Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

TÂM VÀ ĐẠO - AJAHN SUMEDHO - VỀ MỘT XÃ HỘI TOÀN HẢO



 Vào một ngày đẹp trời và khi mọi việc đều xảy ra như dự tính, đây chính là lúc mà chúng ta dễ phát hiện xu hướng không bao giờ hài lòng, thích than phiền và phê phán trong tâm. Chúng ta thấy rằng thế gian nầy chỉ có thể đẹp đến thế mà thôi. Trong khi quán tưởng về thế gian nầy, bạn sẽ thấy là đối với con người, cái đẹp luôn có giới hạn; và trí tuệ là cái giúp chúng ta thấy được giới hạn của mình. Chúng ta cần thấy và quán tưởng về những giới hạn nầy để biết cái gì là tối ưu mà mình có thể chờ đợi trên thế gian nầy. Nếu không, chúng ta sẽ có xu hướng đòi hỏi và than phiền, ngay cả khi mọi việc đều ở trạng thái tốt đẹp nhất của nó. Khả năng tư duy và tưởng tượng của con người cho chúng ta tiềm năng hình dung ra những cái thậm chí đẹp hơn những cái đẹp nhất đang có mặt trong hiện tại.
Xã hội cũng thế, nó không bao giờ toàn hảo. Chúng ta có thể hình dung ra một mô hình xã hội lý tưởng nào đó rồi dùng nó làm tiêu chuẩn để xây dựng và phát triển xã hội hiện tại. Nhưng chúng ta không thể đòi hỏi xã hội phải mãi mãi toàn hảo, bởi vì sự toàn hảo tự nó không thể nằm ngoài quy luật vô thường, vì mọi vật đều không ngừng biến đổi và không có gì đứng yên một chỗ. Cũng như một đóa hoa hồng đang nở ra đầy đặn, với nét đẹp tuyệt vời và hương thơm ngào ngạt, nhưng nó sẽ úa tàn, xã hội cũng thế, nó phát triển đến tột đỉnh rồi sẽ bại hoại và tan rã. Đây là dòng vận động tự nhiên của tất cả hiện tượng của thế giới hữu vi. Bất cứ điều kiện nào được sinh khởi và tạo tác trong cõi dục giới đều vận động theo mô hình nầy.
Quán sát sự sinh và diệt của các hiện tượng do nhân duyên hợp thành giúp chúng ta hiểu được thế giới hữu vi.Nó sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi sự ràng buộc của tiến trình sinh và diệt của thế gian và tấm thân vật lý nầy -- chúng ta sẽ không còn sống như một chúng sanh bơ vơ không nơi nương tựa, hoàn toàn mù tịt, không biết gì hết ngoài những điều kiện không ngừng sinh diệt nầy. Thật ra, con người có khả năng vượt lên trên thế giới nầy, vượt lên trên cái xã hội mà họ đang sống, vượt lên trên tấm thân vật lý và tự ngã của chính họ. Chúng ta có khả năng vượt lên trên tất cả những gì chúng ta có thể nghĩ bàn hay tin tưởng, cho dù đó là những gì thân thương và quý báo nhất, hay là những gì đáng ghê sợ nhất.
LÝ TƯỞNG "VƯỢT LÊN TRÊN CUỘC ĐỜI " CỦA XÃ HỘI TOÀN HẢO
"Vượt lên trên cuộc đời" (tiếng Anh là transcendence) nghĩa là gì? Cụm từ "vượt lên trên cuộc đời" hình như gợi cho chúng ta ý nghĩa về sự lìa bỏ toàn bộ thế giới nầy để đi đến một trú xứ khác. Đối với nhiều người, "vượt lên trên cuộc đời" nầy có nghĩa là rời bỏ, không còn mảy may để ý hay quan tâm đến thế giới nầy, và hoàn toàn sống trong một cảnh giới khác.
Tuy nhiên trước khi đi sâu vào vấn đề nầy, chúng ta hãy quán tưởng thêm về cái mà chúng ta gọi là thế gian hay thế giới. Do huân tập của nhà trường và các khoa học địa lý tự nhiên, chúng ta có khuynh hướng xem trọng thế giới vật chất và từ đó, chúng ta xem thế giới là những gì được vẽ trên bản đồ hay là quả địa cầu gồm những quốc gia mà chúng ta biết được. Chúng ta cho thế giới nầy là cái hành tinh có tên là Trái Đất, và vì thế, muốn vượt lên trên thế giới nầy, bằng cách nào đó chúng ta phải thoát ly khỏi nó -- thí dụ như đi lên mặt trăng chẳng hạn. Tuy nhiên, khi nói về thế giới, người Phật tử không nói về cái thế giới ở bên ngoài mà chúng ta thường biết. Trái lại, họ nói về cái thế giới bên trong, hay nói khác đi, họ nói về tâm, bởi vì tâm mới thật sự là cái thế giới mà chúng ta đang sống. Ngay cả khái niệm về thế giới hay thế gian mà chúng ta đang thảo luận hiện nay cũng là một khái niệm xuất phát từ tâm. Tất cả những quan điểm về thế gian, bản thân con người, những chúng sinh khác, và các hành tinh khác thật ra cũng chỉ là những khái niệm được tạo tác và sinh khởi trong tâm; chúng sinh rồi diệt trong tâm. Chúng ta thường cho thế giới là cái chỉ có ở bên ngoài; chẳng hạn như khi nói, "Chúng tôi sẽ đi học và nghiên cứu về thế giới," chúng ta muốn nói là chúng ta sẽ đi đến những nước trên thế giới để học. Nhưng sự thật không phải thế. Bạn không cần phải đi đâu hết để thấy được thế giới và vượt lên trên chính nó. Bạn chỉ cần mở rộng tâm thức của mình, rồi bạn sẽ thấy thế giới đang vận hành như chính nó, và bạn sẽ thấy là tất cả các pháp thế gian đều do duyên khởi, chúng đến rồi đi, sinh rồi diệt không ngừng.
Ngay trên thế gian nầy, khi mở rộng tâm thức, chúng ta sẽ thấy được sự toàn hảo của các pháp. Bạn hãy tưởng tượng ra tất cả những màu sắc toàn hảo hơn màu sắc của các loài hoa trên trái đất nầy. Bạn sẽ thấy là chúng ta thường thiết lập những tiêu chuẩn toàn hảo dựa trên những gì mình đã thấy và biết được: Thước đo thẩm định của chúng ta thường dựa vào kinh nghiệm quá khứ. Nhưng cái đẹp tự nó luôn thay đổi; nó không đứng yên một chỗ. Thời tiết bốn mùa cũng thay đổi. Tất cả lá cây rồi sẽ phải lìa cành, tất cả bông hoa rồi sẽ héo úa. Mọi vật đều ảm đạm và buồn tẻ trong mùa đông khi không gian không có màu sắc gì khác ngoài những nét đậm và nhạt, đen và trắng. Bây giờ, nếu chúng ta yêu thích những màu sắc rực rỡ, những bông hoa xinh đẹp, và sức sống mới mẻ của mùa xuân, chúng ta sẽ cho là mùa xuân đẹp hơn mùa đông. Nhưng nếu biết mở rộng tâm thức để tiếp nhận mùa đông, chúng ta cũng sẽ thấy được vẽ đẹp tinh tế của nó. Rồi chúng ta sẽ chiêm ngưỡng sự vắng bóng của các sắc màu rực rỡ và sự tĩnh lặng của mùa đông giống y như chúng ta đã ngưỡng mộ các sắc màu rực rỡ và sinh lực tràn đầy của mùa xuân.
Chúng ta chiêm ngưỡng sự toàn hảo không phải vì thấy nó trong tư thế đứng yên và bất biến. Chúng ta chiêm ngưỡng sự toàn hảo vì thấy được nó trong dòng vận động của các pháp giống như chúng ta thấy sự toàn hảo của đóa hồng trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nếu muốn có một sự toàn hảo cố định và bất biến, chúng ta không cần phải mất công sức chi hết; chỉ cần tìm một hoa hồng bằng nhựa để ngắm, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hài lòng về đóa hoa nhựa nầy. Quán tưởng theo cách này, tâm của chúng ta sẽ mở rộng và tiếp cận với sự toàn hảo của thiên nhiên và thế giới hữu vi. Quan điểm của chúng ta về sự toàn hảo sẽ không cònđứng yên và cố định nữa. Chúng ta sẽ thấy là không có một tiêu chuẩn duy nhất cho sự toàn hảo, và khi mọi việc không xảy ra như ý chúng ta muốn, sự toàn hảo vẫn có mặt trên thế gian nầy. Chúng ta không chấp chặt vào một tư tưởng bất biến và cố định là thế giới phải như thế nầy. Ngược lại, chúng ta sẽ thấy thế giới nầy một cách sinh động, thật sự như nó đang là và đang xảy diễn.
Vượt lên trên thế gian (transcendence) có nghĩa là không chấp hay bám víu vào thế giới nầy; tuy nhiên, nó cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ bồng bềnh trôi nổi trên bầu trời hoàn toàn cách ly với trái đất. Nó có nghĩa là chúng ta vẫn sống trong thân xác con người nầy, giữa thế giới hữu vi nầy mà vẫn không bị nhiễm ô hay hiểu sai lạc về nó. Khi chúng ta quán chiếu và suy tưởng về cuộc sống đến mức độ có thể thấy nó rõ ràng như chính nó, lúc đó, có thể nói là chúng ta đã "vượt lên trên thế giới nầy." Vì thế, trong tiến trình vượt lên trên thế gian, chúng ta vẫn có thể làm việc và sống ngay trong cuộc đời nầy, nhưng cuộc sống chúng ta sẽ rất trong sáng và thanh tịnh vì lúc đó chúng ta không còn bất kỳ một ảo tưởng nào về nó. Chúng ta không thể đòi hỏi thế giới nầy phải là cái gì khác ngoài những gì nó đang là -- và thế giới đó chính là tâm của chúng ta.
Trong tiếng Pali, từ "Arahant" hay A La Hán có nghĩa là người đã tận diệt tất cả nhiễm ô hay những quan kiến sai lạc về bản chất của thế gian. Đó là từ mà chúng tôi dùng để mô tả một con người hoàn hảo và toàn bích -- con người đã vượt lên trên thế gian nầy, nhưng vẫn sống trong thế gian nầy, và làm việc vì lợi lạc của tất cả chúng sinh khác. Nếu bạn đã từng nhìn thế gian nầy qua nhãn quan của tự ngã và đã buông bỏ những quyền lợi ích kỷ của mình trong thế gian, thì còn gì phải làm nữa chứ? Nếu đã vượt lên trên bản ngã, chắc chắn là bạn sẽ không còn sống cho cái bản ngã hoang tưởng đó nữa. Người mà hoàn toàn vượt lên trên bản ngã sẽ khôngđòi hỏi gì hết, dù đó chỉ là sự biết ơn hay một lời khen ngợi. A La Hán là một người sống vì lợi lạc của người khác và xã hội. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng xã hội toàn hảo là xã hội của những người giác ngộ, xã hội của những vị A La Hán đã "vượt lên trên thế gian nầy".
NHỮNG ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO TRÍ TUỆ
Khi quán tưởng về xã hội toàn hảo, chúng ta cũng nên suy nghĩ về vai trò của người lãnh đạo toàn hảo, vì hai vấn đề nầy có liên quan với nhau. Trong kinh điển Pali có nêu ra mười vương pháp (rajadhamma) hay mườiđức tính và bổn phận của người lãnh đạo trí tuệ.
Đức tính đầu tiên là dana, hay rộng lượng và bố thí. Bất cứ nhà lãnh đạo nào, cho dù đó là một vị thống lãnh toàn cầu, thủ tướng, tổng thống, hay chủ tịch của bất cứ tổ chức chính trị xã hội nào, trước hết phải là người rộng lượng bố thí vì đây là đức tính khai mở tâm thức con người. Bạn chỉ cần quán tưởng về hành động hiến dâng mà không mong chờ được đáp lại. Khi chúng ta cho ai những gì mà chúng ta trân quý, hành động nầy sẽ làm cho tâm chúng ta rộng mở. Và hành động hiến dâng nầy làm cho tình cảm cao thượng nẩy nở trong chúng ta. Con người chỉ đẹp và cao thượng nhất khi họ có thể hiến dâng những gì mà họ mong muốn và thương yêu cho người khác.
Đức tính thứ hai là sila, hay đạo đức và giới hạnh. Một người lãnh đạo phải là người có giới đức hoàn toàn trong sạch, một người mà bạn có thể hoàn toàn tin tưởng. Bạn có thể đồng ý hay không đồng ý với đường lối, chính sách hay lập trường của vị ấy; điều nầy không quan trọng lắm; nhưng quan trọng nhất là đạo đức trong sạch của vị ấy, vì không ai có thể tin tưởng một người thiếu đạo đức. Người ta thiếu niềm tin và nghi ngờ những người không dứt khoát tránh xa những hành động tàn nhẫn, giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và sử dụng các chất ma túy. Trên đây là sila hay những giới đức cơ bản mà nếu là Phật tử, bạn phải luôn giữ gìn cho trong sạch.
Đức tính thứ ba là pariccaga, hay hy sinh. Đức tánh nầy có nghĩa là bạn từ bỏ hạnh phúc cá nhân, cuộc sống an toàn, và tiện nghi của mình vì lợi lạc của toàn thể dân tộc. Chúng ta cần xem xét kỷ đức tính hy sinh. Bạn có sẳn sàng hy sinh những tiện nghi, đặc quyền đặc lợi, và thuận lợi riêng tư cho hạnh phúc gia đình bạn không? Trong nửa thế kỷ qua, con người gần như coi thường đức tính hy sinh; họ cho hy sinh là đồng nghĩa với ngu ngốc, ngây thơ, và khờ dại. Hình như xu hướng chung của con người ngày nay là nghĩ đến quyền lợi riêng của họ trước nhất, là đòi hỏi "Nhà nước nầy đã làm gì cho tôi? Tôi bòn rút được gì từ chính phủ nầy?" Nhưng bản thân tôi, bất cứ lúc nào suy nghĩ theo chiều hướng này, tự nhiên tôi thấy lòng tự trọng của mình bị sút giảm. Ngược lại, khi tôi hy sinh bản thân mình cho người khác, tôi thấy đây là điều đúng cần phải làm. Buông bỏ quyền lợi, tiện lợi, và tiện nghi cá nhân vì lợi lạc của người khác là những gì mà bây giờ mỗi khi nhìn lại, tôi không bao giờ hối tiếc là mình đã làm.
Đức tính thứ tư là ajjava hay chân thật và chính trực. Đức tính nầy không chỉ có nghĩa là không lừa dối kẻ khác mà còn là thành thật với chính bản thân mình. Để chân thật với chính mình, không đổ lỗi hoặc lên án bản thân mình hay người khác, hay không còn hiểu sai lạc về cuộc đời, tâm bạn phải trong sáng, không còn bị hoen ố bởi tham ái hay sợ hãi.
Đức tính thứ năm là maddava hay tử tế và hiền dịu. Sống ở phương Tây, tôi nhận thấy người ta rất khát khao được đối xử tử tế và hiền dịu, và khát khao đó đã trở thành lý tưởng của nhiều người. Nhưng trong thực tế, con người lại rất khắc nghiệt và tàn nhẫn với chính bản thân họ và những người chung quanh; họ thường phê phán gay gắt, phản ứng giận dữ, và xem sự tử tế và hiền dịu là cái gì ủy mị và ướt át. Ở phương Tây, sự hiền dịu được xem là biểu hiện của một tâm hồn yếu đuối. Vì thế mà tại tu viện, chúng tôi nhấn mạnh việc hành thiềnmetta hay rải tâm từ cho chính bản thân mình và người khác. Khi đặt ra những tiêu chuẩn hay lý tưởng quá cao, chúng ta thường thiếu tâm từ; chúng ta sẽ luôn đòi hỏi cuộc đời phải như thế nầy, phải như thế nọ, và sẽ bất mãn với những gì xảy ra trong thực tế. Sự bất mãn nầy sẽ làm chúng ta sân hận và trở nên ác độc. Ngườiđời thường xem đức tính tử tế và hiền dịu chỉ có ở những người "ba phải" và yếu đuối, nhưng đó chính là đức tính mà người lãnh đạo trí tuệ cần phải có.
Đức tính thứ sáu là tapa, nghĩa là tiết chế, tự chủ -- biết từ khước những gì không cần thiết cho mình. Đức tính thứ bảy là akkodha, nghĩa là không nóng nảy, không bồng bột, không liều lĩnh, và bình tĩnh. Đây là điều khó làm vì con người rất khó bình tĩnh trước những rối loạn, hổn độn, và nghịch cảnh của cuộc sống. Trái lại, hành động theo bản năng, nói năng hay phản ứng cho thỏa cơn giận thường là dễ hơn.
Đức tính thứ tám là avihimsa, nghĩa là không bạo động, không dùng bạo lực với bất cứ chúng sanh nào, không đàn áp hay áp đặt ý chí của mình trên người khác. Tâm kiêu mạn, tự cho mình là cao thượng và đạo đức cũng là một thái độ của kẻ cả và có tính đàn áp phải không các bạn? Sống bên cạnh những người có những đòi hỏi và tiêu chuẩn cao, bạn sẽ bị họ xem thường và đánh giá thấp. Cho dù những người nầy chủ trương bất bạo động và nghĩ là họ không có chủ tâm bạo động, nhưng bản thân sự kiêu ngạo và tự phụ của họ là một thái độ bạo động. Vì thế, những người hay rêu rao những tiêu chuẩn đạo đức cao cả cũng thường là những người đạo đức giả. Và ngay bây giờ, khi bàn về vấn đề đạo đức, một số bạn trong chúng ta có thể rất căng thẳng và khó chịu vì họ nhìn đạo đức như là một cái gì nặng nề và áp chế, giống như nước Anh vào thời nữ hoàng Victoria, người ta đã sử dụng những tiêu chuẩn đạo đức để hăm dọa và khủng bố người khác. Nhưng đó không phải là avihimsa hay bất bạo độngAvihimsa là đối nghịch lại với áp đặt và đàn áp.
Kế đến là đức tính khanti, hay nhẫn nhục, chịu đựng, và tha thứ. Muốn không đàn áp người khác, không bị sân hận chi phối, chúng ta phải kiên nhẫn. Chúng ta phải tập chịu đựng những điều phiền toái, bực bội, trái ý, đáng ghét, và xấu xa. Chúng ta phải chịu đựng thay vì phản ứng dữ dội, tìm cách đàn áp, hay thủ tiêu nó.
Đức tính cuối cùng là avirodhana, nghĩa là không đi sai đường, sống hợp với lẽ đạo, sống theo đúng chánh pháp. Cụm từ "không đi sai đường" dường như là một mệnh lệnh phải không các bạn? Khi tự cho mình làđúng, chúng ta thường trở nên độc đoán; bản thân tôi đã thấy điều nầy trong chính tôi. Khi tức giận người khác vì cho mình là đúng và họ là sai, tôi có thể trở thành dữ tợn và đối xử tàn tệ với người khác giống như tinh thần của lời phán trong Kinh Cựu Ước: "Ngươi không được phép làm như thế!" Tôi quả thật đáng sợ khi tự cho mình là người nắm chân lý. Nhưng avirodhana không phải là cái đúng của bậc gia trưởng độc tài; trái lại, nó là trí tuệ biết cái gì là đúng đắn, hợp thời và đúng chỗ. Ở phương Tây, chúng ta có khuynh hướng cho hễ cái gì hợp lý và lô gích thì cái đó là đúng. Vì thế bất cứ cái gì có vẽ hợp lý, ta đều cho là đúng, trong khi cái gì phi lý, thì cho là sai. Chúng ta không tin ở cái bất hợp lý. Nhưng khi bị lý luận và lô gích trói buộc, chúng ta thường mất kiên nhẫn vì tâm của chúng ta không đủ mở rộng để nắm bắt những nhịp đập và dòng chảy của tình cảm. Chúng ta không thấy được cái bao la của cuộc sống. Chúng ta bị dính chặt vào thời gian, năng suất công việc, sự thông minh nhanh nhẹn của tư duy, và sự toàn hảo của lý luận đến nỗi chúng ta ngộ nhận những gì tạm thời và chóng qua là thực tại và chân lý, và không thể ghi nhận được khoảng không gian phủ trùm chung quanh chúng ta. Vì thế khi bị kẹt trong lý luận và lô gích, chúng ta sẽ chối bỏ, quên lãng, và triệt tiêu thế giới tình cảm trong đó có tất cả cảm xúc, trực giác, và tâm linh của con người.
Đức tính Avirodhana, hay sống theo chánh Pháp, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và vững vàng để sống nhu thuận theo chánh Pháp. Lý do duy nhất khiến chúng ta không thể sống theo chánh Pháp là vì chúng ta không quan sát, thấy và biết được Pháp. Là con người, chúng ta có xu hướng dễ tin vào bất cứ điều gì, vì thế chúng ta có thể đi theo bất cứ hướng nào và chấp nhận bất cứ truyền thống tôn giáo nào. Nhưng khi đã thấy được Pháp, chúng ta chỉ còn một xu hướng duy nhất, đó là sống hòa thuận theo sự vận hành của chánh Pháp mà thôi.
ĐI TÌM NGƯỜI LÃNH ĐẠO TRÍ TUỆ BÊN TRONG CHÚNG TA
Trên đây là mười rajadhamma hay vương pháp, tức là mười đức tính của bất cứ vị lãnh đạo nào. Chúng ta có thể nghĩ rằng, "Đó chỉ là những giới hạnh dành riêng cho các ông thủ tướng hay tổng thống. Có lẽ chúng ta nên gởi các vị đó danh sách mười vương pháp nầy để họ tự rèn luyện." Nhưng chúng ta cũng có thể đặt vấn đề ngược lại, "Phải chăng vị lãnh đạo tinh thần nầy cũng có mặt bên trong chúng ta? Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp cận với vị lãnh đạo bên trong đó?" Đây là một cách để quán tưởng.
Bạn có thể áp dụng những đức hạnh nầy vào cuộc sống riêng, thay vì xem chúng như những mẫu mực chỉ dành cho các nhà lãnh đạo thế giới. Nếu chúng ta tìm cách đánh giá một vị tổng thống hay thủ tướng xem họ đã bố thí, giữ giới, hay hy sinh như thế nào, chắc chắn cuộc bàn cải sẽ vô cùng lý thú và sôi nỗi. Nhưng làm như thế chẳng lợi ích gì. Làm như thế, chúng ta chỉ nhìn thấy vấn đề của người khác mà không thấy vấn đề của mình, chúng ta muốn họ phải sống đạo đức trong khi bản thân chúng ta lại không sống đạo đức -- nói khácđi, không biết tu sửa tâm tính của mình. Tuy nhiên, khi càng tìm cách phát huy người lãnh đạo trí tuệ bên trong, lắm khi, chúng ta lại càng dễ tìm được người lãnh đạo trí tuệ từ xã hội bên ngoài.
Hàng ngày, chúng ta có thể hướng cuộc đời của mình đến những đức hạnh nầy. Chúng ta không nên xem chúng như những tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá rồi than thở: "Ôi thôi, tôi chưa đủ rộng lượng và bố thí; Giới hạnh tôi chưa đủ tốt; Tôi quá ích kỷ và không thể hy sinh cho kẻ khác." Nhưng mỗi ngày, chúng ta nên suy tưởng về những đức tính nầy hầu nuôi dưỡng tâm nguyện sống đời đạo đức và thánh thiện. Để làm việc nầy, chúng ta nên biết và hiểu con người chúng ta như chính nó, thay vì đánh giá là nó phải như thế nầy hoặc phải như thế nọ. Và khi hiểu được chính mình, chúng ta sẽ hiểu được người khác, và rồi chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được xã hội loài người.
Do đó, một xã hội toàn hảo chỉ có với những con người toàn hảo. Và thế nào là một con người toàn hảo? Người mà không còn bị nhiễm ô hay bất kỳ ảo tưởng nào về thế giới nầy, người mà đã vượt lên trên thế giannầy, đó chính là người toàn hảo. Khi con người không còn một tư tưởng hay không còn dính mắc vào một tháiđộ hay quan điểm dựa trên tự ngã, lúc đó tâm rộng lượng và bố thí tự nhiên sẽ xuất hiện. Họ sẽ tự động chia sẻ với người khác những gì họ có. Chỉ cần biết là người khác đang cần gì, họ sẽ sẵn sàng chia sẻ thêm những gì họ có. Từ đó, xu hướng tích lũy và chiếm hữu cá nhân trong họ sẽ giảm và yếu dần.
Trên thế giới ngày nay, chúng ta thấy có một sự cách biệt rất lớn giữa thế giới phương Tây giàu có và Thế giới thứ ba nghèo đói. Mức sống của chúng ta rất cao, trong khi mức sống của đa phần các dân tộc trên thế giới rất thấp. Thậm chí nhiều người không đủ ăn. Chúng ta có thể cho điều nầy là sai trái. Chúng ta có thể hoặc lên án thế giới phương Tây, hoặc biện minh cho sự giàu có của chúng ta và tỏ lòng thương hại Thế giới thứ ba.
Nhưng thật ra chúng ta có thể làm gì để giải quyết tệ nạn nầy? Như những cá nhân, chúng ta không thể tácđộng trên nhà nước và các vị lãnh đạo phương Tây giàu bắt buộc họ phải thật sự thay đổi đường lối và chính sách. Nhưng chúng ta có thể thay đổi quan hệ giữa chúng ta và xã hội, phải không các bạn? Chúng ta có thể tập hành thiền. Và chúng ta có thể tập sống để mỗi ngày có thể vị tha hơn và chia sẻ với người khác những gì mình có. Và rồi chúng ta sẽ tìm được niềm vui trong khi chia sẻ vì chia sẻ tự nó là một phần thưởng -- một phần thưởng tự nhiên đến. Nó không phải là phần thưởng mà chúng ta mong đợi người khác mang đến cho mình.
Chúng ta có thể quán tưởng về sila hay giới hạnh, và tự hỏi mình có thể làm gì để không hãm hại sinh mạng của các chúng sinh khác. Chúng ta có thể tránh xa những hành động và lời nói bạo động, những hành động bốc lột, chia rẽ, gây hoang mang, phiền não, và tuyệt vọng cho người khác. Chúng ta có thể thực tập -- với giađình, bè bạn, và những hội đoàn xã hội -- làm sao để có một đời sống bình an và đạo đức, trong đó chúng ta trách nhiệm về lời nói và việc làm của mình.
Chúng ta có thể quán tưởng về đức tính pariccaga hay hy sinh. Sống hy sinh không có nghĩa là mềm lòng "xả thân vì đạo" để cứu rỗi những số phận không may mắn. Hy sinh không có nghĩa là chúng ta lăn xả can thiệp vào việc của người khác mà là không còn xem mình quan trọng hơn người khác. Muốn làm được điều nầy, trước hết, bạn phải hiểu chính bạn. Hy sinh mà không hiểu chính mình thì bạn sẽ trở thành một người "xả thân vì đạo" tình cảm và yếu đuối. Sự hy sinh phải đến từ một tâm thức sáng suốt chứ không phải từ những tình cảm yếu mềm.
Chúng ta có thể quán tưởng về đức tính ajjava, hay trung thực và chính trực và đức tính madava hay tử tế và hiền dịu. Chúng ta có thể ứng xử dịu dàng và tử tế với cuộc đời. Lý do chúng ta thiếu tử tế không phải vì chúng ta không muốn tử tế; mà là vì chúng ta thiếu kiên nhẫn để tử tế với cuộc đời. Muốn tử tế với người khác, bạn phải kiên nhẫn. Để dịu dàng với cuộc đời, bạn phải nhẫn nhục và chịu đựng; bạn không thể vì quyền lợi riêng tư mà bắt buộc cuộc đời phải chiều theo ý của bạn. Tử tế có nghĩa là bạn đang tập -- từ những vịệc nhỏ nhặt hằng ngày -- để trở nên hiền dịu và cởi mở, nhất là nhẫn nhục với những gì trái ý mình. Cởi mở với những gì bạn yêu thích là rất dễ. Thí dụ như chúng ta rất dễ tử tế với những đứa bé ngoan ngoản và dễ thương, nhưng chúng ta không dễ gì tử tế với những phiền muộn, bực dọc, hay bất toại nguyện phải không các bạn? Chúng ta phải thật cố gắng để không phản ứng chống lại với những gì trái ý của mình. Để làm được việc trên, chúng ta phải tập làm quen với những phiền muộn nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày -- hãy cố gắng tử tế, hiền dịu trong những tình huống dễ biến chúng ta thành người khó chịu, phán đoán, và độc ác.
Chúng ta có thể quán tưởng đức tính tapa hay tự chủ, không dễ duôi, kham khổ chịu đựng. Hiện nay, nhiều người rất sợ khi nghe đến hai chữ kham khổ; Kham khổ chịu đựng dễ làm người ta chùn bước. Nhưng bạn nên tự hỏi bao nhiêu là đủ và bao nhiêu là thừa. Đây là thói quen rất tốt. Đặt câu hỏi nầy không phải là để đánh giá và phê phán; trái lại, nó sẽ giúp bạn ghi nhận thế nào là đủ, thế nào là cần thiết, và thế nào là cuộc sống nghiêng về lợi dưỡng. Điều nầy đòi hỏi chúng ta phải tỉnh giác, chính trực, và chân thật.
Chúng ta có thể quán tưởng đức tính akkodha, hay không nóng nảy, không bộp chộp; đức tính avihimsa, hay bất bạo động và nhân đạo; đức tính khanti, hay nhẫn nhục và chịu đựng; và đức tính avirodhana, haykhông theo tà đạo, đi đúng chánh pháp. Càng ý thức về những đức tính nầy, chúng ta sẽ càng thể hiện chúng trong cuộc sống của mình.
MỞ RỘNG VÀ TIẾP THU NHỮNG ĐỔI THAY CỦA XÃ HỘI
Chúng ta sẽ thất bại nếu chỉ biết trao dồi đạo đức bằng cách suy nghĩ về đạo đức. Làm như thế chúng ta sẽ chỉ biết phê phán và dày vò chính mình. Làm như thế cũng giống như chúng ta đánh giá đóa hoa hồng trong hiện tại với lúc nó nở đẹp nhất, giống như so sánh nụ hoa hồng và đóa hoa hồng tàn héo với đóa hoa hồng vào thời điểm đẹp nhất của nó. Cách so sánh này sẽ thúc đẩy xu hướng không hài lòng và đòi hỏi trong chúng ta, "Tôi không thích điều nầy, mọi việc phải như thế nầy." Nhưng nếu chúng ta xem sự vận hành của thế gian nầy là một quá trình không ngừng thay đổi, chúng ta sẽ ngưỡng mộ và thưởng thức cho dù nó ở trạng thái hay giaiđoạn nào đi nữa. Chúng ta sẽ không còn đóng khung và ép chặt nó vào một mô hình cứng nhắc và không còn phán đoán mọi việc theo một quan điểm cố định nào đó.
Chúng ta có thể áp dụng cái nhìn nầy vào xã hội và bản thân chúng ta. Chúng ta nhận thấy là dù xã hội sẽ không bao giờ toàn hảo, cũng như đóa hoa hồng, nó sẽ tiến đến tột đỉnh của nó. Và rồi chúng ta có thể quán tưởng về xã hội hiện nay và đặt câu hỏi, "Xã hội chúng ta đã phát triển đến giai đoạn nào rồi? Nó đã đến tột đỉnh hay đang trên đà xuống dốc?" Chúng ta có thể không hài lòng và lên án, "Xã hội hiện nay đã suy sụp và không giống như trước nữa, nó không thể như thế nầy được" và cứ tiếp tục phê phán như thế cho đến lúc chúng ta trở nên chán nãn và chống ghét vì xã hội không còn ở đỉnh cao nữa. Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn giản đặt câu hỏi, "Xã hội đang ở giai đoạn nào đây?" thì có lẽ điều nầy sẽ hữu ích hơn. Khi cởi mở và tiếp nhận những thay đổi bên ngoài và bên trong chúng ta -- nói khác đi, khi mở rộng tâm để thấy được sự vận hành của các Pháp -- chúng ta sẽ hòa vào dòng chảy của cuộc sống và qua đó sẽ giúp xã hội phát triển tốt đẹp và lành mạnh hơn.
*
Câu hỏiĐạo Phật có đánh giá cao một mô hình xã hội đặc biệt nào không? Thí dụ như đạo Phật có cho xã hội dân chủ là tốt hơn xã hội quân chủ không?
Trả lời: Trong đạo Phật, chúng tôi không đưa ra một mô hình xã hội toàn hảo nào cả; như xã hội quân chủ hay dân chủ, xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa chẳng hạn. Vào thời đức Phật, hình như không có nhiều thể thế chính trị để người ta lựa chọn. Chế độ quân chủ là mô hình phổ biến của thời đó, mặc dù xen kẽ cũng có những nhà nước dân chủ sơ khai. Nhưng ngay trong thời kỳ ấy, chế độ quân chủ cũng không phải là một chế độ độc tài trong đó nhà vua có quyền thay trời trị dân, muốn làm gì thì làm và không quan tâm gì đến đời sống của dân chúng. Ngày nay, chúng ta thường cho vua chúa là những kẻ tha hóa và hủ lậu, nói khác đi chúng ta cho quân chủ là chế độ của một nhóm ít người có đặc quyền đặc lợi mà đa số dân chúng phải khổ cực phục dịch cho họ -- nhưng thật ra, lý thuyết của chế độ quân chủ thường xuất phát từ những tiền đề hợp lý và đúng đắn. Khi ra đời, chế độ quân chủ không nhắm trở thành độc tài, mặc dù trong nhiều trường hợp thực tế, nó đã trở nên độc tài; (...)
Nền dân chủ phương Tây, với tất cả những gì được gọi là tự do của nó, có khuynh hướng đưa chúng ta đến chỗ tự hủy hoại và tha hóa. Các bậc cha mẹ ở phương Tây không ngừng lo lắng cho con cái. Cha mẹ không còn khả năng hướng dẫn con cái trở thành người tốt vì con cái ở phương Tây có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn. Hình như chúng ta không có quyền hướng dẫn con người hướng về Chân, Thiện, và Mỹ nữa. Chúng ta chỉ còn có thể nói, "Bạn được tự do làm những gì bạn muốn."(...)
Thật ra, trong thực tế, tất cả những cơ cấu xã hội trên thế giới hiện nay đều có thể vận hành tốt nếu chúng ta hiểu biết nó một cách đúng đắn. Không có gì sai trái với những cơ cấu chính trị hiện nay trên thế giới cả; các cơ quan nhà nước tự nó đều không tệ. Cái chúng ta đang thiếu là những con người giác ngộ, những con người có thể nhìn thấy mọi việc một cách sáng suốt và rõ ràng.
-------------------------------------


Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét