Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

PHẬT PHÁP GIẢNG GIẢI - BÀI 19: HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Bài 19:

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần mà người ta có thể đạt tới xuyên qua việc tu tập tâm, và như vậy, về nguồn gốc nó khác với những nguồn thuộc vật chất như giàu sang, danh vọng, địa vị xã hội và tiếng tăm v.v... những thứ này chỉ là những nguồn hạnh phúc nhất thời tạm bợ, Bất cứ điều gì chúng ta làm chủ yếu cũng là vì mưu cầu hạnh phúc, mặc dầu chúng ta có thể nói tôi làm điều này vì tiền, điều kia vì quyền, nhưng thực sự ra bất cứ chúng ta làm điều gì chăng nữa thì cũng vì hạnh phúc. Thậm chí trong lãnh vực tôn giáo cũng thế, điều chúng ta làm là làm vì hạnh phúc cả. Vậy thì bất luận chúng ta làm điều gì thì chủ yếu chúng ta cũng vì mưu cầu hạnh phúc mà thôi. Nhưng liệu chúng ta có đạt được cái hạnh phúc đó không? Không. Tại sao? Bởi vì chúng ta đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ.

Người ta nghĩ họ có thể tìm được hạnh phúc trong tiền bạc, vì vậy mà họ cố gắng hết sức để được giàu sang, nhưng khi giàu sang rồi liệu họ có hạnh phúc hay không? Nếu giàu sang là một nguồn hạnh phúc, như vậy người giàu có lẽ hạnh phúc hơn người nghèo. Nhưng trong rất nhiều trường hợp chúng ta thấy rằng, những người bình thường không giàu có mấy lại hạnh phúc hơn kẻ giàu. Thậm chí chúng ta còn nghe rằng một vài nhà tỷ phú đã phải tự tử. Nếu giàu sang là cội nguồn chính của hạnh phúc, có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc tự tử làm gì, do vậy rõ ràng là giàu sang không hẳn là một nguồn hạnh phúc như người ta tưởng.

Vậy thì quyền lực, tên tuổi hay tiếng tăm có lẽ là cội nguồn của hạnh phúc chăng? Khi người ta mất danh vọng, quyền lực hay địa vị họ liền rơi vào trạng thái lo lắng phiền muộn. Ðiều dó chứng tỏ rằng chức quyền, danh vọng cũng không phải là cội nguồn của hạnh phúc, bởi vì nó cũng còn là cội nguồn của lo lắng phiền muộn và phải chịu biến đổi vô thường. Một số khác nghĩ rằng có được một người chồng (hay vợ) tâm đầu ý hợp có thể là cội nguồn của hạnh phúc, điều này có nhưng chỉ ở mức độ nào thôi. Một số cho là con cái là hạnh phúc, nhưng khi vì một lý do nào đó chúng phải chia lìa, không sớm thì muộn điều này cũng xảy ra, họ sẽ cảm thấy đau khổ. Một số khác cho là đua ngựa, đua chó là hạnh phúc, chẳng thế mà họ đánh cuộc với nhau, tuy nhiên ngay cả khi họ là những người thắng cuộc họ cũng chỉ vui trong chốc lát. Rồi lại có những người mong tìm hạnh phúc trong men rượu, họ được vui hay hạnh phúc một khoảnh khắc nào đó. Sau cơn say họ lại buồn hơn bao giờ hết. Những nguồn hạnh phúc bên ngoài không phải là những nguồn hạnh phúc thực sự, cái chính là tâm, nhưng chỉ có tâm nào đã được kiểm soát và tu tập mới thực là nguồn hạnh phúc.

Vậy thì làm thế nào để có được hạnh phúc? Chúng ta định nghĩa hạnh phúc là thế nào? Hạnh phúc là một trạng thái, ở đây, là trạng thái tinh thần, trạng thái này hợp với bản chất của con người, hoặc lôi cuốn được bản chất của con người, làm thoả mãn bản chất con người, và nó có thể được áp dụng cho những mức độ như: vật chất hay thiên về vật chất, xúc cảm, tri thức, tinh thần (tâm linh).

Ðể sáng tỏ hơn, hãy lấy một bữa ăn ngon làm ví dụ. Bạn có dịp nào đó được thưởng thức một bữa ăn trưa hay chiều thật là khoái khẩu, nếu bạn là một người tự hào về những kiến thức thuộc lãnh vực vật lý của mình, chắc chắn bạn sẽ có loại hạnh phúc thuộc bản chất vật lý hay vật chất; bạn thưởng thức món ăn vì mục đích trau dồi thân thể, vì sức khoẻ bản thân và thấy được niềm vui thuộc bản chất thiên về vật chất từ nơi bữa ăn đó. Còn nếu như bạn tình cờ được ăn một món gì đó mà bấy lâu nay mình ao ước, chắc chắn bạn sẽ có hạnh phúc của một bản chất đa cảm và bạn sẽ nói là: "Tôi vô cùng thích thú, bởi vì đó là bữa ăn thật tuyệt, thật ngon"; bạn thưởng thức bữa ăn vì tính chất tuyệt vời của nó, bạn sẽ đạt được niềm vui từ bữa ăn đó, qua bữa ăn đó, và vì vậy hạnh phúc của bạn sẽ là loại hạnh phúc thuộc bản chất đa cảm, bạn chẳng màng quan tâm đến bữa ăn đó có lợi cho sức khoẻ hay không, mà chỉ cần quan tâm đến hương vị của bữa ăn. Nếu như bạn thuộc giới trí thức, quan tâm đến sự hợp lý, và tình cờ là bạn đang phải ăn kiêng, bạn có thể có loại hạnh phúc thuộc bản chất tri thức và nói "Món ăn này thật tốt bởi vì nó thích hợp với sức khoẻ của tôi", bạn phán xét món ăn trên phương diện tri thức. Nếu như bạn là một người bản chất thiên về tâm linh hay tinh thần, bạn cũng vẫn tìm được hạnh phúc qua bữa ăn, tuy nhiên bạn sẽ nói: "Món ăn này rất tốt bởi vì nó trong sạch, tinh khiết, có lợi cho việc giữ giới; tốt vì hiệu quả của nó giúp ích cho tôi trong việc hành thiền".

Vì vậy niềm vui của bạn trong trường hợp này sẽ khác hẳn, cũng như sự phán xét của bạn cũng khác với mọi người. Cũng một bữa ăn hay món ăn được mọi người thưởng thức, và hạnh phúc đạt được lại tuỳ thuộc vào bản chất của từng người. Hạnh phúc cao nhất mà con người có thể đạt đến là một trạng thái - trạng thái tâm, trạng thái này phù hợp và thoả mãn cho mọi mức độ. Thế nhưng, một trạng thái như vậy không phải luôn luôn dễ dàng cho chúng ta thành tựu. Nếu như chúng ta không thể có được cái hạnh phúc cao tột thoả mãn cho mọi mức độ này, lúc đó loại hạnh phúc kế tiếp hài hoà được những cấp độ tương đối hơn, nghĩa là nó sẽ cho chúng ta hạnh phúc lớn lao hơn những hạnh phúc chỉ hợp với những cấp độ thấp thỏi ở phía dưới.

Chúng ta phán xét, phản ứng và tiếp nhận mọi việc theo bản chất của mình, vì thế thật là cần thiết cho mọi người chúng ta để biết mình thuộc vào loại người nào. Chúng ta hành động và phản ứng đối với tác nhân kích thích bên ngoài theo bản chất của mình, nghĩa là chúng ta thấy mọi thứ qua cặp kính màu của cá nhân mình. Vì vậy nếu một người được xem là có lòng độ lượng và không có thành kiến, anh ta chỉ có thể là thế trong một chừng mực nào đó theo bản chất đặc biệt của anh ta thôi. Trừ phi chúng ta có những tiến bộ về tinh thần (tâm linh), bằng không thì chẳng ai trong chúng ta có thể có được một tấm lòng độ lượng và không thành kiến ở một mức độ lớn lao hơn, bởi vì chúng ta thấy và phán xét mọi vật theo cặp kính màu mà tự chúng ta đã làm cho mình, không phải ai khác mà cho chính chúng ta.

Vậy thì làm thế nào có thể biết mình thuộc loại người nào? muốn biết điều này chúng ta phải tự nghiên cứu những phản ứng của chính mình đối với tác nhân kích thích bên ngoài, những đối tượng bên ngoài, nhờ xem xét và ghi nhận các phản ứng của chúng ta như vậy mà ta có thể biết hoặc tự sắp mình vào trong những phân loại dưới đây.

Trước tiên là cấp độ hay loại thiên về vật chất. Một người thuộc loại này có khuynh hướng thiên về vật chất, họ chỉ quan tâm đến việc kiếm lợi, những tính toán và tập trung chính yếu của anh ta là những gì liên quan đến thu thập vật chất, và tiện nghi vật chất, cũng như thể chất là điều rất hệ trọng đối với anh ta. Những người thuộc loại này rất là thực dụng và họ thích mọi thứ, kể cả tôn giáo hay triết học cũng phải "thực dụng" theo khuynh hướng thiên về vật chất chứ đừng là gì cả. Bất cứ điều gì đòi hỏi phải tư duy và tập trung tinh thần sẽ không hấp dẫn đối với họ, họ sẽ không bị tôn giáo hay triết học nào lôi cuốn, chỉ có những tiện nghi vật chất hay những ý tưởng nào đem lại lợi ích vật chất mới hấp dẫn được họ.

Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi thấy tại sao rất nhiều người không hề quan tâm đến tôn giáo, bởi vì tôn giáo như chúng ta đã biết, không trực tiếp cho ai giàu sang và khoẻ mạnh cả. Quý vị nghĩ coi có bao nhiêu người trong thế gian này đã mất cơ hội quan tâm đến tôn giáo? Ðiều quan trọng đối với hầu hết mọi người là lợi lạc vật chất. Khi chúng ta nói tôi mắc bận, nghĩa là chúng ta đang bận về việc kiếm tiền, kiếm lợi. Ðể làm gì? Nào là vì thú vui thể xác, vì hạnh phúc, vì ăn, vì mặc, vì nhà cửa, vì các loại tiện nghi vật chất v.v...; vì vậy, chúng ta hiểu được là phần lớn mọi người chúng ta đều có khuynh hướng thiên về vật chất này.

Kế tiếp, là loại có khuynh hướng đa cảm. Người nằm trong cấp độ này rất là nhạy cảm và chủ yếu quan tâm đến vấn đề thích và không thích, những cảm giác hay ấn tượng dễ chịu và khó chịu. Họ phán xét mọi việc theo tình cảm của họ, bất kể sự phán xét đó sai hay đúng cũng mặc. Những người thiên về tình cảm này thường quan tâm đến loại tôn giáo có tính cầu nguyện, nghĩa là tôn giáo hợp với tình cảm của họ, họ thấy rằng tôn giáo mà không có lễ nghi cúng kiến thì thật là buồn tẻ.

Cấp độ thứ ba là thiên về tri thức. Những ai ở vào cấp độ này phần lớn quan tâm đến sự hợp lý, họ thích nghiên cứu mọi vật theo tri thức. Họ tìm được niềm vui hay hạnh phúc trong văn chương và khoa học v.v... đạt đến hạnh phúc qua những theo đuổi có tính tri thức, tuy nhiên họ chỉ tích cực về mặt tinh thần mà không năng động về phần thể xác, họ biết rất nhiều qua việc đọc và học của họ, nhưng trong thực tế họ không mấy tích cực.

Thứ tư là cấp độ thiên về tinh thần hay đạo đức. Những ai nằm trong cấp độ này rất quan tâm đến việc phục vụ và sự hiểu biết có tính cảm thông trắc ẩn; họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công lý hoặc xử sự phải lẽ; họ là loại người thực tế. Như chúng ta thấy, mỗi người hành động và phản ứng trước sự việc, chỉ trích, cảm xúc, và phán đoán theo bẩm chất đặc biệt riêng của họ, theo cấp độ đặc biệt của cá nhân họ. Nhờ biết rõ tại sao và thế nào chúng ta lại khác biệt trong cách tư duy, trong cảm xúc, trong phán đoán và trong cách nhìn cuộc sống (nhân sinh quan), chúng ta mới có thể rộng lượng đối với những loại người khác để họ hành xử theo bản chất của họ, nhờ vậy, chúng ta mới có thể tu dưỡng khuynh hướng khoan dung, nhẫn nại đối với mọi người.

Khi chúng ta kém tiến bộ về tâm linh thì đó là lúc mà vật chất, thú vui và hạnh phúc có tính nhục dục lôi cuốn chúng ta nhất. Không may thay, một số người chúng ta chẳng hề cố gắng để ra khỏi vết lầy này; thậm chí, trong cái mức thấp hèn như vậy họ còn cảm thấy hãnh diện với nó, họ không muốn thoát ra khỏi tình trạng đó, khi họ cảm nhận được chút lạc thú thế gian nào đó họ nghĩ mình đã đạt đến hạnh phúc. Họ không thích Niết Bàn, một loại hạnh phúc nghe có vẻ tẻ nhạt đối với họ. Tại sao vậy? Bởi vì về mặt tâm linh họ tiến bộ rất chậm, một khi phương diện tâm linh của chúng ta tiến triển, những nghiên cứu về văn chương, khoa học và triết lý mới có thể lôi cuốn được chúng ta. Một số người thậm chí không thể thưởng thức nổi những giá trị của việc đọc sách báo và học hỏi; họ cho đó là việc làm phí thời gian và không đem lại lợi ích nào cả. Phần lớn người Tây phương rất thực dụng, họ rất bận bịu và năng động về mặt thể xác.

Có một lần, một vị Mục Sư Tin Lành Anh Giáo hỏi bần tăng đôi điều về Niết Bàn, bần tăng trả lời: "Rất tiếc tôi không thể giải thích cho Ngài hiểu về Niết Bàn chỉ trong vài lời nói và trong một thời gian ngắn ngủi như vầy". Vị Mục Sư nói rằng lúc nào ông ta cũng bận rộn, do vậy bần tăng hỏi lại ông: "Nếu Ngài bận rộn thì hãy cho tôi biết ngài có thể dành bao nhiêu thời gian để nghe tôi giải thích Niết Bàn?", ông nói: "Rất tiếc là tôi không có nhiều thì giờ, mong ngài hãy vắn tắt cho tôi vài lời cũng được". bần tăng nói: "Niết Bàn là một trạng thái ở đó, không còn khổ, không còn già, đau, bệnh và chết, và đó cũng là trạng thái cao tột nhất thoát khỏi mọi phiền não, lo âu và thống khổ". Vị Mục Sư hỏi: "Có phải ý ngài muốn nói rằng nếu chúng ta đạt đến Niết Bàn, chúng ta sẽ chẳng còn gì để làm nữa đúng không?". bần tăng nói: "Vâng, đúng thế". "Thế thì tôi không thích Niết Bàn đâu, bởi vì tôi lúc nào cũng muốn mình phải làm một cái gì đó", vị Mục Sư trả lời.

Một người đàn ông khác nói rằng anh ta không thể thưởng thức nổi thơ văn và khoa học, cả hai thứ đó dường như tạo cho con người những lạc thú kỳ lạ nào đó thì phải. Ông nói rằng mình đã đến thăm Phòng Tranh Quốc Gia (National Gallery), nơi đây phần lớn những bức tranh đẹp nhất được trưng bày, tuy nhiên ông ta nghĩ rằng những người đi xem tranh thật là ngốc nghếch, vì nếu họ muốn thưởng thức cái đẹp thực sự tại sao lại phí thời giờ để xem những thứ mô phỏng như thế này. Ông nghĩ, thơ văn đã làm hỏng cả ngôn ngữ, vì chẳng có một thứ tự từ ngữ gì ráo trọi. Văn chương đối với ông ta chẳng có ý nghĩa gì cả.

Vậy đó, chúng ta thấy có rất nhiều giai đoạn phát triển. Khi chúng ta lớn tuổi hơn, chúng ta sẽ hiểu được cái hạnh phúc đạo đức hay tâm linh, đó là loại hạnh phúc thực sự cao quý nhất, bởi vì nó là một loại hạnh phúc trường cửu và chân thực. Tuỳ theo bản chất thực tiễn của mình mà mỗi người hành xử và phản ứng trước sự việc, và bằng cách ấy họ tự tạo cho mình hoặc là hạnh phúc hay khổ đau. Sự phát triển hay tấn hoá từ mức thấp lên mức cao này có thể đạt đến được, thực sự thì nó không đến nỗi quá khó như người ta tưởng. Ngay như hạnh phúc Niết Bàn cũng còn có thể đạt đến trong chính kiếp hiện tại này, vì nếu nó quá khó như phần lớn chúng ta tưởng thì tại sao chúng ta lại có 6 đặc tính của Pháp? chính Ðức Phật đã nhiều lần lặp lại 6 đặc tính pháp (Dhamma) này, một trong 6 đặc tính đó là Sanditthika, nghĩa là hiệu quả tức thời hay thiết thực hiện tại. Nếu đó là sự thực, sao ta lại không đạt đến bản chất thực của hạnh phúc (Niết Bàn) được chứ? Niết Bàn có thể được đạt đến bất cứ lúc nào, Akàlika (phi thời gian), nghĩa là không cần ngày mai hay tháng tới, mà bạn có thể đạt đến nó tuỳ theo nỗ lực và sự hiểu biết của chính mình.

Một số người đã hỏi bần tăng là có một mục đích gì trong cuộc đời hay không? Ðối với vấn đề này bần tăng khẳng định là "Có, cuộc sống này có mục đích của nó". Mục đích của cuộc sống là để phát triển, tấn hoá từ vô minh (si mê) đến giác ngộ và từ khổ đau đến hạnh phúc. Chính Ðức Phật đã nhiều lần xác nhận rằng mục đích của cuộc sống là để đạt đến sự giác ngộ. Một trong số những triết gia Hy Lạp nói rằng ông đến cuộc đời này chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là tự hoàn thiện chính mình. Như vậy, sự tấn hoá hay phát triển này có thể thực hiện ngay tại đây và ngay bây giờ. Cũng như nhờ thường xuyên luyện tập mà chúng ta có thể phát triển được các cơ bắp của thân hình, tâm chúng ta cũng vậy, có thể được phát triển và chúng ta chắc chắn có thể đạt đến sự hoàn thiện này, người thiên về tâm linh thì qua việc đạt đến hạnh phúc và chứng ngộ Niết Bàn, người thiên về tri thức thì thiên về việc thành tựu tri kiến, thiên về đa cảm thì qua việc chế ngự và vận dụng tốt những tình cảm của mình, và thiên về vật chất hay thể xác thì qua việc luyện tập, cũng như qua việc kiểm soát thân mà nhờ đó đạt được sức khoẻ kiện toàn.

Mỗi cấp độ như vậy đều phát xuất từ những hành động (nghiệp) quá khứ, cũng như, do những hành động này mà tương lai sẽ diễn tiến. Hành động là sự biểu thị của tâm và một khát khao đối với điều gì đó kích thích tâm. Mỗi cấp độ đều có hành động và phản ứng, đó là nhân và quả. Do vậy, chính hành động của ta đối với tác nhân kích thích bên ngoài là điều chúng mà chúng ta cần chế ngự. Hành động và phản ứng này vận hành ở mọi cấp độ, như cấp độ thiên về vật chất hay thể xác tác động qua sự hoạt động, cấp độ đa cảm qua cảm xúc, cấp độ tri thức qua tư duy và cấp độ tinh thần (hay tâm linh) thì qua sự chứng ngộ. Mỗi loại đều có mặt tốt và xấu, cũng như phương diện thiện và ác của nó. Chẳng hạn, một người bẩm tánh thiên về vật chất có thể tác hại đến thể chất, nghĩa là nếu anh ta sử dụng sức mạnh vật chất hay khí cụ vật chất của mình sai lầm sẽ tạo ra khổ đau, điều này đã thể hiện mặt xấu của anh ta. Ngược lại, mặt tốt của cấp độ thiên về vật chất là anh ta có thể làm được những hành động thiện bằng thân của mình. Vì vậy, mọi người cần thể hiện thân hành để phục vụ, vì nhờ đó chúng ta có thể phát triển từ cấp độ này lên cấp độ cao hơn.

Bất luận làm điều gì dù bằng tâm hay bằng tình cảm, nếu không thể hiện ra bằng thân đều không hoàn hảo. Có một câu chuyện thế này:

Xưa trong ngôi làng nọ có một tảng đá giặt (Washing stone), có lẽ nói tảng đá giặt thì người phương Tây thường không hiểu, bần tăng nghĩ như vậy vì có một lần, một phụ nữ Anh trong số thính giả đã hỏi bần tăng là: "Tảng đá giặt là thứ gì?", cô ta chưa hề nghe đến một vật gì như thế, bần tăng giải thích rằng: "Tảng đá giặt là một tảng đá có một mặt bằng phẳng, dùng trong các xứ phương Ðông để giặt các quần áo dơ trên đó, quần áo sau khi đã xát xà bông được đem đập trên đá đó cho ra hết chất dơ". Vâng, có một tảng đá giặt như vậy, ở bên ngoài một ngôi làng được dân địa phương dùng để giặt quần áo, thế rồi một ngày kia có một nhà địa chất đi đến và thấy tảng đá chứa nhiều mảnh đá rất quý. Ông ta nghĩ rằng những người dân địa phương ở đây thật là khờ khạo, dùng một tảng đá giá trị như vầy chỉ để giặt quần áo, thật phí phạm! Thế là, ông ta ra sức thuyết phục dân làng, kể cả người chủ làng để đổi lấy tảng đá lớn hơn và đẹp hơn. Mọi người đều đồng ý, ông ta đem đến cho họ một tảng đá rộng hơn và rất đẹp, đồng thời lấy tảng đá cũ đi. Tất cả mọi người đều vui mừng và biết ơn ông ta, trong khi ông ta lại tỏ ra biết ơn họ rất nhiều, vì từ tảng đá đó ông ta có thể lấy ra những viên ngọc quý giá.

Ðức Phật khuyên chúng ta sống có hiểu biết như nhà địa chất kia và không nên như những dân làng quá dốt nát nọ. Chúng ta sử dụng thân mình không chỉ vì tầm cầu lạc thú mà để phục vụ, được vậy dù chúng ta có muốn hay không muốn, chúng ta cũng sẽ có một ngoại hình đẹp đẽ và sức khoẻ dồi dào. Ðức Bồ Tát xưa kia đã dùng cả thân và tâm mình để phục vụ ở bất cứ nơi nào ngài đi qua, thậm chí trong kiếp chót khi ngài đã thành Phật. Quý vị còn nhớ câu chuyện một vị Tỳ Khưu bị bệnh nằm trên đống đồ dơ uế của mình không? Không một ai còn kiên nhẫn để giúp đỡ cho vị Tỳ Khưu này nữa. Ðức Phật đã không ngại ngùng tắm rửa và thay y áo cho vị này, thật không có gì trên thế gian này xứng đáng với phẩm cách cao quý của ngài.

Vì mọi vật trên thế gian này đều phải chịu vô thường biến hoại, nên không thể có một hạnh phúc chân thực và trường cửu trong những thứ thuộc vật chất ở thế gian. Ðây ắt hẳn sẽ là một quan niệm sống đầy bi quan nếu không có sự kiện là con có một lối thoát, một hạnh phúc thực sự vượt ngoài vật chất, chính điều này đã làm thay đổi quan niệm bi quan đó thành một nhân sinh quan thực tiễn và đầy lạc quan cho người Phật tử chúng ta. Sự tu tập chính là lời giải thích cho vấn đề, tu tập ở đây không nhất thiết ở thân thôi mà còn ở tâm nữa, xa hơn; chúng ta sẽ tu tập bản chất đạo đức cao thượng để thành tựu hạnh phúc Niết Bàn.

-ooOoo-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét