Đây là sự nô lệ, và nhiều người đã lợi dụng nó. Một lần nọ, tôi đọc một một bài về những nơi của sức mạnh. Có nhiều nơi có sức mạnh, nhiều đồ vật có sức mạnh. Chúng ta có ý gì khi nói về những nơi của sức mạnh, các đồ vật có sức mạnh, những con người có sức mạnh? Có sức mạnh nghĩa là gì? Điều ấy có nghĩa là những nơi đó, những đồ vật đó, những con người đó, có khả năng ảnh hưởng đến chúng ta, làm cho chúng ta phản ứng, cư xử và trải nghiệm sự việc theo các cách đặc biệt nào đó.
Chúng ta nói về những nơi mà bạn đi để có những trải nghiệm nào đó. Có nhiều nơi như vậy. Một bầu không khí được tạo ra: Cơ bản đó là những gì của một nơi có sức mạnh - nơi mà bạn sẽ phản ứng theo sự mong đợi của những người đi đến đó. Nếu bạn hiểu được tính khí của loài người, bản chất chung của một cái tâm bình thường, bạn có thể tạo ra một số điều kiện nhằm đem lại những phản ứng nhất định nào đó. Nguyên tắc này luôn được sử dụng trong nghệ thuật quảng cáo và giải trí. Chúng ta áp dụng nó trong cách chúng ta ăn mặc, trong cách chúng ta trang trí những nơi vui chơi giải trí, chẳng hạn như vũ trường hay nhà hàng, và thậm chí trong cả trường học và nhà thờ. Ý tưởng nằm ở chỗ là tạo ra một môi trường như thế nào đó để có thể tạo ra các cảm giác như thế nào đó về mặt thị giác và thính giác và rồi mọi người sẽ phản ứng theo những cách được mong muốn.
Đó chính là một nơi có sức mạnh. Theo định nghĩa như vậy thì vũ trường là một nơi có sức mạnh rất lớn, với âm nhạc, ánh sáng, những hình thù chuyển động và âm thanh của nó. Những trạng thái phấn khích và hồ hởi kích thích tâm, nó có một sức mạnh đối với bạn. Khi bạn đi đến một nơi mang tính tôn giáo, một ngôi nhà thờ cổ của Kitô giáo, một nhà thờ Hồi giáo hoặc ngôi chánh điện chùa trong một tu viện Phật giáo, trải nghiệm bạn có được thường là một sự tỉnh lặng và hoan hỷ. Khi bạn đi vào nhà thờ với tháp chuông cao của nó, tất cả mọi thứ đều hướng lên cao, tất cả mọi thứ đều vươn lên, bạn cảm thấy tinh thần của mình được nâng cao. Một cảm giác yên bình được thiết lập bên trong, một sự thăng hoa tinh thần.
Bạn đi vào một thiền đường nơi ánh sáng dìu dịu, không gian yên ắng nơi bầu không khí nhẹ nhàng, với những biểu tượng rõ ràng về sự an bình, chẳng hạn như một tượng Phật: Ngay lập tức bạn trải nghiệm một sự an tịnh quét qua người bạn. Khi xem một cuộc diễu binh, với ban nhạc và âm nhạc của quân đội, với những người lính bước đều và sự cổ vũ mọi người, bạn cảm thấy một nguồn năng lượng truyền qua cơ thể của mình.
Các đồ vật có sức mạnh: Cách trang phục của chúng ta - những nhà sư. Người ta nói, "Tại sao sư lại ăn mặc như vậy?" Đây là một chiếc y có sức mạnh, mặc dù nó có thể không hẳn như vậy vào thời buổi này và trong thời đại này. Ý tưởng (của việc tạo ra chiếc y) là để tước bỏ đi càng nhiều biểu tượng càng tốt, làm cho người mặc tỏa ra cảm giác hoàn toàn vô hại, đơn giản, không có gì cần phải đậy che, giấu giếm. Y được nhuộm màu hoại sắc và được thiết kế để bao bọc cả thân mình để không làm lộ rõ cơ thể của người mặc, thể hiện sự bất bạo động, vô hại và không hấp dẫn của người mặc. Điều này có ảnh hưởng của nó đối với mọi người. Tôi nghĩ rằng không một ai cảm thấy sẽ bị một tu sĩ Phật giáo hành hung. Đôi khi họ có thể cảm thấy ngần ngại một chút, bối rối một chút khi nhìn thấy một người khoác chiếc y lạ lùng này, nhưng tôi nghĩ rằng không một ai cảm thấy sự xuất hiện của một tu sĩ Phật giáo là một sự đe dọa cho họ. Chiếc y này có tác dụng cũng giống như thời trang. Chúng ta gọi đây là món đồ có sức mạnh, các biểu tượng của sức mạnh.
Tôi muốn chỉ ra rằng sức mạnh của các đối tượng này không nằm trong tự thân chúng. Sức mạnh không ở ngoài kia. Lý do các món đồ vật, tình huống, tiếng ồn, âm nhạc này hoặc bất kỳ thứ gì gì có sức mạnh để làm cho bạn trải nghiệm một điều gì đó là do tâm của bạn thiếu sức mạnh, bởi tâm của bạn thiếu tự do.
Tâm là nạn nhân của các đối tượng này, bị khuấy động và chịu ảnh hưởng bởi các trải nghiệm do cảm giác đem lại. Nó là một nạn nhân, nó không tự do. Đó là lý do tại sao mọi người có thể làm cho bạn tức giận, các tình huống có thể kích thích bạn, các đối tượng có thể làm cho bạn mong muốn và khao khát. Nhiều thứ có thể làm cho tâm chúng ta phản ứng và tạo ra các trạng thái thiên đường hay địa ngục. Những cảm xúc, cảm giác và tâm trạng áp đảo chúng ta, tuy vậy chúng ta không nhận thức được việc gì đang xảy ra. Tất cả điều này đang xảy ra với chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra, chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta tự do.
Khi mùa Giáng sinh đến, bạn bị tấn công bởi các quảng cáo xung quanh bạn và bạn đi đến các cửa hàng và chi tiêu nhiều hơn bạn dự định. Tại sao điều đó xảy ra? Bạn chỉ định đi dạo, đi ngắm hàng, và bạn trở lại với một túi đầy hàng hóa. Rất nhiều những tình huống như vậy xảy ra trong cuộc sống của chúng ta như là kết quả của việc chúng ta không có sự tự do. Chúng ta không thể đảm đương, chúng ta không kiểm soát được việc làm của chúng ta; tâm là một nạn nhân.
Nhưng mọi sự không nên đi theo chiều hướng này chút nào. Chúng ta có thể tự đảm đương (những gì chúng ta làm), nhưng trước tiên chúng ta phải hiểu tâm vận hành như thế nào, và sau đó học cách chịu trách nhiệm cho những hành động của mình và khẳng định quyền tự do của chúng ta.
Trong ý nghĩa của thực tại rốt ráo (ultimate reality), chỉ có một loại người là thật sự tự do. Không một ai, không một thứ gì, không một nơi chốn nào, không có bất kỳ điều kiện nào có thể biến loại người này thành nô lệ. Chúng ta gọi người đó là một bậc giác ngộ, một đấng giải thoát. Hãy lưu ý đến cụm từ “đấng giải thoát” - tự thân nó là một từ đồng nghĩa với tự do. Trong ý nghĩa của thực tại rốt ráo, chúng ta đề cập đến con ngườì đó như là một đấng giải thoát, một người đã đạt được sự giải thoát, một người đã đạt được sự tự do. Không có một kẻ nào, một tình huống nào có thể làm nô lệ một cái tâm như vậy hay điều kiện hóa nó, gửi nó lên thiên đường hay đưa nó xuống địa ngục, hoặc làm cho nó bị lạc lối trong tham ái, sân hận hoặc si mê. Cái tâm đó chúng ta gọi là tâm giải thoát.
Chúng ta có thể gây đau đớn cho một người như vậy. Chúng ta có thể gây ra những thương tổn về mặt thể chất, bạn có thể giam giữ, làm cho họ bị tàn phế, bạn có thể móc đôi mắt của họ, cắt lưỡi họ - nhưng không một hành động nào trong những việc bạn làm đó có thể biến tâm của con người đó thành nô lệ. Đó chỉ là những hạn chế về mặt thể chất, nhưng tâm thì tự do tự tại, bởi vì không có bất cứ điều gì, cho dù dễ chịu hay khó chịu , có đủ sức mạnh để khuấy động làm cho tâm của những vị ấy mất đi sự an tịnh. Không có gì có thể quấy động cái trí tuệ giác ngộ đó. Tâm tự nó an bình, bất kể lúc nào và ở đâu, bất kể chuyện gì xảy ra hoặc không xảy ra, bất kể vị ấy sống trong một xã hội dân chủ, công bằng và hay một đang sống trong một chế độ độc tài áp bức và tàn bạo.
Đó là tự do trong ý nghĩa thực tại rốt ráo, và mỗi con người đều có khả năng đạt tới trạng thái đó của sự giải thoát. Con đường là gì? Làm thế nào để chúng ta có thể đi theo con đường đó? Trên thực tế, chỉ cần bước đi, đi theo con đường, là đã có được tự do một chút rồi. Mỗi bước là một sự trải nghiệm của sự tự do.
Rất quan trọng để hiểu rằng chúng ta vẫn còn chưa được tự do. Mặc dù chúng ta đang sống trong một xã hội tự do theo nghĩa thông thường của nó nhưng chúng ta không tự do, bởi vì tâm của chúng ta chưa tự do. Chừng nào chúng ta còn chưa giác ngộ, chúng ta đều phải chịu đau khổ do tham ái và mong cầu, ao ước và khao khát, nhu cầu phải có này hay cái kia. Tâm của bạn chưa tự do khi nó vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những sự việc như vậy, những sức ép như vậy, những nỗi ám ảnh như vậy? Bạn có thể nói rằng bạn tự do được không khi sự việc làm cho bạn tức giận và đau khổ, khi mọi người có thể làm cho bạn cảm thấy hận thù và bực tức, khi các tình huống có thể làm cho bạn chán nản và đau khổ? Bạn có thể nói bạn tự do chứ? Tất nhiên là không. Nếu bạn tự do, chắc chắn bạn sẽ không kinh qua bất kỳ các trạng thái tiêu cực nào như vậy cả.
Tự do đích thực là tự do trong tâm. Tôi không bác bỏ tầm quan trọng của các điều kiện bên ngoài. Như tôi đã nói , nó là một phước lành tuyệt vời cho chúng ta vì được sống trong một đất nước có một xã hội tương đối tự do, nhưng ngay cả trong tình huống này chúng ta vẫn không được tự do. Có nhiều việc cần phải làm nữa. Chúng ta không bao giờ có thể đạt được tự do thực sự của tâm chỉ bằng cách tạo cho các điều kiện bên ngoài tốt hơn. Chúng ta phải nhìn vào tâm, chúng ta phải bắt đầu nhận thấy những nỗi ám ảnh của tâm.
Mọi tôn giáo nói về thiên đường và địa ngục, nhưng theo các kinh nghiệm của con người và quan điểm Phật giáo , thiên đường và địa ngục thì chẳng đâu xa. Chỉ trong mỗi một khoảnh khắc, bạn có thể lên thiên đường và rồi rơi xuống địa ngục. Việc ấy xảy ra nhiều lần trong mỗi ngày. Các cõi sống khác nhau là những trạng thái khác nhau của tâm mà chúng ta trải nghiệm trong suốt cả ngày - những khoảnh khắc vui sướng và hạnh phúc được tượng trưng bởi cõi trời; những khoảnh khắc tuyệt vọng và đen tối là biểu tượng của địa ngục.
Chúng ta hãy nhìn vào tiến trình này đang diễn ra trong tâm. Tâm giống như vậy là điều tự nhiên? Đây có phải là trạng thái tự nhiên nhất của tâm con người - trạng thái bị điều kiện hóa, bị khuấy động lạc lối vào các trạng thái cảm xúc tạo ra bởi ham muốn và tham ái, sân hận và tiêu cực, lo lắng, nghi ngờ và bối rối này? Về một phương diện nào đó chắc hẳn nó tự nhiên , bởi vì nó đang xảy ra, nhưng nó có phải là một trạng thái tự nhiên nhất, đóng vai trò chủ đạo nhất của tâm bạn?
Bây giờ hãy dừng lại . Hãy để tâm lắng xuống, yên lặng, thật yên tĩnh , lắng nghe, khoảnh khắc này ... Tại sao tâm không bị khuấy động? Tại sao không có sự ham muốn trong đó? Tại sao không có ác cảm? Tại sao không có sự bối rối, nghi ngờ và lo lắng? Tại sao không có niềm vui và sự hứng thú? Tại sao không có thiên đường và địa ngục? Bởi vì tâm tại khoảnh khắc này là một sự tĩnh lặng. Tại thời điểm này tâm không tạo tác, không bị khuấy động bởi các suy nghĩ lan man, bởi sự ám ảnh hoặc bị các tiến trình tư duy sáng tạo, phản ứng và đấu tranh thúc ép .
Sự thanh tịnh, yên lặng và an bình là hết sức quan trọng hơn đối với tâm, đây là những trạng thái cơ bản hơn, nhưng chúng ta không cảm nhận được những khoảnh khắc này, chúng ta không yêu thích trạng thái đó; và bởi vì chúng ta không nhận ra và thấy được giá trị của nó, chúng ta không biết cách để nương tựa vào cái phẩm chất quý giá đó của tâm. Vì vậy, chúng ta đi lang thang như những kẻ nô lệ, không nhà. Tâm phản ứng với những kinh nghiệm cảm giác khác nhau một cách không suy nghĩ.
Xu hướng này tạo ra thiên đường và địa ngục. Nó xảy ra thường xuyên, bốc đồng theo bản năng. Nó trói buộc chúng ta một cách nhanh chóng và chúng ta đồng hóa ngay với nó. Khi một ai đó nói với bạn, "Đồ con heo ! " Không một phút dừng lại để suy nghĩ, tâm bạn bắt đầu phản ứng: " Làm sao mà dám gọi ta là đồ con heo chứ? Cái đồ chuột bọ bẩn thỉu kia. Ta sẽ trả đũa cho biết tay ta!” Sự tĩnh lặng đã biến mất và bạn thậm chí không nhận thấy điều đó. Phản ứng chiếm lĩnh hết cả, bạn nổi giận một cách tự động. Tất nhiên là bạn tức giận, một kẻ nô lệ thì làm gì có sự lựa chọn. Bạn không nhận ra là mình đang tức giận cho đến mãi sau đó.
Người ta đưa những quảng cáo tuyệt vời lên truyền hình khi bạn đang ngồi ở đó rất tập trung; khi bạn đang tập trung bạn bị cuốn hút vào đó một cách diệu kỳ. Bạn đang ngồi ở đó và người ta đưa lên một quảng cáo về bia với các cô gái xinh đẹp và các chàng trai tuấn tú, cùng với những cảnh tượng tuyệt vời của bãi biển và bầu trời; những hình ảnh về những con người trẻ trung lướt sóng, trượt nước cũng như các trải nghiệm tuyệt vời, đẹp đẽ, và đầy phấn khích: “Vâng, tôi muốn điều đó. À, thứ bia đó, đúng vậy! " Sự liên tưởng khởi lên - họ đang uống bia. "Đó là cái tôi muốn." Khi bạn uống bia, bạn thấy đó là những gì bạn trải nghiệm, đó là những gì bạn trở thành, đó chính là bạn. Đây là những gì sẽ xảy ra, chúng ta không phản tỉnh về những gì tâm tạo tác ra, chúng ta đơn thuần là các nạn nhân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét