5) Bạn
bè tri kỷ tôi chẳng có,
Chỉ lấy tâm mình làm bạn chính mình
mà thôi.
Là con người, điều tự nhiên là ai cũng phải có bạn bè
và người quen. Nhất là đối với thiền sinh, họ có rất nhiều bạn lành (kalyanamitta-thiện
tri thức), những người bạn đạo cùng hành thiền với họ. Họ thực sự là những
người bạn thật đáng quý. Nhưng tác giả bài kệ này không nói đến những người bạn
đó. Ông đang nói về người bạn theo nghĩa tâm linh, do vậy ông mới nói ông lấy
chính tâm mình làm bạn. Đây thật là những lời rất hay và sâu sắc - chính tâm
tôi là bạn của tôi.
Hãy thử nghĩ xem, thật tốt đẹp biết bao khi tâm mình
lại là bạn của chính mình. Đó quả là một điều hạnh phúc không gì bằng. Và hãy
thử tưởng tượng điều ngược lại - đối với rất nhiều người, tâm họ không phải là
bạn của họ. Đối với một số nguời, tâm họ còn là kẻ thù của chính họ nữa.
Một lần nọ, tôi đến thuyết pháp tại một trại cai
nghiện ma túy. Bệnh nhân ở đây toàn là những con nghiện nặng. Họ theo nhiều
loại tôn giáo khác nhau, vì vậy tôi phải chọn một chủ đề có thể thích hợp với
tất cả mọi người. Chủ yếu là tôi nói với họ về sự cần thiết phải học cách tự
yêu thương lấy bản thân mình, là một người bạn tốt của chính mình và sự cần
thiết phải làm cho tâm mình trở thành bạn của mình. Đôi khi chúng ta cũng phạm
lỗi lầm, bởi vì chúng ta cũng chỉ là những con người bình thường. Ngay cả một
bậc thánh Tu-đà-hoàn[4] (Sotapana-bậc
Thánh Nhập lưu) cũng chưa thoát khỏi những bất thiện pháp kia mà.
Nhưng để đến mức nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát và trở nên xấu xa như thế thì
quả là không tốt tý nào.
Người sử dụng và lạm dụng ma túy tự gây hại cho sức
khỏe của chính họ, phung phí tiền bạc và không thể làm việc một cách hiệu quả.
Họ đánh mất phẩm giá của chính mình, bị xã hội xa lánh, tẩy chay. Xã hội không
đặt lòng tin ở những con người như thế. Cuối cùng một số người còn bị cha mẹ
đuổi ra khỏi nhà. Ngay cả người mẹ, là người yêu thương con mình nhất trên đời,
rứt ruột đẻ ra, chăm nom bú mớm từ khi lọt lòng đến lúc lớn khôn mà còn không
thể chịu đựng được nữa. Họ đã tệ đến mức bị tất cả mọi người ruồng bỏ. Họ đã
gây hại không chỉ cho sức khỏe, địa vị xã hội và danh tiếng của bản thân họ mà
thôi, mà họ còn phá hoại một điều rất quý giá - đó là trí thông minh, và họ
cũng rút ngắn cả cuộc đời của mình.
Một số người uống rượu - uống nhiều đến nỗi làm hỏng
luôn cả lá gan của mình. Họ đã làm thương tổn đến cuộc sống hôn nhân, con cái
họ bị ảnh hưởng xấu về tâm lý. Bạn thấy không, họ phải chịu bao nhiêu là đau
khổ. Vậy ai là người đã ủng hộ họ trên con đường tự hủy hoại kinh khủng như
vậy? Chính là tâm họ. Tâm họ mê thích, đắm chìm trong những đối tượng bất thiện
và không thích hợp ở bên ngoài. Có phải vì yêu bản thân mình mà họ làm như vậy
không? - Không phải, đó là sự dính mắc vào những đối tượng bên ngoài đã khiến
họ làm như vậy. Không nên nhầm lẫn sự dính mắc với tình yêu thương - yêu thương
và dính mắc thực tế khác xa nhau rất nhiều.
Đối với một số người, dường như họ lại là kẻ thù của
chính mình. Nếu hỏi họ có thương bản thân mình không, chắc chắn là họ sẽ nói
có, có chứ, ai chẳng thương thân! Tuy nhiên, thực sự thì họ chẳng hề thương xót
bản thân mình. Nếu một cái tâm luôn xui khiến chúng ta làm những việc xấu xa
thì cái tâm đó chính là kẻ thù của chúng ta. Còn cái tâm khích lệ chúng ta làm
những điều đúng đắn, thì cái tâm đó chính là bạn của mình.
Nếu tâm bạn luôn khuyến khích, sách tấn bạn làm việc
tốt, thì cái tâm đó đã trở thành một người bạn luôn luôn ở bên cạnh bạn. Nếu có
được điều đó thì quả là một điều tốt đẹp biết bao. Khi tâm bạn đã trở thành một
người bạn của mình, thì về mặt tâm linh bạn đã thực sự bắt đầu trưởng thành.
Những người như thế sẽ học được cách sống hạnh phúc và bình an. Thật ra, khi
tâm bạn đã trở thành một người bạn thực sự 100%, thì khi đó bạn đã có thể thành
đạt được mục đích tâm linh của mình rồi đấy.
Hãy nhìn lại tâm mình. Nhìn để thực sự thấy rõ tâm
mình là bạn hữu hay là kẻ thù của mình. Nếu nó là bạn của mình, thì hãy chăm
sóc người bạn đó; luôn cố gắng vun trồng và phát triển những tâm thiện và tư
tưởng tốt đẹp. Nếu nó là kẻ thù, cái bạn cần làm là biết quan sát nó một cách
thông minh, bình thản và tĩnh lặng.
Tham (lobha), sân (dosa), ngã mạn (mana),
hiềm hận, ghen tỵ, nghi hoặc và ngờ vực, trạo cử và bất an, hôn trầm thuỵ miên
..v.v…tất cả đều là những kẻ thù của mình. Chúng là những phiền não. Không cần
thiết phải lao vào một cuộc chiến tranh lớn, một mất một còn với chúng làm gì.
Điều phiền não sợ nhất không phải sự chiến đấu của chúng ta chống lại nó. Điều
nó sợ nhất là bạn dùng chánh niệm (sati) và trí tuệ để nhìn nó một cách
nhẹ nhàng thoải mái, nhìn bình thản, nhìn tĩnh lặng và nhìn thật lâu.
Nếu bạn nhìn vào một người nào đó một lúc lâu một cách
thật trầm tĩnh và bình thản, họ sẽ bắt đầu cảm thấy không thoải mái. Cũng như
vậy, nếu bạn nhìn phiền não một cách cẩn thận với chánh niệm thì nó sẽ không
thể nào chịu đựng được lâu trước con mắt soi xét của bạn. Rồi nó sẽ phải biến
mất.
Đã có lần, tôi nói với một người đệ tử của tôi rằng,
khi có tham muốn khởi lên trong tâm, hãy quan sát cái tâm ấy một cách đúng đắn
và khi có tâm sân khởi lên, cũng quan sát ngay cái tâm ấy một cách đúng đắn,
một cách thích hợp. Người đó đã thử làm như vậy và sau đó kể với tôi thế này:
"Bạch thầy, con đã thử cố gắng nhìn tâm tham khi nó khởi lên. Con chỉ kịp
nhìn nó được mỗi một lần là nó đã biến đi mất. Nó không thể chịu được khi bị
nhìn lâu."
Khi tham muốn sanh khởi và bạn quan sát nó một cách
thật cẩn thận, bạn sẽ hiểu rằng đó chỉ là tính chất của sự ham muốn, không phải
là tôi ham muốn, nó không phải là tâm của tôi, nó chỉ là một cái tâm, một cái
tâm sanh khởi bởi vì có đầy đủ nhân duyên cho nó sanh khởi mà thôi. Nếu một đối
tượng mang những tính chất khiến cho nó hấp dẫn, thì khi đó một cảm giác thích
thú với đối tượng ấy sẽ xuất hiện. Nếu bạn nhận ra được những tính chất tâm này
chính là vô ngã(anatta), bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ chúng. Còn nếu
bạn cứ nghĩ nó là cái tham của tôi, thì sẽ rất khó trừ bỏ được nó, bởi vì điều
đó chỉ càng làm cho tâm tham mạnh lên mà thôi.
Khi phiền não kết hợp với một ý niệm về "cái
tôi", chúng có thể phình lên rất lớn. Nếu phiền não không còn sự hỗ trợ
của cái ngã, chúng sẽ bị suy yếu đi. Đó là lý do tại sao tôi nói với các bạn
rằng đừng thấy: "Tham và sân trong tâm chúng con còn quá mạnh, bạch thầy,
chúng con cảm thấy nản lòng quá". Chỉ cần quan sát cái tâm đang sanh khởi
đó một cách chánh niệm: tham lam, sân hận, ngã mạn, ghen tỵ, đố kỵ, keo kiết
bủn xỉn … cho đến khi bạn thấy được chúng không phải là người nào cả, chỉ là
những cái tâm sanh khởi bởi vì ở đó có đầy đủ nhân duyên khiến chúng sanh khởi
mà thôi.
Cũng theo cách như vậy, khi sân sanh khởi, hãy quan
sát nó một cách thật bình thản và cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu bạn nhìn cái giận
"của mình" thì bạn sẽ còn cảm thấy giận hơn nữa. Khi cái giận
cùng tồn tại với "cái tôi", nó sẽ trở nên mạnh hơn rất nhiều. Nó có
thể mạnh đến mức không thể kiểm soát nổi. Nhưng hãy làm như tôi vừa nói ở trên,
giữ chánh niệm và mỗi khi sân giận nổi lên lại, hãy kiên nhẫn nhìn nó thật lâu,
thật cẩn thận như một khán giả bên ngoài trông vào, mà không nghĩ rằng, không
cho rằng nó là tâm "của tôi". Khi bạn có thể làm được như vậy
thì sân hận sẽ bị tước vũ khí.
Nếu luôn luôn quan sát như thế, bạn sẽ bắt đầu thấy
được bản chất của tâm. Bạn không thể làm cho bất cứ cái gì biến mất và bạn cũng
không cần phải làm như thế. Nếu bạn có thể quan sát được mọi thứ sanh khởi
trong tâm như một người ngoài cuộc quan sát các tư tưởng, những điều thoả mãn,
hài lòng cũng như những điều bất mãn, không ưng ý hay bất cứ những gì đang có
mặt, thì sức mạnh của phiền não sẽ suy yếu đi rất nhiều.
Vậy nếu bạn có thể nhìn tham, sân, ngã mạn, ghen tỵ,
đố kỵ… như là vô ngã (không phải tôi, không phải của tôi), chúng sẽ trở
nên mềm yếu và rút lui. Hơn thế nữa, bạn còn gặt hái được một số kiến thức và
trí tuệ từ chúng nữa. Đó là những gì chúng đem lại cho chúng ta để chúng ta trở
nên ngày càng vững vàng, ổn định và quyết tâm hơn. Chúng ta sẽ có được một sức
mạnh nội tâm kiên định; chúng ta sẽ trở thành những con người trưởng thành và
cân bằng.
Một người có thể biến tâm mình thành một người bạn
thực sự, người đó sẽ có được những đức tính cao thượng trong tâm. Để đạt được
điều này chúng ta phải học các bài học từ mọi thứ chúng ta trải nghiệm trong
cuộc đời này. Chúng ta phải nhìn tất cả mọi việc chỉ như là những bài học. Nếu
không học được bài học từ những điều đó, chúng ta sẽ bị tổn thất lớn. Khi chúng
ta gặt hái được kiến thức và trí tuệ, thì không có thiệt gì cả, chỉ có lợi ích
mà thôi.
6)
Chẳng kẻ thù nào tôi ôm hận,
Nhưng bất cẩn, phóng dật kia chính là thù.
Trên thế giới này, có người ta thương yêu, song cũng
có kẻ ta oán ghét. Đức Phật cũng có kẻ thù. Nếu ngay đến cả Đức Phật cũng có kẻ
thù, thì chắc chắn những con người bình thường như chúng ta ắt hẳn cũng có một
vài kẻ thù ghét mình. Tuy nhiên, tác giả bài kệ đang nói đến một điều thật sâu
sắc về tâm linh. Ý ông muốn nói kẻ thù lớn nhất, đáng sợ nhất là sự bất cẩn,
phóng dật của chính mình, nghĩa là không có chánh niệm và trí tuệ, nghĩa là cứ
coi mọi thứ trên đời như của trời cho, cư xử một cách nhẫn tâm…Đây thực sự là
những lời nói thật sâu sắc; tôi muốn các bạn hãy suy nghĩ thật sâu về chúng.
Trong những thứ làm cuộc đời của chúng ta trở thành vô
giá trị và trống rỗng thì thiếu chánh niệm và thiếu trí tuệ, sống bất cẩn,
buông thả luôn đứng đầu bảng. Trong tiếng Pāli, những cố tật này được gọi là avijja (vô
minh), moha (si ám) hay pāmada (phóng dật).
Khi có chánh niệm và trí tuệ thì sẽ có hiểu biết, được gọi là minh (vijja).
Khi đó nó trở thành vô si (amoha) và không phóng dật (apāmada).
Thất niệm và thiếu trí tuệ
là những kẻ thù lớn nhất của con người.
Khi làm bất cứ điều gì, khi suy nghĩ bất cứ điều gì,
bạn phải có chánh niệm; chánh niệm phải đến đầu tiên. Khi có chánh niệm mạnh,
trí tuệ sẽ đến tiếp theo. Nếu ngay từ đầu đã không có chánh niệm, thì cũng
không thể có trí tuệ. Không có chánh niệm, bạn sẽ không thể phát triển được trí
tuệ. Điều quan trọng là bạn phải nhận thức ra được điều này.
Khi xem xét cách thức tâm (citta) và tâm sở (cetasika)
hiện hữu cùng nhau, bạn sẽ hiểu rằng khi chánh niệm (sati) không có mặt
trong tâm thì trí tuệ (pañña) cũng không hề hiện hữu. Vì vậy, không có
chánh niệm cũng không thể có trí tuệ.
Trí tuệ làm tăng chất lượng sống của chúng ta. Cái làm
hủy hoại chất lượng cuộc sống của chúng ta chính là không có trí tuệ. Song để
có được trí tuệ, trước hết chúng ta phải có chánh niệm. Nếu không có chánh
niệm, không có trí tuệ, chỉ làm mọi việc một cách bất cẩn thì sẽ không thể có
điều gì tốt đẹp đến với bạn được cả. Nó còn có thể trở nên tồi tệ đến mức chất
lượng sống của bạn hoàn toàn bị phá hỏng. Sự thành đạt về mặt vật chất của bạn
cũng bị ảnh hưởng.
Tôi đã từng thấy nhiều bạn trẻ thiếu chánh niệm, thiếu
hiểu biết, không chăm chỉ, chịu khó, chỉ hoang phí thời gian quý báu của mình.
Chất lượng sống của họ đang trở nên thật tồi tệ. Họ không coi trọng và không đủ
trân trọng đối với bất cứ điều gì để có ý chí và quyết tâm thực hiện nó. Những
con người như thế sẽ không thể thành công hay giàu có được. Anh ta không sáng
tạo, không phát huy được toàn bộ tiềm năng của mình và cũng không có đủ dũng
cảm để làm những công việc cần làm. Nếu trên đời này chỉ toàn những kẻ ăn tàn
phá hại như thế thì hãy thử tưởng tượng xem một sự tàn phá kinh khủng như thế
nào sẽ đổ xuống thế giới của chúng ta. Tôi không muốn trẻ em trên thế giới này
sẽ trở thành những người như thế. Tôi nói điều này bởi vì tôi thấy nó thật phí
hoài, chứ không hề có ý định coi thường hay đổ lỗi cho bất cứ một ai.
Tất cả mọi người đều có những hạt giống thiện trong
mình. Tất cả những việc chúng ta cần làm là nuôi dưỡng cho nó lớn mạnh và phát
huy đầy đủ tiềm năng của mình.
Tôi cũng đã từng đi qua một thời tuổi trẻ sôi
động. Khi còn trẻ, tôi cũng đã từng có thật nhiều tham vọng và ước mơ. Một số
thành sự thật, còn một số thì không. Cũng bởi vì tôi đã có những lý tưởng cao
đẹp trong tâm, nên cái gì đến thì nó đã đến, mọi việc xảy ra trong đời đã dần
dần đưa tôi đến được như ngày hôm nay.
Tôi muốn mọi người cũng nên có những lý tưởng cao đẹp
cho mình và hãy làm những gì cần thiết ngay trong hoàn cảnh hiện tại, để có
được thành công và thịnh đạt. Tôi không muốn các bạn chỉ biết ngồi đó mà than
thân trách phận về những điều đã không đến với mình. Hãy bỏ tất cả những điều
ấy ở lại đằng sau. Có rất nhiều điều không thể xảy ra bởi vì hoàn cảnh. Nhưng
nếu chúng ta biết tìm những việc có thể làm được và cố gắng làm thì sẽ có rất nhiều
việc cho chúng ta làm. Sẽ không có thời gian để mà phung phí và chắc chắn là
cũng không có lý do gì để mà hoang phí thời gian cả.
Con người ngày nay dường như có rất nhiều thời gian
rảnh rỗi. Hình như họ chẳng có việc gì để mà làm. Thật là một sự hoang phí
khủng khiếp khi những tiềm năng vô hạn của con người không được giải phóng ra
như vậy. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng, rất đáng báo động nếu cứ
để thời gian trôi qua phí hoài một cách vô ích và tầm thường như thế.
7) Giáp
sắt đai đồng, tôi chẳng có
Chỉ lấy tình
thương làm áo giáp chở che mình.
Áo giáp là một loại y phục được chế tạo để bảo vệ
chúng ta khỏi đao kiếm và tên đạn. Tác giả nói rằng ông không có loại giáp sắt
đai đồng này. Ông coi tình thương, tức là thiện ý đối với những người khác, là
thành tâm mong muốn những điều tốt đẹp đến cho người, là chiếc áo giáp của
mình. Khi chúng ta có tâm từ (mettā), tâm bi (karuṇā), chúng ta
chỉ mong muốn những điều tốt đẹp đến với người, về mặt tinh thần chúng ta sẽ
cảm thấy rất mạnh mẽ và an toàn. Chúng ta sẽ không còn cảm thấy sợ hãi hay đau
buồn nữa.
Một số Phật tử và đệ tử của tôi, trước khi đi nước
ngoài, họ đến hỏi tôi: "Con có cần phải mang theo cái gì bên mình để đề
phòng bất trắc, nguy hiểm không?" (ý họ muốn hỏi là có cần đeo bùa chú gì
không). Tôi phải nói với họ là: "Thầy chẳng có vật gì để cho các con cả.
Quan điểm của nhà sư này là không bao giờ dựa dẫm vào bất cứ thứ gì ở bên
ngoài. Khi thầy cần sự giúp đỡ, thầy đến với bạn bè và nhận lấy một chút những
gì mình cần. Về mặt tinh thần, thầy không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Khi cần
một sự giúp đỡ nào đó về sức khoẻ hay vật chất, thầy sẽ hỏi xin cái đó. Thầy
khuyên các con không nên nương tựa vào những biểu tượng, bùa chú hộ mệnh nào ở
bên ngoài cả. Hãy nương tựa vào chánh niệm và tâm từ của chính mình. Luôn luôn
giữ lòng từ và chánh niệm miên mật trong tâm".
Về mặt thể chất, tôi nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ đối với
những thứ tôi cần từ những người khác. Khi tôi không được khoẻ, họ chăm sóc
tôi. Những điều này là cần thiết, song về mặt tinh thần và tâm lý thì thực sự
không nên phụ thuộc hay nương tựa vào bất cứ một ai cả.
Tôi yêu thích sự độc lập từ khi tôi còn rất trẻ. Đức
Phật cũng nói điều này: "Attāhi attano natho", nghĩa là: “Ta
là nơi nương tựa của chính ta”. Tôi trân trọng những lời này một cách vô
cùng sâu sắc, luôn gìn giữ chúng trong tim và tôi cũng sống y như thế. Tôi cũng
khuyến khích Phật tử và các đệ tử của mình sống như vậy. Tôi không ủng hộ, hoặc
khuyến khích việc tin tưởng và dựa dẫm vào người khác hay những loại bùa chú hộ
mệnh ở bên ngoài. Tôi cũng không bao giờ chấp nhận bất cứ sự phụ thuộc hay sùng
bái cá nhân nào đối với tôi. Hãy tự nương tựa vào chính bản thân mình. Giữ
chánh niệm và tâm từ trong mình như là lá bùa hộ mệnh của bạn.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều loại chánh niệm. Ở cuộc sống
ngoài đời, chúng ta cần phải chánh niệm biết mình khi di chuyển, khi đi lại chỗ
này chỗ kia để tránh nguy hiểm. Hay biết, ghi nhận những gì đang diễn ra trong
thân tâm của bạn cũng là chánh niệm. Ngoài ra, bạn cũng nên cầu chúc cho tất cả
mọi người đều được khỏe mạnh, an vui và có thành tâm trân trọng họ. Nếu bạn có
một tâm từ trong sáng, trung thực và chân thành với mọi người, bạn sẽ thấy rằng
nhiều người cũng sẽ đáp lại bạn bằng tâm từ bi. Đôi khi, thậm chí cả những
người muốn chỉ trích, trù dập bạn cũng sẽ trở nên hòa giải và không chỉ trích
bạn nữa.
Tôi đã từng sống ở nhiều nơi chốn khác nhau, đã từng ở
trong những cánh rừng hoang thực sự. Tôi đã sống ở những nơi thực sự nguy hiểm,
nhưng chưa bao giờ tôi gặp nguy hiểm bởi vì tôi luôn có một một tấm lòng từ bi,
ấm áp chân thành đối với tất cả mọi người. Khi bạn biết rằng có nhiều người
thương yêu và quan tâm tới bạn, bạn sẽ cảm thấy được an toàn. Tâm từ thực sự có
tác dụng bảo hộ. Dù bạn có mặc loại áo giáp nào đi nữa, nếu không chánh niệm
bạn vẫn có thể bị thương. Song tâm từ giúp bạn tránh xa được mọi hiểm nguy là
một điều có thật.
Chánh niệm cũng giúp bạn được an toàn trước nguy hiểm.
Tuy nhiên ngay bản thân Đức Phật cũng không phải luôn luôn được an toàn khỏi
mọi hiểm nguy. Cũng có nhiều kẻ đã từng cố tâm làm hại Ngài. Nếu phải trả
nghiệp bất thiện đã làm trong kiếp trước, bạn cũng không thể tránh được nó.
Nhưng nếu bạn thực sự sống với chánh niệm và từ bi, bạn sẽ được an toàn khỏi
hầu hết các mối nguy hiểm thông thường.
Nếu bạn lấy tâm từ hay tình thương của mình làm tấm áo
giáp an toàn nhất và sử dụng nó như một hàng rào bao quanh mình, bạn không chỉ
cảm thấy an toàn mà còn được vui lòng, mãn nguyện nữa. Tấm lòng từ bi, chánh
niệm và một nội tâm định tĩnh sẽ giúp bạn sống và làm việc với một tư cách
chững chạc, đàng hoàng, với sự trong sáng và bình an.
Một số vị Sayadaw (Trưởng lão) nổi tiếng có một nội
tâm vô cùng trong sáng và bình an, Định và Niệm của các Ngài rất mạnh. Khi đến
gần các Ngài, bạn cảm thấy tâm mình cũng trở nên rất tĩnh lặng. Tôi đã kinh
nghiệm điều này nhiều lần. Tại sao lại có việc ấy? Bởi vì, bạn đã bước vào
trong trường tâm từ, định tĩnh và bình an của các Ngài.
Vậy khi bạn thường xuyên rải tâm từ và luôn có tâm từ
trong tâm, bạn sẽ có một trường từ ái luôn luôn bao phủ quanh mình. Nhờ ảnh
hưởng của tâm từ, chính bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, sáng suốt
và an lạc hơn và nó cũng trải rộng ra đến cả những người tiếp xúc với bạn.
8)
Chẳng nhọc công xây thành đắp lũy,
Tâm bất động kia
chính thành lũy muôn đời
Thành là một công trình kiên cố với những bức tường
dày, được xây dựng để chống lại những cuộc tấn công của quân địch. Các cánh cửa
cũng được bọc sắt và chỉ có một cửa duy nhất ở tầng dưới. Tầng trên cùng chỉ có
một vài cửa sổ rất nhỏ.
Những người có nhiều tài sản, có quyền lực và địa vị,
có vị trí cao trong xã hội thường có rất nhiều kẻ thù và chỉ nhờ sống trong
những bức thành không thể xâm nhập được như thế mới đem lại cho họ một cảm giác
an toàn nào đó. Tác giả nói ông không có một thành lũy nào cả. Ông lấy tâm bất
động, vững chắc có Niệm (sati) và Định (samādhi) vững mạnh làm
thành trì để an trú.
Một cái tâm bất động và kiên cố được hiểu đơn giản là
Định (samādhi). Nếu Niệm (sati) của bạn được liên tục, thì chính
cái tâm đó thể hiện đầy đủ tính chất của niệm. Khi Định và Niệm mạnh, kẻ thù
phiền não sẽ không thể xâm nhập được.
Thành trì vật chất được xây bằng gạch đá và sắt thép,
chỉ có thể bảo vệ bạn khỏi những kẻ thù từ bên ngoài như con người mà thôi. Nó
không thể ngăn chặn được những phiền não luôn có mặt trong tâm bạn. Chỉ có Niệm
và Định cùng với trí tuệ mới có thể bảo vệ tâm bạn khỏi kẻ thù phiền não; trí
tuệ càng sâu sắc thì sự bảo vệ nó mang lại cho bạn càng vững chắc. Đây là một
điểm rất quan trọng và sâu sắc.
Phiền não là những kẻ thù còn ghê gớm hơn bất cứ kẻ
thù nào ở bên ngoài. Chính vì phiền não mà con người đã dám làm biết bao nhiêu
việc bất thiện trên đời. Một khi đã thực hiện hành động bất thiện thì sẽ có một
quả báo tương ứng; chúng ta không thể chạy trốn hay tránh né được quả báo của
hành động mình đã làm. Chúng sẽ trổ quả khi có cơ hội.
Cuộc sống của chúng ta là kết quả của những
gì mà tâm chúng ta xứng đáng được nhận.
Nếu chúng ta có tâm "xấu" thì sẽ có quả báo
xấu. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng ta phải luôn quan sát cái tâm của mình
trong mọi lúc, quan sát nó thật nhiều, nhiều đến mức chúng ta có thể làm được.
Hãy cố gắng nhận ra những thái độ sai lầm của mình. Bạn cảm thấy thế nào và bạn
nghĩ gì khi có những thái độ như thế? Hãy quan sát những thái độ bất mãn, thù
hận, ý muốn phá hủy, làm hại, muốn làm những việc não hại người; hãy đơn giản
quan sát chúng một cách nhẹ nhàng. Đừng cố ép buộc nó phải thay đổi ngay; chỉ
cần duy trì sự quan sát và chánh niệm, hay biết nó là đủ. Nếu bạn nhìn thật cẩn
thận và thực sự thấy nó, nó sẽ tự sửa mình. Điều này thật đáng vui, đáng phấn
khởi biết bao.
Khi thái độ, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của bạn đã
trở nên chân chánh, thì mọi thứ trong cuộc sống sẽ bắt đầu vận hành có hiệu quả
hơn và bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Toàn bộ thế giới của bạn sẽ thay đổi. Nếu
bạn muốn thế giới của mình thay đổi, bạn phải thấy ra được những thái độ sai
trái, lầm lạc và không đúng đắn của mình và hãy chánh niệm hay biết chúng, quan
sát chúng. Nếu bạn thực sự rõ biết chúng, thì rồi chúng sẽ tự thay đổi. Khi bạn
đã thực sự thấy được chúng thì sự thay đổi sẽ đến một cách rất tự nhiên.
Điều mãn nguyện lớn nhất trong cuộc đời
là thấy ra được những lỗi lầm của chính mình, hiểu
biết chúng và làm thay đổi chúng.
Đó cũng là điều đáng phấn khởi nhất.
9) Trong
tay chẳng có gươm đao,
Vũ khí phòng thân là vô ngã.
Những chiến binh thời cổ thường mang một thanh gươm
dài lủng lẳng bên hông. Đó là vũ khí của họ. Họ mang nó theo khắp mọi nơi. Kẻ
thù của họ cũng có vũ khí như vậy. Khi gặp quân địch, họ rút gươm ra và chiến
đấu. Họ cũng dùng nó làm vũ khí tự vệ cho bản thân mình. Tác giả nói ông không
có một thanh gươm thực sự như thế. Ông lấy sự vắng mặt của cái ngã (cái tôi)
làm thanh kiếm tự vệ cho mình.
Con người bình thường có thể sử dụng các loại vũ khí
thông dụng như đao kiếm hay súng ống. Những con người trí tuệ chỉ đơn giản sử
dụng vô ngã làm vũ khí cho họ. Bất kể loại kẻ thù nào, khó khăn nào, ngay cả đó
là những thăng trầm, thịnh suy trong cuộc đời, khi họ nhìn chúng với sự hiểu
biết về vô ngã, tất cả sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, chúng sẽ tiêu tan như mây
khói. Nhưng trí tuệ thấy được tất cả các pháp thế gian (lokadhammas-những
thăng trầm, thịnh suy trong đời) là vô nghĩa mới thật sự là quan trọng và ý
nghĩa. Chỉ với sự hiểu biết này, chúng ta mới có thể trở thành một con người
vững vàng và trưởng thành với một sức mạnh dũng mãnh trong tâm.
Chẳng hạn, có một người nói điều gì đó với bạn mà bạn
không thích và không thể tha thứ được. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó với ý niệm
về "cái tôi" của mình, chúng ta sẽ nghĩ: "Hắn ta đã nói cái này,
cái nọ với mình". "Hắn ta" và "mình" thể hiện cái bản
ngã. "Bọn hắn sẽ phải biết tay ta" và những tư tưởng đại loại như thế
mang đậm bóng dáng của một cái ngã trong tâm bạn.
Nếu nhìn sự việc từ góc độ tâm linh, bạn sẽ thấy người
nói câu đó chỉ là danh-sắc (thân-tâm) và cái "tôi" đang bực mình đó
cũng chỉ là danh-sắc mà thôi. Lời nói chỉ là những từ ngữ và âm thanh được phát
ra. Ngôn từ là khái niệm chế định của tục đế (paññati), trong khi âm
thanh là thực tại chân đế (paramatha). Chân đế chỉ sanh khởi rồi diệt
ngay tức khắc, cái nghe chỉ là nhĩ thức sanh lên rồi diệt. Cái tâm bực bội cũng
là một hiện tượng sanh và diệt.
Nếu bạn thấy rằng tất cả những điều này là vô ngã
(không có một ai ở đó cả) thì còn cần phải tiếp tục nữa làm gì? Không cần phải
làm thêm cái gì nữa; đó là chỗ kết thúc của vấn đề. Nếu chúng ta nhìn mọi sự
dưới ánh sáng vô ngã và vô thường, thì chẳng cần thiết phải kéo dài vấn đề ra
làm gì, nó sẽ là một câu chuyện rất ngắn gọn.
Dù đó chỉ là một sự khó chịu nhỏ nhặt hay ngay cả một
vấn đề thực sự to tát mà chúng ta phải đương đầu, nếu chúng ta chánh niệm về nó
và nhận ra rằng đó chỉ là vô ngã, thì sẽ không cần phải làm gì nữa. Nếu bạn bị
đau ốm và phải uống thuốc thì hãy uống, nhưng nếu có thể được, thì hãy kham
nhẫn với cơn đau và chánh niệm hay biết nó. Không cần thiết phải nghĩ rằng:
mình thật không may, tại sao điều này lại xảy đến với mình cơ chứ v.v…Nó xảy ra
do điều kiện, hoàn cảnh; chúng ta sẽ kham nhẫn, chịu đựng đến mức có thể kham
nhẫn, chịu đựng được. Nếu nó không giảm và thậm chí nếu bạn phải chết vì căn
bệnh ấy, nhưng khi bạn thực sự nghĩ nó là vô ngã thì bạn sẽ không còn sợ chết
nữa.
Cách đây không lâu có một người tôi quen vừa mới chết.
Ông chết một cách rất thanh thản, bình yên. Con gái ông nói rằng, khoảng một
tuần hay chừng 10 ngày trước khi chết, cha cô trông thay đổi rõ rệt. Trước đó,
ông không thể chấp nhận được cái chết và cố gắng chống cự lại nó. Đến khi gần
chết, ông mới nhận ra rằng mình không thể chống lại được nữa. Trước kia ông đã
từng hành thiền nên sau khi chấp nhận cái chết sẽ đến với mình, ông trở nên
thanh thản và bình yên hơn với mỗi ngày trôi qua. Khi chết cũng vậy, ông chết
một cách thanh thản với hai tay chắp lại trước ngực và thở nhẹ nhàng. Ông không
chống cự, không đấm đá, giãy giụa, không kiệt sức, nghẹt thở hay làm bất cứ cái
gì khác, chỉ chết như thể vừa lên giường đi ngủ.
Có rất nhiều cách chết. Một số người chết hết sức đau
đớn. Một số chết một cách bình yên. Người biết hành thiền đa phần chết một cách
rất bình yên.
Những thăng trầm chúng ta đối diện trên đường đời, nếu
chúng ta có bất cứ một xu hướng ngã mạn nào trong đó, thì chắc chắn chúng ta sẽ
là người thua cuộc. Sử dụng "cái tôi" làm vũ khí thì chỉ có thể dẫn
đến thất bại thảm hại mà thôi, “cái tôi” không bao giờ chiến thắng. Cuối cùng,
khi bạn đã thực sự hiểu được vô ngã, bạn sẽ chinh phục được ngay cả cái chết.
Nếu chúng ta dính mắc thật nhiều với “cái tôi”, chúng ta sẽ chết trong nỗi sợ
hãi khủng khiếp và cái chết đó thật là vô ích. Còn nếu bạn chết một cách chánh
niệm trong khi đang quán chiếu về vô ngã, thì khi đó bạn đã chinh phục được tử thần.
Vũ khí vô ngã chinh phục được kẻ thù là 8 pháp thế
gian (lokadhamma). Đây là vũ khí của những người anh hùng, những con
người giới đức trong sạch chính là những người anh hùng thực sự trong đời.
Tôi thực lòng mong muốn tất cả các bạn hãy sống một cuộc
đời đầy ý nghĩa và hoàn mãn. Để đạt được điều này, hãy dành càng nhiều thời
gian càng tốt để hành thiền mỗi ngày. Nếu bạn không thể dành được thời gian cho
riêng mình, thì hãy cố gắng chánh niệm khi bạn đi lại, khi ngồi, khi đi, khi
đứng, khi làm việc. Chánh niệm được ít hay nhiều, liên tục hay gián đoạn, điều
đó không thành vấn đề. Đây là điều rất quan trọng bạn cần phải biết.
Tôi muốn nói lên những điều này thật chân thành. Tôi
đã cố gắng hết sức để diễn giảng bài kệ này một cách ngắn gọn, song đầy đủ đến
mức có thể được, nhưng chính bạn phải đào sâu suy nghĩ về những điều này, và cố
gắng mở rộng nó ra thông qua sự hiểu biết của mình. Dĩ nhiên, bạn phải áp dụng
nó vào trong cuộc sống của chính mình nữa.
Tôi đã ghi chép lại một số điểm chính rất hữu ích
trong quá trình thiền tập dài hạn. Tôi muốn trao tặng cho tất cả các bạn thật
nhiều kiến thức. Nếu bạn ghi nhớ và áp dụng những điều này vào trong cuộc sống
của mình, tầm mức cuộc sống của bạn sẽ càng thêm tăng tiến.
* Con đường phát triển tâm linh là con đường
học hỏi cả cuộc đời.
Nói về tâm linh là nói về một nội tâm đáng trân trọng,
là nói về trí tuệ. Đây là công việc của cả một đời người, không có điểm cuối
cùng cho nó. Bạn phải thực hiện công việc này cho đến tận ngưỡng cửa của cái
chết.
* Nếu theo đuổi con đường này lâu dài với đủ
nhiệt tâm, trí tuệ của bạn sẽ dần dần hội tụ đủ đầy.
Chúng ta thu lượm từng chút kiến thức chỗ này, chỗ kia
từ những kinh nghiệm đa dạng của mình. Những hoàn cảnh khác nhau dạy cho chúng
ta những bài học khác nhau và khi chúng ta thu gom từng chút kinh nghiệm như
vậy, những bài học đó sẽ dần dần được hội tụ đầy đủ và chúng ta sẽ bắt đầu có
được một bức tranh toàn cảnh về nó.
* Dần dần tất cả mọi thứ sẽ trở nên ngày càng có ý nghĩa và sáng tỏ
hơn đối với bạn.
Khi trí tuệ đã trưởng thành, nó sẽ cho thấy rõ ràng
đâu là nhân, đâu là quả. Nếu chúng ta không thấy được nhân quả, chúng ta sẽ
không thể hiểu được vấn đề. Chúng ta sẽ trở nên rối mù và rồi mọi việc sẽ trở
nên thật vô ích và vô nghĩa. Trong thế giới này, nếu chúng ta có thể nhìn được
mọi việc với con mắt trí tuệ rộng mở, dần dần chúng ta sẽ bắt đầu thấy được lý
do tại sao sự việc xảy ra, và rồi chúng ta sẽ hiểu được tại sao cách làm việc
như vầy sẽ đem lại kết quả nhất định như vầy.
Về mặt tâm linh, nếu một người đã thực sự hiểu biết
sâu sắc bản chất của danh sắc và nhân quả, thì trong mọi côngviệc thế gian,
người đó sẽ luôn giữ được bình tĩnh và khách quan, không thiên vị, thành kiến.
Nhờ vậy, người ấy có thể thấy rất rõ ràng nhân duyên khiến cho sự việc xảy ra
và cả những kết quả do nó mang lại nữa.
Đôi khi tôi cũng tham gia vào một số vấn đề của thế
gian và tôi thấy nó cũng rất thú vị. Tôi biết vấn đề đó là quan trọng và tôi có
thể thấy được những nguyên nhân gốc sâu xa của nó, và tôi cũng thấy rõ mình
phải bắt đầu từ đâu để giải quyết được vấn đề nữa.
Cũng y hệt như vậy khi tôi nhìn lại cuộc đời mình. Khi
tôi xem xét lại thật kỹ mọi việc tốt, xấu mình đã trải qua trong đời, tôi thấy
một cách thật rõ ràng lý do tại sao sự việc lại xảy ra như thế và thấy được cả
những hậu quả của nó ra sao.
Ngay cả thấy nhân quả cũng có hai cách thấy. Có cách
thấy bằng sự thật chế định (samutisacca) là những thực tại thông thường
mà chúng ta đã biết; thế giới, con người, đàn ông, đàn bà, của anh, của tôi,
nên hay không nên, đó là một phần của hệ thống giá trị được chúng ta chấp nhận.
Và có cách thấy bằng sự thật chân đế (paramatthasacca), đó là bản chất
nguyên thủy, đích thực của mọi thứ.
Hiểu được nhân quả thực sự trong phạm vi của sự thật
chế định là điều quan trọng. Dẫu sao, khi chúng ta giao tiếp, quan hệ với nhau
chúng ta cũng đều phải ở trong thực tại chế định này. Nếu chúng ta thực sự hiểu
được nhân quả, chúng ta sẽ quan hệ, giao tiếp một cách hiệu quả hơn. Nếu chúng
ta không thấy được nhân quả, sẽ có vô số vấn đề xảy ra, không bao giờ chấm dứt.
Đó là lý do tại sao khi bạn hiểu được Pháp, cuộc sống của bạn sẽ trở nên rõ
ràng, sáng suốt và không có lý do gì mà phải náo loạn, rối tinh cả lên nữa. Bất
kể rắc rối, khó khăn nào, nếu bạn không bị giật dây bởi sự yêu ghét cá nhân và
những chấp thủ, dính mắc quanh cái "tôi", mà thay vào đó bạn đứng về
bên Pháp, Pháp sẽ vận hành để đem lại một giải pháp tốt đẹp nhất có thể được
cho bạn; Pháp sẽ giữ gìn cho cuộc sống của bạn luôn luôn rõ ràng và sáng suốt.
Khi tâm bạn rõ ràng và sáng suốt, cuộc đời của bạn
cũng rõ ràng và sáng suốt. Trí tuệ và sự hiểu biết cũng rõ ràng và sáng suốt.
Khi tâm bạn không sáng suốt, cuộc đời không thể sáng suốt, rõ ràng và cũng
không thể có trí tuệ và hiểu biết sáng suốt, rõ ràng.
* Dần dần chúng ta sẽ đạt tới hiểu biết sâu
sắc về tất cả mục đích cuộc sống của mình.
Khi trí tuệ đã bắt đầu hội tụ đầy đủ, chúng ta sẽ bắt
đầu hiểu được mục đích của cuộc đời, mục đích của kiếp nhân sinh này. Những
người có được cái nhìn tâm linh sẽ không còn nghĩ về mọi sự như là chỉ có trong
một kiếp sống này mà thôi. Họ nhìn thấy được cả toàn bộ kiếp sống với tầm nhìn
của con chim từ trên cao nhìn xuống. Nhờ vậy họ sẽ chuẩn bị trước cho mình về
những điều sẽ phải đối diện; và tránh né những gì có thể ngăn chặn, tránh né từ
trước. Khi sự hiểu biết về toàn bộ kiếp sinh tồn này của chúng ta ngày càng sâu
sắc và mạnh mẽ, chúng ta càng có thể sống cuộc đời mình một cách sáng suốt và
rõ ràng hơn.
Nếu có hiểu biết về toàn bộ kiếp nhân sinh này, chúng
ta sẽ không còn chấp giữ cái nhìn thiển cận, hẹp hòi về những điều tốt xấu trên
đời nữa. Có những điều chúng ta sẽ không thể chấp nhận được hay sẽ không thể
hiểu được, nếu chúng ta cứ khư khư giữ chặt cái nhìn hạn hẹp và thiển cận. Với
quan kiến như vậy, các cảm xúc của chúng ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ và kích
động. Chúng ta sẽ than vãn, khóc than về những điều không may đã xảy đến với
mình, tại sao tôi phải nhận những điều bất hạnh, đau đớn đó. Đối với những
người có trí tuệ và hiểu biết, họ sẽ biết những nhân duyên nào đã hay có thể
đưa đến những hoàn cảnh như thế và do đó họ sẽ chấp nhận được nó. Nếu trong
những trường hợp phải đối diện, đương đầu, họ sẽ đối diện với một nội tâm bình
an và thanh thản.
Có những pháp thế gian (lokadhamma-8 ngọn gió
đời, là những thăng trầm, thịnh suy trong đời) mà chúng ta không thể tránh được.
Chúng ta chỉ có thể đối diện với nó bằng trí tuệ, bằng hiểu biết và chánh niệm.
Có những pháp thế gian có thể tránh né được, tùy thuộc vào mức độ trưởng thành
hay mức độ khôn ngoan, trí tuệ của chúng ta. Và nếu có thể tránh né được chúng,
chúng ta vẫn phải duy trì, giữ gìn các phẩm chất tốt đẹp của mình với tâm chánh
niệm quan sát. Đối với những điều không thể tránh được, chúng ta sẽ không còn
tự than thân trách phận: tại sao những điều này lại xảy đến với mình như vậy?
Chúng ta nhận ra được rằng, đó là vì trước kia mình đã từng làm một việc gì đó,
để đến bây giờ mình phải xứng đáng nhận cái quả của nó. Sự hiểu biết này làm
chúng ta thêm sức chịu đựng, kham nhẫn và một cách chính xác thì chính điều này
sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn. Chúng ta đã có được sự bình an trong tâm để
có thể kham nhẫn, chịu đựng về mặt thể chất và vật chất, nhưng về tinh thần
chúng ta sẽ không phải chịu nhiều đau khổ nữa.
Hầu hết mọi người đều đi qua cuộc đời này một cách mơ
hồ và mờ nhạt. Nhiều người cả đời chỉ vụng về, lần mò quanh quẩn. Một số lại
lưỡng lự, phân vân phỏng đoán xem mình phải làm gì. Đôi khi chúng ta rất muốn
làm một việc gì đó và bắt tay vào làm, một thời gian sau chúng ta lại thấy mình
chẳng còn thích thú công việc đó nữa. Đôi khi chúng ta cố gắng phấn đấu để đạt
được điều mình mong muốn, thế nhưng khi đạt được rồi, chúng ta lại chẳng hề
muốn nó nữa. Những điều đại loại như thế thường xảy ra rất nhiều ngay trong
cuộc sống của chúng ta, nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy được điều đó.
Trong đời tôi, tôi đã từng mong muốn làm, mong muốn sở
hữu rất nhiều thứ, đến mức tôi đã đầu tư biết bao nhiêu thời gian, có khi mất
nhiều năm trời, bỏ vào đó thật nhiều công sức, tự gánh vào thân rất nhiều cơ
cực, đau khổ và vật lộn để có được chúng. Nhưng khi đã thực sự có được trong
tay những thứ mà tôi vẫn hằng mong ước, thì tôi lại thấy rằng đó không phải là
thứ mình thực sự muốn. Nhưng khi nhận ra được điều đó thì tôi đã tiêu phí quá
nhiều thời gian và sức lực cho nó mất rồi.
Thực tế, có rất nhiều người đi qua cuộc đời mà không
thực sự biết một cách chắc chắn và chính xác là mình muốn gì, họ chỉ đi qua
cuộc đời một cách thật mơ hồ, vật vờ vô vị, một cách thật lơ đễnh và hú họa.
Nhưng người hành thiền thì không bao giờ như thế. Khi
bạn muốn làm một điều gì đó, trước hết bạn phải nhìn lại cái tâm mình đã. Tại
sao tôi muốn làm điều này? Có phải vì lợi lạc vật chất hay vì tôi muốn có quyền
lực, địa vị hay để người khác phải coi trọng, đánh giá cao về mình? Tôi có muốn
huênh hoang, sĩ diện không? Tôi có thể làm việc này trong một thời gian dài
được không? Bạn hãy tự hỏi mình các câu hỏi đó và nếu bạn bắt được tâm mình, nó
sẽ biết câu trả lời. Như vậy, cuối cùng bạn sẽ làm được những điều nên làm và
không làm những điều không nên. Bạn sẽ làm những việc thực tế, khả thi và sẽ
không cố làm những chuyện không thể nào xảy ra. Nếu bạn không biết được cái tâm
của mình, thì lòng tham muốn đạt được cái này cái kia sẽ làm mờ mắt bạn và bạn
sẽ cố gắng một cách vô ích vì những điều viển vông, không thực tế, những điều
không thể với tới được. Và khi không làm được thì nỗi thất vọng sẽ đến. Bạn sẽ
thất vọng, chán chường và trầm uất. Đến lúc đó thì, hỡi ôi, bạn đã dốc cạn cả
thời gian, tiền bạc và sức lực vào đó mất rồi.
Người biết hành thiền và biết theo dõi tâm của mình sẽ
có thể đánh giá được tình hình, thời gian, nơi chốn và mọi dấu hiệu liên quan.
Anh ta sẽ nhận ra được điều đó là khả thi hay không. Khi anh ta nỗ lực làm
những việc khả thi đó một cách chăm chỉ, thì hầu như lúc nào nó cũng thành công
tốt đẹp. Bởi vì hầu hết mọi công việc đều trôi chảy tốt đẹp, nên thời gian
không hề bị lãng phí vô ích. Anh ta cũng không lãng phí sức lực mình một cách
vô ích và cuộc sống sẽ mãn nguyện hơn nhiều. Nhờ vậy anh ta sẽ tiếp tục vươn
tới những tầm cao mới và sẽ phấn đấu để đạt được những điều tốt đẹp hơn.
Một người hiểu được tâm của mình, hiểu được phần tâm
linh của mình sẽ làm những gì là thích hợp, dù đó là những việc tầm thường của
thế gian hay bất cứ công việc gì, anh ta sẽ không làm những việc không thích
hợp với mình. Anh ta sẽ làm những việc thực tế, có khả năng làm được chứ không
theo đuổi những công việc hão huyền, phi thực tế. Có nhiều việc không thể làm
ngay tức khắc được. Nếu việc đó phải để làm sau, anh ta có thể chờ và chờ đợi
trong sự bình yên, thanh thản. Những người hành thiền là những người kiên nhẫn,
biết bảo tồn, gìn giữ (sức lực và nghị lực) và không dễ dàng từ bỏ. Đó là lý do
tại sao họ chỉ làm những việc có ý nghĩa và với một cái nhìn dài hạn. Hầu hết
những công việc đó đều trôi chảy và rồi thành công sẽ đến ngày một nhiều hơn.
Con người làm chủ những tiềm năng vĩ đại. Song tất cả
những tiềm năng này lại thường bị chúng ta phung phí lung tung, vô mục đích;
chúng ta hình như luôn luôn muốn hết cái này đến cái khác… chúng ta muốn làm
quá nhiều thứ. Chúng ta làm một việc, nó thất bại, chúng ta lại làm một việc
nữa và lại thất bại, dường như chúng ta không thể nào tiến lên được nữa. Mọi
thứ đều không chắc chắn và có quá nhiều sự thay đổi. Hãy tập trung vào một thứ,
định rõ một hướng đi và gắn chặt vào nó - bạn sẽ thấy cả một thế giới khác sẽ
đến cùng với nó.
* Thực chứng sức mạnh tâm linh là một kinh
nghiệm tràn đầy niềm vui và phúc lạc.
Khi chúng ta đã có một cái nhìn rõ ràng, sáng suốt về
cuộc đời mình và làm những việc nên làm với sự tận tâm, chu đáo hết mình, chúng
ta sẽ thấy những điều tốt đẹp bắt đầu đến với mình, việc này tiếp nối việc kia.
Tiến trình này đem đến cho chúng ta thật nhiều sức mạnh và chính sự hiểu biết
này tự thân nó đã là một loại sức mạnh. Chúng ta có thể tự tin làm một công
việc nào đó, hoàn toàn ý thức được về nhân và quả. Không còn một chút mơ hồ,
lẫn lộn. Chính sự tự tin đó, bản thân nó sẽ đem lại cho chúng ta một sức mạnh,
một năng lực to lớn và một kỹ năng thiện xảo.
Có rất nhiều loại sức mạnh. Cũng như sức mạnh chính
trị hay sức mạnh quân sự, tâm linh cũng có sức mạnh. Hai loại sức mạnh đầu là
những nguồn sức mạnh ở bên ngoài, chúng không thể tồn tại mãi mãi. Sức mạnh
tinh thần, từ bên trong trái tim ta, cực kỳ dũng mãnh và kiên định. Nó có tác
dụng thu thúc và tự chế, khiến cho con người chúng ta trở nên đứng đắn, chững
chạc và kiên định. Người có được sức mạnh này sẽ không bao giờ cảm thấy mình
yếu kém. Anh ta luôn cảm thấy mạnh mẽ. Không bao giờ có cảm giác thua thiệt,
thấp kém, nó mang lại một sự bình an thật lớn lao cho tâm hồn.
Sức mạnh tâm linh về bản chất là cao thượng với những
khát vọng và mục đích cao thượng, và do đó nó không thể bị lạm dụng. Sức mạnh
đó chỉ có thể mang lại những điều tốt đẹp và phúc lạc cho đời.
Nếu bạn muốn phân loại các loại sức mạnh, chúng ta có
thể phân nó ra thành sức mạnh phá hoại và sức mạnh xây dựng hay là sức mạnh có
ích. Chúng ta cũng có thể gọi nó là sức mạnh nuôi dưỡng- đó là loại sức mạnh
tạo ra những điều tốt lành, có tác dụng bảo vệ và nuôi dưỡng.
Sức mạnh tâm linh cũng là một loại sức mạnh nuôi
dưỡng. Những người có được sức mạnh này muốn làm những việc lợi ích, tốt lành
cho những chúng sanh khác, và họ cũng có đủ sức mạnh và trí tuệ để làm được
điều đó. Họ tích cực làm những công việc này - họ không thể chống lại việc đó.
Sức mạnh tâm linh này luôn khát khao được hoàn thành đầy đủ, được hoàn toàn
viên mãn: "Tôi phải làm điều đó, tôi phải làm với tất cả khả năng của
mình".
Đó là lý do tại sao những con người từ bi, trí tuệ và
nhất là những con người có được cái nhìn về tâm linh, chỉ mong muốn được làm
việc vì lợi ích của người khác và họ cũng luôn luôn làm điều đó một cách thực
lòng.
Con người chỉ có thể thực sự đạt được
sự hoàn mãn trong cuộc đời khi họ biết
hành động vì lợi ích của người khác.
Con người không thể sống một mình - chúng ta luôn luôn
gắn liền với nhau. Nếu chúng ta sống đơn độc một mình, chúng ta cũng không thể
hiểu biết được nhiều điều như thế này. Nếu sống một mình, chúng ta cũng không
có cơ hội để phát triển tâm từ (mettā), tâm bi (karuna)… Lòng
kiên nhẫn, sự tha thứ khoan dung, chia sẻ sự hiểu biết của mình với mọi người,
luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến cho người …cùng những hiểu biết và phẩm
chất cao thượng khác sẽ không có cơ hội nảy nở trong ta. Những hiểu biết và
phẩm chất cao thượng của tâm ta sẽ không thể đơm hoa kết trái. Những điều này
đến từ chính cuộc sống của chúng ta trong xã hội và từ những mối quan hệ, giao
tiếp giữa ta với mọi người. Nếu chúng ta sống một mình thì tất cả mọi tiềm năng
chúng ta có sẽ không bao giờ có cơ hội hiển bày.
Khi nghĩ đến những điều này tôi mới nhận ra rằng, tôi
đã có được cơ hội để làm những việc cần làm và biết được những việc nào cần
phải làm, chính là nhờ ở rất nhiều người. Tôi phải cám ơn cả thế giới này.
Muông thú, cỏ cây, trái đất, núi rừng, tự nhiên không trừ một ngoại lệ nào, tất
cả đều đóng góp phần công lao trong đó. Không chỉ những người ở đây hôm nay mà
cả những người từ lâu trước kia, tất cả mọi việc họ làm trước nay đều cùng nhau
tác động đến tôi. Nhờ có họ nên tôi mới có được kết quả này - tôi cảm thấy biết
ơn họ thật nhiều. Khi cảm nhận một chút lòng biết ơn lớn lao mà tôi đã mang nợ
với tất cả, tôi bắt đầu cảm thấy mình muốn đáp trả lại một điều gì đó, dù điều
đó thật là nhỏ nhoi, khiêm tốn. Tôi muốn làm vì lợi ích của mọi người.
* Có những niềm vui đến cùng với kỹ năng thiện xảo và sự thuần
thục.
Biết cách làm một việc gì đó một cách tốt nhất và có
thể thực hiện được công việc đó, điều đó mang lại một niềm vui sướng, hân hoan
vô cùng.
Đó là một loại kỹ năng để có thể làm việc với sự hiểu
biết cặn kẽ về hiệu quả của công việc mình làm và những nhân duyên nhất định
cần phải hội đủ để làm được công việc đó.
Biết cách sống và biết việc cần làm, điều đó làm cho
cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp và khả năng áp dụng sự hiểu biết đó một cách
thiện xảo, khéo léo là một niềm vui, nó mang lại sự sáng suốt và hạnh phúc, an
lành cho bạn.
* Không có sự mãn nguyện nào lớn hơn là luôn thực sự hay biết việc
mình đang làm.
Điều thực sự đáng hài lòng, đáng tưởng thưởng là việc
chúng ta có thể làm những điều phù hợp với tính cách của mình với sự tự tin,
không hề lưỡng lự, băn khoăn, ngần ngại có nên làm hay không. Điều đó thực sự
là mãn nguyện và tôi nghĩ không thể có điều gì mãn nguyện hơn là biết cách làm
việc và làm một cách thuần thục, tốt đẹp.
Chúng ta chỉ thực sự cảm thấy có sức sống khi chúng
biết được một cách dứt khoát điều mình muốn làm và làm điều đó hết mình. Trên
thế giới này, không có gì vô nghĩa, ngớ ngẩn và chán chường hơn việc phải tự
hỏi mình câu hỏi: "Tôi nên làm gì bây giờ? Việc gì là việc tốt nhất cần
phải làm đây?" - và không tìm ra được câu trả lời. Thực sự là chán chường
khi phải sống một cách đầy lưỡng lự, băn khoăn như thế.
* Những người đã phát triển cao nhất về tâm linh là những bậc thầy
trong cuộc sống.
Chúng ta đã trở thành những bậc thầy trong cuộc sống
chưa? Chúng ta đã biết cách sống cuộc sống của mình như thế nào chưa?
Trên thế giới này có vô số chuyên gia máy tính, vô số
nhà khoa học bậc thầy, các nhà thiên văn học bậc thầy, những doanh nhân bậc
thầy. Nhưng họ có trở thành những bậc thầy trong cuộc sống, biết cách sống cuộc
đời mình một cách tốt đẹp, khéo léo cho đến tận hơi thở cuối cùng hay không?
Hãy nghĩ đến điều này…nó còn quan trọng hơn tất cả những thứ khác nhiều. Bạn
không thể trở thành một con người như thế chỉ trong vòng một ngày, hai ngày,
hay ngay cả trong vòng một tháng, hai tháng được. Chúng ta phải tiếp tục thực
hành với một sự cam kết, với một ý chí và quyết tâm phi thường, với một sự kiên
trì bền bỉ, với tấm lòng chân thành và đức tin chân chánh.
Hãy cố gắng hết mình với tất cả trái tim và nếu bạn
tiếp tục tiến bước, sau một thời gian dài trí tuệ bạn sẽ dần dần được hội tụ đủ
đầy và bạn sẽ đạt đến được phần cốt lõi tinh yếu của trí tuệ tâm linh. Bạn sẽ
trở thành một bậc thầy trong cuộc sống. Tôi luôn cầu chúc cho tất cả các bạn
hãy phấn đấu để trở thành những bậc thầy trong cuộc sống như thế!
Rừng thiền Sóc Sơn
tháng 6/2012.
[1] Chánh niệm, hiểu một cách đơn giản, là sự ý thức về bản thân mình,
là sự chú ý và quan sát một cách khách quan, như thật (ghi nhận thuần túy) những gì xảy ra trong thân và tâm mình trong hiện tại: các cử động của cơ thể, các tính chất-cảm giác: nóng-lạnh, cứng-mềm, sự chuyển động…, cảm giác xúc chạm trên thân, cảm giác thở; các cảm xúc: buồn, giận, mừng, vui, cô đơn, tham dục… cho đến những hoạt động tâm lý vi
tế: suy nghĩ, tưởng tượng, cơ chế phiền não, những chiều hướng tâm lý, định kiến, chấp thủ, ảo tưởng… Chánh niệm, có thể nói là trung tâm của phương pháp tu tập tâm do Đức Phật thuyết dạy, dẫn đến phát triển trí tuệ trực giác, nhận chân được sự thật tuyệt đối của thân-tâm chúng ta (vô thường, khổ, vô ngã), do đó đoạn diệt tận gốc rễ những gốc phiền não-đau khổ (kiết sử) trong tâm
con người.
Pháp hành thiền chánh niệm là sự huân tập một thói quen
luôn chú ý và ý thức về bản thân mình trong mọi lúc, luôn quay lại quan sát-cảm nhận-ghi nhận thân-tâm mình trong hiện tại, một cách trực tiếp (chứ không phải bằng suy
nghĩ)…và phát triển sựtỉnh giác, ý thức về chính
mình một cách liên tục và sâu sắc. Người thực hành chánh niệm có thể tập ghi nhận những gì nổi bật, dễghi nhận nhất như là các
cử động của thân khi đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt…các cảm giác trong
thân, sự xúc chạm…hoặc là cảm giác thở vào-ra khi ngồi thiền, cảm giác trên chân khi bước đi… Thậm chí, Thiền sư Mahasi
Sayadaw còn dạy phương pháp niệm thầm: chạm.. chạm, đưa tay..đưa tay, bước.. bước, quay người…quay người, nóng..nóng, giận…giận, buồn..buồn…trong giai đoạn đầu thực hành để thiền sinh tự nhắc mình quay lại ghi nhận bản thân
[2] Thực tại chân đế (paramattha) là những gì có thể cảm nhận, hay biết một cách trực tiếp mà không cần phải qua sự trung
gian của khái niệm: như tính chất của cảm giác, tính chất của cảm xúc, tính chất của tứ đại: nóng lạnh, cứng mềm, sự chuyển động, kết dính; sự hay biết, các hoạt động của tâm thức… Do thói
quen từ vô thức sử dụng khái niệm chế định (anh, tôi,
đàn ông, đàn bà, con cái, nhà cửa, dài ngắn, vuông tròn...) để hiểu thế giới quanh mình và giao tiếp, thực tại chân đế bị giản lược hóa thành các khái niệm, và con người bị lệ thuộc vào nó, lâu dần cái hiểu về thế giới thật chỉ còn dừng lại ở mức trung gian là khái niệm.
Khái niệm chế định (tục đế) không thể hiện được các tính chất, đặc tính của sự vật, hiện tượng, và do đó cũng không thể phơi bày được những đặc tướng phổ quát của tất cả các hiện tượng thân-tâm là vô thường, khổ, vô ngã. Chính vì vậy, thiền quán(vipassanā) không sử dụng khái niệm chế định làm đề mục quán chiếu mà lấy thực tại chân đế
làm đối tượng quán
sát, từ đó phát triển trí tuệ nhận biết ba
đặc tính: vô thường, khổ, vô ngã ngay chính trong các hiện tượng diễn biến của thân tâm mình..
[3]Danh từ người Miến Điện thường dùng để gọi
các nhà sư đáng kính, các vị trưởng lão một cách kính trọng
[4] Đạo quả Tu-đà-hoàn
là đạo quả đầu tiên trong 4 tầng thánh quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Trong
con người phàm phu chưa đắc thánh quả còn
nguyên vẹn 10 loại kiết sử hay phiền não ngủ ngầm là: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh. Tầng thánh quả đầu tiên là Tu-đà-hoàn hay
Dự lưu cắt đứt 3 loại kiết sử đầu tiên là thân kiến,
hoài nghi và giới cấm thủ. Bậc thánh Tu-đà-hoàn vĩnh viễn không còn
tái sanh lại trong 4 đường ác đạo là Điạ ngục, Atula, Ngạ quỷ, Súc sanh nữa, mà chỉ còn tái sanh nhiều nhất là 7
lần nữa (Thất lai) trong cõi dục giới trước khi đạt đến giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi sanh tử. Tầng thánh thứ hai là Tư-đà-hàm không
cắt tuyệt được thêm loại kiết sử nào nữa, mà chỉ làm suy yếu hai loại kế là tham, sân. Bậc thánh Tư-đà-hàm chỉ còn tái sanh lại 1 lần duy nhất (Nhất lai) trong cõi dục giới. Tầng thánh thứ ba, Anahàm, cắt đứt hoàn toàn 5 kiết sử đầu tiên (3 kiết sử đầu được cắt đứt bởi đạo quả Tu-đà-hoàn
và tham, sân), và không còn phải tái sanh lại trong cõi dục giới nữa (Bất lai). Bậc thánh Anahàm sẽ tái sanh
lên cõi Phạm thiên và sẽ đắc quả vị Alahán và nhập Niết Bàn tại cõi đó. Tầng thánh cao nhất là thánh
quả Alahán cắt đứt hoàn toàn 10 loại kiết sử, vĩnh viễn
không còn tái sanh nữa. Cách đây hơn 2500 năm,
Đức Phật đã đạt đến Alahán thánh quả cùng với Toàn Giác Trí trong đêm thành
đạo, và là vị Alahán đầu tiên trên thế giới.
Hết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét