Pháp Hỷ (Dhammananda)
I. VÔ MINH DUYÊN HÀNH
Đôi khi ta gặp những người rất tệ hại, nhưng ngay cả những người không được tốt đó vẫn thích được khen ngợi là tốt đẹp, cao thượng, dễ thương, vv, và căm tức, công phẫn khi bị chỉ trích. Những người rất xấu vẫn thích đẹp và mong muốn mình xinh đẹp hơn, hay ít nhất là cũng được khen đẹp ở một khía cạnh nào đó. Phải chăng những người tệ hại xấu xa trong thâm tâm vẫn thích cái tốt đẹp, thích được tán thưởng, thích được chú ý đến? Có một qui luật chung, đó là ai cũng muốn được yêu thương, quí trọng và được chú ý đến. Nhưng có bao nhiêu người biết rằng người khác cũng như ta vậy, có một tự ngã và muốn được đánh giá đúng mức? Và muốn được người yêu, hãy yêu người, muốn được người kính, hãy kính người, muốn được quan tâm, hãy quan tâm đến người khác. Nhưng cũng có những người thiển cận đến nỗi không thấy được những nguyên tắc rất căn bản này, và luôn bị thúc đẩy bởi tham – sân – si, những năng lực không lương thiện khiến họ nói năng hành động và cư xử một cách thô lỗ, tồi tệ đến mức mọi người đều muốn tránh xa.Đó chính là từng cấp thấp nhất của vô minh, sự ngu muội và thiếu hiểu biết, thiếu trí tuệ phán đoán và thiếu kỹ xảo trong những tình huống thực tế. Tất cả các hành động xuất phát từ bản ngã, dù trực tiếp hay gián tiếp như trên đều được gọi là vô minh duyên hành.
1. Những cấp độ khác nhau của vô minh và hệ quả của chúng
Ở cấp độ thô thiển nhất, vô minh là sự ngu muội không biết đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là hữu ích, đâu là bất lợi. Những con bạc, những kẻ trộm cướp lưu manh, nhưng kẻ giết người, hay tra tấn hành hạ người, hành hạ súc vật, chim, cá, (chúng sanh hữu tình), những kẻ tà gian, dâm dật vô độ, vv, đều bị khống chế, dẫn dắt bởi cấp độ thô thiển này của vô minh. Vì nghĩ rằng nó có thể tìm được lạc thú, hay thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn một cách nhanh chóng bằng những hành động bất thiện, trái pháp luật, đáng bị chỉ trích công kích bởi đại chúng và những người có trí. Những kẻ ngu muội này lầm tưởng rằng nó có thể thoát khỏi hậu quả xấu của những hành động tồi tệ của chúng nên những chúng sanh lầm lạc này cứ làm tới mà không cảm thấy sợ hãi hay hổ thẹn bởi những hành động bất chính của chúng. Trong thuật ngữ Phật học, đây gọi là vô minh làm duyên cho bất thiện hành (avijja paccayā abhuññābhisaṅkhārā).
Những hành động như thế nào thì gọi là bất thiện hành? Bất thiện hành hay những hành động bất chính cũng có những cấp độ khác nhau, từ dễ thấy, lộ liễu và trơ trẽn đến tinh vi khoé léo và xảo quyệt. Hầu hết mọi người bình thường trong xã hội đều thấy trộm cướp, giết người, đồ tể hay đàng điếm, bài bạc, ngiện ngập, chửi bới tục tĩu, hay điêu toa dối trá là xấu ác, bất thiện và đáng bị nguyền rủa, đáng bị trừng phạt trong mọi xã hội từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Nhưng vì sao chúng sanh lại ngu muội, nghĩ xấu, nói xấu và làm xấu như vậy?
Khi một con bạc tìm đến sòng bạc thường là do tham lam, muốn có tiền một cách dễ dàng nhanh chóng. Thậm chí nó nghĩ rằng đó là cách kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng và…công bằng nữa! Nó tin rằng nó thông minh khôn khéo và lọc lừa hơn đối thủ và sẽ vớ được một khoản tiền béo bở trong đêm. Đối thủ của nó cũng nghĩ như vậy, và hầu hết những con bạc trong sòng bạc đều có ý nghĩ tương tự. Trong sòng bạc thường chỉ một vài người thắng bạc, còn lại là thua nhưng mọi người đều không mất hy vọng. Hope against hope, những kẻ bài bạc bị thúc đẩy, cắn xé và lao tới với tia hy vọng khi thì mãnh liệt, khi thì mong manh, rằng nó sẽ gỡ hoà hay thắng trong ván kế tiếp. Và những con bạc vẫn tham lam một cách lì lợm ngồi đó. Thứ năng lượng nuôi dưỡng nó lúc này là tham lam và giận dữ, cay cú khi nó thua, hể hả đắc thắng khi nó được. Cho dù thua bạc hay thắng bạc thì nhưng con bạc đều bị thiêu đốt, thôi thúc bởi những tình cảm mãnh liệt mà trong tâm lý học Phật Giáo gọi là bất thịện tâm. Những bất thiện tâm này xuất phát từ vô minh, hay nói bằng ngôn ngữ bình dân, đó là sự ngu muội, sự thiếu hiểu biết và khả năng nhìn nhận, suy tư một cách đúng đắn.
Vì chúng sanh không tin vào nhân quả thiện ác. Chúng không biết hoặc không tin rằng những hành động bất chính sẽ mang lại những hậu quả tai hại ngay trước mắt cũng như trong lâu dài. Khi tức giận người ta có thể đánh đập người hay đánh đập, gây thương tích trên cơ thể và tâm hồn kẻ mà họ căm ghét (cho bõ ghét!) Khi tham lam, người xấu có thể giết người cướp của hay lừa đảo, mưu mẹo để đạt lấy của người, hay trộm cắp tinh vi, hay gian dối lang chạ, hay bài bạc rượụ chè. Cũng có khi người ta đến sòng bạc hay quán rượu chỉ để tìm quên những đau khổ khó khăn mà họ không thể đối mặt để giải quyết. Những lạc thú tạm thời do những hành động bất chính kể trên đem lại có thể làm cho kẻ lầm lạc cảm thấy thoả mãn nhất thời và hắn có thể tiếp tục làm ác, hay thúc đẩy khuyến khích kẻ khác làm ác. Những kẻ ngu muội và thiển cận này không biết rằng giết người hay đánh người thì sớm hay muộn gì cũng bị ngươì giết lại hay đánh lại. “Hại nhân nhân hại sự này tại đâu” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).
Những kẻ trộm cướp gian dối hay lừa đảo thì có thể hưởng thụ những thứ mà chúng đã đạt được một cách bất chính chừng nào mà hành động của chúng chưa bị phát giác. Điều gì sẽ xẩy ra khi chúng bị phát hiện? Bị tù đày, bị khảo tra, bị kết án, bị trả thù, bị khinh chê, bị xa lánh, bị tịch thu tài sản… Ngay cả khi chưa bị phát hiện, những kẻ lầm lạc này cũng không được sống hoàn toàn yên ổn. Chúng lo lắng và sợ hãi những hành động bất chính của chúng có thể bị phát hiện, chúng tìm mọi cách để che đậy, lấp liếm những tội đã phạm phải. Có khi để che đậy tội ác đã làm chúng phạm thêm những tội ác mới, để chứng tỏ gian dối là thật, chúng phải gian dối nhiều hơn nữa, và trong vòng luẩn quẩn này chúng cứ trôi lăn, từ sự mù quáng này đến sự mù quáng khác. Trong trường hợp này họ là những chúng sanh được gọi là đi từ bóng tối vào bóng tối.
Đến một lúc nào đó, nghĩ ác, nói ác, làm ác trở thành một thói quen gần như không thể nào sửa đổi. Những chúng sanh tội nghiệp này được gọi là incorrigibles trong Tiếng Anh, nghĩa là đã quá hư hỏng đồi bại, không thể bỏ qua hay tha thứ. Một số những chúng sanh loại này nhận lãnh án tử hình hay chung thân, khổ sai trong một xã hội có pháp luật nghiêm minh, rõ ràng. Một số khác do nghiệp quả chưa chín mùi, tạm thời thoát khỏi pháp luật thì cũng thường bị chê bai, nguyền rủa. Có chăng chỉ có những kẻ xu nịnh xấu xa tuyên dương họ khi họ còn có quyền lực và tiền bạc. Những kẻ này khi ác nghiệp chưa chín mùi, chưa trổ quả khổ đau đôi khi còn dương dương tự đắc, vỗ ngực ca tụng xấu ác một cách trơ trẽn, tuyên bố rằng không có nhân quả nghiệp báo gì cả. Chúng có thể nói rằng đạo đức, nhân quả nghiệp báo và sự thánh thiện chỉ là những giáo lí nhảm nhí vô căn cứ, và không chứng minh được trong một thế giới nhiễu nhương đầy cám dỗ bởi vật chất và lạc thú, trong một thế giới mà sống gấp, sống vội kiểu mì ăn liền thường được quảng cáo và tán dương khắp nơi. Ở đây, những hành động không lương thiện được dẫn dắt bởi tà kiến.
Những người cờ bạc và tửu quán không phải do tham lam, nhưng để tìm quên những khổ đau thầm kín (mà họ không dám đối mặt giải quyết) cũng chỉ là một giải pháp tai hại chỉ có những kẻ thiếu suy nghĩ mới làm. Vì rằng cờ bạc tửu điếm không những không giúp người đó thoát khỏi tình cảnh đang vướng mắc, mà còn tạo thêm nhiều rắc rối khác như khánh kiệt tài sản, trở nên nghiện ngập, vướng bệnh xã hội, vv. Và như vậy những kẻ yếu đuối này càng ngày càng lún sâu vào con đường truỵ lạc và tội lỗi. Đoạn cuối của những chúng sanh tội nghiệp này thường rất bi thảm. Họ là những kẻ uống nước mặn để thoả mãn cơn khát tạm thời, càng uống càng khát thêm, và cuối cùng chết vì bị nhiễm độc. Dạng vô minh này được tâm lý học gọi là ‘hội chứng tự ti mặc cảm’- (inferior complex).
Ở mức độ trung bình, vô minh là sự không thấu hiểu nguyên nhân, gốc rễ của các hành (saṅkhārā, pháp hữu vi, hay pháp được tạo thành, pháp được cấu tạo). Phần nhiều chúng sanh nằm trong cấp độ này của vô minh. Các hành ở đây chỉ cho hai loại hành: thiện hành và ác hành. Thiện hành là hành động, nói năng và suy nghĩ một cách thiện xảo và chín chắn đưa lại lợi ích cho mình, cho người hay cho cả hai. Bất thiện hành là những hành động, nói năng và suy tư thiếu tử tế, thiếu khôn ngoan và không sáng suốt khiến dẫn đến hại mình, hại người, hay hại cả hai. Những người này khi thì làm tốt, nói năng và cư xử khôn ngoan khiến được lợi ích và ca ngợi, nhưng khi khác lại làm xấu, nói năng và cư xử một cách thiếu khôn ngoan tử tế khiến hại mình, hại người.Tuỳ điều kiện hoàn cảnh người đó có vẻ tốt, nhưng trong một điều kiện hoàn cảnh khác lại xấu xa tồi tệ. Do đâu những người này có những hành vi hay cách cư xử bất nhất như vậy? Do họ không có khả năng nhìn nhận và suy tư một cách sáng suốt và sâu sắc. Họ bị ảnh hưởng bởi những người quanh họ, bởi sự tuyên truyền quảng cáo, và bởi vẻ xuất hiện bên ngoài, không thấy được thực chất bên trong.
Trong môi trường tốt và được giáo dục chu đáo, những người này trở thành tốt, đôi khi khả kính và đáng yêu. Nhưng trong môi trường xấu hay trong hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn sàng (đôi khi do dự) làm ác, miễn sao tạm thời thoát khỏi tình trạng túng quẫn; họ không nghĩ đến hậu quả xấu có thể đối mặt trong tương lai. Do khi thiện, khi ác, khi xấu khi tốt bất nhất như vậy nên đời sống của những người này là sự đắp đổi giữa hạnh phúc và khổ đau. Trong ngôn ngữ bình dân gọi là “khi lên voi, khi xuống chó”.
Những người này ít nhiều có hiểu biết đâu là tốt, đâu là xấu, những gì đem lại lợi ích và những gì đem lại bất lợi, nhưng họ thường chỉ thấy biết trên bề mặt của vấn đề/ hiện tượng mà không thấy bản chất của vấn đề/ hiện tượng. Họ là nhừng kẻ “theo dòng”, hay gió cuốn chiều nào thì lay theo chiều đó, trôi nổi dật dờ theo trào lưu và xu hướng chung của xã hội. Trong số họ, nếu có đủ thông minh, tài trí và gặp thời thì có thể trở thành những “ngôi sao” hay những nhà lãnh đạo, có khi giàu có và nổi tiếng, thậm chí còn có thể trở thành thần tượng cho đám đông. Nhưng khi được đám đông hoan hô và tán thưởng không bõ cho khi bị nguyền rủa và chà đạp cũng bởi đám đông đó, hay bởi một đám đông khác bất đồng quan điểm, khác niềm tin, đối nghịch.
Tiếp theo
Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015
Vẻ đẹp của cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế 1
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét