Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

SỐNG THÁNH THIỆN VỚI TÂM TỪ, TÂM BI, TÂM HỶ, VÀ TÂM XẢ



Tâm từ của một bà mẹ đối với đứa con thân yêu là biểu hiện của sự thiêng liêng và thánh thiện phải không các bạn? Đó là một kinh nghiệm thiêng liêng và thánh thiện. Đối với tôi, quên mình để hiến dâng chỉ gì một người nào đó cần đến, hay nói khác đi, hy sinh những đặc ân và tiện nghi cá nhân để phục vụ người khác là một biểu hiện thánh thiện. Khi chúng ta thật sự ứng xử với cuộc đời một cách công bình và chân thật, khi chúng ta không còn thành kiến và thiên vị, khi có sự hoan hỷ, quân bình, và xả bỏ trong tâm, khi tâm thanh tịnh không bị những phiền não chi phối, thì chúng ta sẽ tiếp cận với sự thiêng liêng và thánh thiện.

Thay vì nói chúng tôi hướng về sự thiêng liêng và thánh thiện, người Phật tử nói, "Chúng tôi muốn tiến đến giải thoát và Niết bàn." Thế thì Niết bàn là gì? Niết Bàn là trạng thái trong đó chúng ta không còn bám víu, chấp chặt và quyến luyến vào bất cứ điều gì. Khi ở trong trạng thái đó, chúng ta sẽ là một người vị tha đầy lòng từ, bi, hỷ, xả. Chúng ta sẽ tiếp cận với sự cao thượng; chúng ta sẽ tiếp cận với sự thánh thiện; và chúng ta sẽ thể nghiệm được sự thoải mái, bình yên, và khinh an thật sự.

Bạn chờ đợi gì ở một thánh nhân? Thí dụ, khi nghĩ đến Chúa Jesus, có lẽ bạn sẽ nghĩ về lòng bi mẫn bao la của Ngài. Do đó, nếu có một thánh nhân thì tâm bi mẫn phải là một trong những đức tính của vị đó. Khi quán tâm, tôi thấy là khi tham ái vắng bóng thì bi mẫn sẽ xuất hiện. Tôi không cố ý tạo ra tâm bi mẫn; nó đến một cách tự nhiên. Khi không có tâm tham và ích kỷ luôn muốn chiếm hữu một cái gì đó thì tâm bi mẫn trước những khổđau và hỗn loạn của chúng sanh sẽ xuất hiện. Tâm bi mẫn nầy không xuất phát từ một khái niệm đạo đức cho đây là việc cần phải làm; không phải thế. Tâm bi mẫn đến từ sự hiểu biết về sự vận hành của các pháp và về những đau khổ xuất phát từ vô minh đang tồn tại trên thế gian nầy.

Trái lại, lòng thương hại bắt nguồn từ nỗi lo sợ cho chính mình. Khi có ai đó mắc bịnh ung thư và chúng ta nghĩ, "Ôi, tội nghiệp cho người ấy quá; tôi mừng là đã không mắc phải bịnh ấy. Hy vọng là tôi sẽ không bao giờ bị ung thư cả." Khi nói ra điều nầy, chúng ta đã áp đặt tư tưởng của mình trên người khác. Chúng ta cho bị ung thư là bất hạnh và chúng ta may mắn vì đã không mắc bịnh ung thư. Đó không phải là tâm bi mẫn. Tâm bi mẫn là tâm thật sự mở rộng để tiếp cận với sự đau khổ của người khác, không phải là để mong cầu lợi lạc, mà là vì ước nguyện sẵn sàng kiên nhẫn và chia sẻ nỗi khổ mà người khác đang chịu đựng. Chúng ta sẵn sàng chia sẻ và chịu đựng những bất hạnh, đau buồn, và khổ sở đang diễn ra chung quanh, mà không tìm cách trốn tránh, buộc tội và đổ lỗi cho ai cả. Đó chính là tâm bi mẫn; và tâm bi mẫn là một phẩm chất của sự thánh thiện.

Đối với tôi, tâm hoan hỷ xuất hiện khi bạn tiếp xúc được với những điều Chân Thiện Mỹ trong cuộc sống. Đó là một tình cảm rất tích cực và không xuất phát từ tham ái vì hoan hỷ và tham ái đối nghịch và loại trừ lẫn nhau. Có tham ái thì không có hoan hỷ và ngược lại. Tâm hoan hỷ là cái gì tự phát liên quan đến cái đẹp, cái thiện, và cái chân thật hiện diện trong con người và trong tất cả sự vật tồn tại trên đời. Có hoan hỷ thì ganh tỵ và ghen ghét hoàn toàn vắng mặt vì những tâm sở bất thiện nầy xuất phát từ lòng tham muốn cá nhân. Nếu chúng ta vẫn còn mang cái nhìn chấp ngã, thì khi thấy một ai đó thật sự có sắc đẹp và đạo đức hoàn hảo, chúng ta sẽ khởi tâm ganh tỵ và nghĩ, "À, ông ta tốt và giỏi hơn tôi." Rồi chúng ta lại tiếp tục suy nghĩ, "Ồ, ông ta có thể giỏi, nhưng ông ta cũng có thể…" Chúng ta đang tìm cách hạ thấp và dìm người đó xuống, phải không các bạn? Với tham ái, chúng ta chỉ lo chiếm hữu những điều chân thiện mỹ và chỉ khi nào chiếm hữu được, chúng ta mới có thể thưởng ngoạn chúng. Đó không phải là tâm hoan hỷ. Đó chính là tham ái. Tâm hoan hỷ chân thật cũng là một phẩm chất của sự thánh thiện.

Tâm quân bình và an tịnh chỉ xuất hiện khi chúng ta lắng dịu và mát mẻ. Tâm quân bình và xả bỏ có thể tiếp cận với cuộc sống và sự vận hành của các pháp mà không bị dính mắc. Lúc đó, tâm sẽ quân bình, thấy biết, và chiếu sáng rạng rỡ. Đó cũng là phẩm chất của sự thánh thiện.

Tự do là Niết bàn, là sự chứng ngộ được trạng thái xả bỏ tất cả, lúc đó chúng ta sẽ thật sự sống với tâm từ, bi, hỷ, và xả. Chúng ta có thể bàn về tự do dựa trên nguyên tắc công lý và bình đẳng, nhưng nội dung chính của lý tưởng tự do mà tôi muốn nói đến ở đây là ước vọng vươn lên của con người, hướng về sự thánh thiện và hòa đồng với Đại thể.

Thế thì tự do của tâm là gì? Theo tôi, đó là sự tự do lựa chọn hoặc đi vào con đường sa đọa hoặc hướng đến sự thiêng liêng và thánh thiện. Bạn sẽ chọn hướng nào? Trong bất cứ giây phút nào của cuộc sống, bạn cũng có thể làm sự lựa chọn nầy. Hoặc là bạn sẽ tiếp tục than vãn về số phận của mình, suy nghĩ về tất cả những gì bạn không yêu thích và tất cả những gì sai trái trên thế gian nầy, hoặc là bạn sẽ chánh niệm và quán tưởng về Pháp, cố gắng hiểu nó, và nuôi dưỡng ý nguyện hướng về con đường thánh thiện trong tâm mình.

* Câu hỏi: Khi nói đến tự do, tôi thường nghĩ đến cái gì đó rất hồn nhiên và tự phát. Nếu phải luôn luôn chánh niệm, quán sát, và ghi nhận tất cả trước khi hành động, thì điều đó có làm mất đi sự hồn nhiên và tự phát trong chúng ta hay không?

Trả lời: Không, nhưng bạn vừa nêu lên một vấn đề thuộc về ngôn từ. Khi bạn nói "quán sát và ghi nhận",điều này hình như hàm ý là có một ai đó đang bận bịu làm một cái gì đó. Tuy nhiên, chánh niệm không có nghĩa là bạn sẽ trở thành một người nào đó bận bịu với việc quán sát đến nỗi bạn không thể ứng xử với hoàn cảnh chung quanh. Sự hồn nhiên và tự phát phải đến từ tâm tín thành, phải không các bạn? Bạn không thể dựa vào một khái niệm hay một tư tưởng nào đó về cuộc đời rồi cố gắng trở nên hồn nhiên và tự phát.

Để trở nên tự phát và hồn nhiên, bạn phải có đức tin, và trong đạo Phật, nền tảng của đức tin là Tam Bảo. Khiđã tin tưởng vững chắc nơi Tam Bảo, chúng ta không cần phải nghi ngờ hay lo âu về cuộc đời. Sự tự phát và hồn nhiên xuất phát từ niềm tin đó, và niềm tin đó không dựa trên nhân sinh quan chấp ngã. Chỉ thuần quán sát hay chánh niệm sẽ cho giúp chúng ta ứng xử với cuộc đời một cách hồn nhiên, vì chúng ta đặt niềm tin nơi Phật-Pháp-Tăng. Chúng ta trở nên hồn nhiên, vì chúng ta không còn ảo tưởng về cái tôi cần phải được bảo vệ. Toàn bộ tư tưởng sai lầm cho rằng "Tôi là một con người, tôi phải luôn luôn cảnh giác để bảo vệ tôi khỏi những thế lực xấu ác, nếu không tôi sẽ bị chúng áp đảo và chế ngự" sẽ hoàn toàn tan biến. Và sẽ chỉ có sự thấy, hiểu biết, và tâm thanh tịnh mà chúng ta có thể tin tưởng và nương tựa. Những gì còn lại của cuộc sống sẽ tự vận hành theo quy luật của nó và chúng ta không cần phải can thiệp vào.

Trích: Tâm và Đạo
Tác giả: Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét