Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

NHỮNG THÔNG TIN CẦN THIẾT NHÂN LỄ VU LAN

 Trong kinh điển của Phật giáo nguyên thủy không thấy đề cập đến kinh Vu lan bồn, hoặc về chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ ở địa ngục, v.v.
Thêm nữa, Ðạo Phật là đạo dựa trên nền tảng lý nhân quả và nghiệp báo. Ðức Phật từng tuyên bố gieo nhân nào gặt quả nấy. Đức Phật cũng không thể cứu khi hay biết vua Thiện Giác (cha vợ) bị đất rút và dòng họ Thích Ca bị tàn sát. Ngài có nhiều phép thần thông siêu xuất trong tam giới này nhưng qua kinh điển, Ngài vẫn phải để cho nghiệp lực chúng sinh trổ quả theo chu trình tự nhiên. Mặc dù biết trước việc tàn sát dòng họ Thích Ca, và đã hơn hai lần đến thương lượng ngăn cản chiến tranh, cuối cùng thì Ngài cũng không giúp được gì hơn, bởi vì nghiệp dòng họ Thích Ca gieo trong kiếp quá khứ nay đến chu kỳ phải trả quả.
Cho rằng Ngài Mục Kiền Liên dù là một đại thánh tăng đã đắc quả A-la-hán, có nhiều thần thông mà vẫn không cứu mẹ được, phải nhờ đến đại chúng Tăng cùng cầu nguyện mới cứu được, có thể sẽ dễ đưa đến một ngộ nhận cho rằng bây giờ chúng ta không cần phải tu tập tâm tánh, cứ tự do làm tội lỗi và cố dành dụm một số tiền lớn để lại cho thân nhân, và nhờ họ sau khi ta qua đời, nhớ rước thầy đông đảo để  cầu nguyện cho siêu thoát. Một quan niệm như thế có thể sẽ có những hậu quả tiêu cực, không có lợi chi trên con đường tu tập giải thoát.
…………..
LIỆU CÓ THỂ XÁ TỘI VONG NHÂN? Những hiểu biết hoàn toàn sai lầm
Nếu xét theo quan điểm của Phật giáo Nguyên Thủy thì khi ai làm việc ác sẽ tùy theo nghiệp lực mà chịu lấy khổ quả, và tất nhiên nỗi thống khổ này chỉ chấm dứt khi nào nghiệp chướng của họ đã hoàn trả. Đức Phật Thích Ca KHÔNG bảo rằng có một ai đó có đủ sức “thần thông” hay “uy lực”   để ban bố sự ân xá cho chúng sinh ở địa ngục bao giờ, dù cho đó là Diêm Vương hay Đức Phật. Ngày nay có 1 số truyền thống Phật giáo, tín ngưỡng dân gian cho rằng ngày rằm tháng bảy là ngày xá tội ở địa ngục, những vong linh sẽ được trở về dương gian thăm lại gia quyến hoặc siêu sinh về cảnh giới an lành. Đây là một tư tưởng hoàn toàn sai lầm, cho thấy tính phi nhân quả trong quan niệm này, hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Phật Pháp Nguyên Thủy.
…………………
Trong dịp rằm tháng 7, nhiều Phật tử có nghe câu chuyện “Mục Liên Thanh Đề”. Có rất nhiều những điều vô lý, không đúng chánh pháp nguyên thủy, sẽ phân tích ở dưới đây, trước hết xin kể vắn tắt như sau:
Chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa vào thời Đức Phật Thích Ca, có người con trai dòng Bà-la-môn tên là La Bốc,cha mất sớm, mẹ là bà phu nhân Thanh Đề tham lam độc ác, không tin Tam Bảo. Nhân một lần chuẩn bị giao thương buôn bán xa, nên La Bốc đã dành một phần tiền bạc để lại, dặn mẹ rằng:
- Khi nào có Đức Phật và chư Tăng đến, thì mẹ hãy thay con thiết trai cúng dường.
Sau khi La Bốc đi xa, người mẹ đã khởi tâm tham, cất giấu tiền bạc mà không tổ chức thiết trai. Người con lo việc xong liền trở về nhà, nghe mẹ bảo rằng, ta đã làm phước theo lời con dặn. Nhân vì lừa dối như vậy nên sau khi mệnh chung, bà liền thọ khổ báo trong địa ngục A-tỳ.  Sau đó, con trai bà là La Bốc xuất gia tu hành, được Phật đặt cho pháp danh là Mục Liên. Mục Liên qua tinh tấn tu tập đã chứng A-la-hán, dùng “đạo nhãn” thấy mẹ mình đọa lạc nơi địa ngục đói khổ bèn sinh lòng xót thương, ông mang chén cơm đến dâng cho mẹ mình ăn nhưng vì tham sân của bà quá mạnh nên cơm hóa ra lửa. Mục Liên rơi lệ khóc than, bi ai thống thiết bèn trở về dương gian hỏi Phật cách để cứu mẹ.
Quý vị hãy dùng tấm gương phản chiếu của Chính Pháp soi rọi sẽ nhận rõ những điểm hết sức phi logic trong đó. Gồm những điểm như sau:
 - Thứ nhất, nếu nói nhân vật Mục Liên này chính vị thần thông đệ nhất, đệ tử Phật thì  tên thật của ngài, tiếng Pali gọi là Moggallana, và còn có biệt danh là Kolita, chứ chưa bao giờ mang cái tên nào là La Bốc, đã vậy còn có bà mẹ họ Lưu tên Thanh Đề. 
- Thứ hai, ngài Mục Kiền Liên dùng “đạo nhãn” thấy mẹ đói khổ nơi địa ngục bèn mang cơm đến cho mẹ ăn!  Ngài Mục Kiền Liên đã là bậc thánh đại thần thông thì chắc chắn biết rằng  thức ăn của cõi người và cõi ngạ quỷ khác nhau. Mẹ ngài lúc này chỉ là một con ma đói thì ăn bát cơm của nhân gian thế nào được? 
- Thứ ba, ngài Mục Kiền Liên rơi lệ khóc than, bi ai thống thiết vì mẹ mình đói khổ rồi chạy về dương gian “mách” với Phật! Không lí nào một bậc “ lậu tận, không còn phiền não” lại  khóc sướt mướt như đứa trẻ ngây ngô như  thế.  Bậc thánh tăng không còn bám chấp vào việc Của Tôi nữa thì việc Ngài chỉ khóc than cho mỗi người mẹ kiếp này của mình là vô lý.
Như vậy có nhiều tính bất hợp lí trong câu chuyện “Mục Liên cứu mẹ” trên.
 Mục Liên cứu mẹ” nói về chuyện Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát cứu bà mẹ Thanh Đề đọa địa ngục thật ra được hình thành vào đời nhà Đường, thông qua một cuốn truyện có tên ngắn gọn là Đại Mục Liên biến văn>>cũng được phát hiện một bản ở tại di tích Đôn Hoàng.
…………………
“Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát” là một từ khá quen thuộc trong dịp này mỗi khi quý vị Phật tử tham dự lễ Vu lan, tuy nhiên sự tích chính thống, nguyên gốc theo kinh điển Phật giáo nguyên thủy về Ngài Mục Kiền Liên thật sự là thế nào? 
Ngài Mục Kiền Liên là một trong những đại đệ tử của Đức Phật, gọi là “thần thông đệ nhất”. Tuy là bậc thần thông có nhiều tài phép nhưng tuyệt nhiên cũng không thể chiến thắng khỏi quả báo của quy luật nhân quả. Về cuối đời ngài có một cái chết rất thương tâm. 
Tin Tôn giả qua đời trong tay bọn sát nhân tức tốc lan truyền nhanh chóng và khiến rất nhiều người uất ức. Đức Phật bảo các chư vị ấy: "Này các Tỳ kheo ! Xét theo kiếp này Mục Kiền Liên đã sống cuộc đời đạo hạnh thì lẽ ra ông ta không gặp phải một cái chết như thế. Nhưng trong một tiền kiếp, Ông ta đã phạm một tội ác lớn đối với cha mẹ mình là hai kẻ mù loà. Lúc đầu, ông ta là một người con rất hiếu nhưng sau khi lập gia đình, vợ ông ta bắt đầu sinh chuyện, đề nghị ông tống khứ cha mẹ của ông đi. Ông ta lấy xe ngựa chở cha mẹ mù loà của mình vào một khu rừng và tại đây, ông ta đập chết hai người, giả cách làm hai ông bà tin rằng một tên cướp đã đánh đập họ. Vì ác nghiệp đó nên ông ta chịu khổ lâu ngày, và trong kiếp chót này, ông ta đã bị chết trong tay bọn sát nhân. 
Như vậy ngài Mục Kiền Liên không phải là “Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát” mà nhiều người lầm tưởng, ngài chỉ là một “Đại Thần Thông Mục Kiền Liên” mà thôi. Ngài viên tịch bởi cái chết bị bằm nát do phải trả một oan nghiệp bất hiếu trong tiền kiếp, chứ chẳng hề có xuống địa ngục cứu một bà mẹ nào gọi là Thanh Đề cả.
Gương hiếu thảo đáng ra là một người đệ tử khác rất nổi tiếng của Đức Phật, đó là ngài Sariputta (Xá Lợi Phất). Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi. Mặc dù rất thương và tôn trọng quyết định của con nhưng sự kiện Xá Lợi Phất xuất gia đầu Phật đã khiến bà Xá Lợi thất vọng, đau buồn và không hề có thiện cảm với Tăng đoàn.
Khi xuất gia chứng quả A la hán rồi, Tôn giả Xá Lợi Phất muốn trở về để thức tỉnh và chuyển hóa mẹ. Cuộc trùng phùng của tình mẫu tử sau hơn mấy mươi năm xa cách chưa được bao lâu thì Tôn giả Xá Lợi Phất ngã bệnh. Bà Xá Lợi lò dò đến thăm con thì bỗng lóa mắt như lạc vào thế giới của thiên thần. Trong căn phòng của Tôn giả Xá Lợi Phất ngập tràn ánh sáng vơi vô số chư thiên hào quang rực rỡ vây quanh. Bà ta ngạc nhiên đến cùng cực khi biết các phái đoàn thiên thần đến thăm con bà lần lượt là Tứ Đại Thiên Vương, Đế Thích và cả Đại Phạm thiên, đấng toàn năng mà bà hằng quy kính, tôn thờ. Bà Xá Lợi nghĩ rằng nếu con của ta mà có oai lực lớn đến trời người đều cung kính như vậy thì Đấng Thế Tôn oai lực vĩ đại đến dường nào. Nghĩ đến đây, bà Xá Lợi cảm nhận một niềm hỷ lạc tràn ngập châu thân, tinh thần thư thái vô cùng, niềm tịnh tín nơi Thế Tôn trong bà bừng phát. Nhân đó, Tôn giả Xá Lợi Phất tuần tự giải thích và xưng tán công đức siêu tuyệt của Thế Tôn qua các phương diện giới,định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Thật diệu kỳ, khi pháp thoại vừa chấm dứt thì bà Xá Lợi thành tựu Pháp nhãn thanh tịnh chứng đắc Thánh quả Tu-đà-hoàn.
Thế là Tôn giả Xá Lợi Phất đã làm tròn bổn phận hiếu đạo của người xuất gia. Tuy không sớm thăm tối viếng, cung phụng ngon ngọt… nhưng đã giúp mẹ thoát được lưới mê, bước vào dòng Thánh, phúc lạc muôn đời. Không chỉ hóa độ người mẹ trong hiện tại, đối với các bậc sinh thành trong quá khứ, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng viên thành hiếu đạo.
Trong một tích truyện khác, Ngài Xá Lợi Phât đã từng độ thoát cho bà mẹ kiếp quá khứ của mình bị đọa ngạ quỷ, đây là y cứ theo “Ngạ quỷ sự” trong Tiểu Bộ Kinh.
Trong đời quá khứ có một phú gia ở thành Ba La Nại thường phát tâm cúng dường rộng lớn đến các tu sỹ và bố thí rộng rãi cho những người nghèo khó. Rồi một hôm, phú gia bận đi làm ăn xa, trước khi đi dặn dò vợ chu toàn công việc bố thí cúng dường. Ông đi rồi, người vợ không những chênh mảng trách nhiệm cúng dường được chồng giao phó mà còn biểu lộ thái độ khinh khi, sỉ nhục những người nghèo khổ. Vì tham lam bỏn sẻn, tạo ác nghiệp nặng nề nên khi từ trần bà tái sanh làm ngạ quỷ chịu nhiều khốn khổ.
Nhớ lại những công đức lành mà bà đã làm trong quá khứ, bà mong muốn được gặp Tôn giả Xá Lợi Phất liền tìm đến thành Vương Xá. Khi thấy nữ quỷ, ngài Xá Lợi Phất liền hỏi: Vì sao hình dung người tiều tụy, còn da bọc xương, khổ não đến thế này? Nữ quỷ thưa rằng: Trong năm kiếp về trước tôi đã từng làm mẹ của Tôn giả. Nhưng vì các ác nghiệp đã gây tạo nên giờ đây bị đọa vào cảnh khổ, không nhà cửa, không có đủ đồ ăn thức uống, luôn bị đói khát hanh hạ… Xin Tôn giả rủ lòng thương, vì tôi mà phát tâm bố thí, cúng dường để thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ. Ngày hôm sau, Tôn giả Xá Lợi Phất cùng các Tỷ kheo đến gặp vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) trình bày sự việc, nhờ trợ duyên và được đức vua chấp thuận. Khi lễ vật chuẩn bị xong, Tôn giả Xá Lợi Phất thành tâm dâng cúng lên Đức Phật và chư Tăng khắp mười phương rồi hồi hướng công đức cho nữ quỷ.
Nhờ phước báo ấy mà nữ quỷ mẹ Tôn giả Xá Lợi Phất trong quá khứ được thoát kiếp ngạ quỷ, sanh lên cõi trời. Và vị thiên nữ với dung sắc thù thắng, xiêm y rực rỡ đã xuống trần gặp Tôn giả Mục Kiền Liên, nói rõ nhân duyên thoát khỏi cảnh khổ đồng thời bày tỏ niềm tri ân vô hạn đến Tôn giả Xá Lợi Phất.

………………
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Trả hiếu cho cha mẹ thì dù là tôn giáo nào, quốc gia nào con cái cũng cần phải luôn luôn ghi nhớ. Riêng đối với Phật giáo Việt Nam thì có thêm ngày lễ Vu Lan. Ngày lễ này được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy là vì đó là ngày Tự tứ - ra Hạ của các chư Tăng ni theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông. Từ truyền thuyết về Ngài Mục Kiền Liên chọn ngày ra Hạ có đông chư Tăng để cúng dường tứ vật dụng, tạo phước báu cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỉ.
Còn đối với truyền thống Phật giáo Nam Tông ở trên thế giới hay ở Việt Nam thì đều không có ngày lễ này, vì:
Lý do thứ nhất là theo quan điểm của Phật giáo Nam Tông thì bất cứ giờ nào, ngày nào, tháng nào hay năm nào thì người con cũng cần báo hiếu ơn cha mẹ. Ơn cha mẹ theo Đức Phật là cái ơn mà chúng sanh cần phải trả đầu tiên trong phần tứ trọng ân cần trả. Đó là ơn Cha mẹ, ơn Thầy tổ, ơn Tam bảo, và ơn Quốc gia.
Lý do thứ 2 là ngày bắt đầu, kết thúc mùa An cư của truyền thống Phật giáo Bắc Tông và Nam Tông có sự chênh lêch nhau. Phật giáo Bắc Tông bắt đầu vào 16/4 và kết thúc vào 15/7 còn Phật giáo Nam Tông bắt đầu vào 16/6 và kết thúc vào 15/9. Vì vậy nếu muốn cúng dường tứ vật dụng cho chúng Tăng để tạo phước báu thì phải cúng dường vào ngày 15/9 – trùng với ngày kết thúc mùa An cư của chư Tăng, ni Phật giáo Nam Tông
Phỏng vấn Tiến sĩ Đại đức Thích Thiện Minh
Phó Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN Quận Thủ Đức;
Phó Tổng Biên Tập Tạp chí Phật giáo Nguyên Thuỷ
………
CTV: Kính thưa Đại đức, dưới thời Đức phật, chúng con được biết là chưa có truyền thống “Cài Hoa Lên Áo” để tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ; truyền thống này chỉ mới được du nhập vào Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Vậy xin Đại đức cho chúng con được biết về quan điểm của Phật giáo Nam Tông đối với truyền thống “Cài Hoa Lên Áo” ạ?
Đại đức Thiện Minh:
Truyền thống cài hoa Hồng lên áo là một truyền thống đẹp. Truyền thống này có xuất xứ từ Nhật Bản do Hòa Thượng Thiên Ân và Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh truyền bá về Việt Nam. Theo truyền thống đó thì những người con cài hoa Hồng trắng nghĩa là đã mất cha mất mẹ, còn cài hoa Hồng đỏ là cha mẹ vẫn còn.
Tuy rằng Phật giáo Nam Tông chưa tổ chức nghi thức này nhưng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cho truyền thống đó. Được thấy nghi thức cài hoa lên áo và Lễ hội Vu Lan Báo hiếu ngày càng được tổ chức sâu, rộng và trở thành truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Hằng năm, chúng ta cũng thấy Lễ hội Vu lan được in chính thức vào Lịch hàng năm. Thậm chí, lúc Bác Hồ còn là Chủ Tịch nước, lễ Vu Lan đã được tổ chức long trọng ở Việt Nam và ngày đó được xếp là ngày nghỉ lễ.
Cho dù các chùa theo truyền thống Nam Tông không áp dụng nghi thức cài hoa lên áo hay Lễ hội Vu Lan nhưng, ngày lễ hội đó Tăng Ni và Phật tử tụng những bài kinh kệ ân phụ mẫu giúp người phật tử hiểu được trách nhiệm của phận làm con để lo báo hiếu và hướng dẫn người phật tử biết tham thiền, bố thí, giữ giới… để tạo phước báo đền ơn cha mẹ. Và dù là dưới hình thức nào đi chăng nữa thì ý nghĩa về việc đền ơn cha mẹ đều giống nhau. Ở đây, Chúng tôi chỉ tránh đi cái hình thức bề ngoài đôi chút và không muốn đẩy cái lệ thành cái luật mà thôi.
Phỏng vấn Tiến sĩ Đại đức Thích Thiện Minh
Phó Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN Quận Thủ Đức;
Phó Tổng Biên Tập Tạp chí Phật giáo Nguyên Thuỷ
………………..
Về mặt sử liệu và kinh điển của các truyền thống thì có mâu thuẫn đôi chút như thế. Nhưng về mặt hướng thiện, đạo đức của quần chúng Phật tử thì việc tổ chức ngày Rằm tháng Bảy rất hữu ích. Việc này giúp cho người tại gia lẫn xuất gia có một ngày trọn vẹn để tưởng nhớ đến hai đấng sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, giúp họ có ý thức vững chắc để hành thiện, bố thí, đền đáp công ơn trời biển của cha và mẹ.
Hòa nhịp trong sinh hoạt chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến rằm tháng bảy mỗi chùa Nam tông đều tổ chức lễ đặt bát hội cho chư Tăng. Nghi lễ thường là người Phật tử sắm thực phẩm và tứ sự như cơm, nước, trái cây … để đợi đến giờ chư Tăng xếp hàng đi chậm rãi trong chánh niệm, theo thứ tự trưởng hạ, Phật tử thành kính để thức ăn vào trong bình bát của chư Tăng. Chư Tăng hoan hỷ thọ nhận và đọc kinh Phúc chúc để Phật tử thành tâm chú nguyện chia đều phần phước này thấu đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, rồi sau đó Phật tử cùng đọc kinh hồi hướng. Chương trình lễ thường có buổi thuyết giảng của chư Tăng để người Phật tử hôm đó được dịp ôn lại trọn vẹn hình ảnh công ơn bao la của cha mẹ, để thấy rằng bổn phận làm con là phải đáp đền công ơn cao cả này.
Thêm vào đó, người Phật tử Nam tông cũng cần hiểu rằng việc trả hiếu phải thực hiện trong bất cứ ngày, tháng, năm nào chứ không phải đợi đến rằm tháng Bảy. Ví như người thân chúng ta thiếu nước thì chúng ta phải cung cấp cho họ ngay. Trong kinh Tăng chi, Phật dạy người con chí hiếu phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sinh tiền những nhu cầu vật chất, không làm cha mẹ phiền lòng, thậm chí nếu cha mẹ không hiểu đạo thì người con phải cố gắng an trú cha mẹ vào trong chánh pháp, khi cha mẹ qua đời mới hồi hướng phước cho cha mẹ. Chứ không phải lúc cha mẹ còn sống thì người con ăn nói thô lỗ, bất hiếu, đến khi cha mẹ qua đời thì lại khóc lóc, cầu trời vái Phật, hoặc đi nhiều kiểng chùa để cầu siêu cho cha mẹ, vì rằng làm như thế cũng sẽ không có kết quả chi cả! Tóm lại, hành lễ ngày Rằm tháng Bảy hằng năm là để nhắc nhở những người con nam nữ phải nhớ đến công ơn vô bờ bến của cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì người con nên mua món quà nào đó để kính dâng lên Ba má để nhớ đến ơn nghĩa sinh thành, để tự nhắc nhở đến sự hiện hữu vi diệu của một niềm hạnh phúc rất đáng giá, ghi khắc trong tâm và tự hứa với đất trời không thể quên lãng người cha yêu dấu, người mẹ hiền thân thương. Nếu như người đã ngàn thu vĩnh biệt thì người con phải làm phước, bố thí, trì giới, tham thiền và lập trai đàn cầu siêu cho cha mẹ. Trên nền tảng căn bản đó, người Phật tử luôn ghi nhớ trong tâm: hiếu hạnh là truyền thống của chư Phật. Vì thế bổn phận làm con phải nhớ đến ơn nghĩa sinh thành và phải đáp đền trong muôn một. Không phải đợi đến ngày Rằm tháng Bảy mới nhớ đến công ơn của cha mẹ mà phải suốt đời, suốt năm, suốt tháng, chúng ta đáp đền công ơn hiếu dưỡng của hai đấng sinh thành



0 nhận xét:

Đăng nhận xét