Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH - AJAHN BRAHM - CHƯƠNG 9

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH 
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART 
And Other Buddhist Tales Of Happiness 
Ajahn Brahm 
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010

Chương IX 
GIÁ TRỊ VÀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH

75. Âm thanh hay nhất
Có ông già nhà quê suốt đời sống với rẫy vườn trong một vùng núi non xa xôi. Nay ông xuống thành phố lần đầu tiên để thăm con.
Một hôm ông được đưa đi xem phố xá của thị thành. Ông ngạc nhiên nghe một thứ âm thanh lạ kỳ và nhất quyết tìm cho biết. Ông phăng lần đến căn phòng đằng sau một tòa nhà và thấy có em bé đang kéo đờn. Thì ra những âm thanh chói tai ò ò, e e... phát xuất từ cây đờn này. Hỏi thứ đờn gì, ông được biết đó là cây vĩ cầm. Từ dạo đó, ông nói, ông không bao giờ muốn nghe tiếng vĩ cầm nữa.
Hôm sau ông nghe trong một góc phố khác những âm thanh du dương như vuốt ve đôi tai già yếu của ông. Núi rừng nơi ông sanh ra và lớn lên không có các âm thanh này. Ông lại đi tìm nữa. Đến nơi ông thấy một bà đứng tuổi đang kéo vĩ cầm, bà là nhạc sư còn bản nhạc là Sonata.
Bấy giờ ông mới vỡ lẽ rằng mình sai. Tiếng ò e chói tai ông nghe hôm qua không phải lỗi tại cây vĩ cầm mà cũng không phải tại cô bé. Đó chỉ là những tiếng nhạc chưa thuần thục mà thôi.
Cũng vậy, trong lĩnh vực tôn giáo, nếu có ai vì quá mê muội mà gây tranh chấp đạo giáo, đạo giáo nào có lỗi gì. Nếu quy lỗi, sự mê muội là nguyên nhân gây tội lỗi vậy. Si mê thường ẩn núp trong những kẻ sơ cơ, tu chưa đến nơi đến chốn mà cô bé tập vĩ cầm là một ví dụ điển hình. Còn nhạc sư vĩ cầm tượng trưng cho các bậc thượng thừa không còn tham, sân, si; chư vị đem lại cho thế gian biết bao vị ngọt, hương thơm của đạo giáo, bất kỳ là đạo nào.
Chuyện chưa hết...
Ngày thứ ba, ông già nhà quê nghe được tại góc phố khác một thứ âm thanh tuyệt vời, vượt hẳn tiếng vĩ cầm của bà nhạc sư. Âm thanh gì vậy? Bạn có thử đoán được không?
Âm thanh của một dàn nhạc giao hưởng. Nhạc lúc dìu dặt như thác nước trong lành của mùa xuân, lúc vi vu như tiếng gió reo giữa rừng thu, líu lo như chim hót trên cành sau trận mưa giông. Có lúc tiếng nhạc đẹp huyền ảo như sự an lành trong hang động vào những đêm đông tĩnh mịch. Sở dĩ có được một bản nhạc tuyệt vời như vậy vì các tay đờn đều là danh cầm và vì họ biết thế nào là hòa âm.
“Có thể nào đạo giáo được như vậy chăng?” Ông già nhà quê của chúng ta suy tư. Ông nghĩ có thể lắm chớ, nếu mỗi người chúng ta biết học lấy lòng từ qua cuộc sống và nếu mỗi chúng ta đều phát huy tâm bi trong đạo mình. Hiểu đạo mình rồi chúng ta hãy sống hòa với các đạo khác.
Hòa hợp là âm thanh đẹp nhất!

76. Ý nghĩa của cái tên
Theo truyền thống, lúc thọ giới mỗi Phật tử đều được thầy mình đặt cho một cái tên mới, một pháp danh. Pháp danh tôi là Brahmavamso (tạm dịch là Phạm Tông). Vì thấy tên hơi dài tôi rút gọn thành Brahm. Tôi được mọi người gọi là Brahm, trừ mẹ tôi. Bà vẫn gọi tôi là Peter và tôi rất hoan hỷ với cái đặc quyền của bà.
Lần nọ, trong một cuộc điện đàm mời tôi tham dự một lễ liên tôn, tôi được yêu cầu đánh vần pháp danh mình để ban tổ chức ghi cho chính xác. Tôi đáp:
B như trong chữ Buddist (Phật tử)
R như trong chữ Roman Catholic (Con chiên của Thiên Chúa Giáo)
A như trong chữ Anglican (Anh giáo đồ)
H như trong chữ Hindu (Ấn độ đồ)
M như trong chữ Muslim (Hồi giáo đồ)
Các đánh vần này gây được nhiều thiện cảm nên từ dạo đó tôi được tiếp tục đánh vần pháp danh mình như vậy. Hơn thế nữa, pháp danh tôi hàm chứa các ý nghĩa nói trên.

77. Quyền năng kim tự Tháp
Hè 1969, tôi vừa tròn 18. Tôi được sang bán đảo Yucatan ở Guatemala để xem các kim tự tháp của nền văn minh maya (Nền văn minh Maya trải dài từ 2000 trước công nguyên đến 250 sau công nguyên, được tìm thấy trong vùng gồm Nam Mễ Tây Cơ, bán đảo Yucatan và Bắc Trung Mỹ). Kim tự tháp vừa được khám phá trong rừng già và là môi trường nguyên sinh mà tôi được thiện duyên đặt chân đến lần đầu tiên. Lúc bấy giờ đường đi rất trắc trở. Tôi phải mất bốn ngày mới qua hết đoạn đường vài trăm cây số từ thủ đô Guatemala đến khu di tích, khu Tical. Tôi phải vượt suối bằng ghe câu nhỏ lem luốc dầu mỡ bẩn thỉu và băng rừng lúc trên xe vận tải đầy nhóc hàng hóa lắc lư trên đường đất ngoằn ngoèo, lúc trong xe máy ba bánh cọc cạch leo dốc không muốn nổi.
Khu di tích lịch sử Tical mênh mông, gồm nhiều đền đài và kim tự tháp cổ, nhưng rất heo hút và hoang vắng. Lúc đến nơi tôi không thấy một bóng người nên phải tự xoay xở lấy một mình. Tôi leo một trong những tháp cao nhất và lên tới đỉnh. Tôi chợt nhận chân được giá trị tinh thần và ý nghĩa uyên ảo của các tháp này.
Trên đỉnh tôi nhìn thấy bốn bề mênh mông mút tận chân trời. Tôi hình dung một chàng trai Maya hằng ngày sống dưới lớp tàn cây cổ thụ không thấy trời mây, bỗng dưng đứng trên kim tự tháp cao chót vót, nhìn bầu trời bao la, tưởng chừng mình đang ở giữa thiên đường và hạ giới. Chắc chắn anh bừng tỉnh, biết thế nào là hư vô, chân lý là gì, và cuộc sống có ý nghĩa làm sao.
Cũng vậy, chúng ta hãy dành cho mình thời gian, dầu chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, để leo ngôi kim tự tháp, nội tại và đứng lên trên nóc rừng già chằng chịt của cuộc sống. Bấy giờ chúng ta mới nhận thức được vị trí của chúng ta trên đoạn đường đời chúng ta dấn bước và hư không vô tận chung quanh chúng ta.

 78. Đá cuội
Tại một đại học nổi tiếng nọ ở Hoa Kỳ có ông giáo nghĩ ra một phương pháp sư phạm hết sức độc đáo. Một hôm, ông đem vô lớp cao học kinh tế xã hội một cái hủ và một túi đá cuội. Sinh viên ngạc nhiên thấy ông cẩn thận lấy đá bỏ từng viên vào hủ. Lúc không còn nhét đá vô nữa ông hỏi:
“Hủ đá đầy chưa, các bạn?”
Tất cả đồng thanh trả lời:
“Thưa đầy rồi.”
Ông cười. Đoạn ông lấy trong cặp ra túi sỏi và bỏ sỏi vô các kè đá. Xong ông hỏi;
“Hủ bây giờ đầy chưa?”
Biết mẹo của ông rồi, nhiều sinh viên thưa:
“Chưa.”
Họ trả lời đúng vì ông giáo vừa đổ thêm cát vừa lắc, và cát lọt xuống tận đáy hủ, bấy giờ ông cười nói:
“Chắc đã đầy rồi phải không?”
“Thưa, cũng chưa chắc!”
Đúng vậy, ông giáo từ từ mở nút chai, đổ thêm nước vô hủ cho đến khi nước tới miệng hủ mới thôi. Ông quay xuống sinh viên hỏi:
“Thí nghiệm vừa qua dạy chúng ta điều gì?”
Một sinh viên nhanh nhẩu đáp:
“Dầu có bận rộn thế mấy đi nữa, chúng ta cũng có thể thêm công tác cho một ngày làm việc của chúng ta.”
“Không hẳn vậy,” ông nói tiếp, “nếu muốn bỏ đá cuội vô hủ, chúng ta phải bỏ chúng trước.” Đây là một bài học về “ưu tiên”.
Vậy cái gì được xem như “đá cuội” trong “hủ” của bạn? Là các điều quan trọng nhất đối với cuộc đời bạn?

79. Rồi tôi sẽ hạnh phúc
Đá quý nhất mà chúng ta bỏ vô hủ hẳn là hạnh phúc nội tại. Nếu chúng ta không có hạnh phúc chúng ta không thể nào giúp người khác hạnh phúc được. Biết vậy, tại sao chúng ta lại thờ ơ với hạnh phúc của chính mình?
Năm tôi 14, tôi thi lên cấp O (tương đương với trung học cơ sở) của một trường trung học tại Luân Đôn. Vì học thi, cha mẹ và thầy tôi khuyên tôi nên ngưng đá banh, môn thể thao tôi thích chơi mỗi tối và cuối tuần. Tôi cần dành thì giờ cho bài vở trước. Vả lại kỳ thi tới rất quan trọng, nếu đậu tôi mới thật sự vui sướng.
Tôi nghe lời khuyên và thi đậu. Nhưng tôi nào thấy vui sướng gì đâu vì tôi phải lo học nhiều hơn trong hai năm tới để thi cấp A (tương đương với tú tài). Rồi một lần nữa tôi được cha mẹ và thầy khuyên như trước đây. Bấy giờ thay vì đừng chạy theo banh tôi được biểu đừng chạy theo “bồ” để có thì giờ học. Và tôi sẽ mãn nguyện khi đậu cấp A.
Một lần nữa tôi nghe lời khuyên và thành công. Nhưng mãn nguyện đâu chẳng thấy, tôi chỉ thấy ba năm nhọc nhằn sắp tới của chương trình đại học. Cùng một luận điệu như trước đây, mẹ và thầy cô khuyên tôi cố gắng học hành và tránh xa các tiệc tùng, rượu chè trong trường, để sẽ được sung sướng khi nắm trong tay mảnh bằng đại học.
Xong đại học tôi bắt đầu nghi ngờ.
Tôi thấy nhiều bạn tốt nghiệp làm việc còn vất vả hơn. Họ cố gắng làm ra tiền để mua hạnh phúc, chiếc xe chẳng hạn. Có xe rồi, họ nghĩ họ sẽ hạnh phúc khi có vợ đẹp. Có vợ như ý muốn nhưng họ vẫn còn hớt hơ hớt hải chạy tìm hạnh phúc. À, phải sắm cái nhà mới có hạnh phúc. Thế là họ làm đầu tắt mặt tối để có đủ tiền mua nhà. Chưa xong, phải có con và thức khuya dậy sớm lo cho con, lo lắng của họ chồng chất. Rồi họ tự an ủi, “Hai mươi năm nữa lúc con lớn khôn, ta sẽ tự do hưởng hạnh phúc vậy.” Con ra đời bay nhảy, cha mẹ thui thủi một mình lo chắt chiu để về hưu trong hạnh phúc. Về hưu – có khi cả trước lúc họ hưu – họ bắt đầu đi chùa. Thảo nào chúng ta thấy nhà chùa thường đông người cao tuổi. Trước Phật đài họ vẫn van vái xin được về cõi Tây phương cực lạc để được hạnh phúc vĩnh hằng.
Ai nghĩ rằng: “Tôi sẽ hạnh phúc khi được cái này hay cái kia”, người ấy chỉ sống trong “mộng tưởng điên đảo”. Họ chỉ mơ không bao giờ biết hạnh phúc là gì!

80. Ông Câu Mễ Tây Cơ
Một sáng nọ có một ông du khách Mỹ lửng thửng xuống bến cá Mễ xem cho biết sự tình. Thấy ông câu chuyển giỏ cá lên bờ, ông cầm lòng không đậu nên gọi ông câu cho vài lời khuyên.
“Ông câu ơi, sao ông vô bờ sớm vậy?”
“Senor (Senor là tiếng Mễ có nghĩa là Ông), đủ rồi” ông câu vừa chỉ cá trong giỏ vừa đáp. “Mẻ cá này dư cho gia đình tôi ăn hôm nay, còn có thể bán bớt đi một ít nữa là khác.”
Có vẻ ngạc nhiên, ông khách hỏi:
“Biển êm dễ câu, sao không ở lại kiếm thêm?”
Ông câu giải thích: “Tôi về để ăn cơm với gia đình cho vui, ngủ trưa một giấc rồi giỡn với mấy cháu nội, cháu ngoại. Chiều xuống câu lạc bộ nhậu chút rượu tequila (Tequila là rượu đặc sản Mễ Tây Cơ, được cất từ cây dứa xanh Agave tequila, Weber. Giống như rượu đế Việt Nam) và đờn ca vài bản giải trí cùng bạn bè. Đời như vậy là đủ, đủ lắm rồi, Senor!”
“Nè ông bạn ơi!” ông khách bắt đầu giảng, “Nếu ông ra khơi tới chiều ông có thể câu gấp đôi, ông kiếm được nhiều tiền hơn. Sáu hay chín tháng sau ông có thể sắm được tàu lớn và mướn thêm nhân công phụ giúp cho đỡ mệt. Rồi ông sẽ ra xa bờ, đánh được nhiều cá và cá to. Trong vài năm ông có thể mua thêm tàu thứ 2. Và nếu ông cứ tiếp tục như vậy không mấy hồi ông sẽ làm chủ một đội tàu đánh cá”. Không để ông câu mở miệng, ông khách giảng tiếp: “Bấy giờ ông có thể chuyển qua Mỹ, qua Mexico City hay Los Angeles, lập công ty, lên sàn chứng khoán và giàu to. Tôi biết chắc như vậy. Tôi nói thiệt. Đây là lời của một đại giáo sư kinh tế Mỹ đó ông à!”
Sau khi nghe ông giáo sư ba hoa và đợi ông dứt lời, ông câu hỏi: “Nhưng giáo sư ơi, tôi sẽ làm gì với triệu đôla đó?”
Thấy chương trình mình hoạch định cho ông câu chưa đầy đủ, ông giáo sư vội nói thêm:
“Ông bạn của tôi ơi! Ông có thể về hưu, hưu sớm và vĩnh viễn. Rồi ông sẽ mua biệt thự nho nhỏ trong làng chài thơ mộng như làng này nè và mua du thuyền để mỗi sáng đi câu chơi, trưa về ăn cơm với gia đình và ngủ nghỉ không còn âu lo cho tương lai nữa. Xế ông vui đùa với con cháu. Tối, sau khi cơm nước xong, ông có quyền nhấm nháp tequila và đờn ca vui chơi với bè bạn. Những ngày hưu của ông chắc chắn sẽ tuyệt vời lắm đó.”
Ông câu cười rồi chậm rãi nói: “Ông giáo sư ơi, tôi đang sống như ông nói nè!”
Ở đời, tại sao chúng ta phải dốc hết công sức ra để mong giàu sang, quyền cao chức trọng trong lúc quên đi cuộc sống hiện tại mà chúng ta đang mãn nguyện.

81. Không mong muốn: Mãn nguyện trọn vẹn
Truyền thống của tông phái Theravada tôi không bao cho phép sư nhận, giữ hay có tiền. Chúng tôi không tiền nên làm đảo lộn hết các thống kê của tổng sản lượng quốc gia, xin lỗi!
Sư chúng tôi sống nhờ vào sự bố thí của bá tánh. Tuy nhiên đôi khi chúng tôi vẫn nhận được nhiều món cúng dường quý hiếm.
Tôi có lần giúp cho một tín chủ người Thái giải quyết một số vấn đề gia đình của ông. Ông hết lời cám ơn tôi và nói:
“Thưa sư, con muốn xin được kính cúng dường sư một món quà cần thiết đáng giá lối năm trăm đồng.” Cung dường, người Thái hay nói lên giá tiền của món quà để tránh mọi hiểu lầm về sau. Vì không nghĩ ra ngay món gì tôi cần và thấy ông cần đi gấp, tôi đề nghị sẽ nói với ông vào ngày hôm sau khi ông trở lại chùa.
Trước đó tôi rất hoan hỷ nhưng bây giờ tôi cứ canh cánh nghĩ đến những thứ mà tôi cần. Tôi bèn lập một danh sách, và danh sách cứ dài thườn thượt, vượt ra ngoài khả năng mua sắm của năm trăm đồng Thái. Tôi định bớt ra nhưng không biết bớt món nào. Ước muốn thoạt tiên rất mông lung song sau cùng cũng cô đọng được thành nhu yếu!
Nhưng nhận thức được sự mâu thuẫn này, tôi bèn xé bỏ bảng danh sách. Hôm sau tôi xin thí chủ cúng dường cho quỹ xây cất tự viện hoặc cho cơ quan từ thiện nào cũng được. Thật sự tôi không muốn gì hơn là sự mãn nguyện mà tôi từng có trước phút tôi được thí chủ đề nghị cúng dường tôi vật dụng đáng giá năm trăm đồng Thái. Lúc không có tiền hay không có phương tiện thủ đắc cho riêng mình là khi ước muốn của tôi đã được như ý.
Ham muốn không có lúc dừng. Một triệu đồng Thái hay cả một triệu đôla cũng không thể gọi là đủ cho tâm tham. Nhưng tâm không tham biết đúng lúc dừng. Đó là lúc tâm không muốn gì hết. Không muốn gì hết đem lại sự mãn nguyện trọn vẹn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét