Bài 23:
SỰ PHÁT TRIỂN HAY TU TẬP TÂM
Cái mà chúng ta gọi là "con người" gồm có Tâm và Thân, hay Danh và Sắc. Về bản chất, tâm (Nàma) là một dòng ý thức trôi chảy có thể diễn tả bằng từ "tư duy"; tuy nhiên, tư duy tự thân nó không phải là một chức năng thuộc sinh lý, nó là một loại tâm lực (năng lực của tâm), một điều gì đó khá giống như ánh sáng hoặc điện năng, ngoại trừ rằng những năng lực sau này thuộc về lãnh vực vật chất. Tư duy và sự bức xạ của những luồng tư duy là những tâm sở (yếu tố tâm) của thế giới tâm tương đương với bốn yếu tố vật chất của thế giới vật lý. Thực chất chúng ta là sự biểu hiện của chính những tâm lực của mình, và những lực này, hay những luồng tư duy này dù vẫn chịu biến hoại vô thường nhưng không bao giờ mất.
Nếu những tư duy lực của chúng ta đủ mạnh để vượt qua phạm vi hấp dẫn của cõi dục (Kàvàvacarabhumi), tuỳ theo mức độ hoàn thiện của nó, chúng sẽ trở thành những tâm lực tinh tế và cao thượng hơn, và nếu chúng được tu tập hay phát triển cao hơn nữa, chúng sẽ trở thành những tâm lực tinh tế và cao thượng nhất, nhờ nó mà chúng ta có thể đạt đến trạng thái Niết Bàn, đoạn tận khổ đau, sầu muộn và bất mãn. Ðối với những luồng tư duy không đủ khả năng vượt qua lãnh vực hấp dẫn của cõi dục, ắt hẳn phải ở lại trong cõi dục đó, trong sự luân chuyển của các pháp dục giới; tuy nhiên, những luồng tư duy đó không bao giờ mất, chúng sẽ tạo thành một cuộc sống mới, kế tiếp, và rồi tiến trình lại tiếp tục, khi cái thức của cá nhân ấy biểu hiện thì gọi là một chúng sanh - một người đàn ông hay một người đàn bà chẳng hạn v.v.... Bằng cách này tiến trình sanh và tử cứ diễn tiến một cách liên tục và bất tận cho đến khi nó được chặn đứng bằng sự tu tập và phát triển những tư duy của cá nhân ấy.
Theo triết học Phật giáo (Vi Diệu Pháp) thì có ba (lớp) tâm, đó là: tâm dục giới, những đẳng cấp tâm cao hơn (tâm thiền) và tâm siêu thế. Trong ba lớp tâm này, tâm dục giới (những tham muốn trần tục) chính yếu có hai loại là: thiện và bất thiện. Tâm nào được kèm theo bởi ba căn thiện như: không ích kỷ, thiện chí và trí tuệ (hay vô tham, vô sân và vô si) được gọi là thiện, và bất kỳ lời nói hay hành động nào được làm với tư duy (tâm) thiện thì gọi là thiện nghiệp hoặc hành động thiện; chẳng hạn như từ ái, giúp đỡ v.v... Những hành động này tạo ra quả thiện như có một bản chất nhân đức (vô tham), bản chất từ bi (vô sân), và một bản chất thông minh, nhạy bén (vô si).
Những loại tâm hay tư duy nào được kèm theo bởi ba căn bất thiện: tham, sân và si gọi là tâm xấu. Bất kỳ hành động nào được làm hay lời nào được thốt ra với ý nghĩ xấu gọi là bất thiện nghiệp, hay hành động bất thiện, những điều như: sát sanh, trộm cắp, nói dối, v.v... điều này tạo ra những quả xấu như đoản thọ, bản chất thấp hèn (tham lam); bản chất nóng nảy, ưa cãi cọ (Dosa, sân) và đần độn, ngu si (Moha, si mê).
Như vậy, trong cõi dục có hai loại tâm chính là: thiện và bất thiện. Tuy nhiên nhờ tịnh hoá các tư duy của mình, gột rửa chúng khỏi ba căn bất thiện tham, sân, si; một người xấu có thể chuyển thành người tốt bằng cách phát triển những bản chất thấp hèn của mình trở thành bản chất cao thượng hơn, từ đó thâu nhập thêm ba căn thiện vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ). Một người thiện có thể tự mình phát triển cao hơn nữa, thậm chí đến những loại tâm cao quý và tốt đẹp hơn (tâm siêu thế).
Có ba giai đoạn phát triển, đó là phát triển Giới (Sìla), phát triển Ðịnh (Samàdhi) và phát triển Tuệ (Pannà). Tương ứng với trình tự phát triển hay tu tập Bát Chánh Ðạo được sắp thành ba nhóm, hai chi đầu: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy nằm trong nhóm Tuệ (Pannà). Ba chi kế: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng nằm rong nhóm Giới (Sìla) và ba chi cuối: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh nằm trong nhóm Ðịnh (Samàdhi).
Tại sao phải có ba giai đoạn phát triển này? Chính vì có ba cấp độ phiền não. Ở cấp độ đầu tiên, những phiền não đơn thuần ngủ ngầm trong mỗi người chúng ta, nó chưa thể hiện mảy may nào ra lời nói hoặc hành động cả. Ở cấp độ thứ hai, khi có một đối tượng nào đó đánh thức hay khuấy động, hoặc dễ chịu hoặc khó chịu, những phiền não này sẽ từ trạng thái ngủ ngầm trỗi dậy thành mức những tư duy, cảm xúc hay cảm thọ. Ở cấp độ thứ ba chúng sẽ trở nên mãnh liệt và không thể kềm chế nổi, đến mức tạo ra những hành động ác bằng lời nói hay việc làm. Vì thế cho nên, để loại trừ ba cấp độ phiền não, nhất thiết phải có ba giai đoạn phát triển hay tu tập này.
Trong ba giai đoạn tu tập này thì tu tập Giới chỉ có thể tạm thời loại trừ hay ngăn chặn cấp độ phiền não thứ ba, riêng hai cấp độ thứ nhất và thứ hai vẫn không thay đổi, và vì Giới chỉ có thể ngăn chặn tạm thời cấp độ phiền não thứ ba, do đó không sớm thì muộn những phiền não này sẽ sanh khởi trở lại; vì thế nó được gọi là Tadangapahàna nghĩa là diệt từng thời (Bỉ Phần Xả Ðoạn).
Tu tập Ðịnh có thể loại trừ hay ngăn chặn cấp độ thứ hai, nhưng vẫn còn những phiền não ngủ ngầm ở cấp độ thứ nhất nên chúng cũng sẽ sanh khởi trở lại, tuy nhiên trong trường hợp này phiền não không đến quá sớm như ở giai đoạn tu Giới, vì Ðịnh tiêu biểu cho một giai đoạn tu tập cao hơn và có nhiều năng lực hơn Giới. Do vậy, việc diệt hay ngăn chặn phiền não bằng Ðịnh được gọi là Vikkambhanapahàna chế ngự phiền não (Trấn Phục Xả Ðoạn).
Chỉ có sự phát triển trí tuệ hay tuệ giác mới có thể loại trừ hoàn toàn cấp độ phiền não thứ nhất, tức những tuỳ miên phiền não mà Giới và Ðịnh không thể ảnh hưởng tới được. Những phiền não do tuệ giác tẩy trừ sẽ không bao giờ khởi sanh trở lại, cũng như một cái cây đã bị nhổ tận gốc sẽ không còn mọc lại được; do đó, việc trừ diệt bằng tuệ gọi là Samucchedapahàna: diệt bằng cách đoạn tuyệt hay Chánh Ðoạn Xả Ðoạn.
Vì ba giai đoạn tu tập này liên quan và tuỳ thuộc lẫn nhau nên chúng cần phải được thực hành cùng nhau và đồng thời. Chẳng hạn, khi sống một cuộc sống chân chánh, một cuộc sống có giới hạnh, nếu có chánh định (Ðịnh) và chánh kiến (Tuệ) thì việc sống có giới hạnh sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cũng vậy, việc thực hành chánh định sẽ giúp chúng ta sống một cuộc sống chân chánh và có chánh kiến.
Vì thế chánh kiến có thể làm cho chúng ta sống đời chân chánh và định tâm một cách chân chánh. Thực vậy, nếu gắng sức sống một cuộc đời chân chánh mà không có chánh định để kiểm soát tâm, cũng như không có chánh kiến, điều đó có nghĩa rằng kết quả của nó không thể như mong đợi được. Chúng ta có thể nghĩ một việc là tốt vào lúc này, nhưng cũng có thể không nghĩ nó là vậy vào lúc khác; có lúc chúng ta vui về điều này, nhưng có lúc lại buồn vì nó, bởi vì chúng ta thiếu chánh kiến. Chánh định không thể đạt đến nếu không sống một cuộc sống chân chánh và có chánh kiến, cũng như không thể có chánh kiến nếu không sống chân chánh và định tâm chân chánh.
SỰ TẬP TRUNG HAY ÐỊNH TÂM
Có ba giai đoạn tu tập tâm: giai đoạn tập trung, giai đoạn thiền định và giai đoạn quán chiếu. Những ý niệm này khá phức tạp và lẫn lộn trong sự phiên dịch, một số các nhà dịch thuật về Bát Chánh Ðạo dùng từ quán chiếu (Contemplation), những người khác thì dùng tập trung (Concentration), trong khi số khác lại dùng thiền định (Meditation), về hình thức bề ngoài thì dường như chúng có cùng ý nghĩa, tuy nhiên chúng lại là ba giai đoạn tu tập khác nhau.
Giờ đây chúng ta bàn về sự tập trung (Concentration), tập trung có nghĩa là thu hẹp lãnh vực chú tâm của bạn lại, hay gom những tư duy của bạn lại. Nếu không tập trung, những tư duy của chúng ta sẽ bị phân tán và rối loạn. Khi chúng ta thức, chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ; kể cả khi chúng ta đang làm công việc cũng vậy, những tư duy của chúng ta trôi nổi, phân tán và rối bời không có chút mục đích nào cả, vì thế mà nó chẳng đưa chúng ta đi tới đâu. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể tập trung tư duy của mình vào một đối tượng. Mọi người đều có thể làm được điều này. Vấn đề nghe có vẻ khá nghiêm túc, nhưng thực sự chúng ta đang làm điều đó trong phần lớn thì giờ của mình, trong khi đang ăn chúng ta tập trung vào việc ăn, khi đang viết chúng ta tập trung vào việc viết. Một số người có thói quen đọc sách trong bữa ăn, họ cố gắng đọc sách và ăn một lần, nhưng bằng cách này họ lại làm hỏng cả hai việc: thứ nhất là họ không thể thưởng thức được các món ăn, hai nữa là họ chẳng thể nào đọc sách một cách thích đáng được. Vì vậy, mỗi lúc chúng ta nên tập trung vào một việc mà thôi.
Thực sự ra, chúng ta tập trung chỉ để tạo cho bản thân mình là một con người bình thường. Có hai loại người điên. Có loại không kiểm soát được những tư duy, hành động và cảm xúc của ho. Trong khi ăn họ có thể nhảy múa và ca hát, hay làm một điều gì đó hoàn toàn trái ngược lại với việc mà họ đang làm. Hạng này chẳng có ích lợi gì cho chính bản thân họ cũng như cho người khác. Tuy nhiên, cả chúng ta nữa cũng là một loại người điên nhẹ hơn, bởi vì, phần lớn chúng ta không thể kiểm soát nổi những tư duy của mình cho thích hợp. Nếu cố gắng chúng ta có thể làm được, nhưng chúng ta lại không kiên trì cố gắng. Chẳng hạn, tại một buổi hội họp, mọi người đang lắng nghe một bài thuyết trình. Tuy nhiên nếu họ không tập trung vào đề tài giảng, họ sẽ nghĩ đến một điều gì khác. Có thể họ sẽ nghĩ đến những chuyện rắc rối riêng tư của họ tại sở làm hoặc tại nhà, hay nghĩ đến việc sẽ phải làm, hoặc một nhà buôn thì có thể nghĩ đến những món hàng của mình. Nếu chúng ta đọc một cuốn sách với sự tập trung, chúng ta có thể đọc xong cuốn sách trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tập trung, có thể cuốn sách vẫn mở trong tay mà ta lại không nhớ bất cứ điều gì mình đã đọc.
Ðó là lý do tại sao mọi người chúng ta nhất thiết phải học cách tập trung tâm ý của mình; khi chúng ta thực sự cảm thấy một công việc nào đó là quan trọng và cần phải được làm, lúc đó chúng ta sẽ chú tâm vào việc đó. Không có sự tập trung, chúng ta chẳng thể nào làm được điều gì một cách thoả đáng cả. Nhờ tập trung trên một đề mục chọn sẵn, chúng ta có được một hình ảnh rõ ràng về đề mục đó, và sự sinh động của hình ảnh chính là kết quả của sự tập trung. Trong việc tập trung, chúng ta gom những tư duy của mình vào một điểm đặc biệt như thể chúng ta đang sử dụng một cây đuốc để soi đường vậy. Trong khi tập trung có thể có nhiều sự nhiễu loạn, ngay cả khi chúng ta đang cố gắng tập trung vào điều gì, chúng ta cũng có thể cảm thấy mình bị quấy nhiễu bởi những điều người khác nói hay làm, hay bởi một điều gì đó có lẽ sẽ xảy ra vào ngày mai không chừng.
Ðôi lúc chúng chỉ là những quấy nhiều nhỏ nhưng cũng có khi rất lớn, lúc đó những tư duy của chúng ta chất chứa đầy những lo âu đến nỗi ta không thể làm được điều gì cả, và rồi chúng ta sẽ nói là mình không có khả năng tập trung. Tuy nhiên, những ý nghĩ quấy rầy này có thể loại trừ được, chúng ta có thể tự mình tống khứ những ý nghĩ không mời mà đến đó, vì nó chẳng liên quan gì tới đề mục tập trung của chúng ta cả.
Cách tốt nhất để làm điều này rất đơn giản, bạn sẽ nói gì nếu có ai đó muốn gặp trong lúc bạn đang bận, chắc chắn bạn sẽ nói "Tôi rất bận" phải không. Khi nghe ai đó nói xấu mình, nếu bạn không quan tâm đến điều đó bạn sẽ nói "Tôi chẳng thèm để ý đến chuyện đó". Tuy nhiên, nếu bạn tự cho phép mình nghĩ đến điều người khác nói xấu mình, chắc chắn sân hận và bực bội sẽ phát sanh. Những tư tưởng quấy rầy này có thể được loại trừ đơn giản bằng cách dùng câu nói thông thường "Tôi rất bận". Khi một trong những người khách không mời mà đến quấy rầy bạn này, hãy trừng con mắt tâm lên và bảo "Ta rất bận". Chỉ cần không để ý đến nó và cứ tiếp tục tập trung vào đề mục bạn đã chọn, cũng không cần phải chiến đấu với nó, vì làm như vậy chỉ nối giáo thêm cho giặc. Chẳng hạn, nếu bạn để ý đến những gì người khác nói hoặc cách mà họ nhìn mình, điều đó sẽ khuyến khích họ làm tiếp mà thôi.
Nếu bạn không để ý thì sao? Chắc chắn người đó sẽ cảm thấy xấu hổ và bỏ đi ngay. Ngay cả một con chó cũng có thể cảm thấy điều này, nếu bạn không thèm để ý gì khi nó sủa bạn, nó sẽ bỏ đi liền. Cũng vậy, nếu một ý nghĩ không mời mà xâm nhập vào trong lúc bạn đang tập trung, đừng đếm xỉa gì cả, và nó sẽ biến mất ngay.
Chúng ta có thể tập trung trên bất cứ đề mục nào cũng được. Cứ thực hành như thế chúng ta sẽ tạo được một khả năng hay thói quen của tâm, duy trì trên một đề mục cho đến khi chúng ta sử dụng được nó, điều này có nghĩa là tất cả những tư duy có thể có của ta đều liên quan đến đề mục. Khởi sự bằng cách tập trung trên một đề mục đơn giản đã, sau đó, khi đã có khả năng tập trung thuần thục rồi chúng ta có thể áp dụng bất cứ đề mục nào, dù cho đề mục đó có khó tập trung và trừu tượng đến đâu chúng ta cũng vẫn tập trung dễ dàng như thường. Người nào có thể học nhanh chóng một điều gì, người đó có thể tập trung tâm của mình được.
Thiền là gì?
Sự khác biệt giữa tư duy và thiền là trong tư duy chúng ta thường không có một đối tượng hay mục đích rõ rệt; ngược lại trong thiền, chúng ta tập trung tư tưởng độc nhất vào một đề mục rõ ràng nào đó đã được chọn sẵn theo ý mình. Do tư duy không có mục đích, những tư tưởng của bạn có thể dẫn bạn đến những chỗ nguy hiểm và phiền muộn, nhưng nhờ hành thiền trên một đề mục chọn sẵn, bạn sẽ gặt hái lợi ích. Nhờ hành thiền mà sau đó bạn sẽ mở rộng được tri thức của mình và phát triển khả năng thấy biếât mọi vật như chúng thực sự là (tri kiến như thực).
Thiền chỉ được thực hành sau khi chúng ta đã có sự tập trung. Một số người cố gắng nhảy thẳng vào hành thiền, nhưng nếu làm như vậy họ sẽ thất bại vì không đạt được một hình ảnh rõ ràng của đối tượng, hoặc sự trong sáng của tâm do tập trung sanh. Tập trung đơn thuần chỉ là gom những tư duy của mình vào đề mục, nhưng trong thiền chúng ta phải duy trì hình ảnh rõ ràng trong tâm về đề mục đó. Không chỉ thế mà chúng ta còn phải mở rộng và phát triển lãnh vực của nó, đồng thời cũng phát triển tri kiến của mình, mở rộng lãnh vực tri kiến của mình về đề mục đó nữa. Ðó là lý do tại sao thiền nếu không có tập trung là một điều thất bại.
Trong sự tập trung chúng ta khởi sự với những đề mục đơn giản, nhưng trong thiền chúng ta đưa cái ý niệm rõ ràng về đề mục đơn giản đó đến những mức độ tâm cao hơn. Ðể dễ hiểu điều này bạn hãy hình dung một người nào đó đang đổ nước từ ở trên vào trong một cái thùng. Nếu cái thùng đó bị thủng lỗ dưới đáy và bốn chung quanh, nước sẽ chảy ra ngoài, nhưng nếu những lỗ thủng đó được bịt kín lại, nước sẽ dâng đầy lên. Ða số mọi người chúng ta cũng giống như cái bình đầy lỗ thủng đó, vì vậy mà tâm chúng ta phân tán, không thể tập trung được. Thiền giống như việc đổ nước làm đầy tâm chúng ta với trí tuệ và tri kiến rõ ràng. Tập trung là bịt lại các lỗ thủng, làm cho tâm kiên cố không phân tán. Nhờ hành thiền đúng chúng ta sẽ quan sát một cách rõ ràng đề mục đã chọn, đồng thời hiểu rõ chức năng của đề mục liên hệ với những pháp khác. Bằng cách này chúng ta phát triển được trí tuệ và tri kiến hiểu biết của mình.
Ðến đây chúng ta đã nhận ra sự khác biệt giữa tư duy và thiền. Trong tư duy, như chúng ta đã nói, chúng ta không có một đối tượng đặc biệt hoặc là có quá nhiều đối tượng, nhưng trong thiền chúng ta chỉ nghĩ đến một đề mục rõ rệt, và đó là lý do tại sao thiền lại thực sự là một pháp hành tư duy mang tính chất xây dựng. Nhờ hành thiền chúng ta phát triển được năng lực thấy biết đối tượng như chúng thực sự là, nếu không thì chúng ta chỉ thấy tướng bên ngoài của đối tượng mà không biết tí gì về thực chất của nó. Vì thế, thiền là một pháp hành rất cần thiết, nó giúp cho chúng ta tịnh hoá những tư duy, bằng không chúng sẽ bị pha lẫn với nhiều thứ, đặc biệt là với si mê. Một khi chúng ta bị vô minh che lấp, chúng ta không thể thấy mọi vật một cách đúng đắn được. Nhờ thiền chúng ta thấy được đối tượng như chúng thực sự là; tư duy của chúng ta trở nên trong sáng và phát triển được trí tuệ.
Quán Chiếu Là Gì?
Quán chiếu (Contemplation) không khác mấy đối với sự tập trung, mặc dù nó là sự tập trung, nhưng ở đây sự chú tâm của hành giả thật kiên cố và chặt chẽ. Do đó, quán chiếu là giai đoạn phát triển toàn diện của sự tập trung. Quán chiếu mở lối cho trí tuệ trực giác và nhiều năng lực siêu nhiên khác mà người ta thường gọi là những năng lực huyền bí, và chúng ta có thể đạt đến những năng lực này ngay cả trước khi đạt đến trạng thái Niết Bàn.
Về một phương diện nào đó thì thực sự đây là những năng lực huyền bí thật, vì nó tàng ẩn đối với những nguời không tự mình phát triển theo phương pháp này, nhưng những năng lực này không gì bí ẩn đối với người đã hành quán chiếu và thiền định một cách nghiêm mật, chúng chỉ là hình thức mở rộng của những năng lực mà con người thường dùng trong đời sống hàng ngày.
Chẳng hạn, điều này nghe có vẻ duy linh nhưng hoàn toàn không phải vậy, vào lúc những năng lực này được phát triển, bạn có thể thấy và nghe những cái mà bình thường bạn không nghe và thấy được, bởi vì tâm bạn hay những tư duy của bạn lúc này hoàn toàn trong sáng như một mặt gương bóng loáng. Khi mặt gương mờ đục bạn chẳng thể thấy được gì trong đó cả. Không có thiền, tâm hay những tư duy của chúng ta rất tối tăm, nhưng khi chúng đã được tịnh hoá, không tạp nhiễm với những khuynh hướng bất thiện, chúng ta có thể thấy và nghe được một số điều kỳ lạ mà bằng các giác quan vật lý thông thường không thể cảm nhận được.
Về đề mục (hành thiền) - chúng ta sẽ chọn đề mục như thế nào? Việc chọn lựa đề mục riêng cho mình hoàn toàn tuỳ thuộc vào bẩm tánh của từng người. Nếu bạn chọn được đề mục thích hợp thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng trưởng tri kiến cũng như những tư duy cao thượng của mình. Hơn nữa, nếu chọn được đề mục thích hợp chúng ta sẽ cảm thấy thú vị khi hành thiền, cũng giống như khi có những bộ phim hay, lôi cuốn, bạn sẽ xem đi xem lại vài lần vậy. Vậy thì làm thế nào để chọn được một đề mục thích hợp? Muốn chọn đề mục thích hợp, chúng ta phải hiểu rõ bản chất của mình, đây là điều hết sức quan trọng. Thật là vất vả khi phải tập trung vào một đề mục không phù hợp, và có thể chúng ta sẽ chẳng thành tựu được gì cả với một đề mục như vậy.
Chúng ta hiểu rằng mình có những yếu điểm nhưng cũng có những điểm mạnh, hành thiền trên một đề mục thích hợp sẽ giúp chúng ta sửa sai lại những thiếu sót đó. Chẳng hạn, nếu bạn có những khuynh hướng và những thói quen xấu, nhờ hành thiền trên những đề mục phù hợp, những khuynh hướng và thói quen ấy sẽ dần dần biến mất, đồng thời còn tạo cho mình những khuynh hướng tốt. Vì vậy, cần phải biết chúng ta thực sự là gì. Bần tăng nghĩ, trong hầu hết các trường hợp người ta hoàn toàn không biết rõ những khuynh hướng thực sự của họ là gì và bản chất thực sự của họ là gì cả. Thậm chí có trường hợp chúng ta biết rằng điều mình làm là sai, chúng ta cũng vẫn thường đi gặp người khác đơn thuần chỉ vì thói quen hoặc giả để nhận được sự xác chứng cho những ý nghĩ riêng tư của mình. Nhưng nếu chúng ta muốn cố gắng hành thiền một cách chân thành, chúng ta phải biết rõ bản chất thực sự của mình là gì.
Ðôi khi bạn có thể phán đoán bẩm tánh của mình theo những ý nghĩ và hành động đã thành thói quen cũng được. Khi bạn làm đi làm lại một điều gì đó nhiều lần, đó chính là dấu hiệu của cá tính bạn. Cá tính có thể được phát triển hay thay đổi nhờ hành thiền đúng đề mục. Có những loại cá tính khác nhau và mỗi người có cá tính riêng của mình. Vậy thì làm thế nào để chúng ta xác định được cá tính thực sự của mình? Có những trường hợp người ta làm rất nhiều điều khác nhau đến độ họ không thể xét đoán được đâu là cá tính trội hơn hết của họ. Trong đạo Phật thì có một sự phân loại trong đó các cá tính được chia thành 6 nhóm, và cá tính chủ yếu của mỗi người đều nằm trong 6 nhóm đó là:
1) Nặng về tình dục, tham lam, đa cảm.
2) Nóng nảy, bồn chồn, dễ cáu, khó chịu.
3) Ðần độn, si mê, không thông minh.
4) Cả tin, dễ dàng tin vào người khác nói.
5) Thông minh.
6) Suy đoán.
Chúng ta có thể nhận ra cá tính riêng của mình và xét đoán cá tính nào là trội nhất trong số đó. Một khi chúng ta đã biết được cá tính của mình là gì rồi, chúng ta có thể chọn đề mục hành thiền nào phù hợp với mình.
Nếu bạn là người rất dễ sân hận, đề mục bạn chọn phải là đề mục nào giúp cho bạn trở nên nhẫn nại. Ðể làm cho mình trở nên nhẫn nại bạn phải chọn một điều gì đó nghịch lại với cá tính của mình, chẳng hạn như thiện chí, hoặc Tâm Từ (Mettà). Muốn hành thiền Từ Ái (Mettà) bạn phải hiểu đôi điều về nó; Từ là gì? Và tại sao chúng ta trở nên tốt hơn khi hành thiền từ ái này? Ðể tịnh hoá những tư duy của mình bạn phải thoát khỏi sân hận, lúc đó bạn mới thấy được thực chất của các pháp, và nhờ thấy như vậy chúng ta mới nhận ra những bất lợi của lòng sân hận và thiếu kiên nhẫn, đồng thời hiểu được những thuận lợi của lòng Từ.
Khi đã có một số khái niệm về tâm từ rồi, chúng ta có thể hành thiền về đề mục này như sau: đầu tiên hãy rải tâm từ cho chính mình, vì người ta không thể ban rải tâm từ nếu bản thân họ không có nó. Khởi sự bằng cách đọc thầm trong tâm: "Cầu mong cho tôi được an vui và hành phúc". Giữ những ý tưởng này trong vài phút và nghĩ rằng toàn bộ bản chất của mình đã tràn đầy từ bi, và rằng không còn chỗ nào trống cho những tạp niệm khác. Tiếp tục như vậy cho đến khi chúng ta cảm thấy rằng mình đã tràn ngập từ bi, và rằng giờ đây chúng ta chỉ có Tâm Từ ngoài ra không còn gì khác. Kế tiếp, rải tâm từ của ta đến tất cả chúng sanh khắp mọi nơi trong thế gian này, bằng cách niệm thầm trong tâm: "Cầu mong tất cả chúng sanh đều được an vui,hạnh phúc". Giữ lấy những ý nghĩ này trong vài phút và nghĩ rằng cả vũ trụ này đã tràn ngập lòng từ và hoàn toàn không còn chỗ nào trong những tạp niệm khác nữa.
Cứ tiếp tục cho đến khi ta cảm nhận được rằng chẳng có chi ngoại trừ tình thương của ta đang lan toả đến chúng sanh. Khi việc hành thiền từ ái này thực hiện một thời gian đủ lâu, hành giả sẽ đạt được thành công. Một trạng thái vắng lặng của tâm, một cảm giác thoả mãn tuyệt vời, một loại hạnh phúc mà từ hồi nào đến giờ ta không hề biết đến và tâm ta trong sáng một cách kỳ diệu, đó là những điều mà hành giả sẽ cảm nhận được. Những trạng thái tâm này có thể được chứng nghiệm bởi bất cứ ai thành công trong việc ban rải tâm từ đến mọi chúng sanh không phân biệt.
Cuối cùng, những cấp độ phát triển tâm cao hơn sẽ được hành giả chứng đạt nhờ thiền từ ái này.
-ooOoo-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét