HÃY ĐẾN ĐỂ THẤY
Ni Sư Ayakhema
Chương 6: Năm phương cách để đối trị sân hận
Anguttara-Nikàya V.161 (Tăng Chi Bộ – V.161)
Bất cứ ai đã kinh nghiệm trạng thái sân hận đều biết chúng khó chịu thế nào. May mắn thay, đức Phật đã dành cho chúng ta những lời hướng dẫn rõ ràng về cách buông bỏ sân, cách sống sao để tránh sân hận, và đức Phật đã truyền đạt lời dạy của mình bằng những câu chuyện để giúp chúng ta ghi nhớ những lời giáo huấn ấy.
Tất cả chúng ta đều biết tâm sân hận khó chịu thế nào, nhưng chúng ta lại thấy khó buông bỏ chúng, do đó lời dạy thực tiễn của đức Phật thật rất hữu ích. Bài thuyết giảng đầu tiên, ngắn gọn về đề tài này được gọi là: “Năm Phương Cách Để Đối Trị Sân Hận”, và nó được nói như sau:
Có Năm Phương Cách Để Đối Trị Sân Hận.
Chúng giúp xóa bỏ mọi dấu vết của sân hận. Đó là gì? Nếu sân dấy khởi, đây là điều cần làm: Hãy vun trồng tâm từ, vun trồng tâm bi, vun trồng tâm xả.
Nhưng làm sao chúng ta có thể vun trồng những tình cảm này ngay ở giây phút ta đang cảm thấy sân hận? Nói cho cùng, từ, bi và xả là ba trong bốn tình cảm cao thượng nhất. Tình cảm thứ tư, hoan hỷ, không được nhắc đến ở đây có lẽ là vì hoan hỷ với người ta vừa cảm thấy sân hận là điều đòi hỏi quá sức, nhưng nếu chúng ta không thể thực hiện bất cứ một trong ba điều kể trên, thì còn có một cách thứ tư, đó là:
Đừng chú ý, đừng quan tâm đến người đó.
Nếu chúng ta nhận thức và chấp nhận rằng trong một số trường hợp, chúng ta không thể kiểm soát tình cảm của mình, không thể chế ngự sân hận, rằng chúng ta chỉ tự hại mình, thì chúng ta có thể ít nhất cố gắng không trụ tâm nơi đó. Chúng ta có thể tránh xa người đó hoặc làm gì khác cho đến khi cơn sân hận đã giảm xuống chút ít hay hoàn cảnh đã thay đổi đủ cho chúng ta có thể thực hành tâm từ bi trở lại.
Vào một dịp khác đức Phật đã cho một thí dụ như sau: “Chúng ta nhìn thấy một người bạn ở bên đường, nhưng chúng ta không tiến bước về phía đó, bắt tay, thăm hỏi bạn; thay vào đó, chúng ta hành động như thể ta không nhìn thấy anh ta”. Chúng ta ở phía bên nây đường vì chúng ta biết rằng gặp mặt người ấy chỉ khiến ta tức giận.
Phương cách thứ năm đặc biệt quan trọng:
Nếu sân hận dấy khởi, ta cần nhắc nhở tâm về điều luật mình làm chủ hành động của mình, đó là: “Người hành động là chủ của hành động mình, người đó phải thừa hưởng hậu quả hành động mình, người ấy sẽ sinh ra từ các hành động của mình, người ấy bị trói buộc vào chúng, nương tựa vào chúng, và bất cứ điều phải, điều trái nào người ấy đã làm, sẽ là điều người ấy phải nhận lãnh”.
Làm chủ hành động của mình có nghĩa là làm chủ nghiệp của mình. Cách nhìn về nghiệp như thế - như là một sở hữu - rất thông thường, nhưng nó có thể cho ta một cái nhìn rất mực hữu ích. Nếu chúng ta giận dữ với ai vì họ đã làm điều bất thiện, chúng ta cần phải tự nhủ rằng tất cả mọi người đều lãnh nhận kết quả của sự chủ tâm của mình. Luật nhân quả áp dụng cho tất cả mọi thứ trong vũ trụ cũng như cho mỗi cá nhân. Những hành động có chủ tâm sẽ mang đến hậu quả mà ta không thể nào tránh né. Tuy nhiên hai người cùng thực hiện một hành động giống nhau có thể nhận lãnh những hậu quả khác nhau.
Đức Phật đã giải thích sự việc này bằng một thí dụ: “Nếu bạn bỏ một thìa muối vào một ly nước, nước đó sẽ không còn uống được. Tuy nhiên nếu bạn vãi muỗng muối đó xuống sông Hằng, thì nước sông này không thay đổi chút nào”. Ly nước đem so sánh với sông - tượng trưng cho sự tích lũy ít ỏi của các việc thiện: nếu chúng ta tạo thêm một bất thiện nào trên chỉ một ly đầy các việc thiện, chúng ta có thể biết là hậu quả sẽ nghiêm trọng thế nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cả một con sông đầy các thiện nghiệp ở phía sau, thì chỉ một hành động bất thiện có thể không gây thiệt hại gì. Vì chúng ta không biết người khác đã làm gì, nghĩ gì trong quá khứ, dầu trong kiếp này hay trong các kiếp quá khứ, không có cách gì ta có thể đoán biết được nghiệp quả của người khác. Tuy nhiên, ta biết qua những gì ta có thể nhìn thấy nơi chính bản thân, là tất cả mọi người đều hái quả của các hành động của họ.
Nếu ai đã hành động không khéo léo khiến chúng ta do đó bị thiệt hại, hay tổn thương, chúng ta có thể dễ dàng trở nên sân hận. Điều quan trọng là ở ngay giây phút đó, ta có thể nhớ rằng tất cả mọi người có cách sống riêng ở đời, tạo nên những tập quán nhân quả của riêng họ. Chúng ta như thế nào trong hiện tại hầu hết là do kết quả của các hành động có chủ tâm của ta. Nếu không chú tâm tìm hiểu giáo pháp của đức Phật - nhiều người không có hứng thú gì trong việc này - thì sẽ không có ai đọc quyển sách này. Vì thế có đủ lòng ưa thích để đọc, để lắng nghe Pháp là một cách để tạo nghiệp lành - nếu với chủ tâm tốt, vì ta cũng có thể tạo ra nghiệp xấu khi làm việc gì đó bên ngoài có vẻ là thiện. Vấn đề này khá phức tạp, tuy nhiên, nếu ta có thể tự nhắc nhở mình về luật nhân quả, có thể sẽ giúp ta dễ buông bỏ sân hận hơn. Đó là năm phương cách để diệt bỏ các sân hận mà ta được biết đến.
Trong một số trường hợp đức Phật khuyên ta nên xa lánh những hoàn cảnh có thể gây khó chịu cho ta. Chúng ta nên tránh những sự gặp gỡ khiến ta nổi sân, nhất là khi tình cảm ta không được quân bình và dễ kích động - cũng như ta nên bảo vệ mình khỏi người xấu, lũ voi hoang dại, rừng rậm và những thứ nguy hiểm khác. Dầu ta không nên chạy trốn những hoàn cảnh khó xử, việc thú nhận rằng ta không thể đối mặt với mọi hoàn cảnh, là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Chúng ta cần phải cố gắng hết sức mình để hành xử trong mọi hoàn cảnh với tâm từ bi, nhưng cũng phải chấp nhận rằng đôi khi ta phải bó tay, không thể thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Xả được coi là tình cảm cao thượng nhất, và không nên nhầm lẫn nó với thái độ dửng dưng. Xả không chỉ hàm chứa lòng từ bi - điều mà dửng dưng không có - mà nó còn phát khởi từ tri kiến về vô thường, về thực chất là mọi chuyện của ngày hôm nay sẽ khác đi ở ngày mai. Bên trong ta hay bên ngoài, tất cả mọi thứ đều luôn thay đổi; ngay chính niềm tin và quan điểm của ta hôm nay cũng sẽ hơi khác đi ngày mai, và bất cứ cố gắng nào để ngăn cản quá trình này cũng đưa đến khổ đau. Xả có nghĩa là chấp nhận mọi thứ như chúng là, như thế đối với người nguyện tiến bước trên con đường tâm linh, điều ấy có nghĩa là không tạo ra xung đột bằng cách xen vào việc của người.
Xả hàm chứa một sự chấp nhận và bằng lòng êm ái. Như thế ta có thể làm gì với sự phiền não này? Điều cần lưu ý trước tiên là phải chắc chắn rằng ta không làm điều gì để tạo thêm khổ đau, rồi thì xem xét mỗi hoàn cảnh với sự cảm thông, và sửa đổi những gì có thể. Nếu chúng ta có thể sửa đổi những điều kiện bên ngoài mà không đánh mất sự bình an nội tâm, thì càng tốt, nhưng nói chung, chúng ta chỉ có thể có những sửa đổi sâu xa nơi bản thân, và điều đó cũng đủ khó rồi.
Đoạn kế tiếp trong kinh là những lời giảng giải dài hơn về cùng một chủ đề của Ngài Xá Lợi Phất, người là “cánh tay mặt” của đức Phật. Ngài Xá Lợi Phất nổi tiếng thông thái, trí tuệ và thường diễn giải các bài kinh của đức Phật. Khi được hỏi rằng những lời dạy của ngài Xá Lợi Phất có đúng không, đức Phật luôn đáp đúng.
Ngài Xá Lợi Phất dạy rằng: “Có năm cách để đối trị sân hận, qua những phương cách này ta sẽ có thể đối trị được sân hận. Năm cách đó là gì? Nếu một người không trong sạch trong hành động, nhưng lời nói trong sạch, thì sân hận đối với người đó cần được chế ngự. Nếu một người có lời tà ngữ, nhưng trong sạch trong hành động, thì sân hận đối với người đó cần được chế ngự. Thêm nữa, nếu có người hành động lẫn lời nói đều không trong sạch nhưng đôi khi họ cũng có lòng tin, thì sân hận đối với người đó cần được chế ngự. Lại nữa, nếu có người hành động lẫn lời nói đều không trong sạch, mà lúc này lúc khác cũng không có lòng tin, thì sân hận đối với người đó cũng cần được chế ngự. Lại nữa, nếu có người lời nói lẫn hành động đều trong sạch, và lại lúc này hay lúc khác mở lòng đón nhận niềm tin, thì sân hận đối với người đó cần được chế ngự”.
Như vậy ngài Xá Lợi Phất đã kể ra năm loại người khác nhau – và tiếp tục trình bày, bằng những ẩn dụ ngắn, cách làm sao để đối phó với từng người, kiềm chế được sân hận đối với họ. Lời nói của chúng ta có thể tốt lành nhưng ta lại hành động xấu xa, hay những lời chúng ta nói có thể không được khéo léo nhưng ta có hành động thiện. Giả thuyết thứ ba là cả hành động và lời nói có thể đáng trách, nhưng tâm cởi mở. Trường hợp thứ tư, kể cả tâm cũng đóng chặt, cứng nhắc. Cuối cùng là, lời nói và hành động đều đáng biểu dương, cùng với một trái tim cởi mở.
Chúng ta làm thế nào để chế ngự sân hận đối với loại người thứ nhất? Giống như một vị sa môn mặc y phấn tảo, gặp giẻ rách nằm trên đường, vị ấy với chân trái giữ tấm vải, chân mặt kéo thẳng ra, rồi xé lấy phần vải còn nguyên vẹn, để mang theo, cũng thế với người có hành động không trong sạch, nhưng lời nói trong sạch, tâm ta lúc ấy nên nghĩ tới lời nói thanh cao hơn là việc làm uế nhiễm của người ấy. Bằng cách đó lòng sân hận đối với người ấy sẽ được chế ngự.
Vào thời đức Phật còn tại thế, tất cả vải vóc đều dệt bằng tay, rất đắt tiền, nên chư tăng ni thường mặc những y bằng vải chấp vá. Nếu họ tìm thấy những mảnh vải trên đường hay giữa các đống rác, họ có thể nhặt về để may lại với nhau. Trong câu chuyện thí dụ này, một vi sa môn tìm thấy mảnh vải rách, ông xé lấy phần còn sử dụng được, và bỏ lại các phần khác. Đó là cách ta nên ứng dụng khi nghĩ đến người có hành động bất thiện, nhưng lời nói thiện: chúng ta nên bỏ qua những hành động xấu mà chỉ nghĩ đến lời nói của họ. Nói vậy không có nghĩa là ta sẽ ngó lơ những hành động bất thiện họ đã làm; ta vẫn nhìn ra nhưng không phán xét họ, vì kết án hay buộc tội đều dẫn đến sân hận. Rất ít có gì hoàn hảo trên thế gian, nên trên lý thuyết ta có thể bực bội từ sáng đến tối. Nhưng nếu ta chỉ chủ tâm đến những tánh tốt của người mà ta thấy giận ghét (không phải là không có lý do), thì ta có thể chế ngự cơn giận của mình. Có thể họ có rất nhiều điều xấu, mà chỉ có ti li điều tốt, nhưng ta vẫn nên hướng chủ tâm đến điều tốt của họ.
Làm vậy, chính chúng ta mới là người được nhiều lợi ích hơn cả, vì có thể người kia không hề biết đến sự bất mãn của ta. Ngay nếu như chúng ta có nói điều đó ra, họ khó có thể chấp nhận ý kiến của ta. Có lẽ tốt nhất là nhắc nhở rằng họ đã làm điều gì đó không tốt, nhưng sẽ hoàn toàn không ích lợi gì nếu ta giận dữ nói cho họ biết là ta cảm thấy oán trách họ. Phương cách để chế ngự sân hận, và trở về với nội tâm tĩnh lặng của mình, là hãy nghĩ đến những điều tốt của người. Những xáo trộn nội tâm chỉ làm cho cuộc đời thêm khó sống.
Ngài Xá Lợi Phất sau đó lại cho một thí dụ khác:
Giả dụ như có một mặt hồ bị bao phủ bởi những rong rêu, một người đang nóng bức, chảy mồ hôi, mệt nhoài, khát nước, nghĩa là đang chịu khổ, tiến gần đến hồ, leo xuống hồ, gạt bỏ lớp rong rêu ở nhiều chỗ với cả hai tay, vốc nước lên tay uống, rồi tiếp tục cuộc hành trình. Cũng bằng cách đó đối với người có lời nói không trong sạch, nhưng hành động tốt, ta phải chú tâm không phải vào lời nói ô uế mà vào hành động thanh cao của người ấy. Do đó ta có thể chế ngự sân hận đối với người đó.
Vậy là ta thấy một người đang đi trong cái nắng cao độ, mệt lả, khát nước. Vì rong rêu bao phủ mặt nước, anh ta không thể giải cơn khát của mình ngay lập tức. Nhưng anh ta đã biết nghĩ để đẩy lớp rong rêu qua một bên, uống nước và được hồi sức. Tương tự, chúng ta có thể để qua một bên những lời nói không tốt đẹp của một người mà chỉ nghĩ đến những hành động trong sạch, tốt đẹp của họ. Hãy nhớ đến, thí dụ như, những trường hợp khi họ đã giúp đỡ người khác, hay nghĩ đến những đặc tính của họ, và để qua một bên những điều họ khiến ta bực bội trong giai đoạn này.
Những thí dụ như thế tạo thành những phương tiện hỗ trợ mạnh mẽ, dễ nhớ cho việc thực hành này. Chúng ta chỉ cần tưởng tượng ra những mảnh giẻ rách nằm đó, sờn rách, nhưng có thể tái sử dụng được. Hay hình ảnh những rong rêu được gạt sang một bên để phơi bày nguồn nước sạch trong, tươi mát. Sau đây là câu chuyện ví dụ thứ ba:
Giả dụ trong lỗ chân trâu có một ít nước, và có một người đang bị sức nóng chế ngự, sướt mồ hôi, mệt nhoài, khát, do đó đang rất khốn khổ, đi ngang qua và nhìn thấy nước. Anh ta nghĩ, “Nếu ta vớt chút nước ít oi đọng lại trong lỗ chân trâu bằng hai tay hay với một vật chứa nào, ta sẽ khuấy động nước khiến không uống được nữa. Do đó, tôi thà là phải quỳ xuống giống như con bò trên bốn chân để hớp được ngụm nước, rồi tiếp tục cuộc hành trình”. Và đó là điều anh ta đã làm. Cũng thế, với những ai có lời nói và hành động không thanh tịnh, nhưng tâm họ đôi khi cũng mở rộng tiếp nhận niềm tin, thì ta không nên để tâm đến hành động và lời nói uế nhiễm của họ lúc ấy. Thay vào đó, ta nên quán chiếu rằng tâm người đó đôi khi cũng rộng mở, cũng có niềm tin. Do đó ta nên chế ngự sân hận đối với một người như thế.
Nếu người lữ hành này vục tay hay dùng đồ múc vào nước, thì nước sẽ bị vẩn bùn, không uống được. Cũng thế, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến những điều tồi tệ nhất của một ai đó, nghĩ đến những lời nói khó nghe của họ và phản ứng: chúng ta sẽ bị “khuấy động”. Khi tình cảm khó chịu này càng tăng lên, chúng ta sẽ không còn thấy an nhiên. Điều quan trọng trong câu chuyện thí dụ là người lữ hành đã quỳ gối xuống để uống nước, vì nói một cách bóng bẩy, chúng ta cũng phải quỳ gối xuống, và hiểu với tất cả lòng khiêm hạ rằng chúng ta chỉ có thể tìm được sự bình an ở nội tâm khi chúng ta biết chấp nhận những hành động, lời nói không thanh tịnh của người.
Ví dụ này có lẽ dễ nhớ, vì uống từ nước đọng trong dấu chân trâu không phải là một điều tốt đẹp để tưởng nghĩ đến.
Những nếu chúng ta đang khát lả - ý chỉ nỗi bất an trong tâm do sân hận mang đến - chúng ta sẽ chấp nhận uống bất cứ thứ nước nào có thể tìm thấy. Chúng ta chịu đựng những uế nhiễm của người, chúng ta tránh khuấy động chúng lên, kết quả là ta có thể giữ được sự bình an trong nội tâm mình. Người lữ hành trong câu chuyện thí dụ được uống chút gì đó, và chúng ta thì cũng có thể tìm được điều gì đó để làm dịu bớt căng thẳng trong sự liên hệ giữa ta với người mà hành động và lời nói quá uế nhiễm. Chúng ta tự nhắc nhở mình rằng họ cũng có tấm lòng đôi khi cũng rộng mở để đón nhận niềm tin. Hơn thế nữa, kể cả khi ta nghĩ đến hành động và lời nói của họ, ta cũng có thể nhớ lại rằng một con người như vậy cũng có điểm tốt nơi họ. Nhìn được họ như thế, chúng ta có thể có sự chấp nhận và giảm bớt sự nóng nảy, sôi sục trong ta.
Đây là câu chuyện thứ tư:
Hãy tưởng tượng ra một người, bịnh nặng, đau đớn, đang bước đi trên đường. Anh ta đang ở một nơi cách xa các làng mạc, không thể tìm được đồ ăn hoặc thuốc men, hay ai đó để trông nom, chỉ dẫn giùm anh ta. Nhưng rồi cũng có người nhìn thấy anh ta, cảm thấy thương xót, phát khởi tâm thiện với ý nghĩ, “Mong rằng người đàn ông đó tìm được thức ăn, thuốc men thích hợp, một ai đó để chăm sóc cho anh, dẫn đường cho anh, nếu không anh ta khó thoát chết!” Cũng thế, đối với một người mà hành động, lời nói đều không trong sạch, và cũng chưa từng mở lòng đón nhận niềm tin, chúng ta cần phải có lòng từ bi, thương xót, thiện ý, với tư tưởng, “Mong rằng con người cao quý này có thể từ bỏ những tánh xấu trong ý nghĩ, hành động, lời nói, và mong rằng anh ta có thể thực hành những ý nghĩ, lời nói, hành động thanh cao; mong anh ta, khi thân đã hoại sau khi chết, không phải đọa vào thế giới hạ tiện, đi trên con đường đau khổ”. Bằng cách đó, chúng ta có thể chế ngự được sân hận đối với một người như thế.
Thí dụ này trình bày cho ta thấy những liên hệ nghiệp quả, người ta sẽ phải đối mặt với hậu quả của các hành động của mình ra sao, do đó chúng ta có thể phát khởi lòng thương xót cho họ như thế nào. Nếu nói hay hành động hay có những ý nghĩ bất thiện, chúng ta thật sự đang bị tham sân hành hạ, như thể đang bị bịnh hành khổ. Chúng ta nói, hoặc hành động do sân hận, hay hành động hoặc lời nói của ta phát xuất từ lòng tham. Tất cả chúng sanh đều khổ đau như thế do sự độc hại của vọng tưởng, mà như đức Phật đã giải thích, là do sự độc hại tiềm ẩn của tham và sân. Tất cả đều tạo cho ta bất an, và bao điên đảo trên thế giới: trong gia đình, trong thương trường và giữa các quốc gia.
Nếu tham sân có thể được coi như một dịch bịnh, thì Đức Phật có thể được xem như một vị đại dược sư, và Pháp, giáo lý của Ngài, là thuốc chữa. Thuốc chữa bịnh có thể không dễ uống, nhưng chắc chắn là ta sẽ được chữa lành. Câu chuyện ẩn dụ của người bịnh không tìm được sự giúp đỡ, do đó thật đúng và dễ nhớ. Chúng ta đã gặp rất nhiều người đau khổ vì những hành động bất thiện, những lời nói không thanh tịnh, và sự thiếu lòng tin của họ, và phản ứng hợp lý duy nhất của ta là đối xử với họ bằng lòng thương cảm, với hy vọng rằng họ sẽ chóng khỏi bịnh, tìm được sự bình an nội tâm, do đó chấm dứt việc phải gặt hái những hậu quả đớn đau của họ. Chúng ta thường mong mọi người thân được sức khỏe, thì không khó khăn gì để chúc họ một loại sức khỏe tốt khác: không bị tham sân chế ngự. Cách nhìn sự vật như thế có thể mang nhiều lợi ích cho sự tu tập của ta.
Thí dụ thứ năm và cũng là cuối cùng tươi sáng hơn:
Giả dụ có một hồ nước trong, sạch sẽ, mát mẻ, ở một vị trí rất đẹp, một nơi chốn đặc biệt, dưới bóng những rặng cây xanh. Và hãy tưởng tượng có người đi ngang qua đấy mệt
lả vì nóng, mồ hôi tuôn tràn, khát lả, nghĩa là đang rất khốn khổ. Anh ta bước xuống hồ, tắm mát, uống nước hồ đó. Rồi leo trở ra ngoài, ngồi hay nằm dưới bóng cây. Cũng thế, với người mà hành động, lời nói thanh tịnh, và lòng luôn cởi mở, đầy lòng tin, chúng ta lúc đó phải chú tâm, quán chiếu về sự thanh tịnh trong lời nói và hành động, cũng như tấm lòng cởi mở, có tín tâm của người ấy. Do đó ta có thể chế ngự sân hận đối với một người như thế.
Người mà hành động, lời nói thanh tịnh và tâm thường cởi mở được so sánh với một hồ nước tuyệt vời với nước trong lành, mát mẻ. Ngay nếu như ta có thể bị tổn thương bằng cách nào đó bởi một người như thế, ta có thể chế ngự bất cứ sự phát khởi nào của sân hận bằng cách nhận ra rằng họ là nguồn phước báu cho chúng ta và cho bao người khác, và rằng không có cơ sở nào để ta gán ép tình cảm sân hận đối với họ, vì cách cư xử của họ trong đời quá đỗi thanh tịnh, đời sống tình cảm của họ thì tràn đầy tình thương, bi mẫn. Bài kinh kết thúc với câu kinh sau đây:
Tâm ta có thể tìm được sự bình an ở người mà trong mọi hoàn cảnh đều phát khởi tín tâm và sự tự tin.
(Anguttara-Nikaya v. 162 – Tăng Chi Bộ số 162) Chúng ta có thể tăng trưởng thêm sự an bình nội tại gấp bội bằng cách thường xuyên tiếp xúc với người mà ta hoàn
toàn tin tưởng. Đức Phật thường nhấn mạnh với chúng ta điều quan trọng là phải giữ bạn hiền, tìm kiếm thiện hữu tri thức: những người sống đời thanh cao, đi theo con đường đạo, và có thể giúp ta làm giống như họ. Một người như thế sẽ nhìn cuộc đời rất khác với kẻ chỉ thích vật dục, và người ấy có thể giúp ta làm được như thế. Tuy nhiên, ta cần phải duy trì lòng tin vào một người bạn như thế. Nếu lòng tin của ta đối với họ bị lung lay, chúng ta sẽ không tìm được sự bình an cho đến khi ta có thể thiết lập lại được niềm tin đó. Nếu không, có thể ta cần phải buông bỏ tình bạn đó.
Sân và tâm luyến ái muốn được thương yêu là hai mặt của một đồng tiền. Trong mỗi hoàn cảnh chúng ta đều có cùng một trở ngại tiềm ẩn. Nếu có ai đó xúc phạm đến ta, đó có thể là biểu hiện của việc họ thiếu sót tình thương đối với ta, những cũng có thể là do họ không được khoẻ, hay có thể chỉ là họ không biết phải giao tiếp với người khác như thế nào. Tuy nhiên, đối với chúng ta, hành vi của họ có thể được coi là một sự chống đối. Nếu ta muốn được thương yêu, nhưng không được như thế, ta sẽ cảm thấy buồn, rồi đưa đến sân hận. Tình thương có thể là thuốc chữa cho tất cả mọi người, giúp cho thân tâm của họ được tốt hơn - nhưng đây không phải là loại tình yêu đòi hỏi điều kiện, cũng như tùy thuộc vào ta có thể tìm được người nào đáng yêu không. Nói cho cùng thì chỉ có bậc Giác ngộ mới hoàn toàn đáng yêu. Ta hướng tâm mình đến tình thương yêu, và khi tình thương yêu đó đã trở thành một đặc tính của tâm thì sẽ không còn là vấn đề nếu đối tượng có đáp trả lại tình thương của ta không. Dẫu cho người kia có thương yêu hay không thể thương yêu, không ảnh hưởng gì đến ta cả. Ước muốn được yêu thương chỉ là một khía cạnh khác của ngã chấp. Nếu chúng ta không chắc rằng mình có đáng yêu hay không, và ta chọn để người khác quyết định điều đó cho ta, chắc là ta sẽ thất vọng, vì tất cả mọi người thường hay thay đổi ý kiến, cũng như chúng ta.
Trước hết ta phải xác định với chính mình là chúng ta thực sự đáng yêu, và với ý nghĩ này trong tâm ta nhận thức rằng mọi người cũng đáng yêu như thế. Dầu ta đều có những lỗi lầm như mọi người khác, chúng ta vẫn xứng đáng được thương yêu. Như thế ta cũng phải nhận thức rằng ta không cần phải đi tìm ai đó để yêu thương ta, vì cội nguồn thực sự của tình thương yêu đã được tìm thấy ở trong tim ta. Do đó sẽ không cần phải sân hận hay buồn khổ nếu có ai đó không màng đến ta. Vì họ chưa hoàn toàn có khả năng yêu thương, ta nên thương cảm cho họ.
Do đó khi đoạn diệt sân hận, chúng ta cũng cần buông bỏ việc tìm kiếm tình thương yêu từ người khác. Như thế là tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết, vì sân hận không thể phát khởi từ trái tim tràn đầy tình thương yêu. Nhưng tình cảm thì luôn thay đổi, và trái tim mấy ai luôn bền vững, nên việc chế ngự sự không bền vững này là một trong những khía cạnh quan trọng trên con đường thực hành tâm linh của ta. Nếu chúng ta có thể thành công, thoát khỏi quyền lực tình cảm của kẻ khác, khỏi những điều kiện bên ngoài nói chung, bằng cách vun trồng sức mạnh nội lực của tình thương yêu để nó không còn phải khuất phục trước những quyền lực này, thì chúng ta mới thực sự thực hành tâm linh. Dầu chúng ta có đến được cuối con đường thực hành này hay không, không phải là vấn đề; chúng ta chỉ cần tiếp tục đi theo con đường thanh tịnh hóa đó.
TIẾP THEO.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét