Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH - AJAHN BRAHM - CHƯƠNG 10

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH 
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART 
And Other Buddhist Tales Of Happiness 
Ajahn Brahm 
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010

Chương X 
TỰ DO VÀ KHIÊM CUNG

82. Hai Thứ tự do
Ở đời có hai hình thức tự do: tự do ham muốn và tự do thoát khỏi ham muốn.
Văn hóa phương Tây chọn loại tự do thứ nhất, tôn sùng nó và đặt nó lên trang đầu của hiến pháp quốc gia và của bản tuyên ngôn nhân quyền. Có thể nói rằng hầu hết các nền dân chủ của phương Tây đều hàm chứa một tín điều: Bảo vệ tự do của con người để họ trọn quyền thực hiện điều họ mong muốn. Nhưng rất tiếc, trong các nền dân chủ ấy con người nào thật sự được tự do hoàn toàn!
Loại tự do thứ hai – thoát khỏi sự ham muốn – chỉ được thấy trong một số cộng đồng đạo giáo. Không ham muốn hay vô tham được đánh dấu bằng sự mãn nguyện, tức trạng thái tự tại không vị tham ái chế ngự. Trong cộng đồng tự tại, như đạo tràng của chúng tôi chẳng hạn, mọi người đều thật sự tự do hoàn toàn.

83. Bạn chọn hình thức tự do nào?
Hai tỷ kheo trưởng lão Thái được một gia đình nọ thỉnh về nhà cúng dường trai tăng. Hai vị được đưa vào phòng khách có hồ cá cảnh với nhiều loại cá sặc sỡ rất đẹp mắt. Nhìn cá, một vị phàn nàn rằng giữ cá trong hồ không khác gì cầm tù nhân trong khám. Cá có tội tình gì mà phải bị nhốt như vậy. Thật trái với đạo lý từ bi của Phật giáo. Theo ông cá phải được sống tự do trong sông rạch, ao hồ và muốn bơi đi đâu thì bơi. Vị trưởng lão kia không đồng ý và lý luận rằng trong hồ cá không thật sự được tự do nhưng tránh được các hiểm nguy lúc nào cũng chực chờ. Ông kể ra một số như sau:
Bị bắt. Thử hỏi có ai thả mồi câu cá trong hồ này không? Chắc chắn là không. Hãy thử hình dung cá sống hoang dã. Mỗi khi thấy con trùn ngo ngoe nó không biết chắc trùn đó thật hay giả. Nếu gặp phải trùn câu, nó dính lưỡi câu, bị kéo thẳng lên khỏi mặt nước và chết là cái chắc. Cá hoang dã nơm nớp lo sợ mỗi khi bụng đói cồn cào và mối lo sợ này làm chúng động não, đau tim, chết sớm!
Bị ăn thịt. Cá hoang dã luôn luôn sợ cá lớn hơn đớp mình. Ngoài ra chúng còn sợ các hóc hẻm không an toàn của nhiều suối ngang, rạch dọc tối tăm và ô nhiễm. Các họa này, thiết nghĩ không chủ nhân nào muốn gieo cho cá mình nuôi trong hồ.
Ăn phủ phê. Cá hoang dã có lúc không đủ mồi ăn, chớ cá trong hồ thì không bao giờ; chúng như sống kế bên “nhà hàng”, ngày hai bữa được đưa thức ăn bổ dưỡng đến tận miệng. Như vậy chúng không bao giờ sợ đói.
Sống trong nước điều hòa. Hồ nước lúc nào cũng được điều hòa nhiệt độ, độ mặn, độ pH, độ oxy hòa tan, v.v... Cá trong hồ không phải lo thời tiết nóng lạnh, khô hạn như cá hoang dã.
Được chăm sóc sức khỏe. Cá trong hồ có “bảo hiểm sức khỏe” không tốn tiền mà rất tốt. Đã vậy chúng còn không cần phải đi đâu hết, bác sĩ thú y đến tận nhà. Cá hoang dã làm gì được các đặc lợi này!
Vị trưởng lão thứ hai này kết luận rằng cá trong hồ có cuộc sống bảo đảm hơn cá hoang dã. Cũng vậy, trưởng lão nói, người sống đời thánh thiện không được tự do bay nhảy đó đây theo sở thích mình nhưng tránh được những rắc rối không lường.
Bạn thích thứ tự do nào?

84. Thế giới tự do
Suốt mấy tuần qua, tỷ kheo bạn của tôi có duyên đạy thiền cho các tội phạm bị án nặng trong một nhà tù tại Perth. Hầu hết các tù nhân rất lễ độ và thân thiện. Có lần họ hỏi sư thỉnh giảng về đời sống trong tự viện.
“Chúng tôi dậy lúc 4:00 giờ sáng,” sư kể, “Bấy giờ rất lạnh vì cốc chúng tôi không có lò sưởi. Chúng tôi chỉ dùng một bữa trong ngày, trước ngọ; thức ăn được đựng chung trong bình bát. Dĩ nhiên là không có tình dục và rượu chè. Cũng không có máy truyền hình, truyền thanh hay nhạc. Sư không được xem chiếu bóng hay chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm nhiều và dành thời giờ rỗi rãi ngồi xuống thiền theo dõi hơi thở. Chúng tôi ngủ dưới sàn.”
Các tù nhân rất đỗi ngạc nhiên, không ngờ các sư chúng tôi phải sống khắc khổ như vậy. So sánh, họ có cảm tưởng họ đang ở trong khách sạn năm sao. Thực tế là có một tù nhân thấy tội nghiệp các sư nên ngỏ lời: “Xin mời sư vô đây sống chung với chúng tôi.” Sư bạn tôi kể rằng ai nghe sư lặp lại cũng đều bật cười. Tôi nghe tôi cũng không thể nín cười. Nhưng tôi cũng không thể không suy tư!
Thật tình thì tự viện tôi có vẻ khổ hạnh hơn các nhà tù khắc khe nhất của các tội đồ tàn ác, nhưng tự viện tôi dành cho mọi người sự tự do hoàn toàn và mọi người đều hạnh phúc. Còn nhà tù dầu có đầy đủ tiện nghi thế mấy đi nữa cũng là nhà tù, tức là nơi tù nhân không được tự do và thiếu hạnh phúc. Do đó, tự viện là nơi người ta muốn tới còn nhà tù là nơi người ta muốn trốn.
Nói rộng ra, chỗ nào bạn không muốn ở là nhà tù đối với bạn. Đó là ý nghĩa đích thực của hai chữ “nhà tù”. Nếu bạn không thích công việc bạn đang làm, bạn đang bị tù. Nếu thân bạn đang lâm bệnh, bạn đang ở trong tù. Nhà tù là tình trạng trong ấy bạn không thấy có hạnh phúc.
Vậy làm thế nào để bạn vượt ra khỏi các nhà tù của cuộc đời? Dễ lắm. Bạn chỉ cần thay đổi quan niệm “không muốn ở trong đó” thành “muốn ở trong đó”. Vậy San Quentin (là nhà tù đầu tiên của bang California. Được xây năm 1852, tại San Quentin, quận Martin, được xem như nhà tù khắc nghiệt nhất và từng xử tử hình nhiều tội nhân nhất trên toàn nước Mỹ) hay tự viện của tôi sẽ không thể gọi là nhà tù nếu bạn “muốn ở trong đó”. Thay đổi quan niệm về công ăn việc làm, bệnh tật, hay một trạng thái tình huống nào đó, bạn sẽ xóa bỏ các nhà tù liên hệ. Khi bạn mãn nguyện, bạn tự do.
Tự do đi đôi với mãn nguyện cũng như hễ nói nhà tù là thấy ngay ý muốn thoát ra. Thế giới tự do là nơi mà ra đi không thể nào gọi là có tự do được. Và, tự do thật sự là tự do khỏi ái dục chớ không phải tự do chạy theo dục ái.

85. Tiệc của tổ chức Ân xá quốc tế
Biết sự khổ hạnh trong tự viện tôi, tôi rất dè dặt trong việc giao dịch với tổ chức ân xá quốc tế địa phương ở Perth. Do đó, lúc được tổ chức này mời dự tiệc kỷ niệm Tuyên ngôn nhân quyền, tôi hồi đáp như sau:
Thưa cô Julia, Giám đốc phát triển.
Tôi xin thành thật cám ơn Quý tổ chức đã có nhã ý mời tôi tham dự buổi liên hoan kỷ niệm 50 năm của ban tuyên ngôn nhân quyền tổ chức vào thứ bảy 30 tháng 05 tới đây. Tôi rất vinh hạnh.
Giới luật của tông phái Theravada không cho phép tu sĩ thọ trai từ sau giờ ngọ đến rạng đông hôm sau và dùng chất say, kể cả rượu chát. Nếu nhận lời tôi sẽ vào bàn tiệc ngồi trước dĩa và ly không, nhìn thực khách hoan hỷ với bữa tiệc chắc chắn là đầy cao lương mỹ vị. Âu là một cực hình mà tôi nghĩ Tổ chức Ân xá Quốc tế không bao giờ muốn xảy ra cho bất cứ ai.
Vả lại tông phái tôi không cho phép tu sĩ nhận hay giữ tiền. Tôi kể như sống dưới mức thu nhập của người nghèo – tôi rất hạnh phúc nhưng tiếc đã gây xáo trộn cho các thống kê quốc gia – nên tôi thiết nghĩ không có đủ phương tiện để đóng góp cho bữa tiệc liên hoan mà tôi không thể tham dự.
Ngoài ra, y áo của tu sĩ thuộc tông phái chúng tôi không thể nói là phù hợp cho một buổi liên hoan.
Tôi xin thành thật cáo lỗi.
Nay kính, Brahm.


86. Y áo của tu sĩ
Sư thuộc tông phái Theravada chúng tôi đắp y vàng và tôi chỉ có y vàng mà thôi. Chiếc y vàng này cũng có lắm vấn đề!
Vài năm trước đây tôi cần vào bệnh viện ít hôm. Ngay lúc nhập viện tôi được hỏi có đem quần áo không? Tôi đáp rằng các sư chúng tôi không có đồ ngủ, chỉ đắp hay không đắp y mà thôi. Họ để tôi đắp y của tôi.
Một vấn đề khác: y chúng tôi dễ lầm với chiếc áo dài của phụ nữ. Lần nọ, trong lúc tôi đang chất lên xe vật dụng xây cất mà tôi vừa mua ở ngoại ô Perth, có cô bé lối mười ba hay mười bốn tuổi tò mò ra xem. Cô đứng chống nạnh khinh khỉnh nhìn tôi từ đầu tới chân. Phút sau, bằng một giọng rất ư căm phẫn cô quở tôi: “Ông ăn mặc giống như đàn bà! Thấy phát ghê!”
Nhận xét của cô làm tôi bật cười. Rồi tôi nhớ lại lời của thầy tôi, Ajahn Chah, dạy rằng: “Nếu có ai chửi con là chó, hãy nhìn lại phía sau con. Không thấy có đuôi, con tất không phải là chó. Chấm hết.”
Đôi khi y cũng đem lại cho tôi lời khen tặng, ngay giữa đám đông. Tôi có việc xuống phố. Bác tài (sư không được phép lái xe) đậu xe của tự viện trong chỗ đậu cao từng. Bác cần đi tiểu nhưng chê nhà cầu của chỗ đậu xe dơ nên đi vô nhà cầu của một rạp chiếu bóng gần đó. Thế là tôi phải đứng đợi bác trước cửa rạp. Một thanh niên đến hỏi: “Have you got the time?” (nghĩa thông thường là, ông có biết bây giờ là mấy giờ không?) Thông thường các sư không có đeo đồng hồ nên tôi cũng không đeo. Tôi thật tình xin lỗi là không biết mấy giờ. Cậu nhíu mày và bỏ đi. Lúc cậu vừa xoay lưng đi tôi chợt ngờ ngợ với câu “Have you got the time” vì nó còn có nghĩa giang hồ là “bò lạc” (trong giới giang hồ, “bò lạc” có nghĩa là đĩ điếm bất đắc dĩ chớ không phải chuyên nghiệp). Ngay lúc ấy cậu quay lại liếc mắt nhìn tôi và nhại giọng đào xi nê Marilyn Monroe khen: “Ô là la! Bạn rất đẹp trong chiếc áo đang mặc!” Tôi không khỏi đổ mồ hôi hột. Rất may bác tài ra kịp lúc.
Từ đó về sau chúng tôi dùng nhà vệ sinh của chỗ đậu xe. Và, sau này tôi biết ra là hôm đó tôi đã vô tình thơ thẩn trong khu của dân đồng tình luyến ái ở Perth!

87. Cười Theo
Hồi thời đi dạy bên Anh, tôi được khuyên nên cười theo học sinh đang cười lỗi lầm của mình. Cười theo như là vậy, học sinh không cười mình mà cười với mình.
Sau này làm sư, tôi có dịp trở lại trường, trường trung học tại Perth, để giảng về Phật giáo. Nhiều lần tôi bị học sinh thanh thiếu niên “chọc quê” bằng cách “thử sư.” Lần nọ sau khi tôi kết thúc bài giảng về văn hóa Phật giáo, một nữ sinh lối mười bốn tuổi giơ tay hóm hỉnh hỏi: “Sư có bị động dục khi bị con gái “chài” không sư?” Rất may, các nữ sinh khác la cô bé đã làm họ quê. Nhưng tôi cười rồi ghi lại câu chuyện để làm đề tài cho lần giảng tới.
Một lần khác tôi bị nhiều nữ sinh chạy theo lúc tôi đi bộ trên lề ngoài phố. Một cô nhanh nhẹn chào và ranh mãnh hỏi: “Sư có nhớ tụi con không? Sư đến trường tụi con thuyết pháp vài tháng trước đó!”
“Sư rất hân hạnh được các cô còn nhớ sư”
Cô đáp ngay: “Làm sao tụi con quên được tên “Bra” (cái nịt vú của phụ nữ) của Sư!”

88. Con chó chơi khăm
Năm tôi đến Đông Bắc Thái tu với Ajahn Chah là năm chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc. Chiến tranh Việt Nam đã biến Ubon gần tự viện thành một căn cứ không quân tấp nập. Quân nhân đồn trú trong căn cứ thường ra phố giải trí.
Anh lính Mỹ đi phép lấy xe ba bánh xuống phố. Xe đi ngang cái quán ở vùng ngoại ô; quán đang có nhiều khách say mà phần đông là đồng nghiệp của anh tài. Họ chỉ anh lính, vừa cười sỗ sàng vừa la lối om sòm bằng tiếng Thái: “Mày chở thằng chó đó đi đâu vậy?” Anh tài hơi sốt ruột vì sợ khách mình phản ứng. Và anh lính Mỹ này lại to con quá. Trộm nhìn, anh thấy anh khách tỉnh queo. Anh nghĩ có lẽ anh không hiểu tiếng Thái và đang bận ngắm cảnh vật lạ chung quanh.
An lòng, anh muốn góp vui nên lớn tiếng hùa theo đám bạn: “Tao chở con chó thúi xuống sông Moon cho nó tắm kẻo nó hôi chó quá!” Đám đồng nghiệp anh và anh cười hô hố với nhau, trong lúc anh lính tiếp tục tỉnh bơ.
Tới nơi, anh tài chìa tay nhưng anh lính xuống xe và bỏ đi tỉnh khô. Anh tài chạy theo lắp bắp mấy tiếng Mỹ bồi: “Ê! Trả... đô, đôla.” Anh lính quay lại nói bằng tiếng Thái rất chuẩn: “Chó không có đôla!”

89. Tăng Thượng Mạn và Giác Ngộ
Thiền sư trưởng lão thường hay thử các môn sinh tự cho mình đã đạt. Một trong những cách thử xem họ đạt tới đâu là đối xử tàn tệ với họ để đo phản ứng của họ. Như tất cả các tăng ni đều biết, lời Phật dạy rất rõ ràng: ai sân hận người ấy chưa thể nói là đã giác ngộ.
Một nhà sư trẻ người Nhật rất muốn đạt được giác ngộ trong cuộc sống hôm nay nên dồn hết mọi nỗ lực cho công phu thiền tập; ông thiền ngày thiền đêm trên một đảo vắng gần một chùa nổi tiếng. Một hôm ông lưu cho chú tiểu phục vụ ông mảnh giấy yêu cầu gởi cho ông giấy hoa, bút lông, mực tốt; chú tiểu bơi xuồng qua đảo hàng tuần để cung cấp nhu yếu phẩm cho ông. Ông sắp mãn năm thứ ba sống tu trên đảo nên muốn viết trình lên hòa thượng trụ trì thành quả của mình.
Tuần lễ sau ông nhận được đầy đủ giấy viết và mực. Ông suy ngẫm và cân nhắc mấy ngày liên tiếp trước khi đặt bút xuống, nắn nót từng chữ một, viết ra bài thơ sau:
Tinh tấn nhà sư trẻ tọa thiền,
Một mình trên đảo suốt ba niên.
Kiên tâm không thể ai lay chuyển,
Kể cả kình phong của bốn miền.
Qua những ý tứ tuyệt vời và dòng thư pháp rồng bay phượng múa của ông, ông tin tưởng Hòa thượng sẽ thấy ông cao siêu tột độ. Ông cẩn thận cuộn tròn tờ giấy hoa, thắt nơ đẹp và nhờ chú tiểu chuyển đến Hòa thượng trong chuyến sắp đến. Chú tiểu bơi xuồng qua và về như thường lệ, nhưng lần này chú có đem đi cuộn giấy hoa của nhà sư trẻ.
Suốt tuần lễ tiếp theo nhà sư trẻ tưởng tượng Hòa thượng sẽ vui khi đọc bài thơ của ông và lọng kiếng kiệt tác này để treo lên tường trong tự viện. Rồi ông sẽ được mời đi trụ trì một chùa lớn trong thành phố. Ông thành công! Ôi vui sướng biết bao!
Cuối tuần chú tiểu bơi xuồng qua trao cho ông cuộn giấy hoa giống hệt cuộn của ông gởi cho Hòa thượng nhưng với dây buộc khác. Chú nói cộc lốc có mấy chữ, “của hòa thượng.” Ông hồi hộp tháo dây và mở cuộn giấy. Mắt ông tròn xoe và mặt ông tái xanh. Chính là cuộn giấy hoa với bài thơ của ông viết gởi cho hòa thượng. Chỉ khác có một chút là cuối mỗi câu có thêm chữ đỏ nghuệch ngoạc của hòa thượng viết, “Địt.”
Thiệt quá đáng! Ông nghĩ vậy. Hòa thượng lụ khụ này rất ngô nghê không biết giác ngộ là gì dầu nó được đặt trước mũi ông. Đã vậy, ông còn thô lỗ và thiếu văn minh đến độ dám làm hỏng một kiệt tác. Ông xử sự không khác gì một tên côn đồ - chớ không phải sư. Đúng là một lăng mạ đối với văn học, truyền thống và chân lý.
Ông nhíu mày phẫn nộ. Mặt ông đỏ gay vì sân hận. Ông thở phì phì vừa gằn giọng với chú tiểu: “Chú đưa tôi về gặp hòa thượng gấp. Đi ngay bây giờ!”
Đây là lần đầu tiên trong ba năm liền nhà sư trẻ rời hòn đảo hoang. Tới tự viện, ông đi thẳng vô liêu của Hòa thượng trụ trì, thảy cuộn giấy hoa xuống bàn và yêu cầu được giải thích.
Hòa thượng trụ trì vói lượm và nhẹ nhàng mở cuộn giấy ra. Ngài tằng hắng rồi đọc lớn:
Tinh tấn nhà sư trẻ tọa thiền, “Địt”
Một mình trên đảo suốt ba niên. “Địt”
Kiên tâm không thể ai lay chuyển, “Địt”
Kể cả kình phong của bốn miền. “Địt”
Đoạn Ngài đặt bài thơ lên bàn và ôn tồn nói: “Này sư chú, tâm sư chú không thể bị lay chuyển, kể cả kình phong. Vậy mà chỉ có mấy hơi địt, chú bị đẩy bay qua hồ về đây!”

90. Khi Tôi Giác Ngộ!
Tôi sang Thái Lan tu được ba năm. Đến năm thứ tư tôi được chuyển đến một tự viện xa xôi hẻo lánh trên miền đông bắc. Vào một chiều tối nọ, trên đường đi thiền hành, tâm tôi chợt tỏ rạng lạ kỳ. Tôi bỗng nhiên hiểu thấu nhiều bí ẩn mà tôi không ngờ. Rồi “Cái Sáng” lớn nhất đến với tôi. Tôi chới với. Giác Ngộ?
Tôi trải nghiệm thứ hạnh phúc mà tôi chưa từng biết. Tôi cảm thấy hưng phấn vô vàn và cùng lúc rất tự tại. Tôi tiếp tục thiền đến khuya, ngủ rất ít và thức dậy thiền tiếp trước khi kiểng 3:00 giờ sáng đổ. Thường thời thiền lúc 3:00 sáng là thời khó đối với tôi; không khí nóng và ẩm của rừng già làm tôi dễ bị hôn trầm. Nhưng sáng nay thì không: tôi sảng khoái, tỉnh thức và định dễ dàng. Giác ngộ là hạnh phúc tối thượng, nhưng rất tiếc hạnh phúc kéo dài không lâu.
Thời bấy giờ việc ăn uống trên miền Đông Bắc Thái rất thiếu thốn về lượng lẫn phẩm. Trong tự viện, các sư theo truyền thống Theravada chúng tôi ăn mỗi ngày chỉ một bữa trước ngọ. Vậy mà không phải bữa nào cũng no. Có hôm các sư chúng tôi chỉ nhận được vỏn vẹn một vá cơm nếp với con nhái luộc trung trung, không có rau củ hay trái cây gì cả. Chúng tôi phải xé con nhái ra từng phần một và ăn thịt, xương và luôn những thứ gì ăn được của đồ lòng. Sư bạn ngồi gần tôi vô ý làm bể bọng đái của con nhái khiến vắt cơm nếp khai ngấy và ông phải âm thầm nhịn đói ngày hôm đó.
Cà-ri mắm là món ăn hàng ngày của chúng tôi. Mắm tôi nói đây làm bằng cá tạp, muối mặn lè, không thơm tho hay béo bổ gì ráo. Nói tới mắm tôi có một kinh nghiệm nho nhỏ mà tôi chưa quên. Tự viện tôi giữ mắm để ăn quanh năm bằng cách gài mắm trong hũ, và hũ mắm được xếp lểnh nghểnh trong bếp. Một hôm tôi dọn bếp thấy một hũ có giòi, tôi đem đi liệng. Già làng đang công phu trong chùa thấy, ông la oai oái. Ông nói mắm có giòi mới ngon và lượm lại. Hũ này thế nào cũng được nấu cà-ri mắm!
Ngày sau khi tôi trải nghiệm sự giác ngộ, tôi ngạc nhiên thấy có hai loại cà-ri bày trên bàn ăn – mắm và thịt heo. Tôi chọn thịt heo để gọi là đổi bữa và cũng để ăn mừng thành đạt mới của tôi. Hòa thượng trụ trì múc ba vá lớn. Tham thực! Tuy nhiên vẫn còn dư cho tôi múc. Nhưng trước khi trao cho tôi nồi cà-ri heo mà tôi đang thèm chảy nước miếng, Ngài đổ trộn hai nồi lại và nói, “Hai thứ đều như nhau.”
Tôi giận tới không mở miệng được. Nếu Ngài nghĩ hai thứ như nhau, sao Ngài múc đến ba vá heo rồi mới trộn hai nồi? Đạo đức giả! Hơn thế nữa Ngài sinh ra và lớn lên tại đây, Ngài quen mùi cà-ri mắm hơn tôi chớ. Dởm! Heo! Lừa đảo!
Vừa nghĩ tới đó tôi nhận thức ngay rằng người giác ngộ đâu cần phân biệt món ăn, không thể sân hận, và đâu được gọi thầy mình là heo! Tôi đã thật sự giận hờn, và ô hô… làm sao tôi dám nói mình đã giác ngộ!
Lửa sân của tôi tức thì bị dập tắt bởi sự buồn bực đang dâng trào. Mây đen kinh hãi ùn ùn kéo đến che khuất ánh sáng rạng rỡ từng là “giác ngộ của tôi”. U sầu, tôi đổ hai vá cà-ri trộn vô bình bát và tôi không còn tha thiết với bữa ăn nữa. Tôi hoàn toàn chán nản. Và biết rằng mình đâu có được chút giải thoát nào trước đây, tôi buồn rầu suốt ngày hôm ấy.

91. Con heo!
Nói về heo, tôi xin kể câu chuyện liên quan sau:
Tôi có biết một bác sĩ chuyên khoa rất giàu có. Ông thích và mua một chiếc xe hơi thể thao rất mạnh, rất nhanh và rất đắt. Dĩ nhiên ông mua xe như vậy không phải để chạy trong thành phố đông đúc. Một hôm trời quang mây tạnh, ông xách xe ra chạy trên đường vắng đồng quê. Vừa qua khỏi vùng có máy rà tốc độ, ông xả ga và xe lao vùn vụt để lại đằng sau tiếng rú vang dội. Ông mỉm cười thích thú.
Nhưng không thích thú là bác nhà quê tay lấm chân bùn đang đứng dựa trên cổng rào của khu vườn nhà bác. Bác ráng gân cổ rống to, “Heo!”
Ông bác sĩ biết mình ngoan cố và đang phá sự yên tĩnh của nông thôn, nhưng ông nghĩ, “Ồ... thây kệ, mình cũng có quyền thỏa mãn sở thích riêng tư của mình chớ!” Ông bèn ngó ngoái lại hỏi bác nông dân: “Ông nói ai là heo?”
Trong tích tắc ông quay đầu, ông đụng phải con heo đang chạy giữa đường. Xe mới mua của ông tan tành. Ông nằm nhà thương mấy tuần lễ và mất bộn bạc.

92. Hare Krishna
Trong chuyện trên cái tôi của ông bác sĩ lớn quá khiến ông đánh giá sai lòng tốt của bác nông dân muốn báo cho ông biết có con heo đang chạy rong ngoài đường. Còn trong chuyện dưới đây, vì “cái tôi” (của một nhà sư!) tôi đánh giá sai một người có tâm đạo và tự gây cho mình nhiều ân hận.
Tôi về Luân Đôn thăm mẹ. Vào ngày ra đi mẹ tôi theo tôi ra ga xe lửa Ealing Broadway để giúp tôi mua vé. Trên đường Ealing Broadway tôi thấy có một đám thanh niên đứng chùm nhum đọc to các câu: “Hare Krishna! Hare Krishna!”. Họ lầm tôi là người mộ Hare Krishna và trêu chọc tôi, tôi nghĩ là như vậy. Là sư Phật giáo tôi có đầu trọc và đắp y vàng; nhiều người thiếu hiểu biết thường lầm tưởng tôi với người theo phong trào Hare Krishna đang thịnh hành lúc bấy giờ. Ở Úc tôi thường bị họ chế giễu như vậy hoài.
Đám thanh niên đứng ngoài lối đi của tôi, nhưng lần này tôi không bỏ qua, nhất định phải “dạy cho họ một bài học” về tội phỉ báng tu sĩ Phật giáo. Trước mặt mẹ tôi, tôi trịnh trọng lên giọng với anh đội mũ trùm đàu màu vàng, mặc Jeans và áo vét xanh, rằng:
“Này anh bạn! tôi là tu sĩ Phật giáo chứ không phải đệ tử Hare Krishna, anh biết chứ hả?”
Anh bạn trẻ cười rồi lột mũ để lộ cái đầu trọc mới cạo và rớt cái bím tóc dài xuống vai. Anh nói:
“Vâng tôi biết. Sư là một tu sĩ Phật giáo con tôi là một Hare Krishna. Hare Krishna! Hare Krishna!”
Thật tình anh không có chế giễu tôi mà chỉ đọc chú “Hare Krishna! Hare Krishna!” (nguyên câu chú gồm 16 tên thánh Hare Krishna Hare Krishna!, Krishna Krishna Hare Hare. Hare Rama hare rama, rama rama hare hare” được tụng trừ Kali - ác quỹ.) Tôi đứng chết trân và “quê một cục.” Tại sao những chuyện gây bối rối như vậy cứ xảy đến cho tôi mỗi khi tôi đi với mẹ tôi?

93. Cái Búa
Tất cả chúng ta đều có lỗi lầm và trường đời là nơi chúng ta học để bớt dần các lỗi lầm ấy. Biết vậy, tự viện của chúng tôi chấp nhận lỗi lầm của các sư gây nên. Nhưng rất ngộ, hễ không sợ lỗi các sư ít gây lỗi hơn.
Một hôm, tôi bách bộ trong vườn của tự viện và thấy cái búa trên bãi cỏ. Búa bắt đầu rỉ sét, chứng tỏ nó bị bỏ lại đây khá lâu rồi. Tôi rất khó chịu về sự bất cẩn của ai đó vì tôi biết tất cả những gì sư chúng tôi có được ngày hôm nay - từ chiếc y đến dụng cụ - đều do thí chủ cúng dường. Cái búa này, biết đâu, phải mua bằng tiền mà thí chủ nào đó đã dành dụm mấy tuần mới có đủ. Thế là tôi mời các sư họp.
Tôi có tiếng là dịu ngọt như mật thiệt nhưng hôm ấy tôi nồng cay còn hơn ớt Thái. Họ cần học bài học cẩn thận và quý trọng vật thực thí chủ cúng dường. Tất cả ngồi thẳng lưng, im phăng phắc. Tôi đề cập đến cái búa bỏ quên ngoài sân và đợi người nhận lỗi. Nhưng không thấy ai lên tiếng.
Thất vọng, tôi đứng dậy bước ra ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn còn chút tin tưởng rằng rồi sẽ có một sư đến nói với tôi lời thú tội và xin lỗi. Lúc nãy sư ấy không dám nói lên có lẽ vì sắc mặt hầm hầm của tôi, tôi nghĩ vậy.
Vừa ra khỏi đường, tôi trực nhớ lại và vội vã quay trở vô. Tôi nói với các sư còn đang ngồi đó: “Thưa các sư tôi đã tìm ra người bỏ quên búa rồi. Chính là tôi!”
Hôm trước tôi làm việc ngoài vườn, lật đật đi vì một chuyện gì đó, quên đem cái búa vô cất. Hồi nãy lúc tôi “giảng” vì giận, tâm trí tôi thiếu sáng suốt. Chỉ khi “tuôn giận” ra rồi tôi mới sáng ra và nhớ lại lỗi mình. Bối rối vô cùng! Phải không các bạn?
Rất may các sư chúng tôi “được phép lầm lỗi” trong tự viện. Kể cả sư trụ trì.

94. Vui Với Chuyện Đùa Vô Hại
Khi bạn xả bỏ được “cái tôi” của mình, bạn không còn sợ ai “chọc” mình nữa cả. Nếu có ai gọi bạn là thằng điên, bạn giận vì bạn nghĩ người đó nói đúng. Có phải vậy không nào?
Một lần nọ tôi chạy xe trên xa lộ ở Perth, có mấy cậu thanh niên ngồi trên chiếc xe cũ thấy tôi, quay kiếng xuống và trêu chọc:
“Ê! Thầy chùa đầu trọc!”
Tôi cũng quay kiếng xuống và hét trở lại: “Hớt tóc đi, giống con gái quá!” Đáng lẽ tôi không nên trả lời, bởi làm vậy chỉ chọc giận các cậu ấy thêm.
Các cậu có vẻ du côn này giảm tốc độ và chạy kè xe tôi, dán lên kiếng xe hình của một tạp chí và khoa tay chỉ với mục đích cho tôi chú ý - hình một cô gái khỏa thân của Playboy. Tôi cười sự hài hước bất kính của các cậu. Có gì đâu lạ, tôi chắc cũng làm vậy với bạn cùng lứa lúc tôi ở vào tuổi các cậu. Thấy tôi cười, các cậu rồ ga vọt đi. Cười lúc bị đối xử bất kính như vậy hay hơn là khó chịu, hổ thẹn hay giận hờn.
Các bạn nghĩ tôi có nhìn vào hình khỏa thân của tạp chí Playboy không? Dĩ nhiên là không. Tôi phải giữ giới chứ. Vậy tại sao tôi biết đó là hình khỏa thân của Playboy? Anh tài nói với tôi; ít ra, đó là điều mà tôi ghi nhận.

95. Thằng Ngốc
Ví dụ có ai đó gọi bạn là thằng ngốc. Bạn làm sao nè? Bạn có nghĩ, “Sao họ dám gọi tôi là thằng ngốc? Họ đâu có quyền gọi tôi là thằng ngốc! Họ thật vô lễ khi gọi tôi là thằng ngốc.” Nghĩ xong, bạn mới nhận thức rằng bạn đã để họ gọi bạn là thằng ngốc bốn lần.
Mỗi khi bạn nhớ lời họ nói là bạn cho phép họ gọi bạn là thằng ngốc. Vấn đề là ở chỗ đó. Cách giải quyết là nếu có ai đó gọi bạn là thằng ngốc, bạn đừng thèm để ý tới. Như vậy bạn không còn bận tâm, và dĩ nhiên bạn không có ngốc.
Tại sao chúng ta lại để cho người khác kiểm soát tâm hạnh phúc của chúng ta chớ hả?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét