Theo quan điểm của Phật giáo Nam tông đi khất thực không phải là sự tìm cầu về mặt ăn uống, mà là đi tìm những phương thuốc để chữa bệnh cho mình và người. Hay nói cách khác, đây là quá trình tu tập với hạnh nguyện tự độ và độ tha mà tất cả Chư tăng Nam tông đều phải thực hành.
Tự độ hay còn được gọi là tự lợi, là sự lợi ích của bản thân mình. Như vậy, tự độ trong từ "khất thực" là tự tìm cho mình cái ăn để sống qua ngày. Nhưng thực chất việc khất thực của Chư tăng Nam tông là tìm cho mình những phương thuốc chữa lành bệnh gầy yếu của thân và bệnh ngã mạn của tâm.
Để cơ thể vật lý có đủ sức khỏe cho việc tu tập, chư Tăng đi khất thực với tâm không phân biệt thực phẩm là chay hay mặn, ngon hay dở, nhiều hay ít và người dâng cúng thực phẩm đó là ai. Chư tăng chỉ thọ nhận là những thức ăn đã được nấu chín, ngoài ra những thứ như tiền, bạc hay các vật dụng khác có thể bán lấy tiền mua thức ăn và kể cả thức ăn còn sống cũng tuyệt đối không nhận. Mỗi ngày chư Tăng đi khất thực vào khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến trước 11giờ trưa, có được vật thực hay không thì tất cả chư tăng đều phải về lại chùa để cùng nhau cử hành nghi thức và thọ thực trước 12giờ trưa. (Trên tinh thần Lục hòa cộng trụ nên các vị này luôn chia sẻ thực phẩm khất thực được cho nhau, người có chia cho người không, người nhiều chia cho người ít. Chư tăng Nam tông chỉ ăn buổi sáng nên bữa trưa là bữa ăn chính, sau 12 giờ trưa thì không được thọ dụng).
Kết quả "khất thực" mà Chư tăng Nam tông đạt được không chỉ mang lại những thiết thực về mặt nuôi sống, giữ gìn cơ thể vật lý được khỏe mạnh, giảm bớt bệnh tật trong quá trình tu tập, mà còn mang lại một kết quả vô cùng to lớn cho các Tăng sĩ là đời sống chân thật, thanh bần, kham nhẫn, tri túc, không còn tâm kiêu mạn, diệt tam nghiệp (thân, khẩu, ý), luôn được thanh tịnh an lạc.
Vì trong quá trình đi khất thực chư tăng đi thành đoàn, ai thọ giới trước đi trước, thứ đệ cung kính nhau, vừa tập được tính khiêm cung, tự mình biết được Tàm, Quý, với những bước đi chầm chậm, mắt nhìn thẳng xuống đường không ngó qua lại, khẩu thanh tịnh, tâm không phân biệt, thể hiện được sự bình thản, tự tại. Các yếu tố này tạo nên sự thoát tục của chư Tăng và trang nghiêm của tăng đoàn.
Để mang đến cho chúng sanh những phương thuốc hữu hiệu nhất, trước hết là mỗi cá nhân trong tăng đoàn phải không ngừng nổ lực tu tập, giữ gìn tịnh hạnh, nghiêm trì giới luật, thân tâm không biếng nhác, phải làm như thế nào cho đúng với bổn phận của người xuất gia, bậc phước điền của chư Thiên và nhơn loại.
Việc đi khất thực hay gọi là Trì bình khất thực, các vị này đã áp dụng đi bằng phương pháp Thiền hành nên có những bước đi nhẹ nhàng, luôn khởi niệm từ tâm, thu nhiếp lục căn, nhất tâm cầu nguyện cho chúng sanh được thoát khỏi khổ đau, bệnh tật, oan trái, luôn được an vui, cũng tức là ban rải phước lành đến với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, nam nữ, lão ấu, các vị mở rộng lòng Từ với tất cả, luôn giữ tâm thanh tịnh, bình đẳng, chan chứa tình thương, nhu hòa trong ngôn ngữ, cử chỉ. Khi đứng trước nhà nào, nhà sư lại phải tịnh tâm quán tưởng thân, thọ, tâm pháp để cho Phật tử ứng cúng được phước báu viên mãn.
Theo giáo lý Phật giáo Nam tông thì Phật tử cúng dường cho chư tăng có phẩm hạnh và công đức với tâm thành kính sẽ được các phước báu Sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và có trí tuệ sáng suốt.
Nhìn vào thực tế chúng ta thấy rằng không phải ai ai cũng cũng biết Phật pháp, biết đi chùa, làm việc bố thí, cúng dường Tam bảo, tạo lập công đức. Cho nên thông qua việc khất thực, Chư tăng đã mang ánh sáng Phật pháp đến cho từng nhà, từng người, ai cũng có thể tạo lập công đức, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt của cúng dường là ít hay nhiều, chỉ với tâm hoan hỷ, tôn trọng, Tín thí đã có được những phước báu như trên. Thí chủ được dịp bố thí, dù là ít ỏi, nhưng việc làm đơn giản này mang lại phước báu vô lượng và sẽ mở đường cho việc tu hành giải thoát sau này.
Ở Việt Nam có nhiều nơi người dân chưa hiểu rõ phước báu của việc sớt bát cúng dường, chưa biết hạnh khất thực của chư Tăng, chưa hiểu biết giáo lý Nguyên Thủy của Ðạo Phật. Thông qua việc đi khất thực là cơ hội để người dân biết được Phật giáo, hình bóng chư Tăng với giáo lý đạo Phật, dù là vắn tắt, đơn sơ, nhưng rất hữu ích trong việc góp phần hoằng dương Phật Pháp. Trước khi người Phật tử đi sâu vào sự học hỏi giáo lý Ðạo Phật, việc mở đường cho mọi người tìm đến Phật pháp bằng nhiều phương tiện, mà hạnh trì bình khất thực là một. Vừa giúp ích cho người vừa lợi cho mình, nhất là sự nghiêm trì giới luật, thực hành Thiền quán theo giáo lý Phật giáo Nguyên thủy.
Do vấn nạn nhiều kẻ xấu đóng giả các Sư, lợi dụng hình bóng và truyền thống này để mưu lợi nên ở nhiều thành phố lớn, Chư tăng Phật giáo Nam tông không đi khất thực nữa. Tuy nhiên, truyền thống khất thực vẫn được các vị duy trì bằng cách tổ chức những ngày lễ đặt bát - khất thực trong khuôn viên chùa để cho chư vị Phật tử tạo lập công đức và Chư tăng Nam tông thực hiện truyền thống tu tập của mình.
Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016
Truyền thống đi bát Khất thực của các Sư phật giáo Nguyên thủy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét