Một cách nghiêm túc mà nói thì đạo Phật không phải là một triết lý, vì nó không bao gồm một hệ thống chi ly các lý thuyết và các sự kiện dành riêng để suy gẫm, mặc dù phải nhìn nhận rằng Ðức Phật đã dự kiến trước rất nhiều những suy đoán hiện nay. Cái được mọi người biết đến như là đạo Phật gồm có ba phương diện, giáo lý hay pháp học (Pariyatti), pháp hành (Patipatti) và chứng đắc hay pháp thành (Pariyatti) cả ba tuỳ thuộc và tương quan lẫn nhau. Phần lý thuyết được lưu giữ trong Tam Tạng kinh điển (Tipitaka), Tam Tạng này chứa đựng những lời dạy của Ðức Phật, được đánh giá là lớn gấp mười một lần cỡ thánh kinh Thiên Chúa. Như từ ngữ tự nó đã hàm chứa; Tam Tạng bao gồm ba Tạng đó là: Tạng Kinh (Sutta pitaka), Tạng Luật (Vinaya pitaka) và Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma pitaka).
Tạng Luật (Vinaya pitaka) được chia ra năm quyển, bàn đến những giới luật và phép tắc điều hành giáo đoàn tăng và ni, đồng thời nó cũng đưa ra lời giải thích chi tiết về cuộc đời và sứ mạng của Ðức Phật. Tạng Kinh bao gồm những bài pháp do Ðức Phật thuyết và trong một vài trường hợp do các vị đệ tử xuất sắc của Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất, Moggalàna (Mục Kiền Liên) và Ànanda (A-nan) v.v... thuyết. Tạng Kinh được chia ra làm 26 quyển và nó khá giống như bộ sưu tập các toa thuốc, vì các bài pháp được đề xuất hay trình bày hợp theo thời điểm và căn cơ của từng cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, Tạng Diệu Pháp được xem là quan trọng nhất và lý thú nhất, bởi vì tạng này trình bày cặn kẽ bốn pháp cùng tột, đó là: Tâm (Citta), Tâm Sở (Cetasika), Sắc Pháp (Rùpa) và Niết Bàn (Nibbàna). Như vậy, chúng ta thấy rằng đạo Phật liên hệ đến sự thực và các sự kiện, đạo Phật không liên quan gì đến những triết lý mơ hồ, nghĩa là những điều có thể được chấp nhận như chân lý ngày hôm nay nhưng cũng có thể bị người ta ném vào sọt rác ngày hôm sau. Thực ra, Ðức Phật không đưa ra giới thiệu với chúng ta những triết thuyết mới mẽ và đáng kinh ngạc gì, Ngài cũng chẳng mạo hiểm sáng tạo ra bất kỳ một loại khoa học vật chất mới nào cả, nói khác hơn Ngài chỉ giải thích cho chúng ta thấy những gì ở bên trong và không xa rời những quan tâm của chúng ta về vấn đề giải thoát, và tối thượng hơn cả, Ngài đã đưa ra một lộ trình giải thoát được xem là độc đáo nhất.
Ðiều cũng cần phải hiểu là Ðức Phật không bao giờ thuyết giảng hết những gì Ngài biết. Một dịp nọ khi đang băng qua một khu rừng, Ðức Phật bốc một nắm lá trong tay và nói với các vị Tỳ Khưu: "Nầy các Tỳ Khưu, những gì Như Lai nói có thể được so sánh với lá trong tay Như Lai, và điều Như Lai không nói tựa như khối lá ở trong rừng vậy". Vì Ngài chỉ dạy cho chúng ta những điều cần thiết liên quan đến sự giải thoát. Tuy nhiên, vô hình trung, Ngài đã đưa ra những lời tuyên bố mà ngày nay được mọi người đều phải chấp nhận như những sự thật mang tính khoa học.
Phật giáo không phải chỉ đơn thuần lưu giữ trong kinh sách, cũng không phải là một đề tài để mọi người nghiên cứu trên quan điểm văn chương và lịch sử. Ngược lại, Phật giáo cần phải được học hỏi và đem áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vì nếu không thực sự hành Phật giáo chắc chắn người ta không thể thưởng thức được hương vị của giáo pháp. Trước tiên cần phải nghiên cứu và thực hành, nhưng trên hết vẫn là sự chứng đắc, sự tự chứng, đây mới chính là mục tiêu cùng tột của đạo Phật. Như vậy, đạo Phật có thể được so sánh với chiếc bè, là phương tiện cho mục đích duy nhất thoát khỏi đại dương sanh tử luân hồi; vì thế, một cách nghiêm túc không thể gọi đạo Phật là một triết lý.
Vậy thì đạo Phật có phải là tôn giáo không? Ðạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa trong đó từ này thường được mọi người hiểu, vì đạo Phật không phải là một hệ thống của đức tin và thờ phượng, đạo Phật không đòi hỏi sự tin tưởng mù quáng nơi các tín đồ; ở đây, đức tin thuần tuý bị hạ bệ và được thay thế bằng tín (Saddhà), niềm tin dựa trên trí hiểu biết về sự thực. Tín (Saddhà) được người Phật tử đặt nơi Ðức Phật như niềm tin của người bệnh đối với thầy thuốc vậy, hay cũng có thể nói là niềm tin của người học trò đối với thầy của mình. Người Phật tử quy y nơi Ðức Phật bởi vì Ngài là người đã khám phá ra con đường giải thoát. Người bệnh tin dùng phương thuốc mà thầy thuốc đã chẩn đoán và kê toa để được lành bệnh, người học trò học hỏi nghiên cứu những gì thầy của họ giảng dạy để trở thành người hiểu biết thông thái. Cũng tựa như vậy, một người Phật tử có tín tâm sẽ theo những chỉ dẫn của Ðức Phật để đạt đến mục đích giải thoát.
Khởi điểm của đạo Phật là trí hay sự hiểu biết, nói một cách khác, đạo Phật khởi đi từ chánh kiến (Sammàditthi). Ðối với những người đi tìm sự thực (chân lý) Ðức Phật dạy: "Không nên tin điều gì chỉ do đồn đại; không nên tin bất cứ điều gì vì điều đó thuộc về truyền thống hay chỉ vì đó là tập tục lâu đời được truyền xuống qua bao thế hệ; không nên tin vào bất cứ điều gì do người khác nói; không nên tin chỉ vì đó là xác chứng văn bản của một hiền giả xa xưa nào đó trình bày đến ta; không nên tin điều gì bởi vì phong tục nhiều năm khiến ta phải xem nó như sự thực, không nên tin điều gì chỉ vì thẩm quyền của bậc thầy hay giáo sĩ của mình. Theo kinh nghiệm riêng của ta, và sau khi đã thẩm xét đầy đủ, bất luận điều gì hợp với chân lý và đem lại lợi ích cho bản thân cũng như mọi người, các ông hãy chấp nhận đó là sự thực và sống hợp theo điều ấy".
Như vậy đạo Phật có phải là một hệ thống luân thường đạo lý không? Ðiều hiển nhiên là đạo Phật có bao gồm một hệ thống luân lý tuyệt hảo, được xem là thích ứng cho mọi xứ sở và thời đại, thế nhưng nó vượt hơn hẳn cái luân lý bình thường này. Trong các bản kinh như Singàla sutta (Kinh Thiện Sanh), Mangala sutta (Hạnh Phúc Kinh), Mettà sutta (Từ Bi Kinh) hay Dhammika sutta v.v... nếu đọc một cách cẩn trọng chúng ta sẽ hiểu những chuẩn mực đạo đức cao vời của nó. Tuy nhiên, đạo đức, hay giới (sìla) chỉ là bước khởi đầu của đạo Phật.
Vì vậy, có thể nói đạo Phật không phải là một triết lý, một tôn giáo hay một hệ thống luân lý bình thường, mà đạo Phật chính là giáo lý thực tiễn, một phương tiện giải thoát, hay như trong Pàli thường gọi, đạo Phật là Dhamma (Pháp).
-ooOoo-
0 nhận xét:
Đăng nhận xét