1. Cho dù chúng ta học về các hiện tượng vật lý hay tâm linh, tâm (citta) và các tâm sở (cetasika), chỉ khi nào chúng ta lấy sự giải thoát khỏi mọi phiền não làm mục đích tối hậu thì chúng ta mới đi đúng con đường. Chúng ta phải thực sự thông hiểu nguyên nhân và điều kiện đưa đến sự hiện hữu của mọi phiền não.
(Thiền sư Ajahn Chah)
2. Vào thời buổi này, có rất nhiều người giảng dạy Minh quán (Vipassanā) và cả một danh sách dài gồm đủ các loại kỹ thuật thiền quán. Tôi muốn nói điều này: thực tập Minh quán không phải là chuyện dễ. Chúng ta không thể nhảy thẳng ngay vào trong đó. Không thể thực tập Minh quán thành công được, nếu ta không bắt đầu từ một tiêu chuẩn cao về giới hạnh. Bạn hãy tự nhận định điều đó. Kỹ luật đạo đức và các học giới rất cần thiết, bởi vì nếu tâm ý, hành động và lời nói không trong sạch, thì ta không bao giờ đủ sức đứng vững một mình. Hành thiền mà không có giới đức thì cũng như bỏ qua một đoạn quan trọng của con Đường. Cùng thế ấy, đôi khi bạn nghe nói, "Chúng ta không cần phát triển sự an tịnh; hãy bỏ qua giai đoạn đó và đi thẳng vào hành thiền Minh quán." Những người cẩu thả ham đi đường tắt thường nói như thế. Họ bảo, chẳng cần bận tâm với giới hạnh. Thọ trì và thanh tịnh hóa giới hạnh là cả một thử thách, không phải chuyện đùa giỡn. Nếu ta có thể bỏ qua được tất cả các lời dạy về giới hạnh, mọi việc rồi ra sẽ dễ dàng lắm, phải không? Bất cứ lúc nào gặp khó khăn, giản dị là ta cứ tránh né bằng cách bỏ qua nó đi. Dĩ nhiên, ai ai cũng thích bỏ qua các điều khó.
(Thiền sư Ajahn Chah)
3. Tôi thực tập Chánh Pháp mà không biết chi nhiều. Tôi chỉ biết rằng con đường giải thoát bắt đầu bằng Giới (Sīla). Giới là bước đầu tuyệt đẹp của con đường Đạo. Sự an định sâu xa của Định (Samādhi) là khoảng giữa tuyệt đẹp. Trí Tuệ (Paññā, Bát-nhã), là đoạn cuối tuyệt đẹp. Mặc dù Giới-Định-Tuệ phân ra làm ba phương diện trong việc tu tập, nhưng càng nhìn sâu vào chúng, ta càng thấy cả ba đức tính ấy phối hợp lại với nhau. Để trì giới, bạn phải là người có trí tuệ. Ta thường khuyên mọi người phải theo đúng các tiêu chuẩn đạo đức, trước hết là tuân theo năm điều học, để giới đức được vững chắc. Tuy nhiên, sự hoàn hảo của giới đức cần phải có rất nhiều trí tuệ. Ta phải giữ gìn lời nói, canh chừng các hành động và phân tích các hậu quả của chúng. Tất cả các điều đó là công việc của trí tuệ. Ta phải dựa trên trí tuệ mà đào luyện giới đức.
(Trích An bình không lay chuyển - Ajahn Chah)
4. Công phu tu tập thường phải chịu nhiều thử thách gian nan. Cần phải có lòng kiên trì, kham nhẫn và chịu đựng mọi thiếu thốn. Ta cần phải tự mình làm lấy, tự mình thể nghiệm lấy, và tự mình thực hiện lấy. Tuy nhiên, các học giả thường hay bị lầm lẫn. Thí dụ như khi ngồi thiền, vừa được chút ít an ổn thì họ liền khởi lên nghĩ rằng: "À! Đây chắc là Sơ thiền rồi!" Tâm trí họ đã hoạt động như thế đó. Và một khi các tư tưởng đó khởi sinh lên, tức thì sự an tịnh mà họ đang thể nghiệm liền bị lay chuyển. Không bao lâu, họ lại bắt đầu tưởng rằng có lẽ họ đã đạt đến Nhị thiền. Các bạn đừng nên suy nghĩ và ước đoán như thế. Không có một bản cáo thị nào thông báo cho ta biết ở giai tầng nào của thiền-na mà ta đang thể nghiệm. Sự thật lại hoàn toàn khác hẳn. Không có gì giống với các bản chỉ đường cho các bạn, "Đây là hướng đi về Wat Nong Pah Pong" cả. Đó không phải là điều mà tôi tìm đọc thấy trong tâm trí. Không có chút gì để thông báo, cáo tri cả.
(Trích An bình không lay chuyển - Ajahn Chah)
5. Đối với phần đông chúng ta, con đường tìm đến đạo Phật thường là những cảm nghiệm về sự
đau khổ. Nó đưa chúng ta đi thiền định, trầm tư để đến một lúc nào đó chúng ta mới nhận ra rằng ngoài những đau khổ, người hành giả còn phải thiền định về cái gọi là hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là về lý thuyết. Trên thực tế, người ta cứ đi tu thiền để trốn chạy đau khổ, chứ có ai trong lúc đang được hạnh phúc nhất lại tìm đến các vị thiền sư để yêu cầu được hướng dẫn phương thức đối diện với cái hạnh phúc mà mình đang có được!
(Trích Họ đã nghĩ như thế)
6. Tâm từ thực sự là cần thiết trong mối quan hệ; không có nó mối quan hệ chẳng có ý nghĩa gì nhiều cả. Có tâm từ thì sẽ có sự chấp nhận, hiểu biết và tha thứ, thông cảm. Chúng ta không hoàn hảo và chẳng có ai là hoàn hảo cả. Thấy rõ những khiếm khuyết của mình và cảm thấy OK về điều đó là điều rất quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta, và thậm chí đối với cả sự tiến bộ trong pháp hành nữa. Nếu không chấp nhận được những khiếm khuyết của chính mình, làm sao chúng ta chấp nhận nổi những khiếm khuyết của người khác?
(Trích Tuyết giữa mùa hè)
7. Bạn nói: "Không biết nghiệp xấu nào bắt tôi phải ở cái nơi tồi tệ này, trong khi tất cả những nhà sư tốt và những người bạn tốt thì ở tận Myanmar”. Hãy nhìn sự việc đó từ một góc độ khác, bạn có thể nói: "Không biết nghiệp tốt nào của tôi trổ quả khiến cho tôi có được bao nhiêu người bạn tốt và những nhà sư tốt, những thiện tri thức (kalyānamittas – bạn lành trong đạo) ở Myanmar”. Hầu hết mọi người trên thế giới còn chẳng có được một người bạn nào thì sao.
(Trích Tuyết giữa mùa hè)
8. Một người học trò của Ajahn Chah bị đau đầu gối phải mổ. Mặc dầu bác sĩ nói chắc là chỉ độ vài tuần đầu gối sẽ trở lại bình thường, nhưng mấy tháng sau chân vẫn còn đau. Khi gặp Ajahn Chah, người học trò than phiền: "Họ bảo là không lâu. Không phải như thế này." Ajahn Chah cười nói: "Nếu không phải như thế này thì sẽ không phải như thế này."
(Trích Chẳng có ai cả)
9. Chúng ta luôn luôn không thỏa mãn. Ăn trái ngọt ta nhớ vị chua. Ăn trái chua ta nhớ vị ngọt.
(Trích Chẳng có ai cả)
10. Hãy học cách xả bỏ mọi chuyện thế gian, đừng tìm cách chống lại chúng. Hãy vui với chúng. Hãy tìm cách điều động hay đối xử với chúng. Khi thân này bị bệnh và đau nhức, ta tìm kinh để tụng. Ta muốn kiểm soát và điều khiển thân này, ta không muốn cơ thể này đau. Kinh trở thành một loại nghi lễ huyền bí khiến chúng ta rối rắm thêm trong tham ái, dính mắc.Đó là vì chúng ta tụng kinh để khử trừ bệnh tật, để được sống bền vững lâu dài. Thật ra, Đức Phật ban cho chúng ta giáo pháp là để chúng ta biết sự thật của cơ thể này nhờ thế chúng ta có thể xả bỏ nó, nhưng chúng ta biến những lời dạy của Ngài thành kinh tụng để gia tăng thêm sự si mê của chúng ta.
(Trích Chẳng có ai cả)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét