MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART
And Other Buddhist Tales Of Happiness
Ajahn Brahm
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010
Chương V
TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART
And Other Buddhist Tales Of Happiness
Ajahn Brahm
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010
Chương V
TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
36. Tâng Bốc Đưa Con người Ta Đi Xa Lắm!
Tất cả chúng ta đều muốn được khen nhưng thường hay bị chê. Tôi nghĩ như vậy cũng hợp lý thôi, vì chúng ta hay chê hơn khen người khác. Bạn hãy nghe những lời do chính miệng mình thốt ra thì sẽ biết liền.
Không được khen, các sự việc tốt lành sẽ bị lãng quên và mất đi, lời khen, dầu chỉ là một lời, có huyền lực gìn giữ và phát huy chúng. Chúng ta thích nghe lời khen và làm đủ mọi cách để được tâng bốc.
Lần nọ, tôi đọc tài liệu nói về phương pháp chữa chứng ít thèm ăn của trẻ con bằng sự tâng bốc. Các bé này ói mửa ngay sau khi nuốt thức ăn cứng khỏi miệng. để cỗ vũ các em nhóm phụ huynh ăn mừng mỗi khi có em nào giữ được thức ăn cứng trong bao tử hơn một phút. Phụ huynh các em đội nón giấy, leo lên ghế đứng ca hát và vỗ tay. Y tá nhảy múa và tung bông giấy màu. Vài người còn chơi nhạc mà em thích. Em được lưu ý đặc biệt trong nhóm các em đồng thuyền và trở thành diễn viên chánh của buổi hội vui. Lần lần các em được khen đó giữ được thức ăn trong bao tử lâu hơn. Sự thích thú được biết mình là đầu dây mối nhợ của buổi liên hoan tác dụng đến hệ thần kinh của các em, những đứa bé ham được tâng bốc như người lớn chúng ta.
Ai bảo rằng “sự tâng bốc chẳng giúp được ai” là người... nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta nên tha thứ họ. Sự tâng bốc đưa con người đi xa lắm các bạn à!
37. Làm thế nào để trở thành VIP?
Trong năm đầu tiên tự viện được thành lập tôi phải học xây dựng. công tác đầu tiên của tôi là xây khu gồm sáu nhà vệ sinh và sáu phòng dùng để rửa đồ thờ tự sau mỗi buổi lễ. Thế là tôi phải học bắt ống nước. Tôi học bằng cách đem bản vẽ đến tiệm ống nước và xin nhờ “chỉ dẫn”.
Công tác khá lớn nên Fred, anh chàng đứng ở quầy tiếp khách, không ngần ngại dành cho nhiều thì giờ chỉ dẫn chi li, kể cả việc phải bôi keo như thế nào cho đúng kỷ thuật. Nhờ sẵn tánh nhẫn nại và được sự giúp đỡ tận tình của Fred tôi gắn xong hệ thống nước thải. Vị thanh tra của ủy ban y tế đến khám - ông khám rất kỹ - gật đầu cho qua. Tôi rất đỗi vui sướng.
Vài ngày sau tôi gởi tiền cho tiệm ống nước kèm theo thư cám ơn, đặc biệt cám ơn Fred đã giúp tự viện có phương tiện thiết yếu để hoạt động. Tôi không ngờ tiệm “của Fred” chỉ là một cơ sở thương mại của một công ty lớn có cả một phân bộ thanh toán riêng nên chi phiếu và thư tôi đi thẳng đến cô thư ký kế toán thay vì đến tay Fred. Được thư tôi cô thư ký mở xem và ngạc nhiên, vì thông thường thư đi kèm với giấy trả tiền chỉ là thư khiếu nại. Cô đem thư lên vị kế toán trưởng. Ông cũng ngạc nhiên nên trình giám đốc điều hành công ty. Đọc thơ xong ông giám đốc giở điện thoại gọi Fred liền cho biết anh có thư khen đang nằm trên bàn giấy của ông. Ông nói:
“Đây là thư mà công ty mong đợi. Giao tiếp khách hàng. Phải như vậy đó!”
“Dạ. Thưa ông”
“Fred, anh đã giúp tạo uy tín cho công ty”
“Dạ”
“Công ty chắc chắn sẽ khen thưởng anh. Tôi sẽ gặp anh trong nay mai.”
“Dạ, cám ơn ông.”
“Rất tốt, Fred!”
“Dạ, cám ơn ông.”
Một hai tiếng đồng hồ sau đó tôi ra tiệm “của Fred” để đổi vài món đồ. Tôi thấy hai ông thợ ống nước người Úc thịt bắp vai u xếp hàng trước tôi. Fred bên trong thấy tôi bèn gọi với nụ cười nở rộng trên môi.
“Sư BRAHM, tới đây”
Tôi được Fred đón mời như VIP. Tôi được đi vô trong quày, chỗ mà khách không được phép vô, để chọn món đồ tôi cần thay thế. Tôi tìm ra món đồ tôi cần. Nó lớn hơn và chắc là phải đắt hơn món tôi đổi, tôi hỏi Fred:
“Tôi cần bù bao nhiêu, hở Fred?”
“Đối với sư Brahm, khỏi thêm gì cả!” Anh đáp với nụ cười nở rộng. Và anh kể cho tôi nghe trọn câu chuyện điện thoại giữa anh và ông giám đốc của anh.
Lời khen cũng đáng đồng tiền đó chứ!
38. Cười Bằng Hai Ngón Tay
Lời khen đáng đồng tiền, thắt chặt tình giao hảo và tạo niềm vui hạnh phúc. Chúng ta cần phổ biến rộng rãi khời khen.
Người mà chúng ta khó khen nhất là chính chúng ta. Tôi lớn lên trong truyền thống tin tưởng rằng ai tự khen là người tự cao tự đại. Thật ra không phải vậy đâu. Họ hào hiệp, rộng lượng thì đúng hơn. Khen các đức tánh của mình là tích cực khuyến khích chúng đó chớ.
Hồi còn là sinh viên theo học lớp thiền, tôi được thầy cho một lời khuyên rất thực tế. Ông hỏi tôi làm gì trước tiên sau khi sáng thức dậy.
“Dạ, làm vệ sinh” tôi đáp.
“Trong phòng vệ sinh có kiếng soi mặt không?”
“Dạ có.”
“Tốt,” ông nói, “Vậy chú hãy nhìn vô kiếng cười trước khi đánh răng. Tôi muốn chú cười với chú trong kiếng.”
“Dạ cười gì nổi mà cười, thưa thầy,” tôi chống chế, “sinh viên tụi con thường ngủ trễ, sáng dậy ít khi tỉnh táo, thấy mặt là phát sợ rồi.”
Ông khẽ cười, nhìn thẳng vô mắt tôi và bảo: “Nếu cậu không thể cười tự nhiên thì dùng hai ngón tay trỏ kéo chằng miệng ra mà cười.” Ông làm thử và nói, “Như vầy nè.”
Ông trông rất dị hợm. Tôi bật cười khúc khích. Ông biểu tôi làm thử. Tôi làm cho ông coi.
Ngay sáng hôm sau, tôi lê thân ra khỏi giường, đi băng xiêng băng nai vô phòng tắm. Tôi nhìn lên kiếng “Rrrrr!” Dễ sợ. Không sao tôi mở miệng cười được. Tôi nghe lời thầy lấy tay kéo chằng miệng ra. Tôi thấy thằng ngốc trong kiếng và không sao nín cười được. Thằng ngốc cười lại tôi. Tôi cười lớn hơn. Nó cũng cười lớn hơn. Sau cùng hai đứa cùng cười với nhau.
Tôi thực tập cười như vậy trong vòng hai năm. Mỗi sáng, sau khi thức dậy, làm gì thì làm, tôi đều cười với tôi trong kiếng bằng hai ngón tay trỏ của tôi. Hiện tôi có tiếng là người hay cười. Phải chăng các cơ quanh miệng của tôi đã quen với cái cười rồi.
Tôi có thể thử cái trò cười bằng hai ngón tay này bất cứ lúc nào. Nó giúp tôi rất nhiều, nhất là trong lúc bệnh, buồn bực, chán nản hay trầm cảm. Cười giúp thảy vô máu chất endorphin có khả năng củng cố hệ thống miễn nhiễm và làm con người hưng phấn.
Cười giúp chúng ta thấy 998 viên gạch tốt (xem “Hai viên gạch lệch”, số 1). Cười làm đẹp chúng ta. Vì vậy, tôi thỉnh thoảng gọi tự viện Perth là “Viện thẩm mỹ của Ajahn Brahm”
39. Lời Giảng Vô giá
Tôi nghe nói trầm cảm đang nuôi sống một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận - cả tỷ đô la hằng năm. Làm giàu trên sự khổ đau của người khác, thật đáng buồn! Truyền thống của tông chúng tôi không tính tiền cho bất cứ dịch vụ nào: thuyết giảng, ấn tống, cố vấn, khuyên lơn v.v...
Hôm nọ có một bà người Mỹ điện thoại đến vị thiền sư nổi tiếng để xin học thiền. Bà lè nhè nói:
“Tôi có nghe nói sư dạy thiền…”
“Thưa bà có,” ông từ tốn đáp.
“Sư lấy bao nhiêu vậy?” Bà vào đề ngay.
“Không tốn tiền thưa bà.”
“Vậy chắc sư không khá!” Bà nói rồi gác ống.
Tôi cũng nhận được một cú điện thoại tương tự từ một bà người Úc gốc Ba Lan hồi mấy năm trước:
“Nghe nói trung tâm sư có buổi nói chuyện vào tối nay?”
“Thưa bà đúng. Vào lúc 8:00 giờ tối,” tôi đáp
“Vé vô cửa là bao nhiêu, thưa sư?”
“Thưa vô cửa tự do,” tôi giải thích.
Một giây im lặng. đoạn tôi nghe bà gằng giọng:
“Sư không hiểu ý tôi. Tôi muốn hỏi tôi phải cúng bao nhiêu để được nghe sư thuyết pháp?”
“Thưa bà không cần cúng dường món tiền nào hết. Vào cửa tự do,” tôi cố ôn tồn.
“Nghe này!” Bà ta la lớn bên kia đầu dây, “Tiền đô la! Tiền cắc! Tôi phải móc ra bao nhiêu để trả tiền vô cửa?”
“Thưa bà không phải xuất đồng nào hết. Bà chỉ đến và cứ đi vô. Ngồi. Và ra đi lúc nào cũng được hết. Không ai có quyền hỏi quý danh hay địa chỉ của bà. Không ai được quyền quảng cáo bất cứ thứ gì. Cũng không ai yêu cầu bà cúng dường lúc bà vô hay ra cửa. hoàn toàn miễn phí.”
Im lặng và im lặng lâu hơn.
Sau cùng bà hỏi gặng, thành thật muốn biết rõ hơn:
“Vậy thì các sư được gì khi thuyết pháp?”
“Hoan hỉ, thưa bà,” tôi đáp. “Hạnh phúc!”
Giờ đây khi có ai đó hỏi tới các buổi pháp thoại, tôi không trả lời: “Vào cửa tự do” nữa mà là “Vô giá”
40. Rồi cũng sẽ qua
Với người bị chứng trầm cảm lời nói phải cần đơn giản mới mong có kết quả. Nhưng lời đơn giản hay bị hiểu lầm. Chỉ những người không bị trầm cảm hành hạ mới hiểu hoàn toàn câu chuyện sau.
Có một tù nhân rất lo sợ bị trầm cảm nặng. Tường đá của nhà tù hút hết hơi ấm; song sắt to chế giễu mọi lòng từ; tiếng đóng ập chói tai của cửa khám làm tiêu tan mọi hy vọng của ông. Tim ông chùng xuống tận đáy sâu vì bản án quá dài. Một hôm ông nhìn lên tường thấy nơi chỗ đầu nằm mấy chữ quọt quẹt trên đá như sau: “Rồi cũng sẽ qua”
Bốn chữ này giúp ông đi qua - chắc chúng cũng đã giúp được nhiều tù nhân trong xà lim này trước đây rồi. Từ dạo ấy, dầu có khốn khổ thế nào ông cũng nhớ “Rồi cũng sẽ qua”. Ngày ông được thả, ông hiểu rất rõ ý nghĩa của bốn chữ đó.
Trở vào đời ông thường nghĩ tới thông điệp viết vội trên vách đá nhà tù. Ông viết lại trên nhiều miếng giấy nhỏ để giữ bên gối, trong xe, chỗ làm. Và ông không bao giờ bị trầm cảm nữa dầu tình huống có thê thảm đến mấy. “Rồi cũng sẽ qua” luôn luôn nhắc nhở ông phấn đấu và rằng các khó khăn không bao giờ kéo dài vô tận. Lúc gặp vận may ông tận hưởng nhưng cẩn trọng. Hình như cái tốt đến và lưu lại với ông dài lâu hơn vì lúc nào ông cũng tâm niệm rằng cái xấu rồi cũng sẽ qua. Thậm chí lúc bị ung thư “Rồi cũng sẽ qua” đã đem lại cho ông thêm sức lực và niềm lạc quan, hai tiên dược ấy đẩy lùi ung thư. Thật vậy, hôm ông đi tái khám bác sĩ bảo ung thư của ông đã “đi qua”
Ngày hôm lâm chung, nằm trên giường bệnh ông thì thầm với thân nhân “Rồi cũng sẽ qua” và nhắm mắt lìa đời, an tịnh. Lời trối trăng của ông là món quà tình thương sau cùng ông gởi lại cho gia đình và bạn bè. Họ học được bài học quý “Rồi sầu muộn cũng sẽ qua”.
(Tôi nghe được câu chuyện xưa này lần đầu tiên lúc còn là một Phật tử trẻ ở Anh Quốc. Chuyện được kể lại và trích đăng trong The Way of the Sufi, Penguin Books, Harmandsworth, 1975, trang 80 – 1)
Trầm cảm là nhà tù mà ai ai trong chúng ta cũng đều có lần trải qua. “Rồi cũng sẽ qua” giúp chúng ta thoát ra an toàn. Thông điệp này còn giúp chúng ta tránh một trong những nguyên nhân lớn gây trầm cảm: xem hạnh phúc là điều dĩ nhiên.
41. Hy Sinh Quả Cảm
Lúc đi dạy tôi để ý một em bé “đội sổ” đứng thứ ba mươi trong lớp có ba mươi học sinh -trong kỳ thi cuối năm. Biết em thất vọng vì học lực kém cỏi của mình tôi kéo em ra riêng và khuyên giải:
“Phải có một em đứng hàng thứ ba mươi trong lớp ba mươi học sinh. Năm nay em quả cảm hy sinh nên không có em nào khác chịu cái nhục “đội sổ”. Em rất tốt, có lòng trắc ẩn. Em đáng được huy chương!”
Hai chúng tôi hiểu rằng điều đó nói rất lố bịch, nhưng em cười toe toét. Em không xem đó là chuyện-tận-cùng của thế giới nữa.
Năm sau em học khá nhiều hơn và môt em khác thay phiên làm việc hy sinh quả cảm: “đội sổ”.
42. Xe Phân Trước nhà
Chuyện không vui như “đội sổ” xảy ra thường xuyên trên đời và có thể xảy ra cho bất cứ ai. Chỉ có một sự khác biệt, đó là khác biệt giữa người không buồn và người buồn khi đối đầu với bất hạnh.
Thử nghĩ: Bạn vừa vui với cô bạn trên bãi biển một chiều hè. Lúc về nhà bạn thấy cả một xe phân đổ trước cửa nhà.
Bạn không có đặt mua phân. Không phải lỗi của bạn.
Phân thúi nồng nặc và mùi thúi vô tận nhà bạn. Bạn không thể chịu nổi.
Bạn lâm vào thế kẹt. Không ai thấy người đổ phân, bạn không thể gọi họ đến hốt đi.
Trong ẩn dụ trên xe phân trút trước nhà chỉ bất hạnh ụp xuống đời bạn; bạn không đặt mua tức bạn không biết trước; thế kẹt, không thể gọi ai hốt hàm ý chỉ có bạn phải giải quyết; mùi phân nồng nặc vô nhà có nghĩa ảnh hưởng xấu của bất hạnh đối với bạn. Vậy bạn phải tính sao, giải quyết thế nào?
Tôi xin đơn cử ba giải pháp sau:
- Than trách: tại sao tôi phải chịu cảnh này!
- Hôi thúi làm cho tôi không chịu được: chết cho rồi!
- Thế kẹt buộc tôi phải tự lo lấy.
Hai giải pháp đầu tiêu cực, không giải quyết được gì. Giải pháp thứ ba có hai cách giải quyết như sau:
Cách 1: làm quen với nó bằng cách đem phân theo trong túi áo, túi quần, cặp sách .v.v... nhưng làm vậy bạn sẽ bị mọi người tránh xa. ẩn dụ này nói rằng bạn chán ngán, nản lòng, tiêu cực. Đó là cách giải quyết cầu may thông thường đối với nghịch cảnh: “Chịu đựng cho nó qua cho rồi!” Và bạn bị mọi người tránh xa là phải vì chưa kể với thời gian phân sẽ rữa, thúi thêm.
Cách 2: Ra tay dọn dẹp. Đem xuổng, cuốc, xe đẩy ra để xúc đem phân ra giồng sau vườn bón rau cải, bông hoa, cây trái. Công việc rất nặng nhọc, nhưng đâu còn chọn lựa nào hay hơn. Nếu không làm xong được trong ngày thì làm lần hồi. Sau cùng đống phân cũng được dời đi, sân nhà sẽ hết hôi thúi. Hơn thế nữa, phân sẽ giúp rau cải tốt tươi, bông nở với nhiều sắc, nhiều hương và cây đơm nhiều trái ngọt. trái ngọt hoa thơm mời hàng xóm đến, có thêm bạn bè.
“Xúc đem phân ra giồng” hàm ý bạn tự giải quyết bất hạnh và biến bất hạnh thành hạnh phúc, tức có “trái ngọt, hoa thơm, rau cải tốt”. Quán chiếu vườn tâm mình, bạn chỉ có thể làm mình ên và làm với chữ nhẫn. Bạn cần nhiều tháng, nhiều năm để buông xả khổ đau hầu thấy hoa hạnh phúc kỳ diệu bừng nở, hương tình thương bay khắp nơi nơi và cây trí tuệ đơm trái quằn cành. Bạn sẽ chia sớt tất cả với mọi người, mọi vật để lòng từ ngời sáng.
Từng trải nghiệm khổ đau và vun trồng vườn tâm, chúng ta hãy dang tay ôm lấy người đang khổ đau và ôn tồn nói rằng, “Tôi biết”. Họ nhận thức được chúng ta đã hiểu. Lòng từ sẽ chớm nở. Bấy giờ chúng ta giới thiệu họ “cuốc, xểng, xe đẩy” và chỉ họ cách “biến phân thành hoa, rau, cải.”
Tôi biết nhiều thiền sư rất tự tại trước nghịch cảnh, nhưng không mấy vị là thầy giỏi. Phải chăng vì họ có cuộc sống quá an lành (không bị đổ phân trước nhà)? Ajahn Chah mà tôi quý như một đại sư chắc từng bị “đổ không phải một xe phân mà cả một hãng phân trước nhà.”
Bài học trên cho chúng ta thấy rằng nếu muốn theo con đường từ bi, chúng ta phải nói như sau lúc ta gặp nghịch cảnh: “Ồ, thêm phân cho vườn nhà!”
43. Hy vọng quá nhiều
It’s too much to hope for a life without pain,
It’s wrong to expect a life without pain
For pain is our body’s defence.
No matter how much we dislike it,
And nobody like pain,
Pain is important,
And,
For pain we how should be grateful!
How else would we know,
To move our hand from the fire?
Our finger from the blade?
Our foot from the thorn?
So pain we should be grateful!
Yet,
There’s a type of pain that serve no purpose,
That’s chronic pain,
It’s that elite band of pain that’s not for defence.
It’s an attacking force.
An attacker from within
A destroyer of personal ability
A ceaseless invader of personal peace
And
A continuous harassment of life!
Chronic pain is the hardest hurdle for the mind to jump
Sometimes it is almost impossible to jump,
Yet, we must keep trying,
And trying,
And trying,
Because if we don’t it will destroy.
And,
From this battle will come some good,
The satisfaction of overcoming pain.
The achievement of happiness and peace, of life spite of it
This is quite an achievement,
An achievement very special, very personal,
A feeling of strength
Of inner strength
Which has to be experience to be understood.
So, we all have to accept pain.
Even sometimes destructive pain.
For it is part of the scheme of things,
And the mind can manage it,
And the mind will become stronger for the practice.
Jonathan Wilson Fuller
Tạm dịch như sau:
Ta không mong nỗi đau,
Cơn đau là rào chắn,
Bảo vệ thân thể ta,
Dù ghét nó đến đâu,
Nó là điều quan trọng
Và,
Ta phải biết ơn!
Ta biết thêm điều gì,
Khi rút tay khỏi lửa?
Rút tay khỏi lưỡi gươm?
Rút chân khỏi gai nhọn?
Cơn đau là quan trọng,
Và, ta phải biết ơn!
Nhưng,
Có cơn đau không dừng,
Là cơn đau triền miên,
Không có rào chắn
Nó tấn công bên trong,
Hủy diệt niềm hạnh phúc,
Hủy diệt khả năng ta,
Xâm chiếm sự bình yên,
Và,
Quấy nhiễu cuộc đời ta!
Những cơn đau triền miên,
Là hàng rào vững chắc,
Mà tâm khó vượt qua,
Đôi khi là không thể,
Nhưng ta phải cố gắng,
Cố gắng,
Và cố gắng,
Bởi không nó diệt ta.
Và,
Từ thành lũy này
Điều tốt lành sẽ đến
Bù đắp nỗi đau kia.
Những thành tựu cuộc sống,
Cho ta niềm hạnh phúc,
Từ sức mạnh bên trong,
Những điều ta đã trải
Ta chấp nhận cơn đau
Những cơn đau khủng khiếp,
Như những điều bình thường,
Tinh thần sẽ mạnh hơn,
Trong cơn thử thách đó.
(Phước Huệ Huỳnh Ngọc Diệp dịch)
Bài thơ này được viết khi tác giả Jonathan Wilsin Fuller mới lên 9. Đó là lý do chính khiến tôi (Ajahn Brahm) xin ghi lại để quý đọc giả thưởng lãm.
44. Làm Thùng Rác
Một phần của công việc tôi làm là lắng nghe nghịch cảnh của người khác. Việc làm của các sư luôn luôn miễn phí nên chúng tôi có rất nhiều thân chủ, thân chủ đủ để mọi thành phần – già trẻ, sang hèn. Thông thường, lúc nghe khách kể chuyện thương tâm, tôi hay bị buồn lây. Tôi phải xuống hố mới cứu được người lọt hố, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ đem theo thang. Nhờ vậy sau thời khuyên giải tôi không bị ảnh hưởng mấy và dễ trở lại trạng thái bình thường. Đó là bí quyết mà tôi đã học được trong lúc xuất gia.
Ajahn Chah, thầy tôi bên Thái Lan từng nói rằng sư phải làm như thùng rác. Sư, nhất là sư có tuổi hạ cao, ngồi trong chùa lắng nghe tâm tư của người có vấn đề phải nhận lấy tất cả những vấn đề của người khách này thảy ra. Chuyện hôn nhân, khó khăn do con cái, cãi vã giữa xóm giềng, chuyện tiền bạc v.v… chúng tôi nghe rất nhiều. Tôi không biết vì sao? Xuất gia, chúng tôi ngồi lắng nghe và hứng lấy tất cả.
Ajahn Chah còn dạy chúng tôi nên làm như cái thùng rác thủng đáy. Thùng nhận tất cả rác được đem tới nhưng không giữ lại chút nào hết.
Do đó, một cố vấn thiện xảo phải là cái thùng rác không đáy và không bao giờ mệt mỏi (thấy đầy) khi nghe thảm kịch (rác) của người khác.
45. Công Bình Đó Chớ!
Lúc buồn bực chúng ta thường than, “Thật không công bằng! Tại sao là tôi chớ!”
Lần nọ sau buổi dạy thiền trong nhà tù, tôi có tiếp một tù nhân trung niên theo học với tôi lâu nay và tôi có biết ít nhiều về ông.
“Sư Brahm”, ông nói, “Tôi muốn tâm sự với ông là tôi không có gây nên tội mà tôi bị tù hôm nay. Tôi vô tội. Tôi biết nhiều tội nhân chối tội, nhưng tôi nói đây là sự thật, tôi không nói láo, không bao giờ đối với sư.” Tôi tin ông. Hoàn cảnh và tánh tình ông thuyết phục tôi rằng ông nói thật. Tôi bắt đầu nghĩ thiệt là bất công và không biết làm sao chuyển đổi bất công đáng sợ này. Nhưng ông cắt ngang suy tư của tôi.
Cười khẽ, ông nói: “Nhưng thưa sư, có nhiều tội khác tôi gây ra mà tôi không bị bắt. Công bình đó chớ, phải không thưa sư?”
Tôi cười giòn, cười lớn hơn ông nhiều. Cái ông hóm hỉnh này biết luật nhân quả rất rành, rành hơn cả một số sư.
Bao lần rồi chúng tôi từng gây “tội”- nhiều khi đầy ác ý và rất tai hại – nhưng chúng ta nào bị đày ải vì các tội ấy. Và có lần nào chúng ta kêu lên: “Bất công! Tại sao tôi làm tội mà không bị bắt?” hay không? Thế mà mỗi khi chúng ta bị làm khổ vì một lý do nhỏ nhen nào đó, chúng ta lại oán lại than, “Bất công. Tại sao là tôi?” v.v... và v.v...
Như tù nhân trung niên trên đã nói, trong đời có nhiều tội không bị trừng phạt, nhiều đến đỗi đời trở nên rất ư công bình!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét