Chúng ta có mối quan hệ với xã hội. Chúng ta có các bổn phận và công việc phải làm. Xã hội không phải lúc nào cũng an bình hoặc hòa hợp, và Đức Phật dạy rằng cội nguồn của vấn đề này luôn luôn xuất phát từ phía cá nhân, do tâm của con người không chân thật. Chừng nào mà con người vẫn còn bị dẫn dắt bởi những khuynh hướng bất thiện khác nhau của tham, sân và si, thì việc nói năng và hành động của họ vẫn còn bị khuynh hướng bất thiện này chi phối. Bắt đầu từ đây, các vấn đề và những sự hiểu lầm xuất phát.
Có một số phương cách để đối phó với việc này. Thế giới mà chúng ta đang sống có luật lệ và các quy định của nó. Mục đích của việc đặt ra các luật lệ và quy định là đề ra các chuẩn mực để con người dựa vào đó mà cư xử, ăn ở sao cho phù hợp nhằm xây dựng một xã hội an bình và hòa hợp. Và như vậy, khi con người bất tuân luật lệ thì luôn luôn có vấn đề xảy ra, phải vậy không? Khi con người sống theo quan điểm và ý kiến của chính họ, sống theo tâm tham và sân của họ, hành động một cách ích kỷ và hung hăng thì các vấn đề mà chúng ta đang đối mặt xuất phát từ đó.
Đứng về mặt Giáo pháp, việc thấy rõ rằng mỗi người chính mình đều có một mức độ tham, sân và si nào đó là rất quan trọng. Đây là điều mà chúng ta phải chấp nhận và làm việc với nó. Và cách mà chúng ta đối phó với nó một cách khéo léo là: Thứ nhất, hiểu rằng mọi người ai cũng có tham, sân và si; thứ hai là có một thái độ tử tế và từ bi. Điều này không có nghĩa là khi mọi người đang hành động gây hại và chúng ta lại khuyến khích họ, nhưng chúng ta biết rằng con người là như vậy và chúng ta sẽ không cảm thấy bị xúc phạm. Bằng cách đề cao tầm quan trọng của lòng tử tế và từ bi, chúng ta có thể đối phó với những vấn đề hàng ngày của xã hội mà không tạo thêm đau khổ từ chúng.
43
Sẵn sàng để học hỏi
Đức Phật đã dạy chúng ta cách để sống an bình và hòa hợp trên thế gian này. Ngài dạy rằng chúng ta phải tu tập tâm từ và có tinh thần sẵn sàng hy sinh. Một người chồng cần phải hy sinh cho vợ của mình, vợ phải hy sinh cho chồng. Cha mẹ phải hy sinh cho con cái, và con cái phải hy sinh cho cha mẹ. Tất cả mọi thành viên trong gia đình phải hy sinh cho nhau. Đây là cách mà xã hội hoạt động khi nó đang vận hành tốt. Khi mọi người sống hòa hợp và cùng chung sống hòa bình thì luôn luôn có sự sẵn sàng để hy sinh này.
Chúng ta cũng nên mở lòng để lắng nghe người khác, đặc biệt là đối với những người đã tự mình tu tập giới, định và tuệ. Những người này hiểu rằng suy nghĩ như thế nào sẽ tạo ra đau khổ, và có thể giúp chỉ ra cho chúng ta thấy chúng ta đã lầm đường lạc lối từ đâu. Đó là lý do tại sao chúng ta phải kính trọng những vị thầy, những người đã tự thực hành cho chính mình, để làm cho tâm của mình được trong sáng và có được trí tuệ nội quán. Họ có kinh nghiệm hơn chúng ta trong việc chăm sóc tâm, cư xử đúng đắn, cũng như biết cách để đạt được sự tiến bộ trên con đường tu tập. Vì vậy, tất cả những hướng dẫn hoặc mọi kinh nghiệm mà những vị thầy này có được qua sự tự quán chiếu mà họ truyền đạt cho chúng ta, chúng ta nên lắng nghe cẩn thận. Chúng ta cũng nên áp dụng việc lắng nghe này đối với bạn bè và người thân của chúng ta. Đức Phật khuyến khích chúng ta giao thiệp với những người xung quanh, lắng nghe sự suy nghĩ và lời khuyên của họ. Thay vì gạt chúng sang một bên, chúng ta dùng kinh nghiệm của chính chúng ta để xem xét chúng một cách cẩn thận.
44
Vượt qua sự phán xét
Trừ phi chúng ta đã hoàn thiện khả năng chánh niệm và trí tuệ của chúng ta, chúng ta vẫn luôn bị mắc kẹt giữa hai cực đoan thích và không thích. Việc này thường ảnh hưởng đến cái nhìn của chúng ta đối với người khác. Khi chúng ta có sự dính mắc, chấp thủ và sự ưa thích hơn – chúng ta thích cái này, chúng ta không thích cái kia – và dĩ nhiên chính điều này đưa chúng ta đến sự phán xét. Thấy người có những đặc điểm chúng ta thích, chúng ta nói rằng người này tốt, thấy một người có những đặc điểm mà chúng ta không thích, chúng ta nói người này xấu. Dựa vào những mảng rời này chúng ta vẽ nên toàn bộ bức tranh, quyết định rằng người này là hoàn toàn tốt, hoặc người kia là hoàn toàn xấu. Nhưng điều này xuất phát từ sự dính mắc, chấp thủ và si mê.
Đức Phật dạy rằng cách để sửa chữa những khuynh hướng phê phán này của chúng ta là quay về và nhìn vào tâm của chính mình. Chúng ta nghiên cứu tâm của chúng ta, cuộc đời của chính chúng ta, cách cư xử của chính chúng ta càng nhiều thì cái nhìn của chúng ta sẽ càng trở nên trong sáng và không còn thành kiến. Vì vậy, trước tiên hết, chúng ta hãy nhìn vào các hành động của chúng ta và hỏi: “Hành động của tôi là khéo léo hay không khéo léo? Kết quả của các hành động của tôi là những gì?” Chúng ta nhìn vào lời nói của chúng ta và hỏi: “Lời nói của tôi là khéo léo hay không khéo léo? Hậu quả của các lời nói của tôi sẽ là những gì?” Và rồi chúng ta nhìn sâu vào tâm của chúng ta để thấy những gì chúng ta đang suy nghĩ: “Suy nghĩ của tôi là khéo léo hay không khéo léo? Hậu quả của các suy nghĩ của tôi sẽ là những gì?” Khi chúng ta học để làm như vậy, thay vì nhìn ra ngoài và phán xét thế giới và những người xung quanh, chúng ta quay vào trong và quan sát tâm của chính mình, việc làm này của chúng ta đúng với những lời dạy của Đức Phật. Và tự mình chúng ta sẽ biết chúng ta có sử dụng tâm của mình một cách khéo léo hay không. Việc này sẽ giúp chúng ta vượt qua sự phán xét người khác.
Và mặc dù mọi người vẫn đang phán xét chúng ta. Cho dẫu chúng ta làm điều gì, sẽ có người nói chúng ta làm đúng, trong khi những người khác lại nói rằng chúng ta sai. Sống trên thế gian là như vậy đấy. Nhưng những gì họ nói vẫn chưa phải là một câu chuyện đầy đủ, phải vậy không? Đôi khi chúng ta làm việc gì đó tốt, nhưng người khác vẫn chỉ trích chúng ta. Nếu chúng ta tự mình quán chiếu và biết rằng những gì chúng ta làm là thực sự tốt đẹp, chúng ta sẽ không đau khổ vì bị chỉ trích. Thỉnh thoảng chúng ta làm điều xấu nhưng vẫn có người khen ngợi chúng ta. Một lần nữa chúng ta phải quay về và quán chiếu, tự hỏi: “Việc làm này có thực sự tốt hay không?” Chúng ta không thể luôn lấy lời nói của người khác để thấy sự thật, nhưng bằng cách quán chiếu, chúng ta sẽ tự mình biết lấy.
45
Giá trị của bạn tốt
Đức Phật dạy rằng làm bạn với người tốt đem lại điều tốt. Bạn tốt khơi gợi những điểm tốt nơi ta, nhưng hãy tránh thân cận với bạn xấu. Đây là những người đưa chúng ta đi uống rượu, đánh bạc v.v... dẫn đến những tình huống nguy hại. Lời dạy này cũng áp dụng vào bên trong, có nghĩa là chúng ta hãy tránh đồng hóa với những sức mạnh tiêu cực trong chính tâm của chúng ta, thay vào đó chỉ nương tựa vào những suy nghĩ và khát vọng thiện. Nếu chúng ta thực hành tốt điều này, sự thực hành của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Tự chúng ta biết điều gì sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc và đâu là cách sống tốt đẹp. Vì vậy ngay cả khi sống hòa đồng với người khác, cho dẫu họ bị kẹt vào tà kiến hoặc không thấu hiểu con đường (giải thoát), chúng ta vẫn không bị ảnh hưởng. Đây là do bởi chúng ta đã vững vàng và có sự hiểu biết cho chính mình.
Đức Phật dạy chúng ta làm bạn với những người tốt và có trí tuệ, và tránh giao thiệp với những người ngu hoặc không có chánh niệm. Nhưng đôi khi, chúng ta cũng có những người bạn có tính cách hơi tiêu cực hoặc gây hại và chúng ta muốn giúp họ. Điều quan trọng cần phải nhận biết là chúng ta phải có một cái tâm đủ mạnh trước khi chúng ta có thể giúp họ, bởi vì nếu chúng ta không vững vàng trong sự thực hành, và rồi chúng ta dĩ nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi những người mà chúng ta thân cận, gần gũi. Họ tạo sự ảnh hưởng đối với chúng ta, hoặc là trực tiếp hoặc là tế nhị, và sự nguy hiểm chính là chúng ta bị ảnh hưởng bởi họ và lạc mất phương hướng. Nhưng nếu chúng ta vững vàng trong sự thực hành, chúng ta biết điều gì tốt và điều gì xấu, cái gì đúng và cái gì sai – và rồi cho dẫu những người gần gũi, thân cận với chúng ta có một số thói quen xấu nào đó, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng hay dao động bởi chúng. Lúc đó chúng ta có thể giúp họ một chút bằng cách cho lời khuyên hoặc sự hỗ trợ.
Ngay cả Đức Phật trong một số kiếp sống của mình trong quá khứ vẫn chưa có sự thôi thúc trong việc thực hành Pháp (Dhamma). Ngài quan tâm đến của cải vật chất hơn. Nhưng trong một kiếp sống quá khứ, Ngài có một người bạn muốn đến nghe Đức Phật của thời đó thuyết Pháp nhưng Đức Phật của chúng ta thì lại chưa có niềm tin và không muốn đi. Vì vậy người bạn túm lấy búi tóc và nói, “Bạn phải đi!” Ở Ấn Độ, búi tóc của bạn là vật cao cả nhất và được tôn kính nhất, người ta không túm lấy nó mà không có lý do. Người bạn của Ngài thực sự đã lôi Ngài đến đó. Nhưng khi Ngài trông thấy Đức Phật, Ngài nhận ra sự quan trọng của Giáo pháp và bắt đầu thực hành. Đây là một thí dụ về giá trị của tình bạn. Đôi khi chúng ta vẫn chưa nhận ra được điều gì là quan trọng trong đời sống của chúng ta, nhưng một người bạn tốt có thể hướng chúng ta đến điều đó.
46
Làm cha mẹ tốt (và trí tuệ)
Rất hữu ích để chúng ta dựa vào bốn Phạm trú – từ, bi, hỷ, xả – khi đối phó với con cái chúng ta. Khi chúng ta sinh con, tâm từ luôn luôn là thứ bản năng đầu tiên của chúng ta đối với con cái. Chúng ta yêu thương chúng vì chúng là con của chúng ta. Và một trong những phẩm chất trên hết của người cha, người mẹ tốt là giúp đỡ con cái mà không mong được đáp trả. Chúng ta không mong đợi con cái làm bất kỳ điều gì để đáp lại, chúng ta chỉ cho đi. Điều này là hợp lẽ – chúng ta luôn luôn nên có lòng tử tế và mong muốn những điều tốt lành cho con cái của mình. Và rồi khi con cái chúng ta rơi vào những tình huống đau khổ, tâm bi của chúng ta sẽ tự nhiên sinh khởi. Chúng ta không muốn chúng đau khổ mà muốn cho nỗi đau khổ của chúng chấm dứt. Ngược lại, khi con cái chúng ta thành công hoặc có được hạnh phúc trong đời, chúng ta có thể chia sẻ bằng cách cảm thấy hạnh phúc với chúng và hy vọng rằng những gì con cái chúng ta đạt được sẽ tiếp diễn. Và cuối cùng, nếu trong một tình huống nào đó, con cái chúng ta có những vấn đề vượt trên khả năng giúp đỡ của chúng ta, thì cách thức ứng xử thích hợp nhất trong trường hợp này chính là sử dụng đến tâm xả. Chúng ta phải hiểu rằng, mọi người đều phải gánh chịu nghiệp của mình và con cái của chúng ta cũng đem theo với chúng nghiệp được tích lũy bao đời kiếp – thói quen, đặc điểm, tính cách – vào đời.
Nếu con cái của chúng ta gặp những vấn đề mà chúng ta không thể làm gì được để giúp đỡ hoặc an ủi chúng, chúng ta phải bước lùi lại. Đây là tâm xả, với tâm xả chúng ta có sự quân bình và nhẫn nại. Chúng ta hiểu nghiệp và chấp nhận vào lúc này đây chúng ta chẳng có thể làm được gì nhiều để thay đổi sự việc. “Ồ, vào thời điểm này tình hình nó như vậy đây. Nó đã nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi.” Vẫn có tình yêu dành cho con cái, nhưng chúng ta không cố gắng ép buộc chúng phải thay đổi. Hoàn cảnh sẽ tự chính nó thay đổi.
Nếu con cái của chúng ta không tự giải quyết lấy các vấn đề thì chúng ta có thể chỉ bảo và giúp chúng. Nhưng chúng ta phải nhớ, đặc biệt là trong trường hợp tình huống kéo dài, rằng sự vật không vững bền, rằng con người thay đổi. Đôi khi con cái chúng ta thực sự tốt. Chúng có những phẩm chất tốt vì chính vì điều này mà chúng được nhiều người yêu mến. Và rồi chúng lớn lên, lập gia đình và ra riêng. Chúng có gia đình riêng của chúng, trách nhiệm của chính chúng. Vậy đấy! Chúng chẳng còn thời gian dành cho chúng ta bởi vì chúng đã có các bổn phần và nghĩa vụ của chính mình.
Một số đứa trẻ khác có thể có một sự khởi đầu như là không “tốt” lắm. Không thành công lắm, không có trách nhiệm lắm. Nhưng cuối cùng, chúng có thể lại là người chăm sóc cho chúng ta và giúp cho chúng ta nhiều nhất khi chúng lớn tuổi. Tôi đã từng chứng kiến những trường hợp như vậy rất nhiều lần. Và suy nghĩ rằng, đứa trẻ “tốt” sẽ ở lại và chăm sóc chúng ta và đứa trẻ “hư” sẽ bỏ đi và chẳng giúp gì cho chúng ta cả là không có gì chắc chắn. Con cái của chúng ta có thể thay đổi 100% theo tiến trình diễn biến của cuộc sống, và chúng ta cần phải nhớ như vậy. Nghiệp có thể thay đổi, con người có thể thay đổi. Chẳng có trường hợp nào là sự vật sẽ cố định, không bao giờ thay đổi. Khi chúng ta nhớ đến những sự thật này, nó giúp chúng ta buông bỏ hơn một chút nữa. Con cái của chúng ta có thể có các phẩm chất tốt mà đơn giản là chúng chưa nở rộ. Nếu chúng ta có thể kiên nhẫn và suy nghĩ theo cách này, chúng ta sẽ không đau khổ hoặc lo lắng thái quá. Chúng ta có thể buông bỏ và chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
47
Đền đáp công ơn
Cho dẫu chúng ta tích lũy được rất nhiều của cải, tài sản và có một vị trí đáng kính trong xã hội, nếu chúng ta không biểu hiện lòng biết ơn hoặc tử tế đối với cha mẹ thì coi như chúng ta không có sự giàu có thực sự. Nói một cách đơn giản, chúng ta không có những biểu hiện cho thấy chúng ta là một người tốt.
Khi chúng ta hiểu được lòng tốt cha mẹ dành cho chúng ta, chúng ta nên cố gắng hết sức mình để đền đáp lòng tốt này. Cha mẹ đã quan tâm và chăm sóc chúng ta trong nhiều năm, vì vậy để đáp lại chúng ta phải chăm sóc họ khi họ về già. Và thậm chí ngay cả khi cha mẹ chúng ta lìa đời, chúng ta vẫn có thể làm những việc lợi lạc cho cha mẹ của chúng ta bằng cách thực hiện các thiện pháp và hồi hướng phước báu cho họ. Khi chúng ta đi học, chúng ta nên siêng năng và cố gắng học tập chăm chỉ nhằm có thể đạt được kết quả tốt nhất để làm cho cha mẹ vui lòng. Việc này đồng thời cũng giúp cho ta tìm được một công việc tốt. Từ bàn đạp này trong công việc, chúng ta rồi sẽ có cơ hội giúp đỡ cha mẹ chúng ta về phương diện tài chính hoặc bất kỳ sự giúp đỡ nào mặt vật chất. Vào thời điểm này của cuộc đời chúng ta, chúng ta có thể khởi sự chăm sóc cho cha mẹ của chúng ta tương tự như cha mẹ chúng ta đã chăm sóc chúng ta cho đến ngày hôm nay.
Cha mẹ của chúng ta quan tâm đến chúng ta đến tận đáy lòng và làm bất cứ điều gì có thể để dẫn dắt chúng ta trong cuộc đời. Đôi khi họ không thực hành bố thí, trì giới và hành thiền, và chúng ta lo lắng cho sự an bình nội tại của họ. Nhưng nếu chúng ta thực sự muốn giúp đỡ cha mẹ chúng ta, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là tu tập những phẩm chất tốt đẹp bên trong chúng ta trước đã. Khi cha mẹ chúng ta nhìn thấy kết quả tích cực nơi chúng ta, họ sẽ sẵn sàng theo gương của chúng ta một cách tự nhiên.
48
Thể hiện lòng biết ơn
Lẽ tự nhiên là trong suốt mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ, sẽ có những xung đột và bất đồng. Nhưng tận trong đáy lòng của chúng ta, chúng ta luôn có sự cảm kích và biết ơn đối với họ, ngay cả khi những cảm xúc tiêu cực dâng tràn. Vì vậy, chúng ta cầu xin họ tha thứ cho chúng ta và chúng ta cũng tha thứ cho họ. Cha mẹ của chúng ta đã dành cho chúng ta sự tử tế hết sức lớn lao trong suốt cuộc đời họ. Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta đối xử không phải đối với cha mẹ chúng ta, chúng ta phải hết lòng cầu mong cha mẹ tha thứ cho mình.
Chúng ta có thể đền đáp công ơn của cha mẹ bằng cách cẩn trọng trong lời nói và hành động. Kể từ ngày chúng ta được sinh ra, họ luôn luôn chăm lo cho sự hạnh phúc của chúng ta. Họ truyền đạt kiến thức, nuôi dưỡng chúng ta, và chăm lo mọi nhu cầu của chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta nói năng hoặc hành động thô lỗ đối với cha mẹ, ngay cả những chuyện nhỏ nhất cũng ảnh hưởng rất lớn đến họ. Lời lẽ sẽ càng gây tổn thương và có ý nghĩa nặng nề hơn khi chúng xuất phát từ miệng của chính những đứa con. Đây là tình thương cha mẹ cảm nhận từ con cái của chính mình.
Nếu cha mẹ của chúng ta đến giai đoạn mà họ không còn có thể tự chăm sóc cho chính mình nữa, đây chính là lúc mà chúng ta dành cho cha mẹ của chúng ta mọi sự giúp đỡ có thể được một cách không tính toán. Chúng ta đền đáp ơn của cha mẹ bằng cách quan tâm và chăm sóc cho họ với tất cả tấm lòng. Và khi chúng ta làm những điều tốt đẹp này – những hành động thiện và bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ có những thành quả mới, có sự giàu có bên trong và có ý nghĩa. Nuôi nấng cha mẹ, Đức Phật dạy, là một trong những phước lành cao nhất.
49
Chờ đợi và chấp nhận
Tuổi già, bệnh tật và cái chết là những chuyện bình thường nhất trên thế gian này. Chúng ta phải chờ đợi những điều này và xem chúng như là một phần của cuộc sống của chúng ta. Tuổi thọ trung bình của con người là 75 hay 80 năm. Chúng ta nên nghĩ, “Bây giờ mình đã bao nhiêu tuổi rồi? Nếu mình 45 tuổi có nghĩa là chỉ còn 30 năm nữa để sống.” Suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ nhận thức được sự vô thường của cuộc sống và thức tỉnh trước thực tế rằng chúng ta không thể có mặt trên cõi đời này mãi mãi.
Có một câu hỏi là làm thế nào để đương đầu với thực tế rằng cha mẹ của ai đó rất già, đang nằm trên giường cận kề với cái chết. Trong trường hợp này, người cha đã 89 tuổi, vì vậy không cần phải khóc hoặc buồn, ông ấy thực sự đã sống rất thọ. Ông ấy đã sống thọ hơn Đức Phật 9 năm, Đức Phật chỉ sống đến 80 tuổi. Đức Phật dạy rằng sống thọ là một nghiệp lành, nó là quả của sự không giết hại. Vì vậy đây có thể là nghiệp lành của ông ấy từ quá khứ – không làm hại hoặc giết hại động vật.
Chúng ta nên vui vì cha của chúng ta được trường thọ. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải thấy rằng thân và tâm này là vô thường, có sinh và có hoại. Chúng không tồn tại mãi. Chúng ta có thể chờ đợi sự thật rằng khi con người già đi, họ sẽ chết. Và nếu thân và tâm của họ đang trở nên suy yếu, sẽ có sự đau đớn và khó chịu, chúng ta không muốn cha mẹ chúng ta phải trải nghiệm những cảm giác như vậy từ ngày này sang ngày khác, chúng ta có lẽ thực sự cảm thấy vui và muốn cho họ ra đi với ước mong rằng quả của những thiện nghiệp sẽ mang lại cho họ một thân thể đẹp đẽ và mạnh khỏe trong kiếp sống kế tiếp. Vì vậy, nếu cha mẹ của chúng ta đang ở trong tình trạng hết sức đau yếu, có lẽ tốt nhất là nên chuẩn bị sẵn sàng để cho họ ra đi.
Làm như vậy, chúng ta phải quán chiếu sự thật rằng sự tồn tại của chúng ta dưới tấm thân của con người này là vô thường và khi chúng ta chết chúng ta phải chia lìa mọi người, mọi thứ. Nếu chúng ta thực sự chấp nhận điều này, chúng ta có thể cảm thấy yên bình với sự thật này. Thay vì cảm thấy buồn về cái chết của người thân, chúng ta có thể biết rằng đây là bản chất của sự vật và vui với những việc tốt đẹp mà cha mẹ chúng ta đã làm.
50
Kể chuyện về heo và trẻ con
Ngày nọ có một nông dân gặp Ajahh Chah và than phiền: “Ôi, kinh tế, thật là khủng khiếp! Giá của thịt heo rớt thê thảm! Con chẳng còn kiếm lãi được nhiều như trước đây!” Và Ajahn Chah nói, “Hừm, sư không thấy những con heo than phiền gì cả! Sư chẳng bao giờ nghe chúng tranh cãi về giá của thịt của chúng… và ai là những người đã kết liễu cuộc đời của chúng vậy?” Ajahn Chah thường đưa ra những sự việc đơn giản để chúng ta quán chiếu, giúp cho chúng ta buông bỏ sự căng thẳng và chỉ cho chúng ta thấy có một cách khác để nhìn sự vật. Không những chúng ta có thể cười lớn vào chúng mà chúng ta còn hiểu rằng phần lớn những đau khổ chúng ta dựng lên trong tâm của chúng ta thì không hoàn toàn thực sự như chúng ta nghĩ. Nó không phải luôn luôn do người khác mang lại mà đúng là do chính từ những bám níu và chấp thủ của chúng ta mà ra.
Lần khác, một người đến gặp Ajahn Chah và nói, “Phải chăm sóc mấy đứa con của mình con thấy căng thẳng quá. Chúng thực sự cứng đầu và gây cho con nhiều rối rắm.” Và Ajahn Chah hỏi, “Vậy ai là người muốn có con? Quyết định có con là của ai vậy?” Khi người đàn ông dừng lại để suy nghĩ, Ajahn Chah nói, “Có lẽ chúng ta chỉ nên đổ lỗi cho con cái 50%, còn lại 50% ông cũng nên nhận về phần mình.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét