Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

SÁCH : ĐỪNG COI THƯỜNG PHIỀN NÃO - THIỀN SƯ SAYADAW U TEJANIYA - phần 1



ĐỪNG COI THƯỜNG PHIỀN NÃO 
Thiền Sư SAYADAW U TEJANIYA



NAMO TASSA BHAGAVATO
 ARAHATO
SAMMA SAMBUDDHASSA

Con xin đem hết lòng thành kính đảnh lễ
Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng cao thượng,
Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác





MỤC LỤC

                     














LỜI CẢM TẠ

Tấm lòng tri ân sâu sắc của tôi xin được kính dâng lên cố Đại Trưởng lão Thiền sư Shwe Oo Min Sayadaw Bhaddanta Kosalla Maha Thera, người đã truyền dạy Giáo Pháp và thái độ chân chánh trong con đường phát triển tâm linh và pháp hành của tôi.

Tôi muốn bày tỏ sự cám ơn đối với tất cả các thiền sinh. Những khó khăn, vướng mắc và những câu hỏi của họ đã đưa đến những câu trả lời và những điểm diễn giảng được trình bày trong cuốn sách này. Tôi thực sự hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp các thiền sinh hiểu rõ hơn về thiền chánh niệm và giúp cho pháp hành của họ thêm phần sâu sắc.

Cuối cùng, xin cám ơn tất cả những người đã đóng góp công sức để hoàn thành nên cuốn sách này.

Ashin Tejaniya
Myanmar




PHIỀN NÃO LÀ GÌ?

­Phiền não không chỉ là sự thể hiện của tham, sân, si ở dạng thô, mà còn là bạn bè và họ hàng thân thích, thậm chí là họ hàng rất xa của chúng nữa !! Hãy xem bạn đã bao giờ có một trong những ý nghĩ sau đây - hay những điều tương tự như vậy - thoáng qua trong tâm chưa:

“Lẽ ra không nên bật đèn vào giờ này trong ngày như vậy!”.
 “Thái độ của anh ta thật là khó chịu!”.
“Lẽ ra anh ta không nên làm như thế”.
 “Tôi có thể làm nhanh hơn thế nhiều”.
 “Mình đúng là một thiền sinh kém cỏi; không thể trụ tâm được trên đề mục phồng-xẹp, dù chỉ là trong 1 phút”.
 “Ngày hôm qua tôi hành thiền rất tốt; thế mà hôm nay mọi thứ cứ rối tinh cả lên”.
 “Ái chà, thời thiền này tuyệt vời quá; bây giờ mình phải thật chánh niệm đừng để mất đi cảm giác này”.
 “Mình phải lên thiền đường hành thiền; nếu không sẽ có kẻ nghĩ mình là đồ lười biếng”.
“Hôm nay mình cần phải ăn thêm một ít khoai tây nữa, thế sẽ tốt cho sức khoẻ”.
“Ối trời, sao lại có cả hành trong sa-lát thế này”.
 “Lại không có chuối nữa rồi!”.
“Hắn ta thật là ích kỷ, thật thiếu tế nhị”.
 “Tại sao điều này lại xảy ra với mình cơ chứ?”.
 “Ai chịu trách nhiệm chùi rửa toa lét thế nhỉ?”.
“Tại sao thiền sinh này lại đi kinh hành ở đây?”.
 “Bọn họ không nên làm ồn như thế!”.
 “Ở đây có quá nhiều người; tôi không thể hành thiền được”.
“Có kẻ đã chiếm mất chỗ của mình rồi!”.
“Cô ấy xinh quá!”.
“Dáng đi của anh ấy đẹp quá”.

Tất cả những ý nghĩ ấy đều bị thúc đẩy bởi phiền não! Đừng đánh giá thấp chúng!

Bạn đã bao giờ nói với một người nào đó là bạn không tức giận, mặc dù rõ ràng là bạn không thích việc làm của anh ta? Đã bao giờ bạn nói xấu xếp của mình, nói xấu một người trong gia đình hay thậm chí một người bạn tốt chưa? Bạn có thỉnh thoảng kể chuyện tiếu lâm bậy không? Bạn có thói quen ăn nói ngọt nhạt để nhờ vả người khác làm cái gì đó cho mình không? Bạn có tự động cao giọng lên khi có người không đồng ý với quan điểm của mình không?

Tất cả những lời nói đó đều bị thúc đẩy bởi phiền não! Hãy nhìn rõ nó!

Bạn đã bao giờ gõ thật mạnh vào cửa nhà người khác chưa, hay nhất định không bước vào phòng, đơn giản chỉ vì có kẻ mà bạn không ưa đang ngồi trong đó? Đã bao giờ bạn chen ngang khi người ta đang xếp hàng, dùng dầu gội đầu của ai đó để quên trong phòng tắm, sử dụng điện thoại cơ quan vào việc riêng hay có những hành động tương tự như vậy bao giờ chưa? Bạn đã từng làm những việc thiếu suy nghĩ như vậy bao giờ chưa?

Tất cả những hành động ấy đều bị thúc đẩy bởi phiền não! Hãy ý thức rõ về chúng!



ĐỘC GIẢ THÂN MẾN

Cuốn sách này không phải là để trình bày một phương pháp thiền hoàn chỉnh và có hệ thống nào cả. Đơn giản chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn những điểm thực tiễn của phương pháp thiền tập này mà thôi. Những điều tư vấn dưới đây được dựa trên kinh nghiệm hành thiền và dạy thiền của Thiền sư Ashin Tejaniya. Chúng tôi hy vọng nó sẽ có lợi ích cho sự thực hành của bạn. Tuy nhiên, con người vốn chẳng giống nhau, do đó mà cũng có rất nhiều cách thức khác nhau để tu tập chánh niệm. Chúng tôi nhận thấy phương pháp này có hiệu quả nhất đối với mình, do đó cũng muốn khuyến khích các bạn hãy thực hành thử xem sao. Nội dung cuốn sách này là để trình bày những cách hiểu và diễn dịch của chúng tôi về phương pháp này. Dĩ nhiên, còn nhiều câu hỏi hoặc những khó khăn, vướng mắc khác mà chúng tôi chưa thể hiện hết trong cuốn sách này - bạn cần nêu những vấn đề đó lên trong những buổi trình Pháp với thiền sư.

Khi đọc cuốn sách này, xin bạn đừng chấp chặt vào những cách giải nghĩa ghi trong từ điển. Chẳng hạn, để làm rõ nghĩa, chúng tôi phải sử dụng thay đổi những từ như “quan sát”, “theo dõi”, “chánh niệm”, “chú ý”, “hay biết”. “Chánh niệm” và “hay biết” mang cùng một nghĩa như nhau. “Hiểu biết”, “chứng ngộ”, “tuệ giác”, “trí tuệ” được dùng để diễn đạt cùng một điều tương tự, từ “kinh nghiệm” thường được sử dụng với nghĩa “đối tượng, đề mục”. “Cảm giác” để chỉ các cảm thọ thuộc thân, “cảm xúc, tình cảm” để chỉ các cảm thọ thuộc tâm. Chúng tôi cũng trình bày những điểm chính của phương pháp này từ nhiều góc độ và trong các ngữ cảnh khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy sự lặp lại như thế là rất có ích, nhất là đối với những người mới bắt đầu thực hành thiền chánh niệm.

Chúng tôi đã cố gắng chuyển dịch và diễn đạt một cách chính xác những tư tưởng và lời dạy của Thiền sư Ashin Tejaniya. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi một số thiếu sót nhất định và chắc chắn một số chi tiết sẽ bị mất mát, thất lạc trong quá trình biên dịch.

Người ghi chép, dịch giả và ban biên tập.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét