HỎI ĐÁP
Bạch ngài, ngài nói rằng ý nghĩa thật sự của 4 sự thật cao thượng
về khổ là cái khổ được thấy bởi các bậc thánh, vậy làm sao chúng con có
thể thấy được?
Một câu hỏi rất hay. Chúng ta
hiểu nó một cách hoàn toàn khi chúng ta giác ngộ, nhưng trước đó, khi
pháp hành của chúng ta ngày càng đi sâu, cái hiểu của chúng ta về vô
thường và khổ cũng sâu dần. Chúng ta thực hành là để có thể thấy được
tất cả mọi hiện tượng do duyên sinh, sanh và diệt không ngừng đều là
khổ.
Trước khi thực hành, chúng ta không thực sự thấy được điều
đó, chúng ta thấy được nhờ thực hành. Khi phát triển trí tuệ đủ mức,
chúng ta có thể nhận ra được điều đó một cách sâu sắc hơn rất nhiều, và
vào thời điểm đó, người ấy có thể được gọi là giác ngộ. Hiểu biết của
chúng ta trở nên hoàn toàn khi chúng ta đắc đạo.
Tuy
nhiên, trước đó thì có lúc chúng ta vẫn có thể quan sát và thấy được nó,
nhưng không phải là luôn luôn. Đôi khi chúng ta thấy sanh và diệt rất
rõ ràng. Khi chánh niệm thật mạnh mẽ, rất kinh ngạc là trong một khoảnh
khắc quan sát ngắn ngủi, bất kể là chúng ta đang quan sát cái gì, chúng
ta có thể thấy được sự thật theo rất nhiều cách khác nhau. Không suy
nghĩ, chúng ta thấy rõ nó đang sanh và diệt và thấy nó là khổ, bất toại
nguyện, chúng ta thấy vô thường (anicca) và khổ (dukkha) một cách liên
tục.
Bằng thực hành, bạn ngày càng phát triển niệm và định
(samādhi), trong những tầng tuệ giác cao của thiền vipassanā, mọi thứ
trở nên ngày càng vi tế hơn và tất cả những gì bạn có thể thấy chỉ là
cái gì đó đang sanh và diệt không ngừng. Trong một số trường hợp, thậm
chí bạn không thể nói được cái đó là cái gì nữa, bạn chỉ có thể thấy nó
đang sanh và diệt.
Bạn cũng có thể quan sát được tâm
quan sát của mình và thấy rằng ngay cả nó cũng vô thường. Nó được gọi là
pati vipassanā, pati nghĩa là lại, vipassanā nghĩa là quan sát, hành
thiền. Chúng ta quan sát một đề mục nào đó và chúng ta quan sát lại luôn
cái tâm đang quan sát ấy. Ngay cả sự quan sát cũng trở thành một đề mục
để chúng ta quan sát nữa, và bạn sẽ thấy nó cũng chỉ là một trạng thái
tâm khác mà thôi.
Trong giai đoạn đầu, chúng ta rất hoan hỷ khi
thấy mình đã có thể quan sát, “Ô, mình đang rất chánh niệm này, tâm mình
rất tĩnh lặng và giờ đây có thể thấy mọi thứ một cách rõ ràng! Đúng, sự
thực là như thế; mọi thứ sanh và diệt rất nhanh”. Chúng ta vẫn tự đồng
hoá mình với tâm quan sát, nhưng khi tiếp tục thực hành hơn nữa, chúng
ta đạt đến một trình độ mà mình có thể đứng lùi ra sau một bước nữa và
quan sát được tâm quan sát. “Tâm này đang quan sát đề mục, và đề mục đó
đang sanh và diệt, và tâm quan sát này cũng sanh diệt”. Ngay cả tâm
thiền vipassanā, tâm quan sát - có thể nói như vậy, cũng sanh và diệt.
Thiền
vipassanā thực ra là một trạng thái tâm, và trạng thái tâm này được
chúng ta gọi là vipassanā hay tâm quan sát, cũng sanh diệt. Sau một thời
gian, chúng ta có thể thấy cả hai rất nhanh, chúng ta thấy được cả đề
mục và tâm quan sát đang sanh diệt, và không cần phải nghĩ, bạn nhận ra
rằng ngay cả vipassanā này cũng vô thường. Thực sự đúng là vipassanā
cũng vô thường! Tâm quan sát và trí tuệ khởi sanh cùng tâm quan sát này
cũng vô thường, bởi vì nó không tự đứng một mình, nó phải đi cùng với
một cái tâm. Khi tâm đó sanh diệt, thì ngay cả trí tuệ đồng sanh với tâm
đó cũng sanh diệt.
Đôi lúc bạn không quan sát được rõ ràng, không
hiểu thật rõ và vì vậy bạn cảm thấy thất vọng. Khi thực hành sâu hơn,
mặc dù thiền vipassanā này thật tuyệt vời, nhưng bạn thấy nó bị phụ
thuộc vào nhân duyên và thực sự không thể bền vững, nó không tồn tại
lâu. Chúng ta phải tiếp tục thực hành bởi vì khi dừng lại, bạn sẽ lại đi
xuống và điều này cũng trở thành một nỗi khổ nữa.
Tâm quan sát
đang sanh diệt này cũng không đem lại cho bạn sự nghỉ ngơi thực sự, mặc
dù nó giải phóng bạn khỏi rất nhiều lo lắng, bất an và đau khổ, nhưng
bởi vì nó luôn luôn sanh diệt, nên cũng không phải là trạng thái nghỉ
ngơi yên ổn. Đó không phải là chỗ để bạn an nghỉ. Bạn sẽ hiểu điều đó
khi bạn thực hành đến đấy.
Người hành thiền và người không hành thiền
Đúng,
một kẻ phàm phu (puthujjana), những người không hành thiền thường rất u
mê và chấp giữ tà kiến rất mạnh. Một người bình thường nhưng có hành
thiền thì sẽ vượt qua được một số tà kiến và không đến mức mê mờ như
vậy. Một thiền sinh, khi mất chánh niệm có thể bị mắc kẹt trong những sự
việc xảy đến và tự đồng hoá mình với chúng và chịu đau khổ rất nhiều.
Điều khác biệt là một người phàm phu bình thường có hành thiền và quan
sát mình sẽ có thể tự tách mình ra khỏi đau khổ, bởi vì vào lúc đó trí
tuệ sanh khởi và sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Có
hai loại phàm phu: andha puthujjana, là những con người hoàn toàn mù
quáng, u mê, và kalyāna puthujjana, là những người u mê một phần, hoặc
thậm chí có một phần giác ngộ. Trạng thái giác ngộ này không phải là
vĩnh viễn, bởi vì chỉ cần ngừng hành thiền một thời gian bạn sẽ lại trở
nên mê muội và bất an trở lại. Chính vì lý do đó, đối với những thiền
sinh phàm phu này, điều rất quan trọng là phải liên tục thực hành.
Đừng
nản lòng khi nghe rằng nếu ngừng thực hành bạn sẽ lại mê muội và đau
khổ trở lại. Ngày nào bạn cũng phải ăn; hôm nay ăn rồi, ngày mai lại
phải ăn tiếp; cũng như vậy, hôm nay bạn hành thiền, ngày mai lại phải
hành thiền nữa, cho đến khi bạn đạt đến ít nhất là tầng giác ngộ đầu
tiên.
Khi trở thành một bậc thánh Tu Đà Hoàn (tầng giác ngộ đầu tiên
trong 4 tầng giác ngộ), thì thiền có trở thành một thói quen không?
Bạn
hành thiền nhiều đến mức có thể, nhưng không liên tục bởi vì chúng ta
nói hành thiền liên tục mọi lúc tức là chánh niệm liên tục. Chỉ những
bậc thánh A-la-hán, là những bậc đã đạt đến tầng giác ngộ thứ tư, hoàn
toàn giác ngộ viên mãn, thì mới có chánh niệm liên tục, hoàn toàn tự
động và tự nhiên. Những bậc giác ngộ một phần thì có chánh niệm đến một
mức nhất định nào đó, nhưng không luôn luôn liên tục.
Khi
một vị thánh Tu Đà Hoàn hành thiền, vị ấy sẽ bắt đầu từ tầng tuệ sanh
diệt (udayabbaya-ñāna), nghĩa là ngay lập tức thấy rõ sanh diệt. Bạn
không bắt đầu lại từ đầu; bạn bắt đầu từ khoảng giữa bởi vì bậc thánh Tu
Đà Hoàn vĩnh viễn giữ được năng lực và trí tuệ thấy được vô thường.
Tôi
muốn các bạn suy nghĩ sâu sắc về hiểu biết về khổ và không bị rơi vào
trầm cảm. Một thiền sinh có thể hiểu biết về khổ rất sâu sắc, nhưng một
thiền sinh giỏi thì không bao giờ để mình bị trầm cảm. Các bạn ở đây đều
là những người đã hành thiền và học pháp một thời gian tương đối, nhưng
vào những dịp khác, khi nói với những người mới, tôi sẽ phải nói theo
cách khác. Nếu bạn nói với một người mới học đạo rằng tất cả mọi thứ đều
vô nghĩa, tất cả đều đau khổ, không mang lại hạnh phúc thực sự, thì
điều gì sẽ xảy ra? Hầu hết người bình thường đều đã bị trầm cảm, tôi
không muốn phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với họ khi họ bị
trầm cảm thêm nữa.
Ở đây tôi có thể nói với các bạn
rằng tất cả mọi thứ trên đời đều vô nghĩa. Điều khác biệt là, những
người không hành thiền coi sự vô nghĩa này là đáng nản và trầm uất vì
nó, nhìn nó như một cái gì đó thuộc về cá nhân họ, nhưng những người
hành thiền thì hiểu rằng chẳng có cái gì có thể mang lại hạnh phúc và
toại nguyện thực sự cả. Bạn không còn phải đi tìm kiếm hạnh phúc và toại
nguyện nữa. Đây chính là tự do. Bạn trở nên tách biệt. Sự bất toại
nguyện và đau khổ này không phải là cái khổ của tôi. Khi bạn còn thấy
cái khổ này là cái khổ của tôi, thì bạn sẽ trở nên trầm cảm, nhưng nếu
bạn thấy nó chỉ là khổ, là sự bất toại nguyện, không phải nỗi buồn của
tôi, nỗi khổ của tôi, mà chỉ là những hiện tượng tự nhiên sanh và diệt,
không có ý nghĩa gì để mà phải dính mắc với chúng – khi bạn thấy như vậy
là bạn đã được tự do. Khi tâm có trí tuệ và tự do như thế, nó sẽ không
còn bị trầm cảm nữa. Nó tự do và hạnh phúc, và hạnh phúc vì được tự do.
Điều rất quan trọng là phải thấy rõ hai cách hiểu khác nhau này.
Về thập nhị nhân duyên.
Có hai cách hiểu về 12
nhân duyên (hay còn gọi là pháp tuỳ thuộc phát sinh) – paticcasamupāda.
Đối với chúng ta, những người hành thiền, nó bắt đầu từ việc quan sát,
chẳng hạn: cakkhuñ-ca paticca rūpe ca uppajjati cakkhuviññānam – mắt và
cảnh sắc bên ngoài, bởi vì hai yếu tố này, nên nhãn thức sinh lên, và
bạn có thể quan sát cả quá trình này. Tôi chơi trò này từ rất lâu; tôi
cố gắng chánh niệm khi nhắm mắt lại và ý thức về nhãn thức. Tôi nhận
thức được một cái gì đó, một ánh sáng mờ mờ hay một vài hình ảnh. Giữ
chánh niệm, thật chánh niệm, tôi mở mắt ra và đột nhiên có cái gì đó rất
khác lạ. Chơi như vậy cả một thời gian dài, tôi có thể thấy được sự
sanh khởi của nhãn thức, một loại nhãn thức rất khác biệt.
Khi
mắt nhắm, ở đó vẫn có nhãn thức bởi vì bạn vẫn có thể nhìn thấy một
chút ánh sáng, không hoàn toàn tối đen; nhưng vào lúc tôi mở mắt, có một
nhãn thức mới sanh khởi ngay lúc đó. Nếu bạn thực hành nhiều lần như
vậy, sau một thời gian bạn có thể để mắt mình mở bình thường và chú ý
vào đối tượng mình đang nhìn, nhưng đồng thời vẫn có thể quay vào trong
và chú ý tới nhãn thức. Hai cái đó khác nhau (cảnh bên ngoài và nhãn
thức), cùng một đồng xu, nhưng bạn có thể nhìn thấy được cả hai mặt, bạn
quay đồng xu lại và thấy được cả mặt sau của nó.
Cũng
theo cách như vậy nếu bạn tiếp tục thực hành, chẳng hạn với cái nghe:
sotañ-ca paticca saddhe ca uppajjati sotaviññānam – tai, âm thanh và nhĩ
thức. Khi nghe một tiếng động, ngay lập tức bạn ý thức được về cái
nghe, cái nghe là một tâm, thực ra nghe là một trạng thái tâm và bạn có
thể chú ý ghi nhận trạng thái tâm đó và thấy nó sanh lên ngay bây giờ,
trước đó nó không hề có mặt. Bạn có thể thực hành 12 nhân duyên –
paticcasamupāda, theo cách này.
Nếu bạn không hay biết
và ghi nhận trạng thái tâm ấy, thì cái trình tự ấy cứ tiếp tục, bởi vì
sự gặp nhau của ba thứ - tai, âm thanh và nhĩ thức, nên có sự tiếp xúc
(phassa). Phassa paccaya vedanā, xúc duyên thọ, bởi vì có sự tiếp xúc
giữa tai-âm thanh- nhĩ thức nên có một cảm thọ phát sinh (vedanā). “Oh,
âm thanh này nghe hay quá” hoặc “Tiếng động khó chịu quá”. Khi bạn
thích, nó là lạc – somanassa, thích thú, hoan hỷ; khi bạn không thích,
nó là khổ - domanassa, khó chịu. Vedanā paccaya tanhā, thọ duyên ái,
nghĩa là khi bạn thích bạn sẽ muốn nó tiếp tục nữa, đó là tham ái –
tanhā: “Tôi muốn, tôi muốn có nó nữa”; khi bạn không thích, “tôi không
muốn nó”, đó cũng là tham ái. Làm sao nói thọ duyên ái khi bạn không
thích nó? Thậm chí ngay cả khi bạn không thích, chính cái không thích
này lại là tiền đề để bạn khao khát cái khác, “tôi không thích cái này,
nhưng...”. Cái “nhưng” này chính là tham ái (tanhā), “tôi muốn cái khác
nữa”.
Tanhā paccaya upādāna, ái duyên thủ, khi cái
thích này rất mạnh, nó trở thành dính mắc, níu kéo và bạn không thể
buông bỏ được. “Dù thế nào đi nữa, tôi nhất định phải có nó bằng được”.
Upādāna paccaya bhava, thủ duyên hữu, nghĩa là bạn đi và làm điều gì đó
đối với nó. Bhava, hữu hay sự có mặt, có hai nghĩa, một là kamma bhava,
nghĩa là bạn nghĩ về nó, bạn nói về nó và rồi làm cái gì đối với nó. Từ
sự khao khát trong tâm, nó đã trở thành hành động. Đó là cách mà cả
chuỗi 12 nhân duyên này cứ tiếp tục mãi.
Tuỳ thuộc vào
mức độ thực hành của bạn mà bạn có thể cắt đứt chuỗi xích này ở bất cứ
mắt xích nào. Nếu chánh niệm thật mạnh, bạn có thể quan sát nó từ giây
phút đầu tiên khi tiếng động-tai-nhãn thức tiếp xúc với nhau. Thế nên
chúng ta thực hành ghi nhận “nghe...nghe”. Lúc đầu có thể bạn băn khoăn
không biết tại sao phải ghi nhận và chú ý đến “nghe...nghe...nghe” như
thế, nhưng sau một thời gian, khi đã rất chánh niệm, bạn có thể quan sát
được nhãn thức đang sanh khởi ngay lúc này.
Đôi khi
bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên. Bạn nghe một âm thanh nào đó hay, và bỗng
nhiên bạn cảm thấy: “Ồ, hay quá, tôi thích âm thanh này”. Khi tôi quan
sát cái “tâm thích” này lần đầu, tôi rất ngạc nhiên. Tôi không thất vọng
về điều đó, tôi rất thích thú khi mình có thể thấy được cái “tâm thích”
này.
Điều rất quan trọng là nắm bắt được những khoảnh
khắc ấy và quan sát nó. Suy nghĩ về nó sau đó thì không còn đầy năng lực
nữa, nó không rõ ràng, nhưng vào khoảng khắc nó sanh khởi và bạn tóm
được, nó rất rõ, bạn nghĩ: “Cái tâm thích này sanh lên đây, thật tuyệt”,
tôi nhìn nó như một điều gì rất huyền bí. “Thật là thú vị, tâm thích
đối tượng này”.
Với cái nhìn, bạn cũng làm y hệt như
vậy, bạn chú ý đến cái nhìn “nhìn..nhìn...nhìn”, và bỗng nhiên khi bạn
thấy cái gì đó; cái thích và khao khát lại trỗi dậy. “Ô, thấy và thích,
cái thích này trước đây không có mặt”. Khi bạn thấy được nó đúng vào
thời điểm nó sanh khởi, bạn thấy nó một cách rất khách quan và bạn biết
rằng cái thích hay không thích này không phải là “tôi” hay “của tôi”.
“Tôi” không phải là người tạo nó ra. Nó sanh khởi bởi vì các điều kiện,
nhân duyên tự nhiên và bạn hiểu ra được toàn bộ vấn đề; trong một thoáng
nhìn, bạn thấy rõ sự vô ngã – anattā vô cùng rõ ràng. Khi bạn thấy tham
như là vô ngã, là bạn thấy giải thoát, bởi vì khi đó không còn sự đồng
hoá (bản thân bạn với cái tham nữa). Không đồng hoá nghĩa là tự do, giải
thoát, bạn có tự do để quan sát. Khi bạn phát triển cái tự do, giải
thoát này ngày càng mạnh mẽ hơn, khoảnh khắc bạn chú ý, bạn đã được giải
thoát.
Bạch ngài, cái hữu này có liên quan đến nghiệp không ạ?
Hữu
(bhava) có hai nghĩa: một là nghiệp (kamma) và nghĩa kia là tái sanh,
và ở đây cả hai nghĩa đều được sử dụng. Khi tham hay sân trở thành hành
động, là bạn đang tạo ra một trạng thái tâm đầy sức mạnh. Năng lực của
trạng thái tâm này sẽ thể hiện trong một số dạng tồn tại, và dạng tồn
tại đó cũng được gọi là nghiệp.
Khi quan sát một cách đầy chánh niệm, chúng ta có thấy được vô ngã không?
Khi
bạn không đồng hoá với nó, chỉ thuần quan sát nó, là bạn đang thấy được
vô ngã (anattā). Chúng ta phải cố gắng hiểu chỗ này cho thật rõ, nó là
một điểm rất vi tế và khó hiểu.
Sự chấp nhận
Nếu
bạn quan sát thật rõ, những cái thích và không thích đó sẽ không kéo
dài lâu, nó sẽ biến mất. Một số học trò của tôi lúc đầu cũng than phiền
rất nhiều: “Chúng con có quá nhiều tham và sân thế này, làm sao mà hành
thiền được hả thầy?”. Tôi khuyến khích họ cứ tiếp tục thực hành và khi
tham, sân khởi lên, đừng cố đẩy đuổi chúng đi. Đừng cố vượt qua chúng;
thậm chí còn phải cố gắng quan sát chúng một cách kỹ lưỡng hơn. Sau đó
nhiều người trong số họ nói lại với tôi là khi họ thực sự cố gắng quan
sát, thì nó không còn ở lại nữa, nó đi mất.
Đừng cố
chiến đấu với nó, mà hãy nhìn nó thật kỹ. Chúng ta thường nghe nói là
tham, sân là điều không tốt, vì vậy ngay lúc có tham sân khởi lên, điều
đầu tiên chúng ta nghĩ đến là tống khứ nó đi. Đây không phải là thái độ
đúng khi hành thiền. Chúng ta có thể đè nén nó trong một lúc nào đó,
nhưng tốt nhất là không nên làm điều đó. Và cũng không nên tự đánh lạc
hướng mình bằng cách làm một việc gì khác. Cố gắng quan sát và chú ý đến
nó bởi vì bằng cách chú ý, chúng ta sẽ vượt qua được nó. Không chú ý sẽ
có thể gây ra rắc rối lớn.
Tôi muốn nói thêm nữa về sự
ức chế và đè nén cảm xúc này, nhưng rất khó để nói, các bạn biết tại
sao không? Bởi vì những người không có chánh niệm không muốn nghe điều
đó, họ sợ phải nghe những từ như thế. Con người bị trầm cảm khi họ không
thể kết nối và tiếp xúc được với các trạng thái tâm của mình. Khi bạn
đè nén tâm tham, nó sẽ trở thành trầm cảm. Trong các cuốn sách về tâm lý
học có nói nếu bạn bị tổn thương về tinh thần và đè nén nó, nó sẽ trở
thành uất ức, sân hận, xấu hổ, mặc cảm hoặc tâm lý tội lỗi, và bạn sẽ bị
trầm cảm. Điều đó đúng, nhưng ngay cả khi bạn đè nén tham muốn, bạn
muốn một cái gì đó và đè nén nó trong lòng, là bạn đã bị chết về cảm xúc
và bạn sẽ bị trầm cảm. Bất cứ sự ức chế cảm xúc nào cũng có thể trở
thành trầm cảm. Đây là một quy luật tâm lý rất rõ ràng.
Chỉ
bằng cách quan sát chúng ta mới vượt qua được nó. Chúng ta cần phải học
cách chú ý, hiểu và thể hiện nó một cách hợp lý. Khi bạn giận, đừng cố
giả vờ là mình không giận, nếu cứ sống giả như thế bạn sẽ bị trầm cảm.
Ngay cả khi bạn thấy ngã mạn, kiêu ngạo, đừng giả vờ rằng mình không như
thế, hãy biết nó và chấp nhận nó.
Nền văn hoá thời đại
bây giờ đang dạy chúng ta làm những điều sai trái. Nó dạy chúng ta nghĩ
rằng mình là người xấu trong khi chúng ta là người tốt, và nghĩ mình là
người tốt trong khi thực sự mình đang xấu. Khi bạn biết mình đã làm
điều gì đó sai, hãy thừa nhận và chấp nhận nó; và khi làm điều tốt, cũng
tự nhận với chính mình là mình đã làm tốt. Chấp nhận sự thật về những
gì đã thực sự xảy ra là con đường duy nhất đi đến tự do và giải thoát.
Chối bỏ là trói buộc. Thời bây giờ, người ta thường dạy chúng ta là “hãy
sống hạnh phúc”, nếu bạn thực sự hạnh phúc thì tốt. Nhưng đừng cố tỏ ra
là mình hạnh phúc, nếu sống giả tạo, bạn có biết điều gì sẽ diễn ra
không? Bạn sẽ lại bị trầm cảm nữa. Đừng giả tạo! Nếu bạn không hạnh
phúc, hãy chấp nhận, thừa nhận điều đó và nói về điều đó.
Đối với những người đàn ông trầm cảm bởi vì họ gặp phải những bà vợ quá quắt, hay đòi hỏi thì sao ạ?
Bạn
có biết tại sao mình bị trầm cảm không? Bởi vì bạn chưa học cách nói
“không”, bạn cứ nhượng bộ, nhượng bộ mãi và chẳng biết làm gì nữa. Bạn
muốn chạy trốn, bạn không muốn nhìn mặt cô ấy tý nào nữa, nhưng bạn lại
không thể sống thiếu cô ấy, vì vậy trong tâm bạn có mâu thuẫn rất lớn.
Bạn đè nén nó và ngày càng thêm buồn bực và đánh mất lòng tự trọng. Bạn
tức giận với cô ấy nhưng lại không thể thể hiện được nỗi tức giận của
mình, bạn càng sống giả tạo theo cách này thì bạn sẽ càng bị trầm cảm
nặng hơn. Bạn phải học cách nói không một cách thích hợp. Không phải là
bác bỏ người khác mà là để cho họ biết rằng “Tôi chỉ có thể làm được đến
đó”.
Học cách nói “không” là điều rất quan trọng. Tôi
sẽ kể cho các bạn nghe một quãng đời của tôi. Tôi đã dạy các con của tôi
cách nói không. Chúng ta phải học cách nói như thế, chúng ta không thể
tránh được, bởi vì mọi người luôn đòi hỏi bạn nhiều hơn mức bạn có thể
cho. Bạn cần phải cho mọi người biết đâu là giới hạn, “Tôi thích bạn,
tôi tôn trọng bọn và muốn giúp đỡ bạn, nhưng đây là tất cả những gì tôi
có thể làm được; điều này không có nghĩa là tôi không yêu mến bạn. Tôi
yêu bạn và chăm lo cho bạn nhưng tôi cũng phải có những giới hạn của
mình”. Không biết cách nói “không” và cho quá nhiều, sẽ làm cho bạn bị
trầm cảm nữa bởi vì bạn không thực sự sống thật với những cảm xúc của
mình. Điều này không chỉ áp dụng đối với vợ chồng mình mà còn đối với cả
xếp của mình nữa.
Vô ngã
Không
ích kỷ nghĩa là bạn giúp đỡ người càng nhiều càng tốt, nhưng không được
vượt quá khả năng của mình, vì vậy bạn phải biết được giới hạn của
mình. Vô ngã thực sự chỉ xảy đến khi bạn giác ngộ, nhưng trước khi đạt
đến giác ngộ hoàn toàn bạn không được giả tạo rằng mình không có ngã
mạn. Chúng ta sống ở hai thực tại khác biệt nhau. Trong thực tại quy ước
này, chúng ta sống như thể mình là một con người, có một cái tôi, và
chúng ta không thể phủ nhận điều này.
Thông thường tâm
chúng ta tự đồng hoá với bất cứ cái gì. Chỉ khi chúng ta hành thiền và
quan sát thật kỹ thì mới thấy được rằng tất cả mọi thứ chỉ là những hiện
tượng tự nhiên, luôn luôn thay đổi. Lúc bình thường, chúng ta không ở
trong trạng thái thiền sâu, chúng ta vẫn cảm thấy có một cái tôi ở đó,
một linh hồn hay một cái gì đó thường còn ở đó. Chúng ta phải hiểu thực
tại quy ước này và cần phải hiểu rằng còn có một thực tại tuyệt đối
khác. Nếu bạn hiểu được cả hai thực tại, thì sẽ dễ dàng sống ở thế giới
này.
Nếu chúng ta tự đồng hoá mình với tất cả mọi cảm
xúc, tình cảm và suy nghĩ và bị mắc kẹt trong đó, chúng ta sẽ tạo thêm
nhiều rắc rối nữa. Tuy nhiên, trong cuộc sống bình thường chúng ta vẫn
phải cư xử và sống như một con người. Vì vậy, sống như một con người
bình thường và không bị mắc kẹt trong các cảm xúc là điều rất quan
trọng. Khi bạn ngày càng chánh niệm hơn, bạn có thể tự điều chỉnh mình
vào trong trạng thái tâm thiền lại nhiều lần và tự giải phóng bản thân
mình, dù chỉ là trong những khoảnh khắc rất ngắn ngủi.
Hiện tượng này, nơi chúng ta có thể chuyển từ thực tại này sang thực tại khác, thì có cần phải thật quân bình (xả) hay không?
Có,
điều đó rất đúng. Vài tuần trước tôi nhận được một bức thư của một
người đệ tử ở Miến Điện nói rằng: “Khi con có thể chuyển sang trạng thái
tâm “vô ngã, không có ai ở đó cả”, thì con có thể đối phó với các vấn
đề của mình rất dễ dàng”. Đây là cách đối phó tốt nhất. Dù là sân giận,
buồn đau hay bất cứ loại tham muốn nào, khoảnh khắc bạn chuyển sang
trạng thái tâm ấy, bạn sẽ thấy nó chỉ là vô ngã, chẳng có ai ở đó cả.
Trong trạng thái tâm đó, bạn thực sự cảm nhận được cái tâm không có
“tôi”. Bạn có thể quan sát cái tâm ấy lại nhiều lần và và thấy được sự
giải thoát khỏi nó nữa. Không có sự đồng hoá trong đó, nó nhẹ nhàng và
tự do. Chưa phải tự do và giải thoát hoàn toàn, nhưng ở đó có rất nhiều
tự do.
Nếu thấy được vô ngã thì có thể dễ dàng buông bỏ thân thể này được không? Như trường hợp của những người chết đuối chẳng hạn?
Nếu
bạn biết bơi, nếu bạn làm việc gì đó mà chẳng đem lại kết quả tốt đẹp,
thì chẳng có ý nghĩa gì để làm việc đó cả. Vào lúc đó, khi tâm không bị
mắc kẹt trong cái ngã, cái tôi, thì bạn sẽ có được quyết định rất đúng
đắn, rất tốt đẹp. Bạn có rất nhiều trí tuệ và sự sáng suốt. Bất cứ quyết
định nào bạn đưa ra cũng sẽ là quyết định đúng đắn nhất. Bạn không ra
quyết định dựa trên cái ngã, cái tôi của bạn, mà xuất phát từ sự hiểu
biết về hoàn cảnh thực tế.
Khi bạn hành thiền và đưa
tâm vào trạng thái đó, không có bản ngã, thì sau khi xuất khỏi thiền,
bạn vẫn duy trì được nó tới một mức độ nào đó. Bất cứ điều gì bạn xem
xét cũng sẽ không bị thiên vị. Tất cả chúng ta đều phải sống trong cái
thực tại thông thường này. Ngay cả khi bạn đã đắc đạo, bạn vẫn phải tiếp
xúc với mọi người, và khi tiếp xúc bạn không thể ở trong thực tại tuyệt
đối đó được. Khi tiếp xúc, bạn ở trong thực tại thông thường, nhưng bởi
vì bạn đã chứng nghiệm được trạng thái tâm vô ngã và trí tuệ này, vì
vậy ngay cả khi bạn không còn ở trong trạng thái tâm ấy nữa, nhưng bạn
vẫn có trí tuệ và hiểu biết sâu sắc – điều đó không phải là ích kỷ.
Trí
tuệ này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bởi nếu
không có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì hành thiền còn có ý
nghĩa gì cơ chứ? Bạn không thể sống hoàn toàn trong thực tại tuyệt đối.
Thiền tập phải có tác dụng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
[1] Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Sayadaw U Jotika
Chuyển ngữ: Sư Tâm Pháp
Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015
Hai thực tại - Thiền sư U.Jotika - phần 2
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét