Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

MẦM SỐNG Cẩm nang thực hành thiền Minh Sát 2

GÓP NHẶT 
Thiền sư Tejaniya
1. Khi tâm hiểu được lợi ích của việc thực hành, nó sẽ tìm được thời gian và cách thức thích hợp để áp dụng những điều đã học được.
2. Nếu thấy được rõ ràng sự khác biệt to lớn phẩm chất tâm khi có chánh niệm và khi không có chánh niệm, bạn tự động muốn duy trì chánh niệm ngày càng nhiều hơn.
3. Hãy ghi nhớ mục đích của thiền minh sát không phải là để giải thoát bạn khỏi những gì đang xảy ra mà để giúp bạn hiểu được cái đang xảy ra.
 4. Khi xử lý cảm xúc bạn có thể tự hỏi mình bốn câu hỏi:
Khi có cảm xúc này, nó làm cho thân và tâm tôi tốt lên hay xấu đi? Nó làm cho tôi thoái mái hay khó chịu?
 “Cảm xúc này ra làm sao, nó tiến triển thế nào?”
 “Tại sao tôi có cảm xúc này?”
 “Liệu cảm xúc này có cần thiết hay không?”.
Ngoài ra còn có thể hỏi:
 “Ai đang nổi cáu vậy?” hay là “Cơn sân này là cái gì?”
Những câu hỏi nhưvậy sẽ làm cho tâm trở nên thích thú, tỉnh thức.Nhưng đừng đặt ra quá nhiều câu hỏi, nó sẽ làm bạn rối trí, thường mỗi lần một câu hỏi là đủ rồi.
5. Hãy học cách duy trì chánh niệm và định (tức là sự ổn định của tâm) trong cuộc sống thường ngày.
6. Cái gì làm cho tâm trạo động? Tại sao bạn lại đánh mất chánh niệm? Tại sao tâm trở nên háo hức? Có cần thiết phải vội vã không? Tìm hiểu khám phá theo cách này sẽ giúp bạn sử lý thành thạo hơn các tình huống khó khăn và ngăn ngừa được các bất thiện tâm khởi sinh.
7. Trong suốt cả ngày cho dù có ở công sở hay không, hãy tạo thói quen kiểm tra loại cảm xúc phản ứng nào có mặt trong tâm mình khi tiếp xúc với mọi người.
8. Mỗi khi thích hay không thích khởi sinh tâm sẽ không chỉ đơn thuân ghi nhận mà nó cần tự hỏi tại sao thích hoặc không thích khởi sinh. Nó sẽ nhận thấy rằng tự bản thân đối tượng không phải là xấu hay đẹp, tích cực hay tiêu cực mà do sự đánh giá hay định kiến tạo ra đối tượng như vậy.
9. Khi phát hiện thấy có sự đánh giá, bạn cần phải tìm hiểu xem: việc đánh giá này dựa trên trí tuệ hay tâm si. Nếu do tâm si, tâm sẽ phản ứng cùng với tham hoặc sân. Nếu do trí tuệ, tâm sẽ quan sát đối tượng như nó đang hiện có và sẽ không có phản ứng, không có việc thích hay không thích.
10. Trong việc quan sát, chánh tư duy hay thái độ chân chánh cần phải đi đầu.
11. Nếu quan sát kỹ và truy về nguồn gốc của hành động hay tâm bất thiện bạn sẽ thấy nó xuất phát từ một trong những thói quen bất thiện ở mức độ vi tế, đó là thói quen mà bạn đã có trước đây.
12. Khi trí tuệ tăng trưởng bạn sẽ càng nhận thấy rằng ngay cả ước muốn nhìn dù là vô hại nhất thì cũng là bất thiện và nó ngăn không cho bạn thấy được sự thật.
13. Tự hỏi xem tại sao bạn lại thích một số loại thức ăn nhất định nào đó, hãy tìm
ra lý do thích đáng để trả lời cho việc tại sao bạn cần ăn những thứ đó.
14. Một kỳ vọng cho dù là vi tế nhất cũng làm bóp méo bức tranh.
15. Bạn cần phải học hỏi từ việc mình đang làm, không chỉ ngồi đó và mong chờ kết quả.
16. Hãy duy trì việc quan sát tiến trình, khi bị mất hoặc khi thiết lập được chánh niệm và học hỏi từ đó.
17. Đối tượng quan sát có thể rất đơn giản và trực tiếp, nhưng tuệ giác có được từ sự quan sát đó thì có thể rất sâu.
18. Phiền não sẽ không còn lối vào nếu bạn nhường quyền ưu tiên cho trí tuệ.
19. Phiền não là những ảo thuật gia tài ba nếu bạn không ghi nhận sự có mặt của chúng.
20. Kinh nghiệm của bạn thì luôn thay đổi, chánh kiến và tà kiến luôn đến rồi đi, bạn
cần duy trì việc tìm hiểu khám phá kinh nghiệm trong từng khoảnh khắc.
21. Khi nuôi dưỡng phát triển các thiện tâm thì tự động các bất thiện tâm sẽ bị thay thế.
22. Chừng nào bận rộn làm việc thiện bạn sẽ không còn thời gian cho việc bất thiện.
23. Chức năng của chánh niệm là ghi nhận mọi hiện tượng xảy ra trong tâm. Trí tuệ sẽ quyết định các vấn đề cần được xử lý.
24. Bạn cần quan sát lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một vấn đề nhưng dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau.
25. Chỉ khi bạn thực sự muốn biết thì tâm mới trở nên thích thú quan sát sự vật hiện tượng.
26. Các câu hỏi sẽ tới một cách tự nhiên và đưa ra định hướng cho việc tiếp tục quan sát của tâm.
27. Suy nghĩ là một hoạt động cần thiết của tâm, nhưng chúng ta chớ nên tham gia hoặc chìm đắm vào đó!
28. Điều tối quan trọng là nhận biết được giá trị của bản thân chánh niệm. Khoảnh khắc có chánh niệm tức là chúng ta đã thay thế vô minh bằng sự hiểu biết.
29. Hiểu biết cái gì đang xảy ra sẽ đem lại sự bình an tĩnh lặng cho tâm.
30. Chánh tinh tấn hay cố gắng đúng mức chỉ đạt được khi có thông tin đúng.
31. Cố gắng đạt được mục tiêu hoặc kết quả nhất định là do tâm tham thúc đẩy. Trí tuệ hiểu được các mối quan hệ nhân quả và nó sẽ tập trung để thực hiện các điều kiện nhân duyên này.
32. Khi sự tỉnh thức yếu đi, đó là dấu hiệu của việc thiếu chánh tinh tấn.
33. Hãy cố gắng ghi nhận sự khác biệt về mức độ tinh tấn cần thiết để duy trì chánh
niệm trong các tư thế khác nhau. Khi bạn đi thiền hành, tâm khá bận rộn và ghi nhận nhiều đối tượng khác nhau. Khi ngồi thiền tâm ít phải làm việc hơn, do vậy bạn cần học cách điều chỉnh để duy trì sự tỉnh thức trong tư thế này.
34. Cố gắng làm cho tâm trở nên thích thú hơn trong việc quan sát, đó là tinh tấn có trí tuệ.
35. Nếu sự tò mò muốn hiểu biết không tới một cách tự nhiên thì bạn có thể tự đặt ra câu hỏi cho mình.
36. Thực hành giống như một người bệnh không phải là đi thật chậm, mà tâm lúc này không còn muốn làm bất kỳ điều gì, chỉ quan sát một cách thụ động và chấp nhận mọi thứ xảy ra.
37. Bạn muốn đưa ra quyết định nhanh hay chính xác? Giữa nhanh và đúng liệu cái nào quan trọng hơn?
38. Khi còn có thích hoặc không thích hay tâm đang trạo động bạn không thể đưa ra được quyết định đúng đắn. Đừng bao giờ đưa ra quyết định chỉ bởi vì bạn thích hoặc không thích một cái gì đó.
39. Cảm giác thoái mái là khi không còn kỳ vọng và lo âu.
40. Khi không có sự hiểu biết thì luôn có kháng cự hay đối kháng đối với sự khó chịu.
41. Nếu có định ngay trong thời khắc này thì giới của bạn hoàn toàn trong sạch.
42. Tâm bị hôn trầm do không có sự thích thú quan sát.
43. Đừng quan sát đối tượng hay kinh nghiệm đang xảy ra, hãy quan sát cái tâm đang ghi nhận đối tượng hay kinh nghiệm đó.
44. Nếu bạn thấy mình phản ứng quá mạnh, hãy ghi nhận nó và chuyển sang một đối tượng trung lập, ví dụ như hơi thở hay cảm
thọ trên thân. Khi tâm trở nên định tĩnh, hãy trở lại quan sát kinh nghiệm xảy ra.
45. Phẩm chất tâm khi bạn rơi vào giấc ngủ cũng là phẩm chất tâm khi bạn thức dậy. Hãy duy trì phẩm chất tâm của bạn trong suốt cả ngày.
46. Trong giấc mơ bạn không thể kiểm soát bất kỳ cái gì và các phiền não sẽ tìm được cách để biểu hiện chính mình.
47. Nếu có thể ghi nhận mọi ý nghĩ xảy ra thì bạn sẽ tự động ghi nhận được những giấc mơ của mình.
48. Không có gì cũ cả, mọi khoảnh khắc đều hoàn toàn tươi mới. Cái bạn ghi nhận ngay bây giờ cũng chính là sự ghi nhận lần đầu tiên.
49. Liệu bạn có ghi nhận được điều mình đang nhận biết cảm thọ xảy ra? Đó chính là sự ghi nhận đối với chánh niệm.
50. Lui lại quan sát bạn sẽ thấy tiến trình ghi nhận đang thực sự xảy ra một cách tự nhiên.
51. Liệu bạn có nhận thấy mình có thể nghe mặc dù không cần lắng nghe và thấy cái đang xảy ra mặc dù không cần chú tâm nhìn? Chỉ khi không làm bất kỳ hành động nào chúng ta mới thấy được sự vô vi, tính vô ngã.
52. Khi chánh niệm đã có đà bạn không cần làm bất kỳ điều gì cả. Tâm biết cái gì cần phải làm.
53. Giả sử bạn đang chánh niệm trên hơi thở và tâm đột nhiên phóng đi nơi khác. Liệu bạn sẽ đem tâm trở lại hơi thở hay buông xả nó? Đem tâm trở lại hơi thở là do tinh tấn, còn buông xả là do Pháp đang vận hành.
54. Nếu chỉ chú tâm trên một đối tượng thì thông tin cần thiết không thể thu thập và trí tuệ không thể tăng trưởng.
55. Có một sự khác biệt giữa việc hoàn toàn chú tâm vào một hoạt động và việc thoải mái ghi nhận hành động đang xảy ra.
56. Với việc luôn kiểm tra thái độ của mình, bạn sẽ tạo được thói quen cho phép mình ghi nhận trạng thái tâm mà bạn đang có. Khi thành thục quan sát tâm, bạn sẽ thấy toàn bộ bức tranh, chẳng hạn như các thái độ, đối tượng, cảm xúc và bất kỳ những thay đổi nào xảy ra.
57. Đừng cố gắng làm bất kỳ điều gì cả, thậm chí cũng đừng cố gắng hành thiền.
58. Nếu bạn không chấp nhận tình hình hay khó khăn xảy ra thì bạn không thể xem xét giải quyết chúng được.
59. Bạn đang cảm nhận cảm xúc hay chỉ ghi nhận cảm xúc xảy ra, nói cách khác là bạn
đang quan sát khách quan hay có sự tham dự trong đó?
60. Kỳ vọng càng lớn thì cơn sân càng mạnh khi không đạt được.
61. Nếu mong muốn một kết quả nào xảy ra thì tâm bạn đã sẵn sàng để lèo lái tình hình.
62. Bất cứ khi nào xem xét tìm hiểu vấn đề bạn cần thận trọng kiểm tra xem mình có kỳ vọng ở đó hay không. Khi nghe hay đọc được một điều gì đó tương tự như kinh nghiệm của bạn có được trong lúc hành thiền, bạn có thể lý giải kinh nghiệm của mình theo chiều hướng đó.
63. Nếu trí tuệ thấy mầu đen nó cũng hiểu rằng cái đó không phải là trắng. Nếu thấy được khổ, nó hiểu rằng điều đối nghịch cũng có thể xảy ra và tâm sẽ hướng về cái đó.
64. Đừng cố gắng loại bỏ ham muốn hãy ghi nhận sự có mặt của nó.
65. Nếu ham muốn khởi sinh từ một đối tượng cụ thể, bạn nên ngừng quan sát đối tượng đó vì nó không phải là đối tượng của Pháp mà là đối tượng của sự ham muốn. Đối tượng bạn cần quan sát là bản thân sự ham muốn. Hãy quan sát cảm thọ đi cùng với ham muốn đó.
66. Cách chúng ta ứng xử và suy nghĩ bị chi phối bởi các ý kiến và giá trị mà chúng ta đã chấp nhận trước đây. Việc ghi nhận chúng sẽ tạo cho chúng ta có cơ hội đánh giá lại và tự động thay thế bằng những cái phù hợp hơn.
67. Khi không tập trung vào bất cứ đối tượng nào bạn sẽ ghi nhận được tâm. Cũng giống như khi đeo kính mà không nhìn vào bất kỳ cái gì bạn sẽ dễ dàng nhận thấy đôi kính đang đeo trên mặt.
68. Tâm không ở trong thân mà cũng không ở ngoài thân nhưng tâm luôn liên hệ với thân.
69. Hãy ghi nhận tiến trình của cảm thọ mà không quá tập trung vào cảm giác khổ, lạc hay trung tính.
70. Chánh niệm thấy được các khái niệm, còn sự hiểu biết hay trí tuệ sẽ biết được thực tại.
71. Cái gì là động cơ cho suy nghĩ của bạn? hãy ghi nhận ước muốn suy nghĩ và cường độ của nó, thử xem nó tan biến hay tăng lên.
72. Bạn chỉ cần kiểm tra xem chánh niệm có làm việc hay không?
73. Hãy ghi nhớ rằng suy nghĩ cũng chính là một đối tượng giúp chúng ta phát triển chánh niệm, tinh tấn và định.
74. Một suy nghĩ biến đi mất do bạn tập trung quan sát quá mức thì sẽ không có sự hiểu biết. Suy nghĩ chỉ dừng lại nhưng bạn không thấy được lý do tại sao, khi trí tuệ hiểu vấn đề nó sẽ nói cho bạn biết.
75. Khi có chánh niệm liên tục đi cùng với thái độ chân chánh thì định sẽ phát triển một cách tự nhiên.
Tiếp theo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét