TIẾP TỤC THỰC HÀNH
Pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ có thể được áp dụng vào
trong cuộc sống hàng ngày. Nó không khó chút nào cả. Mọi người thấy nó khó
chẳng qua bởi vì họ thiếu sự thực hành đầy đủ. Điều quan trọng là bạn phải cố
gắng một cách chân thành trong sự thực hành của mình. Qua kinh nghiệm, bạn sẽ
tự mình thấy rằng nó thật là đơn giản. Nếu chúng ta có được một thái độ kiên
trì và cố gắng bền bỉ trong thực hành như trong công việc làm ăn hay trong nghề
nghiệp của mình, thì nó sẽ đến với bạn dễ dàng hơn nhiều.
Thật
không may là hầu hết mọi người đều tin rằng họ không có đủ thời gian để nuôi
dưỡng và trân trọng Giáo Pháp; họ luôn quá bận rộn làm ăn kiếm sống. Nhưng bạn
không nên lo lắng về việc phải dành thời gian cho sự thực hành; chỉ cần đơn
giản tự nhắc nhở mình chánh niệm trong các công việc hàng ngày của mình là đủ.
Hãy kiên nhẫn để thu hoạch đuợc chánh kiến, sự hiểu biết đúng đắn cũng như
những kỹ năng cần thiết. Nếu bạn thực hành nhiệt tâm, hết mình, kiên trì và bền
bỉ, không sớm thì muộn bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích.
Một khi
đã thực sự hiểu được lợi ích của việc thực hành, bạn sẽ không bao giờ ngừng
lại; bạn sẽ luôn tiếp tục thực hành dù ở bất cứ nơi đâu. Khi bạn đã thực sự có
thể vận dụng Giáo Pháp vào trong cuộc sống của mình và bắt đầu thấy được sự khác
biệt do nó mang lại, thì khi đó tính chất của Pháp sẽ trở nên rõ ràng, hiển
nhiên. Giáo Pháp sẽ trở nên sống động và thực sự có ý nghĩa đối với bạn.
Trường
thiền chỉ là một nơi để bạn học hỏi, một trại huấn luyện hay một cuộc hội thảo
về chánh niệm mà thôi. Hãy tiếp tục thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Đừng
nghĩ rằng đó là một việc làm khó khăn. Hãy cố gắng lại nhiều lần. Phát triển
chánh niệm là công việc của cả một đời người; không cần phải vội vàng hay lo
ngại điều gì cả. Điều quan trọng là bạn học cách thực hành đúng đắn để có thể
áp dụng một cách hiệu quả những điều đã học vào trong cuộc sống hàng ngày. Khi
bạn đã có thể áp dụng những điều mình học hỏi vào trong bất kỳ tình huống nào
trong cuộc sống, thì khi đó chánh niệm của bạn còn cao siêu hơn cả thứ chánh
niệm thu được khi khoanh tay kinh hành đi lại ở trong thiền viện mà thôi.
Bạn sẽ
sống hạnh phúc hơn, hoà hợp và thân ái hơn với mọi người nếu bạn có chánh niệm,
hay biết rõ ràng bất cứ việc gì mình làm, ở bất cứ nơi đâu. Điều này chỉ có thể
đến dễ dàng khi pháp hành đã duy trì được đà quán tính; nó chỉ có được khi đã
có chánh niệm tự nhiên, khi chánh niệm đã trở thành một con người thứ hai của
bạn.
Khi bạn
có được một kinh nghiệm mới trong quá trình thực hành, đừng diễn dịch nó theo
những điều bạn đã từng đọc hay nghe ở đâu đó. Nếu những hiểu biết bạn đạt được
qua kinh nghiệm đó là thực, thì tuệ giác hay trí tuệ sẽ mang lại một sự thay
đổi thực sự trong cách nhìn của bạn, thay đổi những thói quen, suy nghĩ và ngay
cả thái độ ứng xử của bạn nữa. Tuệ giác có giá trị gì đâu nếu nó không giúp
được cho bạn trở nên ngày một tốt đẹp và hướng thượng hơn, đúng không?
THẾ NÀO
LÀ THÁI ĐỘ ĐÚNG
KHI HÀNH
THIỀN?
1. Hành thiền là nhận biết
và quan sát một cách thư giãn bất cứ
điều gì diễn ra– dù nó là dễ chịu hay khó chịu.
2. Hành thiền là theo dõi
và chờ đợi một cách kiên nhẫn với chánh niệm và hiểu biết. Thiền KHÔNG PHẢI là
cố để kinh nghiệm cho được những điều bạn đã từng được đọc hay nghe ở đâu đó.
3. Chỉ chú tâm vào khoảnh
khắc hiện tại.
Không sa đà nghĩ ngợi về
quá khứ.
Không bị cuốn theo các suy
nghĩ về tương lai.
4. Khi hành thiền, cả thân
và tâm cần phải thật thư giãn và thoải mái.
5. Nếu thân và tâm mệt
mỏi, tức là bạn đang có sai lầm trong cách thực hành. Đây là lúc bạn cần kiểm
tra, xem xét lại cách hành thiền của mình.
6. Tại sao bạn phải chú
tâm quá mức khi hành thiền?
Có phải là bạn đang mong
muốn một điều gì đó chăng?
Hay bạn mong muốn điều gì
đó phải diễn ra?
Hay bạn mong muốn điều gì
đó đừng diễn ra nữa?
Hãy kiểm tra lại xem có
phải mình đang có một trong những thái độ này không.
7. Nên hành thiền với một
cái tâm thư giãn và thỏa mái.
Bạn không thể thực hành
được khi tâm bị căng thẳng.
8.Đừng chú tâm, tập trung
quá mức, đừng cố kiểm soát. Không cưỡng ép, cũng đừng tự bó buộc, hạn chế mình.
9. Đừng cố tạo ra điều gì
cả, và cũng đừng chối bỏ những gì đang diễn ra.
Chỉ chánh niệm hay biết.
10. Cố gắng tạo ra điều gì
đó là tham.
Chối bỏ những điều đang
diễn ra là sân.
Không biết những gì đang
diễn ra hay không còn diễn ra nữa, đó là si.
11. Chỉ khi nào tâm quan
sát không còn tham, sân hay xáo động, bất an nữa thì lúc đó bạn mới thực sự là
đang hành thiền.
12. Đừng có bất cứ một sự
mong đợi nào cả.
Không mong muốn, trông
ngóng điều gì,
Không băn khoăn, xao động,
bởi vì khi có những thái
độ này trong tâm sẽ rất khó hành thiền.
13. Đừng cố gắng buộc mọi
việc phải diễn ra theo ý muốn của mình. Bạn hãy cố gắng hay biết những gì đang diễn ra, như nó đang là.
14. Tâm đang làm gì?
Đang nghĩ ngợi lung tung?
Hay đang chánh niệm?
15. Tâm đang ở đâu?
Ở trong? Hay ở ngoài?
16. Tâm theo dõi hay tâm
quan sát có hay biết một cách tường tận, thích đáng hay không, hay chỉ hay biết
một cách hời hợt?
17. Đừng hành thiền với
một cái tâm mong cầu điều gì hay muốn điều gì đó phải xảy ra. Làm như vậy bạn
chỉ tự làm cho mình mệt mỏi mà thôi.
18. Bạn phải chấp nhận và
quan sát cả kinh nghiệm tốt lẫn kinh nghiệm xấu.
Bạn chỉ muốn kinh nghiệm
tốt thôi ư?
Bạn không muốn có, dù chỉ
là một kinh nghiệm khó chịu nhỏ nhất nào ư?
Điều này có hợp lý không?
Cách thức vận hành của Pháp
là như vậy sao?
19. Bạn phải kiểm tra lại
xem mình đang hành thiền với thái độ như thế nào. Một cái tâm nhẹ nhàng và giải
thoát sẽ giúp bạn hành thiền được tốt đẹp.
Bạn có thái độ chân chánh
hay không?
20. Đừng cảm thấy bị quấy
rầy bởi tâm suy nghĩ. Không phải bạn thực hành để ngăn chặn suy nghĩ, mà để
nhận rõ và hay biết suy nghĩ mỗi khi nó khởi sanh.
21. Đừng chối bỏ bất cứ
đối tượng nào đến trong phạm vi chú ý của bạn. Hãy xét xem có phiền não đi theo
đối tượng đó hay không, nếu có hãy thẩm nghiệm và quan sát nó.
22. Đề mục không quan
trọng, tâm quan sát đang làm việc ở phía sau hay biết đề mục đó mới thực sự
quan trọng. Nếu bạn quan sát với một thái độ chân chánh, thì bất cứ đề mục nào
cũng là đề mục đúng đắn cần quan sát.
23. Chỉ khi có đức tin (saddha-Tín), tinh tấn mới phát khởi.
Chỉ khi có tinh tấn (viriya-Tấn), chánh niệm mới trở nên liên
tục.
Chỉ khi chánh niệm (sati-Niệm) được liên tục, định tâm mới
được thiết lập.
Chỉ khi định tâm (samadhi-Định) được thiết lập, bạn mới
bắt đầu hiểu được mọi sự như chúng đang là.
Khi bạn bắt đầu hiểu được
mọi sự như chúng đang là (paññā-Tuệ)
thì đức tin sẽ lại càng tăng trưởng vững mạnh.
______________________
[1] Hiệu ứng quả cầu tuyết (snowball effect) là hiện tượng tuyết dính chùm vào một quả cầu tuyết rất nhỏ ban đầu, trong quá trình lăn xuống dốc. Số tuyết dính tụ vào trên đường đi ngày càng lớn, đến mức khi xuống đến chân núi, quả cầu tuyết nhỏ bé này đã trở thành một khối cầu tuyết khổng lồ, có sức tàn phá rất lớn – Chú thích của người dịch.
Hết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét