Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

SỐNG THIỀN 3

TỨ DIỆU ÐẾ TRONG ÐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY
Tứ Diệu Ðế là cột trụ của Phật giáo. Hiểu chúng sẽ giúp cho đời sống thường ngày của bạn được tốt đẹp hơn . Chân lý thứ nhất về Khổ ( Dukkha) phải được hiểu là bao gồm kinh nghiệm của con người từ sự bất mãn nhỏ nhoi đến sự đau khổ tột cùng . Ðó là sự kiện không thể tránh được của Sinh – Lão – Bệnh - Tử . Trong ý nghĩa thâm sâu nhất, Khổ là không hiểu được tính giả tạm của mọi vật , chính nó là nguyên nhân của Ðau Khổ và như thế các chân lý còn lại chỉ là con đường thoát khổ .
Giả dụ bạn phiền hà vì tiếng động và muốn chấm dứt nó . Sự ham muốn nầy nổi lên từ sự bất mãn của bạn với hiện tại . Sự ghét bỏ đó là một tình trạng căng thẳng . Nhưng bạn không nhận thức được sự ghét bỏ và sự đau khổ nó đem đến. Bạn cho Khổ là do người nào hay việc nào khác gây nên. Sự thiếu nhận thức nầy gọi là Vô Minh hay Ngu Dốt, ngu dốt về Tứ Diệu Ðế . Sự ngu dốt nầy được diễn tả là tình trạng thiếu tỉnh giác. Ngay lúc này bạn hãy nhìn vào tâm của bạn . Và khi bạn ý thức về sự bực bội, sự ghét bỏ tan đi. Nó tan mất vào tâm. Sự bực bội sẽ bớt đi nhiều vì vấn đề không phải là đem sự bực tức ra khỏi tâm. Vấn đề là chấp nhận sự kiện mình đang bức rức và bực bội. Vấn đề không phải là tiếng ồn, mà là phản ứng của bạn với nó. Bạn phải đối phó với mình trước khi đối phó với tiếng ồn là phải làm gì đây? Trong đời sống có nhiều trường hợp mà bạn không thể loại trừ được những yếu tố bên ngoài. Chúng ta không thể loại trừ hay kiểm soát hầu hết ngoại duyên trong đời sống, nhưng chúng ta có thể làm một cái gì cho chính mình. Bạn bắt đầu với chính bạn. Bởi vì bạn được sinh ra với ý chí tự do, nên bạn có thể làm bất cứ điều gì với chính mình. Bạn không thể chấm dứt tiếng ồn, vậy bạn phải lựa chọn chấp nhận nó . Bạn phải phân biệt giữa chấp nhận một cách mù quáng và chấp nhận một cách thông minh. Chấp nhận chỉ có thể được trọn vẹn nếu bạn không chứa chấp sự phê phán. Bây giờ bạn hãy nhìn lại trong tâm của bạn xem sao ? Sự bực bội đã biến mất . Bạn đã thấy là mình có thể phá vỡ được chu trình đau khổ bằng cách chỉ nhìn vào trong tâm trạng của mình. Ðây thực ra là sự tỉnh giác của tâm, là căn bản của sự tu tập 'thiền quán tâm' (Sati-patthana) trong Phật giáo. Sự chấp nhận tiếng ồn là kết quả của sự tỉnh giác. Sự tỉnh giác là hành động siêu thoát. . Sự chấp nhận mà chúng ta đang nói đây là sự tự nhiên và tức thời hòa nhập và làm một thể với môi trường .
Sự bất mãn của bạn với tình trạng ồn là chân lý thứ nhất về Khổ - tức Dukkha. Sự ham muốn hay khao khát được yên tịnh là chân lý thứ hai - Samudaya - tức Tập, hay là nguyên nhân của Khổ. Giây phút bạn được tự do thoát khỏi sự bực bội về tiếng ồn là Nirodha (Diệt) tức chân lý thứ ba. Khi bạn tu tập tỉnh giác, thực ra bạn đang thực hành Magga, hay Bát Chánh Ðạo. Bạn đang Chánh Tinh Tiến (gọi là Samma Vayama) để tu tập Tỉnh Giác tức Chánh Niệm (gọi là Samma Sati ) về sự bực bội của bạn. Do đó tâm bạn được tập trung, tức Chánh Ðịnh (gọi là Samma Samadhi ). Khi bạn siêu việt sự không thích tiếng ồn và không còn khó chịu, ngay lúc đó bạn có thể nghe tiếng ồn như thực tế , đây là Samma Ditthi hay là Chánh Kiến. Khi bạn không mong đợi nó chấm dứt hay trở nên ồn hơn, đó là Chánh Tư Duy (samma sankappa). Bạn có thể nói lên tình hình với nhận thức đúng đắn, gọi là Chánh Ngữ (samma vaca). Bây giờ bạn không muốn có những hành động bậy bạ, đó là Samma Kammanta, tức Chánh Nghiệp. Từ Chánh Nghiệp nầy , bạn đã thực hiện Chánh Mạng (samma ajiva).

TÍNH HỢP NHẤT CỦA BÁT CHÁNH ÐẠO
Trong Phật giáo, Bát Chánh Ðạo là con đường dẫn tới sự giải thoát. Muốn hiểu Bát Chánh Ðạo và áp dụng nó vào đời sống, chúng ta phải nhìn nó với sự hợp nhất của thân, khẩu và ý và trên bình diện Tuệ - Giới – Ðịnh (Panna, Sila và Samadhi.)
Mục đích chánh của Giới là để tránh làm tổn hại người khác bằng ngôn ngữ và hành động xấu - nhưng bạn phải giới hạn mình tới mức độ nào trong mọi lúc đây? Hành động của tâm, khẩu và thân xảy ra liên tiếp nhau rất nhanh đến nỗi hình như là không có khoảng trống ở giữa. Khi tư tưởng vừa nổi lên thì chúng ta thấy mình nói năng hay làm chuyện gì rồi. Chúng ta thấy mình không thể kiểm soát lời nói và hành động mình đủ nhanh để tránh làm tổn hại đến người khác. Nhưng sự tỉnh giác (sati) của bản tâm sẽ làm cho nó cảnh giác về hành động và lời nói của chính nó. Làm sao chúng ta có thể quay ngược sự chú ý vào bản tâm? Con đường tu tập tỉnh giác là cách phá được thói quen bận tâm về ngoại cảnh để có ý thức về những gì xảy ra bên trong, trong tâm chúng ta khi chúng ta sinh hoạt thường ngày. Khi sự tỉnh giác hay chánh niệm (samma sati) xảy ra, chúng ta thấy tâm mình không còn hành động nữa, nó dừng lại như là một chứng nhân để nhìn vào trạng thái bên trong. Khi sự quán tâm nầy đã trở thành thói quen cố định, như là bản chất thứ hai, thì chu trình phản ứng vô ý thức đối với ngoại cảnh bị phá vỡ. Trong giây phút đột phá nầy, sự 'thấy biết' hay 'ý thức' xảy ra: đó là sự nhận thức trong sáng như pha-lê về sự vật đúng như thực tế, về tình huống và nhân vật trong nhãn quan vô phân biệt, không có 'thích và 'không thích'. Từ tuệ giác mới mẻ nầy - Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp sẽ tiếp theo - tương đối và thích ứng với mỗi trường hợp, không còn vấn đề tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai nữa. Do đó, Giới Ðịnh Tuệ có thể được bao gồm trong từng giây phút tỉnh giác của đời sống thường ngày - ngay khi bạn ăn uống, làm việc, giải trí hay phấn đấu. Tóm lại, đời sống của bạn chính nó đã trở thành Bát Chánh Ðạo.

NĂNG ÐỘNG CỦA TÍNH THIỀN
Trong một vài hình thức tọa thiền, người ta có thể đạt tới một tình trạng mà tâm thức hoàn toàn vắng lặng, tập trung và tự chế, gọi là Vô Tưởng Ðịnh (jhanic samadhi). Trong tình trạng thiền định nầy, hành giả không thể sinh hoạt được. Ðây chỉ là một tình trạng tạm thời mà hành giả sẽ ra khỏi. Nhưng chúng ta đã nói về một lối thiền định khác, không qua tình trạng Vô Tưởng Ðịnh. Nếu bạn tu tập tỉnh giác trong đời sống thường ngày như là bạn đang kinh nghiệm ngay lúc nầy, bạn không phải đi qua tình trạng tự chế đó. Tiến trình thiền định luôn luôn tích cực mặc dù bạn tọa thiền hay thiền trong sinh hoạt thường ngày. Trong lối thiền tĩnh tọa, mặc dù thân thể ngồi yên, tâm chúng ta vẫn tích cực quán, nó có tỉnh giác về thân hay tâm. Thiền định là kỷ luật nội tâm cuối cùng sẽ đưa tâm ta về tình trạng thanh tịnh hóa.
Thiền định không làm cho bạn trở nên một người ù lì, vô tưởng hay vô cảm . Thật ra thiền định đem lại những gì tốt đẹp nhất trong bạn - tình thương, sự nồng ấm và nhạy cảm đối với mọi chúng sinh. Sự tu tập tỉnh giác, mặc dầu là trong lối tọa thiền hay sinh hoạt thiền, là một tiến trình tích cực và tiếp diễn. Trong tọa thiền, mặc dầu thân ngồi yên, tâm ta vẫn tích cực quán và có ý thức về thân tâm. Trong sinh hoạt thiền cũng thế, tâm tích cực tự quán mà không phụ thuộc vào cử động hay thời gian. Cái kỷ luật tâm linh trong mỗi hình thức là điều tối quan trọng sẽ đưa tâm chúng ta tới tình trạng thanh tịnh. Không phải tư thế ngồi đưa tới sự giác ngộ, mặc dầu tư thế cũng hữu ích khi giúp cho tâm tự an định. Nếu bạn hiểu rõ điều nầy, bạn có thể thiền định bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.
Tiếp theo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét