Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

3 ĐẶC TÍNH CỦA ĐỜI SỐNG - THANH TỊNH ĐẠO


Ta đã học qua căn bản về vô thường, khổ, và vô ngã. Nhưng sự thật thấy những đặc tướng nầy không phải dễ, vì chúng bị che lấp bởi các chướng ngại. Thanh Tịnh Đạo nêu rõ những chướng ngại đó, và giảng nghĩa làm cách nào để xé tan màn che lấp đó.

Theo Thanh Tịnh Đạo, vô thường bị che lấp bởi sự liên tục. Ý niệm liên tục có mặt vì ta không chú tâm quán sát sự sanh và diệt. Ở đây có hai yếu tố: sự liên tục và sự không thấy được sanh diệt của các uẩn, hay thân và tâm. Liên tục là gì? Thật ra, không có gì là liên tục; vì liên tục không hiện hữu. Nó chỉ là một ý niệm, một ý niệm cho rằng mọi vật liên tục. Và chính ý niệm nầy che lấp đặc tánh của vô thường.

Ta hãy lấy vài thí dụ. Ở xa khi thấy vật gì giống như sợi dây hay một hàng dài, ta nghĩ rằng đó là sợi dây dài hay một vật cứng chắc. Nhưng khi đến gần mới thấy đó không phải là một hàng dài liên tục. Thật ra, nó là một đội binh của kiến, con nầy nối theo con kia. Khi thấy chúng chỉ là những con kiến, ta mất đi ý tưởng đó là một lằn dài liên tục.

Cái nào đúng? Cái nào là sự thật--một hàng liên tục, hay chỉ là những con kiến? Khi thấy một dây dài của những con kiến từ đàng xa, nhưng thật ra đó không phải là một lằn dài. Sự thật đó là những con kiến, chớ không phải sợi dây. Vậy mà ta nghĩ rằng đó là sợi dây của những con kiến. Tại sao ta nghĩ đó là sợi dây, một sự liên tục? Tại sao ta không thấy đó là sự hợp lại của những phần riêng biệt hay những vật nhỏ riêng biệt? Vì ta không thấy những vật riêng biệt, ta không thấy chúng sanh và diệt.

Giả thử có sự bắt đầu của một con kiến, và phần cuối cùng của nó lại được nối theo bởi cái bắt đầu của con kiến khác. Và cái cuối cùng của con kiến thứ hai được nối theo bởi cái bắt đầu của con kiến khác, và cái cuối cùng của con kiến thứ ba được nối theo bởi cái bắt đầu của con kiên khác, vân vân…Chính giữa những con kiến nầy có một khoảng trống; chúng nó không dính liền với nhau như một toàn khối chặc cứng. Nhưng ở đàng xa những khoảng trống nầy hay những khoảng nhỏ giữa những con kiến không thể thấy được và làm cho ta nghĩ rằng ta đã thấy một lằn dài liên tục của những con kiến. Tuy nhiên, thực sự không có một lằn kiến nào. Đó chỉ là những con kiến, bò nối tiếp theo nhau. Khi không thấy thân và tâm, hay những phần của thân và tâm, riêng biệt với nhau sanh và diệt, có thể cho rằng chúng trôi chảy liên tục. Tuy đã đọc kinh sách hay được nghe giảng rằng chúng không có liên tục được hợp bởi những phần tử nhỏ riêng biệt, nếu không hành thiền và không thực sự thấy được sự sanh và diệt, nên vẫn nghĩ chúng là một sự liên tục.
Ta có nghĩ rằng cái xác thân ngày hôm nay là một tiến trình liên tục của chính cái thân ngày hôm qua, hay là cũng cùng cái thân ngày hôm nay mà đã có ngày hôm qua? Hay là một cái thân khác? Ở mỗi khoảnh khắc thời gian nguyên tử vật chất không ngừng sanh và diệt. nhưng ta không thấy chúng sanh diệt. Chỉ khi ta hành thiền minh sát ta mới có thể thấy chúng sanh diệt. Khi thấy những nguyên tử vật chất sanh và diệt, tiếp theo nguyên tử khác sanh và diệt, vân vân…khi đó mới có thể gạt bỏ được ý niệm của sự liên tục. Sẽ ý thức rằng không có một hiện tượng nào liên tục cả, mà chỉ có những phần tử nhỏ sanh và diệt, cái nầy tiếp theo cái kia.

Cùng thế đó với cái tâm.Ta nghĩ rằng có cùng một cái tâm mười năm về trước, tháng trước hay hôm qua? Nhưng qua thiền minh sát ta thấy rằng có một cái tâm mới ở trong mỗi khoảnh khắc. Ở mỗi giây phút, có một cái tâm hay một cái thức khác. Rồi cái thức nầy diệt, và tiếp theo bởi một loại thức khác, rồi nó lại diệt và tiếp theo bởi một loại thức khác, vân vân…Khi thấy chúng như những khoảnh khắc riêng biệt biến mất từ cái một, mới có thể cắt đứt được cái ý niệm liên tục của chúng. Mỗi khi ý niệm liên tục được cắt đứt, sẽ không còn ý niệm liên tục nữa, và khi đó đặc tánh vô thường sẽ trở nên rõ rệt.

Hãy lấy thí dụ tờ giấy nầy. Ta dùng viết mực trên miếng giấy nầy vì nó cứng và chặc? Ta dùng nó để viết và gói các đồ vật vì ta cho nó là cứng chắc. Tất cả chúng ta đều nghĩ như vậy. Nhưng nếu nhìn miếng giấy nầy dưới một kính hiển vi cực mạnh, sẽ thấy những gì? Thấy đó là một mặt phẳng có nhiều khoảng trống hơn là một mặt bằng phẳng cứng chắc. Như thế cái nào là đúng, một miếng giấy cứng chắc hay là một vật gì đầy những khoảng trống rỗng?

Chúng ta nói rằng thấy là tin. Thấy cái gì? Có phải ta thấy một miếng giấy? Nhưng nếu ta đặt miếng giấy dưới một cái kính hiển vi cực mạnh có thể phóng đại chừng hai ngàn lần, ta thấy rằng ý niệm đó là sai. Phải thấy nó là một cái gì với nhiều khoảng trống. Cho nên có khi thấy không nên tin—vì thấy hay lầm lẫn. Ta cần một cái kính hiển vi cực mạnh để có thể thấy sự thật về miếng giấy nầy. Nó không còn là một miếng giấy trơn tru, liên tục nhẵn trơn. Nó là một vật đầy dẫy những lỗ trống rỗng.

Ta có thể nghĩ đến sự hợp lại của thân và tâm, của năm uẩn, như một khối dính liền liên tục. Ở đây, không có cái kính hiển vi nào mà giúp ta thấy được cả. Nhưng nhờ hành thiền minh sát, ta có thể thấy thân và tâm là những thực thể sanh và diệt. Thấy chúng sanh và diệt ở mỗi khoảnh khắc, nên mới có thể cắt đứt ý niệm liên tục.
Thiền Minh Sát là một thứ kính hiển vi cực mạnh ta dùng để khám phá ra đặc tánh của vô thường. Cũng như kính hiển vi dùng để thấy sự thật của miếng giấy, chúng ta cần minh sát để hiểu sự thật của thân và tâm, của năm uẩn, và để thấy đặc tánh vô thường.

Trong một phụ chú giải có nói rằng người nào thấy sự sanh và diệt thực sự sẽ không thấy trạng thái liên tục dính liền của các pháp, mà chỉ thấy trạng thái rời rạc như những mũi tên nhọn bằng sắt. Chúng giống như những cây tên sắt, riêng biệt từng cái một. Đối với một người hành thiền minh sát thấy sự sanh và diệt của các uẩn, thì trạng thái tâm và vật chất không còn thể hiện dính liền nhau, mà chỉ thấy chúng riêng biệt và không dính liền nhau.

Khi thấy được sự riêng biệt của các pháp thấy chúng không liên tục dính liền nhau mà chỉ gồm có nhiều phần riêng biệt, sẽ hiểu rằng các pháp không ngừng sanh và diệt là vô thường. Khi nào ta còn nghĩ rằng chúng liên tục như một khối, thì sẽ không bao giờ thấy đươc đặc tánh vô thường của chúng.

Ý niệm liên tục phải được dứt bỏ nếu thiền sinh muốn thấy đặc tánh vô thường của các uẩn. Để gạt bỏ ý niệm liên tục, cần phải quán sát các pháp, cần phải thấy các uẩn sanh và diệt. Khi thấy được sự sanh và diệt của các uẩn, thì mới có thể tự gạt bỏ ý niệm liên tục. Khi ý niệm nầy bị bẻ gãy, thì đặc tánh của vô thường được hiển bày rõ rệt.

Theo Thanh Tịnh Đạo, đặc tánh thứ hai, đặc tánh khổ, không hiển bày rõ ràng, vì khi sự áp chế liên tục không được quán sát, nó bị che lấp bởi oai nghi. Nếu ngồi một lúc lâu, sẽ thấy đau nhức ở chỗ nào đó trong thân thể. Trong hoàn cảnh bình thường khi không hành thiền, khi vừa có sự đau nhức thì liền thay đổi qua tư thế thoải mái hơn. Nhưng sự đau nhức nầy cũng lại đến với tư thế đó, ta lại đổi qua một oai nghi khác cho đến khi sự đau nhức lại xảy ra ở oai nghi khác đó. Sự cố gắng trốn tránh đau nhức cứ tiếp tục mãi.

Sự đau nhức được tạm thời mất khi thay đổi oai nghi, coi như nó che lấp được trạng thái của khổ. Vì cứ tiếp tục thay đổi tư thế, ta không kinh nghiệm cơ thể luôn luôn khổ. Ta không ngồi lâu đủ để nhận thấy rằng cái đau nhức hay tê cứng trong cơ thể luôn luôn có mặt. Ta chỉ chú tâm khi nào ta ngồi và niệm khi hành thiền. Sự thay đổi oai nghi làm che lấp trạng thái khổ của thân.

Là thiền sinh, sau khi ngồi một giờ đồng hồ không thay đổi tư thế, chắc chắn sẽ cảm thấy đau nhức ở nơi nào đó trong cơ thể, thấy khổ đến chừng nào. Thanh Tịnh Đạo nói rằng đau nhức bị che lấp bởi sự thay đổi oai nghi, có nghĩa là cái đau nhức được che lấp bởi oai nghi mới thay thế oai nghi cũ làm cái đau nhức của tư thế ngồi trước đó giảm mất. Thanh Tịnh Đạo có nói tiếp, “Do quán sát sự áp chế liên tục trên các oai nghi thì đặc tánh của khổ trở nên hiễn nhiên trong trạng thái thực của nó.”
Ở đây thiền sinh thấy được sự sanh và diệt. Trước hết thiền sinh hiểu biết đặc tánh vô thường. Kế đó, quán sự sanh và diệt, thiền sinh thấy rằng sự sanh và diệt là một sự áp chế liên tục không ngừng nghỉ. Khi quán sát sự áp chế liên tục gây ra bởi sự sanh và diệt, thì sự thay đổi oai nghi không còn che lấp trạng thái khổ nữa, lúc đó sự khổ sẽ trở nên hiển nhiên.

Một người thay đổi tư thế cho được thoải mái hơn, vì biết rằng nhờ đó đau nhức sẽ tạm thời giảm mất, và nếu không thay đổi tư thế, anh ta sẽ khổ. Như vậy người ấy biết rằng sự đau nhức ở một oai nghi chỉ được thay thế bởi một oai nghi khác. Nhưng nếu anh ta không thay thế một oai nghi khác thì trạng thái của khổ sẽ được phơi bày. Cho nên không đổi tư thế mà vẩn tiếp tục ngồi thiền, sẽ thấy đặc tánh khổ của các pháp, sự áp chế không ngừng nghỉ của sanh và diệt.

Sự khổ bị che lấp bởi oai nghi, chỉ áp dụng cho thân mà thôi. Vậy còn những trạng thái tâm thì sao? Chỉ thấy khổ ở thân không đủ. Điều quan trọng là ta thấy được khổ ở các trạng thái tâm. Ở đây oai nghi không thể che lấp khổ vì oai nghi không ăn thua gì với các trạng thái tâm. Thanh Tịnh Đạo không có dề cập gì đến lãnh vực nầy.
Cho nên về các trạng thái tâm, Sư nghĩ rằng sự không thấy được sanh và diệt của danh và sắc làm che lấp đặc tánh khổ. Chỉ khi nào thấy sanh và diệt ta mới thấy trạng thái khổ. Cho nên không thấy được sanh và diệt làm che lấp đặc tánh thứ hai, là khổ.

Nói về tâm sở, chỉ khi nào thấy sự sanh và diệt, mới có thể thấy đặc tánh khổ của tâm sở. Cho nên trong khi hành thiền, cố gắng chánh niệm trên tâm suy nghĩ. Khi một sự suy nghĩ đến, quán sát nó. Kế đó nó sẽ biến mất chung với sự niệm và được thay thế bởi một sự suy nghĩ khác và sự niệm. Tâm sở và chánh niệm về những tâm sở đó đến từng cái một, sanh và diệt, sanh và diệt.

Khi thấy rõ hằng trăm các pháp sanh và diệt như thế, ta không thể không hiểu rằng chúng bị tấn công tới tấp và bị áp chế không ngừng nghỉ bởi sự sanh và diệt. Và chỉ khi hiểu khổ trong nghĩa luôn luôn bị áp chế bởi sự sanh và diệt, ta mới có thể hiểu ngũ uẩn thủ là khổ.

Đặc tánh thứ ba của vô ngã, anatta, không được hiển nhiên phô bày vì nó bị che lấp bởi cái toàn khối dính chặc (compactness), nếu ta không cố gắng quán sát những phần tử riêng biệt của chúng. Đây cũng do một ý niệm, một ý niệm của sự toàn khối cứng chắc (compactness.) Trên thực tế không có sự cứng chặc toàn khối. Nhưng ta luôn nhìn thấy mọi sự vật là chặc chẽ, là rắn chắc dính liền.

Thậm chí ta nghĩ rằng tâm cũng là một vật rắn chắc. Ta cho rằng có cùng một cái tâm vài phút trước đây, một tuần trước đây, hay một tháng trước đây. Tuy rằng ta có nhiều tâm (thức) khác nhau—nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, vân vân—ta xem chúng như một vật dính chặc. Ta gồm chúng lại với nhau như một khối. Cho nên các uẩn cũng bị che lấp bởi ý niệm dính chắc.

Trên thực tế nó không đơn giản như vậy. Khi thấy một cái gì, có một vật để thấy, đôi mắt để thấy nó, và cái thấy. Ta có đôi mắt và cái thấy hay nhãn thức. Tuy sự thấy gồm nhiều khoảng thời gian khác nhau của những tâm sở vi tế, bình thường ta không nghĩ nó như vậy. Ta xem chúng như một—“sự thấy,” hay “Ta thấy.” Ý niệm nầy áp dụng cho sự nghe, ngữi, vân vân…vì cho mỗi tiến trình như một sự việc cứng chắc dính liền nhau. Ta xem một việc phức tạp hay một tiến trình nào đó như một khối, vì không thể đập vở cái khối đó ra từng phần tử nhỏ, nên sẽ nghĩ đó là “tôi,” “một người,” hay một “cá nhân.”

Có những tâm sở khác nhau sinh hoạt với những chức năng khác nhau. Chúng ta sẽ tiếp tục dùng “sự thấy” làm thí dụ. Nhãn thức có chức năng để thấy, đi theo bởi những loại thức khác. Chúng gồm có thức tiếp thu có chức năng tiếp nhận hình ảnh của vật được thấy; thức khảo nghiệm có chức năng khảo nghiệm vật được thấy, và một số tâm sở khác chúng sanh và diệt sau khi làm tròn các chức năng để hoàn thành công việc thấy.

Ta không thể thấy những tâm sở nầy và những tiến trình sinh hoạt của chúng. Nếu ta không thể phân tích “sự  thấy” ra nhiều tâm sở hoạt động với chức năng riêng biệt của chúng, ta chỉ thấy những vật thấy được, và “tôi thấy” hay “một người thấy” là những gì ta bình thường biết.
Có sự khác biệt về việc các thức khác nhau tiếp nhận đối tượng khác nhau. Một loại thức lấy vật thấy làm đối tượng, một loại thức khác lấy âm thanh làm đối tượng, và một loại thức khác lấy mùi vị làm đối tượng vân vân...Nhưng ta cho rằng chỉ có một cái tâm lấy những đối tượng trên, và cái “tôi” thấy cũng là cái “tôi” nghe. Nếu ta không thấy sự khác biệt khi các thức lấy đối tượng riêng của chúng, ta sẽ không thể nào gạt bỏ ý niệm rằng có một cái tôi toàn khối chắc nịch nó thấy, nghe, ngửi ...vv

Quí vị đã hiểu rõ Sự giải thích về vô ngã, bị che lấp bởi cái ý niệm “toàn khối” chưa? Để hiểu rõ, cần hiểu nghĩa của vô ngã. Một nghĩa là “không quyền hành đặt lên nó.” Nghĩa khác là “không có cốt lõi.” Vô ngã là vì nó không có cốt lõi, không có thực chất, không có ngã. Khi cho mọi thứ là một khối, một tảng lớn, hay chỉ là một với nhiều chức năng, sẽ không thể tránh được ý niệm cho rằng có một cái lõi, một thực thể có sẵn, hay một cái ngã.

Để hiểu đặc tánh vô ngã của các pháp, cần cắt chia mọi vật ra thành những yếu tố và những thành phần khác nhau. Nếu không thể chia cắt mọi vật ra thành những phần tử khác nhau, thì sẽ luôn xem chúng là một khối. Nhưng khi ta có thể phân tách và phân chia chúng thành những phần tử khác nhau, thì ý niệm một khối và ý niệm của ngã sẽ mất. Để thấy vô ngã, điều quan trọng là cần phải cắt chia mọi vật thành từng phần, và cần phải phân tách chúng.

Tạng Vi Diệu Pháp nói toàn về vô ngã. Tuy không nói cái nầy là vô ngã, cái kia là vô ngã, mà nói rằng tất cả là vô ngã, vì tất cả được phân tách rất vi tế. Tâm được phân tách ra tâm vương và tâm sở. Tâm vương lại được phân tách ra một trăm hai mươi loại, và tâm sở được phân tách ra năm mươi hai loại vân vân…Sư nghĩ rằng tất cả được phân tách tĩ mĩ để cho thấy rằng không có một toàn khối, không có lõi.

Toàn bộ tạng Vi Diệu Pháp nói về đặc tướng của vô ngã, tuy nhiên ta cũng học hỏi rất nhiều các giáo lý khác trong đó. Tất cả được phân tách ra thành những phần tử nhỏ khác, vì không có gì là toàn khối cả. Vì không có cái toàn khối cho nên không có lõi, không có ngã.

Khi hành thiền minh sát chú tâm vào những vật gì xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại, sẽ thấy ở mỗi khoảnh khắc các vật đều khác nhau. Khi lấy tâm sở làm đề mục, sẽ thấy rằng có rất nhiều tâm sở, chớ không phải chỉ có một tâm chặt chẽ. Có thể phân chia tâm ra nhiều thành phần. Không thể đặc tên các phần riêng biệt nầy, nhưng có thể thấy chúng và hiểu chúng.

Điều quan trọng là phân tách chúng ra nhiều phần tử khác nhau hơn là đặt tên chúng. Trong lúc hành thiền sẽ thấy tâm không phải chỉ là một. Ở mỗi khoảnh khắc có một tâm khác, hay một thức khác. Một thức đến với một đối tượng, và một thức khác ghi nhận nó; kế đó hai thức  nầy diệt mất, và một thức khác đang theo dõi một đối tượng khác phát sanh …vv
Khi chú tâm quán sát những gì xảy ra trong tâm, sẽ thấy rằng những gì mà cho là toàn khối, thật ra gồm có rất nhiều tâm sở vi tế khác nhau. Khi thấy tâm bao gồm những tâm sở vi tế, thì sẽ hiểu rằng tâm không có cốt lõi. Khi thấy tâm không có cốt lõi, thì sẽ thấy trạng thái vô ngã của tâm.

Ba đặc tướng của các pháp hữu vi: vô thường, anicca; khổ, dukkha; và vô ngã hay không có cốt lõi anatta. Ba đặc tướng nầy có bao gồm trong các uẩn không? Chúng có phải là uẩn không? Phụ chú giải của Thanh Tịnh Đạo nói rằng ba đặc tướng nầy không bao gồm trong các uẩn, vì chúng là những đặc tướng không có thực chất cá biệt. Chúng chỉ là trạng thái của các pháp có điều kiện (các pháp hữu vi), chúng không phải các pháp có điều kiện (các pháp hữu vi), nên chúng không được bao gồm trong các uẩn.

Vậy chúng có tách biệt với các uẩn không? Phụ chú giải nói rằng chúng không tách rời khỏi các uẩn vì chúng không thể được nhận biết nếu không có các uẩn; nếu không có các uẩn, thì sẽ không thấy ba đặc tướng trên. Thế nên chúng không bao gồm trong các uẩn nhưng chúng cũng không thể tách rời các uẩn. Chúng là những ý niệm áp dụng vào những trạng thái trên để dễ thông hiểu.

Ba đặc tướng nầy không phải là chân đế- sự thật tuyệt đối - nhưng chúng là đặc điểm của chân đế, đặc tánh của các uẩn. Ba đặc tướng nầy không bao gồm trong các uẩn, và  cũng không tách rời khỏi các uẩn vì chúng không thể hiểu được nếu đặt ngoài các uẩn. Không đặt tên ba đặc tướng nầy ta không thể nói hay bàn gì về chúng cả. Nên ba đặc tướng nầy được gọi là ý niệm, và được đặt tên để dễ nhận diện. Ba đặc tướng nầy liên hệ với các uẩn, trong tiếng Pali, có tên là pannatti, sự thật chế định (tục đế) nghĩa là một cách thức diễn tả trình bày.

Ta hành thiền minh sát để thấy ba đặc tướng nầy. Sẽ thấy chúng chỉ khi nào thực hành thiền, chớ không phải chỉ nhắc đi nhắc lại vô thường, khổ, vô ngã. Chúng chỉ được thấy qua sự thực hành thiền minh sát, chớ không phải do nhắc lại các chữ đó hay do sự suy nghĩ về chúng. Nếu muốn thấy ba đặc tướng phải hành thiền minh sát.

Khi hành thiền minh sát, lúc đầu nên phát triển định để cho tâm được vững vàng, yên tĩnh và khỏi bị những chướng ngại. Khi tâm không bị những chướng ngại thì định dễ phát sanh. Qua sự định tâm, bắt đầu thấy sự vật rõ ràng, và thấy chúng riêng biệt tách rời nhau. Bắt đầu thấy hai thứ xảy ra cùng một lúc như một cặp, hơi thở vào và sự chánh niệm hơi thở vào, và hơi thở ra và sự chánh niệm hơi thở ra. Những việc nầy được thấy một cách riêng biệt mà không lẩn lộn với nhau.

Sau khi thấy như vậy, sẽ thấy sự điều kiện hay nhân quả. Vì có hơi thở, nên có sự chánh niệm của hơi thở, vì có tác ý muốn duỗi tay ra, nên có sự duỗi tay ra vân vân...Thấy sự vật sanh và diệt Khi thấy sự vật sanh và diệt sẽ thấy đặc tánh vô thường của các pháp.
Khi thấy đặc tánh vô thường của các pháp, cũng thấy đặc tánh khổ vì thấy chúng sanh diệt, sanh diệt ta hiểu rằng chúng bị tấn công và áp chế bởi sanh và diệt. Liên tục bị áp chế bởi sanh diệt, đó là nghĩa của khổ.
Khi thấy đặc tánh vô thường và khổ, cũng thấy đặc tánh vô ngã của các pháp. Thấy sự vật sanh rồi diệt, có nghĩa là nó không có cốt lõi. Nếu nó có cốt lõi chúng sẽ tồn tại mãi mãi, chúng sẽ gắn liền nhau và chặt chẽ. Nhưng chúng tách rời nhau và liên tục sanh rồi diệt, cho nên chúng không có lõi dính liền nhau. Hơn nữa không thể bảo chúng ngưng, bảo chúng đừng sanh ra và đừng diệt. Không có cách nào dể áp đặt uy quyền trên chúng. Ở đây lại thấy đặc tánh vô ngã của các pháp.

Qua sự hành thiền minh sát và qua sự quán sát những đề mục xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại ta có thể tự thấy vô thường, khổ, vô ngã. Khi thấy ba đặc tướng trên không dựa theo đức tin vào những gì mà người khác nói. Qua kinh nghiệm riêng có thể minh chứng sự giảng dạy của Đức Phật là đúng. Khi tự thấy do kinh nghiệm và có sự hiểu biết vững vàng, không ai có thể làm lay chuyển sự hiểu biết nầy. Sự hiểu biết trở nên vật sở hữu của chính mình, cái kiến thức riêng của chính mình.
Muốn có được kiến thức nầy ta phải hành thiền minh sát. Thí dụ khi hành thiền và khi thấy thân xác mình biến thành cát bụi, hay thấy thân xác mình biến mất hay giống như vậy. Đó có nghĩa là đã thấy vô ngã không? Hòa Thượng Mahasi Sayadaw nói rằng “chưa phải,”vì tuy rằng thấy thân thể rã tan, dù đó cũng là một thứ vô ngã,  ta còn đang nghĩ “chính ta thấy như vậy.” Cho nên khi đề cập đến tâm sở, thật sự chưa thấy đặc tánh vô ngã.

Chỉ khi nào thấy cả hai tâm và thân sanh và diệt ở mỗi khoảnh khắc mới có thể nói rằng mình thấy đặc tánh vô ngã. Phải hiểu rằng hiểu biết thật sự của đặc tánh vô ngã chỉ phát sanh khi quán sát cả hai tâm và thân, và thấy chúng sanh và diệt, bị áp chế bởi sanh và diệt, và không kiểm soát được chúng. Nếu chỉ thấy có thân mà thôi, ta thấy chỉ có phân nửa của vô ngã. 
-----
Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét