CÁC BUỔI
TRÌNH PHÁP
Các buổi trình pháp là cơ
hội để bạn trình bày kinh nghiệm thiền tập của mình với thiền sư và nhận lấy
những lời khuyên.
Thiền sư
muốn biết xem bạn đang thực hành như thế nào; có thể thư giãn và chánh niệm
được không; chánh niệm có được liên tục không; bạn có phân biệt được thế nào là
thái độ đúng đắn và thế nào là thái độ sai lầm không; có nhận biết và quan sát
được các phản ứng của mình hay không; bạn cảm thấy ra sao, đã hiểu biết được
những gì…Đó là những thông tin cơ bản bạn phải trình bày trong buổi trình pháp;
chỉ khi nào thiền sư hiểu được những điểm mạnh, điểm yếu của bạn thì mới có thể
cho bạn những chỉ dẫn đúng đắn để thực hành.
Bạn cũng
có thể nói trình độ của mình hiện đang ở mức nào và bạn muốn đạt đến đâu. Bạn
phải hết sức thành thực với chính mình. Nếu chỉ trình những kinh nghiệm tốt hay
chỉ trình những kinh nghiệm xấu thôi thì sẽ rất khó để cho bạn những lời hướng
dẫn cần thiết.
LẤY ĐÀ
CHÁNH NIỆM
Nếu là người mới bắt đầu hành thiền, bạn phải thường
xuyên tự nhắc nhở mình chánh niệm. Lúc đầu thì bạn nhận ra mình mất chánh niệm
hơi chậm và có thể nghĩ rằng chánh niệm của mình như thế là đã tương đối liên
tục. Song khi chánh niệm đã trở nên sắc bén hơn, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng
thực ra mình thường xuyên bị mất chánh niệm. Thậm chí bạn còn có cảm tưởng là
chánh niệm của mình ngày càng kém đi, song thực ra đó là vì bạn đã thường xuyên
ý thức được mỗi khi mình bị mất chánh niệm. Đây là một bước tiến đúng hướng. Nó
cho thấy chánh niệm của bạn đã tốt hơn trước. Do đó, đừng bao giờ tự dằn vặt
mình như vậy, chỉ đơn giản chấp nhận mức trình độ đang có của mình và tiếp tục
tự nhắc nhở mình chánh niệm.
Tuy
nhiên, chỉ tự nhắc mình chánh niệm thì cũng chưa đủ. Để chánh niệm trở nên mạnh
hơn, bạn cần phải có thái độ hành thiền đúng đắn, có một cái tâm quan sát không
bị phiền não chi phối. Sự quan sát sẽ trở nên khó khăn hơn khi bạn cứ mải bận
tâm, lo lắng về sự tiến bộ của mình. Trước hết, bạn phải ý thức được rằng đó
chính là phiền não, và rồi lấy chính nó làm đối tượng để quan sát. Mỗi khi bạn
có những trạng thái như phân vân, nghi ngờ, không thoải mái, bất mãn, căng
thẳng, cáu gắt, bực bội hay vui mừng, hãy nhìn kỹ chúng. Tìm hiểu, xem xét
chúng và tự hỏi mình xem: "Tâm mình
đang suy nghĩ điều gì?" "Thái
độ của mình ra sao?". Việc này sẽ giúp bạn hiểu được tác động của
phiền não đến mình thế nào. Bạn cần phải kiên nhẫn, có sự hứng thú, say mê và
một cảm giác tò mò muốn làm, muốn khám phá, tìm hiểu. Dần dần, khi bạn đã trở
nên thiện xảo, khéo léo hơn trong việc quan sát với thái độ đúng đắn, chánh
niệm sẽ mạnh mẽ và liên tục hơn. Chính điều này sẽ giúp bạn thêm tự tin trong
pháp hành của mình.
Ở thời
điểm này bạn sẽ bắt đầu thấy được lợi ích của thiền và lúc đó hành thiền không
còn là một "công việc" nữa, mà bạn sẽ có thêm nhiều hứng thú trong
pháp hành. Bạn tự nhắc mình chánh niệm dễ dàng hơn và dễ nhận diện phiền não
hơn. Kết quả là chánh niệm sẽ trở nên ngày càng liên tục, và cùng với thời
gian, khi pháp hành đã chín muồi, chánh niệm sẽ đạt được đà quán tính.
Một khi
đã có đà quán tính, bạn sẽ giữ chánh niệm một cách tự nhiên. Loại chánh niệm tự
nhiên hầu như có thể cảm nhận rõ rệt được này sẽ mang lại cho bạn cảm giác giải
thoát chưa từng thấy. Bạn chỉ đơn giản luôn luôn hay biết mỗi khi nó có mặt, và
trên thực tế hầu như nó có mặt trong mọi lúc. Nói cách khác, bạn biết là mình
đang có chánh niệm, khi đó tâm đã trở thành đề mục để quan sát. Khi đã có được
đà chánh niệm như thế, tâm bạn sẽ trở nên ngày càng quân bình, buông xả.
Chánh
niệm lúc này sẽ rất mạnh và bạn chỉ cần rất ít cố gắng để duy trì đà quán tính
của nó. Bạn sẽ luôn luôn hay biết nhiều đề mục khác nhau, mà không cần cố gắng
dụng công. Khi rửa tay chẳng hạn, bạn nhận biết được các cử động, xúc chạm, mùi
xà phòng, cảm giác và cả tiếng nước chảy…Trong khi hay biết tất cả những điều
này, bạn có thể hay biết được cả cảm giác chân đang xúc chạm với sàn nhà, nghe
được tiếng loa vẳng lại từ ngôi chùa bên kia cánh đồng, hay nhìn thấy vết bẩn
trên tường và cảm thấy ý muốn rửa sạch nó đi. Trong khi tất cả những điều này
diễn ra, bạn cũng có thể hay biết được tâm mình có thích hay không thích. Tất
nhiên, mỗi lần rửa tay bạn lại hay biết những đối tượng khác nhau. Chánh niệm
tự nhiên thì đề mục luôn thay đổi, chuyển dịch liên tục, buông bỏ đề mục này để
nắm bắt đề mục kia, chuyển từ một tổ hợp đề mục này sang tổ hợp đề mục khác.
Khi đã
có chánh niệm tự nhiên, dường như mọi việc đều chậm lại bởi vì giờ đây bạn nhận
biết được rất nhiều đề mục khác nhau, trong khi lúc mới thực hành bạn vẫn phải
cố vật lộn để giữ chánh niệm trên một, hai đề mục chính mà thôi. Tuy nhiên, bạn
vẫn có thể đột nhiên bị mất thăng bằng khi bất ngờ chạm trán với những loại
phiền não tham, sân thật mạnh. Điều khác biệt là giờ đây tâm bạn phát hiện ra
các phiền não loại thô hay những thái độ sai lầm của mình một cách rất nhanh chóng, rồi hoặc là chúng sẽ tan
biến ngay tức khắc, hoặc là ít nhất cũng bị mất sức mạnh. Bạn vẫn có thể bị
thất niệm, tâm vẫn có thể lang thang đây đó hay có lúc chánh niệm suy yếu, nhạt
nhoà đi, song sẽ lấy lại chánh niệm tương đối nhanh, chánh niệm tự nhiên sẽ
nhanh chóng trở lại làm công tác của mình.
Tuy
nhiên, trước khi quá phấn khởi với thành tích đó, xin cảnh báo bạn một điều
rằng: để đạt được đà quán tính này không phải là chuyện dễ. Bạn không thể bắt
nó phải xảy ra được. Phải thật kiên nhẫn. Có thể bạn sẽ đạt được đà chánh niệm
này sau một vài tuần dành trọn thời gian hành thiền, song nó cũng không kéo dài
được lâu. Để duy trì được nó, cần phải có sự khéo léo và quá trình thực hành.
Lần đầu tiên đạt được chánh niệm tự nhiên, bạn sẽ nhanh chóng đánh mất nó trong
vòng một vài giờ hay thậm chí chỉ trong vài phút. Đừng bao giờ cố gắng để lấy lại trạng thái đó; nó chỉ có thể xảy đến
một cách tự nhiên và đơn giản thông qua quá trình thực hành bền bỉ, liên tục.
Hầu hết tất cả các thiền sinh phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để nắm vững
kỹ năng và hiểu biết cần thiết, để duy trì được chánh niệm tự nhiên trong suốt
cả ngày.
Khi pháp
hành của bạn đã có đà quán tính, định tâm sẽ phát triển một cách tự nhiên, tâm
bạn sẽ ngày càng ổn định hơn. Tâm trở nên sắc bén hơn, biết bằng lòng-tri túc,
đơn giản và chân thực, nhu nhuyễn và nhạy cảm hơn. Nó có thể nhận diện được
những loại phiền não vi tế một cách dễ dàng trong khi vẫn chánh niệm, hay biết
được các đề mục khác. Chánh niệm tự nhiên không những giúp bạn có khả năng
chánh niệm được trên nhiều đối tượng mà còn giúp bạn hiểu được nhân-quả, quan
sát mọi chi tiết và xử lý hiệu quả các loại phiền não vi tế.
Chẳng
hạn, bạn đang cảm thấy rất thư giãn và tĩnh lặng khi đi kinh hành trong thiền
đường, rồi khi vào ngồi thiền, bạn chợt nhận thấy có một sự xáo động, bất an
rất vi tế ở trong tâm. Lúc này tâm bạn đã nhận biết được phiền não, chấp nhận
nó và bắt đầu cảm thấy hứng thú với công việc đó. Có thể bạn sẽ tự hỏi "Tại sao có sự bất an này?". Tâm bạn
sẽ xoay quanh câu hỏi đó. Cùng lúc, bạn cũng khám phá ra rằng thân mình đang bị
căng thẳng, có thể đó là một cảm giác căng cứng nơi bụng chẳng hạn. Rồi, bất
chợt bạn hiểu rằng đó chính là do sự tích tụ của những trạng thái stress, bực
bội, bất mãn hay phấn khích nào đó núp sau những bất an và căng thẳng thể lý
này. Nói cách khác, trí tuệ bắt đầu phân loại, chọn lọc mọi thứ. Khi tâm đã
hiểu nguyên nhân của cảm giác xáo động, bất an, ngay lập tức sự bất an sẽ giảm
cường độ và những căng thẳng trên thân cũng nhẹ dần.
Nếu tiếp
tục quan sát, bạn sẽ phát hiện ra rằng một số bất an và căng thẳng vẫn còn dư
sót lại ở bên trong. Tâm bạn sẽ khởi lên câu hỏi "Tại sao có sự việc này?"; câu hỏi đó sẽ dẫn bạn tiến lên một
trình độ cao hơn. Bạn sẽ phát hiện ra những mong cầu, chống đối, những quan
kiến và hy vọng còn giấu mặt bên trong, chính chúng là thủ phạm gây ra những
căng thẳng đó. Bởi vì giờ đây bạn đã thấy được nguyên nhân "gốc" của
sự bất an, nên tâm bạn mới có thể hoàn toàn buông bỏ được.
Vì đã
biết rõ nguyên nhân, nên tâm bạn sẽ để ý, canh chừng, đề phòng những tình huống
tương tự có thể gây ra stress, bực bội hay phấn khích nổi lên. Mỗi khi chúng
xuất đầu lộ diện, trí tuệ sẽ vạch mặt những loại phiền não giấu mặt đằng sau
chúng. Theo cách này, chánh niệm sẽ ngày càng miên mật và tâm sẽ ngày càng mạnh
mẽ hơn. Bấy giờ Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau. Nói
cách khác, Pháp sẽ tự vận hành.
Tuy
nhiên, ngay cả chánh niệm tự nhiên cũng không thể luôn luôn phát hiện được mọi
phiền não. Tất cả chúng ta đều có những "vùng mù", những cố tật thâm
căn cố đế chưa ý thức được. Chánh niệm tự nhiên không thể thấy được những
"vùng mù" này. Chúng còn tiềm ẩn sâu trong tâm thức, sự quan sát trực
tiếp không thể tiếp cận đến. Cái mà chánh niệm có thể thấy được là những phản
ứng cảm tính của người ngoài. Vì vậy, mỗi khi bạn nhận thấy những người xung
quanh mình bỗng nhiên trở nên bảo thủ-tự vệ theo một cách nào đó, hãy nhìn lại cách cư xử và thái độ của mình. Tuy
nhiên, thường thì bạn không thấy rõ được mình đã chọc giận hoặc làm tổn thương
đến người khác như thế nào. Nếu bạn cảm thấy thân mật, thoả mái với người mình
đã lỡ chọc giận, thì có thể hỏi xem ý kiến người ấy thế nào hay có điều gì
không vừa lòng về mình không. Nếu không thì tốt nhất là nên kể toàn bộ sự việc
lại cho một người bạn tốt, để người ấy xem mình sai chỗ nào. Một khi bạn đã
thấy ra được vấn đề của mình, thì có thể trình bày điều đó lên trong buổi trình
pháp. Điều quan trọng là phải phát hiện và khám phá ra những thói quen và cố
tật tiềm ẩn đó của mình. Chỉ khi bạn ý thức được những thái độ sai lầm, vốn là
thủ phạm của những cố tật "mù" đó, thì trí tuệ mới có thể để ý canh
chừng chúng được.
Nếu là
người mới tập thiền, bạn phải cố gắng để cho trí tuệ hoạt động, thể hiện chức
năng của nó. Bạn phải sử dụng chánh niệm của mình một cách thông minh và khôn
khéo để thực hành một cách hiệu quả. Nhất là khi phải đối mặt với khó khăn, bạn
phải vận dụng tư duy để tìm ra cách thức giải quyết tình huống đó. Theo thời
gian, khi chánh niệm trở nên miên mật hơn, trí tuệ sẽ đến và nhanh chóng thực
hiện chức năng, nhiệm vụ của nó. Trí tuệ biết rõ sự khác biệt giữa thái độ sai
lầm và thái độ chân chánh, trí tuệ sẽ xua tan phiền não. Khi pháp hành của bạn
đã có đà tiến, chánh niệm và trí tuệ sẽ bắt đầu làm việc cùng nhau. Khi chánh
niệm đã được tự nhiên, trí tuệ có được sẽ luôn luôn sẵn sàng hoạt động.
Mặc dù
vẫn còn thất niệm, nhưng bạn hãy luôn kiên nhẫn và nhẹ nhàng đưa tâm mình về
với hiện tại. Liên tục tự nhắc nhở mình, nhưng đừng tham lam, ham tiến bộ quá
mức. Cũng đừng bận lòng khi thấy người khác tiến nhanh hơn mình nhiều; bạn đang
bước đi trên con đường riêng của mình với tốc độ riêng của mình. Tất cả những
điều bạn cần làm là duy trì chánh niệm, không sớm thì muộn, chánh niệm sẽ có
được đà tiến một cách tự nhiên.
TRÍ TUỆ
Chúng ta thường tiếp thu
kiến thức và trí tuệ thông qua học hỏi, nghe pháp, đọc sách (sutamāya paññā - văn tuệ), thông qua tư
duy, suy luận (cintamāya paññā - tư tuệ)
và thông qua kinh nghiệm trực tiếp của thiền tập (bhavanamāya paññā - tu tuệ).
Văn tuệ
là tiếp thu thông tin hướng dẫn đúng đắn để khởi sự thực hành. Tư tuệ là quá
trình tiêu hoá những thông tin này, thẩm thấu và dung nạp chúng. Tu tuệ là
những hiểu biết sanh khởi thông qua kinh nghiệm trực tiếp. Chúng ta cần phải có
cả văn tuệ và tư tuệ để thực hành chánh niệm một cách hiệu quả, làm cho trí tuệ
trực giác (tu tuệ) sanh khởi. Cả ba loại trí tuệ này đều là một phần của thiền
tập, tất cả đều cần yếu đối với thiền Vipassanā.
Nếu là
người mới bắt đầu tập thiền, chúng ta cần tìm đọc sách vở Phật Pháp, hoặc ít
nhất là cũng phải nghe thuyết pháp và tham dự các buổi trình pháp. Những hoạt
động này sẽ giúp bạn có được những thông tin tư vấn và hướng dẫn cần thiết cho
quá trình thiền tập, cung cấp một số "chất liệu" để tư duy, suy ngẫm.
Chúng ta cần ghi nhớ những thông tin tư vấn và hướng dẫn, để mỗi khi đối diện với
khó khăn chúng ta sẽ nhớ lại và biết cách ứng xử và tất nhiên bạn cũng cần phải
nêu câu hỏi trong các buổi trình pháp nữa.
Cái
chính là bạn phải nỗ lực, cố gắng một cách có ý thức để có được trí tuệ. Tuy
nhiên, điều rất quan trọng là bạn phải lưu ý về ảnh hưởng của những kiến thức
này đến quá trình thực hành của mình. Tất cả những thông tin đó sẽ còn tiếp tục
hoạt động ngầm bên dưới bề mặt ý thức, sẽ tác động đến cách suy nghĩ và nhìn
nhận sự việc của chúng ta. Vì vậy, hãy bảo đảm là mình đã thực sự hiểu những
điều "cơ bản" đó; hiểu được công việc mình đang làm. Mỗi khi bạn thấy
còn băn khoăn, khó hiểu, hãy trình bày với thiền sư. Điều hết sức cần thiết là
phải có thông tin hướng dẫn đúng đắn, có động cơ và suy nghĩ chân chánh để thực
hành một cách thông minh và hiệu quả. Đối với hầu hết chúng ta, quá trình thành
tựu trí tuệ là một quá trình học hỏi chậm chạp, lâu dài và thường là đau đớn -
chúng ta sẽ liên tục vấp váp, sai lầm.
Đừng sợ
phải vấp váp và phạm sai lầm - và điều quan trọng hơn là đừng bao giờ cảm thấy
mình xấu xa, yếu kém vì đã phạm sai lầm. Chúng ta không thể tránh được sai lầm;
xét về một mặt nào đó, chúng chính là những viên đá lót đường tiến lên của
chúng ta. Hay biết, quan sát một cách cẩn thận, kỹ càng và học hỏi từ sai lầm
đó - đó chính là trí tuệ đang vận hành. Khi chúng ta học hỏi từ sai lầm, trí
tuệ sẽ bắt đầu đến một cách tự động và tự nhiên hơn. Trải qua nhiều năm tháng,
pháp hành của chúng ta sẽ ngày càng tiến bộ, chúng ta ngày càng chánh niệm hơn,
những kiến thức và hiểu biết thu được sẽ đến nhanh chóng hơn một cách tự nhiên.
Chánh niệm và trí tuệ sẽ trở thành một cặp song hành làm việc cùng nhau.
Khi
chánh niệm tự nhiên, tâm sẽ vững mạnh và trí tuệ có được sẽ luôn sẵn sàng có
mặt. Bạn không cần phải cố gắng để tìm kiếm, thâu nhặt nữa. Khi tâm quan sát đã
vững, trí tuệ sẽ ứng phó với phiền não một cách hữu hiệu hơn. Trí tuệ càng chín
muồi, tâm sẽ càng trong sáng và quân bình hơn. Cuối cùng, bạn sẽ bắt đầu kinh
nghiệm được những khoảnh khắc minh trí, sáng suốt và quân bình, buông xả; trong
khoảnh khắc đó bạn sẽ nhìn mọi việc với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ. Nói cách
khác, bạn bắt đầu có được tuệ giác.
Có được
tuệ giác nghĩa là hiểu biết một cách sâu sắc những gì trước kia bạn chỉ hiểu
một cách hời hợt trên bề mặt kiến thức. Đó là điều diễn ra hết sức tự nhiên và tự
phát, ngay tức thời; bạn không thể bắt nó phải xảy ra được. Những kinh nghiệm
dẫn tới tuệ giác được người khác tả lại và tuệ giác thực sự là hai điều khác
biệt nhau về căn bản. Có những kinh nghiệm tương tự như vậy hoàn toàn không có
nghĩa là bạn đã đạt được hay sẽ đạt được tuệ giác đó. Khi thời điểm đã chín
muồi, bạn đã sẵn sàng, thì sẽ có được kinh nghiệm và tuệ giác rõ nét, khác biệt
của chính mình. Khi đó bạn sẽ hiểu được sự khác biệt to lớn giữa những gì được
nghe, đọc với tuệ giác thực sự. Bạn có thể mô tả về ảnh hưởng, tác động của tuệ
giác đó đối với mình như thế nào hay về những kinh nghiệm "xung
quanh" tuệ giác đó, nhưng sẽ không thể nào diễn tả được chiều sâu hiểu
biết thu được qua tuệ giác ấy.
Một kinh
nghiệm trực giác về chân lý như vậy sẽ có tác động sâu sắc đến sự thực hành của
bạn, đến cách nhận thức và lối sống của bạn. Nói cách khác, trí tuệ có được
theo cách này, ngay lập tức sẽ chuyển hoá cách nhìn nhận mọi việc của bạn. Tuy
nhiên, cái "tâm tuệ giác" này không phải là thường hằng; nó chỉ kéo
dài trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Cái thẩm thấu và "sống động" còn
lại chính là tính chất của nó. Nếu chúng ta không tiếp tục vun trồng, nuôi
dưỡng cái phẩm chất ấy, nó sẽ nhanh chóng phai nhoà. Chỉ có sự thực hành liên
tục mới có thể duy trì được nó, mới có thể đảm bảo chắc chắn rằng trí tuệ đó sẽ
tiếp tục phát triển và thể hiện chức năng của mình. Thực hành liên tục không có
nghĩa là bạn phải bỏ ra một số giờ nào đó mỗi ngày hay mỗi tuần để ngồi thiền,
dù rằng điều đó cũng rất tốt. Mà thực hành liên tục có nghĩa là chánh niệm hay
biết bất cứ việc gì bạn làm, với tất cả khả năng của mình.
Trong
giai đoạn này, trí tuệ sẽ dần dần bộc lộ. Chánh niệm vẫn luôn có mặt thường
xuyên bên cạnh, song giờ đây trí tuệ sẽ
đóng vai trò chủ đạo. Loại trí tuệ này sẽ giúp chúng ta đạt được những tiến bộ
quan trọng, đầy ý nghĩa trong pháp hành.
Văn tuệ,
Tư tuệ, Tu tuệ (Văn-Tư-Tu), sẽ cùng vận hành chặt chẽ với nhau. Trí tuệ thu
được từ tư duy, suy luận sẽ làm tăng trưởng đức tin của bạn vào Pháp và do đó
sẽ càng khuyến khích sự say mê, hứng thú của bạn trong pháp hành. Niềm say mê
này sẽ tạo duyên để bạn tiếp tục học hỏi và tư duy. Bạn không còn sợ phạm sai
lầm nữa và sẽ bắt đầu khám phá những phương cách mới để ứng phó với mọi khó
khăn. Bạn sẽ thấy rõ ràng hơn lợi ích của pháp hành và sẽ hiểu được những điều
đã học ở một tầng mức thâm sâu hơn. Tất cả những điều này sẽ làm đức tin của
bạn tăng trưởng hơn nữa. Một khi đã có được tuệ giác, lòng tin của bạn vào Giáo
Pháp sẽ được gia tăng hết sức mạnh mẽ. Điều này lại làm vững mạnh thêm ý chí
quyết tâm của bạn để thực hành một cách nhiệt tâm, hết mình. Pháp hành thiền
chánh niệm sẽ trở thành tâm điểm của cuộc đời bạn và thế giới của bạn sẽ không
bao giờ còn như cũ nữa.
Dù bạn
đã kinh nghiệm được đến đâu, dù bạn đã có được nhiều kiến thức hơn tất cả những
người khác, cũng đừng bao giờ tự thoả mãn với tầm mức trí tuệ mà mình đã đạt
được hay thoả mãn với mức độ sâu sắc của tuệ giác đã có. Đừng tự hạn chế mình;
hãy luôn mở rộng cánh cửa cho những hiểu biết mới mẻ và sâu sắc hơn nữa.
Xem tiếp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét