Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

THÁI ĐỘ ĐÚNG KHI HÀNH THIỀN

Thế nào là thái độ đúng khi hành thiền

 Tỳ kheo Paññissara - Sư Chân Tuệ (Sư Thư)

Hãy kiểm tra thái độ của bạn trước khi bắt đầu ngồi thiền. Bạn đang hành thiền với các ý tưởng và thái độ như thế nào? Liệu bạn chỉ muốn có được trạng thái tâm bình an hay bạn muốn học hỏi và hiểu những gì đang xảy ra? Tâm có thể không được an tịnh và bình an khi bạn mong muốn một kinh nghiệm nào đó xảy ra mà không chấp nhận cái đang xảy ra ngay trong hiện tại. Tâm bình an và có định khi nó không theo đuổi bất kì kinh nghiệm cụ thể nào. Không cần thiết phải cố gắng buộc tâm phải biết đối tượng vì thực tế nó đã biết rồi. Bản chất của tâm là hay biết các đối tượng đang xảy ra.

Hãy kiểm tra trạng thái tâm mình. Không cần thiết phải tạo ra bất kì điều gì. Chúng ta quan sát các đối tượng và kinh nghiệm đang xảy ra thông qua bản chất của chúng. Bạn chỉ cần chờ đợi và quan sát cùng với trí tuệ. Không có kinh nghiệm nào là cản trở và làm bạn mất tập trung, tất cả các kinh nghiệm đều là Pháp Bảo. Cái đang xảy ra trong thân là Pháp và cái đang xảy ra trong tâm cũng là Pháp. Không có gì thuộc về “tôi” hay “bạn”. Cảm nhận nóng chỉ là nóng, nó là bản chất của Pháp. Chúng ta chỉ cảm thấy nóng hơn khi cho rằng mình nóng và như vậy sẽ làm cơn sân sinh khởi. Mọi hiện tượng xảy ra đều do nhân và quả. Công việc của chúng ta chỉ là:
- Có thái độ chân chánh
- Duy trì chánh niệm
- Có sự hiểu biết (trí tuệ)
- Có sự thích thú

Khi có chánh kiến và chánh tư duy, sự ghi nhận sẽ trở nên liên tục và có phẩm chất của chánh niệm, không quên đối tượng đúng. Đó là Samma Sati khi trí tuệ sẵn có trong sự ghi nhận. Chúng ta quan sát như thế nào? Không cần thiết phải cố gắng để tìm đối tượng. Khi hành thiền, chúng ta chú ý tới sự hoạt động, tâm thiền và làm tăng trưởng các thiện tâm. Như vậy chúng ta có thể sử dụng bất kì đối tượng nào để làm tăng trưởng chánh niệm, phát triển định tâm và có được sự hiểu biết về bản chất của các hiện tượng thay vì việc tạo ra tham, sân hay si do tà kiến và các ý tưởng sai lầm. Vì chúng ta có thể sử dụng bất kì đối tượng nào để phát triển chánh niệm nên chúng ta có thể bắt đầu với bất kì đối tượng nào. Đừng mắc phải sai lầm cho rằng có một đối tượng tốt hơn cái mà chúng ta đang quan sát. Không có kinh nghiệm nào tốt hơn là kinh nghiệm hiện tại mà bạn đang quan sát. Điều quan trọng là tâm phải luôn tỉnh thức và hay biết. Một điều quan trọng nữa là tâm quan sát kinh nghiệm này như thế nào.

Không cần phải tạo ra hay cố gắng theo đuổi các kinh nghiệm khác nhau. Liệu có một đối tượng là thiện hay bất thiện? Đối tượng thì không thiện mà cũng không bất thiện! Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm. Đối tượng chỉ là đối tượng. Đối tượng thì luôn có ở đó. Công việc của tâm là hay biết  và quan sát, tâm biết cái cần phải biết.
 Ở đây có một câu hỏi quan trọng là: Liệu tâm quan sát là tâm thiện hay bất thiện? Tại sao chúng ta phải chánh niệm? Chúng ta thực hành vì muốn hiểu biết. Hãy chờ đợi quan sát và tìm hiểu cái đang xảy ra trong thân và tâm để chúng ta có thể hiểu bản chất của chúng. Chúng ta không cố ý làm cho tâm trở nên bình an hoặc có được “những thời ngồi thiền tốt”. Chúng ta hành thiền để quan sát cái đang xảy ra đúng với bản chất của chúng và có thái độ đúng đắn đối với hiện tượng đang xảy ra (tức là đó chỉ là hiện tượng tự nhiên, không phải một thực thể hay một cá nhân nào). Chúng ta cần quan sát các hiện tượng tự nhiên như là các hiện tượng tự nhiên, ghi nhận đối tượng chỉ là đối tượng và hay biết cái cần được biết. Ngay khi có suy nghĩ cho rằng một kinh nghiệm hay đối tượng là tốt thì tâm tham đã có mặt. Khi chúng ta thấy cái tốt là cái tốt, cái đang xảy ra đúng với bản chất của chúng thì tâm tham không thể xen vào. Tuy nhiên, khi chúng ta không biết đúng cách thực hành thì tham chỉ tăng thêm lên mà thôi. Chúng ta cần hành thiền mà không có tham ái và dính mắc.  

Hãy vui mừng khi có chánh niệm.
Khi chờ đợi và quan sát có chánh niệm và sự hiểu biết, chúng ta sẽ thấy mọi việc xảy ra theo đúng bản chất của chúng. Bất kì những gì xảy ra, hãy để chúng xảy ra. Không cần thiết phải mừng vui hay buồn chán đối với cái đang xảy ra. Và không nên có việc thích hay không thích đối với bất kì kinh nghiệm nào. Bất kì kinh nghiệm nào đang xảy ra trong hiện tại đều là kinh nghiệm đúng, hãy vui mừng nếu  chúng ta có sự hay biết và kinh nghiệm vì chính đã là một thiện tâm.

Tâm thì không yên lặng, nó luôn suy nghĩ! Chúng ta nên vui mừng khi thấy được bản chất của chúng và có khả năng nhận ra chúng. Biết rằng tâm không bình an khi nó không bình an thì đó là chánh kiến. Hay biết ghi nhận được suy nghĩ khi có suy nghĩ thì đó là chánh niệm. Nhưng có rất nhiều lần chúng ta muốn suy nghĩ này dừng lại vì cho rằng nó làm mất sự tập trung quan sát. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá cố gắng để làm nó trở nên tĩnh lặng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp và làm chúng ta căng thẳng. Hãy làm tất cả những gì là thiện. Bất kì thiện hay bất thiện đều bắt đầu từ tâm. Tại sao lại có thiện hay bất thiện? Thiện hay bất thiện tâm sinh khởi là do những phản ứng và phản hồi đối với đối tượng. Tất cả những thiện tâm đều bắt đầu cùng với thái độ đúng và hướng tâm chân chánh. Tất cả những bất thiện tâm đều bắt đầu từ thái độ sai hay hướng tâm không chân chánh. Hãy luôn cố gắng có các hành động, lời nói và suy nghĩ thiện. Hãy làm tất cả những gì là thiện: bố thí, trì giới, phát triển định tâm và hành thiền Minh Sát. Trong tất cả những hành động thiện này thì việc hành thiền là cao quý nhất. Vì vậy hãy đừng quên các mục tiêu của mình.

Khi đạt được Niết Bàn thì chỉ có tất cả các thiện tâm. Khi tâm không có tham, sân, si thì tâm đó luôn có trí tuệ và một tâm như vậy có thể hiểu được Niết Bàn. Việc hành thiền chỉ trở nên khó khăn khi không có được đầy đủ sự hiểu biết và các tâm bất thiện xen vào trong khi quan sát kinh nghiệm xảy ra.

-----
Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét