Yếu tố
thứ hai của Bát Chánh Đạo là chánh tư duy (samma sankappa). Đôi khi điều này
được diễn dịch như một lối suy nghĩ đúng đắn. Tuy vậy, chánh tư duy thực sự có
một đặc tính năng động hơn - như 'ý định', 'quan điểm' hoặc 'nguyện vọng'. Tôi
thích dùng chữ 'nguyện vọng' vì nó rất có ý nghĩa trong Bát Chánh Đạo - bởi vì
chúng ta có nguyện vọng.
Thấy
được nguyện vọng không phải là dục vọng là một điều rất quan trọng. Chữ 'tanha'
trong tiếng Pali có nghĩa là dục vọng đến từ vô minh, trong lúc 'sankappa' có
nghĩa là nguyện vọng đến không phải từ vô minh. Nguyện vọng tựa như là một loại
dục vọng đối với chúng ta bởi vì chúng ta dùng chữ 'vọng' cho mọi điều có đặc
tính đó - nguyện vọng hoặc sự muốn. Bạn có thể nghĩ rằng nguyện vọng đó là một
loại tanha, muốn trở thành giác ngộ (hữu ái) - nhưng chánh tư duy (samma
sankappa) đến từ Chánh Kiến, sự nhận thấy một cách rõ ràng. Nguyện vọng ở đây
không phải là sự muốn trở thành bất cứ thứ gì; nguyện vọng ở đây không phải là
dục vọng để trở thành một người ngộ đạo. Với Chánh Kiến, nguyên cái ảo tưởng và
cách suy nghĩ đó không còn có ý nghĩa nữa.
Nguyện
vọng là một cảm giác, ý định, quan điểm hoặc sự năng động trong ta. Tinh thần
chúng ta thăng hoa, nó không chìm xuống - nó không phải là sự tuyệt vọng ! Khi
có Chánh Kiến, chúng ta có nguyện vọng đối với cái chân, thiện và mỹ. Samma
ditthi và samma sankappa, Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, được gọi là huệ (paủủa)
và nó hình thành nhóm đầu tiên trong ba nhóm của Bát Chánh Đạo.
Chúng
ta có thể suy gẫm: Tại sao chúng ta vẫn cảm thấy không hài lòng, ngay cả khi
chúng ta có mọi thứ tốt nhất? Chúng ta không hoàn toàn hạnh phúc ngay cả nếu
chúng ta có một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe, một cuộc hôn nhân hoàn hảo, những
đứa con sáng sủa dễ thương và tất cả những cái còn lại. Chúng ta chắc chắn sẽ
không bằng lòng khi chúng ta không có tất cả những thứ này ! ... Khi chúng ta
không có nó, chúng ta nghĩ, 'Chà, nếu tôi đã có những cái tốt nhất, thì tôi đã
hài lòng rồi'. Nhưng chúng ta cũng sẽ không hài lòng đâu. Trái đất không phải
là nơi dành cho sự hài lòng của chúng ta; nó đâu có phải là vậy. Khi chúng ta
nhận thức được điều đó, chúng ta không còn mong ước sự hài lòng từ hành tinh
này; chúng ta không đòi hỏi điều đó.
Cho
tới khi chúng ta nhận thức được rằng hành tinh này không thể thỏa mãn tất cả
những ý muốn của chúng ta, chúng ta cứ hỏi, 'Hỡi Trái Đất Mẹ, tại sao bạn không
làm tôi bằng lòng?'. Chúng ta như những đứa trẻ thơ còn bú, không ngừng cố gắng
đòi hỏi tất cả những gì có thể đạt được từ người mẹ và muốn được ôm ấp, nuôi
dưỡng cho vừa lòng.
Nếu
chúng ta đã vừa lòng, chúng ta đã không thắc mắc về những sự vật. Tuy vậy chúng
ta nhận ra rằng có một cái gì đó còn hơn cái mặt đất dưới chân chúng ta; có một
cái gì đó trên chúng ta mà chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được. Chúng ta có
cái khả năng tự hỏi và cân nhắc về cuộc đời, để suy gẫm về ý nghĩa của nó. Nếu
bạn muốn biết ý nghĩa của cuộc đời, bạn không thể nào chỉ hài lòng với sự giàu
có về vật chất, sự tiện nghi và an toàn.
Vì thế
chúng ta có nguyện vọng cần biết chân lý. Bạn có thể nghĩ rằng đó là một loại
dục vọng hay là nguyện vọng quá cao xa, 'Tôi nghĩ tôi là ai? Cái tôi già nhỏ bé
này cố gắng hiểu biết cái chân lý về mọi thứ'. Nhưng rõ ràng là có cái nguyện
vọng đó. Tại sao chúng ta muốn có được điều không thể xảy ra? Hãy xét lại khái
niệm của cái chân tính thực tại. Một sự tuyệt đối hay cái chân lý rốt ráo là
một khái niệm đã được lọc luyện; khái niệm về Thượng Đế, sự Bất Diệt hay bất
tử, thực sự là một cái tư tưởng đã được lọc luyện. Chúng ta có nguyện vọng để
biết cái thực tính rốt ráo đó. Cái mặt thú tính của chúng ta không có nguyện
vọng; nó không biết gì về nguyện vọng đó cả. Nhưng sự thông minh thuộc về trực
giác trong mỗi chúng ta muốn biết; trực giác này luôn luôn ở bên ta nhưng chúng
ta có khuynh hướng không chú ý đến nó; chúng ta không hiểu nó. Chúng ta có
khuynh hướng loại bỏ hoặc ngờ vực nó - nhất là những người theo chủ nghĩa duy
vật tân thời. Họ chỉ nghĩ nó là sự tưởng tượng và không thực.
Còn
tôi, tôi đã thực sự vui khi tôi nhận thức được rằng hành tinh này không phải là
nhà thật sự của tôi. Tôi đã luôn luôn nghi ngờ về nó. Tôi có thể nhớ ngay khi
còn là một đứa bé, tôi đã nghĩ, 'Tôi không thực sự thuộc về nơi đây'. Tôi chưa
bao giờ thực sự đặc biệt nghĩ rằng Trái Đất là nơi tôi trực thuộc - ngay cả
trước khi đi tu, tôi chưa bao giờ cảm thấy tôi có thể hòa nhập với xã hội. Đối
với một số người, đó có thể chỉ là một suy nghĩ bất bình thường, nhưng có lẽ nó
cũng là một loại trực giác trẻ con thường có. Khi bạn còn ngây thơ, trí óc của
bạn rất có trực giác. Tâm trí của một đứa bé có trực giác nhiều hơn người lớn
khi tiếp xúc với những năng lực huyền bí. Khi chúng ta lớn lên, nếp suy nghĩ
của chúng ta bị điều kiện hóa theo những chiều hướng quy định sẵn, để rồi có
được những định kiến về cái gì thực và cái gì không thực. Khi chúng ta phát
triển cái tôi của chúng ta, xã hội quy định cái gì thực và cái không thực, cái
gì đúng và cái gì sai, và chúng ta bắt đầu diễn dịch cái thế giới qua những
nhận thức cố định đó. Một điều chúng ta thấy thật đẹp và dễ thương ở trẻ con là
chúng chưa trải qua điều đó; chúng vẫn nhìn thế giới với cái trực giác chưa bị
điều kiện hoá.
Hành
thiền là một cách tháo gở những quy định nô lệ ra khỏi tâm thức để giúp chúng
ta buông bỏ những quan điểm khó chịu và những định kiến. Thông thường, những gì
thực thì bị bác bỏ trong khi những gì không thực lại dành được tất cả sự chú ý.
Đây là sự vô minh (avijja).
Sự suy
gẫm về nguyện vọng của con người liên kết chúng ta với những gì cao cả hơn cái
thế giới loài vật hoặc của hành tinh này. Đối với tôi, sự liên kết đó có vẻ
thực hơn cái tư tưởng cho rằng đây là tất cả những gì hiện hữu, rằng một khi
chúng ta chết thân xác chúng ta mục nát và không còn gì hơn thế. Khi chúng ta
suy gẫm và tự hỏi về cái vũ trụ chúng ta đang sống, chúng ta thấy nó rất mênh
mông, huyền bí và không thể nào hiểu nỗi. Tuy vậy, khi chúng ta tin tưởng hơn
vào cái trực giác của mình, chúng ta có thể chấp nhận những sự việc mà chúng ta
đã quên hoặc chưa bao giờ cởi mở đối với nó trước đây - chúng ta phải khoáng
đạt và cởi mở khi chúng ta buông bỏ những phản ứng cố định đã bị điều kiện hoá.
Chúng
ta có thể có cái định kiến về một cá nhân, về một người đàn ông hoặc một người
đàn bà, một người Anh hoặc một người Mỹ. Những điều này có thể rất thực đối với
chúng ta, và chúng ta có thể trở nên khó chịu về nó. Chúng ta ngay cả sẵn sàng
giết nhau qua những cái nhìn đã bị điều kiện hoá, những gì chúng ta giữ, tin và
không bao giờ đặt câu hỏi về nó. Không có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, không có
huệ, chúng ta sẽ không bao giờ thấy được bản chất thực của những quan điểm này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét