Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

SÁCH : PHÁP Ở MỌI NƠI - PHẦN IIb

SÁCH : PHÁP Ở MỌI NƠI - PHẦN II

Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya

Sư Tâm Pháp Dịch 

THUYẾT PHÁP BUỔI SÁNG I


Sau đây là đoạn dịch của hai thời pháp buổi sáng của thiền sư Sayadaw U Tejaniya ở thiền viện Shwe Oo Min. Thời pháp này đã được biên tập và sắp xếp lại theo từng chủ đề.

***

NGÀY THỨ NHẤT

Tâm thiền

Hãy để tâm mình càng thư giãn càng tốt, đừng quá căng thẳng cũng đừng quá dễ duôi, buông thả. Đừng quá lo lắng về việc hành thiền của bạn. Tâm cần có khả năng điều chỉnh một cách phù hợp, đi theo trung đạo, gắng sức không quá nhiều cũng không quá ít, không nhiệt tình thái quá, cũng không chán nản, ít hứng thú. Một cái tâm có trí tuệ sẽ tự điều chỉnh khi cần thiết trong quá trình hành thiền.

Đôi khi, bất chấp tất cả những sự điều chỉnh này, vẫn có tâm tham (lobha) xen vào. Bạn có thể sẽ phát hiện ra mình bị hôn trầm, mặc dù trong tâm vẫn có đức tin (saddhā). Tâm vẫn có thể còn yếu do phiền não hoặc do rất nhiều tham muốn và mong đợi trong tâm. Vì vậy hãy bình tĩnh và thư giãn.

Thay vì nghĩ rằng: “Tôi đang hành thiền, tôi đang nỗ lực cố gắng”, bạn hãy biết bằng lòng với việc hay biết đang diễn ra, “Tôi thực hành chỉ để hay biết”.

Bạn có thể hay biết được cái gì? Nó rất đơn giản. Bạn chỉ có thể biết nhiều đến mức đà chánh niệm của bạn cho phép. Tâm thiền cần phải thư giãn, tĩnh lặng và tự nhiên.  Không cần phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng hay tập trung vào một cái gì. Hãy có suy nghĩ rằng tất cả mọi thứ đang diễn ra trong thân và tâm chỉ đang diễn ra đúng với tự nhiên. Đó chỉ là bản chất tự nhiên của pháp đang vận hành.

Trí tò mò và hứng thú

Hãy định sẵn trong tâm rằng bạn không khao khát kinh nghiệm, không mong muốn một điều gì đó phải xảy ra. Hãy chỉ làm những gì cần làm và để những gì diễn ra được diễn ra tự nhiên. Tuy nhiên, nếu không có ước muốn thiện được thực hành, thì chẳng có gì xảy ra, và nếu mong muốn quá nhiều một điều gì đó, thì cũng chẳng có tác dụng gì. Vậy bạn phải làm gì? Cái gì là quá nhiều và cái gì là quá ít?

Tâm cần phải có hứng thú. Sự chú ý tò mò và hứng thú là rất quan trọng. Bạn không thể khiến cho cái gì đó sanh khởi hay biến mất nhờ tham hoặc sân, vì vậy hãy chánh niệm về bất cứ cái gì đang diễn ra. Cố gắng không quên những gì đang diễn ra. Nên nhớ rằng có mong đợi tức là có tham muốn ở trong tâm. Hãy nhận biết tất cả những gì khởi sanh và những gì biến mất. Hãy thực hành một cách thật đơn giản và tự nhắc nhở chính mình ghi nhận, hay biết. Nếu bạn nhìn, chỉ cần hay biết rằng mình đang nhìn. Thế là đủ.

Hãy để bất cứ cái gì diễn ra, diễn ra. Những thứ đang diễn ra chỉ là tự nhiên.

Hãy tự nhắc nhở mình rằng chúng chẳng có cái gì để làm với bạn cả. Những người hiểu được quy luật tự nhiên có thể hiểu được những nguyên tắc của nó. Hiểu biết các quy luật tự nhiên một cách rất rõ ràng chính là trí tuệ; người hiểu biết được những quy luật này là hiểu biết được tự nhiên.

 Bạn có muốn biết không? Hãy kiếm tra lại chính mình. Việc bạn đến đây để thực hành nghĩa là bạn muốn biết. Bạn hành thiền ở đây bởi vì bạn muốn biết sự thật, khám phá thực tại. Lý do chính của việc hành thiền tại trường thiền là cho chính mình thời gian để chánh niệm về thân tâm. Thấy được sự liên hệ, mối quan hệ giữa thân và tâm và tạo thói quen thấy được những mối quan hệ này là mục đích của bạn khi đến đây. Tâm bạn được tiếp thêm năng lượng nhờ mong muốn thiện học hỏi và hiểu biết này.

Hãy thật đơn giản! Nếu có sự hay biết, đó là điều tốt. Nếu không hay biết, đó là không tốt. Người Miến có câu ngạn ngữ rằng: “Ngu dốt thì còn tệ hơn là bị ăn cướp”. Nhưng còn tệ hơn cả sự ngu dốt đó là không muốn biết!

Chờ đợi và quan sát

Cái gì đang diễn ra trong thân? Có 6 cửa giác quan. Năm cửa giác quan đầu tiên là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Cửa thứ 6 là tâm. Do vậy, có 6 loại đề mục sanh khởi qua 6 cửa giác quan. Cảnh vật là đề mục của sự hay biết, tiếng động cũng là đề mục của hay biết.

Nghe và thấy không diễn ra ở bên ngoài. Chúng diễn ra ở bên trong.

Đề mục chỉ là đề mục, nó không tốt cũng chẳng xấu. Tự nhiên chỉ là tự nhiên. Đề mục là một cái gì đó được tâm nhận biết. Tiếng động cũng là một đề mục. Sự yên lặng cũng là một đề mục . Bạn hay biết được nó bởi vì bản chất của nó là được nhận biết bởi tâm.

Suy nghĩ là đề mục để hay biết, không có suy nghĩ cũng là một đề mục để hay biết. Có cái gì khác nhau đâu?

Có nhiều suy nghĩ thì tốt hay xấu? Không có suy nghĩ thì có tốt không? Có xấu không? Có nhiều hay ít suy nghĩ thì không tốt mà cũng chẳng xấu. Đề mục chỉ là đề mục. Nếu bạn cho nó là tiêu cực hay tích cực, theo sau đó sẽ là thích hoặc không thích. Khi đó bạn sẽ bị nhầm lẫn lung tung trong pháp hành.

Bạn không cần phải tìm kiếm hoặc theo đuổi một đề mục nào cả. Tốt hơn là chỉ chờ đợi và quan sát. Tâm thấy được bất cứ cái gì sanh khởi. Khi bạn thấy, thì bạn thấy; khi bạn biết, thì bạn biết. Thiền sinh nào hay chạy theo đề mục thường tự hỏi mình cần phải ghi nhận đề mục nào tiếp theo đây. Họ thường hỏi: “Tôi cần tìm cái gì nữa?”. Còn thiền sinh nào chỉ thực hành bằng cách chờ đợi và quan sát sẽ không chạy theo đề mục. Thiền sinh ấy đang sử dụng trí thông minh.

Pháp hành của bạn cần có thái độ đúng, với sự tinh tấn cân bằng, mỗi khi tâm tiếp xúc với đề mục. Nếu thái độ chưa đúng, thì cần phải làm việc với nó. Bạn nhìn đề mục như thế nào? Hãy xem tất cả những gì đang diễn ra chỉ là bản chất của pháp và tất cả mọi đề mục đều thuận theo những quy luật tự nhiên.

Cảnh vật và tiếng động luôn luôn diễn ra. Bởi vì tâm và đề mục sanh khởi thuận theo bản chất tự nhiên của nó, nên cảnh vật và tiếng động mới diễn ra. Bạn không thể nghe được điều gì đó chỉ vì bạn muốn nghe. Bạn không thể thấy được cái gì chỉ vì bạn muốn thấy.

Bạn có nghĩ rằng những kinh nghiệm giác quan  này diễn ra bởi vì bạn muốn chúng? Chẳng có gì
diễn ra bởi vì bạn mong muốn cả; tất cả mọi thứ đều diễn ra theo nhân quả.

Hãy quan sát xem tâm và đề mục ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau như thế nào. Bạn chỉ hay biết được những gì mình muốn biết hay là biết được những gì đang diễn ra trong hiện tại? Bạn chỉ quan sát những gì mà tâm mình bị thu hút tới thôi sao? Mọi thứ diễn ra thuận theo bản chất của nó, và chánh niệm chỉ chờ đợi và quan sát.

Chúng ta chỉ có thể nhìn mọi thứ như chúng đang là khi tâm không có tham, sân và si. Tham luôn luôn đi tìm kiếm một cái gì đó để thích. Có cái gì thực sự đáng để mong cầu trong tự thân đề mục cơ chứ? Hay là bản chất ham thích ham muốn đề mục ấy? Bản chất của tham là thích thú, nắm giữ và chấp thủ. Bạn chỉ nghĩ mình thích đề mục này, bởi vì bản chất của tham là thích và bản chất của si là che án các đặc tuớng thực của đề mục. Tâm si cũng làm tâm rối mù và làm ham muốn thêm nhiều nữa. Không có điểm dừng cho cái vòng đau khổ ấy (samsāra-luân hồi).

Chẳng có gì đáng ham thích ở đề mục cả. Và cũng chẳng có gì để bạn có, chỉ vì mình muốn cả. Bạn chỉ có thể có được khi các nhân duyên đã chín muồi để cho bạn có được nó. Bất cứ cái gì đang diễn ra là bởi tự nhiên; bạn chỉ chờ đợi và quan sát tiến trình ấy một cách khách quan. Nếu tham vắng bóng, bạn sẽ thấy được những gì cần thấy. Chẳng có gì hay ho ở trong những gì đang diễn ra cả. Đó chỉ là những cái cần phải hay biết mà thôi.

Tâm tham dính chặt như keo

Tâm tham luôn luôn có mặt. Bản chất của tham là ham muốn, khao khát và phóng đại mọi thứ. Nó dính như keo; không thể buông bỏ hay thả ra. Nó chẳng bao giờ thấy hài lòng haybiết đủ bởi vì nó nghĩ thế vẫn là quá ít, không bao giờ đủ.

Là một thiền sinh, bạn có thể thấy cách tham lẻn vào và tạo rắc rối trong pháp hành của bạn như thế nào. Hãy cố gắng chú ý đến điều đó. Khi bạn còn chưa hiểu được cách thức hoạt động của tham và những mánh khóe khác nhau của nó, thì bạn vẫn là con mồi cho nó. Tham là khao khát, nó luôn luôn muốn nhiều hơn nữa. Khi bạn phát hiện ra tham, hãy để tâm nghiên cứu nó cho kỹ. Bạn hành thiền như thế nào dưới ảnh hưởng của tâm tham? Tham nghĩ như thế nào? Bạn không thể hiểu hoàn toàn về tham nhờ những kiến thức vay mượn. Chỉ thông qua kinh nghiệm của chính bạn về tham và những hoạt động của nó, mọi khía cạnh của nó thì bạn mới thực sự hiểu được tham.

Biết đủ là thiện pháp; không biết đủ là tham. Nếu bạn biết đủ với kết quả thực hành của mình, hiểu rằng mình gặt hái được tương xứng với những gì đã đầu tư vào thực hành, thì bạn sẽ có định tâm. Chính là tâm tham không bao giờ bằng lòng với kết quả thực hành. Bạn thực hành hết mức mình có thể và nhận lại được tương ứng chừng ấy. Hãy biết đủ với điều đó. Bạn sẽ làm hết khả năng có thể và biết đủ với những gì mình gặt hái được.

Hiểu biết chân lý về khổ

Định của thiền Vipassanā được phát triển từ chánh niệm liên tục, cùng với chánh kiến và thái độ đúng. Định sanh khởi cùng với sự bình an khi có chánh niệm liên tục, với chánh kiến và thái độ đúng. Điều này đặc biệt ở chỗ nào? Có cần phải mong cầu một trạng thái tâm bình an không? Có cần phải chống đối lại sự bất an không? Khi có nguyên nhân thì sẽ có kết quả. Bởi vì có đủ nhân duyên cho sự tiếp xúc (giữa tâm và đề mục), nên có sự tiếp xúc xảy ra.

Luôn luôn có sự khao khát thoải mái và hạnh phúc. Và cũng có cả sự chống đối lại bất an và đau khổ. Hạnh phúc và sự khó chịu cũng chỉ là các cảm giác. Kinh nghiệm chỉ là để kinh nghiệm; đề mục chỉ là đề mục. Dù nó tốt hay xấu, cảm giác cũng chỉ là cảm giác. Trí tuệ nhận ra được điều này và buông bỏ sự chấp thủ của tham vốn luôn luôn khao khát các kinh nghiệm tốt.

Chỉ khi tâm không còn cho các kinh nghiệm là đáng ưa thích nữa thì nó mới hiểu được Khổ đế (sự thật cao thượng về khổ). Khi tâm còn cho các kinh nghiệm là đáng ưa thích, thì con xa lắm mới hiểu được khổ đế.

Mọi người cứ nghĩ rằng họ thấy được bản chất của khổ chỉ khi họ kinh nghiệm đau khổ. Nếu là như vậy, làm sao họ có thể hiểu được rằng kinh nghiệm sự vắng lặng (samādhi), khoảnh khắc của tâm hỷ (pīti) hay an tịnh (passaddhi) cũng là khổ? Còn tâm si hiện diện và cho rằng bất cứ kinh nghiệm nào trong đó là đáng ưa thích thì vẫn chưa thể hiểu được khổ đế. Bởi vì khi nghe về khổ đế, họ nghe với phiền não nên họ nghĩ khổ đế là cái khổ của thân và tâm mà họ kinh nghiệm. Thực ra, lúc đó là tâm sân đang làm việc.

Bất cứ cái gì đang diễn ra, cái đó là khổ. Đừng nhìn những gì đang diễn ra với tâm chống đối, nếu không bạn sẽ rơi vào trầm cảm. Khổ đế chỉ được hiểu bởi một cái tâm trí tuệ và hoàn toàn ngược với loại khổ mà mọi người cảm nhận. Cái hiểu khổ đế là trí tuệ. Tâm cảm nhận được sức mạnh, đầy năng lượng, giải thoát và tách biệt khi có cái hiểu này. Tâm hoàn toàn vắng bóng dục tham và phiền não. Trong khi kinh nghiệm sự khổ thì thật mệt mỏi và kiệt sức, sự chứng nghiệm khổ đế hoàn toàn không có sự dính mắc và phiền não trong đó.

Trí tuệ không có sự chọn lựa yêu - ghét

Khi bạn thực hành, hãy quan sát xem khi nào chánh niệm có mặt, khi nào vắng mặt; khi nào trí tuệ có mặt và khi nào vắng mặt. Một cách tự nhiên trí tuệ sẽ hiểu cái gì là lợi ích và cái gì là vô ích. Bạn thực hành để học cách quan sát thân tâm mình. Tuệ giác sẽ tăng trưởng tùy thuộc vào sự hiểu biết của bạn và vào những gì bạn có thể biết. Cái gì lợi ích hơn: có chánh niệm hay không có chánh niệm, phát triển trí tuệ hay không phát triển trí tuệ? Bạn có thể tự phân tích và tìm hiểu điều đó.

Dù chúng ta nài nỉ một người mù cố nhìn đến đâu thì anh ta cũng không thể nhìn thấy được. Cũng vậy, dù chúng ta bảo một người hãy nhìn chân đế (paramatha – thực tại cùng tột), anh ta cũng không thể nào hiểu được nguyên lý của nó khi không có trí tuệ. Chỉ người có cái tâm phân biện, trí tuệ mới có thể hiểu được bản chất của chân đế.

Trí tuệ không có chọn lựa thích nhìn cái này và không nhìn cái kia.

Không có mong muốn nhìn thấy một cái gì nhất định, tất cả những điều bạn cần phải làm là giữ cho mắt mình mở rộng và hay biết. Nó rất rõ ràng; bạn biết rằng mình đang nhìn. Cái mong muốn nhìn thấy một cái gì đó hay một kinh nghiệm nào đó bắt nguồn từ tâm tham. Trí tuệ không thể sanh khởi khi tâm tràn đầy tham. Khi bạn quan sát với tâm tham, chỉ có thêm tâm tham sanh lên nữa. Tuy nhiên, chỉ có trí tuệ mới nhận ra được khi nào tham sanh khởi trong tâm.

Trí tuệ của thiền vipassanā không thể có được đơn giản từ việc tư duy và tri thức. Một cái tâm bình thường không thể mang lại tuệ giác thông qua việc suy nghĩ và tư duy. Tuệ giác vipassanā không phải là cái có thể khái niệm hóa thông qua các hình tượng; nó là một sự hiểu biết hoàn toàn mới mẻ, là tuệ giác xuyên thấu vào những nguyên lý của tự nhiên.

Các trạng thái tâm thiện được nối tiếp liên tục bởi các trạng thái tâm thiện khác, đó là thiện pháp (kusala). Định tâm không thể nào được phát triển nếu trong tâm chỉ có các trạng thái tâm bất thiện nối tiếp trạng thái tâm bất thiện. Tâm có định khi tâm trước là thiện, tâm hiện tại là thiện và các tâm tiếp theo là thiện, và có sự chánh niệm liên tục. Sự vắng mặt của niệm, định và tuệ là cái đem lại cơ hội cho phiền não sanh khởi.

Bất cứ công việc nào có dính líu đến phiền não nhất định một ngày nào đó sẽ trở thành cũ kỹ và trì trệ, u tối. Ngược lại, công việc hay biết không bao giờ u tối.

Hay biết với trí tuệ, hay biết thực tại không bao giờ là buồn chán hay đơn điệu. Nó luôn luôn mới mẻ. Bạn không bao giờ mệt vì hay biết cả, bởi vì hay biết không bao giờ chấm dứt. Bạn không bao giờ chán. Bạn cần phải hạnh phúc với công việc mình làm, có hứng thú với nó. Đây là công việc của cả một đời người.

Khi tâm thấy lại những gì đã quen thuộc, hiểu biết sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn. Trí tuệ sẽ sâu sắc hơn và bạn trở nên chú ý hơn, nhiều năng lượng hơn. Phạm vi hiểu biết của bạn sẽ mở rộng. Hay biết không bao giờ có điểm cuối, bởi vì nó không bao giờ dừng lại. Không nên nói “tôi biết”, bởi vì nó không bao giờ là đủ. Bạn bắt đầu nhìn sự việc từ nhiều góc độ khác nhau: bạn thấy cả hai mặt, mặt đời thường thế gian và mặt thực tại chân đế, tâm và đề mục, nhân và quả.

Pháp hành này thực hành trong mọi lúc

Nên nhớ rằng việc thực hành không chỉ diễn ra trong lúc ngồi thiền. Không phải chỉ mỗi lúc ngồi thiền bạn mới có chánh niệm. Chánh niệm phải có mặt trong mọi lúc, trong mọi hoạt động. Một khi bạn đã có được thái độ đúng và sự cố gắng cân bằng mà không mong đợi đièu gì, hãy cố gắng chánh niệm liên tục. Chỉ khi đó đà chánh niệm mới phát triển. Điều quan trọng là học cách chánh niệm với thời gian ngày càng kéo dài hơn để bạn có thể sử dụng đà chánh niệm này bên ngoài cuộc sống.

Bạn không nên ra sức tiêu tốn quá nhiều năng lượng hay khao khát đạt tới một điều gì. Không được để thân và tâm mệt mỏi. Không cần thiết phải tập trung. Hãy thực hành một cách cân bằng, bình tĩnh và liên tục.

Khía cạnh quan trọng nhất trong thiền là tâm thiền; chánh niệm phải luôn luôn có mặt. Quan sát xem tâm có đang làm việc (việc hay biết) hay không. Luôn luôn kiểm tra lại tâm mình có chánh niệm hay không. Tâm đang hay biết cái gì?

Điều quan trọng là bạn phải thực hành với sự cẩn thận, trân trọng và hứng thú; thực hành nhiều đến mức có thể. Bạn đã đến được chỗ này, và bạn sẽ gặt hái được nhiều tương ứng với mức mình đã đầu tư. Hãy biết bằng lòng mới mức định, niệm mình đã phát triển được. Cuối cùng, nhớ chánh niệm kiên trì suốt cả ngày, trong mọi lúc, với tâm cân bằng và chánh tinh tấn.

NGÀY THỨ HAI

Tâm thiền phải là một tâm thuận Pháp. Bình tĩnh, thư giãn, thoải mái, cùng với sự bình an, đức tin và trí thông minh. Đó là cách bạn phải thực hành.

Trí tuệ có mặt khi có chánh niệm. Tuy nhiên, khi chánh niệm mà quá tập trung thì lại không có cơ hội cho trí tuệ sanh khởi. Chính vì vậy chúng ta không nên cưỡng ép, tập trung, kiểm soát hay giới hạn. Chúng ta không cố làm cho cái gì đó phải biến mất. Chúng ta chỉ hay biết về tất cả những gì đang diễn ra và những gì đang diệt đi. Không mong đợi hay bất mãn điều gì.

Đừng quên lãng. Hãy chánh niệm. Giữ điều ấy trong tâm, bạn phải luôn kiểm tra lại tâm mình. Tâm đang làm gì? Nó có chánh niệm không? Nó có biết không? Nó đang biết cái gì? Nó có thể biết nhiều đến đâu? Cần có sự tỉnh giác để hay biết các đề mục. Điều này có nghĩa là hay biết khi cái nghe diễn ra, khi sự xúc chạm diễn ra. Tâm tỉnh giác khi nó biết đề mục mỗi khi có sự xúc chạm diễn ra.

Có những pháp chúng ta cần phải có, và có những pháp chúng ta cần phải biết. Những pháp cần phải có là ngũ căn tín, tấn, niệm, định, tuệ. Những pháp cần phải biết là những gì đang diễn ra trong thân và tâm. Thiền là việc nuôi dưỡng và phát triển những pháp chúng ta không có sẵn, để hay biết được những điều mà chúng ta chưa biết.

Phát triển các tâm thiện

Chúng ta hành thiền để phát triển tín, tấn, niệm, định, tuệ vốn chưa có mặt trong tâm mình. Năm căn này càng lớn mạnh thì phiền não càng suy yếu.

Khi tín, tấn, niệm, định, tuệ có mặt, phiền não sẽ bị suy yếu

Điều quan trọng ở đây là chúng ta hành thiền để nuôi dưỡng và phát triển những tâm thiện còn yếu ớt này để chúng ngày càng mạnh mẽ lên. Thiền chánh niệm không phải là để tìm kiếm những kinh nghiệm đặc biệt. Trí tuệ không mong muốn một điều nhất định nào đó phải diễn ra.

Tín và tấn có mong muốn duy trì việc thực hành. Tấn là mong muốn thực hành một cách liên tục với sự kiên trì. Tín mong muốn tiếp tục thực hành vì nó hiểu được giá trị của thực hành. Chỉ tập trung vào kết quả là công việc của tâm tham. Nếu bạn hài lòng rằng mình đã nhìn thấy được đề mục muốn nhìn, thì đó là công việc của tâm tham. Bất mãn vì cứ phải có những đề mục khác với cái mình muốn thấy là sân. Cả hai đều là phiền não.

Tất cả đề mục đều mang bản chất của pháp

Tất cả các đề mục đều có bản chất của pháp, đều là các hiện tượng của pháp. Bạn không thể nào bám víu vào bất cứ đề mục nào với tâm tham được. Đừng cho bất cứ đề mục hay kinh nghiệm nào là tốt hay xấu, bởi vì không có đề mục hay kinh nghiệm nào tốt hơn đề mục hay kinh nghiệm nào. Đề mục chỉ là đề mục. Chúng là những thứ cần phải được hay biết. Thế thôi!

Đừng đi tìm kiếm các đề mục hoặc kinh nghiệm mà bạn nghĩ là tốt. Việc tìm kiếm các kinh nghiệm tốt là do tâm tham thúc đẩy. Bạn hành thiền không phải là để có được kinh nghiệm tốt. Nếu ngay bây giờ có suy nghĩ hoặc bạn cảm thấy nóng bức, chỉ cần hay biết cái đó đang diễn ra. Chúng là gì? Tất cả chỉ là các hiện tượng hay đề mục.

Công việc thiền tập không phải là phát triển đề mục, chúng chỉ diễn ra theo đúng nhân duyên của chúng. Công việc thiền tập là để phát triển ngũ căn  tín, tấn, niệm, định, tuệ.

Hoan hỷ thực hành

Hoan hỷ với một “thời thiền tốt” thì tốt hơn hay là có chánh niệm thì tốt hơn? Không phải là tham đắm, thích thú kết quả mà tốt hơn là hoan hỷ với chính việc thực hành pháp. Bạn sẽ tự mình tiếp tục thực hành khi có hứng thú và hạnh phúc trong pháp, và khi bạn được tiếp thêm sinh lực bởi chính công việc bạn đang làm. Chỉ khi bạn thấy và hiểu được hiệu quả của sự thực hành bạn mới muốn chú ý để khéo léo hoàn thiện các nhân duyên cho kết quả trổ sanh. Nếu nhân tốt, quả cũng sẽ tốt đẹp. Hãy để bất cứ cái gì diễn ra, diễn ra, nhưng không quên hay biết. Tìm hiểu và học hỏi.

Hương vị của Pháp

Một cách tự nhiên, nếu có các trạng thái tâm thiện, sẽ có sự bình an. Điều quan trọng là tâm thiền là một tâm thiện hay làm việc để hướng tới cái thiện. Tín, tấn, niệm, định, tuệ tất cả đều là thiện. Trong tất cả mọi hành động thiện chúng ta có thể làm (bố thí, trì giới, hành thiền định và tuệ), phát triển các phẩm chất tâm thiện thông qua thực hành thiền minh sát (vipassanā bhāvanā paññā) là phước thiện cao nhất.

Hầu hết mọi người trên thế giới này đều muốn hưởng thụ các cảm giác hay cảm xúc dễ chịu, tốt đẹp.

Trong tất cả các hương vị, hương vị của Pháp là  tối thượng. Hương vị của Pháp không chỉ mỗi là cảm giác bình an – nó còn là hương vị tối thượng của hiểu biết.

Bạn cần nếm đầy đủ hương vị của Pháp: hương vị của hay biết, của chánh niệm và của hiểu biết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét