III. BI-TRÍ-DŨNG – Ba thế đứng trong Đạo Phật
Trong phần I chúng ta đã đặt ra câu hỏi phải chăng đạo phật đưa người ta đến cái nhìn bi quan yếm thế trước cuộc đời, qua những phân tích về kinh nghiệm sống ở phần I và thủ chấp ở phần II thì chúng ta đã ít nhiều thấy rằng hiển nhiên là không như vậy. Như một vị lương y sáng suốt và bi mẫn, Bụt (The Buddha) đã thấy rõ bệnh của chúng sinh: Khổ Đế chỉ là triệu chứng của bệnh, Tập Đế là nguyên nhân của bệnh, Diệt Đế là sự hòan toàn vắng bóng những nguyên nhân và triệu chứng đó, và Đạo Đế là phương cách để chuyển hoá, loại trừ các nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Như vậy, Tứ Diệu Đế là một phát hiện thực tế, hoàn hảo, logic và tuyệt vời nhất trong những khám phá về con người và cuộc sống. Người viết đang tự nghĩ không biết các nhà xét duyệt những giải thưởng Nobel có bao giờ nghĩ đến điều này chưa? Một phát hiện thiết thực, khoa học và đầy nhân bản như vậy hơn hai ngàn năm trăm năm trước mà cho đến bây giờ vẫn không được đánh giá và thẩm thấu đúng mức thì quả là một thiếu sót lớn.
Xung đột, vấp ngã và khổ đau là những bài học trong cuộc đời để chúng ta trưởng thành và trở nên nhân hậu hơn trước con người và cuộc sống. Những kinh nghiệm sống mà chúng ta đã đi qua, đang trải nghiệm và sẽ gặp trong đời không phải là những thưởng phạt của một Đấng toàn năng nào cả. Chúng được tạo ra bởi chúng ta, bởi những phản ứng của chúng ta trước các tình huống thực tế của cuộc sống. Theo Đạo Phật thì mỗi người là vị kiến trúc sư của chính cuộc đời mình. Nếu ta phản ứng tiêu cực thì tình huống sẽ tồi tệ hơn, và cuộc sống sẽ đi xuống. Nếu ta phản ứng tích cực thì tình huống sẽ được cải thiện, và cuộc đời sẽ đi lên, ngày càng tốt đẹp hơn. Ở một mức độ nào đó chúng ta có quyền lựa chọn một cách sống tốt nhất cho chính mình, một hướng đi cho đời mình. Những gì chúng ta đang làm trong hiện tại quyết định tương lai của chúng ta, và những gì mà chúng ta đang trải qua bây giờ là kết quả của những tạo tác của chúng ta trong quá khứ. Với một tầm nhìn sâu rộng như vậy chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời vốn công bằng và không thiên vị- đó là qui luật của nghiệp – quả (karmanīyama), một trong năm qui luật điều động sự vận hành của cuộc sống.[*]
[*] Năm qui luật được bàn đến trong triết học Phật giáo là: (1) citta niyāma- qui luật của tâm, hay những nguyên tắc vận hành của tâm; (2) karmaṇiyāma- qui luật nghiệp quả; (3) utu Niyāma- qui luật của thời tiết, hay sự vận động của các mùa; (4) bīja niyāma- luật sinh học; và (5) dharma niyāma- Sự vận hành có tính tất yếu của pháp.
Bạn có thể nói rằng chúng ta không có quyền lựa chọn cha mẹ, giống nòi, đất nước và thời đại mà chúng ta đã sinh ra. Nhiều người đã than thân trách phận vì không xinh đẹp, không khoẻ mạnh, không sinh đúng thời, v.v… Làm như vậy thì có ích gì đâu? Theo qui luật của nghiệp thì do những người đó đã tạo tác những nghiệp bất thiện hay tiêu cực trong quá khứ (đời trước) nên nay mới sinh ra trong hoàn cảnh kém hấp dẫn như vậy. Nếu người đó vẫn có những phản ứng tiêu cực thì chỉ làm cho tình thế xấu hơn mà thôi. Người viết đã từng gặp những người bị tâm thần vì ghanh tỵ, thất vọng, thất chí hay thất tình. Trở nên tâm thần hay rối loạn thần kinh là kết quả của những phản ứng tiêu cực được lặp đi lặp lại thường xuyên khi nạn nhân (mà thực ra cũng là chủ mưu!) phải đối diện với một thực tế không như ý, hay những tình huống bi đát. Kể ra thì không ai trong chúng ta không từng gặp những hoàn cảnh ngang trái, những trái ý nghịch lòng trong cuộc đời, nhưng phản ứng ra sao trước những tình huống như vậy chính là chìa khoá của vấn đề. Và đây chính là cơ hội để chúng ta lựa chọn. Một sự lựa chọn thiếu sáng suốt sẽ đẫn đến những hậu quả tai hại, và ngược lại, một sự lựa chọn khôn ngoan và sáng suốt sẽ đem đến những thuận lợi.
Có lẽ chúng ta đều biết câu chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Bà hoàng hậu mẹ kế của Bạch Tuyết vốn rất xinh đẹp, đã được chọn làm hoàng hậu, nhưng bà này quá tham vọng và kiêu hãnh. Bà muốn rằng mình là kẻ đẹp nhất thế gian, và sẵn sàng tiêu diệt hay hạ thủ bất cứ địch thủ nào trong khả năng quyền lực của mình. Bà không chịu nổi khi nghe chiếc gương (thực ra là cái tâm kiêu hãnh, ngạo mạn, và đầy ghanh tỵ của bà) nói rằng ngay trong hoàng cung có một người xinh đẹp hơn bà. Mù loà vì ghanh tỵ và đố kỵ, bà đã làm một tội ác lớn mà kết quả cuối cùng là cái chết nhục nhã của chính bà. Câu chuyện cổ tích đầy ý nghĩa khác là “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Sự may mắn mà ông lão đánh cá có được là do kết quả của lòng từ bi của chính ông lão, nhưng những phần thưởng từ vị thần biển lại chỉ khiến người vợ tham lam một cách ngu ngốc của ông tạo nghiệp xấu. Lẽ ra phải hoan hỷ vui sướng với những gì chồng mình đem về, người vợ tham lam này chỉ biết tìm lỗi và đay nghiến chồng vì không mang về những thứ tốt hơn. Trong chúng ta có bao nhiêu người có những phản ứng và lựa chọn cách cư xử ngu ngốc như thế này trước những gì cuộc sống đem đến cho ta?
Nếu không có những đau khổ trong cuộc đời làm sao chúng ta biết khước từ những thú vui tạm bợ và hướng đến chân hạnh phúc của sự buông bỏ không thủ giữ? Nếu không thấy và trải nghiệm những khổ đau cay đắng trong đời, làm sao có thể sanh khởi lòng từ bi và bác ái? Nếu chúng ta biết rằng con người thì vốn bất toàn khiếm khuyết, những gì xẩy ra trong cuộc đời chính là những thử thách và bài học để chúng ta tự hoàn thiện mình, thương mình và thương người một cách đúng đắn hơn thì tất cả những người mà ta đã gặp đều có những khía cạnh đáng thương, chúng ta sẽ trở nên nhân hậu và bao dung hơn trước con người và cuộc sống.
Tôi có một người bạn tuổi thơ sinh ra trong một gia đình nhiều con, nghèo nàn và lam lũ như nhiều đứa trẻ khác trong cái xóm núi heo hắt đó. Để bù lại, cô bé khoẻ mạnh, chân chất và rất hiếu thảo. Sau hơn mười năm xa nhà, tôi trở lại thăm quê, gặp lại những người bạn từ thời để chỏm mà nay hầu hết đã thành thiếu phụ, mẹ của vài ba đứa trẻ trạc tuổi chúng tôi hồi xưa. Chị tôi than thở và tỏ vẻ thương hại cho một người hàng xóm ‘xấu số’, chị cũng bóng gió trách cứ chồng mình không lanh lẹ bặt thiệp như người ta. Khi tôi gặp lại cô bạn nhỏ đó tôi thấy bạn vẫn rất vui vẻ và thành thật như ngày xưa. Tôi hỏi bạn: bạn có hạnh phúc không? Bạn trả lời là “có”. Tôi yêu cầu bạn giải thích vì sao bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc, bạn nói: “Mặc dù mình lấy chồng khá muộn so với bạn bè (ở quê tôi con gái thường lấy chồng ở cỡ tuổi 16 – 22, sau cái tuổi đó mà chưa có chồng thì thường trở nên mối lo cho gia đình, sợ bị “ế chồng”!), và chồng mình lớn tuổi hơn nhiều, nhưng anh ấy rất hiểu vợ và rất tâm lý. Mặc dù sức khoẻ chồng mình nay rất yếu, cha mẹ chồng lại luôn bệnh hoạn, nhưng để bù lại, họ lại rất biết phải chăng, họ luôn cố gắng để không trở nên gánh nặng cho mình. Mình rất biết ơn những cố gắng đó của chồng và bố mẹ chồng. Các con mình tuy đều là gái, nhưng các cháu rất ngoan ngoãn và giúp đỡ mẹ trong những việc nhỏ mà các cháu có thể làm được, không bao giờ để cho mẹ phải nghe hàng xóm hay thầy cô giáo kêu ca về các cháu. Các cháu cũng không đòi hỏi những thứ mà nhiều đứa trẻ may mắn hơn có được. Mình rất yêu con vì chúng khoẻ mạnh và ngoan ngoãn như vậy. Mình phải làm việc rất vất vả để duy trì đời sống của sáu người, nhưng mình yêu lao động và cũng đã quen như vậy rồi.”
Khi biết hoàn cảnh của bạn, tôi rất thương, nhưng khi nghe những gì bạn nói, tôi càng kính mến bạn hơn. Trong một hoàn cảnh có thể nói là kém may mắn như vậy mà bạn vẫn luôn lạc quan và duy trì được một sự quân bình đáng khâm phục. Bạn đã lựa chọn sự chấp nhận hoàn cảnh và có cách cư xử khôn ngoan đầy đạo nghĩa. Thay vì than oán trách móc số phận hầm hiu, bạn lại nỗ lực cải tạo hoàn cảnh và làm cho nó tốt đẹp hơn. Thay vì tìm lỗi người, bạn lại tìm những phẩm chất tốt đáng ca ngợi và trân trọng nơi những người kém may mắn khác. Không tự ti mặc cảm, bạn vẫn sống với thái độ tự tin và một tấm lòng đầy nhân ái và quan tâm đến người khác.
Khi bạn biết cám ơn và trân trọng tất cả những gì mà cuộc sống đem đến cho bạn, ít nhất lòng bạn sẽ không nổi sóng, và cuộc đời không có vẻ lắm phong ba bão tố. Nhưng khi bạn quá tham vọng và chỉ biết đòi hỏi thì ngay cả đã ở trong hoàn cảnh đầy thuận lợi, bạn cũng chỉ thấy thiếu thốn và không thoả mãn. Hạnh phúc an bình ở ngay nơi tâm ta, ngay nơi thái độ sống và cách cư xử của chúng ta trước những sự kiện, diễn biến của cuộc sống. Nếu chúng ta biết học những bài học trong đau khổ và trong những hoàn cảnh bất như ý thì chúng ta sẽ khôn lớn và nhân hậu hơn. Nếu bạn không chịu học từ những kinh nghiệm sống, bạn sẽ không ‘lên lớp’ được, sẽ phải vấp váp và đau khổ nữa vì chưa học xong bài học phải học trong cuộc sống. Chỉ có trí tuệ và lòng từ bi mới giúp chúng ta lèo lái con thuyền đời đến một bến bờ an toàn và tươi đẹp hơn.
Hãy lấy Từ Bi làm động lực cho cuộc sống, hãy dùng trí tuệ làm phương tiện thiện xảo, và ý chí vươn lên, tự vượt qua những yếu điểm của chính mình và của hoàn cảnh mà mình đã rơi vào chính là ‘dũng’. Dũng không phải là tranh đấu hơn thua với người khác mà dũng phải được hiểu là dám từ bỏ cái bản ngã ích kỷ hẹp hòi hay những quan điểm lỗi thời của chính mình để thấy được những gì to lớn tốt đẹp hơn ở phía trước. Như ở trên chúng ta đã nói, chấp thủ chính là phản ứng của cái bản ngã yếu đuối để tự bảo vệ mình. Dũng là dám nhìn thẳng vào nó, gọi đúng tên những gì đang hiện hữu, chấp nhận và cải thiện nó với một thái độ tích cực. Nỗ lực ngăn ngừa những (tâm địa) xấu ác, tiêu cực chưa sinh, đừng để cho chúng sinh. Nỗ lực chuyển hoá và loại trừ những bất thiện pháp đã sinh, đừng để cho chúng bành trướng và điều động. Nỗ lực làm sinh khởi những thiện pháp chưa sinh, tạo điều kiện cho cái tốt hình thành. Và nỗ lực làm lớn mạnh những thiện pháp đã sinh, nuôi dưỡng những tâm niệm tốt lành chính là dũng. Kinh Pháp Cú dạy: “Giữa chiến trường thắng muôn quân địch không bằng tự thắng mình. Thắng mình chính là chiến thắng cao thượng nhất.”
Khi một hành động có động lực là từ bi, được hướng dẫn bởi trí tuệ, và được thực hiện với lòng kiên trì và nhẫn nại thì đó chính là BI-TRÍ-DŨNG.
hết
Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015
Vẻ đẹp của cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế 5
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét