Yo vo ānanda mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto so vo mam'accayena satthā
- Này Ānanda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi[1].
Và Giáo Pháp ấy, nếu như xuyên suốt trọn vẹn 84.000 pháp môn thì có thể nói tóm gọn lại một cách xúc tích thì trong suốt 45 năm ấy, Đức Thế Tôn chỉ thuyết giảng về hai điều, đó là sự khổ (dukkha) và sự diệt khổ (dukkhanirodha).
Pubbe cāhaṃ, bhikkhave, etarahi ca dukkhañceva paññāpemi, dukkhassa ca nirodhaṃ
- Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ[2].
Trong những xứ theo truyền thống Phật Giáo Nam Truyền, vào những buổi lễ tang, chư Tăng thường hay đến tại tang gia để đọc tụng lại những bài kinh, bài kệ quán tưởng về thân tứ đại, về tam tướng phổ thông của thế gian, như là:
...Nagāmadhammo nigamassa dhammo na cāpiyaṃ ekakulassa dhammo sabbassa lokassa sadevakassa eseva dhammo yadidañca dukkhatā...
Tự tánh khổ não
Sầu hận ưu bi
Phổ cập pháp giới
Không phân xóm làng
Gia tộc quốc độ Ba cõi nhân thiên[3].
Dukkha, danh từ Pāli thường được phiên dịch là khổ, đau khổ hay là khổ não. Và trong phạm vi của bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những khía cạnh, đặc tính của trạng thái khổ là như thế nào?
\Ngài Nārada, tác giả của quyển The Buddha and His Teaching nổi tiếng đã viết về dukkha như sau:
Dukkha - một danh từ khó có thể chính xác chuyển sang ngôn ngữ nào khác - mà ta thường gọi là đau khổ hay phiền não. Đứng về phương diện cảm giác, Dukkha là cái gì làm cho ta khó chịu đựng ("du" là khó, "kha" là chịu đựng).
Nếu xem như một chân lý trừu tượng, Dukkha hàm xúc ý nghĩa khinh miệt "du", và trống rỗng "kha". Thế gian nằm trong đau khổ, và như vậy là đáng khinh miệt, không đáng cho ta bám níu. Thế gian là một ảo ảnh, không có chi thực tế. Do đó thế gian là trống rỗng, hư vô. Vậy Dukkha là sự hư vô đáng khinh miệt[4].
Trong bài kinh đầu tiên của Đức Thế Tôn thuyết để tiếp độ cho nhóm năm vị Kiều-Trần-Như tại Isipattana, bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta), Đức Phật đã định nghĩa một cách xúc tích về khổ.
Idaṃ kho pana bhikkhave dukkhaṃ ariyasaccaṃ jātipi dukkhā jarāpi dukkhā maraṇampi dukkhaṃ sokaparidevadukkhadomanassupāyāsāpi dukkhā appiyehi sampayogo dukkho piyehi vippayogo dukkho yampicchaṃ na labhati tampi dukkhaṃ saṅkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā.
Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; oán gặp nhau là khổ; ái biệt ly là khổ; cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ[5].
Sanh, già, bệnh, chết là những gì mà trong đời sống không ai có thể tránh khỏi.
Jātipi dukkhā – sanh là khổ.
Chư Hiền, thế nào là sanh, thế nào là tập khởi của sanh, thế nào là đoạn diệt của sanh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, hiện hành các uẩn, tụ đắc các xứ; Chư Hiền, như vậy gọi là sanh[6].
Sanh (jāti) tức là sự sống trong một kiếp bắt đầu lúc vừa được thọ thai, không phải lúc lọt lòng mẹ. Vài người tưởng tượng thai bào như một nơi chốn ấm cúng đầy đủ tiện nghi, hay như một tịnh thất đượm nhuần tình thương mà con người ẩn rút vào đó một thời gian để tịnh dưỡng tâm linh. Trong thực tế, được thọ thai vào lòng mẹ không giống như hiện thân vào nằm trong một đóa hoa sen đẹp đẽ, tinh khiết và có mùi thơm dịu dàng. Trái lại, xung quanh là đủ những thứ nhơ nhớp, tanh hôi. Không có gì là hấp dẫn cho cả mẹ lẫn con. Sau chín tháng mười ngày chịu đựng mọi đau khổ, nằm trong một cái bọc, em bé thoát lòng mẹ và được kéo lôi ra, tống vào đời. Một lần nữa, mẹ và con vô cùng đau đớn. Mẹ nhăn nhó rên siết, con cất tiếng chào đời bằng giọng la khóc, trong khi mọi người khác hân hoan thỏa thích đón mừng.
Khi nói sanh là khổ, không phải chúng ta chỉ nghĩ đến nỗi khổ nhọc hiểm nguy gây nên do cảnh mang nặng đẻ đau mà sâu xa hơn, ta phải nhận thức rằng chính cái sanh là đầu dây mối nhợ, là khởi duyên, tạo cơ hội cho cái khổ bám vào. Nếu không sanh tức không có sự sống và không có sự sống tức là không có khổ. Vì lẽ ấy mục tiêu cứu cánh của người Phật tử là thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, tức thoát ra khỏi mọi khổ đau. Nhưng bản chất tự nhiên của chúng sanh là cố bám vào sự sống, giống như anh chàng bị gai quàu trầy cả mình mẩy mà vẫn đeo chắc lấy sợi dây, vì ái dục là một năng lực vô cùng hùng mạnh, luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người. Chính ái dục, thô thiển hay vi tế, thúc đẩy ta đeo níu, cố bám chắc vào sự sống dưới mọi hình thức và do đó, dẫn dắt ta mãi mãi phiêu bạt trong biển trầm luân.
Jīranti ve rājarathā sucittā,
Atho sarīrampi jaraṃ upeti;
Satañca dhammo na jaraṃ upeti,
Santo have sabbhi pavedayanti.
Xe vua đẹp cũng già,
Thân này rồi sẽ già.
Pháp bậc thiện, không già.
Như vậy bậc chí thiện
Nói lên cho bậc thiện[7].
Jarāpi dukkhā – già là khổ.
Ðã sanh ra tất trưởng thành và đi dần vào cảnh già nua. Danh từ già (jarā) mà Ðức Phật dùng ở đây không phải chỉ riêng tuổi già mà hàm xúc ý niệm đi dần đến tuổi già hay hư hoại. Như vậy có sự biến đổi từ lúc còn trong bào thai chớ không đợi đến lúc lọt lòng mẹ. Lẽ dĩ nhiên, thân thể hao mòn tiều tụy, răng long, tóc bạc, má cóp da nhăn, mắt mờ tai điếc, tinh thần suy kém, trí não lu mờ, quên trước lộn sau... là cảnh già nua phát lộ ra ngoài và nổi bật một cách hiển nhiên mà tất cả mọi người đều thấy. Nhưng từ khi thọ thai, chúng ta luôn luôn biến đổi, liên tục trưởng thành, không ngừng trở thành một cái gì mới, rồi đi dần đến cảnh già nua, diệt vong và tan rã.
Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự già cả, suy lão, rụng răng, tóc bạc da nhăn, tuổi thọ ngày một hao mòn, bại hoại các căn; chư Hiền, như vậy gọi là già[8].
Tất cả mọi sự vật được cấu thành đều phải hư hoại và diệt vong. Lẽ dĩ nhiên, thể xác của chúng ta, do nhiều thành phần lớn nhỏ cấu hợp, ắt phải bị hoại diệt. Ðó là đau khổ đối với những ai hằng bám níu vào cơ thể vật chất của mình, chấp rằng đây là "Tôi", cái này là "của Tôi". Chúng ta có thể nhìn sự hư hoại của thân, tức Dukkha, dưới ba phương diện. Trước là một phần của thân hư hoại, không thể hoạt động như ý ta muốn, như một cánh tay hay một cái chân bại xụi, một bộ phận trong mình bị tê liệt... và hằng trăm triệu chứng ương yếu khác. Trường hợp thứ nhì là giác quan hư hỏng, như đui mù, câm điếc chẳng hạn. Và thứ ba là trí não, hư hoại như thần kinh rối loạn, mất trí nhớ, trở nên lãng trí không còn hiểu biết rõ ràng. Tất cả những trạng thái hư hoại ấy đều dẫn đến đau khổ. Nhưng nếu so sánh, hai phương diện hư hoại đầu, dầu rất khó chịu đựng, vẫn không sâu xa bằng phương diện thứ ba. Ta có bị tật nguyền cách nào, trạng thái đau khổ chỉ kéo dài trong một kiếp sống, trong khi người mà tâm linh hư hoại ắt không đủ sáng suốt để đi theo con đường của Giáo pháp và như vậy phải chịu khổ đau triền miên trong nhiều kiếp sinh tồn.
Aṭṭhīnaṃ nagaraṃ kataṃ,
Maṃsalohitalepanaṃ;
Yattha jarā ca maccu ca,
Māno makkho ca ohito.
Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa[9].
Nhiều bạn trẻ rất hãnh diện với thân hình cường tráng khỏe mạnh của mình, vẫn không thích nghĩ đến tuổi già, để trọn vẹn thọ hưởng những thú vui của thời niên thiếu. Nhưng dầu ta có nghĩ đến nó cùng không, nó vẫn ở đâu đây.
Có sanh, có sống là có bệnh. Bệnh hoạn là việc dĩ nhiên trong đời sống và trong câu chuyện, được tượng trưng bằng những gai nhọn trên sợi dây. Dầu già, dầu trẻ hay bất luận ở lứa tuổi nào ta cũng có thể lâm bệnh. Tấm thân ô trược này chỉ là nơi nương tựa của bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền.
Passa cittakataṃ bimbaṃ,
Arukāyaṃ samussitaṃ;
Āturaṃ bahusaṅkappaṃ,
Yassa natthi dhuvaṃ ṭhiti.
Hãy xem bong bóng đẹp,
Chỗ chất chứa vết thương,
Bệnh hoạn nhiều suy tư,
Thật không gì trường cửu[10].
Maraṇampi dukkhaṃ - chết là khổ.
Sanh, Trụ, Diệt là định luật chung của muôn loài vạn vật. Trong thế gian hiện tượng này có cái chi luôn luôn tồn tại? Có cuộc sum họp nào mãi mãi vững bền? Có cuộc sống nào không đi dần đến cái chết? Cứng rắn như sắt đá, to lớn như hành tinh, hung dữ như ác thú, khôn ngoan như loài người, tất cả đều phải hoại diệt. Cũng như từ cành cây có nhiều trái rơi rụng, trái non có, trái già có, trái chín mùi có, cùng thế ấy, từ cành cây của đời sống ta có thể rơi lìa bất luận ở lứa tuổi nào, từ sơ sinh, thiếu niên, thanh niên, trưởng thành và cho đến khi niên cao tuổi lớn. Già chết, trẻ chết, giàu sang chết, quyền quý chết, bần hàn chết, tối tăm ngu muội chết, thông minh sáng suốt chết... cái chết không dành riêng cho một người, một gia đình, một xóm làng, một quốc gia hay dân tộc nào mà đó là số phần của tất cả mọi chúng sanh trong Tam Giới, từ Dục Giới, Sắc Giới đến Vô Sắc Giới, từ hạng ngạ quỷ, cầm thú, đến Chư Thiên, Chư Phạm Thiên. Chúng ta bước vào đời và trưởng thành giữa những người thân yêu: nào cha mẹ, ông bà, nào cô bác, cậu dì, nào anh chị em, nào thân bằng quyến thuộc, thầy cô, xóm giềng... Chúng ta thương yên nhau, vui cười với nhau, rồi lần lượt mỗi người ra đi một ngã, tùy theo cái nghiệp của mình. Ðến như thế nào, ra đi đường thế ấy. Chúng ta đến một thân một mình, với hai bàn tay trắng. Cũng một thân một mình chúng ta sẽ ra đi với hai bàn tay không.
Chư Hiền thế nào là chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mệnh một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài; chư Hiền, như vậy gọi là chết[11].
Ðối với phần đông chúng ta, chết là diễn biến đau khổ trọng đại nhất trên đời vì chúng ta suy tư sai lạc. Trong thực tế cái chết không giống như một chằng tinh hung dữ ẩn núp đâu đây trong lùm bụi, bên đường, trực chờ lúc ta tới là chụp lấy ăn thịt. Cái mà ta gọi là chết chỉ là cái gì đã xảy đến ta vô số lần trong kiếp sống, chỉ khác ở một điểm là lần này hiện tượng chết biểu lộ dưới một hình thức hiển hiện hơn.
Nói cho cùng, đời sống chúng sanh vô cùng ngắn ngủi chỉ trong khoảng một niệm. Như cái bánh xe, khi lăn chỉ lăn trên một điểm và khi nghỉ cũng chỉ nghỉ trên một điểm (điểm tiếp giáp với mặt đất), cũng thế, đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong khoảng một niệm. Khi niệm ấy qua đi, chúng sinh ấy được coi như đã chấm dứt, như lời trích dẫn sau đây:
"Trong một niệm quá khứ nó đã sống, khi ấy nó không có mặt trong hiện tại, mà cũng không có trong vị lai. Trong một niệm vị lai nó sẽ sống, khi ấy nói không có mặt trong hiện tại hay quá khứ. Và trong niệm hiện tại, nó đang sống, thì nó không có mặt trong quá khứ hay vị lai.
Jīvitaṃ attabhāvo ca,
Sukhadukkhā ca kevalā;
Ekacittasamāyuttā,
Lahu so vattate khaṇo.
Ye niruddhā marantassa,
Tiṭṭhamānassa vā idha;
Sabbepi sadisā khandhā,
Gatā appaṭisandhikā.
Anibbattena na jāto,
Paccuppannena jīvati;
Cittabhaṅgā mato loko,
Paññatti paramatthiya.
Sự sống con người, lạc khổ, Chỉ những thứ này Họp lại trong một niệm thoáng qua Các uẩn đã diệt của những Người đã chết hay còn sống Ðều giống nhau, một đi không trở lại Không có thế giới sanh Nếu ý thức không sanh Khi ý thức có mặt, Thì thế giới tồn tại Khi ý thức tan rã, Thế giới chết; Theo ý nghĩa tuyệt đối Là như vậy[12].
Như vậy, trong từng khoảnh khắc của kiếp sống chúng ta đang chết và đang tái sanh. Vì mê muội, không phân biệt được bản chất của cái chết tạm thời trong mỗi khoảnh khắc nên chúng ta lo sợ một cái chết đặc biệt, xảy đến vào phút cuối cùng của kiếp sống, mà không thấy rằng đó chỉ là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời.
Appiyehi sampayogo dukkho – oán phải gần là khổ.
Phải sống chung với người mình không ưa thích là một điều khổ. Chung sống với một người điên, với kẻ sát nhân hung bạo tàn ác, với một tên trộm luôn luôn chực hờ để đánh cắp một vật gì của mình, với người có tánh lăng loàn lang chạ, người gian dối, thô lổ cộc cằn, người có tính đâm thọc, đem chuyện đầu kia về dèm pha ở đầu này, sống với người say sưa, hư hèn mất nết... đều là khổ. Vã lại "người mình không ưa thích" ở đây có thể là một con thú, hay một vật làm cho mình khó chịu, cũng có thể là thời tiết quá lạnh hay quá nóng, hoặc nữa là một công việc làm để sinh sống mà mình không thích. Tất cả những hoàn cảnh ấy đều là nguyên nhân đưa đến đau khổ".
Piyehi vippayogo dukkho – thương phải xa là khổ. Cùng một thế ấy, phải xa lìa người thân kẻ yêu là nguyên nhân gây đau khổ khác không thể tránh. Con xa cha mẹ, cha mẹ xa con, chồng lìa vợ, vợ lìa chồng, bạn bè xa cách, quyến thuộc chia lìa đều là khổ. Nhưng có hợp là có tan, đó là lẽ tự nhiên. Cảnh sum hợp trên thế gian là tạm bợ. Và đời sống của chúng ta, gặp gỡ nhau trên thế gian cũng chỉ là tạm thời. Tất cả những mối liên hệ trong gia đình, trong xã hội, như cha mẹ, anh em, chồng vợ, bạn bè quyến thuộc... tất cả đều tạm bợ. Chúng ta mến yêu, muốn mãi mãi sống một bên những người, những sinh vật, hay những vật dụng mà ta thương mến hay ưa thích, nhưng rồi tham vọng ấy không được thỏa mãn trọn vẹn và chúng ta thất vọng và đau khổ. Trong một thế gian mà tính khát khao tham muốn và gắn bó luyến ái luôn luôn ngự trị và cảnh phân tán chia lìa là điều không thể tránh thì làm thế nào chúng ta có thể vượt thoát ra khỏi được hai hình thức đau khổ này? Chúng ta hằng ngày lặn hụp bơi lội trong biển vô thường và trong lúc ấy, chính chúng ta cũng không ngừng biến đổi, thì chắc chắn là chúng ta phải chịu hai loại đau khổ thường xuyên này.
Mā piyehi samāgañchi,
Appiyehi kudācanaṃ;
Piyānaṃ adassanaṃ dukkhaṃ,
Appiyānañca dassanaṃ.
Tasmā piyaṃ na kayirātha,
Piyāpāyo hi pāpako;
Ganthā tesaṃ na vijjanti,
Yesaṃ natthi piyāppiyaṃ.
Chớ gần gũi người yêu,
Trọn đời xa kẻ ghét.
Yêu không gặp là khổ,
Oán phải gặp cũng đau.
Do vậy chớ yêu ai,
Ái biệt ly là ác;
Những ai không yêu ghét,
Không thể có buộc ràng[13].
Ngài Ajahn Chah đã dạy các hành giả tu tập về sự khổ rằng: "Thực ra, hạnh phúc chỉ là biến thể của đau khổ dưới một hình thái tế nhị. Dính mắc vào hạnh phúc cũng như dính mắc vào đau khổ nhưng bạn không thấy đó thôi. Đừng nghĩ rằng nắm giữ hạnh phúc là xa lìa đau khổ. Cả hai dính chặt vào nhau không thể tách rời. Đức Phật chỉ cho chúng ta biết đau khổ là kẻ thừa kế tai hại của hạnh phúc. Hãy xem đau khổ và hạnh phúc ngang nhau. Khi hạnh phúc khởi sanh, đừng quá vui mừng mà bị cuốn trôi đi; khi đau khổ đến cũng đừng quá thất vọng mà bị nhận chìm vào dòng thác lũ[14]".
Yampicchaṃ na labhati tampi dukkhaṃ - muốn mà không được là khổ.
Như vậy, bằng cách này hay cách khác, chúng ta không thể tránh khỏi cảnh bất toại nguyện. Ðiều mong ước mà không thành tựu làm cho ta đau khổ. Trái lại, những cảnh ngộ nghịch lòng hay những điều mà ta ít mong mỏi nhất lắm khi đến với ta một cách đột ngột. Những trường hợp nghịch cảnh tương tợ trở thành không thể chịu đựng nổi và đau khổ đến đổi vài người yếu tánh và kém hiểu biết phải nghĩ đến việc quyên sinh, tưởng chừng như chết là giải quyết mọi vấn đề đau khổ. Về điểm này Ðức Phật dạy rằng chúng sanh phải chịu cảnh già, bệnh, chết, phiền muộn, ta thán, đau đớn, âu sầu và tuyệt vọng và mong muốn: phải chi ta khỏi bị cảnh già, bệnh, chết, phiền muộn, ta thán, đau đớn, âu sầu và tuyệt vọng! Phải chi những hoàn cảnh bất hạnh kia đừng bao giờ đến với ta! Nhưng, không phải chỉ bằng cách mong muốn suông mà ta có thể chận đứng, làm cho những hoàn cảnh bất hạnh ấy không đến với ta. Và điều ước muốn mà không thành tựu là nguyên nhân đưa đến đau khổ.
"Thương và ghét, cả hai đều đau khổ bởi vì đều do tham ái gây ra. Muốn là khổ. Muốn mà không được cũng khổ. Ngay cả khi có được cái mà bạn muốn, cũng là đau khổ nữa, bởi vì khi được chúng, bạn lại lo sợ sẽ mất chúng. Làm sao có thể sống hạnh phúc khi tâm đầy lo sợ?[15]
" Pañcupādānakkhandhā dukkhā – chấp thủ ngũ uẩn là khổ.
Ngũ uẩn thủ ở đây là sự bám níu vào ngũ uẩn (Pancakkhandhā), hay năm nhóm bám níu. Như vậy, bám níu vào ngũ uẩn là khổ. Ðây là sắc thái tế nhị nhất của khổ và cũng là sắc thái bền bỉ dính liền và gần gủi với chúng ta nhất. Năm nhóm bám níu này tức: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là những thành phần cấu hợp nên chúng sanh. Do nghiệp tạo trong tiền kiếp, chúng ta đã bám níu vào ngũ uẩn từ thửa bắt đầu kiếp sống hiện tại. Và trong kiếp sống hiện tại ta tiếp tục tạo nghiệp bằng cách luôn luôn ham muốn, khát khao hoặc ghét bỏ, xua đuổi điều này vật nọ. Cả hai trường hợp đều là hình thức bám níu khác nhau, vì ghét bỏ, xua đuổi là ham muốn khát khao, tức bám níu, cái ngược lại. Nhưng bản chất của cái mà ta bám níu, ngũ uẩn, là bất ổn định, không ngừng sanh rồi diệt và như vậy bám níu vào nó không khác nào dơ tay nắm lấy một nắm nước và mong rằng nước sẽ ở lại mãi mãi trong tay. Chắc chắn là ta phải thất vọng.
"Khi đau khổ phát sinh, hãy ý thức rằng chẳng có ai nhận chịu đau khổ. Nếu nghĩ rằng đau khổ và hạnh phúc là của bạn thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bình an[16]".
Ngoài ra, để có thể hiểu rõ vể trạng thái của khổ, chúng ta còn phải xem xét về ba khía cạnh của trạng thái khổ như sau:
1. Khổ khổ (dukkhadukkhatā) là trạng thái khó chịu do sự khổ về thân, sự khổ về tâm như là sự đau đớn, buồn phiền, sự khổ này hiển nhiên nên mọi người đều có thể nhận thấy được.
2. Hoại khổ (vipariṇāmadukkhatā) là trạng thái cảm giác thấy bất an, đau khổ vì sự biến hoại, sự mất mát, sự suy sụp của các pháp hữu vi.
3. Hành khổ (saṅkhāradukkhatā) là trạng thái bất kham do tính cách sanh diệt của danh sắc, sự khổ này xuất phát từ trạng thái vô thường, sự khổ hiển nhiên của pháp hành, chỉ có tuệ quán mới nhận thức rõ được sự khổ này.
Đức Phật, Ngài tuyên thuyết về sự khổ, không phải để đưa chúng sanh đến một trạng thái bi quan, không phải đưa chúng sanh đến một thế giới không lối thoát. Ngài đã trình bày về sự khổ để cho tất cả đều thấy được tính chất thực tế của các pháp hữu vi và Ngài con dạy về con đường để đưa đến sự đoạn diệt của khổ ấy. Cho nên, nếu có ai nhìn nhận Phật Giáo chủ trương đưa chúng sanh đến sự bi quan thì là một sự nhìn nhận hết sức sai lầm và thiếu suy nghĩ.
Giống như một vị lương y, Đức Phật Ngài là vị thầy chuyên chữa căn bệnh phiền não của chúng sanh, Ngài nhận thấy chúng sanh đang mắc phải căn bệnh trầm kha, đó là sự đau khổ; và nguyên nhân của sự đau khổ phát sanh lên chính do ái dục; cuối cùng Ngài đã kê toa, bốc thuốc để chữa lành căn bệnh phiền não đó là phương thuốc "Bát Chánh Đạo" để giúp chúng sanh thoát khỏi căn bệnh thống khổ và kinh niên đó.
Là một người Phật tử, chúng ta phải cố gắng tập để nhận chân rõ trạng thái, sắc tướng của khổ đang ẩn mình xung quanh cuộc sống của chúng ta để chúng ta không phải bám chấp vào đối tượng mà cũng không đau khổ khi đối tượng khả ái bị vô thường chi phối.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét