem
Lúc đi đứng nằm ngồi giữ ý
Nỗi thống khổ làm sao kể xiết
Tự chống chèo vượt cạn qua sông
Trào lệ vui tiếng khóc bên lòng
Yêu con trẻ nâng như trứng mỏng”
Thưa quí vị, con cái sinh thành là từ tinh cha huyết mẹ. Chín tháng mười ngày ấp ủ rồi banh da xẻ thịt mới có được con. Có được con, người cha người mẹ phải đánh đổi rất nhiều, thậm chí có cả những vị còn phải đánh đổi chính sanh mạng của mình cho sự sống của con thơ. Nếu quí vị có theo dõi tin tức thì đã biết gần đây trên truyền thông vẫn đang đưa tin tức về một nữ chiến sĩ công an còn rất trẻ, chấp nhận không điều trị bệnh ung thư để dành dật sự sống cho con.
Sanh con đã khó mà dưỡng dục con thành người, theo sát con suốt cuộc đời mới thật không bút nào tả xiết công ơn tày biển của cha mẹ.
“Nuốt mặn đắng chua cay tủi hận
Ôi suốt đời vất vả lo toan
Mới cảm đau ương yếu se mình
Đã hớt hải cầu Trời khấn Phật
Tình mẹ cha thấm dòng sữa mật
Nuôi đời con đến lúc nên người
Buổi khó khăn khô nhạt cầm hơi
Miếng ngon ngọt dành phần con trẻ
Năm canh đêm thức chừng con ngủ
Sáu khắc ngày tần tảo ngược xuôi
Đủ áo cơm nở mặt với đời
Cho ăn học đua đòi sĩ diện”
Ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục là vậy nhưng người con lại vốn quen nhận mà ít nhớ đáp đền. Đối xử với ơn nghĩa mẹ cha hững hờ, vô cảm. Đa số những người con khi nói chuyện với người yêu, với người ngoài thì rất nhã nhặn hoa mỹ nhưng lại dùng lời lẽ cộc lốc với cha mẹ mình. Có những người con bỏ bạc triệu để đến Đền này Phủ nọ, Chùa đó Thiền viện kia nhưng lại keo kiệt với chính hai bậc sinh thành ra mình. Lại có những người con nay thành ông to bà lớn lại xấu hổ vì gốc gác quê mùa của mẹ cha mà không đối xử công bằng với cha mẹ, xem thường cha mẹ mình…
Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, danh từ Phạm thiên, tiên sư, bậc đáng được cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cha mẹ đã đầu tư hầu hết cuộc đời của mình vào công trình nuôi dưỡng, giáo dục và dẫn dắt con cái vào đời”. Cuộc sống vốn có qui luật của nó. Hễ chúng ta gieo gì ắt gặt nấy. Cho nên, những người con nào biết hiếu kính với cha mẹ đều rất thành đạt trong cuộc sống và được người đời vị nể, kính trọng. Sư biết có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, những chính khách nổi tiếng họ đều là những người con hiếu nghĩa. Gần đây, sư có biết thêm một vị lãnh đạo ở tỉnh Bình Dương, người này dẫu có bận rộn đến đâu thì cứ đều đặn sắp xếp về thăm và hiếu kính với mẹ già 85 tuổi của mình 2 tuần một lần. Việc này đã là thông lệ rất lâu và sư để ý thấy người này rất thành đạt trong cuộc sống. Ông không chỉ được mọi người kính trọng mà còn là tấm gương đạo đức cho một gia đình có nền tảng hạnh phúc vững chắc. Con cháu của ông cũng noi gương mà rất hiếu thuận đối với ông.
Cho nên, tất cả chúng ta dẫu có đang trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải biết hiếu kính với cha mẹ. Cha mẹ còn sống thì phụng dưỡng chăm sóc từ miếng ăn giấc ngủ đến viên thuốc cân đường. Từ lời nói nhẹ nhàng hòa ái đến sự lo lăng quan tâm kịp thời. Phụng dưỡng mẹ cha cả về tinh thần lẫn vật chất. Những ai mà cha mẹ đã không còn thì phải biết kiến tạo phước đức để hồi hướng đến cho vong linh của mẹ cha. Nhớ rằng, Tâm hiếu là Tâm Phật, Hạnh hiếu là Hạnh Phật. Trong trăm hiếu của người con thì Hạnh hiếu đứng đầu (Hiếu Vi Bách Hạnh Chi Tiên).
2. Ơn Thầy tổ là phải nhớ tri ơn đến bậc thầy người đã truyền dạy chúng ta một công việc chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình.
“Ghi nhớ mãi công ơn thầy tổ
Xót thương hằng dạy dỗ lắm phen
Như đem ánh sáng ngọn đèn
Rọi vào tâm trí tối đen mịt mờ”
Dẫu vậy, trong cuộc sống không chỉ học hỏi được từ một vị tổ sư duy nhất mà thật ra tri kiến học hỏi được xuất phát từ rất nhiều thầy khác nhau. Trong đạo thì có thầy hướng dẫn chúng ta hành thiền, có thầy truyền giới, lại có thầy không qui y truyền giới nhưng phạm hạnh của họ lại có nhiều tác động làm chuyển hóa thân tâm của chúng ta. Chúng ta cảm thấy nhân duyên rất tốt khi gặp vị thầy này, gặp gỡ họ khiến tâm tánh ta thay đổi – từ ích kỷ tị hiềm chuyển qua bao dung quảng đại, từ cục mịnh nóng nảy chuyển sâu lắng khoan thai… Dẫu là trực tiếp hay gián tiếp thì những người thầy giúp chúng ta chuyển mê khai ngộ có đời sống đạo đức chân chánh thì đều phải nhớ báo đáp đại ân.
“Ân thầy tổ vô biên khó tả
Hơn biển non hơn cả hư không
Lấy chi sánh ví cho đồng
Biết chi đền đáp xứng công vô lường”
Ơn thầy tổ vô lượng vô biên đúng là không có chi đền đáp cho vừa. Cũng như ân cha nghĩa mẹ có cái đền ơn nào cho xuể những tháng năm cha mẹ hi sinh tất cả vì con. Nhưng thầy tổ cũng như mẹ cha, dưỡng dục chúng ta thành người không phải vì chờ những gì ta đền đáp mà dưỡng dục bằng tất cả tình thương. Vậy thì chỉ có tình thương mới đáp trả nổi tình thương. Đáp đền ân cao nghĩa trọng không chỉ phấn đấu thành người có ích cho xã hội mà còn phải luôn biết quan tâm, yêu thương và kính trọng thầy.
Nhân đây sư xin chia sẻ câu chuyện của sư như sau: có một lần sư cùng ngồi Hội Đồng Bảo Vệ Luận Văn Thạc Sỹ với một cô giáo. Đây là cô giáo từng dạy sư hồi sư học cử nhân tại trường Đại học Sư Phạm TPHCM. Gặp cô giáo trong trường hợp này sư cảm thấy rất vui và tự hào. Vui vì được gặp lại cô sau rất nhiều năm và tự hào vì được gặp cô trong hoàn cảnh mình đã phần nào có nhiều đóng góp giá trị cho xã hội. Sư đã chào cô và giới thiệu “em là học trò cũ của cô ngày xưa”.
Một câu giới thiệu giản dị, bình thường nhưng kết quả khiến sư thật bất ngờ. Cô giáo đã rất cảm động và nói rằng: “trong gần 40 năm giảng dạy của mình, có nhiều học trò cũ nay đã là ông này bà nọ, quyền lớn chức cao nhưng ít ai khi gặp lại lại dám nhận xưa kia từng là học trò cũ…”. Quí vị thấy đấy, chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng người thầy của chúng ta cũng đã cảm thấy được đền đáp trọn vẹn. Và sự kính trọng, sự đền đáp công ơn thầy dạy của quí vị cũng lại là những nhân lành cho các thuận duyên kế tiếp. Hạt giống gieo xuống thì quả ắt hẳn phải tiếp tục trổ trái thôi. Sau buổi gặp gỡ hôm đó, cô giáo cũ dẫu chưa từng quan tâm nhiều đến tôn giáo, chưa hiểu sâu về Đạo Phật nhưng vì yêu quí người học trò mà tìm về Chùa thăm sư. Cũng từ đây, từ những thắc mắc, tò mò mà tìm hiểu … nay cô đã trở thành một Phật tử thuận thành. Vậy cũng chính là nhân duyên để sư báo đáp được công ơn giáo dưỡng cho cô giáo cũ, cũng là nhân duyên lớn để báo đáp đến Đại tổ sư – Đức Bổn Sư Gotama khi vận dụng lời dạy của Ngài để tri ơn và cũng từ duyên khởi này mà phát triển đạo pháp.
3. Ơn Tam Bảo là tri ơn đến Phật, Pháp và Tăng. Đức Phật Gotama là bậc Á-Rá-Hăn cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri và Minh Hạnh đủ đầy. Những lời dạy của Ngài chính là pháp bảo truyền lại cho chúng sanh nhằm thực hành để vén bức màn vô minh, từ đó thoát đi mọi tham ái khổ đau triền miên bất tận.
Cuộc hành trình tu tập của Đức Phật Gotama cho đến khi hoàn toàn giác ngộ đã đã trải qua hàng ngàn đại kiếp, từ các kiếp trâu bò dê ngựa rồi đến các kiếp người. Phật không phải là một dấng thần linh do trí tưởng tượng tạo nên mà Phật chính là người đã giác ngộ. Các lời dạy của Ngài bao hàm cả những pháp thế gian và xuất thế gian. Cho đến trước khi Phật nhập niết bàn, những lời giáo huấn của Ngài đã trở thành hệ thống tư tưởng đầy đủ. Hệ thống giáo pháp này có thể áp dụng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, ngài còn tùy thuộc vào căn cơ, địa điểm, trình độ … mà diễn giảng cho hợp thời.
“Pháp Vi Diệu Cha Lành khéo dạy
Lìa danh ngôn hý luận nghĩ bàn
Vượt thời gian, vượt không gian
Thiết thực hiện tại, hoát nhiên tỏ tường
Pháp hướng thượng, đến rồi thấy rõ
Lìa si mê, xả bỏ vọng trần”
Nhờ có Pháp học do Ngài để lại để chúng ta tu tâm dưỡng tánh. Hành tập tâm lành, xả bỏ dục mê, “Chẳng có chi đáng cho con phải nương theo, chỉ có pháp bảo là quí báu”, quay về nương tựa vào pháp bảo chính là tìm về với bến bờ giác ngộ.
Sở dĩ những lời dạy của Đức Phật – “Pháp bảo” còn lưu giữ được thì cũng cần phải kể đến ân đức của chư Tăng. Tăng chính là những “pho sách sống” cho sự lưu truyền Pháp bảo không bị mai một hay đứt đoạn. Tăng đoàn đã mang trên mình trọng trách vĩ đại trong việc chuyển tải chân lý giáo pháp từ cách nay hơn hai lăm thế kỷ bằng chính sự hành tập và chiêm nghiệm của mình. Điều đó chứng minh giáo Pháp của Đức Phật không chỉ là giáo điều mà thuộc về chân lý, là tín ngưỡng chứ không phải cuồng tín dị đoan. Là khoa học cũng như vượt qua cả khoa học.
“Bậc Diệu Hạnh, Thanh văn đệ tử
Bậc Chánh Chơn, Pháp lữ Tăng già
Bậc Mô Phạm cõi ta bà
Thân tâm trực hạnh, lìa xa luân hồi”
Chính các chư tăng là người bảo tồn lời dạy của Đức Phật bằng chính sự hành tập và chiêm nghiệm của bản thân.
Sau 45 năm hoằng pháp, sợ rằng các đệ tử sẽ chấp lời dạy của mình là chân lý chứ không phải là phương tiện để giác ngộ. Lời dạy cuối cùng của Ngài là “Tất cả các Pháp Hữu Vi đều vô thường, chịu biến hoại, hãy tinh tiến tu học (để giải thoát)”.
“Trí nhân ngộ tánh chân nhân
Tự mình chứng nghiệm Pháp thân diệu thường”
Giáo pháp Phật giáo là đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin. Phải tự mình chứng nghiệm mới thấy được sự vi diệu và màu nhiệm của Pháp. Ngay như bản thân sư càng tu càng ngộ, càng chiêm nghiệm càng chứng lại càng thấy rõ ngày trước bản thân dày đặc vô minh và ái dục. Bây giờ tâm đã trưởng thành hơn, bao la hơn, rộng lớn hơn thì biết rằng bản thân nặng ơn Tam Bảo nhiều hơn. Do đó, sư nguyện ra sức tu tập, nỗ lực tinh tiến cũng như cống hiến, phụng hành để đền đáp công ơn Tam bảo.
4. Ơn Tổ Quốc là tri ơn đến những bậc tiền nhân, các chiến sĩ, các vị anh hùng … đã góp công trong việc khai sơn lập địa cũng như việc giữ gìn giang sơn gấm vóc để chúng ta có được một cuộc sống bình yên, tươi đẹp như ngày hôm nay. Để tri ơn quốc gia thì chúng ta phải nỗ lực bảo vệ sông núi lãnh thổ tròn vẹn; bảo vệ môi trường sống trong sạch, xanh tươi; sống hòa nhã đạo đức thân thiện với mọi người, với cảnh quan môi trường và với toàn thảy chúng sanh.
Riêng đối với những hoạt động của Phật giáo thì GHPGVN đã có những đóng góp thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia như: đẩy mạnh các hoạt động từ thiện; các chương trình đền ơn đáp nghĩa – xây dựng nhà tình thương, lập dàn cầu siêu đến các anh hùng chiến sĩ tử trận vì bảo vệ tổ quốc; phát động các phong trào vì môi trường; hướng dẫn các hàng đệ tử tu tập để trở thành những công dân tích cực trong xã hội …
“Ăn một bát cơm
Nhớ người cày ruộng
Ăn đĩa rau muống
Nhớ người đào ao
Ăn một quả đào
Nhớ người vun gốc
Ăn một con ốc
Nhớ người đi mò
Sang đò
Nhớ người chèo chống
Nằm võng
Nhớ người mắc dây
Đứng mát gốc cây
Nhớ người trồng trọt”
Tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trên thực tế đã là truyền thống bao đời của người dân Việt. Các hàng Phật tử nay càng tu tập thì càng phải biết trưởng dưỡng thêm tình yêu thương và biết thực hiện các hành động thiết thực hơn nữa để báo đáp công ơn cho tổ quốc mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét