Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015
PHẬT HỌC CHUYÊN ĐỀ - KỲ 6: TỨ DIỆU ĐẾ
Đổi thay chính là qui luật duy nhất không thay đổi
Khi nói về Sự Thật của Khổ (dukkha sacca), Đức Phật không phủ nhận hạnh phúc của thế gian, nhưng ngài hướng chúng ta đến một cái nhìn sâu xa hơn, đó là những gì đi kèm với cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc và toại nguyện trong đời.
Những đổi thay của thiên nhiên, những đổi thay của thời cuộc, những đổi thay của lòng người khiến mọi vật thể, mọi hiện tượng, mọi ý tưởng, mọi tình cảm và mọi mối quan hệ trở nên bấp bênh không bền vững.
Khi những đổi thay theo chiều hướng mà ta mong muốn thì hy vọng tăng trưởng, ta nuôi hy vọng và ít nhiều cảm thấy hạnh phúc thoả mãn với đời sống. Khi những sự đổi thay không như ta mong cầu thì ta thất vọng, đau khổ và bất mãn.
Nhưng thử hỏi có ai có thể ra lệnh cho thời tiết đừng đổi thay?
Có ai không già và không chết?
Có ai luôn luôn dịu dàng, lịch lãm, phóng khoáng và hào hiệp như khi đang yêu?
Đổi thay chính là qui luật duy nhất không thay đổi, nhưng vì thủ chấp, bám víu và ngu muội chúng ta muốn mọi vật phải theo ý ta, và chúng ta đau khổ vì sự ngốc nghếch này không ít. Sự thất vọng và bất mãn có nguồn gốc từ việc bám níu, thủ giữ vào những giá trị, chuẩn mực định sẵn trong đầu những ai thiếu thực tế. Nếu họ đừng xây những lâu đài trên cát, hay ít nhất cũng biết rằng mộng tưởng chỉ là những trò chơi lãng mạn không đi tới đâu, và nếu họ biết quay trở về với những gì chỉ là bình thường của cuộc sống,.. thì có lẽ nhiều bi kịch trong cuộc đời đã không xảy ra.
Bản chất của cuộc đời là bất toại nguyện. Cho dù chúng sanh có nhận ra điều này hay không thì chân lí này không vì vậy mà thay đổi. Đây không phải là cái nhìn bi quan yếm thế, mà là cái nhìn thực tế và giác tỉnh trước sự thật. Chúng sanh hầu hết đều không thấy biết điều này nên cứ lao vào "cuộc chơi" như những con thiêu thân lao vào bóng đèn. Chỉ khi thấy biết bản chất ảo hoá phù du của "cuộc chơi", người ta mới lùi lại để nhìn nó từ một góc độ khác, một cái nhìn sâu hơn, xuyên suốt bề mặt của hiện tượng để thấy bản chất và nguyên nhân của những hiện tượng đó. Trong thuật ngữ Phật học gọi thái độ này là nhận chân nguyên nhân của đau khổ và bất toại nguyện
Tỳ kheo Khánh Hỷ
Đã đăng KỲ 5: GIỚI – NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC
http://thiengiuadoithuong.blogspot.com/2015/01/bai-tong-hop-ky-5-gioi-nen-tang-ao-uc.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét