SÁCH : PHÁP Ở MỌI NƠI - PHẦN II
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya
Sư Tâm Pháp Dịch
Sau đây là những trích đoạn bài
thuyết pháp trong thời thiền buổi sáng thiền sư Sayadaw U Tejaniya nói bằng
tiếng Anh trong thời gian 6 tháng từ 11/2009 đến 3/2010. Chúng tôi cố gắng giữ
nguyên âm điệu và cách nói của thiền sư, sắp xếp lại thành từng chủ đề và loại
bớt một số đoạn trùng lặp.
***
Thiền chánh niệm là một tiến trình
học hỏi
Thiền chánh niệm là để phát triển
các phẩm chất tâm thiện. Chúng ta chỉ cố gắng phát triển nó trong từng khoảnh
khắc, rất đơn giản. Đừng quên những gì đang diễn ra bên trong bạn. Chánh niệm
có mặt thì trí tuệ cũng có mặt và tâm được tự do, giải thoát. Nó được tự do
khỏi tà kiến và giải thoát khỏi đau khổ.
Thiền chánh niệm là một tiến trình
học hỏi, không phải là một tiến trình tạo nên một cái gì. Vì vậy chúng ta không
cố làm một cái gì cả. Chúng ta chỉ chờ đợi và quan sát những gì đang diễn ra
như nó đang là, không mong muốn, không chờ đợi điều gì. Chúng ta chỉ thực hành
một cách đơn giản và liên tục.
Chúng ta không cố làm cho một cái gì
đó xảy ra, hay chống đối điều gì, hay làm cho một cái gì biến mất. Chúng ta
không cố tạo ra một cái gì. Chúng ta ở trong khoảnh khắc hiện tại, chỉ an trú
trong hiện tại bằng cách tỉnh thức, hay biết và chánh niệm.
Kiểm tra lại thái độ
Điều đầu tiên là chúng ta phải kiểm
tra lại thái độ của mình trước khi hành thiền. Chúng ta hành thiền với thái độ
nào, với quan kiến nào ở đằng sau trong tâm?
Bạn có mong muốn điều gì không? Bạn
có chờ đợi một điều gì không? Tại sao bạn hành thiền? Tại sao bạn chánh niệm?
Chúng ta muốn hiểu biết, chính vì
thế chúng ta quan sát và học hiểu. Chúng ta không cố gắng kiểm soát cái gì hết.
Chúng ta không cố tạo ra một cái gì cả. Chúng ta chỉ đơn giản ở trong hiện tại:
tỉnh giác, hay biết, chánh niệm.
Hãy kiểm tra trạng thái tâm của
mình. Kiểm tra lại chất lượng chánh niệm trong tâm quan sát. Nó căng thẳng hay
thư giãn? Bạn đang có thái độ nào? Thái độ đó đúng hay sai? Bạn cần thường
xuyên kiểm tra lại thái độ của mình. Mỗi khi bạn kiểm tra tâm mình, chánh niệm
đã có sẵn ở đó rồi. Chỉ tự nhắc mình và kiểm tra là đủ. Hãy kiểm tra lại sự
tinh tấn, mức năng lượng và chất lượng tâm. Bạn cảm thấy thế nào khi có chánh
niệm?
Chờ đợi và quan sát, rất đơn giản,
với thái độ đúng. Bạn không được kiểm soát kinh nghiệm. Bạn không được tìm cách
thay đổi đề mục hay kinh nghiệm. Bất cứ cái gì đang diễn ra không phải là trách
nhiệm của bạn. Trách nhiệm của bạn là có thái độ đúng và kiểm tra xem chánh
niệm có mặt hay không, và điều đó phải diễn ra từng khỏanh khắc. Kiểm tra, học
hỏi và có hứng thú.
Có hứng thú với những hoạt động của
tâm
Nếu tâm không mong muốn điều gì, nó
sẽ bình yên và thư giãn. Cố gắng có hứng thú đối với những hoạt động của tâm.
Tâm hay biết, tâm chú ý và tâm đang cảm nhận.
Đề mục không quan trọng lắm. Đừng đi
tìm kiếm nó. Hãy chú ý tới chất lượng tâm – bạn đang hành thiền với thái độ
nào, quan kiến nào, trạng thái tâm nào? Chú ý tới chánh niệm của mình và hãy
duy trì chánh niệm. Đừng dính mắc với bất cứ cái gì. Đừng chống đối điều
gì.
Bạn làm điều đó như thế nào? Nếu bạn
không có thái độ hay quan kiến đúng đắn, tâm sẽ luôn luôn dính mắc với một cái
gì đó hoặc chống đối lại cái gì đó. Tâm không bao giờ nghỉ ngơi. Nếu không có
trí tuệ, bạn sẽ không thể đi trên con đường trung đạo. Khi bạn sử dụng trí tuệ,
thái độ đúng, quan kiến đúng, tư duy đúng, tâm sẽ đi theo trung đạo. Với tâm xả
và hiểu biết về tự nhiên như nó đang là, sẽ không có vấn đề gì. Khi đó bạn sẽ
có thể học hỏi được sâu sắc hơn.
Đừng quên suy nghĩ đúng đắn, có
thông tin đúng, quan kiến đúng và thái độ đúng. Bây giờ bạn đang làm gì? Tâm
đang làm gì? Cái gì đang diễn ra trong tâm? Bất cứ cái gì diễn ra, tất cả đều
OK, không vấn đề gì. Hãy để kệ nó. Duy trì chánh niệm. Trong khoảnh khắc hiện
tại, chúng ta cố gắng tỉnh giác, tỉnh thức và hứng thú. Chúng ta không cố đi
đến chỗ nào cả. Chúng ta không cố đạt được cái gì. Chúng ta chỉ cần có chánh
kiến, chánh niệm và hứng thú.
Kinh nghiệm đang diễn ra và đề mục
đang diễn ra trong mọi lúc. Bất cứ cái gì đang diễn ra đều không thuộc
trách nhiệm của chúng ta – nó chỉ như nó đang là.
Trách nhiệm của chúng ta là suy nghĩ
đúng đắn, có thái độ đúng, và chánh niệm liên tục. Chánh tư duy là rất quan
trọng; thái độ đúng và chánh tư duy nghĩa là nhận thức tất cả mọi thứ chỉ là tự
nhiên. Đề mục chỉ là đề mục. Tất cả mọi thứ đều là tự nhiên. Không có cái gì là
vấn đề hết. Chúng ta muốn biết và muốn hiểu tự nhiên như nó đang là.
Hãy kiểm tra mức năng lượng của
mình: Bạn sử dụng bao nhiêu năng lượng? Nếu bạn sử dụng quá nhiều năng lượng,
tâm sẽ bị căng thẳng. Bạn có chắc chắn là chánh niệm đang có mặt hay không? Nếu
bạn có thể thấy được chánh niệm, chắc chắn là chánh niệm đang có mặt. Bạn không
cố gắng đạt được một cái gì. Thiền là phát triển chánh niệm trong từng khoảnh
khắc. Chúng ta không sử dụng quá nhiều năng lượng, không tập trung chú tâm,
không cố đi sâu. Chỉ cần nhớ ở trong hiện tại. Nếu bạn không muốn điều gì, tâm
sẽ rất bình an.
Bạn không thể có được cái gì chỉ vì
mình muốn có. Bất cứ cái gì bạn có được là vì các điều kiện, nhân duyên đã đủ.
Bởi vì nhân đã đầy đủ, quả sẽ trổ sanh. Không phải bởi vì bạn muốn nó trổ. Bạn
cần chú ý tới chánh niệm, tới tâm thiền. Trong hiện tại, chánh niệm có mặt hay
không? Đừng chạy theo đề mục. Đề mục không quan trọng. Tâm quan trọng hơn. Bạn
cần kiểm tra xem mình đang hành thiền với thái độ như thế nào, với trạng thái
tâm như thế nào. Kiểm tra lại mức năng lượng của mình: bạn sử dụng bao nhiêu
năng lượng? Tâm có thư giãn hay không, có căng thẳng không? Bạn không cần cố
gắng quá nhiều để hay biết đề mục. Tâm có thể biết đề mục một cách tự nhiên.
Nhiệm vụ của bạn là chú ý tới chánh niệm của mình. Nó có mặt hay không?
Chúng ta không cố phải đi đến một
nơi nào. Không mong đợi bất cứ điều gì. Không cố tạo ra cái gì. Chúng ta chánh
niệm từng khoảnh khắc hiện tại. Tâm thiền phải đơn giản. Chúng ta chờ đợi.
Chúng ta chờ đợi và quan sát, như nó đang là, nghĩ về tự nhiên chỉ là tự nhiên.
Tự nhiên không phải của chúng ta, không phải của ai cả. Tự nhiên không phải là
một người nào, không ai cả. Tất cả là một tiến trình tự nhiên bởi vì có các
nhân và có các quả. Nhân và quả và tiến trình điều kiện hóa là tự nhiên. Tâm
hay biết, tâm cảm nhận, tâm chú ý, và tâm đang ghi nhận. Tất cả là tâm. Tâm
đang làm việc. Tâm đang diễn ra. Tự nhiên đang diễn ra, tự nhiên đang hoạt
động.
Tại sao bạn chánh niệm? Đừng quên
mình đang làm gì, đừng quên tại sao mình làm việc này. Trạng thái tâm quan sát
của bạn như thế nào? Bạn đang phát triển chánh niệm và quan sát liên tục. Đó là
sự phát triển từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc kế tiếp. Tâm thiền phải có
thái độ đúng đắn. Việc thực hành phải tiến hành đúng đắn. Kinh nghiệm luôn luôn
đang diễn ra. Bạn đang có quan kiến nào ở đằng sau khi thực hành? Bạn đang quan
sát với trạng thái tâm nào? Bạn nhìn nó với cách nhìn như thế nào? Khi bạn
không chờ đợi một điều gì, khi bạn không muốn bất cứ điều gì, khi đó, hiểu biết
có thể sanh khởi.
Hiểu biết rằng đề mục chỉ là đề mục
Bất cứ đề mục hay kinh nghiệm nào
xuất hiện cũng không nên để quấy rối sự thực hành của bạn. Đề mục đang giúp cho
bạn chánh niệm. Bạn có thể sử dụng bất cứ đề mục nào để phát triển giới, định,
tuệ.
Nếu bạn có thái độ đúng thì tất cả
mọi thứ đều không có vấn đề gì và đề mục không làm phiền bạn. Bất cứ đề mục nào
cũng là đề mục của pháp, đều có bản chất của pháp. Thậm chí cả cái đau cũng có
thể là một đề mục. Cảm giác đau là đề mục, không có cảm giác đau nữa cũng là
một đề mục. Đề mục chỉ là đề mục; nếu bạn hiểu đề mục chỉ là đề mục, tâm sẽ
không thể dính mắc và không thể chống đối. Tâm không có tham và sân sẽ có định.
Ngay bây giờ, tiếng kêu của cái máy
là rất rõ (tiếng loa đang kêu). Tiếng động này có phải là vấn đề không? Hãy
nghĩ về nó như nó đang là. Bản chất của pháp đang sanh khởi, đang xuất hiện. Nó
trở thành một đề mục để tâm hay biết. Bạn có thể chánh niệm về đề mục này và
phát triển niệm, định và trí tuệ. Hãy sử dụng ngay đề mục ấy. Nếu có thái độ
đúng sẽ tăng trưởng được niệm, định, tuệ.
Đề mục giúp bạn chánh niệm, tỉnh
giác và tỉnh thức. Bởi vì có đề mục nên bạn mới có thể học hỏi,
chánh niệm và hiểu biết.
Trong khoảnh khắc hiện tại, chúng ta
chỉ cố gắng tỉnh thức, tỉnh giác và sẵn sàng. Không chờ đợi hay tham muốn điều
gì, tâm bình an và tự do. Chúng ta chỉ cần cố gắng từng khoảnh khắc một để tỉnh
giác. Bởi vì sự mong cầu nên chúng ta không được tự do. Nếu chúng ta mong cầu
điều gì, chống đối điều gì tâm sẽ không còn tỉnh giác nữa. Không mong cầu, không
chống đối thì tâm sẽ giác ngộ. Giác ngộ nghĩa là chúng ta hay biết và hiểu
những gì đang diễn ra. Với tất cả mọi thứ, bất cứ kinh nghiệm nào trong hiện
tại, chỉ có mỗi tâm, đề mục và chánh niệm. Chúng ta cần có thái độ đúng trong
chánh niệm. Tự nhiên chỉ là tự nhiên, cảm xúc chỉ là cảm xúc.
Bạn có chắc là có chánh niệm không?
Nghĩa của chánh niệm là không quên
lãng. Điều đó có nghĩa là không quên suy nghĩ đúng đắn, không quên hay biết,
không quên đề mục đúng. Chánh niệm là không quên. Ghi nhớ và tự nhắc mình là
chánh niệm.
Bạn có chắc là có chánh niệm không?
Hãy nhận biết mỗi khi chánh niệm có mặt. Nếu chánh niệm có mặt thì đề mục cũng
có sẵn ở đó rồi. Bạn không cần phải tập trung vào đề mục. Bạn chỉ cần kiểm tra
xem chánh niệm có mặt hay không, chánh niệm có liên tục hay không. Bất cứ cái
gì diễn ra trong thân và tâm của bạn đều không phải là trách nhiệm của bạn.
Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm. Kinh nghiệm không phải là trách nhiệm của bạn.
Nghĩa vụ của bạn là có thái độ đúng
và chánh niệm liên tục. Kiểm tra lại nhiều lần xem mình có thái độ đúng hay
sai. Tự nhắc mình, kiểm tra và ghi nhớ - thế là đủ. Bạn không cần sử dụng quá
nhiều năng lượng để tập trung.
Khi có chánh niệm tâm cảm thấy thế
nào? Có thư giãn hay không? Căng thẳng hay không? Hãy kiểm tra trạng thái tâm
của mình. Tâm thiền phải thư giãn, bình an và hứng thú. Khi hành thiền, dù bất
cứ điều gì diễn ra, không để một kinh nghiệm nào quấy rối bạn. Tất cả chỉ là tự
nhiên, là pháp, là đề mục. Bất cứ cái gì diễn ra cũng là để học hiểu. Bạn không
đi tìm kiếm một đề mục nào cả. Bạn chỉ kiểm tra chất lượng tâm của mình, chất
lượng tâm quan sát. Bạn có thái độ đúng hay không? Tâm có thư giãn hay không?
Kiểm tra chất lượng tâm bạn, chất
lượng chánh niệm, tâm đang làm việc như thế nào, tâm có hứng thú hay không, có
chánh niệm hay không. Bạn kiểm tra, tự nhắc mình và ghi nhớ từng khoảnh khắc.
Tâm ngày càng mạnh hơn, tâm quan sát cũng ngày càng mạnh hơn, nó sẽ tự làm công
việc của nó. Nhiệm vụ của bạn chỉ là duy trì chánh niệm, từng khoảnh khắc một
cách thư giãn và có hứng thú.
Đừng chạy theo đề mục
Bạn cần chú ý đến chánh niệm chứ
không phải đề mục. Nếu bạn chánh niệm, luôn có sẵn một vài đề mục ở đó. Bạn
phát triển chánh niệm liên tục. Bạn không làm cái gì đối với đề mục cả. Duy trì
chánh niệm. Điều quan trọng hơn là chú ý đến chánh niệm, kiểm tra và tiếp tục
như vậy, trong từng khoảnh khắc. Rất đơn giản! Bất cứ đề mục nào tâm hay biết,
hãy kệ nó. Tâm biết một số đề mục, biết đề mục này, đề mục kia. Bạn quan sát và
quan sát cả cách tâm mình đang hoạt động như thế nào. Tâm đang ở đâu? Tâm đang
hay biết, vậy hãy tiếp tục cố gắng hay biết một cách liên tục. Đôi khi bạn có
thể bị kẹt dính vào một đề mục nào đó. Bạn có thể hay biết bất cứ đề mục nào và
biết bất cứ điều gì về đề mục đó. Nếu tâm dần dần trở nên tĩnh lặng và bạn chỉ
thường kiểm tra lại, tâm có thể biết bất cứ cái gì.
Tâm phản ứng với kinh nghiệm như thế
nào?
Tâm có hay biết hay không? Khi nhận
biết một đề mục, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn nghĩ gì?
Chánh niệm liên tục rất quan trọng.
Nếu muốn có chánh niệm liên tục, bạn phải xem, phải biết chánh niệm đang có mặt
hay không. Nếu bạn chạy theo đề mục, chánh niệm không thể liên tục được. Nếu
bạn kiểm tra thấy có chánh niệm, thì đề mục cũng đã có sẵn ngay tại đó rồi.
Không cần phải chạy theo đề mục, không cần phải tập trung vào đề mục. Phí phạm
thời gian và không cần thiết. Nếu bạn ghi nhận chánh niệm đang có mặt, đề mục
cũng đang diễn ra. Bạn không cần phải gắn chặt tâm vào một đề mục. Với bất cứ
đề mục nào, bạn chỉ cần biết rằng đó là tự nhiên đang diễn ra.
Tâm thiền rất quan trọng. Hay biết,
chánh niệm, tâm đang làm việc, tâm đang chánh niệm, tâm đang quan sát. Bạn phải
có thái độ đúng và quan kiến đúng. Bất cứ cái gì đang diễn ra đều là kinh
nghiệm. Ý nghĩa của nó như thế nào không quan trọng. Chỉ cần nhận biết được
kinh nghiệm là OK. Bạn chánh niệm về những gì đang diễn ra. Cái nghe đang diễn
ra. Bạn không được cố suy nghĩ về ý nghĩa của nó, bạn chỉ chánh niệm về kinh
nghiệm đó thôi. Chỉ cần biết mình đang nghe là đủ. Trước khi bạn nghe, hay lắng
nghe, chánh niệm phải sẵn sàng. Nếu chánh niệm liên tục, nó luôn luôn chờ đợi
và quan sát. Bây giờ bạn nghe thấy cả tiếng động và sự yên lặng, chứ không phải
chỉ có mỗi tiếng động không, có cả sự yên lặng nữa. Đề mục là kinh nghiệm, kinh
nghiệm là đề mục.
Chúng ta không chạy theo bất cứ đề
mục nào. Hãy để đề mục tự đến với mình. Đề mục luôn có sẵn tại đó, kinh nghiệm
luôn có sẵn tại đó. Chúng ta không cố chạy theo đề mục, không tập trung vào đề
mục. Tại sao chúng ta chánh niệm? Tại sao chúng ta quan sát? Chúng ta phải có
quan kiến đúng đắn, động cơ đúng đắn, và hiểu biết đúng đắn. Chúng ta muốn hiểu
và biết bản chất thực sự của kinh nghiệm. Chúng ta muốn hiểu biết. Chính vì vậy
chúng ta học hỏi và quan sát.
Định của thiền vipassanā (vipassanā
samādhi)
Định đến từ thái độ đúng, quan kiến
đúng và hiểu biết đúng. Bạn đừng cố làm cái gì theo tâm tham xui khiến. Bạn
cũng đừng cố làm cái gì theo tâm sân, tâm si xui khiến. Bạn chỉ chánh niệm giây
phút hiện tại với thái độ đúng. Bất cứ cái gì diễn ra trong thân và tâm chỉ là
tự nhiên. Nếu bạn suy nghĩ theo cách này, tự nhiên chỉ là tự nhiên, cảm xúc chỉ
là cảm xúc thì tâm sẽ không phản ứng, thích hay không thích. Vì vậy tâm sẽ bình
an và ổn định.
Bất cứ cái gì đang diễn ra cũng đều
không phải thuộc trách nhiệm của bạn. Nhiệm vụ của bạn là suy nghĩ đúng đắn và
cố gắng chánh niệm liên tục. Chánh kiến và chánh tư duy là rất quan trọng. Với
chánh kiến và chánh tư duy, định tâm đã có sẵn ở đó. Hãy kiểm tra lại tâm mình:
nếu không có tham, sân, không có phản ứng thì đó chính là định. Đó là định của
thiền vipassanā, và cũng là chánh định (sammā-samādhi). Bởi vì có hiểu biết,
chánh kiến, chánh tư duy nên tâm tĩnh lặng, bình an và ổn định.
Ý nghĩa của định là sự ổn định nội
tâm, không phải là sự tập trung. Tự hỏi xem tâm đang làm việc ra sao, tại sao
nó làm việc, nó có thư giãn không. Kiểm tra lại chất lượng tâm mình. Với sự
kiểm tra đó, bạn sẽ không cần đến quá nhiều năng lượng để chánh niệm. Nếu bạn
có chánh kiến, chánh tư duy thì tâm đã ổn định rồi. Khi tâm tĩnh lặng và bình
an, đó là định. Khi tâm không có tham, đó là định. Khi tâm không có sân, đó là
định. Đó là định của thiền vipassanā.
Mong đợi và sự kiên nhẫn
Đối với bất cứ kinh nghiệm nào xuất
hiện, hãy kiểm tra xem mình có phản ứng với nó không. Bạn có hứng thú chánh
niệm không? Bạn có hứng thú tu tập không? Tại sao bạn chánh niệm? Sự thực hành
của bạn cần đơn giản và tự nhiên, không mong đợi điều gì. Bạn không cố để đạt
được điều gì. Bạn chỉ cố gắng để chánh niệm trong giây phút hiện tại. Nếu bạn
mong đợi quá nhiều, tâm sẽ không còn hứng thú nữa. Nó không hài lòng với những
gì đã có. Tâm trở nên chán nản và mất hứng thú.
Nếu bạn hiểu những gì mình đang làm
và đã có được trong khoảnh khắc hiện tại, hiểu một cách rõ ràng, tâm sẽ biết
bằng lòng và hứng thú. Thiền tập là một quá trình học hỏi. Bạn không thể vội
vàng.
Thiền là nhận biết những gì đang
diễn ra. Đôi khi sự mong đợi vẫn khởi lên, nhưng nó không phải là điều quan
trọng. Việc duy nhất bạn cần làm là nhận ra rằng có sự mong đợi ở đó. Đừng đánh
giá phán xét nó. Thiền không phải là cố để thay đổi cái gì hay cố để kiểm soát
cái gì. Nó chỉ là nhận biết những gì đang diễn ra. Đừng làm phức tạp hóa thêm
những gì đang diễn ra trong hiện tại. Hãy đơn giản và chỉ hay biết. Nếu bạn
không có mong đợi (không mong muốn điều gì) tâm đã có sẵn bình an.
Sống trong hiện tại
Hãy sống với sự bình an trong hiện
tại. Hãy ở trong hiện tại, sống trong hiện tại. Giây phút hiện tại là cái duy
nhất tồn tại. Quá khứ không tồn tại, và tương lai cũng không tồn tại. Bây giờ,
hãy sống trong khoảnh khắc hiện tại này, một cách bình an. Chỉ cần đơn giản hay
biết trong hiện tại; tâm rất bình an không mong muốn điều gì. Nếu tham muốn tồn
tại, nhiệm vụ của bạn chỉ là nhận biết nó. Không cần phải đánh giá phán xét
những gì đang diễn ra.
Khi chúng ta hành thiền, không cần
thiết phải vội vàng. Chúng ta không đi đến nơi nào cả. Chúng ta chỉ trọn vẹn
sống trong hiện tại.
Nếu bạn có thể sống trong hiện tại,
bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn. Bởi vì có sự hay biết, bạn hiểu được những gì đang
diễn ra bây giờ, hiểu được những gì đang xảy ra trong hiện tại, đó là cuộc sống
thực. Bất cứ cái gì bạn đầu tư vào sự thực hành, bạn sẽ nhận lại được kết quả.
Nếu không biết mình đã đạt được cái gì, bạn sẽ còn muốn nữa. Bạn được nhiều
tương ứng với những gì mình đã đầu tư. Nếu bạn có thể sống trọn vẹn trong
khoảnh khắc hiện tại, sự mong đợi không thể nào xâm nhập. Không cần phải hối
tiếc quá khứ. Không cần phải chờ đợi tương lai. Bạn đang cố gắng suy nghĩ đúng
đắn. Suy nghĩ có rất nhiều sức mạnh. Nếu suy nghĩ của bạn hợp lý, nếu suy nghĩ
của bạn là đúng đắn, tâm sẽ an tịnh, thư giãn và bình yên.
Khi tâm có hứng thú là trí tuệ đang
làm việc
Bởi vì có hiểu biết và trí tuệ, tâm
đã có sẵn sự bình an và ổn định. Chính vì vậy không cần phải sử dụng quá nhiều
sự tập trung. Hãy kiểm tra lại tâm mình, tâm đang suy nghĩ cái gì và đang hay
biết cái gì. Chỉ có mỗi sự hứng thú là cần thiết. Khi tâm có hứng thú là trí
tuệ đang làm việc.
Khi chúng ta hành thiền và tâm suy
nghĩ về Pháp, về sự thực hành, về tự nhiên, đề mục…những suy nghĩ này làm cho
chánh niệm của chúng ta mạnh hơn, bởi vì có sự hứng thú. Tâm càng tỉnh giác hơn
bởi vì sự kiểm tra này. Khi tâm suy nghĩ đến những ý nghĩ đúng đắn này, nó
không thể hôn trầm, buồn ngủ được. Khi đó là suy nghĩ đúng. Chúng ta phải suy
nghĩ cả về pháp hành của mình đồng thời cũng phải thực hành. Chúng ta không
chánh niệm một cách mù quáng. Chỉ mỗi chánh niệm thì không đủ. Chánh niệm và
trí tuệ đến cùng nhau. Nếu chúng ta chánh niệm liên tục, trí tuệ sẽ đến dần một
cách tự nhiên.
Phiền não làm công việc của nó và
trí tuệ cũng làm công việc của nó. Chúng ta đã có sẵn trí thông minh. Chúng ta
sử dụng trí thông minh đó, cùng với kiến thức và sự tinh tấn để thực hành.
Khi chúng ta không có tham, sân, lo
lắng hay bất an trong giây phút hiện tại, tâm chúng ta tự do và bình an bởi vì
có hiểu biết, trí tuệ và chánh niệm. Bạn có hiểu điều đó không? Nó không chỉ là
chánh niệm. Chúng ta chánh niệm, suy nghĩ và nhận biết.
Chúng ta cần phải suy nghĩ về sự
thực hành. Nếu chúng ta suy nghĩ đúng, tâm sẽ không thể suy nghĩ sai lầm. Chúng
ta ngăn chặn tâm si khi có chánh niệm và hiểu biết. Hay biết những gì đang diễn
ra cũng là chánh niệm. Dù nó là tốt hay xấu, chúng ta cũng hay biết những gì
đang diễn ra trong hiện tại.
Vì vậy, chớ quên lý do tại sao bạn
đang làm việc này; đừng quên tại sao, vì mục đích gì và với động cơ gì mà bạn
đang thực hành. Bạn có mong muốn được một điều gì hay không? Bạn có chắc chắn
là chánh niệm đang có mặt hay không? Nếu chánh niệm có mặt, bạn hiểu được điều
gì? Đôi khi bạn cần phải sử dụng những câu hỏi cái gì, tại sao và như thế nào.
Nhưng câu trả lời thì không quan trọng. Sự hứng thú quan trọng hơn. Bạn chỉ cần
có hứng thú. Bạn không thể và không mong muốn đạt được kết quả ngay lập
tức.
Lợi ích của chánh niệm
Khi bạn chánh niệm liên tục, bạn cảm
thấy như thế nào? Ngay trong khoảnh khắc hiện tại này, bạn có mong muốn điều gì
không? Bạn có mong đợi gì không? Bạn đang làm gì? Nếu hiện tại có chánh niệm,
bạn cảm thấy như thế nào? Nếu mất chánh niệm, sẽ khác biệt ra sao? Có chánh
niệm và không có chánh niệm: sự khác nhau trong tâm như thế nào?
Bạn có hiểu được giá trị của chánh
niệm không? Hãy sống với chánh niệm. Tất cả mọi đề mục đều đến với chánh niệm.
Chánh niệm và thất niệm khác biệt nhau như thế nào? Khác ở chỗ chất lượng tâm
khác nhau. Bạn cần hiểu giá trị của chánh niệm. Nếu có chánh niệm bạn cảm thấy
như thế nào? Khi hành thiền, tâm có căng thẳng không, có thư giãn không? Khi
bạn có hứng thú là trí tuệ đang làm việc. Bởi vì có đề mục nên bạn có thể chánh
niệm.
Sự liên tục là rất quan trọng, từng
phút từng giây nối tiếp nhau. Đà chánh niệm là điều tự nhiên, tự nhiên là pháp.
Sự liên tục của chánh niệm trở thành thói quen; và thói quen trở thành tự
nhiên. Thói quen trở thành tự nhiên khi sự thực hành có được đà tiến và pháp
đang làm việc, tự nhiên đang làm việc. “Không có ai” đang hành thiền. Tự nhiên
đang thực hành. Đà chánh niệm đến nhờ tiến trình nhân quả.
Bất cứ lúc nào có chánh niệm, tâm
được an toàn, có ý nghĩa và sống động. Không có chánh niệm, cuộc sống chúng ta
lạc lối và mất hết ý nghĩa.
Khi không biết những gì đang diễn ra
trong hiện tại, chúng ta mù và điếc. Chánh niệm và thất niệm có hai chất lượng
tâm rất khác biệt. Nếu chúng ta có chánh niệm và trí tuệ, chánh niệm sẽ trở nên
mạnh hơn (tùy thuộc vào chất lượng của trí tuệ). Giá trị cũng rất khác biệt.
Chúng ta cần hiểu rằng, chúng ta sẽ
được nhiều tương ứng với mức độ mình đã đầu tư vào thực hành. Nếu không hiểu
những gì mình đã có, chúng ta sẽ chẳng biết bằng lòng. Nếu có quá nhiều mong
đợi, chúng ta không biết mình đã có những gì. Nếu sự mong đợi của chúng ta quá
cao, chúng ta không biết bằng lòng với những gì mình có.
Chúng ta phải biết trân trọng những
gì mình đang làm. Chúng ta cần hiểu được giá trị những gì mình đang làm. Làm
thế này chúng ta được lợi ích gì? Nếu không làm thì kết quả sẽ ra sao? Nếu
không làm, cái gì sẽ xảy ra? Chúng ta đang nuôi dưỡng và phát triển những phẩm
chất tâm tốt đẹp, từng phút từng giây.
Chánh tinh tấn và năng lượng
Hãy kiểm tra lại năng lượng của bạn
và bao nhiêu năng lượng mình đang sử dụng. Để biết một cái gì đó, chánh niệm,
bạn không cần phải dùng quá nhiều năng lượng. Nếu bạn có mong đợi hay tham muốn
điều gì, tâm sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Hãy kiểm tra lại trạng thái tâm
của bạn. Đừng để tâm mình bị căng thẳng hoặc mệt mỏi. Tâm thiền phải thư giãn.
Đừng sử dụng quá nhiều năng lượng để tập trung.
Chúng ta không cần phải sử dụng quá
nhiều năng lượng để biết đề mục. Tâm có thể biết đề mục một cách tự nhiên.
Chúng ta cần liên tục tự nhắc nhở mình và nhận ra tầm quan trọng của việc sống
trong hiện tại, từng phút từng giây.
Chúng ta không cần phải sử dụng quá
nhiều cố gắng hay quá nhiều năng lượng để tập trung, để chánh niệm. Bản chất
của tâm là có thể hay biết đề mục một cách tự nhiên, vì vậy chúng ta không cần
phải cố gắng để hay biết đề mục. Nếu tâm thư giãn, tâm tự hay biết một điều gì
đó trong nó. Ý nghĩa của tinh tấn là cố gắng để liên tục, cố gắng kiên nhẫn, cố
gắng thư giãn. Tinh tấn là làm những gì chúng ta cần làm và không làm những gì
không nên làm. Tinh tấn cũng là sự cố gắng giảm thiểu phiền não. Làm cho chánh
niệm trở thành liên tục cũng là tinh tấn.
Thực hành đúng
Đôi khi chúng ta ngồi thiền nhưng
lại không thiền; thiền dừng lại là thiền sai. Thái độ sai là thiền sai, là
“ngừng lại” như thế, thiền đúng là “bắt đầu”. Tâm có thể hay biết, có sẵn đà
chánh niệm, nó hay biết trong mọi lúc và hay biết được rất nhiều thứ. Nếu bạn
có quan kiến đúng, thái độ đúng, suy nghĩ đúng, tâm sẽ lập tức định tĩnh, bình
an. Chúng ngừng lại pháp hành sai để bắt đầu khởi động pháp hành đúng.
Bát Chánh Đạo
Chúng ta đang thực hành Bát Chánh
Đạo. Trong khoảnh khắc này chúng ta có thể nghe. Việc chúng ta hay biết rằng
mình đang nghe là chánh kiến. Chúng ta biết cái gì đang diễn ra trong hiện tại.
Đó là chánh kiến. Đó là tự nhiên. Đó là kinh nghiệm. Đề mục chỉ là đề mục. Kinh
nghiệm chỉ là kinh nghiệm. Không có ai cả, không có người nào ở đó cả. Nếu có
thái độ này và nếu chúng ta chánh niệm về những gì đang diễn ra, đó là chánh
kiến và chánh tư duy.
Khi có chánh kiến và chánh tư duy,
chúng ta không thể nói năng sai lầm, không thể hành động sai lầm và có cách
sinh sống sai lầm. Đó chính là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.
Chánh niệm là việc làm chân chánh.
Khi đó chúng ta có chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó chính là Bát Chánh
Đạo.
Ngũ căn
Chánh tinh tấn là sự duy trì, bền
bỉ. Tinh tấn nghĩa là sự kiên trì, kiên nhẫn, liên tục nhiều lần, và không bỏ
cuộc. Đó là ý nghĩa của tinh tấn. Đừng tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Kiểm tra
lại các phẩm chất tín, tấn, niệm, định, tuệ. Bạn có bao nhiêu hứng thú? Bạn có
sẵn lòng thực hành hay không? Trí tuệ là hiểu biết. Vì vậy bạn phải kiểm tra
xem chánh niệm có mặt trong tâm hay không. Hiểu biết có mặt không? Trí tuệ có
mặt không? Kiểm tra lại chất lượng của tâm quan sát, tâm thiền. Tâm đang hành
thiền. Tâm đang quan sát. Tâm đang thực hành.
Chúng ta không sử dụng quá nhiều
năng lượng để thực hành. Chúng ta chỉ quan sát với thái độ đúng, quan kiến đúng
và với sự hứng thú. Bạn cần phải biết mình đang có chánh niệm hay không. Bạn
cần biết quý trọng chánh niệm đang có mặt, cái bạn giúp bạn nhận ra, hay biết
những gì đang diễn ra.
Bạn cần phải biết chánh niệm có mặt
hay không. Định có mặt hay không? Nếu thấy tâm không có định, thì biết tâm
không có định.
Bởi vì có chánh niệm nên bạn biết.
Nếu bạn nhận ra rõ ràng chánh niệm có mặt hay không, định có mặt hay không, tuệ
có mặt hay không, nếu bạn nhận rõ rằng trí tuệ KHÔNG có mặt, thì chính điều đó
đã là trí tuệ rồi. Đó cũng là hiểu biết.
Tâm tham
Tâm tham rất lưu manh; nó luôn luôn
xúi giục, thúc đẩy bạn. Bất cứ cái gì bạn nghĩ, nói hay làm, tâm tham cũng xúi
giục và thúc đẩy bạn. Có rất nhiều cách để tâm tham xâm nhập và sanh khởi trong
tâm. Bạn mong muốn gì? Đôi khi bạn phải tự hỏi mình: Tôi đang muốn gì? Tôi có
đang muốn một điều gì đó không? Luôn luôn có mong muốn. Bởi vì sự mong muốn,
tham lam, khát vọng, mong đợi này mà tâm đau khổ, căng thẳng và bất mãn.
Nếu tâm không muốn một cái gì cả, nó
rất tự do.
Bạn không thể có được thứ mình muốn.
Nếu bạn hiểu được nguyên tắc rằng mình không thể có được thứ gì chỉ vì mình
muốn có, và bạn chỉ có thể có được những gì đến từ nhân duyên, nhân-quả, thì
khi đó tâm tham sẽ dần dần suy yếu. Tất cả mọi thứ diễn ra bởi vì nhân quả,
không phải vì mình muốn nó phải diễn ra.
Có lần thầy tôi nói: “Nếu bạn muốn,
nó sẽ diễn ra. Nếu không muốn, nó sẽ không diễn ra”. Ý nghĩa đằng sau đó là gì?
“Nếu bạn muốn, nó sẽ diễn ra” nghĩa là nếu bạn muốn bằng tâm tham, bạn sẽ phải
đau khổ. Câu đầu tiên nghĩa là cái muốn xuất phát từ tâm tham. Chẳng hạn có
người không thích đau. Anh ta muốn cái đau đi mất. Anh ta muốn không bao giờ có
đau đớn. Câu thứ hai: “Nếu bạn không muốn” nghĩa là không có cái muốn xuất phát
từ tâm tham hay sân, thì đau khổ sẽ không diễn ra. Cái “muốn” đầu tiên là tham.
Cái “không muốn” thứ hai là vì trí tuệ. Cái muốn đầu tiên là nguồn gốc đau khổ
(tập đế-samudaya) và đau khổ. Cái thứ hai là đạo tuệ (magga ñāna) và diệt đế -
không còn đau khổ (nirodha). Nếu bạn có tham muốn, lobha, thì sân – dosa- sẽ
đến. Đạo tuệ, “không muốn”, là bởi có hiểu biết nên bạn sẽ không muốn có tham
và sân nữa. Chính vì vậy đau khổ sẽ không sanh khởi. Nếu bạn ham muốn cái gì đó
với tâm tham, đau khổ chắc chắn sẽ khởi sanh.
Bạn không thể có được cái gì chỉ vì
mình muốn có. Bất cứ cái gì bạn có cũng đều là nhân quả. Nhưng con người thì
chỉ nghĩ rằng họ sẽ có được những gì họ muốn. Thực ra bạn chỉ có thể có được
đau khổ nếu bạn ham muốn cái gì đó với tâm tham.
Nếu bạn hiểu được rằng tất cả mọi
thứ diễn ra nhờ nhân quả - tất cả mọi thứ diễn ra bởi vì nhân duyên – thì bạn
sẽ không còn muốn có tham hay sân, tốt hay xấu nữa. Đau khổ sẽ không sanh khởi.
Bình an, giải thoát và tự do sẽ đến bởi vì bạn không còn muốn cái gì nữa.
Raga khayo Nibbāna, nghĩa là khi bạn
không có tham muốn, đó là Niết Bàn. Nếu tham muốn biến mất, đó là giải thoát.
Chúng ta đau khổ bởi vì chúng ta không hiểu biết và cứ tham muốn; bởi vì không
hiểu biết nên mới có tham và sân.
Sự chấp nhận
Chúng ta phải cố gắng suy nghĩ đúng
đắn, cố gắng chánh niệm. Chúng ta không phàn nàn về những gì đang diễn ra.
Chúng ta kiểm tra chất lượng chánh niệm của mình. Tự nhắc nhở, kiểm tra, nhận
biết. Sự chấp nhận là rất quan trọng. Nếu không có chánh kiến hay chánh tư duy,
chúng ta không thể chấp nhận được. Nếu không thể chấp nhận, chúng ta sẽ không
thể học hỏi. Chúng ta cứ mặc kệ. Chúng ta không cố thay đổi kinh nghiệm. Chúng
ta không thay đổi tiến trình (thân tâm). Chúng ta chỉ cố gắng chánh niệm.
Chúng ta không phàn nàn về những gì
đang diễn ra. Tất cả mọi thứ chỉ là kinh nghiệm. Bất cứ cái gì diễn ra đều diễn
ra qua nhân quả. Chúng làm việc của chúng, chúng ta làm việc của chúng ta.
Chúng ta cần làm gì? Chúng ta chỉ nhận biết những gì đang diễn ra. Tất cả đều
là tự nhiên.
Hãy biết trân trọng tâm đang làm
việc
Chúng ta không mấy khi biết trân
trọng những gì mình đang làm. Chúng ta luôn luôn phàn nàn hay nghĩ ngợi
về những gì đang diễn ra. Kinh nghiệm có thể là tốt hay xấu, đúng hay sai –
điều đó không quan trọng. Kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm. Chúng ta cần trân
trọng và cần nhận biết rằng tâm đang hoạt động, đang hay biết và quan sát. Nếu
kinh nghiệm tốt, tâm hoan hỷ. Hoan hỷ, vui sướng! Khi có kinh nghiệm xấu, chúng
ta thất vọng, buồn nản. Điều đó có nghĩa là chúng ta chẳng hiểu biết gì cả.
Chúng ta phải hiểu rằng tự nhiên chỉ là tự nhiên, đề mục chỉ là đề mục. Chúng
ta buông bỏ kinh nghiệm. Chúng ta không cố gắng bám chặt vào bất cứ một kinh
nghiệm hay đề mục nào cả. Chúng ta cố gắng biết trân trọng việc tâm đang làm
việc. Chúng ta chỉ cần kiểm tra lại chất lượng chánh niệm của tâm quan sát, tâm
thiền. Tâm thiền có đang hoạt động hay không? Tâm có hứng thú hay không? Tâm có
mạnh mẽ hay không? Hãy chỉ làm mỗi việc kiểm tra.
Tăng cường sức mạnh cho tâm
Tâm quan sát của bạn phải mạnh mẽ và
trong sạch, với ít phiền não. Khi tâm bạn đã sẵn sàng, hiểu biết sẽ sanh khởi.
Vì vậy, hãy quan tâm tới tâm bạn, quan tâm tới sự thực hành của mình và quan
tâm tới tâm quan sát. Hãy nuôi dưỡng nó để trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn.
Tùy thuộc vào chất lượng tâm của
bạn,đề mục có thể được thu nhận khác nhau và cách nhìn của bạn sẽ thay đổi.
Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho
chất lượng chánh niệm ngày càng mạnh mẽ lên. Chánh niệm mạnh mẽ là chánh niệm
và trí tuệ làm việc cùng với nhau một cách liên tục. Đó là chánh niệm với chánh
kiến, thái độ đúng, quan kiến đúng và suy nghĩ đúng (chánh tư duy). Nếu nó liên
tục, tâm sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Chúng ta chỉ cần làm điều đó. Nếu tâm trở
nên mạnh mẽ hơn, nó có thể làm công việc của mình. Pháp làm công việc của nó và
tự nhiên làm công việc của nó.
Chúng ta không cố để nhìn đề mục.
Chúng ta không cố gắng tìm kiếm một cái gì cả. Chúng ta chỉ cố gắng làm cho tâm
thiền mạnh mẽ hơn.
Làm thế nào để làm tâm mạnh mẽ hơn?
Khi chúng ta chánh niệm với thái độ đúng và hiểu biết đúng, tâm sẽ có trí tuệ
và trở nên mạnh mẽ hơn. Điều đó không phải vì chúng ta rán sức thật nhiều; nếu
chúng ta tiêu tốn quá nhiều năng lượng, tâm sẽ trở nên mệt mỏi. Nếu chúng ta cố
gắng để nhìn một cái gì đó, tâm sẽ trở nên căng thẳng hơn. Chúng ta phát triển
chất lượng chánh niệm để làm cho tâm ngày càng mạnh mẽ. Nếu có chánh niệm, trí
tuệ và sự liên tục, tâm sẽ mạnh mẽ lên. Khi tâm mạnh mẽ, nó sẽ có thể làm công
việc của nó.
Đối với những người đã thực hành
lâu, tâm sẽ ngày càng có chất lượng hơn. Tâm sẽ ngày càng chánh niệm hơn, ổn
định hơn và bình an hơn.
Có nhiều hiểu biết hơn. Nó sẽ phải
là như thế. Khi có nhiều hiểu biết hơn, chúng ta sẽ ít chống đối và phản ứng
hơn. Bởi vì phản ứng nên chúng ta mới đau khổ. Bởi vì có sự học hỏi, chúng ta
mới có hiểu biết. Đức tin sẽ cùng đến với hiểu biết.
Vô thường, khổ, vô ngã
Chẳng có gì mãi mãi y nguyên không
thay đổi. Tất cả mọi thứ đều đổi thay. Tự nhiên đang diễn ra bởi vì điều kiện
hóa, nhân duyên tương tác. Bởi vì tương tác nhân duyên, đề mục sanh khởi. Đó là
ý nghĩa của vô thường (anicca). Bạn cần hiểu biết bất cứ cái gì đang diễn ra (suy
nghĩ đang diễn ra, cảm giác đang diễn ra, tâm hay biết đang diễn ra, chánh niệm
đang diễn ra). Bạn cần nhận biết rằng nó đang diễn ra. Đang sanh khởi, đang
diễn ra, đang trở thành. Diễn ra, trở thành, sanh khởi. Diễn ra là vô thường
(anicca), diễn ra là đau khổ (dukkha), diễn ra là vô ngã (anatta). Khi tâm
thanh tịnh, bạn sẽ hiểu được. Bạn sẽ hiểu được cái gì đang diễn ra là vô
thường, diễn ra là khổ, và diễn ra là nhân quả, vô ngã, chẳng có ai cả. Chánh
niệm ghi nhận tất cả những gì đang diễn ra; đề mục cũng đang diễn ra, sự hay
biết đang diễn ra, cảm giác đang diễn ra, suy nghĩ đang diễn ra. Tất cả đều
mới, mới, mới.
Kinh nghiệm đơn giản, hiểu biết sâu
sắc
Khi bạn chánh niệm về một cảm giác
hay đề mục nào đó, bạn hiểu thế nào về đề mục đó? Bây giờ, bạn hiểu được điều
gì? Bạn có hiểu được gì không? Đôi khi bạn có thể biết nhưng không hiểu được.
Bạn hay biết được nhiều đề mục, chánh niệm được nhiều thứ. Mục đích của bạn là
gì?
Phiền não che kín tâm mình. Bạn
không thể hiểu được bản chất của phiền não. Chính vì vậy chúng ta cần
phải hiểu được bản chất của tham, sân, si. Khi đó chúng sẽ không còn cơ hội để
xâm nhập vào nữa. Khi tâm đã trong sáng, không tham, sân, si, tâm sẽ sẵn sàng
để hiểu. Khi tâm đã sáng suốt, trí tuệ sẽ sanh khởi.
Kinh nghiệm có thể rất đơn giản,
nhưng hiểu biết có thể rất sâu sắc. Nhờ hiểu biết rằng đề mục chỉ là đề mục
(hiểu biết rất sâu sắc), chúng ta không có tham, sân, si.
Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều kinh
nghiệm; chúng ta luôn luôn gặp kinh nghiệm. Khi tâm quan sát trong sáng, thanh
tịnh, chánh niệm và hiểu biết đầy đủ, kinh nghiệm đơn giản này sẽ trở nên rất
lạ kỳ (không như bình thường). Bởi vì trước kia chúng ta luôn mang tà kiến khi
hay biết kinh nghiệm, giờ đây khi có chánh kiến và hiểu biết đúng, cái nhìn của
chúng ta sẽ ngược lại hoàn toàn – rất kỳ lạ.
Cơ hội được thực hành thiền
chánh niệm rất hiếm gặp
Hay biết về một cái gì đó nghe có vẻ
như rất đơn giản, nhưng phương pháp này rất khó để thực hành. Chỉ khi có Đức
Phật ra đời thì chúng ta mới có thể thực hành phương pháp này được. Không có
Đức Phật xuất hiện trên thế gian này, chúng ta không thể thực hành được. Thực
sự được thực hành thiền chánh niệm là điều rất hiếm có.
Hết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét