Hiện nay lịch sử loài người đang ở giai đoạn mà hình như toàn
bộ cơ cấu và nền tảng xã hội đang trên đà sụpđổ.
Chúng ta đã từng cảm nhận sự ổn định của đời sống gia đình và
cho rằng gia đình là nền tảng xã hội. Nhưng hiện nay, dường như ngay cả
bản chất và mục đích của gia đình cũng đang bị đả kích, và con
ngườiđang bối rối không biết phải làm gì trước tình hình nầy. Xã hội đang đặt
lại vấn đề, "Mục đích của gia đình là gì? Gia đình có đáng được
khôi phục lại không? Có nên tìm cách cải thiện và phát huy đời sống
gia đình không? Hay gia đình là cái đã lỗi thời mà chúng ta không cần
nữa? Những điểm mạnh và yếu của gia đình là gì? Đây là tất cả những
vấn đề chúng ta cần suy ngẫm.
Tôi không muốn đưa ra một mẩu gia đình lý tưởng mà mọi người
nên theo đó mà sống. Tôi cũng không muốn khuyên bạn phải làm gì như một
thành viên trong gia đình hay bạn phải xây dựng gia đình như thế nào.
Làm như thế là chủ quan và áp đặt. Là tu sĩ Phật giáo, tôi không phải
sống với những áp lực và đòi hỏi của một giađình bình thường. Nhưng là
thiền sư, tôi thường được các thiền sinh tin tưởng và chia sẻ những cảm
nghĩ của họ về vấn đề nầy. Điều nầy đã giúp tôi có một cái nhìn đặc
thù về những vấn đề và kinh nghiệm của các gia đình mà tôi được biết. Vì thế,
tôi muốn trình bày với các bạn những suy nghĩ của riêng tôi về các vấn đề
liên quan đến gia đình.
CÁ NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Hiện nay, chúng ta có xu hướng quan tâm đến cuộc sống cá nhân
riêng lẻ hơn là cuộc sống gia đình. Đây là thời đại mà trong đó chủ nghĩa
cá nhân được nhấn mạnh đến độ gần như phi lý. Khả năng để chúng ta phát triển
thành những cá nhân riêng lẻ trong thế giới ngày nay là nhiều và đa dạng
đến độ làm chúng ta sửng sốt phải không các bạn? Mỗi người đều được thả
lỏng để trở thành một người tự lập và độc lập. Xã hội khuyến khích
chúng ta phải có cá tính, phát huy sự sáng tạo, và phát triển cuộc sống bằng
cách nào cũng được để trở thành những cá nhân tự do. Chúng ta có thể làm
bất cứ điều gì theo sở thích riêng mà không cần để ý đến sự bằng lòng
hay không của gia đình.
Tuy nhiên, việc ngợi ca và biến chủ nghĩa cá nhân thành
một đích tối hậu của đời người đang trở thành một vấn nạn. Nó khuyến khích
và nuôi dưỡng một cuộc sống mất phương hướng, bệnh hoạn, và vô nghĩa. Thật
ra,được sống như một người tự do -- nghĩa là một cá nhân có thể làm bất
cứ điều gì theo ý muốn -- có thể mang lại cho chúng ta những khoảnh khắc
dễ chịu nào đó, và chúng ta có thể thưởng thức sự dễ chịu đó bằng
nhiều cách. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy thật
buồn nãn vì không thể thật sự liên hệ, gắn liền, chia sẻ hay phục vụ bất cứ ai
khác ngoài chính mình. Trong tất cả chúng ta, cả nam lẫn nữ, ai cũng có một ước
mơ thầm kín nào đó nhằm chia sẻ đời mình cho người khác. Tất cả chúng
ta đều có ước mong hy sinh hay hiến dâng bản thân mình cho một người khác
hay sống cho một lý tưởng, một sự nghiệp nào đó, hay cho một cái gìđó nằm
ngoài và vượt lên trên cá nhân mình.
Đi tu là để hiến dâng cuộc đời -- cho Phật Pháp, cho
Thượng đế, hay cho bất cứ chân lý tối thượng của một tôn giáo
nào đó. Mục đích của việc xuất gia là để hiến dâng hoàn
toàn cuộc đời của chúng ta. Chúng ta buông bỏ tất cả ham muốn lợi lạc
cá nhân hay danh vọng để trở thành một tu sĩ có đức hạnh, và hoàn
toàn hiến dâng cuộc đời cho Phật, Pháp và Tăng.
Trong khi đó, mục đích lý tưởng của gia đình là để cho
một người nam và một người nữ cùng sống chung nhau và cống hiến cuộc đời
cho nhau. Vì thế, trong gia đình, cuộc sống cá nhân riêng lẻ phải hy
sinh cho cuộc sống lứa đôi. Và khi có con cái, đôi nam nữ đó xây
dựng mái gia đình, và đến lượt họ phải hy sinh tất cả vì con cái.
Tôi đã thấy các bậc cha mẹ hy sinh tất cả để phục vụ con
cái và rất cảm phục điều này. Gần như suốt hai mươi bốn giờ một ngày, các
bậc cha mẹ không ngừng quên mình để phục vụ một người khác: đó là con của
mình. Một mặt nào đó, cuộc sống như thế rất căng thẳng, đầy bực bội và
phiền muộn, nhưng mặt khác, nó cũng mang lại hạnh phúc và mãn nguyện khi cha mẹ
cảm thấy là họ đã hoàn thành nhiệm vụ và lý tưởng của mình. Các bậc cha mẹ
có thể sáng suốt, ý thức và tự nguyện hiến dâng đời họ cho con cái, họ cho
không phải vì có nhu cầu phải cho, mà vì đã suy nghĩ và hiểu biết thật sự
hoàn cảnh của con cái. Và vì thế, dù phải hy sinh tất cả sở thích cá nhân, cuộc
sống riêng tư, quyền lợi, và nhiều thứ khác nữa để lo cho đứa con bé bỏng
của mình, họ vẫn cảm thấy tràn đầy hạnh phúc.
Hiện nay, người ta rất hoang mang về vai trò của người vợ và chồng
trong gia đình vì xã hội đang đặt lại vấn về vai trò truyền thống.
Chúng ta không thể tự tiện cho "đây là bổn phận của các ông" và
"kia là bổn phận của các bà" nữa. Thế hệ của mẹ tôi chấp nhận vai trò
truyền thống của nam giới và nữ giới dễ dàng vì lúc đó vai trò của
họ được xác định rõ ràng. Ngay bây giờ, tại các xã hội truyền thống sống
về nông nghiệp ở miền đông bắc Thái Lan, người ta cũng không đặt lại vấn
đề này. Mọi người đều biết rõ vai trò xã hội của mình. Họ chấp nhận cơ chế
và toàn bộ nếp sống xã hội một cách tự nhiên và sống hòa thuận với thiên nhiên,
không ai đặt lại vấn đề cả.
Nhưng rồi, nhất là khi bạn rời khỏi cuộc sống ổn định của gia
đình và đến trường để học, bạn sẽ bắt đầu đặt vấn đề. Bạn đọc
sách và bắt đầu tiếp xúc với tư tưởng của người khác. Bạn được nghe
những quan điểm và ý kiến khác nhau, và bắt đầu nghi vấn. Bạn tự hỏi,
"Đời sống có phải như thế nầy hay không? Hay có một cách nhìn khác về
cuộc đời? Phải chăng phụ nữ chỉ sống như thế này? Và nếu phụ nữ
thay đổi cách sốngï, điều đó đúng hay sai? Nam giới phải sống
như thế nào? Bổn phận của cha và mẹ là gì?"
VAI TRÒ TRUYỀN THỐNG
Tôi muốn trình bày tóm tắt cho các bạn những lời dạy của Đức
Phật trong Tạng Kinh Pali về bổn phận của con người trong xã hội. Đây là những
lời dạy nền tảng của nền văn hóa truyền thống Á châu cách đây hơn 2,500 năm.
Kinh Sigalaka nêu lên bổn phận của gần như tất cả quan hệ xã
hội trong cuộc sống, bao gồm quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy giáo và học
trò, chồng và vợ, bạn bè, người chủ và người giúp việc trong nhà, đạo sư
và đệ tử.
Lời dạy đầu tiên là về quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ
nên ngăn con không làm việc ác và khuyến khích con làm việc thiện. Cha mẹ nên
giúp con học một nghề nào đó về nghệ thuật hay khoa học, tìm người chồng
hoặc vợ thích hợp, và tùy thời nhường lại gia tài cho con. Ngược lại, con cái
nên giúp cha mẹ trông coi việc làm ăn, bảo đảm gia tộc được tồn tại lâu
dài, có tác phong đứng đắn để xứng đáng thừa hưởng tài sản giađình, cúng
dường và tưởng nhớ đến cha mẹ sau khi cha mẹ qua đời.
Tôi không nhớ là khi lớn lên ở Bắc Mỹ, tôi đã có bao
giờ được dạy dỗ như thế. Trái lại, cha mẹ tôi nói, "Cha mẹ muốn
con lớn lên và hoàn toàn độc lập với cha mẹ. Về phần cha mẹ, cha mẹ
hy vọng sẽ để dành đủ tiền, để khi tuổi già, cha mẹ sẽ không bao giờ
phải tùy thuộc vào con." Cả hai bên cha mẹ và con cái đều muốn độc lập. Rỏ
ràng là mô hình về quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại
của chúng ta là khác hẳn.
Lời dạy thứ nhì là về quan hệ giữa thầy giáo và học trò. Khi gặp
thầy, học trò phải đứng lên chào để tỏ lòng tôn kính, phục vụ và hầu
hạ thầy, chú ý lắng nghe những điều thầy dạy dỗ, và học hỏi với
thái độ kính cẩn. Khiđược tôn kính như thế, thầy giáo phải hướng
dẩn tốt học trò, không dấu diếm bất cứ điều gì mình biết, khen thưởng học
trò trước mặt bạn bè, che chở và săn sóc học trò. Buồn thay, ngày nay chúng ta
thấy rất ít học tròđược thầy giáo dưỡng dục như thế, và về phần các
thầy, đa phần chắc sẽ vô cùng kinh ngạc nếu có một học trò nào đó tỏ
lòng kính trọng họ theo những điều dạy vừa nêu trên.
Lời dạy thứ ba là về quan hệ giữa vợ chồng. Người chồng nên khen
ngợi vợ, khẳng định với mọi người là người đàn bà nầy thật sự là vợ
mình; không được coi thường vợ; không được phản bội vợ; người chồng nên
trao trách nhiệm quản lý nhà cửa, gia đình, tiền bạc cho vợ; và nên tặng
vợ mình các đồ trang sức. Ngược lại, người vợ nên quán xuyến việc nhà
chu đáo, giúp đở bà con và bạn bè bên nhà chồng, chung thủy với chồng,
trông coi tài sản gia đình, và siêng năng làm tròn bổn phận của mình. Đây
là những lời dạy của Đức Phật về quan hệ hôn nhân truyền thống; nó nêu lên vai
trò lý tưởng mà mỗi người trong cuộc phải thực hiện. Đây là những lời chỉ dẫn
cho một hôn nhân dựa trên tinh thần đoàn kết và hợp tác, trong đó các
thành viên hỗ trợ và kính trọng lẫn nhau, thay vì chỉ biết sống độc lập,
bảo quyền lợi cá nhân, và tranh chấp lẫn nhau.
Lời dạy thứ tư là về quan hệ giữa bạn bè. Một người được gọi
là bạn phải chia sẻ những gì mình có với bạn, nói lời từ ái, giúp đở bạn,
bình tĩnh, từ tốn, không kiêu mạn, nói điều chân thật không giả
dối. Ngược lại, người bạn kia phải che chở, bảo vệ tài sản của bạn mình
khi vị nầy lơ đễnh và chểnh mảng, bảo bọc khi bạn mình bị lâm nguy, không
bỏ rơi bạn trong nghịch cảnh, và đề cao bạn trước mặt thân bằng quyến
thuộc của vị đó.
Lời dạy thứ tư là về quan hệ giữa người chủ và người giúp việc.
Người chủ phải giao công việc thích hợp và vừa sức cho người giúp việc, cung
cấp thức ăn và khen thưởng, chăm sóc và nuôi dưỡng khi người giúp việc lâm
bịnh, chia sẻ món ngon vật lạ, nếu có, và cho phép người giúp việc nghỉ
ngơi để họ có thể phục hồi sức khỏe. Mỗi buổi sáng, người giúp việc
phải thức dậy sớm và làm việc trước khi chủ thức dậy, và ở lại muộn sau khi
người chủ đã đi nghỉ để làm nốt việc của mình, chỉ đem về nhà
những gì người chủ cho (nói khác đi, không trộm cắp tài sản của chủ,) luôn
tìm cách tăng năng xuất trong công việc, và ngợi khen những đức tính tốt
của chủ mình.
Lời dạy cuối cùng là về quan hệ giữa vị đạo sư và
người đệ tử. Vị đạo sư nên khuyến khích đệ tử của mình
làm điều thiện lành, giúp đở đệ tử với tâm từ bi, dạy cho đệ tử những
gì họ chưa biết, soi sáng những gì mà đệ tử đã nghe được, và dạy
cho đệ tử cách tu tập để được sanh về các cõi trời. Người đệ tử nên
hỗ trợ và phục vụ đạo sư với tâm từ, thể hiện qua hành động, lời nói,
và ý nghĩ. Thêm vào đó, người đệ tử nên thỉnh đạo sư về nhà, và cúng
dường tứ vật dụng như thức ăn, chỗ ở, y phục, và thuốc men.
Đây là những lời dạy dựa theo tinh thần Phật giáo truyền thống
nhằm giúp con người ứng xử trong xã hội. Thế mà hiện nay, trong nền văn hóa
phương Tây, chúng ta đặt và tìm hiểu lại từ đầu những vấn đề như "Thế
nào là quan hệ xã hội? Làm sao để quan hệ với nhau? Chúng ta
mong đợi gì từ các quan hệ này? Chúng ta đòi hỏi gì? Và chúng ta sẵn
sàng hiến dâng gì? Chúng ta phải tự mình tìm hiểu những vấn đề nầy và
không biết chắc là mình có xử lý đúng đắn trong quan hệ với người khác hay
không.
SỐNG QUÂN BÌNH MÀ KHÔNG DỰA VÀO TRUYỀN THỐNG
Nếu cho "tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng,
tất cả mọi người đều giống nhau, không khác nhau chút nào hết," thì trong
nhiều tình huống, chúng ta khó mà xác định được quan hệ giữa con người với
nhau, phải không các bạn? Ai sẽ rửa chén? Ai sẽ đổ rác? Ai sẽ
lãnh đạo? Ai sẽ được lãnh đạo? Nếu tất cả đều giống nhau,
chúng ta sẽ lúng túng vì không biết phải quan hệ với nhau như thế nào trong một
cơ cấu xã hội dựa trên cấp bậc với những nghĩa vụ và trách nhiệm khác nhau.
Do đó, nếu cứ chấp chặt vào quan điểm cho mỗi người đều có
quyền bình đẳng và tự do tuyệt đối, chúng ta sẽ rất hoang mang, bất
bình, và thậm chí lo sợ, ngại ngùng trước thực tế cuộc đời.
Khi thực hành giáo Pháp, chúng ta mở rộng tâm để đón nhận
thực tại như nó đang xảy diễn. Chúng ta sẽ thấy thế giới tự nhiên là một
hệ thống dựa trên cấp bậc, mọi vật đều có sắc tướng và cơ cấu của nó, và
khi có sắc tướng, mọi vật đều do nhân duyên cấu thành theo một thứ tự
nào đó. Số hai phải luôn đi theo số một, và số ba phải
luôn đi theo số hai. B theo sau A, và theo sau B phải là C. Bạn không
thể nói A và B là một. Bạn không thể đặt tên cho mọi vật bắt đầu bằng vần A vì
làm như vậy là vô lý, phải không các bạn? Thế giới hữu vi là thế giới của những
quan hệ dựa trên nhân duyên không ngừng nối tiếp nhau.
Nếu khăng khăng giữ chặt một cơ cấu dưạ trên quan hệ cấp bậc,
chúng ta sẽ trở thành cứng nhắc, áp đặt, vàđộc đoán. Ai chủ trương
phải luôn có một ông chủ tối cao -- phải luôn luôn có một người lãnh đạo
độc nhất vô nhị -- người đó sẽ trở thành độc tài. Ngược lại, nếu
ai đó tin tưởng vào sự bình đẳng tuyệt đối của mọi vật và tuyên bố
chúng ta phải luôn bình đẳng và mãi mãi sẽ bình đẳng, người ấy sẽ tạo
ra một tình huống mà cuối cùng chỉ dẫn đến rối loạn và tranh chấp. Đến giờ
ăn, mọi người đều tranh nhau là người đầu tiên nhận thức ăn. Nhưng nếu chúng ta
sẵn sàng tạo ra một trật tự dựa trên cấp bậc, chúng ta có thể dựa vào đó
mà làm việc. Đó chính là quan hệ nhân duyên. Bạn sẽ quan hệ với nhau như một cụ
già hay thanh niên, một người thầy giáo hay học trò, bậc cha mẹ hay con cái. Hệ
thống cấp bậc dựa trên nhân duyên sẽ tạo ra một cơ cấu gồm những quan hệ xã
hội, để chúng ta dựa vào đó mà sống với nhau mà không phải hoang
moang và không ngừng tranh chấp lẫn nhau.
Trong đời sống tu viện, chúng tôi đồng ý với nhau về một hình
thức và cơ cấu xã hội đặc thù để quan hệ với nhau. Đó là cơ cấu
xã hội dựa trên sự tự nguyện. Nếu bị ép buộc phải trở thành tu sĩ và sống trong
cơ chế của tu viện, chúng tôi sẽ sống trong một cơ chế độc tài. Nhưng vì
các tu sĩ tự nguyện ép mình vào đời sống tu viện, không ai ép buộc
ai cả; đó là cuộc sống dựa trên sự hòa đồng và hợp tác.
Chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc nầy vào đời sống gia
đình. Nếu bạn là mẹ và cha, hay là chồng và vợ, mà không đặt ra những
nguyên tắc rõ ràng về bổn phận và trách nhiệm trong gia đình, thì ai sẽ
làm việc nầy? Ai sẽ đi làm để nuôi gia đình? Ai sẽ ở nhà? Ai sẽ rửa chén?
Ai sẽ săn sóc trẻ con khi chúng bị bịnh? Bổn phận và nghĩa vụ của mỗi
người trong gia đình là gì?
Ở Mỹ, không có cơ chế củng cố gia đình, và người ta hoàn toàn
phá bỏ quan hệ dựa trên thứ bậc. Người Mỹ rất duy tâm và không tưởng. Họ cho
tất cả moi người đều bình đẳng. Ở Anh, ít nhất người ta còn tôn
trọng cơ cấu xã hội dựa trên thứ bậc. Văn hóa Anh còn chịu ảnh hưởng của
chế độ quân chủ và xã hội giai cấp. Dù còn nhiều khuyết điểm, xã hội
dựa trên thứ bậc vẫn có một số thuận lợi nào đó. Nó giúp bạn hiểu rõ
hơn cách quan hệ với nhau trong những hoàn cảnh khác nhau.
Trong thời gian hai năm sống ở miền bắc đảo Borneo, lần đầu tiên
trong đời, tôi có người giúp việc trong nhà, và là người Mỹ, tôi không
biết phải đối xử với họ như thế nào. Nói chung, người Mỹ rất tệ và dốt khi
quan hệ với người giúp việc trong nhà, trong khi người Anh thì rất quen thuộc
và ứng xử rất tốt; Người giúp việc trong nhà rất hài lòng với các ông chủ người
Anh. Nhưng là người Mỹ, tôi không biết cách ứng xử trong quan hệ giữa người chủ
và người giúp việc. Tôi không thể hình dung mình là người chủ. Đối với tôi, làm
chủ là đồng nghĩa với sự áp đặt, cao mạn và tự phụ.
Nhưng lỗ hỏng nằm phía sau quan điểm cho "tất cả mọi
người đều bình đẳng" là trạng thái tâm lý bất an. Và trạng thái bất an
nầy sẽ thúc đẩy con người ganh tỵ và tranh chấp lẫn nhau. Trên một mặt
nào đó, bạn có thể rất thân mật và gần gủi với người bạn chung sống, nhưng
cùng lúc đó, bạn vẫn cảm thấy phải chứng tỏ mình hơn người ấy. Đây là một
loại đạo đức giả. Nếu không có một cơ cấu thứ bậc dựa trên những giá trị rõ
ràng, con người sẽ rất đố kỵ và tranh chấp lẫn nhau; Xã hội chúng ta có
một cơ cấu thứ bậc tiềm ẩn dựa trên giá trị tiền bạc và của cải vật chất.
Người được xem là thành công và giỏi trong cơ cấu đó là người có nhiều
tiền hơn -- nói khác đi, có nhà đẹp hơn, xe hơi tốt hơn, và mọi
thứ đều nhiều hơn -- vì đó là cách mà con người liên hệ nhau
trong một cơ cấu dựa trên thứ bậc.
Ngày nay, quan hệ giữa nam và nữ thường dựa trên sự ganh đua
và tranh chấp, vì không ai hướng dẫn họ tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Khi
quan sát một số hôn nhân, bạn có thể thấy người chồng và vợ cạnh tranh với
nhau. Họ cảm thấy phải chứng tỏ là họ giỏi hoặc giỏi hơn người vợ hoặc người
chồng của mình. Nhưng làm sao chúng ta có thể xây dựng một mái ấm gia đình
với người mà lúc nào cũng tìm cách cạnh tranh với mình? Gia đình phải là
nơi mà chúng ta sống trong tinh thần hòa hợp, nơi mà chúng ta có thể đồng
ý với nhau như vợ chồng, nơi mà mỗi ngày mình đều đối xử tử tế với
nhau.
Trong các xã hội truyền thống, những cách thức quan hệ giữa vợ
chồng đều được xác định sẵn. Nhưng trong xã hội hiện đại, tất cả
chúng ta đều tự mình lựa chọn bạn đời -- người mà chúng ta sẽ cưới
hỏi, sống chung, và quan hệ với nhau. Trong lúc lựa chọn bạn đời, chúng ta
thường dựa trên sở thích cá nhân nhất thời, thay vì dùng trí tuệ để xem
người nào có thể sống thích hợp nhất với mình. Ở một thời điểm
nào đó, chúng ta có thể chọn người xinh đẹp và quyến rũ nhất, duyên dáng
nhất, giàu sang nhất, và đặc biệt lý thú nhất. Hay chúng ta có thể
chọn người đó vì họ đáp ứng chu cầu của chúng ta trong cuộc
sống: thí dụ người đàn ông có thể tìm một người đàn bà mang
nhiều tính chất của một bà mẹ, để thay thế người mẹ của ông ta; người đàn
bà đang cần một người cha, cô ta có thể đi tìm một người đàn ông mạnh
mẽ thích bảo vệ người khác để chăm sóc và che chở mình.
Với cái nhìn không tưởng, chúng ta thường không thể thấy được
sự thôi thúc của những tham muốn nầy trong tâm thức. Chúng ta cho hôn nhân
của mình là toàn hảo, và hoàn toàn dựa trên sự chân thật. Cụm từ "hoàn
toàn chân thật" thường được người đời hiểu như là nghĩ sao nói vậy và
nói bất cứ lúc nào cũng được. Nhưngđối với tôi, chỉ có ở cảnh giới
địa ngục, con người mới nghĩ sao nói vậy một cách bừa bãi! Tôi rất hoan hỷ và
biết ơn là không phải nói lên tất cả suy nghĩ của mình. Nhiều lúc chúng ta
không nên lập đi lập lại những suy nghĩ của mình với người chung quanh;
vì điều đó chỉ làm cho họ khổ sở, hoang mang, sợ hãi, và suy sụp mà thôi.
Tâm chánh niệm sẽ giúp chúng ta cởi mở và tiếp thu mọi tình huống.
Thay vì đi tìm một người hoàn toàn như ý muốn, hay tìm cách bỏ rơi người không
còn thích hợp nữa, hay tìm một người khác tốt hơn, bạn hãy suy nghĩ là mình nên
xử lý như thế nào trong tình huống nầy. Thay vì mong muốn người khác thay đổi
hay tự trách là đã không tìm đúng mẫu người lý tưởng, bạn có thể
xem đây là thực tế cuộc đời Từ đó, bạn sẽ ý thức rõ hơn về
cuộc đời như chính nó, như nó phải xảy ra như vậy, cho dù bạn thích hay
không thích. Đây là cách quán sát thực tại hay chánh niệm. Bạn không đòi
hỏi cuộc đời phải mang lại hạnh phúc và toại nguyện cho bạn, nhưng bạn sẵn
sàng đón nhận thách thức trước mắt bằng cách tiếp cận và ứng xử với nó.
Chỉ có bạn mới làm được việc quán tưởng này -- không ai có thể làm thế cho
bạn, vì quan hệ gia đình rất phức tạp. Chỉ có bạn mới biếtđược hết những
gì nằm trong quan hệ giữa bạn và người khác.
Có nhiều người tự hỏi, "Tôi có nên sống cho riêng tôi, cho sự
phát triển con người của tôi, cho dù phải hy sinh hạnh phúc của người khác? Hay
tôi nên quên đi con người của mình và chỉ lo mang lại hạnh phúc cho người
khác?" Đây là hai tư tưởng cực đoan: một bên là ích kỷ, một bên là xóa bỏ
hẳn bản thân mình. Hy sinh cá nhân hình như là một hành động cao thượng,
phải không các bạn? Dường như đó là điều chúng ta nên làm. Trong
khi đó, sống ích kỷ hình như là điều nên tránh. Chúng ta cho rằng
sống ích kỷ là không tốt và sai lầm. Nhưng tư thế của người Phật tử không phải
là tư thế của kẻ tự cho mình là cao thượng, đòi hỏi con người phải hoàn
toàn hy sinh vô vị lợi; Đạo Phật khuyến khích chúng ta mở rộng tâm thức để tiếp
cận với chính cái tâm ích kỷ, hay với ước muốn hy sinh bản thân mình.
Chúng ta có thể suy tưởng về điều này cho chính mình. Thí dụ,
thay vì cho mình là ích kỷ và cảm thấy tội lỗi, hay đứng ở cực đoan kia,
cứ tiếp tục hiến dâng, nuôi dưỡng, và lo cho người khác mà quên hẳn bản thân
mình, chúng ta có thể quán tưởng để nhận ra những xu hướng tâm lý nầy, cho
dù nó là gì đi nữa. Rồi, sau khiđã nhận ra được điều nầy, chúng
ta có thể nhìn nó mà không phán đoán và tìm ra một giải pháp trung dung và quân
bình nào đó.
DỰA TRÊN HAI TÍNH CHẤT ĐỐI LẬP TRONG CON NGƯỜI ĐỂ PHÁT TRIỂN TÂM
THỨC
Chúng ta có thể dựa vào gia đình để phát triển đời sống
tâm linh vì gia đình là một mô hình tôn giáo sơ khai, uyên nguyên, và thuần
khiết. Trong biểu tượng của đạo Thiên chúa, Đức Chúa Trời là cha, Mary là
mẹ, và chúa Jesus là con. Các tôn giáo khác có Cha trên trời và Mẹ
dưới đất tượng trưng cho sự giao hợp giữa trời và đất. Khi thật
sự nhìn vào bản thân mình, bạn sẽ thấy là bên trong mỗi người đều có cả
người cha lẫn người mẹ, và trong khi tu tập phát triển tâm linh, bạn có thể
quán tưởng trên hai tính chất đối lập nầy.
Có sắc thân nam hay nữ không có nghĩa bạn hoàn toàn là một người
nam hay người nữ một trăm phần trăm.Khi tu tập phát triển tâm linh, chúng ta
cần mở rộng để tiếp xúc với người khác phái nằm ẩn trong chúng ta; một
người nam cần mở rộng để tiếp cận với người nữ, và người nữ cần tiếp xúc với
người nam bên trong họ. Điều nầy không dễ làm nhưng sự có mặt của một người khác
phái ở bên ngoài có thể giúp chúng ta làm được việc nầy. Khi một người nam gặp
một người nữ, hay một người nữ gặp một người nam, họ có thể dùng những tính
chất của đối tượng bên ngoài để nhắc nhở và tiếp cận với những tính
chất của người khác phái bên trong. Đối với các chư tăng và ni sống trong tu
viện, thay vì có quan hệ tình cảm mật thiết với nhau, chư tăng có thể nhận biết
người nữ hiện hữu bên ngoài, và từ đó tiến đến việc nhận ra những nữ tính trong
người của họ. Vàđối với chư ni, cũng thế; họ có thể nhận ra nam tính của mình
bằng cách đó.
Là một nam tu sĩ, kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rằng tâm lý
của nam giới thường thích đấu tranh hay chiến thắng một cái
gì đó; họ khá gây hấn và có ý chí mạnh. Vì thế các nam tu sĩ thường
tuyên chiến với chính họ trong lúc hành thiền. Họ tìm cách diệt trừ tâm sân
hận, tiêu diệt tâm lo sợ, phá tan tâm ganh tỵ, và triệt tiêu tâm tham ái mỗi
lần những tâm sở bất thiện nầy khởi lên. Nhưng làm như vậy sẽ đưa chúng ta
về đâu? Bạn sẽ trở nên cứng nhắc và căng thẳng đến đau cả đầu. Tâm
bạn sẽ cằn cỗi; bạn sẽ khô khan như một bãi sa mạc. Không có gì hết, không một
chút tình cảm -- chỉ có ý chí ngự trị trong lúc bạn ngồi thiền. Làm như thế bạn
sẽ có thêm nội lực vì phải có năng lực mới giữ được tư thế ấy cho dù chỉ trong
một phút giây ngắn ngủi nhưng tâm lý ấy cũng dễ đổ vỡ vì nó rất dễ mất
quân bình. Nó chủ yếu dựa vào ý chí mù quáng mà không dựa trên trí tuệ và tình
thương -- nói khác đi, nó không dựa trên sự mềm dẻo, uyển chuyển, và
thái độ sẵn sàng tiếp nhận.
Vì thế chỉ khi nào người nam tu sĩ tiếp xúc được với phần nữ
tính bên trong họ, tâm thức họ mới tiến đến trạng thái quân bình. Để cho
một người nam trở thành nhạy cảm và biết tiếp thu, vị ấy không nên dùng ý chí
và ức chế nội tâm của họ. Vị ấy phải biết buông bỏ và tập tính từ ái, nhu
nhuyễn, và nhẫn nhục với chính bản thân của vị ấy -- và với những người khác.
Đặc biệt, vị ấy cần phải hết sức kiên nhẫn với những người gây khó chịu cho
mình.
Có một lần, Ngài Ajahn Chah giúp tôi thấy vấn đề sử dụng ý
chí trong lúc hành thiền. Trong thiền viện, có một tu sĩ làm tôi rất khó chịu.
Tôi không chịu nổi được con người của ông ta. Chỉ nghe giọng nói của
ông ta là tâm tôi đã bực tức rồi. Tôi đến nhờ Ngài Ajahn Chah giúp,
và Ngài bảo, "À, vị tăng ấy rất tốt cho con đó. Ông ta mới là người
bạn thật sự của con. Tất cả những người bạn tử tế của con, những vị tỳ kheo mà
con thấy tánh tình thích hợp, họ không tốt với con lắm đâu. Chính ông
ta mới thật sự là người sẽ giúp con." Vì Ngài Ajahn Chah là một thiền sư
có nhiều trí tuệ, tôi tiếp thu và suy nghĩ nghiêm túc về lời khuyên của Ngài.
Và tôi bắt đầu nhận ra rằng bằng cách nào đó tôi phải hoàn toàn chấp
nhận vị tỳ kheo đó -- kể luôn cả sự bực mình của tôi -- và để
cho ông ta cứ là ông ta, thế thôi. Năng lượng nam tính luôn có khuynh hướng
muốn sửa sai người khác. Đó là thái độ: "Để ông chỉ cho cậu thấy là
cậu đang sai lầm." Nhưng để tập được đức tính biết chấp nhận và tiếp
thu của người nữ -- nghĩa là chỉ biết ngồi đó, để cho vị tỳ kheo đó làm
cho mình bực bội, và chịuđựng sự bực bội trong tâm đó -- tôi phải tập kiên
nhẫn. Sau đó, tôi bắt đầu hiểu được ý nghĩa của việc thiết lập quân bình
trong nội tâm, vì tôi đã biết được lý do tại sao tôi bị mất quân bình.
Đối với các tỳ kheo ni, sự mất quân bình diễn ra theo chiều ngược
lại. Thường thường phụ nữ có xu hướng chấp nhận tất cả. Họ thường sẵn sàng chờ
người khác sai bảo phải làm gì. Nhưng để tìm được phần nam tính bên
trong, người nữ cần tìm cái có thể làm họ tin tưởng -- cái gì mạnh mẽ và có thể
hướng dẫn họ từ bên trong -- thay vì chờ đợi sự sai khiến của một quyền
lực nào đó bên ngoài. Tôi nhận thấy nhiều người nữ rất khó có thể tin
tưởng vào sức mạnh nội tại của họ. Thường thường, họ thiếu tự tin. Để có thể
không chỉ biết ngồi chờ và chấp nhận mọi việc như nó xảy đến, và vững vàng trong
một tình huống đòi hỏi nhiều thiện chí. Nói chung, phụ nữ cần phải phát huy sức
mạnh; họ phải tin vào trí tuệ của họ thay vì chỉ biết dựa vào sự hướng dẫn của
một trí tuệ nào đó từ bên ngoài.
Để tiếp xúc với phần nam tính hoặc nữ tính bên trong, chúng ta có
thể nhờ vào sự biểu thị của người nam và người nữ ở bên ngoài. Chúng ta có thể
dùng quan hệ hôn nhân hay đời sống trong tu viện để rèn luyện cho mình cái
nhìn trí tuệ về vấn đề nầy. Nếu thói quen làm cho bạn quên mất việc
nầy, thì bất cứ lúc nào thấy một người khác phái, đó là dịp để bạn
nhớ lại. Thay vì chỉ nhìn người khác phái với đôi mắt quyến rũ đầy
tham ái, dục vọng, hay phán đoán, hay chỉ để ứng xử phân biệt, bạn có thể dùng
hoàn cảnh đó để nhắc nhở mình khai mở và tiếp xúc với phần giới
tính đối lập bên trong. Bằng cách đó, đối với người nam, tất cả phụ
nữ đều có thể trở thành biểu tượng của nữ tính, và với cái nhìn đó, vị ấy
sẽ kính trọng tất cả phụ nữ, vì người phụ nữ bên ngoài là đại diện của
chính người phụ nữ nằm bên trong họ. Tôi cho rằng đối với phụ nữ, nam giới cũng
là biểu tượng và có cùng chức năng như trên.
MỞ RỘNG TÂM ĐỂ CHẤP NHẬN HOÀN CẢNH SỐNG CỦA CHÚNG TA
Với tâm thức mở rộng, chúng ta sống với cuộc đời như nó đang
diễn ra. Chúng ta có thể sống với cuộc đời đang thật sự xảy
đến -- trong bất cứ vai trò xã hội nào, cho dù đó là chồng hay vợ,
thầy giáo hay học trò, cha mẹ hay con cái. Chúng ta cần quán niệm trên hoàn
cảnh sống riêng để biết cách ứng xử thích hợp nhất với cha mẹ. Rồi
chúng ta phải chánh niệm để giúp con cái quan hệ tốt với chính chúng
ta. Trẻ con cần sự hướng dẫn. Chúng cần những lời khuyên đúng đắn,
cuộc sống có kỷ luật, và những tình huống có thể dạy chúng biết kính trọng
và ý thức bổn phận của con cái đối với cha mẹ.
Trong ý nghĩa nầy, chúng ta không nên xem nghĩa vụ với xã hội là
những trách nhiệm nặng nề và cực nhọc. Trái lại, chúng ta nên xem đó là
một dịp để hiến dâng, giúp đỡ, và thương yêu và từ đó tìm được
niềm vui trong cuộc sống. Mang lại phước báu cho người khác cũng như
xứng đáng nhận lãnh phước báu do người khác mang lại đều đem lại hạnh
phúc cho con người.
Khi ghi nhận rõ bản chất của xã hội hiện nay, chúng ta không muốn
làm một sự thay đổi tận gốc hay một cuộc cách mạng xã hội. Chúng ta biết
là hiện nay, trên bình diện xã hội rộng lớn, khả năng không cho phép chúng ta
thay đổi gì nhiều, nhưng chúng ta có thể qua đó hiểu rõ bản thân mình hơn.
Chúng ta có thể biết khả năng mình như một con người riêng lẻ trong hoàn cảnh
sống hiện tại. Cho dù đang sống một mình hay sống với người khác, có
gia đình hay không có gia đình, hạnh phúc hay không hạnh phúc, có con
ái hay không có con cái -- chúng ta có thể mở rộng tâm để tiếp nhận hoàn
cảnh, thay vì chỉ biết phản ứng lại hoàn cảnh.
Cuộc đời rồi sẽ trôi qua và thay đổi, vì thế chúng ta
hãy mở rộng tâm thức để tiếp cận với những thăng trầm của cuộc sống và học
cách thích ứng, thay vì chấp chặt vào những tư thế, lập trường, và
quan điểm cố định và cứng nhắc. Chúng ta phải chấp nhận nhân loại và thân
phận làm người của chúng ta.
Cuộc đời nhất định cần những tiếng cười và nụ cười, phải
không các bạn? Không có tiếng cười, cuộc đời nầy thật là chán ngán
và đáng sợ. Nhưng với miệng mỉm cười và tâm độ lượng, vị tha,
cởi mở, tiếp thu, chúng ta có thể nhận thức sâu sắc, chấp nhận, và chiêm ngưỡng
ngay cả những thất bại, vấp ngã, yếu điểm, và khó khăn của kiếp người mà
tất cả chúng ta đều dự phần trong đó. Chúng ta sẽ không chỉ biết phê
bình, đòi hỏi, và phán đoán mà cũng không chỉ biết nhắm mắt xuôi
tay đắm mình trong kiếp nhân sinh. Nhưng chúng ta chánh niệm và quán tưởng
về duyên phận làm người vì mọi người đều có khả năng đi qua và vượt lên
trên nó. Là một nam hay nữ tu sĩ, bậc cha mẹ hay con cái, làm chồng hay vợ --
tóm lại là con người -- tự nó không phải là một cứu cánh. Nó chỉ là giả tạm
thôi. Tự nó sẽ không bao giờ hoàn hảo. Nó chỉ là một sự thật tương đối,
một thực tại chế định, hay nói khác đi, nó chỉ là tục đế mà thôi.
*
* Câu hỏi: Làm thế nào để không bị dính
mắc trong quan hệ với người khác?
Trả lời:
Trước hết, bạn phải nhận ra mình đang dính mắc cái gì, rồi mới buông
bỏ được. Lúc đó, bạn sẽ hiểu thế nào là không dính mắc. Nhưng nếu bạn
bắt đầu từ tiền đề là không nên dính mắc, thì bạn sẽ không bao giờ
hiểu được sự dính mắc. Vấn đề không phải là chống lại sự dính
mắc như một điều cấm kỵ; Vấn đề chính là chánh niệm và quán sát
sự dính mắc. Trong khi quán niệm, chúng ta nên tự hỏi, "Ta đang dính
mắc cái gì? Dính mắc đem lại hạnh phúc hay khổ đau?" Rồi chúng ta sẽ
thấy nó bằng con mắt trí tuệ. Chúng ta sẽ hiểuđược dính mắc, và cuối cùng
buông bỏ nó.
Nếu bạn cho là mình phải thánh thiện và không nên dính mắc vào bất
cứ điều gì, bạn sẽ lập luận: "Tôi không theo đạo Phật được vì
tôi yêu vợ tôi, vì tôi dính mắc với vợ tôi. Tôi yêu cô ta, và không thể nào rời
bỏ cô tađược." Những tư tưởng nầy xuất phát từ tiền đề là ta
không nên dính mắc vào bất cứ cái gì.
Nhận chân được sự dính mắc không có nghĩa là bạn sẽ rời bỏ vợ
mình. Nó có nghĩa là bạn không còn mê lầm về bản thân bạn và vợ bạn. Rồi bạn sẽ
thấy là mình thương mến chứ không bị dính mắc với vợ mình. Sẽ không còn ngộ
nhận, bám víu, và chấp thủ. Tâm rỗng rang có khả năng thương và quan
tâm đến người khác và thương yêu họ theo nghĩa đúng nhất của tình
yêu. Trái lại, sự dính mắc sẽ luôn luôn làm méo mó và lệch lạc vấn đề.
Nếu bạn yêu thương và muốn chiếm hữu một người nào đó, quan
hệ giữa bạn và người đó sẽ trở nên phức tạp; và rồi người mà bạn yêu sẽ
làm bạn đau khổ. Chẳng hạn, bạn thương con cái nhưng lại dính mắc vào
chúng, lúc đó bạn không còn thật sự thương yêu chúng nữa vì bạn không liên
hệ và nhìn chúng đúng như con người thật của chúng. Bạn nghĩ
ra đủ cách là chúng phải như thế nào và phải trở thành cái gì. Bạn muốn
chúng vâng lời bạn, trở thành người tốt, học hành đỗ đạt. Thái độ dính mắc
này làm cho bạn không thể thương yêu chúng thật sự, vì nếu chúng không đáp
ứng những mong cầu của bạn, bạn sẽ nỗi giận, bực mình và ghét bỏ chúng. Vì thế,
dính mắc vào con cái làm chúng ta không thể thương yêu chúng thật sự. Nhưng nếu
không dính mắc, chúng ta sẽ quan hệ với chúng bằng tình yêu thật sự. Chúng ta
sẽ để cho con cái sống với con người thật sự của chúng, thay vì theo những
mẫu người có sẵn mà chúng ta áp đặt trên chúng.
Khi tôi nói chuyện với các bậc cha mẹ, họ cho biết là rất đau
khổ vì họ mong chờ rất nhiều ở con cái. Khi muốn con cái phải như thế nầy, phải
như thế kia, chúng ta đang tạo phiền não và đau khổ cho mình. Nhưng
nếu càng buông bỏ những mong cầu nầy, chúng ta sẽ càng khám phá ra rằng chúng
ta có khả năng cảm nhận và ý thức về con người thật của con cái một cách kỳ
diệu. Và dĩ nhiên, thái độ cởi mở đó sẽ làm cho con cáiđáp ứng lại thay vì
chỉ biết phản ứng lại với sự dính mắc của chúng ta. Chúng ta thấy rất
nhiều đứa con chỉ biết hành động bằng cách phản ứng lại với mệnh lệnh
"ta muốn con phải như thế nầy" của các bậc cha mẹ
Tâm rỗng rang -- hay tâm thanh tịnh -- không phải là tâm trống
rỗng trong đó không có tình cảm hay quan tâm về bất cứ điều gì. Đó là
tâm tỏa sáng và mở rộng. Đó là tâm rạng rỡ thật sự nhạy cảm và biết chấp nhận.
Đó là khả năng tiếp nhận cuộc đời như chính nó. Khi chấp nhận cuộc đời như
chính nó, chúng ta có thể ứng xử thích hợp với cuộc đời như chúng ta đang sống,
thay vì chỉ biết lo sợ và chống ghét phản ứng lại với nó.
-------------------------------------
Thiền
Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy
(Thiền Vipassana)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét