HAI LOẠI THỰC TẠI
Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) thì có hai loại thực tại: thực tại tương đối và thực tại tuyệt đối. Thực tại tương đối hay sự thực tương đối là sự thực có tính ước lệ hay quy ước, trong đó các pháp (mọi sự, mọi vật) được bàn đến bằng một ý nghĩa thông thường, trong khi đó sự thực tuyệt đối hay sự thực thuộc pháp bản thể là sự thực có tính trừu tượng, sự thực này tồn tại như những tính chất cơ bản, bất biến và không thể tối giản hơn được nữa của các hiện tượng. Ðối với hai sự thực này, sự thực tương đối được diễn tả bằng những từ ngữ có tính quy ước thông thường như: "Cái tách hiện hữu", "cái dĩa hiện hữu" v.v..., sự diễn tả này là sự thực, nhưng chỉ thực trong ý nghĩa quy ước thông thường thôi, trong ý nghĩa tuyệt đối thì thực sự không có tách hay dĩa hiện hữu gì cả, chỉ có các yếu tố cơ bản mà sự biểu thị của nó bao gồm.
Các yếu tố cơ bản này hiện hữu trong ý nghĩa cùng tột hay tuyệt đối và có bốn:
1) Yếu tố giãn nở hay địa đại, đây là nguyên tắc căn bản của vật thể. Chính yếu tố này làm cho các đối tượng chiếm lĩnh một khoảng không gian nào đó, và những đặc tính cứng, mềm của mọi vật thể đều do nơi yếu tố này. Nó có thể được thấy trong đất, nước, lửa và gió. Tuy nhiên, nó trội hơn trong đất và do vậy được gọi là yếu tố đất hay địa đại, trong ngôn ngữ hiện nay thường dùng là yếu tố giãn nở.
2) Yếu tố kết dính hay đông đặc. Yếu tố này trội hơn trong nước, dù rằng nó cũng có mặt trong ba nguyên tố căn bản khác là đất, lửa và gió. Nó có nhiệm vụ kết dính các nguyên tử rời rạc của vật thể lại với nhau và tạo thành khối, chồng hay đống.
3) Yếu tố nhiệt. Yếu tố này làm chín các loại vật thể, và mặc dầu nó trội hơn trong lửa, do vậy gọi là yếu tố nhiệt (hoả đại), nó cũng bao gồm cả lạnh vì nhiệt và lạnh là hai phương diện của yếu tố này.
4) Yếu tố chuyển động hay biến động (phong đại). Nó chính là năng lực hỗ trợ hay chống đỡ; tất cả mọi sự chuyển động và những rung động đều do những yếu tố này.
Bốn yếu tố này (Tứ Ðại) bất khả phân và tương quan lẫn nhau, mọi hình thức của vật thể chủ yếu đều gồm có tứ đại này. Mỗi vật thể là sự kết hợp của bốn yếu tố này trong một tỉ lệ thế này hoặc thế khác, nhưng ngay khi cùng vật thể này bị biến đổi thành những dạng thức khác, các tính chất cấu hợp lúc đó chỉ còn là những ý niệm hiện hữu trong tâm bởi tướng mạo, hình thù hay dạng thức đặc biệt của nó. Chẳng hạn, lấy một miếng đất sét làm thí dụ, nó có thể được gọi là một cái tách, cái dĩa, cái bình hay cái lu v.v... tuỳ theo những hình thù mà nó lần lượt được giả định. Tuy nhiên, những vật thể này có thể được phân tích và giản lược lại thành các yếu tố căn bản mà chỉ có nó tồn tại trong một ý nghĩa cùng tột. Từ ngữ tách, dĩa v.v... chỉ là những ý niệm chứ nó không có một thực thể chủ yếu tách biệt nào hơn là bốn yếu tố này. Dù rằng bốn yếu tố hay tứ đại này hiện hữu trong ý nghĩa cùng tột thật, nhưng chúng cũng phải bị chi phối bởi quy luật biến đổi vô thường, tuy nhiên những tính chất đặc biệt của nó là đồng nhất trong bất kỳ hình thể nào được thấy, dù cho nó là cái tách, dĩa hay bình, lu v.v...
Sự thực tương đối bao gồm những khái niệm như đất đai, núi non và những thứ đại loại như vậy, đều phát xuất từ những kiểu cách biến đổi vật lý trong thiên nhiên. Nhà cửa, xe cộ, tàu thuyền v.v... bắt nguồn từ những phô diễn khác nhau của vật chất. Ðàn ông, đàn bà v.v... bắt nguồn từ sự kết hợp của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Phương hướng (đó là hướng đông, tây, nam, bắc v.v... liên hệ đến vị trí của mặt trời), thời gian v.v... bắt nguồn từ sự chuyển vận của mặt trăng...
Mặc dù, có những nét đặc biệt như vừa đề cập ở trên, như vậy nó lại không tồn tại trong ý nghĩa tuyệt đối, chúng chỉ hiện hữu theo ý nghĩa của sự thực tương đối mà thôi. Chính vì vậy mà đạo Phật không thuộc chủ thuyết duy danh (Nominalism), bởi vì đạo Phật không bảo là các pháp như đất đai, núi non v.v... chỉ là những tên gọi mà không còn là gì khác cả. Ðạo Phật cũng không phải là chủ thuyết khái niệm, vì nó không bảo là mọi thứ chỉ hiện hữu trong tâm và không phải ở nơi nào khác. Tuy nhiên, đạo Phật là đạo duy thực (realism), vì đạo Phật dạy rằng bốn yếu tố căn bản (Tứ Ðại) thực sự tồn tại như những đặc tính vật chất nền tảng của các pháp.
Phạm trù của thực tại tuyệt đối có bốn là: tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết Bàn. Nói một cách tuyệt đối thì các pháp dù hiệp thế hay siêu thế đều bao gồm trong bốn tiêu đề này. Trong bốn thứ, Niết Bàn (Nibbàna), trạng thái siêu thế, là sự thực tuyệt đối duy nhất, cũng như là mục đích cuối cùng của đạo Phật. Ba thứ kia gọi là những sự thực trong chừng mực nào đó bao lâu chúng còn tồn tại bên trong và chung quanh chúng ta như những pháp trừu tượng, không thể tối giản và không thể thay đổi được nữa.
Cái được gọi là người đây chỉ bao gồm hai phần tâm và vật chất hay danh và sắc. Sắc có 28 loại, trong đó 4 loại đầu, như đã đề cập ở trên là những yếu tố nền tảng dựa vào đó 24 sắc còn lại tuỳ thuộc phát sanh; 6 trong số 24 sắc đó là:
1) Nhãn căn: được coi là bộ máy cảm giác nằm trong nhãn cầu, nơi đây nhãn thức khởi sanh.
2) Nhĩ căn: là bộ máy cảm giác nằm trong cơ quan tai, nơi đây nhĩ thức khởi sanh.
3) Tỷ căn: là bộ máy cảm giác nằm trong cơ quan mũi, nơi đây tỷ thức khởi sanh.
4) Thiệt căn: là bộ máy cảm giác nằm trên bề mặt của lưỡi, nơi đây thiệt thức khởi sanh.
5) Thân căn: là bộ máy cảm giác trải khắp toàn thân từ đầu đến chân, nơi đây thân thức khởi sanh.
6) Tâm căn: là một loại vật chất rất nhỏ nhiệm, vi tế nằm trong cơ quan tim, nơi đây ý thức chủ yếu khởi sanh.
Trong 6 căn này thì 5 căn đầu còn được gọi là ngũ môn (cửa giác quan), qua đó con người tiếp nhận những thông tin về thế giới bên ngoài, căn thứ 6 còn được gọi là ý môn, qua đó con người tiếp nhận thông tin về nội giới, thế giới của tâm hay ý giới.
Qua nhãn môn con người tiếp nhận thông tin về màu sắc, hình dáng, tướng trạng xuất hiện trong tầm thấy của nó; qua nhĩ môn con người tiếp nhận các loại âm thanh khác nhau; qua tỷ môn, các loại mùi khác nhau; qua thiệt môn, các loại vị khác nhau như ngọt, mặn, chua, cay v.v... qua thân môn con người tiếp nhận các loại cảm thọ khác nhau. Vì vậy con người tiếp nhận thông tin về ngoại giới qua ngũ môn (năm cửa giác quan), đồng thời con người cũng tiếp nhận các thông tin về nội giới qua ý môn, đây là thế giới của tâm hay thế giới rộng lớn của các tư tưởng và ý niệm. Trong thế giới nội tại này sự chú ý thường xuyên bị gọi đến từ nhiều hướng một lúc.
Mặc dầu có 6 cửa giác quan, qua đó con người thu nhận các thông tin về ngoại giới và nội giới nhưng người tiếp nhận thì không khác, đó là Tâm con người. Cái tâm vô hình nhưng đầy năng lực này có thể đưa con người ta lên thiên giới hoặc xuống địa ngục tuỳ theo khát vọng của họ, tâm này có thể được ví giống như một con nhện lăng xăng quanh cái lưới ý niệm chằng chịt. Con nhện này bị bủa vây bởi các thứ mồi đầy quyến rũ, vì thế chúng ta phải làm sao kiểm soát được con nhện tâm này để cho nó luôn luôn chạy theo cái hướng mà chúng ta đã chọn, như vậy chúng ta sẽ cải thiện được khả năng thấy các pháp đúng theo thực chất của nó và đạt đến trạng thái cuối cùng của sự hoàn thiện.
-ooOoo-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét