Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

TÂM VÀ ĐẠO - AJAHN SUMEDHO - HỌC LÀM ĐIỀU THIỆN




Bây giờ tôi thấy rất rõ là khi còn là cư sĩ, tôi đã sống cuộc đời không đáng được trân trọng; tôi đã sống si mê và không lành mạnh cho lắm. Tôi cũng nhận ra rằng, vì không tôn trọng cách sống của mình nên tôi cũng đã không tôn trọng bản thân mình. Nhưng từ khi tôi xuất gia, mọi việc đã thay đổi. Với quyết tâm sống theo giới luật của tu viện, niềm tự trọng dần dần nẩy nở trong tôi. Tôi bắt đầu quý trọng bản thân vì tôi biết quý trọng những gì tôi đang làm, những cách sống, tâm nguyện, cố gắng tinh tấn, và những gì tôi đang thực hiện trong đời. Khi nói điều nầy, tôi không có ý là tất cả chúng ta đều nên xuất gia, tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta nên nuôi dưỡng lòng tự trọng bằng cách cố gắng làm những việc thiện lành.

Có nhiều hành giả rất tinh tấn hành thiền nhưng lại dễ duôi trong việc giử gìn giới hạnh. Giới hạnh phải là nền tảng cho tất cả quan hệ giữa người và người. Làm người, chúng ta cần vươn đến một tiêu chuẩn nào đó về giới hạnh và đạo đức. Khi không có lòng tự trọng, chúng ta dễ buông xuôi mọi việc, chỉ muốn sống sao cho qua thì giờ, ứng xử theo những cách thường dẫn đến sự chia rẽ, ngờ vực và nghi kỵ lẫn nhau. Xã hội ngày nay đang đau khổ với bao tệ nạn khủng khiếp như nghiện ma túy, nghiện rượu, tham nhũng và bạo động giết người.Những tệ nạn này đang trở thành khá phổ biến vì hiện nay con người sống không có đạo lý. Và nếu không cóđạo lý, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng sa sút tinh thần, tuyệt vọng, và đầy sân hận với chính bản thân mình.
VƯƠN ĐẾN ĐỜI SỐNG ĐỨC HẠNH
Là con người, chúng ta không bị bản năng của loài vật chế ngự; chúng ta có khả năng vươn đến một đời sống đạo đức cao hơn. Vì thế, chúng ta có thể dành đời mình để trao dồi đức hạnh, không chỉ bằng cách hành thiền, mà còn qua cách sống có trách nhiệm với xã hội. Sống đời đức hạnh sẽ mang lại niềm vui, bình an, và hài hòa không những cho chúng ta mà còn cho toàn xã hội.
Tôi thường nghĩ về sự trao dồi đức hạnh như một khoa học -- khoa học về sự thiện lành, hay khoa học về sự lương thiện. Chúng ta tìm hiểu sự lương thiện; nhưng không phải chỉ để có nhận định và ý kiến về khoa học nầy, và thảo luận về nó một cách trừu tượng. Chúng ta thật sự suy tưởng về bản chất của sự lương thiện. Chúng ta đặt câu hỏi, "Chúng ta nên làm gì trong đời nầy để được xem là người lương thiện?" Chúng ta biến cuộc đời của mình thành một quá trình học hỏi về sự lương thiện.
Nhiều người hiểu lầm đạo Phật như là một tôn giáo theo thuyết định mệnh và thụ động mà theo đó bạn không cần phải làm gì hết ngoài việc ngồi thiền, quán sát hơi thở hay sự phòng xẹp của bụng, hoặc chỉ ngồi dưới gốc cây và miệng thì thầm niệm "Vạn pháp là vô thường." Phật giáo không phải là một tôn giáo chủ trương lãnhđạm và thờ ơ với cuộc đời, không quan tâm gì đến xã hội mà chúng ta đang sống; Đạo Phật dứt khoát và rỏ ràng khuyến khích chúng ta phát huy đạo dức, và điều này sẽ mang lại niềm an lạc cho cuộc sống chúng ta.
Nếu đi tu mà không an vui hạnh phúc thì chắc chắn sẽ không còn tôn giáo trên đời nầy. Và để thật sự an vui hạnh phúc, bạn phải vị tha và rộng lượng bố thí; bạn phải làm việc vì người khác. Hạnh phúc đến từ sự hiến dâng không vì bản thân mình, trong đó bạn không mong được phần thưởng hay danh vọng gì hết. Nếu bố thí mà vẫn mong được một lợi lộc nào đó, bạn sẽ không vui trong lúc bố thí; bạn sẽ luôn cảm thấy có một chút thất vọng nào đó trong lòng. Nếu bạn bố thí mà vẫn muốn nhận lại một cái gì đó, tâm bạn sẽ không bao giờ an ổn. Vì thế, niềm vui được hiến dâng, thương yêu, làm điều thiện lành, và giúp đỡ người khác vượt lên cao hơn lòng vị kỷ. Tự bản thân nó đã là một phần thưởng. Chỉ có khả năng làm việc để phục vụ người khác và cuộc sống vì lợi lạc xã hội, chứ không phải sự lợi dụng và bòn rút của xã hội, mới mang lại danh dự đích thực cho con người.
SỐNG CÓ TRÁCH NIỆM VỚI TRÁI ĐẤT CỦA CHÚNG TA
Thời đại hiện nay đòi hỏi chúng ta cần có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân mình và về cái hành tinh mà chúng ta đang sống với tất cả chúng sanh khác. Cách suy nghĩ về con người như một cá thể biệt lập, hay tư tưởng chỉ biết sống cho riêng mình không còn hợp thời nữa. Trong vòng năm mươi năm qua, như là những thành viên sống trên quả đất nầy, rõ ràng là loài người đang quan hệ ngày càng chặt chẽ và mật thiết hơn. Khi có một nhóm người nào đó nắm tất cả những quyền lợi và đặc ân trong tay và không cho người khác có được gì cả, thế giới nầy sẽ mất quân bình; chiến tranh và xung đột sẽ xảy ra. Bất cứ nơi nào có bất công và mất quân bình, ở đó đau khổ của loài người và các chúng sinh khác sẽ càng nhiều thêm. Vì thế đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn trí tuệ là tất cả chúng ta đều liên hệ chặt chẽ với nhau, và tất cả chúng ta đều đang trợ duyên với nhau để sống. Chúng ta không phải là những cá nhân hay những quốc gia hoạt động độc lập, riêng lẻ, và không cần biết gì đến tác động của chúng ta trên những người còn lại.
Ngày nay, càng nhiều người đặt câu hỏi, "Tôi nên sống như thế nào? Tôi có nên sống theo sự thôi thúc của bản năng, chạy theo các mốt thời thượng, và hành động theo sở thích của mình không? Tôi thật sự có quyền chỉ chăm lo cho sự an toàn và thỏa mãn dục lạc cho riêng mình không?" Vì mỗi con người là một bộ phận không thể tách rời khỏi xã hội, chúng ta phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với xã hội và hành tinh mà chúng ta đang cùng sống với các chúng sanh khác.
Nếu có người ích kỷ và hạ tiện nào đó nghĩ rằng, "Tôi sẽ chiếm lấy bất cứ cái gì đó cho riêng mình, cho dù phải chà đạp lên trên quyền lợi của người khác." Người đó mưu tính, xử dụng đủ loại mánh khóe, và tìm cách kiểm soát mọi việc nhằm phục vụ quyền lợi của họ, mà không nghĩ gì đến người khác. Đó chính là người không có ý thức trách nhiệm cá nhân. Trong thời đại hiện nay, người ta cảm thấy khó chịu khi phải bàn về vấn đề trách nhiệm cá nhân. Nhiều người tìm cách tránh né vấn đề nầy.
Thật ra, các chính trị gia đương đại thường lợi dụng lòng ích kỷ của người dân ở các nước phương Tây để xây dựng quyền lực cho mình bằng cách hứa hẹn đủ loại lợi dưỡng, cơ hội tiến thân, và bảo đãm an toàn cá nhân. Trong chừng mực nào đó, chúng ta rơi vào cái bẩy của họ vì đôi khi chúng ta không thể sống với ý thức trách nhiệm cá nhân. Chúng ta vẫn muốn được bảo vệ, muốn có một bậc cha mẹ nào đó săn sóc, vỗ về, nói với chúng ta là mọi việc sẽ ổn thỏa, và thỏa mãn tất cả nhu cầu của chúng ta. Điều nầy rất hấp dẫn; vì trong mỗi con người của chúng ta vẫn tiềm ẩn một đứa trẻ thỉnh thoảng có nhu cầu khóc lóc đòi cha mẹ hướng dẫn, nuôi dưỡng, và an ủi mỗi khi nó cảm thấy bất ổn.
Ngày nay, các nhà nước hiện đại vô hình chung thường phải đóng vai trò các bậc cha mẹ bảo hộ con cái bằng cách nầy hay cách khác. Chúng ta thấy là ở các nước dân chủ phương Tây, người dân rất đòi hỏi; họ không ngừng đòi hỏi chính phủ đủ loại quyền lợi, đặc ân, và tất cả cơ hội để thăng tiến. Đồng thời, tôi cũng thấy là người dân ở các nước Anh và Mỷ thường không biết ơn và cảm kích về những gì mà chính phủ đã làm cho họ. Họ luôn có khuynh hướng lo sợ là nhà nước sẽ tước lấy quyền lợi hay chỉ quan tâm về những gì hợp hay không hợp với sở thích của họ mà thôi.
Và rồi, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ thấy là nhà nước không đáp ứng tất cả nhu cầu của chúng ta -- cũng giống như đôi khi có người cảm thấy là Chúa đã bỏ rơi họ, hay cha mẹ không đủ thương yêu họ. Mặc dù nhậnđược tất cả những bố thí và phúc lợi xã hội từ cha mẹ, nhà nước hay từ một Đấng Thượng Đế nào đó, chúng ta vẫn khổ đau và bất toại nguyện; chúng ta vẫn không hài lòng. Chúng ta vẫn thấy không đủ. Toàn bộ vũ trụ nầy sẽ không thể nào thật sự và trọn vẹn thỏa mãn chúng ta. Sẽ không có một nhà nước nào mà con người có thể hình dung hay tạo dựng nên lại có thể thật sự thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của chúng ta.
Ở phương Tây, những dính mắc, tham đắm, và lệ thuộc của con người đã trở nên phức tạp. Chúng ta không những chỉ đòi hỏi sự an toàn về thân mạng, nhà ở, thực phẩm, quần áo, thuốc men mà còn đòi hỏi không biết bao nhiêu cơ hội thăng tiến. Chúng ta đòi hỏi được giáo dục, được tự do làm bất cứ cái gì mình muốn, được có thời gian để sống theo cách riêng của mình, và được luôn cả cơ hội để phát triển những kỹ xảo và năng lực của chính chúng ta. Chúng ta đòi hỏi quá nhiều. Nhưng chúng ta đã cho được bao nhiêu? Chúng ta có thể làm gì để cống hiến lại? Phải chăng mỗi người chúng ta nên làm một cái gì đó để đền ơn xã hội? Chúng ta nên học hỏi điều gì để không hành động như một đứa trẻ không bao giờ trưởng thành, chỉ biết đòi hỏi người mẹ phải nuôi dưỡng và bảo vệ mình một cách vô hạn và không cùng?
KHÔNG THEO CÁC PHE PHÁI
Ngày nay, bằng nhiều cách, con người bị sức ép phải chọn một tư thế hay lập trường nào đó. Tâm trí chúng ta thường chạy đi tìm một lập trường đã có sẵn nào đó rồi bám chặt vào đó. Lập trường nầy có thể là một quanđiểm chính trị, tôn giáo, quốc gia, hay quan điểm cá nhân nào đó. Đó cũng có thể là quan điểm về giai cấp, màu da, hay giới tính. Cũng có người liều lĩnh tuyệt vọng chạy đi tìm lập trường trên những vấn đề xằng bậy và rồ dại nhất. Chúng ta có nhu cầu phải chọn một lập trường nào đó để cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa và mục đích. Nếu không, có lẽ người đời sẽ xem chúng ta là một kẻ khù khờ đáng chán và không thuốc chữa.
Nhưng khi đã chọn lập trường -- nghĩa là khi bị dính mắc vào một quan điểm nào đó -- chúng ta sẽ có khuynh hướng bị ám ảnh bởi lập trường đó, và không nhìn mọi việc rõ ràng nữa. Chúng ta sẽ bị kẹt trong những quanđiểm và tác phong tự cho mình là đúng đến nỗi chúng ta không còn khả năng nhạy cảm, ngay cả đối với tập thể và gia đình của chúng ta, đó là chưa kể đối với kẻ thù của chúng ta. Chúng ta có thể mù quáng đấu tranh cho quan điểm chính trị của mình đến nỗi có thể sẵn sàng hủy diệt cả thế giới nầy hầu bảo vệ quan điểm của mình.
Dĩ nhiên, chỉ có những người cực đoan mới làm việc nầy. Đa phần chúng ta đều có một cái nhìn rỏ ràng nhất định nào đó về cuộc đời, nhưng chúng ta lại thường do dự và dao động. Chúng ta bối rối không biết nên theo phe nào -- nên theo hẳn phe tả hay phe hữu -- và chao đảo giữa hai phe. Thỉnh thoảng chúng ta ganh tỵ với những người cả tin và cả quyết, luôn cho lập trường của ông ta là tuyệt đối đúng; và chúng ta muốn mình cũng có được niềm tin mạnh mẽ và quyết đoán như ông ta. Chúng ta nghĩ là tâm chúng ta sẽ yên ổn nếu mọi việcđược trắng đen rạch ròi như thế.
Nhưng phần lớn cuộc đời của chúng ta đều nằm trong vùng tranh tối tranh sáng "không hữu cũng không tả." Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng duy trì thân mạng của mình, sống hòa hợp với những người chung quanh, sống yên ổn và có một số thân bằng quyến thuộc nào đó. Ngay cả những người cuồng tính nhất cũng phải trực diện với những sự thật của cuộc đời. Họ cũng phải tìm thực phẩm để ăn, nhà cửa để ở, và quần áo để mặc; họ cũng phải già, khổ vì bịnh, và mất đi người thân của mình. Tất cả chúng ta đều đau khổ khi không đạt được những gì mình mong muốn. Và tất cả chúng ta đều phải đi qua một kinh nghiệm mà không ai có thể tránhđược, đó là sự chết.
Đức Phật dạy chúng ta về cuộc đời thật như chính nó. Đạo Phật giúp ta mở rộng tâm thức để tiếp nhận cuộc đời, mà không buộc chúng ta phải chọn một lập trường. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta không được phép có những nhận định và ý kiến; chúng ta phải có những quan kiến để sống trên đời. Nhưng chúng ta cũng cần suy nghĩ về việc chúng ta dễ bị dính mắc trong các lập trường và quan điểm. Khuynh hướng dính mắc nầy là một vấn nạn đặc biệt trầm trọng ở các nước phương Tây: chúng ta quá duy tâm và hoàn toàn bị trói buộc bởi những lý thuyết và quan điểm về những gì xảy ra trong cuộc đời.
Con người ngày nay có những tiêu chuẩn rất cao; họ biết sự diễn biến và vận hành của mọi việc. Tôi hiếm khi gặp người chủ tâm làm những việc xấu ác, sống ích kỷ và không quan tâm gì đến người khác; những người như thế rất ít. Phần đông những người mà tôi gặp đều muốn mọi việc phải được tối ưu -- cho dù chữ "tối ưu" nầy được hiểu theo nghĩa là đáp ứng tối ưu cho quyền lợi của riêng họ. Chúng ta động não để định nghĩa thế nào là tối ưu, và chính vì thế mà tâm chúng ta trở nên rất phán đoán. Chúng ta cho là xã hội không diễn biến như chúng ta mong đợi: nó phải tốt hơn. Chúng ta rất chú tâm đến những vấn đề tiêu cực đang xảy ra chẳng hạn như nền kinh tế phát triển chậm, bộ máy nhà nước nặng nề, và những bất công còn tồn đọng. Những vấnđề này chiếm lĩnh tâm tư chúng ta vì chúng ta hình dung ra một xã hội không tưởng trong đó mọi việc diễn ra tốt đẹp như ý chúng ta muốn. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một thiên đàng đầy công bằng, bình đẳng, tử tế, và tình thương yêu. Nhưng trong thực tế, những gì chúng ta kinh nghiệm chính là cuộc đời thật như chính nó.Cuộc đời nầy đang xảy ra cho bạn như thế nào? Thật sự nó là gì?
Đây chính là điều mà chúng tôi gọi là mở rộng tâm thức để tiếp nhận cuộc đời hay các pháp như chính nó, đừng phê phán và cũng đừng khẳng định điều gì cả, hãy thật sự cảm nhận cái thiện và bất thiện, công lý và bất công, ban ngày và bóng đêm, trời nắng và trời mưa, cái nóng bức và lạnh lẽo. Trong ngữ học Phật giáo, đó là hãy chánh niệm. Chánh niệm là con đường giúp chúng ta đi ra khỏi khổ đau. Khi chúng ta sống trọn vẹn với thực tại mà không phán đoán, tâm chúng ta sẽ tròn đủ, cởi mở, tỉnh giác, và tiếp nhận.
Với chánh niệm, chúng ta không phải lấy lập trường, chạy theo các phe phái, hay bị kẹt trong những cuộc cãi vã và những vấn đề của gia đình, cơ quan, và xã hội. Ngược lại, chúng ta có thể mở rộng tâm thức trước những xung đột. Tâm con người có khả năng tiếp nhận cả hai phe đối lập; nó mẫn cảm với mọi việc. Nó có thể cởi mở, tiếp nhận, và rõ ràng với phe hữu lẫn phe tả, với cái xấu lẫn cái tốt.
SỐNG VỚI TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN
Với tâm chánh niệm, chúng ta có thể giữ tư thế độc lập với những người chung quanh. Cho dù xã hội chung quanh có làm gì đi nữa, chúng ta vẫn có thể đứng vững trên đôi chân và lấy trách nhiệm về hành vi đạo đức của mình.
Tôi có thể tử tế, khoan dung, độ lượng, và thương yêu bạn, và đó là niềm vui của tôi. Nhưng nếu tôi để chohạnh phúc của tôi tùy thuộc vào thái độ tử tế của bạn đối với tôi, hạnh phúc của tôi sẽ luôn bị đe dọa, vì nếu bạn không làm những gì mà tôi yêu thích -- ứng xử theo cách mà tôi mong muốn -- tôi sẽ đau khổ. Do đó, hạnh phúc của tôi sẽ luôn bị đe dọa vì cuộc đời có thể không xảy ra như ý tôi muốn.
Nếu tôi mong rằng mọi việc sẽ thay đổi, thì rõ ràng cả đời tôi sẽ thất vọng -- nếu tôi mong mọi người sẽ sốngđạo đức, những cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, con người sẽ không còn phung phí tiền của, các nhà nước sẽ trở nên nhân đạo, biết chia sẻ, và trợ cấp cho nhân dân -- nghĩa là mọi việc sẽ xảy ra đúng như ý tôi muốn!Thật ra, bản thân cá nhân tôi, tôi không mong sẽ được nhìn thấy những điều nầy ngay trong kiếp sống nầy, nhưng đau khổ về những vấn đề này quả thật là không ích lợi cho ai cả; hạnh phúc đến từ việc có được những gì mình mong đợi quả thật không phải là điều quan trọng lắm.
Niềm vui thật sự không tùy thuộc vào việc chạy theo những lợi dưỡng vật chất, hay vào việc thế giới đang xảy ra theo chiều hướng chúng ta chờ đợi, hay vào việc con người đang ứng xử theo cách mà họ nên ứng xử, hay trên sự kiện là chúng ta đạt được tất cả những gì chúng ta yêu thích và mong muốn. Niềm hoan hỷ không tùy thuộc vào bất cứ cái gì hết ngoài chính thái độ sẵn sàng khoan dung, tử tế, và từ ái của chính chúng ta. Niềm hoan hỷ thật sự chính là cái kinh nghiệm trưởng thành và thuần thục của sự hiến dâng, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau, và phát huy khoa học về sự lương thiện. Sống đức hạnh chính là niềm vui chúng ta có thể có được trong cảnh giới làm người nầy. Do đó, cho dù những gì đang xảy ra trong xã hội hay những gì người khác đang làm nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta -- tôi không thể đi khắp nơi và làm cho mọi việc xảy ra như ý tôi muốn -- nhưng tôi vẫn có thể tử tế, khoan dung, kham nhẫn, làm việc thiện lành, và tăng trưởng đức hạnh. Đó là những gì tôi có thể làm được, và đó là điều tốt cần làm, và không ai có thể ngăn cản tôi làm việc nầy. Cho dù xã hội có xấu xa hay thối nát đến đâu đi nữa, điều nầy cũng chẳng có ảnh hưởng gì hết đến khả năng sống đời đức hạnh và gieo trồng căn lành của chúng ta.
ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO XÃ HỘI
Hiện tại, thay vì bốc lột, đòi hỏi và bòn rút không ngừng, phê bình chỉ trích, và miệt thị xã hội, chúng ta có thể cải thiện xã hội bằng cách giúp đở và khuyến khích xã hội làm điều thiện. Điều này không những đem lại niềm vui cho riêng chúng ta mà còn đem lại phúc lợi cho xã hội. Chúng ta có thể cống hiến cho xã hội bằng cách sẵn sàng tự nguyện sống sao cho bản thân chúng ta không còn sợ hãi và giúp cho người khác cũng không còn sợ hãi, nói khác đi chúng ta sống với tinh thần vô úy và bố thí sự vô úy của đạo Phật.
Chúng ta có thể nuôi dưỡng thái độ này bằng cách sống sao để chúng ta biết tự trọng. Khi có lòng tự trọng, chúng ta sẽ thấy là người khác cũng kính trọng chúng ta. Và khi người khác kính trọng chúng ta, họ sẽ lắng nghe, chú ý, ngưỡng mộ và noi gương chúng ta. Qua đó, ngày càng nhiều người sẽ cảm nhận được niềm vui và tinh thần tự do sống trách nhiệm với cuộc đời.
Trách nhiệm cá nhân là nền tảng cho cả xã hội vì xã hội là tập thể gồm những cá nhân. Nền đạo đức chân chính và tốt đẹp phải đến từ trí tuệ của từng cá nhân. Nếu bạn áp đặt đạo đức trên con người, đạo đức sẽ thành luật pháp và luật pháp có thể rất áp bức và nặng nề. Chúng ta có thể lo ngại khi nghe nói đến hai chữ "đạo đức" vì chúng ta biết đạo đức có thể trở thành độc đoán nếu người ta áp đặt nó.
Nhưng khi chúng ta hiểu rõ đạo đức, nó sẽ mang lại niềm vui và lòng tự trọng, và khi chúng ta kính trọng bản thân mình, chúng ta sẽ tôn trọng quyền sống của những người khác. Đó chính là niềm an lạc. Vừa biết tự trọng vừa biết quan tâm đến cuộc sống của người khác sẽ đem lại cho chúng ta cảm giác rất an vui và dễ chịu. Nhưng tình cảm nầy phải đến từ trí ruệ và sự trưởng thành của nội tâm. Nó phải đến từ trách nhiệm cá nhân và sự hiểu biết về chính bản thân của con người.
Tôi không bàn về sự tử tế và lương thiện hào nhoáng bên ngoài -- một loại mặt nạ, một bề mặt đẹp đẽ của sự thánh thiện -- nhưng chủ yếu về sự thánh thiện sâu thẫm, nằm trong bản chất nội tại của các pháp. Đức hạnh là cái gì đó rất sâu, tiềm ẩn và xuyên thấu. Chúng ta phải có trí tuệ, nhạy cảm, khả năng tiếp thu, và thông minhđể trở thành người thật sự đạo đức.
*
Câu hỏiRõ ràng đời sống đức hạnh là nền tảng tốt cho sự phát triển của cá nhân con người, nhưng hình như đạo đức không đủ sức đối phó lại với cái xấu. Hình như chúng ta đang bất lực trước những thế lực xấu ác trên thế giới ngày nay.
Trả lời: Chúng ta bất lực trước cái xấu vì chúng ta thường chống lại nó với tình cảm chống ghét và thành kiến. Làm như thế chỉ tạo thêm xung đột. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta nên chịu thua trước những thế lực xấu ác và để cho chúng tiếp tục thao túng và chà đạp lên tất cả. Chúng ta cần phải dốc tâm xây dựng nền tảng đạo đức cho thế giới ngày nay. Nền tảng đạo đức này rất cần thiết để giải quyết những vấn đề thế giới, vì hiện nay thế giới hoàn toàn không có nguyên tắc đạo đức nào cả, và vì thế, các quốc gia không tin tưởng nhau. Làm thế nào để hai chính phủ có thể tin tưởng nhau nếu đứng phía sau họ là những thế lực xấu ác và gian trá chỉ biết vu khống, phỉ báng và không ngừng đe dọa lẫn nhau? Làm thế nào bạn có thể nói về hòa bình thế giới trong khi không ai màng đến những nguyên tắc đạo đức?
Nếu các nhà khoa học có đạo đức, họ sẽ không chế tạo vũ khí hạt nhân: vì vũ khí là để giết hại và đe dọa con người. Nếu thật sự muốn có hòa bình thế giới, chúng ta nên có những hiệp ước đạo đức thay vì những hiệp ước vũ khí hạt nhân. Và rồi chúng ta sẽ kêu gọi nhân loại đứng lên bảo vệ những giá trị đạo đức và tinh thần thay vì đe dọa và ép buộc con người phải sống hòa hoãn với nhau.
Nếu đạo đức và luân lý được dạy ở trường học, nói khác đi, nếu trẻ con được dạy cách xem xét và đánh giá hành động và lời nói của chúng, và thấy được những hậu quả đi kèm theo đó thì có lẽ, những vấn đề xã hội sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng tôi không nghĩ người ta đang dạy đạo đức và luân lý ở trường học vì đối với họ, đây không phải là những môn học quan trọng. Tinh thần trách nhiệm đạo đức của xã hội hiện nay dứt khoát đã suyđồi và đây là điều đáng sợ, và người ta không khuyến khích giới trẻ sống với trách nhiệm xã hội.
Nhưng, trong thực tế, khả năng tiếp thu những bài học đạo đức của trẻ con là rất kỳ diệu. Tâm của chúng ngây thơ và cởi mở đến độ bạn có thể đưa vào đó bất cứ điều gì. Nhưng đây cũng là một vấn đề; vì chúng quá ngây thơ nên bạn có thể dạy chúng những điều xằng bậy lẫn những bài học đạo lý vô cùng cao đẹp. Nếuđược lựa chọn, tôi sẽ tìm cách dạy cho các em đó những gì tốt đẹp, những gì nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự tử tế và cuộc sống đức hạnh, thay vì đưa vào tâm các em những điều vô ích, hạ tiện và những quan điểm gây sợ hãi và khuyến khích tinh thần cống cao và ngã mạn.
Đối với thanh niên ngày nay, chúng ta nên nhấn mạnh sự hợp tác thay vì tranh đua. Một hệ thống xã hội dựa trên sự hợp tác sẽ nuôi dưỡng tinh thần tương thân tương ái, trong đó bạn sẽ không nói, "Đây là điều tốt nhất anh phải đạt cho bằng được, nếu không, anh là một kẻ bất tài và kém cỏi." Một hệ thống dựa trên sự hợp tác sẽ cho phép nhiều loại người khác nhau cùng làm việc với nhau: người nhanh, kẻ chậm, người trẻ, kẻ già, người thông minh, và kẻ kém thông minh, vân vân. Ai cũng có chỗ đứng của họ.
Câu hỏiĐôi khi tôi cảm thấy tâm thức bị phân liệt vì cứ suy nghĩ lẩn quẩn về những gì mình cần làm, cứ xem xét đủ mọi khía cạnh của vấn đề mà không chịu hành động. Trong trường hợp này, tôi phải áp dụng khoa học về sự lương thiện như thế nào?
Trả lời: Khi suy nghĩ nhiều quá, tâm chúng ta có thể điên loạn; tình thần sẽ sa sút hay bị cuốn hút vào dòng xoáy của những tư tưởng cứ tiếp tục kéo chúng ta đi xuống. Nếu suy nghĩ quá nhiều, bạn sẽ không làm gìđược hết. Phải chấm dứt suy nghĩ mới có thể bắt tay thực hiện những gì mình suy nghĩ. Chúng ta có thể nghĩ lẩn quẩn, "Tôi có nên rửa chén hay không? Tôi có thấy thích thú việc nầy không? Rửa chén có thật sự hợp với tôi không? Có phải đàn ông, chứ không phải đàn bà nên rửa chén, hay ngược lại, hay cả hai cùng nên rửa chén?" và bạn sẽ mất thì giờ ngồi thừ ra đó mà không làm được gì hết.
Nhưng nếu bạn thay đổi cách nhìn về việc rửa chén, bạn có thể giải quyết tích cực hơn. Bạn có thể nói, "Rửa chén thật là một vinh dự! Vì kính trọng tôi, họ mới nhờ tôi rửa chén." Ngâm tay trong nước xà phòng với những chén dĩa sành sứ rất dễ chịu phải không các bạn? Nếu nhìn vào những mặt tích cực của việc rửa chén, bạn sẽ không buồn nữa. Và cả đời, bạn sẽ không còn phải lo là mình sẽ bực bội và chán ngán mỗi lần rửa chén, vì thái độ nầy có thể là hệ quả của việc mẹ bạn đã từng ép buộc bạn phải làm trong thời niên thiếu.
Những vấn đề nhỏ nhoi như thế là tồn động của quá khứ. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy điều nầy trong phản ứng của nam giới đối với nữ giới: "Không bà nào có thể sai tôi làm điều nầy điều nọ. Không ai có thể làm bà chủ của tôi được." Đây là những phản ứng tự tôn của phái nam mà bạn đã được huân tập từ nhỏ khi bạn tìm cách chống lại sự áp đặt của mẹ mình. Và phụ nữ cũng có thái độ như trên đối với phái nam. Đây là thái độ mà họđã được huân tập từ nhỏ khi tìm cách phản kháng lại người cha độc đoán: "Đó là thái độ kẻ cả của các ông.Các ông tìm cách đàn áp và dìm chúng tôi xuống. Họ rất độc tài với phụ nữ." Đôi khi, chúng ta không bao giờ thoát ra được cái tâm lý nổi loạn trẻ con nầy. Nhiều khi chúng ta mang nó theo cả đời mà không hề hay biết là mình đang sống với nó.
Khi quán tưởng về các Pháp, tâm chúng ta sẽ thoát ra khỏi những phản ứng trẻ con và chưa thuần thục nầy. Trong cố gắng vươn lên, chúng ta sẽ cảm thấy là mình đã trưởng thành và sẵn sàng tham dự vào cuộc đời.Người đời thường có xu hướng kính nễ những người có quyền lực và địa vị hơn là tôn trọng những người đang tìm cách vượt lên trên những thói quen non nớt nầy. Khi trưởng thành và hiểu giáo pháp, chúng ta có thể sống theo những cách thức đem lại lợi lạc cho người khác, mang lại sự hòa hợp, và phục vụ cho xã hội.
Câu hỏi: Đôi khi làm việc thiện chưa chắc được nhiều người ủng hộ. Chúng tôi phải làm gì để có đủ can đảm sống đạo đức giữa một xã hội không tha thiết và ủng hộ nếp sống đạo đức?
Trả lời: Bây giờ tôi thấy rất rõ là chúng ta thà chết còn hơn là sống mà làm việc xấu ác, vì dù sao cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải chết. Vì tất cả chúng ta đều phải chết nên thời điểm chết không còn là vấn đề lớn.Nhưng nếu chúng ta làm việc xấu ác và cho dù chúng ta sống đến trăm tuổi, cái xấu ác sẽ theo đuổi và ám ảnh chúng ta suốt đời. Nếu chúng ta làm những hành động vô ý thức và ích kỷ, hồi tưởng về những hành động nầy cũng sẽ ám ảnh và làm chúng ta khổ sở suốt đời.
Khi thấy rõ thà chết còn hơn là làm điều xấu ác, cái chết đối với tôi không còn đáng sợ nữa, đó là một tiến trình tự nhiên mà tất cả chúng ta ai cũng phải trải qua. Nhưng hành động xấu ác là thật sự nguy hiễm cho chúng ta; đó là cái mà chúng ta nên quan tâm nhiều nhất.
Khi đã ý thức là tính chất đạo đức của lời nói và hành động là quan trọng nhất, chúng ta sẽ dễ dàng can đảm làm những việc thiện lành.
-------------------------------------


Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét