Phật học ngày nay bao hàm cả một rừng kinh sách của nhiều Tông môn, Bộ phái. Riêng Tam Tạng Thánh Điển Pàli nguyên thủy thì chúng ta nghiên cứu một đời cũng không dễ gì thấu suốt, huống chi về sau còn có cả Kinh Luận dị biệt của các bộ phái Tiểu thừa, rồi đến sự phát triển đa dạng của tư tưởng Đại thừa, Mật tông, Thiền tông v.v. . .
....dù một người có sống hơn trăm năm cũng không sao khám phá hết những tinh hoa trong rừng Kinh Điển thâm cao này.
Tuy nhiên Đức Phật dạy:
“Dầu cho ngôn ngữ trăm ngàn
Nói điều vô ích chỉ bàn suông thôi
Tốt hơn: ít chữ, ít lời
Nghe xong tịnh lạc sống đời vô ưu”.
(Kinh Lời Vàng – Minh Đức dịch)
Cho nên người hữu duyên đôi khi chỉ nghe một câu kệ, một lời kinh, một yếu ngữ hoặc thậm chí chỉ thấy một sự kiện vô ngôn mà vẫn thâm nhập được chánh pháp.
Người học Phật cốt thấy ra chỗ uyên nguyên, tinh yếu và giản dị nhất của Đạo chứ không nên tầm chương trích cú quá nhiều Kinh luận để rồi không tránh khỏi chướng ngại của sở tri, hay lắm khi bay bỗng trong thế giới huyễn hoặc của tư tưởng, để rồi đánh mất thực địa của pháp tánh như thị (Yathàbhùtà) mà Đức Phật muốn chỉ bày.
“Hơn hai ngàn hai trăm năm trước, nơi vườn Lộc Uyển tại Sarnath Ấn Độ, đã vang lên bức Thông Điệp Giải Thoát của Đức Phật, một sự kiện trọng đại, đã làm thay đổi hẳn cách tư duy và lối sống của loài người. Mặc dù mới đầu chỉ có 5 vị đạo sĩ thuộc nhóm Kiều Trần Như được nghe Thánh pháp này, giờ đây đã lan tỏa thật bình an đến tận những vùng xa xôi nhất của cõi thế này gian, và nhu cầu để hiểu được rõ ràng hơn, chính xác hơn ý nghĩa của Thánh pháp đã và đang là một nhu cầu lớn cho thế giới.
Trong những năm gần đây, nhiều sách dẫn giải về lời dạy của Đức Phật đã xuất hiện, song phần lớn những cuốn sách ấy đều thiếu tính chính xác và không tương ứng với tinh thần Phật ngôn. Với tất cả lòng khiêm tốn, bần Tăng nguyện sẽ trình bày thật chân xác về lời Đức Phật dạy như đã được tìm thấy trong Tam Tạng Pàli nguyên thủy nhất, một truyền thống Phật giáo cổ kín và rất đáng tin cậy từ ngàn xưa cho tới nay. Do đó, nội dung của cuốn sách này là nhằm giải thích bao quát quan niệm trung tâm của đạo Phật, tức Tứ Thánh Đế, đặc biệt nhấn mạnh đến Bát Thánh Đạo, Pháp hành dẫn đến Giác Ngộ Giải Thoát. Bần Tăng đặt tên cho cuốn sách là “Con Đường Cổ Xưa” (Puràna Maggam), đúng theo những từ mà Đức Phật đã dùng khi giới thiệu về Bát Thánh Đạo.”
Nayaka Mahathera Piyadassi
Giới thiệu tác giả
Nayaka Mahathera (Đại Lão Tăng) Piyadassi (1914-1998) sinh trưởng tại Sri Lanka (Tích Lan), lãnh thổ đã nuôi dưỡng và phát triển Phật Giáo hơn 2,300 năm qua. Ngài học tại trường Cao Ðẳng Nàlanda, một trung tâm Giáo Dục Phật Giáo quan trọng trong xứ, rồi vào Ðại Học University of Sri Lanka. Ngài xuất gia vào năm lên hai mươi và vững chắc thấm nhuần giáo lý và triết học Phật Giáo dưới sự hướng dẫn của vị Ðại Lão Tăng Vaji-ranàna, sáng lập viên-tăng trưởng chùa Vajiràràma, Colombo, một trong những nhân vật Phật Giáo lỗi lạc nhất tại Tích Lan. Ngài cũng là sinh viên nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Các Tôn Giáo Thế Giới tại Ðại Học Harvard, Mỹ Quốc. Ngày nay, Mahathera Piyadassi được biết đến như là một trong những vị sư, người thầy, người phụng sự Phật giáo không biết mỏi mệt đáng kính nhất trên thế giới. Lúc sinh thời, Ngài đã nhiều lần đại diện cho Sri Lanka trong những hội nghị quốc tế về tôn giáo và văn hóa. Vì đã từng du hành đến nhiều nơi, cả phương Đông lẫn phương Tây, để truyền đi thông điệp Từ, Bi, Hỷ, Xả cao cả của Phật môn, Ngài có khả năng viết nên những tác phẩm có sức lay động với mọi tầng lớp người thuộc các quốc gia khác nhau.
Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016
Cuốn sách tổng quát và chân thực về Đạo Phật: Con đường cổ xưa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét