Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

TỨ DIỆU ĐẾ TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY



Tứ Diệu Ðế (Bốn Chân Lý Cao Thượng) là cột trụ của Phật giáo. Hiểu chúng sẽ giúp cho đời sống thường ngày của chúng ta được tốt đẹp hơn. Chân lý thứ nhất là Dukka tức Khổ. Chân lý thứ hai là Samudaya tức là Khát Vọng. Chân lý thứ ba là Nirodha tức là Sự Chấm Dứt Ðau Khổ. Chân lý thứ tư là Magga tức Bát Thánh Ðạo, con đường dẫn tới sự chấm dứt đau khổ.

* Nhưng làm sao chúng ta có thể áp dụng Tứ Diệu Ðế vào đời sống thường ngày?

Ðiều đó không khó. Ðể bắt đầu, bạn phải nhìn Dukkha trong toàn bộ của nó trước khi có thể thấy được cách giải quyết vấn đề. Bạn không cần phải ngoắc ngoải trong đau khổ thể chất hay tâm thần mới có thể hiểu được Dukka. Nó ở khắp nơi chung quanh bạn. Ngay lúc này, bạn cảm thấy thế nào về tiếng đập ầm ĩ ở bên cạnh?

(Nhà bên cạnh đang sửa chữa nên gây tiếng động rất ồn)

Trong thực tế bạn cảm thấy bức rứt bởi vì bạn muốn có sự yên tịnh để nghe và học. Bạn đang cố gắng loại trừ tiếng động ra khỏi ý thức của bạn, nhưng không thể được. Bởi vì đó không phải là cách giải quyết vấn đề. Bạn thấy tiếng động làm phiền bạn và bạn muốn chấm dứt nó. Bạn khao khát muốn cho mấy người thợ dừng tay.

Bởi vậy, bạn đã dựng lên một ham muốn là tiếng động phải chấm dứt. Sự ham muốn nầy làm sao nổi lên? Nó nổi lên từ sự bất mãn của bạn với tình thế hiện tại. Nói cách khác, bạn muốn được yên tịnh ngay lúc này. Bởi vì không có được, nên bạn bực bội. Trong tâm bạn đã có sự ghét bỏ.

Giả sử như bạn đang phải làm chuyện gì rất quan trọng đối với bạn. Sự ghét bỏ này có thể bừng lên thành nổi giận, thù ghét và cả bạo lực nữa. Sự ghét bỏ đã là một tình trạng căng thẳng. Nóng giận, hận thù và bạo lực đem đến thêm căng thẳng và đau khổ cho chính mình và người khác.

Ðây là những sự thực mà chúng ta phải đối diện trong từng giây phút của đời sống thường ngày. Nhưng chúng ta không nhận thức được sự ghét bỏ và sự đau khổ nó đem đến. Chúng ta cho Dukkha là do người nào hay việc nào khác gây nên.

Sự thiếu nhận thức nầy gọi là Vô Minh hay Ngu Dốt, ngu dốt về Bốn Sự Thật Cao Thượng. Sự ngu dốt nầy được diễn tả là tình trạng thiếu tỉnh giác. Nếu bạn thức tỉnh về tâm trạng của mình ngay lúc này, bạn sẽ thấy điều gì đang xảy ra trong đó. Ngay lúc này, bạn hãy nhìn vào bản tâm để xem cái gì đang xảy ra? Hãy nhìn chuyện gì xảy đến cho sự bực bội của bạn.

* Khi tôi ý thức về sự bực bội, hình như nó giảm bớt.

Khi bạn ý thức về sự bực bội, sự ghét bỏ tan đi. Nó tan mất vào tâm.

* Phải, bớt chút ít. Sự bực bội-nó vẫn còn đó nhưng bớt đi nhiều. Tôi hiểu rồi. Vấn đề không phải là đem sự bức rứt ra khỏi tâm. Vấn đề là chấp nhận sự kiện mình đang bức rứt và bực bội, phải không ?

Bạn nói đúng. Vấn đề không phải là tiếng ồn, mà là phản ứng của bạn với nó. Bạn phải đối phó với mình trước khi đối phó với tiếng ồn. Bây giờ, bạn sẽ làm gì đây ?

* Nhưng rõ ràng chúng ta có một số lựa chọn. Chúng ta có thể rời xa tiếng ồn. Chúng ta có thể yêu cầu mấy người thợ ngưng đóng đinh. Chúng ta có thể ngồi lại đây và cố giữ ý thức của mình về tiếng ồn để giảm bớt sự khó chịu ?

Bạn phải rõ ràng. Ðó là ý thức về tiếng ồn hay là ý thức về chính tâm trạng của bạn?

* À, là ý thức về tâm trạng của tôi đối với tiếng ồn.

Ðúng vậy. Trong đời sống có nhiều trường hợp mà bạn không thể loại trừ được những yếu tố bên ngoài. Chúng ta không thể loại trừ hay kiểm soát hầu hết ngoại duyên trong đời sống, nhưng chúng ta có thể làm một cái gì cho chính mình. Bạn bắt đầu với chính bạn. Bởi vì bạn được sinh ra với ý chí tự do, nên bạn có thể làm bất cứ điều gì với chính mình.

*Đó là bởi vì tôi không thể chấm dứt tiếng ồn, tôi phải lựa chọn chấp nhận nó?

Bạn phải phân biệt giữa chấp nhận một cách mù quáng và chấp nhận một cách thông minh. Chấp nhận chỉ có thể được trọn vẹn nếu bạn không chứa chấp sự phê phán.

Bây giờ hãy trở lại Tứ Diệu Ðế. Sự bất mãn của bạn với tình trạng ồn là chân lý thứ nhất về Khổ - tức Dukkha. Sự ham muốn hay khao khát được yên tịnh là chân lý thứ hai - Samudaya - tức Tập, hay là nguyên nhân của Khổ. Bây giờ khi bạn nhìn vào bản tâm và giải quyết sự bực bội, bạn thoát khỏi chu trình ham muốn- ghét bỏ- ham muốn. Phải không? Bây giờ bạn hãy nhìn vào trong tâm nữa xem.

* Sự bực bội đã biến mất ! 
Hãy nhìn lại những gì chúng ta mới trải qua. Bạn đã thấy là mình có thể phá vỡ được chu trình đau khổ bằng cách chỉ nhìn vào trong tâm trạng của mình. Ðây thực ra là sự tỉnh giác của tâm, là căn bản của sự tu tập 'thiền quán tâm' trong Phật giáo. Bây giờ, bạn thấy là tu tập tỉnh giác có thể đưa tới sự chấm dứt đau khổ hay chưa?

* Thưa, chưa đâu. Sự tỉnh giác có liên hệ thế nào với sự chấp nhận tiếng ồn?
Sự chấp nhận tiếng ồn là kết quả của sự tỉnh giác. Sự tỉnh giác là hành động siêu thoát. Nó siêu thoát 'thích' và 'không thích' và làm thanh tịnh nhãn quan của chúng ta. Chúng ta nhìn sự vật 'như chúng là'. Khi chúng ta thấy hay nghe sự vật đúng như thực tế, sự chấp nhận tự nhiên đến.

Ta có ý thức về tiếng ồn. Ta loại trừ sự bám níu vào yên tịnh và ta chấp nhận tiếng ồn. Ta chấp nhận tiếng ồn như là một phần của kinh nghiệm. Cả đến cái 'ta' cũng không có đó. Chỉ là sự chấp nhận thôi. Sự chấp nhận đến từ tự do của tâm trong lúc đó. Khi chu trình bị phá vỡ, bạn không còn cảm thấy bực bội nữa. Khi tâm thoát khỏi cảm xúc về tiếng ồn, nó có tình trạng bình thản và chấp nhận.

* Mình không mong đợi tiếng ồn chấm dứt và cũng không mong đợi nó trở nên ồn hơn.

Ðúng vậy. Bạn thoát khỏi sự khái niệm hóa về tiếng ồn. Bạn đi tới điểm bạn nghe nó như 'nó là như vậy'. Với sự nghe tiếng ồn đúng như thực tế của nó, sự chấp nhận đã là một phần của tình huống. Bạn không thể gượng ép mình chấp nhận nó. Bởi thế tôi phải rất cẩn thận khi dùng từ. Khi bạn nói 'Tôi chấp nhận' thường có nghĩa là...bạn đang kiểm soát tình hình. Sự chấp nhận mà chúng ta đang nói đây là sự tự nhiên và tức thời hòa nhập và làm một thể với môi trường.

* Như vậy là không còn có sự ngăn cách giữa tiếng ồn và kinh nghiệm tiếng ồn của tôi. Do đó không có gì để chấp nhận hay bực bội vì nó cả.

Ðúng. Bây giờ chúng ta hãy trở lại kinh nghiệm của bạn ngay giây phút này. Bạn còn khó chịu về tiếng ồn hay không?

* Không còn khó chịu nữa. Tôi hoàn toàn được tự do đối với tiếng ồn. Bà đã nói tỉnh giác là nền tảng của thiền định. Nó hoạt động ra sao?

Phải. Sự tỉnh giác của bản tâm ở từng giây phút là một phần của cách tu tập 'thiền quán tâm' (satipatthana).
 Ngay lúc này, bạn cảm thấy thế nào về tiếng đập ầm ĩ ở bên cạnh?
Trong trường hợp đặc biệt này, sự tỉnh giác về sự bực bội là bạn quán chân lý thứ nhất - Khổ. 

Sự tỉnh giác về ham muốn được an tịnh và sự bám níu vào yên lặng, tức nguyên nhân của Khổ, là bạn quán chân lý thứ hai - Samudhaya - hay là Tập. Giây phút bạn được tự do thoát khỏi sự bực bội về tiếng ồn là Nirodha (Diệt) tức chân lý thứ ba. Trong trường hợp nầy, sự dừng khổ là tạm thời nên được gọi là Tadanga Nirodha.

* Còn Chân Lý Thứ Tư (tức Ðạo)?

Khi bạn tu tập tỉnh giác, thực ra bạn đang thực hành Bát Thánh Ðạo. Bạn đang chánh tinh tiến để tu tập Tỉnh Giác về sự bực bội của bạn. Do đó tâm bạn được tập trung, tức Chánh Ðịnh 

Khi bạn siêu việt sự không thích tiếng ồn và không còn khó chịu, ngay lúc đó bạn có thể nghe tiếng ồn như thực tế. Ðây là Chánh Kiến. Khi bạn không mong đợi nó chấm dứt hay trở nên ồn hơn, đó là Chánh Tư Duy. Bạn có thể nói lên tình hình với nhận thức đúng đắn, gọi là Chánh Ngữ. Bây giờ bạn còn muốn rời xa tiếng ồn nữa hay không?

* Vậy muốn nói không làm gì trong trường hợp nầy là hành động đúng?

Ðúng thế. Như vậy bạn đã thấy nếu tu tập tỉnh giác với tâm bình thản trong đời sống thường ngày, là bạn đang áp dụng Bốn Chân Lý Cao Thượng và phối hợp với Bát Thánh Ðạo trong lối tu sinh hoạt thiền.

Sống Thiền - Ðạo Lý Tỉnh Giác Trong Ðời Sống Thường Ngày
Ledi Sayadaw
Từ Thám dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét