Vài lời của người dịch
Từ lâu tôi luôn nghĩ rằng thực hành thiền Minh Sát là hành Chánh
Niệm. Kinh nghiệm hành thiền và học thiền của tôi rất giới hạn gồm có thiền Minh
Sát theo truyền thống của Ngài Mahasi Sayadaw, (Thiền sư U Pandita, Thiền Sư
Khippapanno). Gần đây tôi có được cơ hội học được phương pháp Niệm Cảm
Thọ của Thiền Sư Cư sĩ S.N. Goenka. Duyên may đưa đến năm nay tôi được đi
học thiền "Niệm Tâm" ở thiền viện của Cố Hòa Thượng Thiền Sư
Shwe Oo Min, Miến Điện.
Tuy còn sơ cơ về pháp hành, tôi nhận xét tất cả những gì mà tôi
thu thập được trong những phương pháp hành thiền kể trên, tôi nghĩ rằng,
tất cả đều là thực hành chánh niệm và phương pháp hành thiền là theo trong
kinh Tứ Niệm Xứ. Mỗi một Thiền sư danh tiếng tự chọn cho mình một "chuyên
môn" theo kết quả kinh nghiệm cá nhân, nhưng chung quy vẫn là thiền Tứ
Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát, hay Vipassana. Hiện nay danh từ Vipassana thường
dùng để chỉ thiền Minh Sát, hay Tứ Niệm Xứ, rất phổ thông trong cộng đồng
tu thiền.
Tôi rất muốn diễn đạt sự hiểu biết ít nhiều về lý thuyết cũng
như thực hành thiền, cho vài đạo hữu mới vào học thiền, nhưng không biết
làm cách nào để diễn tả giáo lý và thực hành một cách rõ ràng minh bạch và
gần với sự thực. May mắn thay, mới đây tôi mới có dịp đọc một quyển sách
nhỏ tựa đề là "The Importance of Mindfulness",
phía dưới đề là "The Mahasatipatthana Sutta" của Hòa Thượng
Thiền sư U Silananda viết, tôi vô cùng hoan hỉ vì sự giảng giải ngắn gọn nhưng
rõ ràng minh bạch về nghĩa lý hàm chứa trong Kinh, rất gần với như sự hiểu biết
và nhận xét của tôi về lý thuyết cũng như về thực hành thiền Minh Sát.
Trong tập sách nhỏ ấy, Hòa Thượng Thiền Sư kết luận rằng, hành
thiền Tứ Niệm Xứ tức là hành Chánh Niệm. Một điều tôi muốn được ghi nhận ở
đây khi Thiền Sư nói rằng "thiền Minh Sát có thể đạt đến hai loại diệt trừ
phiền não đó là sự diệt trừ từng chập và sự diệt trừ tạm thời, nhưng thiền
Minh sát không thể đạt được sự diệt trừ thứ ba đó là sự diệt trừ
phiền não toàn diện." (trang 23 bản tiếng Anh) Thoạt đầu tôi không
hiểu rõ hàm ý câu nói trên, vì nếu thiền Minh Sát không đạt được sự diệt
trừ phiền não toàn diện thì phương pháp nào hiệu quả hơn để giúp hành giả
diệt trừ phiền não toàn diện và chứng ngộ Niết Bàn? Phải chăng đó là sự liên
tục và tích cực thực hành chánh niệm đến một mức độ nào đó khi trí
tuệ tột cùng phát sanh tâm đạo lấy Niết Bàn làm đối tượng?
Một điểm quan trọng khác mà tôi muốn ghi nhận ở đây là
Thiền Sư U Silananda nói rằng (trang 19 trong bản tiếng Anh) chữ si -
"moha" trong tiếng Pali, không được nói đến ở đây vì si (moha)
rất khóđể ngăn ngừa và diệt trừ. Tuy nhiên có thể moha được hàm chứa.
Trong trang cuối quyển sách nhỏ nầy, Thiền Sư U Silananda đã hàm ý nói đến
si (moha), khi Ngài nói đến thực hành thiền Vipassana. Khi thực hành thiền
Vipassana, hành giả sẽ được phát sanh trí tuệ để thấy rõ tam tướng vô
thường, khổ, vô ngã. Si (moha) mê có nghĩa là sự thiếu trí tuệ, thiếu chánh
kiến, để thấy rõ tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Mục đích của thiền
Vipassana là để phát sanh trí tưệ, khi trí tuệ phát sanh thì si mê tiêu
diệt, cũng như khi có ánh sáng thì bóng tối biến mất. Tuy không nói nhiều về
Vipassana trong quyển sách nhỏ nầy, thiền Sư U Silananda đã viết và giảng
rất nhiều về thiền Vipassana trong những khóa tu thiền.
Để giải thích sự diệt trừ phiền não toàn diện, những thiền sư hiện đại
phải "giới thiệu" danh từ Vipassana một danh từ vừa có nghĩa minh sát
(hay trí tuệ), vừa để giải thích vì sao hành thiền Tứ Niệm Xứ để tận diệt
ba phiền não: tham, sân và si, và là "con đường duy nhứt... "
theo như phần đầu trong kinh đã khẳng định.
Chúng ta phải hiểu rằng kinh Phật dạy chỉ là một "chỉ
nam", một "dàn bài," chớ không phải một bài giảng chi tiết cho
một phương pháp. Thí dụ Thiền Sư U Silananda có nói rằng trong đoạn nói về
tâm định một yếu tố quan trọng trong ngủ căn, tâm định mặc dù không có được
nêu lên trong kinh Đại Niệm Xứ, nhưng ta phải hiểu rằng tâm định được hàm
chứa, vì nếu không có tâm định thì ta sẽ không có tỉnh giác vân vân ...
Ngài cho thí dụ một người thợ săn nai chỉ thấy dấu chân nai rõ ràng ở hai bên
của tảng đá, người săn nai phải kết luận rằng con nai phải chạy ngang qua
tảng đá.
Nếu không giải thích rõ ràng, thiền sinh sẽ dễ ngộ nhận cho rằng
thiền Tứ Niệm Xứ và thiền Vipassana là hai phương pháp hành thiền khác nhau.
Thay vì tự vặn óc để viết lên sự hiểu biết của tôi về chánh
niệm là pháp hành thiền minh sát, tôi phát tâm hoan hỉ tự nguyện sẽ cố gắng
dịch tập sách nhỏ nầy ra tiếng Việt để chia xẻ với bà con mới vào học
thiền. Tuy là quyển sách nhỏ, nhưng nó rất căn bản và là một kim chỉ nam cho
những ai mới bắtđầu học thiền và hành thiền và cũng rất lợi ích cho cả những
thiền sinh kinh nghiệm.
Nita Truitner
Minnesota, Mùa Thu sang Đông 2003/
Minnesota, Mùa Thu sang Đông 2003/
Đoạn mở đầu của Kinh Đại Niệm Xứ
"Nầy Chư Tỳ Khưu, đây là con đường
độc nhứt đưa đến sự thanh lọc cho chúng sanh, vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ
khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn, đó là Tứ Niệm Xứ.
Thế nào là bốn?
Nầy Chư Tỳ Khưu, ở đây vị Tỳ Khưu sống quán
thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Vị Tỳ Khưu sống quán thọ trên thọ, tinh cần,
tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Vị Tỳ Khưu sống quán tâm trên tâm, tinh cần,
tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
Vị Tỳ Khưu sống quán pháp trên pháp, tinh cần,
tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời".
Đoạn trên trích ra từ một trong những bài kinh của Đức Phật
tựa là: "Bốn lãnh vực quán niệm"; theo Phạn ngữ Pali, kinh nầy gọi là
"Mahasatipatthana Sutta" ( Đại Niệm Xứ).
Tuy là đoạn mở đầu, đoạn kinh nầy đã tóm tắt cốt tủy của toàn
bài kinh.
Chính Đức Phật đã thực hành và công nhận rằng có sự lợi ích
sẽ đem lại cho hành giả. Sau đó Ngài khuyến khích các thầy Tỳ Khưu và
các đệ tử của Ngài thực hành pháp môn Tứ Niệm Xứ, và trong suốt 45 năm
truyền bá giáo pháp, Đức Phật luôn luôn đề cập dẫn chứng và nhấn mạnh tầm quan
trọng của kinh Tứ Niệm Xứ.
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn những phương pháp thực hành được
góp nhặt và ghi chép lại trong tạng kinh Pali.
Những ai thực hành Tứ Niệm Xứ hay thiền Minh sát phải hiểu một
cách rõ ràng và đúng đắn đoạn kinh nầy. Thực vậy, tất cả những bài giảng
dạy, chỉ dẫn hành thiền tại các khóa thiền Vipassana đều căn cứ từ kinh
Đại Niệm Xứ. Cho nên để được gặt hái trọn vẹn sự lợi ích, các thiền sinh
thực hành thiền Minh Sát nên đọc và hiểu rõ ràng và thấu triệt bài kinh
quan trọng nầy.
Đề mục của bốn lãnh vực quán niệm
Theo kinh, có bốn lãnh vực quán niệm, và bốn đề mục của sự
quán niệm như sau:
1) Thân
Danh từ "Thân" trong kinh Tứ Niệm Xứ không chỉ có nghĩa
là toàn thể tấm thân vật chất mà còn có nghĩa chỉ một nhóm của nhũng phần thuộc
về vật chất. Nó bao gồm những phần khác nhau của thân thể hay tất cả những gì
liên quan đế thân thể vật chất. Thí dụ hơi thở cũng gọi là thân.
2) Cảm thọ
"Cảm thọ" là gì? Cảm thọ là một tâm sở (trạng thái của
tâm.) Có ba thứ cảm thọ - lạc thọ, khổ thọ và thọ vô ký. Lấy sự đau nhức
làm thí dụ. Ta kinh nghiệm sự đau nhức vật chất bằng cái tâm của ta. Cho nên
khi có đau nhức, thì trạng thái tâm là có cảm giác sự đau nhức. Khi
Đức Phật dạy rằng "thầy Tỳ Khưu quán thọ trên thọ" có nghĩa rằng thầy
Tỳ Khưu đang quán cái trạng thái tâm trên cảm thọ đó. Cho nên, trong
thực tập chánh niệm, khi ta kinh nghiệm sự đau nhức vật chất, ta phải hay
biết rằng đó là trạng thái tâm cảm nhận sự đau nhức trên thân.
3) Thức (hay tâm)
Tiếng Pali của thức là "citta". Thường thì tiếng Pali được
dịch là "tâm". Nhưng Sư nghĩ chữ "thức" mới là chữ dịch
nghĩa đúng hơn là chữ tâm. Chú ý là dù dùng chữ "thức" dịch từ
danh từ "citta", nó vẫn không phải là chữ dịch thật đúng của
"citta". "Thức" được định nghĩa sự hay biết một đề mục. Chỉ
khi nào có sự hay biết một đề mục, thì mới có thể có được sự xúc chạm
với đề mục đó, cảm thọ đề mục, thích đề mục, không thích đề mục vân
vân.. . Vậy những nhóm tâm sở nầy phụ thuộc vào thức, nhưng chúng cũng là phần
tử của tâm.
Nhiều khi có sự lầm lẫn xảy ra giữa hai danh từ "tâm" và
"thức". Trong Vi Diệu Pháp, tâm gồm có bốn nhóm tâm, gồm có thức, và
ba nhóm tâm khác.
Như định nghĩa trên, thức là sự hay biết một vật. Ở đây
sự hay biết không phải giống như sự hay biết trong khi thực hành thiền. Nó chỉ
là một sự hay biết suông. Thí dụ như tôi đang hay biết có một người nào ở đó
mặc dầu tôi đang nhìn nơi nầy. Sự hay biết đó gọi là "thức". Ít
ra, nó được gọi như vậy trong Vi diệu pháp. Một thí dụ khác là khi ta hành
thiền và ta ghi nhận "khổ, khổ", ta có một cái thức đi cùng cái
khổ. Cũng có thể là sự quán niệm trên cái thức. Khi ta niệm "giận,
giận", ta cũngđang quán trên cái hay biết.
Còn tâm sở thì có tâm xúc, thọ, tưởng, chú tâm, thích, không thích
vân vân.. Theo Vi diệu pháp, có tất cả năm mươi hai tâm sở, và chúng được
gồm trong ba nhóm chánh - thọ, tưởng, và hành.
4) Pháp
Chữ "dhamma", là một trong những danh từ trong tiếng
Pali khó dịch nhứt vì nó không thể nào được dịch ra một ngôn ngữ khác một
cách thích hợp và đúng nghĩa. Danh từ nầy có nghĩa khác nhau trong mỗi
trường hợp. Nơi đây Sư xin giới thiệu danh từ "đối tượng của pháp".
Nếu bạn quán niệm hay chú tâm vào sự giận, đó là bạn đang
quán pháp. Ở đây chữ pháp không có nghĩa giáo pháp hay giáo lý của Đức Phật.
Cũng vậy nếu bạn thấy vật gì và bạn chánh niệm về cái thấy, đó là bạn đang
niệm pháp. Đây chữ Pháp chỉ những pháp như những pháp chướng ngại, ngũ uẩn,
mười xứ, thất giác chi, hay tứ diệu đế. Như thế quán niệm đối tượng của
pháp rất sâu rộng.. Chúng được gọi là Dhamma (Pháp) trong bài kinh nầy. Vì thế đó
cho nên cứ dùng danh từ dhamma (pháp) hơn là dịch ra tiếng khác để tránh
sự lầm lẫn.
Không thể dịch danh từ dhamma chỉ bằng một chữ sang tiếng Anh. Nếu
bạn làm như vậy, bạn sẽ sai. Chữ dhamma hay được dich là đối tượng
tâm (mind object) hay sự vật thuộc về tâm (mental object). nhưng cách dịch nầy
không được chính xác. Nếu dịch nó là "đối tượng tâm", và ta cho
nó nghĩa là "tâm là đề mục", thì còn những đối tượng không
phải là tâm thì sao? Nếu ta dịch nó là sự vật thuộc về tâm, thì thật ra tất mọi
sự vật đều là đối tượng hay sự vật của tâm. Thân vật chất cũng là đối
tượng của tâm. Vì ta không dịch được danh từ nầy một cách chính xác và
thích hợp, tốt hơn hết là cứ dùng từ tiếng Pali không dịch.
Ý nghĩa của câu "con đường độc
nhứt" - "ekayano"
Trong phần bằng tiếng Pali, kinh bắt đầu bằng chữ
"ekayano", con đường độc nhứt. Chữ tiếng Pali gồm có hai phần:
"eka" và "ayana". "eka" nghĩa là "một
"và ayana nghĩa là cách, con đường hay lối đi. Như thế
"ekayano" nghĩa đen là "một con đường". Do đó từ ngữ
"một con đường" có thể diễn đạt nghĩa của con đường không có lối rẻ
hay chi nhánh. Vậy chỉ có một con đường và nếu bạn dấn bước trên con đường
nầy thì bạn chắc chắn sẽ đến đích. Không có sự lầm lẫn sai lệch trên đại
lộ nầy.
Một cách diễn đạt khác của "ekayano" - "con
đường độc nhứt" - là chỉ mình ta đi, nghĩa là, conđường của mỗi cá
nhân chọn lựa để đi một mình. Có nghĩa là khi đã chọn đi trên
con đường nầy, bạn đi một mình đơn độc, bạn không có bạn đồng hành đi
chung. Bạn dù có tiến bộ hay không tiến bộđều do khả năng riêng của bạn.
Còn có cách diễn dịch thứ ba của danh từ "Ekayano" là:
"Con đường của một Bực Độc Nhứt". Bực "độc nhứt ở đây chỉ
Đức Phật. Đức Phật là bậc toàn mỹ toàn thiện cho nên Ngài được gọi là
"BậcĐộc Nhứt". Vì Ngài là người đã khám phá ra và truyền dạy Tứ
Niệm Xứ cho nên Thiền Tứ Niệm Xứ được gọi là "Con đường của
Bậc Độc Nhứt".
"Đây là con đường độc
nhứt"
Câu đầu trong kinh được dịch là: "Nầy các thầy Tỳ khưu, đây
là con đường độc nhứt đưa đến sự thanh lọc (tâm) chúng sanh ... đó là Tứ
Niệm Xứ.
Như vậy chính ngay phần đầu của kinh Đức Phật đã nhấn mạnh
"Đây là con đường độc nhứt". Có nghĩa là Tứ Niệm Xứ được
nhấn mạnh là một con đường đưa đến sự thanh lọc (tâm) chúng sanh. Nhưng có
câu hỏi là những chi của Bát chánh Đạo cũng là con đường đưa đến sự
thanh lọc tâm chúng sanh? Xin thưa rằng những chi trong Bát Chánh Đạo
không hiện diện nếu không có Chánh Niệm. Cho nên khi Chánh Niệm được nêu
lên thì bảy chi đi cùng với Bát Chánh Đạo cũng được nêu lên.
Có con đường nào khác không?
Những người Tây Phương thường đặt câu hỏi "Tại sao Đức
Phật nói rằng : Đây là con đường độc nhứt? Còn có con đường nào
khác đưa đến sự thanh lọc tâm chúng sanh?" Họ tranh cãi rằng có nhiều
con đường khác mà ta có thể đi để đến một khu xóm hay thành phố. Cũng
thế ấy, nếu có nhiều con đường để đưa đến một thành phố, thì tất nhiên
phải có nhiều con đường khác nhau để chúng sanh có thể theo để thanh lọc
tâm hay đưa đến Niết Bàn.
Bạn nên nhớ là có nhiều khi sự so sánh không hoàn toàn thích hợp
hay đúng đắn. Đúng vậy, có nhiều con đường để dẫn đến một khu xóm hay
thành phố. Hay là ta nói rằng con đường lộ là một phương tiện duy nhứt để
ta đi đến một thành phố. Như thế, mặc dù có nhiều đường lộ dẫn đến một khu
xóm, nhưng những phương tiện đó cũng vẫn là đường lộ.
Cùng thế ấy mặc dú có nhiều phương pháp khác nhau để thực
hành chánh niệm, nhưng rốt ráo thì những phương pháp đó vẫn là phương pháp
thực hành chánh niệm. Chỉ có chánh niệm mới có thểđưa ta đến sự chứng
ngộ Niết Bàn.
Ta biết rằng ta cần tập thể thao để làm các bắp thịt được
săn cứng và nở nang. Như vậy, nếu bạn muốn cho các bắp thịt được mạnh
chắc, bạn phải tập thể thao. Nhưng tập thể thao cũng có nhiều phương cách khác
nhau ví dụ như tập tạ, hay dùng các máy móc vân vân.. Cùng thế ấy, chỉ có chánh
niệm mới đưa chúng sanh đến sự chứng ngộ Niết Bàn, nhưng Chánh niệm có thể được
thực hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong kinh Niệm Xứ, Đức Phật dạy
rằng chánh niệm được thực hành theo 21 cách khác nhau. Có 21 cách để thực
hành chánh niệm mà ta có thể chọn. Nhưng dù bạn chọn cách nào, chung quy cũng
vẫn là thực hành chánh niệm, đó mới là điều quan trọng vì chỉ bằng
chánh niệm tâm ta mới được sự thanh lọc.
Chánh niệm là sự bảo vệ tâm
Chánh niệm cũng giống như người hộ vệ. Khi nào người hộ vệ bị dời đi,
thì những cửa của giác quan sẽ không được bảo vệ. Như thế, chỉ khi
nào có chánh niệm hiện diện ở các giác quan thì tâm ta mớiđược thanh lọc. Những
trạng thái tâm phiền não bất thiện sẽ không xâm nhập vào tâm ta được vì có
chánh niệm gìn giữ các giác quan ta. Chỉ khi nào chánh niệm bị mất đi, hay
khi tâm ta ít chánh niệm thì những phiền não đủ loại sẽ phát sanh.
Thế nên chỉ có chánh niệm mới giúp giữ tâm trong sạch. Ởđây nên lưu ý là Chánh
niệm là một chi trong tám chi của Bát Chánh Đạo.
Những hình thức của Chánh Niệm
Chánh niệm được thực hành dưới nhiều hình thức - chánh niệm
thân, chánh niệm cảm thọ, chánh niệm tâm, chánh niệm Pháp hay chánh niệm các bộ
phận của thân thể, vân vân. Những hình thức của chánh niệm được lược kê
trong bài kinh (xin xem phần dưới đây). Như thế ấy, sự thực hành chánh
niệm là một phương pháp duy nhứt để thanh lọc tâm chúng sanh. Xin chú ý,
câu nói "thanh lọc chúng sanh" phải hiểu là "thanh lọc tâm của
chúng sanh".
Sự quan trọng của sự thanh lọc tâm
Tại sao có sự nhấn mạnh về tâm? Tại vì Đức Phật luôn nhấn
mạnh tầm quan trọng của sự thanh lọc tâm. Điều nầy không có nghĩa là ta
xem nhẹ việc vệ sinh và giữ gìn sức khoẻ của cơ thể. Nhưng quan trọng hơn chính
là sự thanh lọc tâm của chúng ta.
Sự sạch sẽ của thân quan trọng như thế nào? Trong chú giải có nói
rằng vệ sinh cá nhân hay sự sạch sẽ của cơ thể cũng như sự sạch sẽ tươm tất của
nơi ăn chốn ở cũng vô cùng quan trọng vì chúng rất cần thiết trong sự hổ
trợ để đạt tới định và phát sanh trí tuệ. Như thế ta cần phải giữ gìn thân
thể sạch sẽ và chăm sóc nơi ta thực hành thiền cho tươm tất gọn ghẽ. Hàm ý
ở đây là trong khi ta không chểnh mãng trong sự giữ gìn thân thể sạch sẽ,
ta càng cố công nỗ lực nhiều trong sự làm cho tâm trong sạch.
-------------------------------------
Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp
Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét