SÁCH : PHÁP Ở MỌI NƠI - PHẦN I
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya
Sư Tâm Pháp Dịch
CHÁNH NIỆM TỪNG GIÂY PHÚT ĐEM TỚI ĐÀ QUÁN TÍNH
Khi nghĩ đến thiền là người ta thường nghĩ đến hình ảnh một thiền sinh ngồi yên, mắt nhắm tịt. Chỉ có mỗi tư thế ngồi không có nghĩa là người đó đang ngồi thiền. Anh ta có thể ngồi rất yên, để tâm cuốn trôi theo dòng suy nghĩ.
Chúng ta hành thiền lúc nào? Chúng ta bắt đầu hành thiền khi lên thiền đường ư? Chúng ta hành thiền ở bất cứ nơi nào, từ khi thức dậy đến khi đi ngủ. Chúng ta có thể hành thiền được trong phòng vệ sinh và nhà tắm không? Đừng ngồi trong toalet mà mơ mộng. Hãy nhớ chánh niệm bất cứ lúc nào, khi ở trên thiền đường, khi đi kinh hành, lúc đánh răng, tắm rửa, dọn dẹp, đọc sách, mắc quần áo, hay bất cứ công việc nào.
Bởi vì đây là việc chúng ta thực hành trọn vẹn cả ngày, nên không cần phải dùng quá nhiều sức ngay một lúc.
Tuy nhiên tâm phải tỉnh thức, tỉnh giác, thư giãn và cân bằng bởi vì tất cả những phẩm chất tâm ấy
giúp cho trí tuệ sanh khởi.
Nó chỉ là Pháp khi chúng ta học cách hành thiền, có khả năng hành thiền và tiếp tục hành thiền.
Bất cứ đề mục nào
Hãy quan sát thân mình. Bạn quan sát cái gì khi chánh niệm mà không chú vào một điểm nhất định nào đó như mũi hay bụng? Hay biết mình đang ngồi, đứng, đi, cảm giác nóng nực, nghe tiếng động….Bạn có thấy khi nhìn không? Bạn có thể thấy được mà không phải cố ý nhìn không? Ở thiền đường có tiếng đồng hồ kêu tích tắc và tiếng chim hót. Bạn có thể nghe thấy mà không phải chú tâm lắng nghe. Để hay biết được những điều đó có khó không? Có mất nhiều năng lượng không? Bạn chỉ cần hay biết như thế suốt cả ngày.
Xin đừng nghĩ rằng một đề mục hay một nơi chốn nào đó thì tốt hơn đề mục khác hoặc nơi khác, bởi vì không có đề mục nào tốt hơn đề mục nào cả. Đề mục chỉ là đề mục và nó sanh khởi theo đúng bản chất của nó. Vì vậy, bắt đầu bằng đề mục nào không thành vấn đề. Bắt đầu bằng bất cứ đề mục nào đến qua 6 cửa giác quan mà bạn thấy thích hợp với mình. Nhưng nên nhớ, dù bắt đầu bằng bất cứ đề mục nào, có chánh niệm và trí tuệ mới là điều quan trọng.
Kiểm tra tâm thiền
Khi bạn mang kính màu đỏ, mọi vật bạn nhìn đều màu đỏ. Khi mang kính màu xanh, mọi vật lại màu xanh. Quan sát đề mục với tâm tham hoặc sân cũng giống như mang kính màu vậy. Khi tâm quan sát với tham, đề mục đó là đề mục của tâm tham. Khi tâm quan sát với tâm sân, đề mục đó là đề mục của tâm sân. Tâm không còn thấy đề mục chỉ là đề mục nữa.
Rất khó để thấy được tâm tham và sân này trong tâm nếu bạn quá cố ý quan sát đề mục (mà không thấy được những gì đang diễn ra trong tâm quan sát). Có tham không? Có sân không? Vấn đề không phải là cái gì đang diễn ra với đề mục, mà là tâm quan sát đề mục ấy như thế nào mới quan trọng.
Chỉ khi tâm quan sát không có tham, sân, si thì đề mục mới trở thành đề mục của Pháp.
Quan sát một cách tự nhiên
Khi nào tâm cảm thấy gò bó và căng thẳng? Tâm có căng thẳng khi nó muốn một cái gì đó ngoài những gì đang diễn ra hay chống đối lại những gì đang diễn ra. Phiền não không muốn để yên mọi thứ như chúng đang là, nó muốn cái gì đó diễn ra, nó muốn kết quả, nó muốn kiểm soát những gì đang diễn ra và nó ép buộc, tập trung, cố tạo ra hay gò bó để có được cái nó muốn.
Thay vì cứ phải nặn ra, tập trung hay gò ép, chúng ta chỉ cần chờ đợi và quan sát. Có cần phải tập trung chú tâm khi chúng ta để bất cứ những gì diễn ra được tự do diễn ra? Nếu không tìm kiếm một cái gì đặc biệt hoặc cụ thể, chúng ta không cần phải dùng nhiều năng lượng đến thế. Chúng ta chỉ cần dùng trí thông minh và sự hứng thú:
• Cái gì đang diễn ra?
• Nó đang hoạt động như thế nào?
Nếu muốn quan sát cách thức cái gì đó đang hoạt động một cách tự nhiên như nó đang là, thì chúng ta cũng phải quan sát nó một cách tự nhiên. Chính vì vậy tôi nói không kiểm soát hay gò ép gì cả. Chúng ta chỉ đơn giản để thân làm công việc của nó trong khi chú ý đến cái tâm đang chánh niệm, chú ý nhiều đến mức có thể, liên tục suốt cả ngày.
Ngồi thiền
Khi ngồi thiền bạn quan sát cái gì? Bạn có thể quan sát bất cứ đề mục nào sanh khởi. Nếu sự chú ý của tâm quay về hơi thở ở lỗ mũi, hãy quan sát đề mục ấy. Bạn có bắt sự chú ý quay trở lại lỗ mũi trong khi nó đang ở tay không? Không. Khi tâm đang ở một chỗ khác mà cứ bắt nó phải quay về mũi thì sẽ rất mệt mỏi. Đề mục hơi thở ở mũi và đề mục cảm giác ở tay có gì khác nhau? Chẳng có gì khác nhau cả.
Nếu tâm chú ý đến tiếng động thì sao? Chúng ta sẽ hay biết tiếng động. Tiếng động có quấy rầy bạn không? Nó sẽ không quấy rầy bạn nếu bạn chỉ coi nó như là những hiện tượng tự nhiên. Bạn chỉ cần nhận biết tiếng động khi nghe tiếng động.
Khi mới hành thiền, có thể bạn sẽ thấy tâm mình rất xáo động, buồn ngủ hoặc bất an. Điều đó không thành vấn đề.
Trong cuộc sống hàng ngày, bạn làm rất nhiều việc chủ yếu sử dụng năng lượng tâm do phiền não giải phóng ra. Ở đây, bởi vì bạn được yêu cầu thực hành mà không có tham và sân, nên lúc đầu tâm mất đi sức mạnh và trở nên yếu. Sau vài ngày, bạn phát triển thêm một chút chánh niệm, sự ổn định và tĩnh lặng của tâm, bạn sẽ thấy tâm mình tỉnh thức hơn. Khi tâm tỉnh thức hơn thì sao? Bạn sẽ nhận biết được nhiều, rất nhiều suy nghĩ. Nhưng đừng lo – đó chỉ là tự nhiên và không có vấn đề gì cả.
Suy nghĩ chỉ trở thành vấn đề nếu bạn cho rằng nó đang làm bạn đi chệch hướng trong thiền và bạn cố gắng để dừng suy nghĩ lại.
Nhưng suy nghĩ chẳng phải cũng là tâm sao? Nếu bạn thực sự muốn học hiểu về tâm mình, những suy nghĩ này sẽ chỉ đường cho bạn. Bạn có thể quan sát được điều này không? Thế thì tại sao lại chống đối suy nghĩ? (Thiền sinh trả lời: bởi vì có những cảm xúc và cảm giác đến do những suy nghĩ ấy). Trong trường hợp ấy thì bạn nhìn những cảm xúc ấy như thế nào? Các suy nghĩ ấy có khó chịu không? (Thiền sinh: chúng ta coi nó như đề mục). Đúng. Khi bạn nhận biết những cảm xúc ấy như đề mục, thì đó là lúc bạn đang thực hành thiền Vipassanā.
Đừng định sẵn thời gian ngồi thiền cho mình. Nếu bạn quyết định trước là mình sẽ ngồi chừng bao lâu, thì nếu phải đứng dậy vì một lý do nào đó, bạn sẽ cảm thấy áy náy và lo lắng. Và sự bất an trong tâm sẽ làm tâm bạn bất ổn và làm suy yếu định tâm. Vì vậy đừng định sẵn thời gian ngồi. Chỉ cần hay biết những gì đang diễn ra trong phút giây hiện tại là đủ. Nếu khó ngồi, bạn phải đứng dậy đi kinh hành thì cũng không vấn đề gì. Chỉ cần nhớ duy trì chánh niệm về những gì đang diễn ra trong thân và tâm mình.
Đi kinh hành
Đi kinh hành cũng giống như khi ngồi thiền, bạn chỉ ghi nhận bất cứ cái gì sanh khởi hay diễn ra. Đi một cách tự nhiên và thoải mái, tốc độ vừa phải tự nhiên. Đừng đi quá chậm.
Đừng ép buộc mình phải quan sát những đề mục liên quan đến thân khi bước đi. Đừng làm mình căng thẳng khi cứ ép mình phải để tâm chú ý vào bước chân cả tiếng đồng hồ. Chỉ cần hay biết tổng thể toàn bộ thân mình. Nếu tâm nhận biết thân mình đang toát mồ hôi, hãy hay biết điều đó. Nếu nó nhận biết cảm giác ở tay, cũng hay biết điều đó. Tay bạn đang chắp lại? hay đang đung đưa? Bạn có thể hay biết được tất cả những động tác ấy.
Bạn cũng có thể ghi nhận những gì mình thấy, nghe, nghĩ, ngửi, xúc chạm hay cảm nhận trong khi đi.
• Tâm đang hay biết gì?
• Tâm đang như thế nào?
• Cái gì đang diễn ra trong tâm?
• Tâm đang trong trạng thái như thế nào? Có bình an không?
Nếu bạn có thể hay biết được cả ý định khi bước đi hay dừng lại thì cũng tốt. Nếu bạn ghi nhận được cả lý do tại sao mình đang tiếp tục bước đi thì càng tốt.
Thiền trong lúc ăn uống
Cái ước muốn nào mạnh hơn: ước muốn ăn hay ước muốn thực hành?
Khi bữa ăn bắt đầu là tâm tham thường kéo đến. Hãy quan sát tâm mình trước đã. Tâm tham ăn rất mạnh.
Thường có một cảm giác mạnh nhất định đi kèm với tâm tham muốn ăn. Khi có tâm tham mạnh này, chánh niệm thường yếu ớt hoặc không có chút nào. Khi bạn đang ăn, tâm bạn như thế nào? Nó có thư giãn không? Hãy thường xuyên kiểm tra xem bạn có ăn với tâm tham hay không? Cái muốn đó thường rất rõ và tâm mình thường cảm thấy hơi bị thắt lại khi có tâm tham ăn. Tâm vạch ra nhiều cách để trộn các loại thức ăn khác nhau trong đĩa. Bạn sẽ ăn như thế nào? Bạn sẽ ăn gì tiếp sau khi xong món này? Tâm đã vạch sẵn kế hoạch cho món tiếp theo rồi. Trừ khi bạn chú ý đến những gì tâm đang làm, còn nếu không bạn sẽ chỉ tiếp tục lối mòn suy nghĩ và vạch kế hoach được thúc đẩy bởi tâm tham ăn.
Đừng tập trung vào thức ăn hay bát cơm của mình quá mức. Thay vào đó, tiếp tục quan sát tâm mình trong khi ăn. Cố gắng nhận biết xem tâm mình làm việc thế nào trong lúc ăn nhiều hơn nữa.
• Bạn đang ăn với trạng thái tâm như thế nào?
• Tâm đang cảm thấy ra sao?
• Tâm có thư giãn không? Có đang chuyên chú vào chuyện ăn không?
Khi tâm thư giãn, bạn có thể quan sát cách mình cử động trong lúc ăn ra sao. Chẳng hạn, bạn có thể quan sát cách cầm thìa, đũa, chạm, há miệng, nhai, cắn… Bạn cũng hay biết những vị khác nhau như mặn, đắng, ngọt…Bạn có thể ghi nhận bất cứ điều gì hay tất cả mọi thứ. Bạn có biết mình thích món gì và không thích món gì không? Đói có phải là một với tham ăn? Cảm giác đói xảy ra trên thân, trong khi tâm muốn ăn diễn ra trong tâm và là công việc của suy nghĩ. Đôi khi ước muốn ăn trong tâm và cảm giác đói trên thân có liên hệ với nhau. Bạn chỉ cần quan sát những điều đó và tất cả mọi thứ diễn ra như nó đang là.
Sinh hoạt hàng ngày
Thiền không chỉ mỗi trong lúc ngồi. Bạn đứng dậy từ chiếu thiền và đi làm các công việc sinh hoạt hàng ngày như thế nào? Hãy đứng dậy và làm với chánh niệm. Khi thay đổi tư thế từ ngồi thiền sang các công việc hàng ngày, đừng quên một điều: chánh niệm. Cần có chánh niệm liên tục cả ngày, dù là trong lúc ngồi thiền, đi, đứng, sinh hoạt…, không để cho các suy nghĩ bất thiện xen vào.
Bạn có thể hay biết được tâm mình làm gì khi lên xuống cầu thang, tra chìa khóa vào ổ, đóng cửa, mở cửa. Khi vào phòng, đầu vào trước hay chân vào trước? Bạn cần quan sát chính mình trong các công việc hàng ngày. Bạn làm gì khi quay trở lại phòng mình? Bạn có cởi khăn quàng ra và vứt bừa lên giường không? Tiếp tục chánh niệm về những việc mình làm trong phòng riêng. Bạn có thể học hỏi được từ bất cứ cái gì đang diễn ra. Mỗi khoảnh khắc đều là khoảnh khắc thích hợp để thiền.
Hãy chánh niệm về tất cả mọi hoạt động khác nhau trong sinh hoạt hàng ngày, từ rửa mặt, đánh răng, chải đầu, thay quần áo… Cố gắng chánh niệm tất cả mọi việc, cho đến cả những hành động nhỏ nhất.
Lúc đầu thì quan sát những hoạt động của thân là phần nhiều, nhưng điều quan trọng là bạn vẫn phải thường xuyên kiểm tra lại tâm mình, bởi vì tâm thiền quan trọng hơn những gì đang diễn ra trên thân. Hãy có hứng thú đối với bất cứ những gì đang diễn ra, bất cứ việc gì bạn đang làm. Bởi vì bạn muốn biết tất cả về cách thức thân và tâm mình đang vận hành.
Cũng xem xem mình có thể chánh niệm được những gì khi lên giường đi ngủ. Khi bạn thức dậy, bạn có thể chánh niệm về cảm giác lờ đờ hay ý muốn tiếp tục quay lại ngủ tiếp. Đó cũng là thiền.
• Bạn chánh niệm được cái gì vào lúc thức dậy?
• Thân đang nằm ngửa, hay nằm sấp?
• Cái gì đang diễn ra trên thân?
• Cái gì đang diễn ra trong tâm?
Bạn sử dụng trí thông minh và trí tuệ, liên tục mài sắc chúng để thực hành bằng cách tạo hứng thú cho mình trong việc hành thiền, trong những việc mình làm, và bằng cách đặt các câu hỏi:
• Cái này là gì?
• Cái gì đang diễn ra?
• Tại sao nó diễn ra?
Khi bạn nghĩ về việc thực hành của mình và cách mình đang thực hành, bạn đang khởi những suy nghĩ thiện trong mình và làm cho những suy nghĩ bất thiện khó sanh khởi. Thiền là công việc mài sắc chánh niệm, phát triển sự ổn định nội tâm và trí tuệ. Sau đây là một số câu hỏi bạn có thể sử dụng:
• Tôi đang làm gì?
• Tôi đang hành thiền như thế nào?
• Tôi có thực hành đúng không?
• Tôi tiến bộ như thế nào trong việc thực hành?
Lúc đầu bạn sẽ cảm thấy hơi mệt khi học hỏi cách thực hành đúng và hiệu quả. Khi bạn đã biết cách thực hành đúng với thái độ đúng đắn, cả thân và tâm sẽ cảm thấy đầy an lạc.
Đau
Khi bạn thay đổi tư thế ngay lập tức để xả bỏ một chút khó chịu, đó là tâm tham đang hoạt động. Mặt khác, quyết tâm không cử động bằng bất cứ giá nào lại có thể là tâm sân đang thể hiện. Tất nhiên chẳng ai thích thú cảm giác đau nhức hay ngứa ngáy cả. Tâm sân sẽ khởi lên một cách tự nhiên khi bạn quan sát cái đau. Bạn có thể bắt đầu nhận diện ngay những phản ứng đó và tránh không để rơi vào một trong hai cực đoan là thay đổi tư thế ngay hoặc nhất quyết không động đậy bằng bất cứ giá nào.
Nếu bạn cứ tiếp tục hay biết cái đau với sân trong tâm thiền, thì đó có còn là hành thiền nữa không? Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra khi bạn tức giận một ai đó và tâm lấy hình ảnh người đó làm đề mục? Tương tự như vậy, cái đau sẽ tăng lên khi quan sát nó với tâm sân. Khi đau, tâm sẽ bị hút về cái đau và chú ý đến nó. Không phải vì đó là một kinh nghiệm dễ chịu mà bởi vì nó là một kinh nghiệm không mong muốn.
Trong trường hợp này thì bạn làm gì? Vào lúc cảm giác đau còn đang rất mạnh như thế này thì đừng nhìn cái đau vội. Đừng nhìn thẳng vào cái đau khi tâm có sự chống đối. Hãy kiểm tra lại tâm mình trước. Bạn nhìn cái đau như thế nào? Tâm nghĩ về cái đau như thế nào? Có nhiều suy nghĩ liên quan đến cái đau này. Tâm cảm thấy căng thẳng và co rút lại vì đau. Thật khó sống với sự khó chịu như vậy. Hãy cố gắng nhìn cảm giác trên thân và cảm xúc của tâm diễn ra đồng thời với cái đau ấy.
Sau khi bạn đã thay đổi đối tượng chú ý từ cái đau sang tâm, bạn sẽ có được thái độ “mặc kệ nó”.
Thái độ của tâm mình với cái đau sẽ là: “Nó có thể tự biến mất hoặc ở lại một lúc nữa. Tôi sẽ cố gắng quan sát nhiều đến mức có thể, và tôi sẽ chuyển tư thế khác khi không còn quan sát như thế này được nữa”.
Vậy khi đau hãy quan sát tâm mình. Tâm có chút khó chịu và cảm thấy khó sống cùng với cái đau này được. Sân (sự chống đối) sẽ phóng đại thực tế lên, làm cho đau như căng cứng lại. Trong thực tế thì nó không đau đến mức ấy. Không có tâm sân thì chỉ có những cảm giác vi tế ở đó, cái đau không còn căng cứng nữa. Ngay cả ý niệm ban đầu về “đau” cũng biến mất.
Tóm lại, trí tuệ đứng lùi lại đằng sau một chút chỉ có ở đó khi bạn có thể xử lý được tình huống. Cố gắng chạy trốn ngay khi mới đau một chút thì sẽ chẳng có phần trí tuệ nào trong đó cả. Tham (lobha) chỉ thỏa mãn trong việc thay đổi tư thế, và sân (dosa) chỉ thỏa mãn khi tư thế ấy đã được thay đổi. Chỉ có trí tuệ là nhận biết mọi thứ như nó đang là.
Bạn có thể làm như vậy, và chỉ khi bạn không thể xử lý được cái đau nữa thì mới lùi lại đằng sau một chút, thư giãn và thay đổi tư thế. Khi cử động, hãy làm trong chánh niệm, đó cũng là một phần của thiền. Đức Phật chưa bao giờ nói chúng ta không được cử động trong lúc hành thiền. Khi có nhu cầu cần cử động, hãy cử động. Nhưng khi cử động không thực sự cần thiết thì đừng làm. Không có trí tuệ trong việc cố ép mình nghiến răng chịu đau không động đậy khi cái đau đã trở nên rất mạnh trong thân.
Từng chút từng chút một, bạn có thể cố gắng tăng thời gian ngồi và bạn sẽ thấy mình có thể ngồi được lâu hơn. Khi tâm đã trong sáng và mát mẻ (với thái độ đúng đắn có mặt), bạn có thể quan sát bất cứ cái gì bạn muốn. Tâm thư giãn này, khi nhìn lại cái “đau” trước đó, sẽ không còn thấy đó là đau nữa. Khi tâm hiểu được điều này, sự chấp nhận sẽ đến một cách tự nhiên.
Cảm thọ (Vedanā)
Khi có tâm thì sẽ có các cảm xúc và sự hiện diện của một loại cảm thọ nào đó: thọ lạc (sukha vedanā), thọ khổ (dukkha vedanā), hoặc thọ xả (upekkha vedanā). Đó là những cảm giác dễ chịu, khó chịu hoặc cảm giác trung tính. Khi còn có thân thì sẽ còn có đau nhức, mỏi, bệnh tật…
Cái gì quan trọng hơn: làm cho cảm thọ biến mất hay học hiểu về cảm thọ?
Vậy vượt qua cảm thọ nghĩa là gì? Bạn vượt qua cảm thọ khi tâm không còn phản ứng lại với tham hay sân nữa mà chỉ có chánh niệm+trí tuệ. Cách tôi hiểu điều đó là trong tâm sẽ không còn hỷ (domanassa) và ưu (somanassa) nữa, dù rằng vẫn có những thứ đang diễn ra trong thân. Tâm ở trong trạng thái xả (upekkhā) và trí tuệ. Đó là ý nghĩa của vượt qua cảm thọ.
Mặc dù chúng ta nói là muốn học hỏi về đề mục (đối tượng hay biết của tâm), song chúng ta vẫn thường xuyên chối bỏ những đề mục khó chịu và mong muốn nó biến mất. Chúng ta muốn những thứ tiêu cực phải biến đi cho nhanh và cố gắng kết thúc nó. Khi có điều gì đó tích cực, chúng ta lại cố để kéo dài nó. Đó có phải là Pháp không?
Nhiệm vụ của bạn là nhận biết cảm thọ chỉ là cảm thọ. Cảm thọ này không phải là một con người hay một thực thể, và nó cũng không có việc gì để làm với “bạn”.
Bạn thực hành để cho loại hiểu biết và trí tuệ này sanh khởi. Khi bạn nhận ra không có cái gì là của cá nhân mình, bạn không còn có vấn đề khúc mắc gì với nó nữa. Nó chỉ là vấn đề khi bạn coi cảm thọ đó là “của bạn”. Vì vậy hãy nhận diện ra thái độ đằng sau tâm mình khi những cảm thọ này sanh khởi. Bạn thực hành bởi vì muốn hiểu biết.
Sân chỉ là sân. Nó chỉ là bản chất của pháp.
Ngài Shwe Oo Min thường nói: “Cái sân của bạn lớn thế nào – lớn bằng nắm tay hay lớn bằng quả bóng?”. Cái sân của người Trung Quốc có lớn hơn cái sân Ấn Độ không? Chẳng cái nào lớn hơn cái nào cả, bởi vì chúng cũng y hệt như nhau. Sân chỉ là sân.
Chúng ta thường gán nhãn cho cơn sân của người khác là “cơn sân của họ”, và cái sân trong mình là sân “của mình”. Đó là tà kiến. Khi chúng ta hành thiền để hiểu bản chất thực sự của những phiền não này, chúng ta sẽ không thể học được nếu sở hữu chúng như là “của tôi”.
Tham và sân mỗi thứ có một bản chất riêng biệt. Sân thì thô tháo và có đặc tính phá hoại, tàn phá. Tham có bản chất dính mắc và trói buộc; tham không muốn buông bỏ.
Bản chất của tâm là có những kinh nghiệm tốt, xấu đan xen lẫn nhau trong khi chúng ta hành thiền. Khi có tà kiến và những suy nghĩ sai lầm, tham hoặc sân sẽ xâm nhập; khi có chánh kiến, trí tuệ sẽ sanh khởi. Khó khăn của chúng ta bắt nguồn từ việc không có nền tảng thông tin đúng đắn và không hiểu biết về bản chất của tâm. Không hiểu kỹ thế nào là hành đúng thì rất khó để thực hành. Khi có hiểu biết thực sự thì mọi việc đều dễ dàng.
Kiên trì tinh tấn
Chúng ta cần có loại chánh niệm được phát triển một cách tự nhiên từ sự tinh tấn kiên trì và bền bỉ, từng phút từng giây.
Chúng ta không sử dụng loại cố gắng cưỡng ép, mất rất nhiều năng lượng ngay. Loại tinh tấn đó chỉ làm chúng ta uể oải, dã dượi khi mệt mỏi. Rồi khi lấy đủ năng lượng, chúng ta qua được sự dã dượi đó và rồi lại bắt đầu chánh niệm trở lại. Không thể phát triển được chánh niệm liên tục nếu chúng ta cứ thực hành theo kiểu tùy tiện như vậy.
Hãy phấn đấu để đạt được chánh niệm liên tục. Khi chánh niệm liên tục và tâm có thể thấy được toàn bộ tiến trình của những gì đến trước đó và diễn ra sau đó, mà không cưỡng ép, tâm sẽ bắt đầu nhận ra được nhân-quả.
Chỉ phấn đấu để chánh niệm được những gì đang diễn ra và những gì sẽ đến tiếp theo. Chỉ có mỗi việc đó chứ không có việc gì khác phải làm. Với sự kiên trì, bạn sẽ phát triển được một sức mạnh nội tâm và tự tin vào chính mình. Hãy thử điều đó mà xem nếu bạn không tin tôi. Bạn sẽ kinh nghiệm được sự an lạc khi có thể tự mình thấy ra điều này. Sự an lạc này đến từ đâu? Sự an lạc này đến từ sự hay biết.
Lấy đà chánh niệm
Khi định và niệm yếu và phiền não rất mạnh trong tâm, bạn sẽ không thể thấy được thực tại dù có cố gắng đến đâu chăng nữa. Không có sự liên tục của chánh niệm, thì tâm nhìn thấy cái gì đó một chút, lại để lọt mất cái khác, rồi lại nhìn thấy. Bạn có thể hiểu được bộ phim không khi cứ thi thoảng lại bỏ qua vài đoạn? Sự không liên tục này khiến cho bạn khó nắm bắt được bức tranh hoàn chỉnh và trí tuệ sẽ không có cơ hội để phát triển. Chính vì thế tôi thường nhấn mạnh đến sự kiên trì đều đặn, và liên tục của chánh niệm.
Bạn hãy cố gắng chánh niệm liên tục hơn để có cơ hội cho đà chánh niệm tăng trưởng.
Khi chánh niệm đã có sức mạnh, tâm sẽ hay biết được nhiều thứ hơn và sẽ tự phát triển đà chánh niệm của chính nó. Bạn không phải là người làm công việc chánh niệm nhiều đề mục hơn đó.
Giá trị của chánh niệm
Khi bạn bắt đầu hành thiền, niệm, định và tuệ trước kia vắng mặt bây giờ đã bắt đầu hiện hiện trong tâm. Hãy biết trân trọng những phẩm chất tâm thiện này trong tâm mình. Giá trị của chánh niệm là gì? Chánh niệm loại bỏ cái gì? Chánh niệm loại bỏ và thay thế sự thất niệm.
Chúng ta hành thiền bởi vì chúng ta muốn hiểu phiền não. Chúng ta muốn chánh niệm về các phiền não sanh khởi đúng như bản chất của pháp. Thiện cũng là pháp mà bất thiện cũng là pháp.
Chúng ta thực hành để có thái độ đúng, để hiểu bản chất của pháp và để đoạn trừ phiền não.
Xem tiếp phần II
0 nhận xét:
Đăng nhận xét